Saturday 1 April 2017

“Mây vẫn chưa về gom bớt nắng,



Suy Tư Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá năm A 09/4/2017
Trần ai đông lắm kẻ si tình.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Kẻ si tình, còn đông lắm ở đâu đó, vẫn chưa về gom bớt nắng thành mây. Mây oan khiên. Mây hận thù. Như, tâm tình diễn lộ ở trình thuật rất thương khó, luôn có Chúa.

Trình thuật nay, tuy mang tựa đề Bài Thương Khó của Đức Giêsu, nhưng vẫn không là chuyện khó thương với con người. Chí ít, là thương tình Chúa chấp nhận một khổ nạn. Thương tình người sầu não suốt canh thâu. Khổ nạn Chúa lĩnh nhận cả một đời, nhờ Ngài mặc lấy thân phận con người, ở trên đời. Khổ nạn một đời, không chỉ kéo dài mỗi 33 năm, tựa giây phút rất chóng qua.

Khổ nạn Chúa chịu, khởi sự từ thôn làng nhỏ bé rất heo hút vùng Galilê, đi qua Capharnaum chốn địa bàn làm nền và trải rộng khắp quê nghèo hẻo lánh, để rồi Ngài lại về Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, chóp đỉnh một đại cuộc hùng tráng, rất Kitô.

Trình thuật Vượt Qua, ta quen gọi là Lễ Lá, đưa dẫn người nghe đi vào truyện kể rất thương tâm và kết cục bằng nỗi chết nhục trên thập tự. Là trình thuật, nên bao giờ cũng có trình và có thuật về những sự kiện lớn xảy đến với Chúa. Sự kiện lớn, là trình thuật cứu độ Chúa vượt qua nỗi chết rất hoàn tất để rồi Ngài sẽ trở về với Sống Lại vinh quang, rộn rã rất Mêsia.

Vượt Qua, là lễ hội đình đám có tới 400,000 người đến từ miền Đông đất nước, vượt qua thung lũng khô cằn, tay họ cầm cành lá vừa đi vừa múa hát để còn nhớ lại biến cố gian khổ ở sa mạc. Vượt, để rồi sẽ qua một khổ nhục cũng rất “người”, hầu khắc phục và đến với vinh quang toàn thắng bằng lễ hội, rất Giêrusalem. Lễ hội Vượt Qua kéo dài những hai tuần lễ với các nghi thức uy nghiêm, khởi sắc mà đón chào Đức Chúa quang lâm, hiển thánh.

Tham dự Vượt Qua, người người đều hiểu Đức Giêsu đem đến cho họ Vương Quốc Nước Trời, có muôn người. Vương Quốc của Ngài, khác mọi vương quốc ở trần gian, hơn cả vương triều Hêrôđê, Xêda hay tất cả vua quan/lãnh chúa, rất độc đoán. Vương Quốc Ngài đem đến, là lời hứa đưa họ thoát khỏi xiềng xích nô lệ, khó nghèo, tật bệnh, tức trái nghịch với mọi vương quốc chốn gian trần.

Vương Quốc Nước Trời, là “Lời” quyền phép, có sức thuyết phục người La Mã phải lắng tai nghe. Họ vốn nghĩ, chỉ có vương quốc của họ với 25 đạo quân hùng dũng mới là vương quốc thực thụ. Để rồi, khi nghe Chúa nói về Vương Quốc Nước trời, mọi người mới vỡ lẽ ra là quyền bính ở dưới thế, chỉ là phó bản của hệ thống tham tàn, độc ác, nhiều chết chóc. Đại diện cho hệ thống này, xuất phát từ trời Tây rất lẫy lừng, theo sau là đám công hầu khanh tướng rất kênh kiệu, ngạo mạn. Tên của họ là những Cai-Pha, Philatô hoặc gì gì đi nữa được nhấc nâng để bách hại đám dân hiền phải đóng thuế cho ngoại bang, rất La Mã.

Hệ thống vương quyền tạm bợ chỉ muốn tìm chứng cứ để thuyết phục kẻ nắm quyền mà ra lệnh hành quyết Đấng Nhân Hiền dám chỉ trích tính xấu của chế độ. Và, chỉ cần một vài tố giác của chúng dân hoặc của tư tế đoàn nhũng lạm cũng đủ để vị thống đốc tàn ác như Philatô sử dụng nó mà kết án Chúa. Kết án rồi, còn giao cho lý hình hành quyết Ngài bằng giải pháp êm thắm như y vẫn từng làm, là: bỏ đói phạm nhân trên thập tự bằng gỗ giá, ở Gôlgôta.

Treo phạm nhân trên thập tự, là trò chơi do những người phò Philatô lâu này từng nghĩ ra, là để hạ nhục và cảnh cáo những ai muốn nhân cơ hội mà chống đối, hoặc bất đồng. Đó là khổ nhục kế rất dễ nể mà ngành kịch nghệ La/Hy chưa kịp nghĩ đến.

Treo phạm nhân trên thập tự, là trò đời để làm nhục phạm nhân ngay từ đầu, như luật Torah Do thái từng ghi chép. Là, phương cách bách hại/hành hình rất hữu hiệu được kể trong sách Đệ Nhị Luật. Và, là qui cách mà toàn dân cùng dư luận quần chúng vẫn chấp nhận, từ thời đó.

Trường hợp của phạm nhân Giêsu, kẻ chủ mưu cuộc bách hại rất công khai còn sử dụng để hành hạ Ngài đến mức độ siêu đẳng, bằng cách đưa đem Ngài ra khỏi môi trường thánh thiêng, quen thuộc ở trong thành. Treo thân xác Ngài ở ngoài thành rồi đóng đinh, rồi còn nhục mạ danh tánh Ngài ở trên đó bằng các tiếng Latinh, Hy Lạp và Do thái, là cách nhục mạ và xoá tên Ngài khỏi sổ bộ đời. Tức, một hình thức trừ khử rất khốn khổ mọi hậu hoạ, để mọi người không ai còn biết đến nữa. Làm như thế chính Ngài lại đã tự giải thoát theo cách mà kẻ chủ mưu bách không nghĩ ra.

Chính vì thế, hôm nay, dân con/đồ đệ Ngài đã có lý để nguyện cầu mà nói lên sự thật còn tiềm ẩn qua tuyên tín: “Tôi tin Đức Kitô chịu nạn chịu chết trên thánh giá.” tức bảo là: tôi tin vào Đấng đã bị người đời hạ nhục và làm khổ. Nhưng Ngài hoàn toàn tự do, không còn bị quần chúng hoặc đám người “tự tung tự tác”, “xưng hùng xưng bá” của thể chế chính trị nào đó vẫn muốn hạ nhục Ngài.

Nói lời tuyên tín rất chắc nịch, cũng là nói lên sự tin tưởng vào Đấng tìm ra được sự tự do giải thoát chính Ngài khỏi mọi hệ lụy của đời người. Tìm ra tự do, để lại trở thành chính con người Ngài. Nói lời tuyên tín rất chân thật, là tuyên bố với tất cả sự xác tín mà rằng: chính tôi đây vẫn muốn sẻ san nỗi khổ nhục Ngài từng chịu. San và sẻ sự tự do qua kinh nghiệm đầy tràn về khổ hình nhục nhã trên thập giá. Và, đó chính là niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.

Cũng vì thế, thánh Phaolô mới nói với dân con đạo hữu ở Galát, rằng: “Tôi sống đấy, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện tôi sống kiếp phàm nhân (khổ nhục) Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi.” (Gal 2: 20).

Với giáo đoàn ở Corintô, thánh nhân còn nói:“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình sự khổ nhục của Đức Giêsu, để sự sống của Ngài được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Ngài cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.” (2Cr 4: 10-11)

Nói thế, thánh nhân có ý bảo: chúng ta đều bị khổ hình hạ nhục vì dư luận quần chúng, như Đức Kitô từng trải nghiệm. Đã bị hành hạ rất khổ nhục, rồi còn bị coi là đồ vô dụng. Nhưng, ta có tự do như Đức Chúa của ta từng có. Ta tự do như Ngài, và với Ngài, để được Ngài kết hợp ta vào với Cha Ngài là Đấng rất tự do. Đấng Chúa tể của tự do, mọi người biết đến. Điều thánh Phaolô muốn nói, là: ta được san sẻ cùng một khổ hình nhục nhã của Đức Kitô để sự tự do của Ngài mới đích thực ở với ta, và trong ta. Ta sẽ không còn sống theo kiểu quần chúng a dua nhưng sẽ sống theo đường lối Chúa đã sống.

Có thể là ngôn từ ta sử dụng không nói hết được sự thật, nhưng ta cũng hiểu được những sự rất thật ấy. Sự rất thật, là: trong cuộc sống của mỗi người và mọi người, thường vẫn có những khổ giá, nhục hình và đóng đinh. Cuộc sống bị dư luận quần chúng là cho khô cằn, theo kiểu cách rất cằn khô của họ. Tất cả những thứ đó đều gọi là nỗi khổ nhục. Và, ngay trong khổ nhục, mọi người chúng ta đã tìm ra được tự do. Tự do, ta có là do khổ nhục của thập giá. Có được tự do ấy rồi, ta sẽ thong thả lĩnh hội ơn Sống lại, như Đức Kitô đã sống lại từ nỗi chết. Bởi lẽ, chấp nhận thanh tẩy là ta tự dìm mình trong khổ nhục của Đức Kitô. Và từ đó, cùng trỗi dậy và sống lại với Ngài, trong tự do.

Theo chân Chúa để “vượt qua” nỗi khổ nhục Ngài chịu trên thập giá, ta cũng mặc vào người mình niềm hy vọng bao la. Hy vọng, là thu tất cả dân con/đồ đệ của Ngài vào một mối. Mối ấy là hy vọng và tin chắc rằng mình cũng sẽ sống lại, cùng với Chúa. Bởi, mọi khổ nhục của khổ giá cuộc đời đều sẽ kết cuộc bằng sự sống lại rất vinh hiển, Chúa đã hứa.

Trong hy vọng sống lại với Chúa, ta hân hoan ngâm tiếp câu thơ trích dẫn ở trên, rằng:
“Chiều em vui quá, thuở vàng son
Ta bỗng lang thang khắp ngả đường
Ta đi cho hết thời oanh liệt
cho thấu một trời đau đớn riêng!”
(Nguyễn Tất Nhiên – Thục Nữ)

Trời đau đớn, nay đã hết. Thay vào đó, là “thuở vàng son vui quá”, đã sống lại bằng tình thân Chúa hướng dẫn suốt cuộc đời, để người người được vui ngày Chúa “gom mây về cho bớt nắng”. Nắng khổ nhục, nắng đau thương cả một đời.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

No comments: