Thursday 4 April 2019

“Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy,"


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh năm C 28/4/2019

Ga 20: 19-31
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

“Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy,"
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên.”
(dẫn từ thơ Bùi Giáng)

Đảo điên hôm nay, không chỉ nói về lòng thủy chung, buồn tủi của ai đó. Nhưng, nói về sự thân tình đồ đệ như trình thuật thánh Gioan hơn một lần kể lể. Thánh Gioan, nay vẫn kể về quan hệ thân tình giữa thánh Tôma và Thày mình, rất thủy chung, thân tình.

Thân tình, thủy chung được đề cập theo cung cách đặc biệt khi thánh Gioan ghi chép về sự kiện Đức Giêsu “đến ở giữa” họ và nói: “Bình an cho các ngươi!”  Đến ở giữa” họ, là đến trong ta và đi vào thế giới của ta, cả thời này. “Đến ở giữa” ta, còn là tiến trình xảy đến chứ không là thành quả ta đạt được. Không cần biết tiến trình này kéo dài bao lâu, nhưng việc Ngài “đến ở giữa” ta là Ngài thực hiện điều Ngài quả quyết “hễ có hai ba người tụ họp vì Danh Ta, thì Ta sẽ đến ở giữa mọi người.

Trình thuật hôm nay lại cũng ghi: đồ đệ Chúa mất tinh thần, nên cứ phải cửa đóng then cài, “vì sợ người Do thái”. Nên, Chúa “đến ở giữa” các ngài là ở cùng và ở với mối lo ngại về an toàn và “sợ người Do thái”. Xem thế thì, nỗi lo ngại và hãi sợ người Do thái nơi đồ đệ và chúng ta, vẫn là lý do và nơi chốn để Chúa “đến ở giữa”.  

Thánh Gioan kể: những lần Chúa “đến ở giữa” ta là Ngài đến vào lúc con người cứ mãi lo ngại và hãi sợ. Đặc biệt hơn, dân con Chúa vẫn “sợ người Do thái”, suốt nhiều thời. Ta cũng thấy đồ đệ Chúa tụ họp để nguyện cầu tại một nơi rõ ràng đã “cửa đóng then cài” rất cẩn thận, vì “sợ người Do thái”. Làm như thế, giống như thể các ngài đang giữ lời Chúa khi được bảo: “Mỗi khi anh em nguyện cầu, hãy vào phòng riêng đóng cửa lại và nguyện cùng Cha anh em, trong thinh lặng..”
 
Ở đây, đồ đệ Chúa nguyện cầu thinh lặng trong phòng kín có “cửa đóng then cài”, nhưng vẫn “sợ người Do thái.” Chữ “sợ” này, thánh Gioan đã lập đi lập lại rất nhiều lần. Vào lần Chúa lên đền thánh cách lặng lẽ vì “Hêrôđê muốn giết Ngài”. Và, vào lúc không một ai dám nói gì về Ngài, cách công khai, vì “sợ nguời Do thái”. Và, cả vào lúc Chúa chữa cho người mù từ ngày bẩm sinh, cũng như lúc người của Chúa xin phép được chôn Chúa cách bí mật, “vì sợ nguời Do thái”. Cứ thế, nỗi “sợ” này xảy đến rất nhiều nơi. 

Tuy nhiên, sau cảnh âu sầu xảy ra trên núi “Sọ”, có hai người xem ra không biết “sợ” và chẳng bao giờ “sợ người Do thái”; đó là: bà Maria Magđala và thánh Tôma. Tảng sáng ngày Chúa trỗi dậy từ cõi chết, các nữ phụ ùn ùn kéo nhau đến mộ phần canh chừng xác Chúa còn đó không, đã thấy mộ phần trống rỗng. Kịp lúc ấy, các bà đã biết “sợ”, nên vội lảng tránh khỏi hiện trường. Duy có bà Maria Magđala là dám “ở lại một mình”, không hề sợ. 

Cả vào khi trả lời câu hỏi của thần sứ cứ vấn nạn: “Bà đang tìm ai thế?” bà liền đáp: “Họ lấy xác của Thày tôi đem đi rồi!” Xem thế thì, với Maria Magđala, Đức Giêsu không chỉ là Đấng Tiên Tri cao cả hoặc Đức Mêsia Cứu Chúa mà thôi, nhưng Ngài là Thầy, là Chúa và là Con Thiên Chúa. Bà biết rõ: Ngài là Đấng Thánh Cao Cả nên bà không biết “sợ” điều gì hết. Và khi ấy, bà không chỉ gọi Ngài là Chúa mà thôi, nhưng còn coi Ngài là Thầy và là Chúa của bà nữa. Với bà, Ngài đã tỏ lộ chính mình Ngài giữa cơn “hãi sợ” của nhiều nguời.

Trình thuật thánh Gioan còn nói: thánh Tôma là đồ đệ đầu tiên dám thưa chuyện trực tiếp với Đức Giêsu như Chúa của mình. Làm như thế, thánh Tôma chứng tỏ mình là đồ đệ không biết “sợ” và cũng chẳng “sợ người Do thái”, chút nào hết. Ít ra, thánh-nhân đã tỏ ra can đảm hơn đồ đệ khác. Và khi Chúa “đến ở giữa” các tông đồ, thánh Tôma lúc đó không có mặt. Có thể, thánh-nhân đi mua thức ăn cho bạn đồng môn/đồng hành vốn không dám xuất đầu lộ diện vì “sợ người Do thái”. 

Lúc thánh Tôma về lại, đồng môn/đồng hành của thánh-nhân cho biết các thánh đã gặp Thày. Và khi ấy, thánh Tôma yêu cầu xem dấu đinh nơi mình Thày để còn tin. Thánh Tôma biết rõ: lúc ấy, đồng môn/đồng hành của mình vẫn còn lo sợ. Và, một khi con người đã sợ rồi, thì họ chỉ tin vào những gì họ kỳ vọng để được yên thân. Tuần lễ sau đó, Chúa lại đến với đồ đệ đồng hành, có thánh Tôma ở đó. Và thánh-nhân muốn sờ chạm vào Thày Chí Thánh đã “trỗi dậy”. Thánh-nhân đã toại nguyện. 

Và ngay lúc đó, Đức Giêsu đã nâng-nhấc tinh-thần của thánh Tôma, con người không biết sợ như đồng hành của mình. Cùng với Ngài, hai Thày trò lại đã nâng-nhấc chính mình lên với Cha. Đó là lúc thánh Tôma có động thái tin tưởng rất đích thực, nên quả quyết: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi!” Quả quyết này, chứng tỏ là thánh-nhân đã thực sự tin tưởng vào Chúa và là Thày mình. Như thế có nghĩa: thánh-nhân đã có được niềm tin-yêu của con người quả cảm dám tuyên xưng Thày là Chúa và là Thiên Chúa của người Do thái. Và khi ấy, thánh-nhân đã tiếp cận Thày mình, bằng niềm tin.

Ở đây, hẳn ai cũng thấy một sự thể cũng hơi lạ. Lạ, ở chỗ: sao ta cứ gọi đó là nỗi sợ sệt? Sợ, là sợ ai? Sợ gì? Phải chăng giới cầm quyền Do thái lúc ấy cũng hãi sợ? Họ sợ hãi, thoạt khi khám phá ra Đức Giêsu và đồ đệ Ngài? Là quan, như đấng bậc Philatô mà cũng “sợ”. Ông sợ điều gì? Phải chăng họ đã bắt đầu sợ Đức Giêsu khi Ngài thực sự đã chết? 

Nhưng sao họ lại cứ “sợ” một người Do thái bình thường nay chết rồi? Và, đồ đệ Chúa cũng vì “sợ người Do thái” nên mới tụ tập trong phòng có “cửa đóng then cài”, rất cẩn thận! Có lẽ, đồ đệ nào đó đã phá vỡ bầu khí yên lặng trong phòng, nên mới lên tiếng: “Tôi e Thày mình chết thật rồi!” 

Lại có vị cũng sẽ bảo: không phải thế! Có vị khác, lại cứ nói thẳng ý nghĩ mình từng giấu kín rồi mới bảo: 

“Chắc tôi phải về thôi, nhưng biết ăn làm sao nói làm sao với người Galilê, bây giờ?
Tôi e rằng mình cũng phải cho mấy người ấy biết là tôi đã bỏ chạy! Và nếu tôi báo cho họ biết Thày mình đã trỗi dậy từ cõi chết, tôi sợ những người như họ sẽ bảo tôi khùng, thế mới khó!”

Chắc hẳn có vị tông đồ nào đó vẫn còn “sợ” nên mới bảo: 

“Họ đã giết được Thày mình, thì sá gì lại không ra tay với anh em mình chứ?
Chắc rồi, họ cũng rớ tới anh em mình thôi!” 

Có điều lạ, là: Chả ai chú ý đến cuộc sống của đồ đệ Chúa, ngoại trừ Đức Giêsu thôi. Nên, có thể cũng có vị nào đó vẫn nghĩ bụng: “Giá tôi không có mặt ở hiện trường này, hôm nay, cũng đâu đến nỗi phải sợ thế này!”

Một điều khác lạ nữa, là: Đức Giêsu đã trỗi dậy từ nỗi sợ sệt của ta nữa! Giả như, Ngài đến với ta, hôm nay, trong hoàn cảnh này, chắc hẳn cũng có người vẫn “sợ” đấy chứ? Sợ gì và sợ ai? Có ai là người Do thái ở đây mà ta phải sợ, chứ?

Nói cho cùng, mỗi người và mọi người đều có nỗi lo ngại và hãi sợ nào đó. Sợ, cái chết đang từ từ trờ đến, với mình? Cũng có thể là: khi nghe tin bạn bè/người thân vừa qua đời, cũng chẳng ai sợ sệt nỗi gì, vì đâu nào liên can đến mình. Nhưng, nếu biết rằng: rồi cũng sẽ đến lượt mình phải chết như người ấy, hẳn mình cũng có nỗi “sợ” nào đó, đâu biết được! 

Bởi thế nên, nỗi sợ và cái chết thường sánh đôi rất nhịp nhàng. Chả thế mà, mọi người ở đời thường lại cứ la hoảng lên mà nói: “Sợ chết mồ!” Vậy thì, “sợ” là điểm đến nhằm kết thúc sự sống của ta, hôm nay hoặc mai ngày.

Nếu có một ngày nào đó, ta trỗi dậy từ cái chết của chính ta, thì điều trước tiên ta cần làm, là: làm sao trỗi dậy khỏi nỗi “sợ”. Người trỗi dậy, phải chứng tỏ được điều ấy cho riêng mình. Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cái chết của Ngài. Và, trên nguyên tắc, Ngài cũng trỗi dậy khỏi cái chết của chúng ta nữa. Nay, có thể là: Ngài vẫn thực sự trỗi dậy từ bên trong nỗi sợ của ta, để giúp ta loại bỏ nỗi “sợ” ra khỏi chính mình. 

Vì thế nên, cảnh Phục Sinh ở trình thuật hôm nay cho thấy Đức Chúa đã trỗi dậy. Trỗi dậy rồi, Ngài đã và vẫn “đến ở giữa” mọi người, thế nhưng mọi người chẳng ai đả động gì đến chuyện ấy, tức: chẳng ai quan tâm đến sự thể là Chúa đã và đang “đến ở giữa” ta và mọi người, rất nhất mực. 

Thiên Chúa còn làm hơn thế nữa. Ngài vẫn sống, không biết sợ. Với thế giới có sự sống đã trỗi dậy, thì không còn nỗi “sợ người Do thái” nữa; và cũng chẳng còn tình huống để ta sợ bất cứ ai. Bởi, tất cả đều đã tập trung nơi Ngài. Tất cả đã đặt tin tưởng nơi Ngài rồi, ta còn sợ chi. 

Kể từ hôm nay, ta lại đã nhận ra rằng: chẳng nỗi “sợ” nào là tuyệt đối hết. Sợ, là do con người tưởng như thế, mà thôi. Bởi còn sợ, nên các thánh tông đồ mới vào phòng họp/nguyện cầu ở trên lầu vẫn “cửa đóng then cài” rất cẩn thận. Nhưng thực tế, đã có Chúa “đến ở giữa” ta và mọi người rồi, sao ta lại cứ sợ? Sợ Chúa ư? Chắc chắn mọi sự sẽ không phải thế, và không như thế, bao giờ. 

Để loại bỏ tâm tình hãi sợ, ta sẽ hiên ngang ngâm tiếp ý/lời của nhà thơ không  biết sợ, mà rằng:

            “Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy,
            Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên.
            Thân xương máu đã đành là ủy mị,
            Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh…”    
            (Bùi Giáng – Phụng Hiến)     
   
Đã đành, người nhà Đạo cũng “lên thác xuống ghềnh”, “ủy mị” như nhà thơ, nhưng không sợ. Sợ sao được, vì có Chúa “tự nguyện sẽ một lòng thủy chung” khi Ngài trỗi dậy rồi nay “đến ở giữa” mỗi người và mọi người. Khắp mọi nơi.   

Lm Kevin O’Shea, CSsR  
Mai Tá lược dịch
______________________________________________________________________________________________________________

No comments: