Saturday 16 January 2016

“Ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế,”



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 3 thường niên năm C 24/01/2016

Tin Mừng (Lc 1: 1-4, 4: 14-21)
Thưa ngài Thêôphilô đáng kính,có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học thật là vững chắc.
Khi ấy, được quyền năng thúc đẩy, Đức Yêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Yêsu đến Nazarét, à nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Ysaya. Người mở ra, gặp đọan chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn . Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Yêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội-đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe.”


“Ngoài đời thơm phức những trái cây
của Thượng Đế,”
                                                  (Dẫn từ thơ Thanh Tâm Tuyền)

Chú bé 9 tuổi tên Nho được mẹ hiền gặn hỏi xem bé học được những gì ở nhà trường, môn giáo lý. Nghe mẹ hỏi, bé tíu tít nói vội vàng: Mẹ, cô ở trường có kể cho tụi con nghe rất nhiều chuyện Chúa làm. Sao con thấy chuyện nào cũng đẹp như phim tập, đó mẹ. Cô bảo thế này: Chúa cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của lính Ai Cập chuyên hà hiếp dân lành Do Thái. Chúa cứu họ bằng cách cho ông Mô-Sê, xuất hiện ngay sau lưng địch, mà địch không hay.
Kế đó, ông Mô-sê đem dân Do Thái tới Biển Đỏ an toàn xa lộ, không ai bị đói. Thế rồi, ông lại truyền cho các kỹ sư bắc một cây cầu thiệt to, cao ơi là cao, đặt ngay phía trên đỉnh đầu của mọi người. Và rồi, dân Do Thái ai cũng qua được cầu, mà không bị gì hết. Kế đến, ông dùng di-động gọi về cho tổng hành dinh, kêu máy bay yểm trợ.
Thế là, họ gửi máy bay đến um sùm trời đất, bắn phá tơi bời. Và, cầu bị sập ngay lập tức. Làm chết đám lính Ai Cập. Bọn lính chết sạch, không ai kịp trăn trối với vợ con. Trong khi đó, dân Do Thái cứ ung dung sống an nhàn, thảnh thơi. Mẹ thấy có khủng khiếp không! Bà mẹ ngắt lời: Này con, con kể có đúng như cô con dạy không đó? –Con nói thiệt đấy. Đúng rồi đó, mẹ. Con chỉ thêm có chút xíu cho nó giống phim Hàn Quốc, thôi. Chứ, kể dài như cô  ở trường, mẹ nghe chỉ có nước ngủ gục, chứ ai mà tin những điều cô kể!…
Vâng. Nhìn cảnh anh em đồng Đạo chia rẽ bất đồng vì cách dạy giáo lý từ nhiều thế kỷ, thấy ái ngại. Làm sao có thể cảm nhận “những thơm phức hồng ân ơn cứu độ” Ngài ban cho, chứ? Quả là, nhiều thế hệ về trước,nhằm bảo vệ nguồn chân lý trong Kinh thánh, ta vẫn được dạy: mọi điều ghi trong Kinh thánh đều do Thần Linh Chúa đọc cho các thánh viết.
Trên thực tế, lối viết của mỗi thánh sử như: Mátthêu, Mác-cô, Luca và Gio-an, vẫn chỉ là cách thức đơn lẻ mỗi vị biểu tỏ “những thơm phức của Hồng ân Cứu độ” theo cảm nhận riêng, của mỗi vị mà thôi.  
Hôm nay, Giáo hội khởi loan Tin Vui của Đức Chúa bằng trình thuật ban đầu do thánh Luca ghi. Qua giòng chảy, thánh sử Luca minh định rằng: ngài chỉ viết những điều được Thánh Thần Chúa mặc khải cho mình. Để từ đấy, ta nhận ra: trình thuật hôm nay là thư tâm tình gồm hai phần chủ yếu gửi đến một người, vừa là bạn thân vừa là đệ tử, ngài Thêôphilô đáng mến.
Theo truyền thống, phần đầu thư là Tin Mừng theo thánh Luca. Và kế đến, là sách Công vụ Tông đồ. Ở cả hai, thánh nhân tuyên dương chúc tụng công việc của Vĩ Nhân Số Một, thuộc mọi thời. Đồng thời, ngài cũng ghi lại các thành tựu Chúa làm trong quãng thời gian Ngài ở với dân con, nơi trần thế. Thành tựu đây, là: công trình rất thân quen xảy đến với La-Mã vào thời cổ, nơi chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp, thời buổi trước.
Thánh Luca nhận ra trách vụ phải viết sao để người đọc hiểu “chương trình cứu độ” của Chúa. Và ngược lại, người đệ tử của thánh nhân là Thêophilô cũng biết rõ cách đọc ý định của Chúa, qua điển tích. Trình thuật thánh Luca ghi, nhất định không phải là nguồn nhu liệu thu thập lại chi tiết lịch sử rất thật về cuộc sống của Đức Giêsu, chốn gian trần mọi chi-tiết. Bởi nếu không, sẽ chẳng hài hoà như Tin Mừng nhất lãm do các thánh sử khác viết.
Thật ra, về hình thức, mỗi thánh sử tích lũy nhu liệu theo cung cách riêng tư, của mỗi vị. Và, quan điểm mỗi người về các chi tiết hệ trọng, tuyệt nhiên không thuần nhất, giống nhau.      
Là tín hữu Đức Kitô, ta tin Thánh Thần Chúa dẫn dắt các thánh sử, khi các ngài ghi chép dấu tích nguồn sử liệu. Và, Thánh Thần Chúa cũng soi sáng để khi thuật ghi Tin Mừng, các ngài biết chọn nguồn sử liệu; để, chi tiết về “chương trình cứu độ” của Chúa, tuyệt nhiên không hề sai sót. Và, cuộc sống hài hoà của tín hữu Đạo Chúa ăn khớp với “chương trình cứu độ”, là mục đích của Tin Mừng, coi như chứng-tích niềm tin của Giáo hội.
Thế nên, đây không phải là giòng chảy chi tiết các sự kiện theo nghĩa đen lịch sử. Đây là sử sách ngàn năm về một Chân lý đích thực. Tức, những điều mà nhà thơ ở trên nhận xét: “thơm phức những trái cây Hồng ân của Thượng Đế”. Khi biên tập giòng chảy cứu độ, thánh Luca hiểu rằng ngài Thêôphilô, là bạn và là đệ tử của thánh nhân, được bảo cho biết về đường hướng cứu độ, nơi Đức Kitô.
Và, thánh nhân cũng xác tín rằng: sự thật lịch sử về đường hướng cứu độ thực hiện nơi mỗi người, chính là kinh nghiệm mà thánh nhân đạt tới.
Tin Mừng hôm nay, vẽ lên bức chân dung rất thật, rất khởi sắc và thân tình về Đức Kitô. Qua đây, thánh sử trân trọng gửi đến với hết mọi người, ở mọi nơi, một thông điệp ngàn năm, không nhạt phai. Nếu phải dùng ngôn ng đời thường hôm nay, hẳn tác giả cũng sẽ chua thêm những cụm từ hỏi han, như: “Thế nào, s việc đến đâu rồi?”, hoặc: “Hãy nói thẳng và đưa ra quan điểm của mình”…
Chúng ta cũng thế. Là con Chúa, và là miêu duệ của những Luca, Thêôphilô cùng cộng đoàn kẻ tin thời tiên khởi, ta thừa hưởng một truyền thống, rất chân tình. Rất thân thương. Truyền thống thẳng thắn và chân tình ấy, đưa ra ngay về phía trước, những gì chúng ta được mời gọi đến thực hiện. Gọi đó là “Chương trình” đề ra cho ta, mỗi người. Rất thẳng thắn. Rất chân tình như thưở nào.
Và, cũng dễ nhận biết. Đó là: ta được mời gọi cùng với Giáo hội đồng hành đến với đám dân nghèo/hèn. Được mời, để ra đi giải thoát những người còn bị cầm buộc. Được mời, để tiếp tay nhau trong tranh đấu chống trả mọi áp bức khổ đau, vẫn còn ở nhiều nơi.
Đồng thời, ta có trọng trách thực hiện điều khác nữa: quyết tâm thăng tiến hết mọi người. Cả người cận thân, cũng như người cận lân. Thăng tiến, để tất cả dám đối đầu trực diện với những gì mà mọi người cứ lánh mặt, làm ngơ cứ lờ tảng chẳng muốn nhúng tay vào chuyện gì, cho thêm phiền. Thăng tiến, là khích lệ mọi người dám ra đi công bố hồng ân của Thiên Chúa. Ra đi, còn để biểu lộ: chẳng ai xa vời tầm tay yêu thương cứu độ, của Đức Chúa.
Đòi hỏi của trọng trách ở trên, dù có cao xa vời vợi hay ít thực tiễn, vẫn không là chọn lựa có thêm. Thêm, như chuyện bên lề. Đòi hỏi của trọng trách đây là lựa chọn căn bản, thực tế cho dễ thành hiện thực. Đó là, trọng trách loan truyền “những thơm phức cây trái hồng ân của Thượng Đế”. Trọng trách này, vừa là quà tặng vừa là bổn phận gửi đến mỗi kẻ tin.
Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Đó là ý hướng của chương trình hành động, cho mọi người. Hãy ra đi chuyển đổi thế giới nhân trần, nơi ta sống như Đức Chúa vẫn mời gọi. Đó là chân lý. Chân lý, là ra đi loan truyền Tin Mừng Cứu Độ của Chúa ta sẽ thấy ở nơi đây, có Chúa ngự trị.

Lm Richard Leonard, sj  biên soạn
Mai Tá lược dịch.

No comments: