Saturday 5 November 2016

“Địa-chấn phương nào, bão táp xưa,



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 33 thường niên năm C 13/11/2016

Tin Mừng (Lc 21: 5-19)

Một hôm, nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?"

Đức Giêsu đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

"Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

“Địa-chấn phương nào, bão táp xưa,
Còn dâng trong huyết quả sa mù.
Kề vai mưa gió nhoà hoang đảo,
Tình chết dần sau mỗi giấc mơ.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Thơ đời hôm nay tựa giấc mơ. Giấc mơ hay mộng những não nùng. Địa-chấn, sa mù những bão táp. Tựa hồ tình chết  dần mòn sau giấc mơ.

Giấc mơ hay sự thật trong đời, vẫn là những tình-tiết cả một đời người qua đó Đấng thánh hiền từng khuyên răn thầm nhủ về một đời có những bão táp, mưa sa, nhà nhà đều kinh khiếp.
 
Một trong những chuyện khiến ta giật mình đến khiếp sợ, là: nhận định của ai đó trong giới lãnh đạo Công giáo Mỹ, đã phát biểu ngay sau sự kiện 11 tháng 9, bảo rằng: “Chúa quay lưng lại nước Mỹ rồi, vì ta đã quay lưng trước, cả với Ngài”. Đáng sợ hơn, có người còn bảo: “Sở dĩ Chúa gửi đến với ta những hiện tượng khổ đau âu sầu như thế, là để đánh thức cho ta sống phải phép mà về lại với Ngài.” Nhiều vị còn tiến xa hơn, dám tuyên bố rằng: “Vụ 11 tháng 9 cho thấy con người đang sống những tháng ngày cùng tận của thời đại.”

Thật ra, mọi người đều có quyền phản ứng rất khác nhau, trước các sự việc gây buồn rầu, sầu khổ. Thế nên, khi thiên tai/thảm hoạ, sự xấu xảy đến với mình, nhiều vị vẫn cứ hỏi: “Sao Chúa để sự xấu xảy đến với tôi, như thế?Ngay như thừa tác viên, là người hiểu nhiều về Đạo Chúa hơn ai hết, lại càng không nên quay về với thần học xấu để rồi tạo cho mình chính kiến/xã hội nào đó. Để rồi, đem đến cho kẻ tin là chúng ta những ý tưởng xấu xa, mà đặt tên cho thiên tai, đau khổ.

Tôi biết rõ, nhiều người thích đoán già đoán non ngày xảy đến buổi thế tận, kết thúc cuộc sống. Nhất thứ, là khi xảy đến các hiện tượng như: sóng thần/động đất, phong ba/bão táp, hoặc thiên tai/dịch vật, là y như rằng sẽ có người cứ làm như tiên tri với ngôn sứ: “Cuối cùng tận thế đến nơi rồi, hỡi bà con ơi!” Cứ nhớ lại mà xem, ngày bà con mình bước vào thiên niên kỷ mới, tức năm 2000, hẳn sẽ rõ. Có vị chẳng rõ niên lịch ta dùng có chỗ sai sót rất dễ thấy. Cụ thể như: năm 2000 đáng lý ra phải xảy đến trước đó những 4 năm, tức vào năm 1996. Và, sự thật về ngày thế tận đã không xảy đến như mọi người dự tưởng. Có vị còn chơi khăm, dám dùng bài Phúc âm hôm nay để gọi đó là chứng cứ làm bằng cho điều họ quả quyết.

Rất may, là: đến nay, ta vẫn chờ ngày tận thế thật đấy, nhưng chưa đến. Một điều khác đối với các tiên tri nhà vườn, tức những người cứ bảo rằng: “một ngày nào đó, những gì họ tiên đoán, rồi cũng xảy ra thôi”, thì: với tài liệu sử sách ta có, đã cho biết: vào thời của Chúa, dân Palestine cũng đoán mò mà cho rằng thế giới sẽ kết tận, rất mau chóng. Thật ra thì, những người như thế vẫn có lý để nghĩ thế, bởi họ cứ bị đoàn quân viễn chinh La Mã bách hại và đất nước họ bị sâu xé. Thế nên, ai cũng có quyền để có cái nhìn như thế. 
                 
Trình thuật hôm nay là đoạn viết trong đó Chúa nói với những người mất đã hết niềm tin lẫn tinh thần, nên mới hy vọng và tơ tưởng rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua đi. Trong tình huống rất quẫn như thế, hễ ai vớ được tấm ván hy vọng nào cũng đều đặt trọn niềm tin của mình vào nơi đó. Bởi thế, Chúa đem đến cho mọi người niềm hy vọng rất đúng đắn về niềm thủy chung Chúa quan tâm, cả khi ta gặp nhiều khổ đau, âu sầu, tan nát.

Ta được bảo: hãy chống chọi mọi thử thách mọi tuyệt vọng. Chớ đặt tin tưởng vào những gì hoặc người hoặc thể chế nào mà ta nhìn thấy hoặc dễ bắt chụp. Trái lại, cũng đừng sợ, hãy cứ hiên ngang mà đứng vững với niềm tin và hy vọng. Cả khi chuyện xấu có xảy đến với người lành thánh, hoặc đến với ta đi nữa, ta vẫn còn có chọn lựa. Có thể là ta sẽ chào thua, bỏ mặc cho đau buồn, phiền muộn, tuyệt vọng, tha hồ tự tung tự tác. Có thể là, một số người trong ta sẽ sống dai sống dài dài, chẳng bị hề hấn. Điều này cũng dễ hiểu. Nhưng, ta vẫn có thể chọn hy vọng.

Với người tín hữu Đức Kitô, hy vọng chẳng bao giờ mang dáng dấp của tấm ván giữa giòng, không bám víu thì cũng chết. Cũng chẳng là, cứ nhoẻn miệng cười toe toét, rồi sẽ khá. Thánh Âu-tinh có lần từng minh định rằng: “Hy vọng đặt nền tảng trên sự công bằng được Chúa ban cho thế giới nhân trần, sẽ thực hiện thấy rõ, ở đời sau.”

Có điều lạ, là: một trong các dấu hiệu được Chúa đề cập đến ở bài Phúc âm hôm nay, là ôn dịch và đói kém. Từ bao năm nay, ta được bảo rằng: nếu mọi người đều sống chính đáng rất công bằng, biết san sẻ những gì mình có thừa, chắc chắn mọi nạn đói kém trên trần gian, đều chấm dứt. Nhưng trớ trêu thay, ta lại chọn điều trái ngược rồi đôi lúc, lại còn đổ hết mọi tội cho Chúa lãnh.

Thánh Tôma Akinô lại dạy: hy vọng, sánh đôi với niềm tin và lòng thương yêu, là một trong những đầu nhọn của mỏ neo gắn chặt niềm tin nơi Đạo Chúa. Cho dù sóng có đổ dồn, biển có ào ào rúng động, dù xác phàm của ta có bị gió chướng quăng quật, tung ném đến thế nào đi nữa, thì mỏ neo kia vẫn cứ gắn chặt con người ta vào với Chúa, cho đến khi biển êm, sóng lặng. Hy vọng là như thế. Vẫn cứ ghì chặt mọi người. Vẫn cứ đến, mỗi khi ta cần.

Trình thuật hôm nay, không đề cập đến thời khoá biểu của những thiên tai, sầu hận, khổ đau. Nhưng, Lời Chúa khuyến khích ta hãy thả neo hy vọng mà dừng lại mỗi khi con thuyền cuộc đời gặp cơn phong ba, bão táp. Cầu mong sao Tiệc Thánh hôm nay giúp ta tiếp tục chọn hy vọng mãi cho đến phút cuối cùng của thời đại, đời người.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược-dịch


No comments: