Tuesday, 10 March 2020

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 mùa Chay năm A 15/3/2020 “Nước chảy mây tan, tình bất diệt,”


Nước chảy mây tan, tình bất diệt,
Tình theo bước khách bốn phương trời.
(dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

     Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse.Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.   
   
     Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống! Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?" Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
     Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." 
     Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. .. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa." Đức Giêsu phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Đức Giêsu nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."
     Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 
     Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần.” (Ga 4: 5-15; 19b-26; 39a; 40-42)

     Bốn phương trời, tình theo bước khách, phải chăng là bước chân âm thầm của Đấng Nhân Hiền hằng đưa dẫn mọi người về lại với Cha như trình thuật thánh sử, đà ghi chép?

     Trình thuật thánh Gioan hôm nay ghi, là ghi về một đối thoại hãn hữu giữa Đức Giêsu và nữ phụ xứ Samari. Đây là biến cố ít khi thấy nơi người Do Thái, mọi thời đại. Do thái xưa, vẫn coi nữ phụ xứ Samari là kẻ vô dụng, về nhiều thứ. Phụ nữ muốn múc nước về dùng, đều phải ra giếng. Thông thường, muốn ra giếng Gia-cóp, phụ nữ phải đi thành đoàn. Trình thuật hôm nay, kể về nữ phụ hôm ấy, không chỉ một thân một mình đến múc nước giếng mà thôi, nhưng còn dám tiếp chuyện với Đấng lạ mặt, một nam nhân Do thái. Đó, là điều tối kỵ. Đó, chính là vấn đề. 

     Vấn đề nặng nề hơn, khi người tiếp chuyện với nữ phụ ngoài luồng giữa “thanh thiên bạch nhật”, lại là Đấng Nhân Hiền từng hành xử nghiêm minh, nhất mực. Thật hiếm khi thấy Đức Giêsu đối thoại cả với nữ phụ về nhiều vấn đề, ngay cạnh giếng Giacóp, tức chốn thánh thiêng truyền thống, rất gắt gao.

     Cũng vì tính cách gắt gao/nghiêm túc ấy, nên cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và nữ phụ Samari đầy những chuyện ngoại lệ. Vì ngoại lệ, nên nữ phụ Samari cứ phân tâm nói chuyện khác, khiến Chúa cứ phải gạt sang một bên những chuyện không cần thiết. Vì, Ngài có một số điều quan trọng muốn nói và tặng ban để chị lưu tâm. Cuối cùng, Ngài đành chấp nhận ở vào cảnh huống có ngoại lệ.

     Trình thuật hôm nay đưa ra một số điều ngoại lệ không mang ý nghĩa gì, như câu:“còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt”, “đồng lúa chín vàng chờ ngày gặt hái” “kẻ này gieo, người kia gặt" càng làm cho cuộc đối thoại giữa Chúa và người nữ phụ trở nên “ngoại lệ” hơn. Câu chuyện ngoại lệ còn thấy ở nhiều điểm khác, rất tinh tế. 

     Trước hết, là giới tính. Ngày nay, nam nhân được phép nói chuyện thẳng thắn, công khai với phụ nữ ở chốn đông người, đâu thành vấn đề. Khi xưa, thì không dễ. Và, đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như ngầm bảo: ta hiện diện nơi đây, cũng là chuyện bình thường, rất mọi ngày? 

     Và, một ngoại lệ khác, về sắc tộc. Cũng không hẳn là chuyện kỳ thị, nhưng hỏi rằng: người Do thái xưa có được nói chuyện dễ dàng với người Samari “ngoài luồng” không? Hoặc, vì luật cấm, nên đôi bên cứ phải tránh né nhau? Đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như ngầm chứng tỏ một luận cứ: nói chuyện với nữ phụ, không là vấn đề! Chúng ta đều là con người!

     Rồi, ngoại lệ khác, về giáo dục. Chắc hẳn có người hỏi: các thày tư tế có được nói chuyện với người ít học không? Cuộc đối thoại với nữ phụ Samari, ra như Chúa muốn ngầm tỏ bày một nhận xét, là: xem ra chị cũng là người thông minh, dù chưa từng đến trường lớp để được học! 

     Ngoại lệ kế tiếp, là về lịch sử. Ngày nay, ta có nên suy tư về hiện tại và về con người ở đây, ngay thời này không? Hỏi là hỏi thế, chứ dường như Sách thánh chỉ kể về quá khứ với chuyện lão phu hay lão phụ đáng kính, mà thôi. Đối thoại được kể lại hôm nay, chừng như Đức Giêsu muốn ngầm nhắn với người đọc, rằng: bản thân TA cũng đâu muốn đem Kinh với Sách ra mà bàn. Thật sự, điều TA muốn đề cập chỉ là về chị, thôi. 

     Thêm một ngoại lệ nữa, về chốn phụng thờ. Có câu hỏi, rằng: thờ phượng Chúa nơi nào là thích hợp hơn cả? Với người Do thái, câu trả lời sẽ là: đền Giêrusalem. Với người Samaritanô, đương nhiên là núi thánh Gerizim, gần Sechem. Đối thoại với nữ phụ ngoài Đạo, dường như Đức Giêsu muốn ngầm bảo rằng: một ngày kia, TA đâu cần đền thờ nào nữa. Tất cả chỉ cần yêu kính Chúa, thế là đủ.

     Cuối cùng, là ngoại lệ thật rõ nét về bí nhiệm của cuộc sống trong quá khứ mà người người cứ tưởng rằng chẳng ai biết đến, dù là Chúa. Bí nhiệm cuộc sống riêng tư, như nữ phụ Samari được biết có đến năm bảy đời chồng. Và thêm nữa, ta có nên cho đó chuyện quan trọng bậc nhất, trong cuộc sống không? Đối thoại với nữ phụ Samari, Đức Giêsu như muốn nói: Tốt. TA biết tất cả mọi sự về con. Bởi thế nên, cũng đừng lo lắng gì về Ta, hết.

     Đức Giêsu thật kiên nhẫn. Dù, nghe đủ thứ chuyện, nhưng Ngài lại không mấy quan tâm thích thú. Ngài chỉ muốn đem đến cho nữ phụ Samari, cũng như mọi người, thông điệp thật sự quí giá, đó là: sự sống là quà tặng. Và, khi nhận được quà, mọi người cũng nên cảm kích biết ơn, thế mới phải. 

“Nếu chị nhận ra đó là quà tặng Chúa ban”, “Nếu chị biết rằng Chúa đang ban ơn cho chị”… chính là khẳng định rất chắc nịch. Khẳng định rằng: Tất cả là quà tặng, từ Chúa. Quà Ngài ban, vẫn đổ tràn xuống với mọi người. Quà ấy, là tình thương yêu trìu mến xuất từ Thiên Chúa. Tất cả những gì mà mọi người cho là mình sở hữu, tất cả những gì mình làm hoặc suy nghĩ, nhất nhất đều là quà tặng.

     Chính đó là điều mà mọi người lâu nay vẫn tuyên tín. Vẫn tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật. Đấng ban cho ta hết mọi thứ, như quà tặng không, biếu không. Và hiểu rằng, ý nghĩa quà tặng sự sống Chúa trao ban, làm cho cuộc sống của ta nên đáng sống. Nhưng oái oăm thay, đôi lúc ta cứ muốn độc lập hẳn với Chúa. Cứ suy nghĩ và hành động như thể mọi sự là của ta, do ta kiếm ra. Chứ chẳng phải của ai cho, hết. 

     Bởi thế nên, lắm lúc ta cứ hành xử như mình là chủ-nhân-ông đích thật mọi sự vật. Chủ, mọi sự vật cũng như tài sản mình đang nắm giữ. Rồi từ đó, lại có cảm giác cứ trách móc cho rằng Thiên Chúa không tạo dựng nên mọi sự cho ta sử dụng, ngay từ đầu. Sau các cơn địa chấn với sóng thần gây kinh hoàng ở đây đó, nhiều người xem ra mới mở mắt, biết rằng: những gì mình lâu nay sở hữu, thật sự không phải là của mình, do mình kiếm ra. Mà là, do Chúa tặng để mình tạm thời sử dụng, thôi. Sử dụng, theo cung cách rất độ lượng ngõ hầu mình có thể giùm giúp người khác, đang cần thiết hơn.

     Quà tặng lớn nhất trong đời mọi người, chính là sự sống. Tựa hồ như giòng chảy ở trên sông. Như mạch suối ngầm trồi lên từ lòng đất. Như Chúa từng quả quyết: “Nước Ta ban, sẽ nên mạch suối trong đó có nước vọt, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4: 14)

     Bởi thế nên, hãy dừng lại! Đừng hành xử như người ai oán, sầu thảm, chẳng biết ơn. Hãy ngưng trách móc người đời không còn nhớ đến mình. Không nhớ, để giúp tôi sung sướng, hạnh phúc. Trái lại, hãy trở thành động lực sinh động, trong thiên nhiên. Giống thiên nhiên. Và, hãy làm chút gì đó cho cuộc sống. Như, rao truyền niềm vui cho mọi người. Ở mọi nơi. Chứ không chỉ tập trung vào chính mình. Hoặc, chỉ gia đình mình, mà thôi.

     Sống, và cảm nhận rằng sự sống là quà tặng, tức: sống biết ơn. Sống như thế, không cần đến đền thờ, nguyện đường hay chùa chiền cho nhiều mà làm gì. Điều chính yếu, là biết nói lời cảm tạ, với mọi người. Ngừng suy nghĩ, nhưng đừng ngưng cảm tạ. Trái lại, hãy cùng nhau cảm nhận. Cùng biết ơn nhau. Đó, là điều cần suy tư, chiêm niệm. Đừng nên coi mọi chuyện như của cho-không/biếu-không, hoặc từ trời rơi xuống. Nhưng, cứ nhận quà tặng/ân huệ với lòng cảm kích, biết ơn. Và, tự hỏi: đã lâu chưa ngày mình nói lời “cảm tạ” người nào đó? Lâu rồi chứ, giây phút mà ai đó vẫn cảm ơn mình mãi.

     Đã lâu chưa, ngày mình thưa: “Tạ ơn Chúa’, bên ngoài thánh lễ? Và khi nói “Tạ ơn Chúa” như thế, thực sự thì điều đó có nghĩa gì? Bởi, Lời Chúa hôm nay ghi rõ: “Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật, vì Cha chỉ tìm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần khí, và kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật." (Ga 4: 23-24)

     Đức Giêsu ra như vẫn ngầm nói với nữ phụ Samari và mọi người, rằng: Ta ở đây, nơi này, là để loan tin vui về sự cảm kích biết ơn. Biết ơn, vì đã nhận được quà tặng sự sống gửi đến cho mỗi người. Nếu mọi người đồng ý, thì vai trò của mọi người hôm nay, là thực hiện điều đó, và chứng tỏ cho mọi người thấy, rằng: ta đây cũng có thể làm được nhiều điều khác biệt. Tựa như nữ phụ Samari xưa, biết nhận lĩnh vai trò Chúa uỷ thác, sẽ hành xử theo cung cách riêng:“Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người…” rằng: vẫn có cung cách khác, để sống. Là, sống cảm kích, biết ơn.

     Hội thánh chọn trình thuật này, giữa Mùa Chay, là để con dân mình biết mà đón mừng Phục Sinh. Bởi, Phục Sinh là quà tặng Chúa sống lại gửi đến cho ta. Để rồi, lời Chúa mời mọi người nói lời cảm kích biết ơn về quà tặng sống lại mà cái chết không tài nào lấy đi được, khỏi tay ta.

     Sở dĩ, Hội thánh chọn Tin Mừng này là để: vào với Phục Sinh, ta sẽ cảm kích biết ơn nhiều hơn, vì đã lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Bởi, chính đó là nước. Là, quà tặng sự sống. Sự sống mới trong Đức Kitô, để rồi ta sẽ không bao giờ quên sót thái độ cảm kích biết ơn. Và, đó cũng là lý do khiến ta có mặt ở Tiệc Thánh. Tiệc, là cung cách để ta nói lời cảm tạ đưa ra với Chúa. Với mọi người. Về tất cả mọi sự gửi đến cho ta.

    Lm Kevin OShea DCCT biên soạn  –   Mai Tá lược dịch.

No comments: