Saturday 23 November 2013

“Chờ mong như suốt đêm qua,”

Suy tư Tin Mừng trong tuần thứ Nhất mùa Vọng năm A 01.12.2013

“Chờ mong như suốt đêm qua,”
“Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 24: 37-44
            Với nhà thơ, chờ mong trông đợi người yêu suốt đêm qua vẫn rất buồn. Với nhà Đạo, ngóng đợi trông chờ Chúa suốt một đời, nào thấy lâu.
            Vọng chờ ngày Chúa đến, thánh Mát-thêu nay lại ghi về một trông ngóng ngày Chúa đến lại, tựa như thế. Chúa đến, không theo cung-cách của lễ-hội đình-đám có vui chơi, ăn uống nhưng chỉ âm-thầm trầm-lắng qua hành-trình mời gọi mọi người đồng-hành với Chúa, đi muôn nơi. Đồng hành, tựa tháng ngày người người hành xử trước cơn lụt Đại Hồng Thuỷ. Đồng hành, cả vào lúc dân con ngoài đời chẳng chờ đón Ngài đến với. Chúa đến đồng hành với con người, trong thoáng chốc, rất không ngờ.
            Vọng mùa đợi chờ, là buổi đầu phụng vụ kéo dài mãi tới ngày Giáng Sinh, đến bốn tuần. Đây là tập tục cổ/xưa được thánh Hội đưa vào từ thế kỷ thứ 6 và tồn tại đến hôm nay. Vọng mùa đợi chờ, không giống như Chay Mùa nghiêm túc, căng thẳng với chủ đề sầu não, khổ đau, có nỗi chết và hy vọng một trỗi dậy. Vọng mùa chờ đợi, nặng một tình-tự tươi vui /phúc hạnh ngày Chúa đến. Mùa đợi chờ, lại cũng không giống chay mùa Hồi giáo, rất Ramadan. Tự-vựng “Vọng chờ” mang ý-nghĩa của sự kiện “đang trờ đến” như “hành trình đang tiến tới” với chốn miền nhiều cảnh giác, có ý-thức. Mùa vọng chờ, là mùa chờ mong Chúa lại đến với ta, như ân huệ to lớn chưa từng có.
            Thế nên, Vọng mùa chờ đợi là thời của lễ hội mừng vui, ngóng đợi với bất ngờ, mạo hiểm có quà tặng đầy cảm kích trờ đến trước có bầu khí sục sôi, trôi nổi. Vọng mùa chờ đợi, đặc biệt còn kêu mời mọi người sống có phẩm-chất rất đặc-biệt bằng cuộc sống tràn đầy niềm vui tươi, phấn khởi rất an bình hài hoà cả thế giới. Vui tươi đợi chờ, thật ra không là chuyện của tâm tính hoặc tâm tình chờ cơ may. Cũng không là chuyện chờ “định mệnh đã an bài” nhưng là niềm tin yêu vững chắc. Vững và chắc, bởi vì: tin là tính-chất rất tích-cực của cuộc sống.
            Dù sao, trình thuật Chúa-nhật thứ nhất Mùa Vọng chờ trích-dẫn từ Tin Mừng thánh Mát-thêu cộng thêm các bài đọc không đem đến cho người nghe cùng một tâm trạng. Các bài đọc, mang ý-nghĩa Đức Kitô lại đến nữa theo cung-cách “năm cùng tháng tận”, nhưng không ghi rõ ngày giờ năm tháng, ở đâu hết. Rõ ràng, sự việc nảy sinh vấn đề hỏi rằng: làm sao ta sẵn sang cho sự-kiện to lớn như thế? Câu trả lời, là: ta tạo cho mình tâm-tính lướt vượt hãi sợ, để không bị gỡ bỏ niềm vui chung.
            Nhưng làm sao lướt vượt được tính hãi sợ? Đó là: bằng việc nhận ra rằng: Chúa hiền từ/tử tế  với ta và cho ta. Và, Đức Giêsu cũng đã có mặt với thế-giới của ta vào lễ Giáng sinh, ngõ hầu Ngài chứng-thực với ta, rằng: mọi sự dù xảy đến, cũng vẫn tốt. Ta vẫn có lý-do để sống vui, sống mạnh, sống vững chãi mà chờ đón Chúa đến với ta. Mãi hôm nay, nhiều người vẫn còn bị nỗi hãi-sợ ràng buộc đến độ vẫn bị dính-dấp vào với lo-âu, sầu buồn, ngán ngẫm. Người người rơi vào tình trạng “trầm cảm”, khốn đốn như chẳng mấy thích thú, lạc quan gì. Vẫn chán ngán, buồn tẻ nhiều ưu-tư. Đó, cũng là tâm-trạng kéo dài của người tỵ nạn xin ở lại, nhưng chưa nhận được lời đáp trả. Và, cả những người hồi-hưu không niềm vui; hoặc, những người bệnh-hoạn lo sợ nhiều điều xấu, sẽ xảy đến.
            Vọng mùa đợi chờ hôm nay, là thời khắc nhắc nhở con người cần chất xúc-tác để ra khỏi nỗi chán chường của cuộc sống hầu tự tạo niềm vui tươi cho riêng mình, cho mọi người.
            Phụng vụ mùa đợi chờ, nay lại có các bài đọc tập-trung vào niềm phấn-chấn trong vui sống. Với Ysaya, hành trình về Giêrusalem là một giải đáp. Còn thánh Phaolô, lại cũng nhắn nhủ giáo đoàn ở Rôma về việc Đức Kitô sẽ đến lại một lần nữa. Trong khi đó, thánh-sử Mát-thêu lại cũng sử-dụng cùng một ý-tưởng như thế, để kích-thích người đọc Tin Mừng cứ thế mà vui luôn.
            Thật ra, Giêrusalem là chốn an bình hiền hoà, nhưng khi trước lại là nơi xảy ra nhiều trận chiến đến trăm lần. Cả người theo Do-thái-giáo, lẫn đạo Hồi và Đạo Chúa cũng đều tranh chấp giành giựt phần thắng thua, qua nhiều thế kỷ. Nay, thì người Do thái và Palestin tranh nhau kiểm soát đồi núi có đền thờ Chúa. Thật cũng khó mà coi đó như biểu-tượng của niềm vui ngày Chúa giáng hạ làm người. Bởi thế nên, cũng hãy nhớ: Chúa chẳng khi nào giáng hạ ở chốn miền đầy tranh chấp rất Giêrusalem mà chỉ là khung trời thầm lặng ở Bét-lê-hem, thôi.                           
            Tín-hữu thời đầu, luôn kỳ-vọng Chúa đến lại, khi trời đất đi vào chốn kết tận và việc này rày xảy đến vào buổi người đương thời còn sống. Nhưng, chuyện này không xảy đến vào thời của các ngài và cũng sẽ không xảy ra vào thời của ta; chí ít là theo nghĩa đen của tự-vựng. Tín-hữu Chúa, nay từ từ nhận ra rằng Đức Giêsu đã thực sự rời xa họ và chẳng thấy kích bốc về việc Ngài đến lại trong ồn ào. Bởi, Ngài đang có mặt ở đây, cách linh thiêng trầm lắng qua cuộc sống lặng lẽ, mỗi ngày. Cuộc sống không kích-bốc trổi trang, nhưng vẫn làng nhàng bằng nhiều tiếng than câu vãn mỗi ngày. May mà than vãn ấy không đi vào với tính khí của Giáng sinh.
            Vậy, đâu là thông-điệp của Giáng sinh, hôm nay?
            Đức Phaolô 6 từng nói trong tông-thư Marialis Cultus rằng: “Thiên Chúa đã để trong Gia đình Ngài là Hội thánh một vị nữ-phụ sống âm thầm phục vụ, luôn coi ngó các gia đình và chăm sóc hết5 mọi người, cho đến ngày Chúa đến lại…” Đức Giáo Hoàng muốn nói đến Đức Maria luôn có mặt ở với Hội thánh để giảm bớt nỗi lo sợ và san sẻ thị kiến về tình thương yêu không bao giờ nhạt phai.
Đức Phaolô 6 còn coi Vọng Mùa Đợi Chờ như lễ hội hàng năm ta mừng kính Đức Maria là người Mẹ luôn chăm sóc ngó ngàng mọi người trong gia đình như người Mẹ. Và Mẹ vẫn đem niềm vui gia đình đến với con dân vào ngày Chúa Giáng Sinh. Mẹ chính là Mẹ Hiền cống hiến cho mọi gia đình tinh thần Giáng sinh, vui tươi phấn khởi. Tinh thần ấy, khởi sự trong gia đình, chứ không phải với Hội thánh. Khởi sự, là khởi đầu mọi sự vui tươi cười nói cho con trẻ trước nhất. Khởi, một tính-khí đầy phấn-kích, tự do và Phúc hạnh. Thế nên, nay lúc này, nếu ta thấy không có con trẻ nào ở nơi mình đang sinh sống, cũng hãy đem con trẻ đến đó, sẽ vui tươi.          
Nhưng làm sao để mang tinh thần của Giáng sinh vào với gia đình?
Muốn thế, đừng làm những việc những sự như mua sắm, trang trí, nấu ăn. Cũng đừng viết thiệp chúc, đừng điên lên vì người nhà đến thăm. Từ nay đến ngày Chúa Giáng sinh, có rất nhiều việc để làm chứ không chỉ mỗi dọn dẹp lau chùi cửa ngõ, cắt cỏ, đổ rác, mua bia rượu để phung phí. Chỉ nên làm mỗi việc, là: tỏ ra tử tế với những người mà từ Giáng sinh năm trước mình chưa có cơ hội để làm thế.
Và có thể, cũng nên có động thái, nụ cười cái nhìn hoặc đại loại một cảm giác tích cực quanh chòm xóm, nói với mọi người ở quanh mình, rằng: do bởi Đức Kitô đã giáng trần, nên ta là những người vui sướng. Ta tin vào Niềm Vui, tin vào tính tích-cực của Sự sống.
Thế nên, Vọng Mùa Đợi Chờ hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã có Đức Maria. Và cũng cảm tạ Ngài về các người nữ trong gia đình và cơ ngơi của mình. Cảm tạ Chúa vì có con trẻ ở quanh quất, bởi chúng mang đến cho ta bầu khí vui tươi, sôi động của ngày Chúa Giáng Hạ làm người như ta. Ngày đến với ta là để mang niềm vui, phúc hạnh đến với mọi người. Niềm vui ấy, nỗi niềm phúc hạnh này sẽ mãi mãi ở lại nơi ta và mọi người cho đến năm cùng tháng tận, chẳng bao giờ phai. Nguyện cầu Niềm Vui Chúa Giáng Hạ, sẽ như thế mãi cho ta, cho mọi người.
Trong niềm phấn kích được Đấng-là-Niềm-Vui đến với ta, hãy ngâm tiếp lời thơ đợi chờ, rằng:

“Chờ mong như suốt đêm qua,
            Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày.
            Lần lần lá rụng rồi đây,
            Tơ đàn rã rợi cho tay lỗi đàn.”
            (Nguyễn Bính – Chờ Mong)

            Những chờ và mong như thế, dù cho đàn có lỗi nhịp hay rã rợi cũng vẫn chờ. Bởi, Đức Chúa từng đợi và chờ nhân-gian trần-thế nhiều hơn thế. Bởi thế nên, chớ nản lòng, hoặc “rã rợi” khi người người chờ đón ngày Chúa giáng hạ đem niềm vui tươi, phấn kích đến với ta, dù chậm nhưng vẫn vui.
   
Lm Kevin O’Shea, CSsR   
Mai Tá lược dịch

No comments: