Saturday 13 April 2013

“Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu,"



Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ Tư Phục Sinh năm C 21.4.2013

“Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu,"
“Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.”
(dẫn từ thơ Đỗ Trung Quân)
Ga 10: 27-30
            Vẫn không hiểu và cũng chẳng tin, dù Chúa có nói về chuyện ấy rất nhiều lần. Những lần Ngài nói về chiên đàn, có Chúa chiên được thánh Gioan trình thuật ở Tin Mừng, vẫn rất sáng.
Thánh Gioan hôm nay kể, là kể về một so sánh Chúa ví người Do thái với chiên đàn có Ngài là Chủ Chăn để người người được tặng ban sự sống rất đời đời. So sánh thánh Gioan kể, được đưa vào Tin Mừng Phục Sinh là để tiếp tục chiều hướng có những trình và thuật, qua đó thánh sử nhấn mạnh điều căn bản có liên quan đến mầu nhiệm Vuợt Qua kéo dài mãi hôm nay.
Nhiệm tích Chúa Vượt Qua diễn bày cho mọi người, là sự việc Ngài lướt vượt, trải qua giai đoạn lịch sử trong đó có buổi Tạ Từ, rồi sau đó Chúa chấp nhận cái chết trên thập tự và cuối cùng là sự kiện Chúa hiện diện với các đồ đệ vắng mặt lúc Ngài trút hơi thở phàm trần ở Canvariô.
Ba đoạn đời, Chúa diễn tả ba nhiệm tích cùng một mục tiêu: Ngài gửi Thần Khí đến với mọi người bằng việc chấp-nhận cái chết trên thập-giá và Phục Sinh. Toàn bộ trình thuật thánh Gioan kể, là để kể về lễ hội đỉnh cao mà các truyền thống khác gọi đó là Lễ Ngũ Tuần, tức biến cố Chúa hiện diện nơi mọi người như Chủ Chăn có mặt với chiên đàn, vào mọi lúc.
Cả vào khi Chúa đoan quyết: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ, chúng bị diệt vong, không ai giựt chúng khỏi tay Ta được. Cha, Đấng đã ban cho chúng Ta, lớn lao hơn tất cả mọi sự, và không ai giựt khỏi tay Cha được! Ta và Cha là một.” (Ga 10: 28-30) Đó là ý lực chủ yếu về nhiệm tích Phục sinh của Chúa Chiên, là Chủ Chăn của mọi người từng kinh qua tháng ngày chấp nhận thống khổ với con người để lướt thắng tất cả và đạt đến sự thật Ngài từng nói: “Ta và Cha là một.”
Đức Chúa Vượt Qua mọi chặng đường, đế kết hợp với Chúa Cha trong chuyến trở về mà người thường vẫn gọi là Thăng Thiên. Và, Ngài lại xuất hiện giữa môn đệ trong phòng “khoá trái cửa” vì các thánh “sợ người Do Thái”. Vốn hãi sợ, vì không hiện diện với Thày mình suốt đường trường rong ruổi, nên Thày phải xuất hiện với đeồ đệ Ngài bằng thể thức “Trong Thần Khí” và “bằng Thần Khí”, ngay tức thời.
Bởi, “Ngài với Cha là Một” nên Ngài nói với đồ đệ bằng “thì” hiện tại rằng: Bình An của Chúa ở cùng anh em!” Đây không là lời chào hỏi bình thường giữa người Do thái thời bấy giờ, nhưng đích thị là khẳng định bảo rằng: “Thày-và-Cha-là-Một” nay gửi Đấng Bình An đến với anh em và mọi người. Với lời đó, Ngài chứng tỏ với đồ đệ bằng cử chỉ mà Ngài từng làm vào buổi Tạ Từ, trong đó Ngài nói rõ: “Ta để lại Bình An cho anh em…” (Ga 14: 27) Ngay khi ấy, dân con Chúa cùng đồ đệ được tràn đầy Bình An, tức Niềm Vui Thần Khí, rất trọn vẹn.     
Cả vào lúc Chúa đến với đồ đệ khi thánh Tôma ra ngoài vì công tác, đợi đến lúc thánh-nhân trở về, Chúa lại hiện diện giữa đồ đệ, để Ngài thêm lời khẳng định của thánh Tôma qua câu nói: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!”, tức cùng một hình thức, cũng một thể loại ngôn từ ở đời thường để nói rằng: “Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi! đã nên một, đã là một”. Trở nên một và là một, có mang nghĩa thật rõ nét, tức: Thần Khí Chúa ở giữa Cha và Con. Thêm vào đó, cũng tựa như lúc Chúa sai đồ đệ đi khắp nơi rao giảng, Ngài cũng nói: “Hãy nhận đón Thần Khí của Cha.”
Từ đó, môn đồ Ngài đà hiểu rõ và tin vào nhiệm tích Vượt Qua của Thày là việc mặc-lấy-Sự-Sống-mới ngang qua cái chết là nguồn mạch sự sống; và, sứ vụ rao giảng của các thánh là như thế. Chính đó là Lễ Vượt Qua và cũng là Lễ Hội “Ngũ Tuần” cho các ngài. Chính đó là tình huống và sự thể qua đó thánh Tôma, tuy mang danh là “đấng-thánh-cứng-lòng-tin” cũng được thổi vào người mình theo cùng một kiểu cách nhận đón Thần Khí buổi lễ “Ngũ Tuần” của riêng ông.
Trong bầu khí dọi về cuộc Vượt Qua, Sống Lại và Chúa thổ Thần Khí Ngài đến với tông đồ, thánh Gioan tiếp tục trình thuật bằng đoạn văn cho thấy người Do thái đòi ném đá Chúa có lời đáp của Chúa như: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha giao cho tôi làm; vì lý do nào mà các ông lại đòi ném đá tôi?” Và họ phản bác: “Chúng tôi ném đá ông, không vì việc làm tốt đẹp, nhưng vì lời phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."
Với lời đối đáp ấy, thánh Gioan đã kéo người nghe vào với sự kiện ghi trong Luật, nên đã để Chúa đáp trả thật rất rõ: “Trong Lề Luật của các ông, lại đã không chép rằng: "Ta đã bảo: các ngươi là thần. Nếu được gọi là thần, những kẻ có lời Thiên Chúa xảy đến cho họ, thì sao các người đã được Cha tác thánh và sai đến trong thế gian, lại bảo: Ông phạm thượng! vì Ta đã nói: Ta là Con Thiên Chúa?” (Ga 10: 34-36).
Và, cuộc tranh luận phản bác giữa người Do thái và Đức Chúa, cuối cùng đi đến khẳng định do Chúa nói: “Còn nếu Ta làm, cho đi các người không tin chính mình Ta, thì hãy tin vào các việc ấy, ngõ hầu các người biết và cầm chắc luôn rằng: Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha.” (Ga 10: 38-39)
Tựu trung, vấn đề là như thế. Như thế, tức: Đức Kitô đã kinh qua nỗi chết và sống lại, như Ngài luôn khẳng định Ngài là Con Chiên Thiên Chúa. Chỉ những người thấp cổ bé họng, bị đẩy ra ngoài lề xã hội, mới được Chúa bênh vực và ở với họ. Cùng với họ, Ngài đã và sẽ còn kinh qua cũng như trải nghiệm cuộc sống đầy khích lệ có Thần Khí ở với và ở cùng. Cùng với Chúa, con dân Ngài sẽ nhận ra sự thật rành rành, rằng: Ngài và Cha là một. Trở nên một và có Thần Khí ở cùng.
Cuối cùng thì điểm nhấn mà thánh Gioan muốn chuyển đến mọi người, là: nhận thức về tín thư Thương khó – Phục Sinh bao gồm chỉ một bài thơ. Bài thơ Tin Mừng trải dài từ buổi Tạ Từ, ngang qua cái chết khổ nhục trên thập giá, để rồi thi-ca-thần-học có thêm phần tiếp tục nói về sự hiện diện đầy khích lệ của Thần Khí qua Đức Giêsu, khi Ngài đi vào tình trạng hư vô/trống rỗng dễ vỡ đổ của thập giá.
Trải nghiệm các chặng đường của nhiệm tích Vượt Qua, Chúa vẫn còn đó, có mặt với con dân người phàm, bằng uy lực Phục Sinh, rất trỗi dậy. Uy lực ấy, đã vực Ngài dậy để thành Đấng chuyên chở Thần Khí do Cha gửi đến với ta, qua việc đổ tràn ân huệ cho mọi người. Và sự việc đổ tràn ân huệ xuống và cho con người cũng như việc ở trong và ở với Thần Khí, là hai mặt của nhiệm tích rất giống nhau. Nhiệm tích cứu độ, Vượt Qua lại đã đi vào Phục sinh vĩnh cửu.
Thế đó là ý nghĩa mà thánh sử Gioan muốn truyền cho mọi người qua trình thuật chiên dàn có Chúa Chiên và Cha Ngài là một.
Trong tinh thần cảm nghiệm điều đó, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ đầy ý nghĩa, để hát rằng:

“Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu
Nên, có gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.”
(Đỗ Trung Quân – Chút Tình Đầu)

Tình đầu và tình Chúa, vẫn là thế. Là, thứ tình bền vững qua kinh nghiệm nhiều khổ ải, Phục Sinh Thần Thánh, ít người hiểu. Chỉ mỗi hiểu, khi thánh sử diễn giải nhiệm tích theo cung cách thi ca, vẫn thấy ở đời, rất con người.                  

            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

No comments: