Saturday 5 October 2013

“Ơn em hồn sớm ngậm ngùi,”



Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 28 mùa thường niên năm C 13.10..2013

“Ơn em hồn sớm ngậm ngùi,”
“kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.”
 (dẫn từ thơ Du Tử Lê)
Lc 17: 11-19
Ngậm ngùi hồn sớm, ơn em xin giữ lại. Kiếp sau trọn đời, giữ mãi không phai. Giữ, tình yêu hôm sớm cả trong đạo lẫn ngoài đời, để bình yên.
Trình thuật, nay thánh Luca cũng nhắc nhở người đọc hãy trọn đời nhớ huệ-lộc và giữ mãi ơn lành ta nhận được từ Chúa, sẽ bình yên. Điều này, 10 người phung cùi khi xưa cũng được huệ-lộc chữa lành, nhưng duy nhất chỉ một người còn nhớ mãi, ơn Chúa ban. Nhớ mãi ơn lành của Chúa, điều này còn có nghĩa: ta nên giữ mãi trong lòng cả lối sống ghi ơn Chúa không chỉ vì huệ-lộc Chúa ban mà thôi; nhưng luôn giữ mãi trong lòng cung cách sống trọn vẹn trong Chúa, và cho Chúa.
Giữ mãi ơn Ngài, là sống chấp nhận rằng chính Chúa đã từng phung phí ơn lành của Ngài đổ tràn xuống trên ta. Nhớ mãi ơn Ngài, không đơn thuần chỉ là động tác làm lấy lệ, lần rồi thôi. Nhưng, còn là động thái ghi dấu suốt đời, mãi khôn nguôi. Nhớ ơn Ngài, là động thái căn bản. Là, đức tính nền tảng, gồm tóm hy vọng lẫn nỗi niềm yêu mến, rất đượm tình.
Chúa tạo dựng mỗi người chúng ta là do bởi tình thương Ngài dành cho mọi người. Vì, Ngài không có bổn phận phải làm thế mới trở thành Đấng Nhân Hiền Lành Thánh. Ngài tự do chọn tình yêu-thương ban cho ta là để ta đi vào tương quan với Chúa, là Tình Yêu nhất mực. Mỗi người trong chúng ta đều là bản thể hiện hữu trong tình yêu của Chúa, tức: chính là ta, chứ không phải ai khác. Chúa là Đấng Thương ta hết mực, chứ không là thần thánh trừu tượng nào khác.
Ngài tạo dựng nên ta duy nhất chỉ mình ta chứ không có phó-bản nào khác giống như ta cả. Và, ta trở thành duy-nhất người con của Chúa. Bởi thế nên, ta cần ghi lòng tạc dạ mà nhớ ơn Ngài, tương tự như Ngài tỏ ra hết lòng độ lượng với ta. Vì thế, ta không cần phải kiếm tìm Ngài để nhớ ơn, nhưng Ngài lại đã tìm ta để ban phát thêm ơn lành mà Ngài vẫn phú ban cho con cái Ngài.
Ngoài việc sống ân-nghĩa, độ lượng đầy tràn tình thương của Chúa, ta còn phải noi gương Chúa mà có động-thái đoái hoài, giùm giúp hết mọi người. Không chỉ mỗi người đồng Đạo hoặc cùng sắc tộc, cộng đoàn hoặc phe nhóm mà thôi. Không chỉ thương yêu giùm giúp thôi, mà ta còn phải ghi lòng tạc dạ, biết ơn cả những người xa lạ sống chung quanh, ngoài phố chợ. Có ‘cảm giác’ biết ơn mà thôi, cũng chưa đủ, ta còn phải thực hiện bằng động tác thực tiễn ở đời nữa, mới được.
Sống ân lộc đầy thực tiễn, còn là trở nên người chân phương, bình thường không ganh đua, giành giựt của ngon của vật là, cũng không là thi đua cạnh tranh với Chúa. Bởi lẽ, tất cả là ân-lộc. Nhờ vào ân-lộc mà ta cần phải đối xử ngang bằng đồng đều, rất hỗ tương.
Sau nữa, sống ân-lộc đầy ghi nhớ là sống không đặt điều kiện. Là, sống mở rộng cả vũ trụ vạn vật, chứ không chỉ với con người mà thôi. Mẫu-mã của nền kinh tế thị trường không cho ta có chỗ để biết ơn, mà phải giữ mãi trong người. Đời sống con người cũng thế, không phải là môi trường tiếp thị, nhưng là tương-quan để cho đi không điều kiện. Sống biết ơn, còn là sống hoà hợp với vũ trụ vận vật, chỉ biết mỗi cho đi, chứ không nhận vào. Làm được thế, ta sẽ trở thành hình ảnh rõ nét hơn, của Thiên Chúa.
Sống biết ơn, còn là sống có sáng tạo. Sáng tạo ra quà cáp để cho đi, mà không thể tìm được thứ gì giống như thế. Bởi, cho đi là cho cả tấm lòng duy nhất. Cho đi, còn là lối sống ban phát tất cả con người mình. Cho đi, trọn vẹn của cải vật chất lẫn tâm hồn của người con Chúa, cho hoài và cho mãi, không ngưng nghỉ. Cho nhưng-không. Không cân đong đo đếm, cũng chẳng tính-toán hơn thiệt, như thế mới là cho.
Về chuyện cho đi và cho mãi, ở Mỹ có nữ-phụ da mầu nọ tên Gloria một hôm tình cờ gặp vị linh mục da trắng không phải người Mỹ đang chờ đợi chuyến bay, bỗng thấy linh mục đến gần mình bắt đầu câu chuyện, và hỏi:
“-Này chị, cho tôi hỏi một câu hơi vô duyên nhưng chỉ muốn biết nay chị đang làm gì để sống?
-Tôi đang xây dựng cộng-đoàn!
-Đồng ý là thế, nhưng chuyện này đâu phải dễ, như tôi đây làm cả đời vẫn chưa xong!
- Tôi thì, vẫn có thói quen sống ở vùng nghèo khó, xứ làng Pimlico ở Baltimore, nơi toàn những người thật nghèo, chẳng ai biết ai, chẳng ai ngó dòm ai? Nhà nào biết nhà nấy chẳng ai chĩa mũi vào nhà người khác mà nói chuyện với nhau. Một hôm, tôi thấy có mảnh đất trống chẳng ai thừa nhận. Tôi bèn cuốc xới lên gieo vào đó ít bông cỏ để biến nó thành mảnh vườn nhỏ. Xuân đến, cây tôi trồng bỗng nở đầy hoa. Tôi bèn cắt hết, đem tặng mỗi nhà một ít. Có cụ bà nọ bảo: là cụ chưa từng được ai đoái hoài mà tặng bông tặng hoa như thế cả?
-Câu chuyện đẹp đấy! Nhưng, chắc chỉ thế thôi?
-Không đâu. Chưa hết chuyện. Bởi lẽ, mấy người khác cũng lại tìm ra mảnh đất trống và cũng làm như tôi từng làm. Thế là ít lâu sau, những hoa cùng cỏ cứ là nở khắp nơi. Và mọi người, giống như tôi đem tặng nhau làm quà chưng đầy chỗ, rồi bắt đầu qua lại chuyện trò, vui vẻ.
-Lại một chuyện đẹp! Nhưng như thế, là hết chuyện, phải không chị?
-Chưa hết đâu. Năm nào, tháng nào mọi người cũng đều đến với nhau tặng bông hoa làm quà rồi giúp nhau đủ thứ, và bọn tôi cứ làm thế mãi suốt năm, nay thì chòm xóm đã quen biết nhau hết mọi người, chẳng ai sợ sệt gì ai nữa hết…

Vâng. Đúng là xây dựng cộng đoàn yêu thương giùm giúp chẳng bao giờ hết chuyện. Cũng thế, tự cổ chí kim, hết thời Trung Cổ rồi hiện đại, người người đã khởi đầu xây dựng cộng đồng chung sống biết thay đổi lối sống, ngó ngàng đến nhau, tặng nhau những gì là vui vẻ, đẹp đẽ dù chỉ một câu truyện kể, để cho vui.
Nhiều cộng đoàn còn tiến xa hơn nữa bằng cung cách đối xử với người già nua, tuổi tác. Không còn coi các cụ già như đồ bỏ, đáng chôn sống cho rộng đất. Nhưng lại đùm bọc, chăm sóc bằng nhiều cách.
Thời buổi hôm nay, có nhiều nơi không còn thế. Nhưng vẫn còn nhiều vị vẫn cố gắng tìm đủ cách đến với nhau dù chỉ để trao cho nhau nụ cười nhẹ, vài câu chào hỏi hoặc chỉ một cái vẫy tay, cũng đã đủ. Chính đó là lý do các cụ thời nay sống thọ hơn trước rất nhiều. Có cụ đã ngoài thất thập mà vẫn chưa “cổ lai hy”. Có cụ nay đã bát tuần vẫn hoạt động hăng say cho cộng đoàn, dù chỉ bằng ý-hướng, lời kinh
Thời buổi hôm nay, sinh suất gia tăng, tử suất lại thụt giảm, nên người người vẫn còn cơ hội để thấy nhau, nhớ nhau và trao ban huệ lộc cho nhau. Đó mới là thiên đường. Đó chính là Nước Trời đã thành hiện thực, chứ không chỉ “gần kề” như thời thánh Gioan Tẩy Giả, từng loan báo.
Đó còn là ý-nghĩa của câu nói thánh-sử Luca đã ghi vào sử-sách, để nhắc nhở hết mọi người: “Thế còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ quay trở lại mà chúc vinh Thiên Chúa?...” (Lc 17: 17-18).
Đó, cũng là ý-tưởng của thi-ca ngoài đời, vẫn còn hát:   
        
“Ơn em tình những mù lòa,
như con sâu nhỏ bò qua giấc mùi
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau
Tạ ơn em... tạ ơn em...”
(Du Tử Lê – Tạ ơn em)

Giữ đời cho nhau, còn là gìn giữ những câu tương tự như : “Tạ ơn em, tạ ơn em.” “Tình những mù loà, như con sâu nhỏ bò qua giấc mùi.” Giấc mùi khi ấy, còn là huệ-lộc hôm nay, đến từ Chúa. Hoặc, từ người của Chúa, ở ngoài đời hay trong Đạo? Câu trả lời không chỉ dành cho người ngoài đời, mà cả trong Đạo cũng vẫn thế.     
 
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

No comments: