Saturday 13 June 2015

“Em đừng khóc làm gì”,



Suy Tư Tin Mừng trong tuần 12 mùa thường niên năm B 21/6/2015

Tin Mừng (Mc 4: 35-41)

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ:
"Chúng ta sang bờ bên kia đi!"
Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói:
"Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?"
Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển:
“Im đi! Câm đi!"
Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông:
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?"
Các ông hoảng sợ và nói với nhau:
“Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"

“Em đừng khóc làm gì”,
             Cho nước mắt vu vơ
         Dù đôi tay buông xuống
       Chúng mình vẫn tin tưởng,
        Chúng mình vẫn say sưa…”
                    (dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Tin tưởng hay say sưa, vẫn là những tình-tự của con người nơi thế-giới nhà Đạo rất say sưa, nhiều tin tưởng. Hệt như truyện kể ở trình-thuật rất hôm nay.
Trình-thuật hôm nay, Đức Giêsu đã chứng-tỏ cho các vị gần cận, đi theo Ngài để thực-hiện một sứ-vụ rất tin-tưởng, đầy say sưa. Tin, đến độ không còn hãi sợ bất cứ thứ gì, kể cả chết đuối chết chìm giữa cơn phong-ba/bão táp của đời người.
Những tháng ngày đã qua, ai trong chúng ta hầu như cũng đã hơn một lần tiếp xúc với đủ mọi truyền thông đại chúng, rồi sau đó có tỏ-bày một tin-tưởng vào chuyện truyền-thông/vi-tính từng loan-báo. Truyền-thông hôm nay có đủ thứ để hấp dẫn người nghe, người đọc kéo về mà tin tưởng bằng đủ mọi cách. Có những cách, như: hội thoại ba chiều, điện đàm với truyền hình còn gọi là “face time”, hoặc “điện thư phát tiếng”, như Viber.
Đây là thành phần không thể thiếu trong cuộc sống đương đại. Cần thiết đến độ: nhiều lúc, ta không thể bỏ qua những tình huống vật vã khi phải giao tiếp với người đang ở bên kia đường giây điện thọai; cứ phải hét to những điều đã nói đi nói lại trong suốt cuộc điện đàm. Cuộc sống hiện thời là thế đó.
            Cứ tưởng tượng, vào một ngày đẹp trời, Đức Chúa cài đặt  “điện thư phát tiếng” vào hệ thống giao lưu chốn Thiên đường, không hiểu mọi việc sẽ ra sao? Chẳng hạn như, ta đang tập trung cầu nguyện mà lại nghe có tiếng từ trời cao: “Cảm ơn con đã gọi, Ta là Thân Phụ Đức Chúa đây. Con hãy nhấn một trong các nút số sau đây: -Muốn xin điều gì, con hãy nhấn số “1”. -Muốn nói đôi lời cảm tạ, con nhấn số 2. –Nếu chỉ cần tả oán, than phiền một ai, con nhấn số “3”. -Về các chuyện khác, hãy nhấn số “4” cho Cha. Đơn giản, chỉ có thế”.
            Có trường hợp, Đức Chúa hành xử theo lối xã giao thông thường, như: “Xin lỗi con, Cha đang bận giải quyết đôi chuyện cho người anh em của con. Tuy nhiên, lời cầu của con rất cần đối với Cha, nên con hãy chờ đấy, Cha sẽ trở lại nói chuyện với con trong vài phút nữa,”... thì ta sẽ hành xử ra sao?
            Trường hợp tệ hơn, đang điện đàm mà lại thấy có tiếng nhắn, đối đáp như thế này: “Vi tính của Cha cho biết: con đã thầm cầu nguyện như thế đến 3 lần trong suốt ngày hôm nay. Gác máy lên đi con và trở lại gặp Cha ngày mai nhé” ... hoặc “Văn phòng của Cha hôm nay đóng cửa vì là ngày Sabát, con hãy trở lại với Cha vào lúc  “Không” giờ từ Thứ Hai tuần tới, nhé. Hoặc giả, có chuyện gì khẩn cấp cần giải quyết ngay, con cứ đến gặp Linh mục chánh xứ, thầy Imam hoặc các vị Thượng tế trong vùng, cũng được...” Trường hợp nào ở đây cũng đều là gọi-đáp. Khi xưa, xảy ra trong giấc mộng. Hôm nay, qua kỹ thuật viễn thông, vi tính.   
            Bài đọc I và Phúc âm hôm nay cũng đều nói đến gọi và đáp, tương tự như chuyện ở trên. Nhưng được viết theo cung cách giản đơn, thích hợp với hiểu biết của người đương thời lúc ấy. Bài đọc I cho thấy: nhiều người vẫn nghĩ Lời Chúa gọi-mời nói chuyện với chúng ta cũng cùng một cách thức tương tự. Lúc nãy là giọng oang oang, lanh lảnh nhắn ta làm điều giản đơn, nhanh gọn.
Thánh Yoan ghi lại trình thuật theo phong thái giản đơn, tế nhị. Đọc bài ngài viết, hẳn ta đã rõ là các môn đệ tiên khởi cũng được gọi-đáp hỗ tương, hai chiều. Hai bên đối đáp không tỏ dấu bồn chồn, hối hả. Như thánh An-rê tông đồ chẳng hạn. Sở dĩ thánh nhân thuận theo chân Yêsu Đức Chúa là do nghe được lời khuyên của thánh Gioan Tẩy giả. Còn, Simôn Phêrô đến với Đức Kitô lại ngang qua lời truyền miệng của người anh em ruột thịt. Tức, nghe được đề nghị của An-rê, em mình.
            Nói chung, điều mà tác giả các bài đọc muốn gửi đến người nghe hôm nay, chính là: Đức Chúa mời gọi tất cả chúng ta hãy đến mà sống và phục vụ Chúa bằng nhiều kiểu cách và phương tiện. Có thể, vì muốn nắm bắt điều gì xác thực nên chúng ta vẫn mải mê, hy vọng. Vẫn cứ chờ đợi đường lối, chỉ đạo của bậc trên. Những chỉ đạo mang nặng sắc thái bi ai, kịch tính về thánh ý của Đức Chúa. Có người đạt sở nguyện. Người khác thảy đều như Anrê hoặc Simôn Phêrô. Nghĩa là, phần đông đều cảm nhận lời Chúa bằng nhiều cách nối kết hoặc ứng đáp khác thường.
            Tựu trung, chúng ta thường hay chiều theo sở thích, ưa những chuyện ly kỳ, khúc mắc hơn là giản đơn. Nhưng, hãy nên để thời thời gian phụ giúp, kinh nghiệm cuộc đời sẽ tạo đường, chỉ lối dẫn đưa ta đến với phương cách chọn lựa mang nhiều hy vọng, tin tưởng và dễ thực hiện nhất. 
            Phúc âm hôm nay đặc biệt đưa ra một khía cạnh thật đáng khích lệ. Đó là: trường hợp của thánh An-rê tông đồ. Thánh nhân nhất quyết tuân theo những gì Yêsu Đức Chúa mời gọi. Thánh nhân đã sống trung thành với quyết định của mình. Ông nhận ra rằng đồng hành với Đức Yêsu là hành trình trải dài theo năm tháng. Để rồi chung cuộc, nhờ biết đáp ứng một cách tích cực, nên thánh nhân đã trở thành vị tông đồ rất chăm; chuyên lãnh vai trò tuyển mộ đồ đệ của Đức Chúa một cách kiên trì, bền bỉ.
            Ngày nay, lời kêu gọi đối đáp mà Đức Chúa gửi đến chúng ta mang dáng dấp hơi khác thường. Thay vì mải mê tìm kiếm nơi chốn Đức Chúa ẩn mình trú ngụ, ta lại có nhiều cơ may hơn để cảm nghiệm cuộc sống “rất riêng“ của Ngài. Cảm nghiệm được như thế, tức là ta đã mời Ngài thiết lập cơ ngơi đến thường trú với ta trong cuộc sống miên trường. Dù cho, sự thể có biến đổi đến thế nào đi nữa, rồi ra mọi việc sẽ diễn tiến theo cùng kiểu cách; nghĩa là, cũng có gọi-đáp, không khác khi trước là bao.
Tựa như Samuel, An-rê và Simôn Phêrô lúc xưa, chắc chắn lời ứng đáp của ta với điều Chúa kêu mời phải dẫn đưa ta đến được mục tiêu Ngài muốn. Thái độ của ta chắc cũng không khác gì các đồ đệ của Đức Chúa hôm trước. Thực tế cuộc đời cho thấy: tất cả các lời mời gọi và ứng đáp đều kéo theo cái giá của nó. Và, cho dù với giá nào đi nữa, chúng ta cũng đều phải trả. Có thể chỉ là việc cỏn con, đột xuất. Cũng có thể bằng một giá phải trả, rất đắt.
            Ứng đáp lời mời gọi của Chúa qua Đức Kitô không phải tất cả mọi người, dù thờ ơ hay sốt sắng, ai cũng có thể thực hiện được. Không phải ai cũng cậy sức mình, những tưởng sẽ hoàn thành việc ứng đáp lời mời của Đức Chúa trong nháy mắt.
Ứng đáp là việc nhiều khi không đơn giản. Nó đòi hỏi nhiều quyết tâm nơi người đáp ứng. Quyết yêu kẻ thù của mình; quyết lo cho nền hòa bình chân chính; quyết thứ tha những ai sai phạm điều gì với chính mình, gia đình mình. Đặc biệt hơn, quyết biến cải thế giới này thành nơi tốt đẹp cho mọi người cùng sống. Sống trong công bằng. Sống hạnh phúc.
            Trong cuộc sống thường nhật, muốn ứng đáp cho phải Đạo, thường vẫn buộc ta phải trả một giá khá đắt. Đắt vì quanh ta có nhiều thứ mời mọc hấp dẫn hơn, ở nơi nào đó... khiến ta cứ mải mê săn tìm. Ứng đáp lời mời gọi của Đức Chúa là việc cần làm. Ta chỉ việc nối đường giây rất gọn với cội nguồn của sự sống, rất hấp dẫn. Bởi,  nguồn cội này sẽ đem cho ta nhiều ý nghĩa lớn lao hơn. Có đáp ứng với lời mời gọi từ nguồn sống như thế, sẽ nối kết chúng ta vào với thế giới hôm nay. Nối kết với vương quốc của Đức Chúa trong mai ngày.
            Suy cho cùng, cuộc sống bao giờ cũng dẫy đầy những cuốn hút, mời mọc. Vấn đề là: ta có đủ tỉnh trí để nhận ra được lời mời gọi nào là chính đáng, lời nào viển vông. Khi đã nhận ra lời mời chính đáng rồi, việc còn lại phải là: ta có đủ tỉnh táo để đáp ứng cho phải phép không? Hoặc vẫn cứ lơn tơn như người tiền sử, chẳng bận tâm gì đến thông số, điện toán. Chẳng thiết tha đến việc bấm số trả lời khi Đức Chúa vẫn gửi “điện thư phát tiếng” cho mỗi người và mọi người. Trong từng cộng đoàn lớn nhỏ.
            Suy thế rồi, ta ngâm lại những lời thơ còn-đó-nỗi-buồn, rằng:

            “Dù quanh chúng mình chỉ là những hàng rào đố kỵ
            Giữa một đêm không trăng,
            Giữa một lòng chiều không đáy,
            Em đừng khóc làm gì
            Cho nước mắt vu vơ…”
            (Nguyên Sa – Bài Thơ Ngắn)

            Thơ có ngắn, cũng nói lên được những điều mà truyền-thông/vi-tính lâu nay vẫn muốn nói bằng đủ mọi phương-tiện. Phương-tiện ấy có là điện-thư phát tiếng hoặc điện đàm có truyền hình, nhất nhất đều bảo nhau:

            “Dù đôi tay buông xuống
            Chúng mình vẫn tin tưởng,
            Chúng mình vẫn say sưa
            Chúng mình vẫn nhìn vào mắt nhau
            Để mở chân trời rất rộng…”

            Chân trời ấy, hôm nay, lại là niềm tin không vu vơ. Không hàng rào đố kỵ. Nhưng vẫn tin nhau như từng tin vào Đức Chúa, rất Giêsu là Thầy mình.

            Lm Richard Leonard sj 
Mai Tá lược dịch

No comments: