Sunday, 9 May 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Sáu Phục Sinh Năm B 09/05/21

 


 Lạnh lùng chăng, gió tha hương?

“Em về bên ấy, ai thương em cùng?”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

 

Ga 15: 9-17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Văn thơ ngoài đời, người người vẫn hỏi: “Em về  bên ấy, ai thương em cùng?” Thi ca Đạo, Chúa lại quả quyết: “Anh em là bạn của Thầy. Nếu anh em thực hiện điều Thầy dạy, Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm” (Ga 15: 16). Đó là ý chính trình thuật Chúa đã tỏ bày, hôm nay.

Trình thuật, nay thánh Gioan lại đã ghi về một khẳng định Chúa từng bày tỏ: tất cả mọi người là bạn hữu chứ không phải bày tôi của Chúa. Kinh bổn khi xưa lại vẫn nhồi sọ bầy trẻ rằng: loài người có mặt trên trái đất là để phục vụ Chúa. Trong khi đó, Tin Mừng lại quả quyết: chúng ta là bè bạn và là anh em với nhau chứ không là bầy tôi, của ai hết. Điểm khác biệt, giữa bè bạn và bầy tôi là ở điểm: bầy tôi chỉ biết tuân lệnh của chủ một cách máy móc, chứ không nắm rõ ý định thâm sâu nơi lệnh truyền. Bởi lẽ, bầy tôi là người tôi tớ sống ngoài cục diện, cũng như tâm tư mà người chủ vẫn đan kết. Còn bạn bè, lại hiểu rõ lý do khiến bạn mình hành xử, là như thế. Có hiểu rõ, nên mới cảm thông, yêu thương, mật thiết.

Trình thuật, nay được phụng vụ Hội thánh chọn để nhấn mạnh, thêm một lần nữa, lời Chúa tâm sự với đồ đệ trước lúc Ngài giã từ mọi người, để cất bước ra đi chấp nhận khổ đau/sầu buồn đến nỗi chết. Tâm sự, là tâm tình tự sự của Chúa vào phút cuối, trong đó Chúa đã đưa ra lệnh truyền mới yêu cầu mọi người “Hãy thương yêu nhau!” Lệnh truyền, là lệnh yêu thương không theo nghĩa chung/thường tình nhưng là mang ý lực đặc biệt, như Chúa từng nhấn mạnh: “Như Thầy vẫn yêu anh em”.(Ga 15: 12) Đó là điểm chính yếu rất mới. Mới, là lời lẽ thâm sâu cứu độ, khiến Chúa nhập cuộc với con người. Lời và lẽ, của Tình Thương Yêu Ngài tỏ lộ vào ngày cuối, ở thế trần.

Vào ngày cuối, Đức Gêsu biết rõ giới chức cầm quyền ở Giêrusalem muốn trừ khử Ngài khỏi hiện trường cuộc sống với xã hội, nên họ mới tìm bằng cớ bắt giữ Ngài. Ngài lui về vùng đất phía bên kia Gio-đan, tức rời xa tầm tay với và quyền kiểm soát của giới chức đầy quyền thế, là Philatô, Hêrôđê. Nếu chỉ muốn cam phận chọn sống âm thầm ở nơi đó, hẳn là Chúa cũng không bị giới chức ấy đe doạ tính mạng Ngài. Nhưng ngay lúc đó, Ngài được tin người bạn thân thiết của Ngài là Lazarô ốm nặng, chắc khó sống.

Lazarô lâu nay vẫn sống ở thôn làng Bêtania, tức cửa ngõ dẫn vào thành thánh Giêrusalem. Còn Chúa, Ngài lại tạm trú ở Giuđêa, vùng đất nguy cho tánh mạng của các đấng như Ngài. Thành thử, Chúa đành chờ thêm hai ngày nữa để xem nếu như Ngài liều thăm Lazarô, thì sự việc có tồi tệ không? Mạng sống Ngài và của đồ đệ có an toàn không? Đức Giêsu biết rõ tình hình lúc ấy quả là nguy hiểm, nếu Ngài đến thăm Lazarô, có thể Ngài sẽ bị giới chức cầm quyền gài bẫy bắt Ngài rồi lên án chết.

Tuy nhiên, Ngài không sờn lòng, vẫn ra đi thăm bạn hiền đang sắp chết. Ra đi, khi đã đắn đo, chọn lựa. Ra đi, quyết chấp nhận mọi rủi ro, vì tình bạn. Tình bạn phải như thế. Dù có thể, khi đến nơi, Lazarô bạn hiền không còn đó, đã ra đi về miền vĩnh cửu không kịp giã từ Ngài. Và, quyết định của Ngài đã được thánh Tôma, cũng là bạn của Chúa, nhanh chóng hỗ trợ và cùng đi. Hoặc, nếu cần, sẽ cùng chết với Ngài vì tình bạn.

Đó là lúc Ngài thổ lộ: “Không có tình mến thương nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.”(Ga 15: 13) Và, đó là lúc Ngài thêm lời nhủ khuyên đồ đệ: “Hãy yêu mến nhau, như Thầy vẫn mến yêu anh em.” Tức bảo rằng: “Hãy yêu mến nhau, như Thầy đã mến thương (Lazarô) thế này đây!”          

Chấp nhận mọi hiểm nguy mang đến cho cuộc sống vì bè bạn, không là ý niệm trừu tượng. Cũng không là châm ngôn về đạo đức. Nhưng, Ngài đi Bêtania là để chữa lành/vực dậy thi hài của bạn hiền, Chúa muốn triển khai nhanh tiến trình chọn cái chết cho Ngài. Tin Mừng thánh Gioan còn ghi rõ: chỉ sau đó, công nghị Giêrusalem mới chính thức lên án Chúa. Án đây là án chết, do Ngài liên tiếp chối từ mọi nhượng bộ làm theo ý họ. Và, họ tìm dịp để thực hiện quyết định đã đưa ra. Xem thế thì, chuyến đi thăm Lazarô ngoài việc chứng tỏ tình bạn là cao cả, còn là cơ hội đã thúc bách động tác có quyết tâm trên Ngài.

Đức Giêsu không là loại người tìm đến cái chết để chứng tỏ điều gì, dù cao cả. Quyết định của Ngài không phải là hành động tự kết liễu cuộc đời. Ngài không là vị anh hùng “kamikaze” cuồng tín. Ngài cũng không tìm đến khoái lạc trong khổ dâm, hoặc chết chóc. Không, hoàn toàn không phải thế. Trái lại, nơi Ngài lại có sự cao cả cùng nét đẹp về bản chất rất chân chất. Bản chất ấy, là dám hy sinh tính mạng mình vì bè bạn. Là, cho đi con người mình vì lòng mến thương rất độ lượng.

Với Chúa, có nhiều thứ nơi cuộc sống hơn là chỉ đơn giản sống sót với đời mình. Tình bạn chẳng khi nào là rẻ mạt hết.

Chúa cũng nói: “Thày đã không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn.” (Ga 15: 15). Bảo rằng: anh em là bạn hữu của Thày, thì anh em có chịu làm điều này với Thày mình không? Nếu anh em là bạn hữu của nhau, thì anh em cũng sẽ làm cho nhau như thế chứ? Bởi lẽ, lòng mến thương  -nhất là lòng thương và mến vì bạn hữu-  có thể sẽ làm cho anh em dễ bị tổn thương. Tình bạn còn khiến anh em biết lo lắng cho nhau đến độ dám liều mạng sống của mình vì người ấy. Tình bằng hữu có lòng mến cao cả và niềm vui, lẫn niềm đau nỗi khổ nữa. Hai việc này vẫn đi đôi với nhau. Anh em không thể muốn điều này mà lại không chấp nhận điều kia.

Lòng mến thương tựa như lửa ngọn. Lửa này vừa nung ấm tình người, vừa thắp sáng rọi chiếu khắp nơi. Đổi thay hết mọi sự rồi sẽ đưa vào sự sáng. Ở nơi đó, có một thứ lý lẽ rất hợp lẽ đạo nhưng không dựa trên lý trí, không tính toán. Như Chúa nói: Kẻ thù của Ngài chẳng có quyền hành gì trên Ngài hết. Ngài phú ban sự sống của Ngài chỉ vì Ngài muốn thế. Không ai có thể lấy đi khỏi nơi Ngài, tức ra khỏi lòng muốn của Ngài. Làm thế, Ngài đã chứng tỏ cho ta thấy Thiên Chúa là Đấng nào. Là Thiên Chúa, Ngài cũng làm như thế, thôi.

Thiên Chúa đối xử với ta như người “Bạn”, rất hiền. Tình Ngài thương mến ta không do định luật nào, vẫn đề ra. Tình Ngài thương ta, không do bộ óc con người suy diễn để định ước, hoặc ràng buộc. Tình Ngài đem đến cho ta nhiều nghị lực. Và, khi Thiên Chúa can thiệp mọi chuyện vì ta, điều đó không có nghĩa là Ngài đến từ bên ngoài vũ trụ, rồi Ngài thổi vào lớp vỏ bọc ngoài của trời trăng, cùng sông nước. Nhưng, Ngài đến để chứng tỏ rằng: Ngài muốn thiết lập tình bè bạn rất đích thực. Và, để lưu lại mãi mãi nơi ta. Thiên Chúa tự cho đi chính Mình Ngài. Và, Đức Giêsu cũng mặc lấy nơi Ngài tình thương yêu ấy. Và, Chúa gọi đó là Tình Bạn. Ngài thực thi Tình này cũng một kiểu như người nghệ sĩ, để ta thấy được, nghe được và cảm nhận được.

Điều này, không diễn tiến theo kiểu tôn giáo nào đó đã lý luận, bảo rằng: Thiên Chúa Cha vẫn muốn Con Một Ngài phải chết đi hầu làm lắng dịu nỗi uất ức/giận hờn, nơi con người. Thiên Chúa là Cha, Ngài chẳng bao giờ thiết tha đến những chuyện như thế. Và, Đức Giêsu cũng chẳng ủng hộ những chuyện như thế. Ngài vẫn muốn sống. Vẫn muốn sự sống của Ngài, và còn hơn nữa, sự sống của bè bạn nữa.

Đó là ý nghĩa câu Ngài nói: “Chính do tình mến thương anh em dành cho nhau như bè bạn, mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thày.”

Và, chúng ta được dạy: Hãy thương mến nhau bằng tất cả sự hăng say, thương mến. Tất cả mọi người chúng ta có quyền lựa cho đi chính mình cho bè bạn như Đức Giêsu từng làm. Như Thiên Chúa là Cha từng làm và sẽ còn làm mãi mãi, không nguôi. Và, nếu mọi người chúng ta muốn trở thành người của Chúa rất đích thực, đó không là chọn lựa. Nhưng là lệnh truyền gửi đến với nhau, và cho nhau.

Hiểu thế rồi, tưởng cũng nên ngâm thêm lời thơ còn đó, đang chờ ta ngâm tiếp:

 

            “Trời hồng chắc má em xinh,

            Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.”

            (Đinh Hùng – Bài Hát Mùa Thu)

 

Mùa thu hát mãi trời hồng. Có má em xinh. Có miệng em cười. Cười xinh trong trời hồng, con dân của Chúa vẫn coi nhau như bạn hiền. Vẫn gọi nhau là anh em, suốt đời. Vẫn cứ mong, mọi người sẽ gọi nhau như thế mãi. Bởi, chính Chúa đã khẳng định và gọi mời mọi người làm như thế. Hết mọi thời.

 

Suy niệm Lm Kevin O’Shea biên soạn

Mai Tá lược dịch

No comments: