Monday 5 March 2018

“Anh lánh mùa xuân, nép cửa sầu,”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 4 mùa Chay năm B 11/3/2018
Tin Mừng (Ga 3: 14-21)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.
“Anh lánh mùa xuân, nép cửa sầu,”
“Đêm nằm ghe gió, lạnh canh thâu.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
     Cửa sầu anh nép, cơn gió anh nghe suốt canh thâu, kể thì cũng lạnh bởi anh cứ sống theo khuôn phép âu sầu kiểu cổ xưa. Nhà Đạo mình, nay chỉ cho anh cung cách giản đơn để anh vui, với trình thuật.
     Trình thuật thánh sử nay ghi, là ghi về tin rất mừng Chúa Yêu Thương thế giới/thế gian, biết chừng nào. Chúa rất yêu trần thế, nhưng ta lại cứ hỏi: Chúa có chấp nhận lối sống thế trần của ta không? Và cung cách nguyện cầu kiểu người trần có làm Chúa bận tâm mà lắng nghe không? Đó chính là vấn đề mà Hội thánh nay cần đặt lại, chứ đừng noi theo cổ tục lập đi lập lại theo kiểu xưa cũ chẳng có gì đổi mới.
     Đan viện phụ Armand Vielleux nước Bỉ có lần từng nhận định:“Nhờ Công Đồng Vatican II, mà Hội thánh không còn lên án thế giới đương đại nữa. Từ khi ấy, thánh hội nay đã biết mở rộng lòng mình, ít nhất là trên nguyên tắc, để đối thoại với thế gian ở ngoài đời. Từ bấy đến nay, lại thấy Hội thánh cứ xử sự khá tiêu cực với trần thế. Đấy là cung cách của thánh hội coi thế trần như một thất bại, hết đường chữa. Bởi thế nên, đôi lúc Hội thánh cũng trở lại tác tạo Đạo Chúa theo cách thúc đẩy mọi người lánh xa thế giới bên ngoài để rồi phủi tay với trách nhiệm về những ảnh hưởng liên luỵ với con dân của mình. Nhiều vị giống như tôi, vẫn tin rằng: Hội thánh được bảo ban/ủy thác làm men sống trong đống bột là cốt để khuấy động/vực dậy thế giới. Có như thế, mới tạo nên không chỉ một giáo hội có canh tân mà cả xã hội cũng được đổi mới nữa. Xã hội, là hội của nhóm người sống ở thiên niên kỷ thứ ba, cũng rất mới.”
     Nhiều người cứ tưởng mình vẫn “kiếm tìm”Chúa bằng cách tạo lối sống lành-thánh thoát ảnh hưởng có từ thế giới trần tục, rất ở ngoài. Họ tưởng, có làm thế mới giúp cho thế giới đến gần Chúa hơn! Họ cũng tưởng, họ đã tìm Chúa, nhưng chưa gặp. Nên, cứ nghĩ rằng Chúa của “mình” đang ở đâu đó, cũng gần thôi. Nhưng lại không biết rằng, các đấng nhân-hiền thánh-thiện nay tỏ rõ: ta chẳng nên tìm Chúa theo kiểu cổ xưa. Bởi, chính Chúa đã gặp mọi người ngay trong đời mình mà người xưa vẫn gọi đó là thế giới gian trần.
     “Chúa của mình” cũng có cảm nghiệm sống, giống như ta. Ngài không kiếm tìm Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn có chức năng Cha trao phó, ngõ hầu giúp Ngài thực hiện thành công sứ vụ cứu độ. Kinh nghiệm dân con Chúa, cũng thế. Các thánh-nhân hiền-lành đều rõ: kiếm tìm Chúa, không là việc phải lẽ/đúng đắn để tả cho Chúa biết nơi mình sống, và hành xử. Mà, chính Chúa tìm gặp hết mọi người qua đời sống hằng ngày của họ. Và, Chúa vẫn đổ tràn trên con người mọi ơn lành qua những sự thể bé nhỏ ở đời. Lúc nào Ngài cũng hiện diện với mọi người, mà con người không biết, đấy thôi.
     Thời của Chúa, dân chúng sống theo cung cách mà người thời đó gọi là thế giới tốt lành, có nghi tiết phụng thờ,suy tôn, tế tự. Nhưng buồn thay, trọng tâm cuộc sống của người thời đó, chỉ quẩn quanh với sinh hoạt đọc kinh cầu nguyện, và tưởng thế là đủ. Với họ, cung cách phụng thờ Chúa qua tế lễ/cầu kinh quan trọng hơn lối sống đời thường, mà người người vẫn đang sống. Thực tế đời thường, người người không nhận ra là mình đang đi vào quan hệ mật thiết với Chúa. Cả người “ngoài luồng” hoặc sống bên ngoài Do thái, cũng thế. Tức: không khác người đi Đạo là mấy. Lâu nay ta không còn gọi họ là người “ngoại” hoặc “bên lương”/“ngoài luồng” nữa, nhưng coi họ như bạn đạo thân thương, vẫn nối kết.
     Bằng cách này cách khác, người “ngoài luồng” cũng biết tế lễ/phụng thờ đấng tối cao của mình, dù với người Đạo Chúa, các vị chỉ là ngẫu thần, thôi. Với Đức Giêsu, trọng tậm cuộc sống không là lòng đạo thánh thiện hoặc sinh hoạt phụng vụ với lễ lạy, kinh kệ, kiệu rước, chầu lượt vv.. cũng không bằng hành xử đúng đắn với người đời, ở đời. Với Chúa, dù Ngài có đến đền thánh cũng đâu để cử hành việc phụng thờ, hoặc cúng kiếng! Làm thế, Ngài làm nhiều lắm cũng chỉ hơn một lần trong đời. Và, Ngài có nguyện cầu theo nghĩa lâm râm đọc kinh cũng không nhiều, nếu so với số đông nhóm người Pharisêu hoặc Galilê thời ấy.
     Thời tiên khởi -ít là sau ngày đền thờ bị phá vào thập niên 70- tín hữu Đạo Chúa cũng giống Ngài, tức: hành xử khác lối sống đạo mà người La Mã thời ấy gọi là “vô thần”. Đức Giêsu thực sự khởi đầu cách mạng sống rất riêng, nhằm đưa dân con Ngài vào với cuộc sống rất Đạo. Sống riêng tư giữ Đạo, là sống rất mực với thế giới đời thường, vào mọi ngày. Chúa có thói quen tiếp cận Cha Ngài qua công việc bình thường, mỗi ngày. Và, Ngài yêu thích những chuyện như thế. Thánh Gioan nhận ra chuyện ấy, nên đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến độ ban Con Một Ngài, để ai tin vào Con của Ngài sẽ không chết, nhưng sống muôn đời.” (Ga 3: 16). Và Cha làm thế thật.
     Chúa Cha, là Chúa của Đức Giêsu và của ta nữa. Ngài là Thiên-Chúa-Của-Niềm-Vui. Đây là danh xưng đích thật của Chúa. Danh xưng, khác mọi ngôn từ tán tụng ta vẫn nói. Chúa không toàn năng theo nghĩa con người hiểu. Ngài có thể làm mọi thứ, mọi sự. Đúng là Ngài làm mọi việc trong thương yêu, không vì ta là nguời tốt lành, xứng đáng. Ngài không ở nơi xa cách đến độ ta có gặp cũng phải chờ cho đến lúc chết, mới gặp được. Nhưng, Ngài đang ở đây. Nơi này. Cả sau vườn nhà của ta nữa. Ngài vui lòng ở với ta, cả vào tình huống ta tỏ ra bê tha, kỳ lạ mỗi ngày và mọi ngày, đến khi chết.
     Đó là cách sống “xoáy vào lòng đời” mà mọi người nhận ra được trong sống Đạo. Đó, là cung cách để ta có thể dứt bỏ quan niệm xưa/cổ về sống đời mà phần đông người Công giáo vẫn lầm lẫn. Cung cách sống Đạo thực, là thử thách lối sống của con dân đi Đạo. Sống Đạo, là tìm xem thứ tự ưu tiên đặt nơi đâu, hành xử thế nào trong đời mình. Cung cách ấy, có thể phá bỏ mục tiêu ta vẫn nhắm.
     Thông điệp Chúa gửi qua cách ấy, là:“hãy quẳng gánh lo đi!” mà vui sống đời thường, với mọi người. Cũng nên gọi đó là: niềm tin Nước Trời chụp được ta ngay từ ngoài và lấy đi mọi âu lo vẫn có nơi ta. Nơi mọi sự. Thật sự, Chúa hiện diện cả ở nơi sự việc không mang tính đạo hạnh. Bởi, niềm tin là lòng can đảm dám đồng thuận với những chuyện mà ta không cần biết việc ấy đòi ta phải có những gì. Làm gì.
     Sống Đạo thực, là cung cách đưa ta vào tình huống ra khỏi bối cảnh mà người người gọi là “chốn thánh thiêng”, vẫn đóng khung nó rồi đặt lên bàn để thờ. Kỳ thực, sống Đạo thực là quà tặng, là sự kinh ngạc, khám phá đến độ sửng sốt. Bởi lâu nay, ta được thừa tự bầu khí lễ mễ với nghi thức phụng tự hoặc lòng sốt sắng có từ thời Thập Tự Chinh. Nay, cũng nên chuyển dời nó vào với cuộc sống thường nhật, sống giản đơn như mọi người. Có sống thực tình như thế, dân con ở đời mới có được ý nghĩa của “tự do con cái Chúa”. Và qua đó, mới đạt được ý nghĩa của sự ứng đáp thân thương trong thế giới rộng lớn.
     Càng ngày ta càng nhận ra được rằng: hữu thể “người”, tự bản chất chứ không do lòng sốt sắng đọc kinh, nhưng là “đền thờ” Chúa Thánh Thần ngự. Bởi Chúa yêu thương người “thế gian” có cuộc sống bình dị thường nhật, nên Ngài muốn con dân Ngài sống giản đơn trong đời thường, giống mọi người.
     Vậy, ta làm gì với nghi thức phụng tự và biểu tượng lâu nay ta vẫn có, trong Đạo?
     Câu trả lời đúng nhất, là: cứ duy trì các sinh hoạt ấy, nhưng đừng đặt nặng ưu tiên hàng đầu, ở đời mình. Cứ giữ như thế, nhưng sống đời thường nhật cho thoải mái, vô tư chung vui hoà đồng với mọi người dù họ là người “ngoài Đạo”. Và, hãy để người đời biết là ta cũng sống giản đơn như họ, thôi.
     Tuy nhiên, điều trớ trêu, là: nhiều người vẫn không thoải mái với chuyện này. Họ cứ nghĩ: chuyện sống ở đời như mọi người tự nó đã không tốt, nên Chúa Mẹ không thể nào cùng sống với ta. Có người lại nghĩ rằng: lối sống giản đơn, bình thường ở đời, là kết quả của thứ triết lý hiện sinh, tục phàm lâu nay vẫn loại trừ Chúa. Thế nên, họ đặt ra hai qui cách: một, là đả phá lối sống không “lòng Đạo” (hiểu theo nghĩa đọc kinh cho nhiều, đi lễ rất thường) tức: lên án người khác đạo, khác chính kiến, tập tục. Hai, là tìm cách tránh xa những người “bê trễ” như thế.
     Không ai chối cãi sự thể là Chúa đang hiện hữu với mọi người. Cũng chẳng ai nghi ngờ Lời Chúa từng dạy đã và đang gây ảnh hưởng lên mọi sự, như ta thấy. Xác tín việc Chúa hiện diện trong đời, là chuyện bình thường đến độ chẳng ai cần lập lại chuyện đó, mới củng cố được niềm tin. Niềm tin của ta lâu nay vẫn hỗ trợ để cho tín hữu thấy được. Sự thực, con người nhận thức Chúa hiện diện và cùng sống với ta, là chuyện thường ngày, ở đời. Ai cũng hiểu, con người hiện hữu như một thực thể có tâm-linh ngự trị trong thân xác. Chỉ khi chết, ta mới hiểu rõ hơn rằng:hữu thể là bản thể hiện diện trong nếp sống đơn giản, khả thi.
     Đó không là lý tưởng, mà là sự thực hiện hữu. Vì, là lý tưởng nên chẳng có gì khó để đạt được chuyện đó. Nên, đừng nghĩ mình phải luyện tập ghê lắm mới đạt mục đích. Tốt hơn, đừng nên nghĩ mình có thể thực hiện được cả những việc không thể làm. Nhưng, cứ sống và cứ làm bất cứ gì “trong tầm tay” bằng tư thế xuôi theo giòng chảy mình có hoặc không có. Bởi, không phải lúc nào mình cũng suy nghĩ như bậc thánh hiền. Cố gắng lắm, cũng chỉ đi đến thất bại hoặc nghi ngờ mình có mắc lỗi, mới không làm nổi việc đạo, tức bị ám ảnh phải làm cho được chuyện không thể. Học giả Jean-Luc Marion có nói: “Hội thánh, nay thấm mệt nên không còn áp đặt lên xã hội ý niệm Thiên Chúa đang tồn tại, hiện hữu với mọi người ở đời.”
     Xã hội, nay nhờ bản năng vốn có, đã hội tụ những người biết nhận thức và tin tưởng nhau để diễn bày xác tín chung của họ. Đó, là “đạo cởi mở” đi vào lòng người. Ít nhiều, ta vẫn cần lòng Đạo để thích nghi với cuộc sống. Đạo giáo, thật rất tốt cho ta. Nhưng, không thể bảo: Đạo là điều tốt cho người khác, bởi mọi người chúng ta đều khác biệt, trong nếp sống.
     Trong cuộc sống, Thiên-Chúa-Của-Niềm-Vui đang tỏ lộ sự vui mừng nơi cuộc sống mọi người để nói cho ta biết: sống giản đơn mới cần thiết.
     Cảm nhận điều này, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vang còn để ngỏ:

                        “Gặp nhau, nắm chặt tay lần cuối,
                        Anh khép hàng mi, chẳng nguyện cầu.”
                        (Đinh Hùng – Cặp Mắt Ngày Xưa)

     Nắm chặt tay khi gặp gỡ, nhà thơ nay nắm rất chặt; rồi sẽ khép hàng mi mà thưởng thức. Tức, niềm yêu thương Chúa phú ban mà chẳng cần nguyện cầu, kinh kệ suốt năm canh mùa sám hối, rất chay tịnh.
            Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.

No comments: