Saturday 19 October 2013

“Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa,”



Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 30 mùa thường niên năm C 27.10.2013
“Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa,”
“tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Lc 18: 9-14
Nhà thơ đợi, là đợi thêm người để tự ủi an, cắn sầu đau. Nhà Đạo nay có đợi, cũng là để nguyện cầu như ví dụ ở trình thuật hôm nay, lại vẫn kể.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca kể về động-thái nguyện cầu của hai lớp người tiêu biểu, ở Do-thái. Tư-thế nguyện-cầu tiêu-biểu được Chúa cổ-vũ vẫn là nguyện và cầu có sám-hối/biến-cải cuộc đời. Hối và cải, theo cung cách khác với kiểu mà người Do thái thường có, lúc trước.
Ở đây, hôm nay, Chúa yêu cầu mọi người có động-thái nguyện-cầu, rất khác hẳn. Ngài muốn mọi người biến-đổi lối nguyện-cầu kiểu ê a, mà trở về với cuộc sống đạo-đức rất cao ngõ hầu tạo tha thứ hết mọi người. Điều Chúa khuyên, trước tiên không phải đến nguyện-đường chỉ để đọc kinh/nguyện cầu mà thôi, nhưng là tha-thứ hết mọi người, ở bất cứ nơi đâu. Nơi nào có thứ-tha, ở đó có Chúa hiện diện. Đó, chính là nội dung trọng điểm được nói đến ở kinh Lạy Cha do Chúa dạy. 
Nguyện-cầu dù có đọc kinh Lạy Cha, cũng không chỉ: đọc và đọc, mà còn noi gương Chúa biết yêu thương bạn thân lẫn kẻ thù, vẫn rất khó. Đây, là lý do căn-bản để ta đi vào nguyện-cầu, hầu tha-thứ. Đó, là điều được nói đến, qua lời nguyện-cầu mà người thu thuế khi xưa nói đến ở trình thuật, trong đó có kể rằng anh vẫn khẩn cầu Chúa xót thương. Đây, lại là thứ nguyện-cầu lý-tưởng mà người Biệt phái chưa từng biết đến.
Nguyện-cầu theo gương Chúa, ngoài ra, còn là: cung-cách nguyện và cầu trong tha thứ, có Chúa dính-dự như một hành-xử tự-nguyện kèm theo đó có bữa ăn/thức uống quyết chung vui sự kiện lớn, ít thấy. Vui, vì lướt vượt mặc-cảm tội-lỗi hoặc ưu tư/lo âu cứ tự hỏi: không biết mình có được Chúa thứ tha hay không. Đây, là tư-thế của người nhỏ bé thấp hèn khi tha thứ cho nhau thường có thói quen mời nhau đi ăn uống, để làm hoà tạo bình an.
Tha thứ theo kiểu Chúa làm, cũng thế, không đòi buộc phải ê a đọc kinh “ăn năn/đền tội” hoặc sao đó, nhưng phải cởi mở với nhau, quên chuyện cũ. Bởi, một khi đã tha thứ rồi, không ai còn muốn kể chuyện xưa/cũ nữa, mà chỉ muốn dấn bước nhìn về tương-lai, mai ngày rất tươi sáng.
Ở Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu có kể về Ninivê nghe lời Giôna đã hồi hướng trở về trong sám-hối. Đây cũng thế, cũng qui-chiếu theo cùng kiểu, bảo rằng: khi dân-chúng phản-bác điều Chúa nói ở Nadarét, Ngài không yêu cầu họ sám-hối hoặc làm việc “đền tội” vì đã không đồng ý với Ngài là Đấng Thiên Sai Cha gửi đến, nhưng đơn giản Ngài chỉ mỗi thứ tha và tha thứ, hết mọi người.
Hội thánh thời đầu, đã từng bỏ lập trường thứ-tha của Chúa và đổi thay đến độ, có lúc lại đã có khuynh-hướng đòi mọi người muốn gia nhập phải quyết thuộc về Chúa bằng việc tham-gia dự phần vào các bí tích, mới được ơn tha-thứ từ Đức Chúa. Truyền thống Hội thánh ban đầu đã làm nguội lạnh đi đòi hỏi phải tha thứ lẫn nhau, và coi đó là nguồn gốc và lý-do duy-nhất buộc Chúa phải tha bất cứ mọi lỗi tội mà người của Hội thánh từng phạm lỗi. Dù, người lỗi phạm thuộc về nhóm hội/đoàn thể tốt lành/hạnh đạo hoặc quá khích thế nào, cũng mặc.
Thời gian trôi mau, tính gò-bó/cột-buộc vào bí tích cũng giảm dần, nên người tốt lành hạnh đạo nay đã quay trở lại với lối nguyện-cầu nội tâm xin được ơn tha thứ cách “nhưng-không”. Và hối-nhân đã biết sám-hối với Chúa, chứ không chỉ với người mà mình xúc phạm. Hối-nhân xưa, được dạy phải đọc kinh cầu nguyện mỗi khi đến toà giải-tội mà xưng thú mọi lỗi phạm mình mắc phải. Nhiều người đã làm xong việc đền tội cha đưa ra trước khi lên giường ngủ, để có bảo kê sẽ được “lên” thiên-đàng, về với Chúa.
Làm thế, các vị này đã để mất tính thứ-tha hai chiều mà Chúa yêu cầu; nên, không tự tạo cho mình cảm-nghiệm an-vui san-sẻ của con Chúa. Chính trong bối cảnh này, hành-động “ăn năn/đền tội” nắm vị trí hàng đầu, hơn tất cả. Sách Giáo lý Hội thánh lại đã trích dẫn Công Đồng Triđentinô từng nói phán-quyết: “hành-vi ăn năn/đền tội là linh hồn để ghét bỏ mọi lỗi/tội mình mắc phạm, cùng với quyết tâm sẽ không mắc phạm như thế nữa.” (GLHTCG đ. 1451)
Làm như thế, có thể ta đã rút bỏ lời cầu của người thu thuế ở trình thuật truyện kể ra khỏi bối cảnh mà Chúa từng dạy và dùng đó làm ví dụ chỉ cho việc ăn năn/đền tội, thôi. Rõ ràng, người thu thuế xưa từng thưa: “Lạy Thiên-Chúa, xin khấng thương tôi là kẻ tội lỗi”. (Lc 18: 13). Ở đây, có lẽ cũng nên thêm lời thưa ở dụ ngôn “người-con-đi-hoang” trở về với Cha nhân hiền của mình, mà nói: “Con đã lỗi phạm với Trời và với cha. Con không đáng được gọi là con của Cha nữa.” Hội thánh ta, cũng nên triển khai hành-vi hối-lỗi xoay quanh ý-tưởng này, mới phải lẽ. Đó cũng là ý-tưởng ở lời kinh hối lỗi trước khi ta cử-hành tiệc Thánh Thể và hát bài thánh-vịnh rút tự Cựu Ước. Hối lỗi như thế, hẳn cũng sẽ khác với tâm-tình mà thánh-sử Luca từng đề cập ờ trình thuật.
Có hành-vi hối-lỗi lâu nay được bà con thế-hệ xưa vẫn còn duy trì, trong đó có câu: “Lạy Chúa, con thật lòng thống-hối tội-khiên và oán ghét nó hơn mọi sự dữ, bởi nó đã xúc phạm Chúa, nên sẽ lĩnh phạt đến chết vì đã làm Chúa phải chết trên thập giá, nay con quyết sẽ không còn phạm tội như thế nữa.”
Tâm tình này, cũng chẳng khá hơn thói quen nói trên là bao, và có khi còn tệ hơn nữa. Bởi, tội của con người dù là lỗi tày trời đi nữa, cũng đâu nào xúc phạm được đến Chúa. Và, Chúa cũng đâu đợi hối-nhân có biết hối lỗi hay không để còn trừng phạt đến chết. Và, chuyện này cũng đâu là lý do khiến Chúa bị đóng đinh trên thập-tự được. Ở đây, cũng nên xem lại lời kinh ta đọc mà so với việc Chúa thứ-tha mọi lỗi/tội từ đầu rồi. Có lẽ, có người đọc kinh ăn năn/đền tội rất nhiều mà chẳng bao giờ thứ-tha người từng làm họ phiền lòng vì hành-động của người khác.
Về lỗi/tội, nhiều kiểu nói cũng như ẩn-dụ được dùng để diễn tả tội và lỗi. Có lỗi cũng như tội về tương-quan, hệ-lụy. Có thứ chỉ là phản-kháng, chống-đối, như: ngoại-tình, chối-bỏ quan tâm săn-sóc, hoặc bỏ bê, mặc kệ. Có thứ, lại là thất bại trong giao-tế, quan-hệ hoặc việc gì khác. Tội và lỗi, đôi khi được coi như đã vượt lằn ranh ấn-định, lang thang ngoài đường lộ. Là, mất điểm tốt, phạm sai lầm, trái luật, hoặc gian manh, hoạch hẹ, không lương-thiện; có khi chỉ là hiểu lầm, thiếu cảm-thông. Tội hoặc lỗi, có lúc lại được hiểu như không lắng nghe và/hoặc không thông hiểu.   
Nói cho cùng, nhiều lằn ranh ngăn chặn phạm tội chỉ mang tính giả-tạo, do người làm hoặc sản-phẩm rất thiên vị, tồi tệ. Có hai kiểu cách hoặc ẩn-dụ về tội vẫn kéo dài khuynh loát trong lịch sử, nhất thứ khi nó là vết nhơ, ô-nhục hoặc nợ nần. Như vết nhơ, nó phải được tẩy rửa cho thật sạch. Nếu là nợ nần, cần trang trải. Tội như thế, vẫn là ẩn-dụ về kinh-tế hoặc thương-mại, mà thôi.
Đạo Do-thái và Đạo Chúa Kitô thời đầu, tội hoặc lỗi được coi như món nợ không bao hàm việc tính-toán máy móc hoặc theo đúng luật. Thiên-Chúa xoá-bỏ nợ nần cách rất tự do bằng việc trang trải rất ít hoặc chẳng cần trả, cũng được. Người mắc nợ có cho nhiều đi nữa cũng chỉ là số không đối với Chúa. Hối-nhân có trao cả trái đất này lên Chúa để vào thiên-đàng, thì Ngài vẫn là sở-hữu-chủ của mọi sự, từ lâu. Người Do-thái vẫn coi tội và nợ, là một. Một chữ, một ý-tưởng. Quan-niệm này, có từ lúc họ tiếp xúc với Babylon, vào lúc người Ba Tư ở đây mang quan-niệm ấy vào nền kinh-tế nặng về tiền tệ.           
Ở kinh Lạy Cha do thánh Mátthêu ghi chép, việc tha tội đồng nghĩa với xoá nợ. Theo sử sách cũng như bản văn do tín hữu hoặc các thầy cả thời tiên khởi viết, thì người xưa trang trải nợ nần bằng cách bố thí. Có điều là: nền văn hoá ngoài đạo không thấy luật buộc người đi Đạo phải chăm nom săn sóc ngưòi nghèo, mọi việc đều do giới cầm quyền đảm-trách. Với người Do thái và tín-hữu Đạo Chúa, bố thí tặng quà người nghèo tương đương với việc tặng-dữ đền thờ. Thời Chúa sống, việc bố thí cho người nghèo vẫn được coi là việc của người anh hùng cái thế, nhất là khi cho tất cả của cải mình có rồi tham gia giới nghèo, cách thực tế.
Biểu-tượng về tội/nợ xem ra nằm đằng sau việc phạt nợ hoặc lỗi tội. Thành thử, tha thứ tội-khiên nên hiểu theo nghĩa không áp-dụng trừng phạt người mắc nợ để chuộc lỗi, với đền tội. Xem thế thì, khi Chúa không nhớ tội/nợ của ai, hẳn Ngài có vấn-đề về bộ nhớ rất cùn/lụt sao? Câu này, xin đặt ra cho mỗi người để ta suy nghĩ khi nghe lại lời thánh-sử khi ghi lại Lời Chúa rằng: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi.” (Lc 18: 14)        
Trong tâm tình tưởng nhớ điều Chúa nói về tội/nợ, cũng nên nhớ lời thơ trên, còn ghi rằng:

 “Tình một hai năm… chưa bạc mái đầu,
Chưa tuyệt vọng bởi vì chưa hy vọng.
Và hôm nay, mưa nhiều trên tóc nhuôm
Xơ xác người, tôi thấy buồn chưa tôi?
(Nguyễn Tất Nhiên – Tình Một Hai Năm)

Tình một hai năm, là thứ tình ngắn ngủi, nhà thơ tiếc. Tiếc, vì không được như tình người nhà Đạo vẫn thương yêu nhắc nhở mà hành xử cho đúng theo cung cách người cùng nhà. Cùng Hội thánh, rất Nước Trời.         
 
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh  - Mai Tá lược dịch

No comments: