Tin Mừng:
Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng:
-Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?"
Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói:
-Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!"
Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ:
-Hình và danh hiệu này là của ai đây?"
Họ đáp:
-Của Xêda."
Bấy giờ, Người bảo họ:
-Thế thì của Xêda, trả về Xêda;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mt 22: 15-21)
“Ta xót thương, ta căm giận hung cuồng,”
“Ta gầm thét, rung mấy trời thế sự.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Hung cuồng giận căm, là cung cách của người thường, rất ở đời. Rung trời thế sự, cả khi con người dám vấn nạn Đấng Nhân Hiền về việc đóng thuế cho Xê-Da, như được diễn tả ở trình thuật.
Trình thuật, nay thánh Mát-thêu diễn tả về tình thế trong đó những người “hung cuồng” dám gài Chúa vào bẫy cạm của thế sự bằng vấn nạn:“Nên chăng trả thuế cho Xê-da?” Thế sự hôm ấy, đám Pharisêu ngạo mạn và nhóm giáo gian nịnh hót vua quan Hêrôđê ở Do thái, những muốn đặt Ngài vào tình huống nóng bỏng về phục vụ ngoại bang. Họ cứ nghĩ: Ngài có trả lời thế nào đi nữa cũng sẽ làm mất lòng dân. Nếu Ngài nói khác, cũng vẫn rơi vào tròng. Nói cho cùng, họ muốn đặt Ngài vào tình trạng phải đối đầu với phe thân thực dân, để rồi chịu mọi hậu quả. Thế nên, thánh Mátthêu gọi họ là “giả hình”. Nhưng kỳ thực, phải gọi họ là “đám sùng đạo gian giảo”, mới đúng.
Ngược giòng lịch sử, ta thấy đất nước Palestine của người Do thái lúc bấy giờ nằm dưới quyền kiểm soát của La Mã. Tức, những người chuyên bổ thuế nặng nề lên đầu đám dân đen hèn mọn rất thấp cổ bé họng. Vượt biên giới cũng đóng thuế. Mua bán/đổi chác bất cứ thứ gì, cũng chịu thuế. Thậm chí dân con người người còn phải đóng cả thuế đinh, tính trên đầu người nữa.
Thực tế khi ấy, XêDa là Tibêrius, con trai của Thượng tế Augustus được dân coi như ông Trời con, rất đáng gờm. Cả Augustus lẫn Tibêrius, vẫn coi mình thuộc giới thần linh, cần được kính nể. Các ông còn tự ban cho mình tước vị cao vời vợi như: lãnh chúa, đấng cứu độ chuộc tội cả thế gian. Và, cho mình có trọng trách quản cai cả thiên hạ. Nên, việc trước tiên của họ là phải chiến thắng về binh bị, và an bình là đoạn kết rất dĩ nhiên. Rốt cục, người thua cuộc phải chịu mất đi sự an bình, đành phủ phục dưới đất mà ngợi khen kẻ chiến thắng.
Trong giao dịch hằng ngày, người Do thái vẫn sử dụng nhiều tiền kẽm của La Mã. Thế nhưng, khi sử dụng đồng tiền ấy để trả thuế, họ lại coi đây như công việc về tôn giáo – như sùng bái hoàng đế và coi đó là lối sống theo kiểu La Mã. Có thể nói, đóng thuế là một trong các vấn đề đưa đến cuộc nổi dậy kết thúc bằng việc thành Giêrusalem bị phá huỷ năm 70. Thành thử, với người Do thái, đóng thuế là việc tựa hồ như thờ bái ngẫu thần vậy.
Trong cuộc đời công khai của Ngài, Đức Giêsu tỏ cho mọi người thấy lối sống khác kiểu của La Mã. Và, đây là lối sống tỏ bày sự chống đối đám thực dân này. Với Ngài, cuộc sống phải đặt nền tảng trên công bình chính trực với hết mọi người. Công bình và chính trực, khiến Cha Ngài và là Chúa của người Do thái luôn tôn trọng con người. Thiên Chúa là Đấng thiết lập giao ước với con người, bởi thế nên giữa họ sẽ không còn người nghèo, hoặc kẻ hèn nào hết.
Khi Đức Giêsu nói Nước của Thiên Chúa đã đến, thì người La Mã hiểu ngay điều Ngài muốn nói. Ngài nói thế, tức: vương quyền của Xê-Da đã đến hồi kết cuộc. Người La Mã nghe vậy đều coi đó như một bội phản rất trời long đất lở. Và, họ giết Ngài là vì thế. Nhưng Đức Giêsu tin là Thiên Chúa vẫn ở với người thua cuộc. Và Chúa đã bắt tay vào việc giùm giúp hỗ trợ kẻ đau khổ về sự bất công do người La Mã và các kẻ nịnh bợ họ đem lại. Thiên Chúa dọn sạch thế giới. Ngài làm bật gốc mọi bạo động và nhờ đó, đem lại cho con dân Ngài cuộc sống an bình, dễ chịu. Ngài có chương trình khác hẳn vua quan La Mã. Không nhất thiết phải chiến thắng về binh bị, mới có thể tạo được an bình. Nhưng, trước tiên phải tạo công bằng trước đã và từ đó an bình sẽ đến sau.
Về việc đóng thuế cho vua quan La Mã, đó không là trọng trách của dân con người Do thái. Mà là, vấn đề tôn giáo cũng như công bằng chính trực rất đậm sâu. Đức Giêsu đi thẳng vào trục vấn đề, bằng cách đòi xem hình vẽ trên đồng tiền quan. Tiền này, ai cũng có sẵn ở trong người, còn Ngài thì không. Bởi thế, Ngài mới hỏi họ là: hình của ai khắc trên đó, họ mới nói: quan tiền nào cũng mang hình tượng của XêDa. Và, Ngài bảo: “Vậy, các ông hãy đem trả cho Xê-Da, vì chính ông ta sở hữu nó”. Câu trả lời của Ngài mang ý nghĩa của động thái bước ra khỏi cung cách phụng thờ phục vụ để chỉ chấp nhận lý lẽ của thuế má, mà thôi.
Và Ngài tiếp:
“Hãy trả lại cho Chúa,
những gì thuộc về Ngài.”
Điều này xác nhận một chân lý lâu nay vẫn sáng tỏ với mọi người, đó là: hình ảnh Thiên Chúa đã được ghi khắc nơi tâm khảm của mọi người, ngay khi họ được Giavê Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng hôm ấy, thật sự Chúa không có ý ám chỉ về việc ấy mà Ngài chỉ muốn nói: Thiên Chúa, theo luật Torah, đã ngăn cấm loài người tạc hình tạc tượng của chính Ngài. Điều này cũng rất đúng, nhưng không phải là ý Chúa muốn biểu tỏ vào hôm đó.
Ý nghĩa của câu Chúa nói không nằm trong bản Kinh thánh 70, tức: Chúa chỉ muốn bảo: thuộc về Ngài, là đám người nghèo hèn, những kẻ bị nhóm quan quyền thân La Mã chèn ép, hạ bệ. Hãy cho họ một cơ hội để có thể tự vươn lên. Hãy trả lại cho họ sự cộng chính, bình an, vốn là quyền của họ, trước mặt Thiên Chúa, cho dù họ có bị chính người La Mã và đám giáo gian nịnh hót luôn thử thách, coi thường. Với Đức Giêsu, đây mới là tôn giáo đích thực. Ngài vẫn nói lên sự thật ấy dù có bị người La Mã bắt giam và xử tệ trên khổ giá.
Đọc trình thuật hôm nay không phải để kể cho nhau nghe về đế quốc La Mã dù hào hùng. Bởi, đế quốc nào mà chẳng chèn ép bắt bớ dân con nghèo hèn, ở bên dưới. Thật buồn thay, khi ta thấy “các nền văn minh hôm nay vẫn tự cho mình là sáng giá” đều quay về với thể chế rất chèn ép, thống trị hệt một phường như lịch sử thường minh chứng.
Tác giả Dominic Crossan dùng cụm từ “về với cảnh tượng rất thường ngày” để tả về trạng thái của người Do thái. Thánh Phaolô lại nghĩ về nền văn minh “tai tiếng” thời đế chế Augustus và bạo chúa Nêrô sẽ cứ thế tràn về, nếu không ai cản ngăn bước chân bạo tàn của đám người ấy. Hôm nay đây, đế quốc phương Tây cũng sắp hàng dài chạy theo cùng một kiểu cách như thế. Đế quốc phương Tây xưa nay gồm từ Hy Lạp, cho chí La Mã, Anh quốc ở thế kỷ 18, 19 và Hoa Kỳ ở thế kỷ thứ 20, và tương lai có thể sẽ là Vaticăng của chúng ta cũng chưa biết chừng, nếu ta không đề cao cảnh giác!
Hệ thống đế chế luôn hứa hẹn hoà bình đến với con dân (như thể loại Pax Romana khi xưa) bằng chiến thắng rất binh bị. Nghĩa là, cũng khởi đầu bằng khổ ải, rồi lại chiến tranh tàn phá, kết cục bằng những động thái dương oai đắc thắng, tức: những động thái rất chễm chệ, ăn trên ngồi chốc của kẻ đắc thắng đi từ hệ cấp dũng mãnh uy lực, thứ hoà bình của kẻ chiến thắng có sự hỗ trợ của Aenaeas Mars Ultor, rồi cả Nữ thần Rôma và thần Sung Mãn, cứ thế mà sinh sản. Qui luật họ đưa ra, được viết trên đá cẩm thạch. Văn minh họ khởi xướng gồm cả chế độ cha chú, chủ trương duy trì nô lệ. Lối sống của họ tuy mang dáng dấp rất tôn giáo, có toà án lẫn bàn thờ, nhưng vẫn cứ tôn sùng con người là hoàng đế lẫn vua quan, lãnh chúa.
Chủ trương đế chế, nay được sử dụng như cụm từ để diễn tả một thế giới vẫn kéo dài sự thống trị mãi cho đến thế kỷ 20. Hôm nay, tệ hại hơn lại có chủ nghĩa toàn trị và khủng bố. Và, có thay đổi chăng, thì cũng chỉ thay và đổi cung cách cũng như kỹ năng sử dụng bạo lực bằng kỹ thuật thật tinh xảo hơn thôi. Với khí giới giết người hàng loạt mà chưa một đế quốc nào xưa nay từng nghĩ tới.
An nhàn và bình yên đã trở thành ngôn từ khó hiểu, rất nhiều nghĩa. Đối với ta, đôi khi còn trở nên trống rỗng. Dominic Crossan gọi đó là:
”Hoà bình trở nên thứ hàng trang trí ta treo lủng lẳng ở trên cây thế giới vào mỗi năm.
Ta sẽ chỉ mang nó đi, theo cung cách của lịch sử mà thôi.”
Đức Giêsu khẳng định: “Bình an đến với anh em”. Bình an, Ta gửi đến với anh em là sự an bình Chúa hứa ban. Nhưng, Ta chỉ ban bình an ấy hoặc để lại bình an ấy cho mọi người, trừ phi anh em thực thi công bình của Chúa, đối với nhau. Đặc biệt hơn, là những người lâu nay bị chèn ép, bị khống chế tồi tệ, không ngóc đầu lên nổi vì thể chế thống trị đầy áp bức của cái-gọi-là văn minh, tân tiến ở mọi thời. May thay, Đức Giêsu kịp giải thoát ta khỏi chốn bi ai, trầm thống rất bất công. Để, ta về với nhau sống hài hoà, bình an, thương mến.
Trong nhận thức về sự giải thoát của Đức Chúa, ta lại ngâm lên lời thơ tuy rất khổ:
“Trông thấy ra, cả cõi đời kinh hãi.
Giòng sông con nép cạnh núi biên thuỳ.
Đường châu thành quằn quại dưới chân đi,
Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội.” (Đinh Hùng – Bài Ca Man Rợ)
Nay hết rồi, một bài ca man rợ ấy. Dù, đã kéo dài nhiều thế kỷ. Bởi, Đức Chúa Nhân Hiền kịp kéo ta về với hoà bình và công chính, Ngài hứa ban. Nhận ra thế, ta sẽ dâng lời cảm kích biết ơn hoài. Sẽ thương hoài ngàn năm, nay là thế.
Lm Kevin O’Shea, DCCT biên soạn - Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment