Wednesday, 19 February 2020

Suy niệm Tin Mừng CN 7 Thường niên A: “Nếu địa đàng, chẳng còn gì để nhớ”


“Hạt bụi rớt xuống đời, xin lẫn vào nhau…”
(dẫn từ thơ Bùi Thanh Tuấn)

Mt 5: 38-48

Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.


Địa đàng cuộc sống, là chốn miền để gợi nhớ. Hạt bụi tình người, là chất liệu để yêu thương. Thương yêu, điều Chúa nhắc nhở, ở Tin Mừng, vẫn được thánh sử ghi chú, vẫn lâu nay.

Nhiều người, rất lấy làm lạ khi được bảo: Tin Mừng thánh sử viết, là bản văn viết không vào thời Chúa hoạt động, hoặc ngay sau ngày Chúa sống lại, nhưng được viết vào nhiều thập niên sau, như: “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” chẳng hạn, đã chỉ được ghi chép vào giữa thập niên ’80, ở thế kỷ đầu. Và, người ghi chép “Tin Mừng” này không phải là Mát-thêu-thu-thuế thời Chúa sống. Cũng không là một trong số mười hai tông đồ, gần gũi Chúa. Ông là học giả Do thái hiểu biết nhiều tiếng Hy Lạp, xuất thân sinh sống tại một quận ở ngoại ô Giêrusalem, mà người thời ấy có thói quen gọi là “thày dạy”, hoặc đấng bậc “tư tế”.

Tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu”, là vị thức giả từng hồi hướng về với Đạo Chúa, ngang qua các thừa sai của Chúa.Thánh sử Mát-thêu học được nhiều điều, qua hành động và cuộc sống từ các Đạo hữu theo chân Chúa. Đặc biệt, là các vị có liên hệ mật thiết với thánh Phêrô tông đồ, thời tiên khởi. Khi ghi chép Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, tác giả đã ở vào độ tuổi cao niên khá cứng, nhưng ông lại là người có tầm nhìn thông thoáng, thi vị. Ông đề cập nhiều đến những con người và người con có tâm tư chân phương. Bình dị. Nhưng có tư cách.

Sử gia Mát-thêu, là cây viết rất sáng giá. Thánh nhân, tuy chung đụng nhiều với người Do thái, nhưng dùng tiếng Hy Lạp để ghi chép Tin Mừng. Và, qua văn phong văn thể cùng lập trường chuyên chính rất Kitô, nên các nhà chú giải cho rằng tác giả là một trong các Kitô-hữu đầu tiên, ở thời ấy. 

Tin Mừng do tác giả viết, lại gồm lời lẽ ân cần, gửi đến các đấng bậc khôn ngoan/thông thái ở Israel. Nên, nhờ đó ta học được rất nhiều điều qua các dạng thức, như: lời sấm, dụ ngôn, phương châm, hoặc tư vấn, nhất nhất đều nhấn mạnh đến điều Chúa giảng rao cho mọi người. Bởi thế nên, người đọc nhận ra những 73 lần tác giả lập đi lập lại cụm từ “tông đồ”, ở “Tin Mừng” này. Và vì thế, người đọc cũng nên hiểu cụm từ “tông đồ” theo nghĩa các “đấng bậc khôn ngoan/uyên bác” chuyên học hỏi những điều hay lẽ phải, do từ Chúa phán ra. Và cũng vậy, người đọc đừng nên hiểu rằng tác giả “Tin Mừng” là nhà thức giả thuộc tầm cỡ đại học, chuyên ngồi trong phòng lạnh để viết. Hãy cứ tưởng tượng rằng: khi ghi chép “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” tác giả đã suy tư dưới ánh đèn dầu leo lét, với tâm tình nguyện cầu, có bầu khí ẩm ướt, nặc mùi khô cháy. Có lưới cá đang hơ hóng, ở đâu đó…

Nay có người hỏi: thánh sử Mátthêu muốn chuyển tải điều gì mới mẻ, khi ghi chép Lời Chúa?

Hầu hết các cộng đoàn tin theo Chúa sống ở Giêrusalem, đều mang tính chất rất “Do thái”. Hết thảy đều thấy nơi Đức Giêsu một Môsê rất mới để các vị nghe lời. Vì, xét cho cùng, Ngài còn mới hơn cả chính tiên tri Môsê, bởi Ngài là Đấng luôn chủ trương những điều mới mẻ, nơi Lề Luật. Và, điều mới mẻ khác nữa, là: Ngài không cất bỏ đi yếu tố quan trọng sẵn có từ hậu duệ của Đavít. Và, mọi người còn nhận ra nơi Đức Giêsu, hệt như ở Môsê và Đavít, ảnh hình của Đấng Bậc Hiền Từ, rất đặc biệt. Đặc biệt, là bởi người người đều nhận thấy rằng: qua Ngài và ở nơi Ngài “Ơn Cứu Độ” đã đến, là đến với cả Dân ngoại nữa. Ngài đến, qua trung gian Israel hoặc những người Do thái, tức: những người lúc ấy vẫn ở trong tư thế cách xa và tách rời khỏi dân-được-chọn. Và, họ coi đó như ân sủng riêng tư, nhận từ Chúa. 

Bởi thế nên, trở thành người hết lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, phải là người Do thái tích cực, phóng khoáng, những người chủ trương tuân giữ Luật Torah rất Đạo. Từ đó, cộng đoàn dân Chúa đã thấy mọi người tập trung nhấn mạnh đến Luật Torah. Quyết tuân giữ Lề Luật cách kiên trì, nhưng thông thoáng. Tuân và giữ, theo tinh thần tự do của người con Đức Chúa, mới đúng.

Vốn đặt nền tảng vững vàng lên truyền thống rao giảng kiểu thánh Phaolô Tông đồ, Hội thánh Chúa khi ấy đã có tầm nhìn rất khác lạ về Lề Luật. Và, Hội thánh đã coi Đức Giêsu là Đấng Bậc rất Do thái, chủ trương giữ Luật Torah thật đúng qui cách. Rất tự do, phóng khoáng, cho đúng nghĩa. Kể từ đó, Hội thánh vốn có sẵn tinh thần giảng rao của thánh Phaolô, lại đã khám phá ra rằng: tự do con cái Chúa là một hiện hữu rất đích thực, khi ta tuân thủ Lề Luật, rất Torah.

Là người Do thái sống ở miền Bắc xứ Palestin thời tiên khởi, thánh sử Mát-thêu xuất xứ từ một quá trình cuộc sống, có lập trường khá bảo thủ. Chí ít, là truyền thống giữ luật đúng qui cách, như Chúa dạy. Thánh sử cũng lo rằng nhiều truyền thống có thể sẽ mai một đi nếu không có người bận tâm lo duy trì nó. Và, thánh sử còn một mối lo ngại nữa, cứ e rằng: rồi ra sứ vụ tông đồ rao giảng kiểu Phaolô thánh nhân, có thể sẽ khiến truyền thống của người Do thái trở thành thứ yếu, mất đi tầm quan trọng. Do đó, thánh sử gia đã cảm thông với tình huống mà cộng đoàn Hội thánh ở Giêrusalem đang sống, dù cho thánh sử không thuộc về cộng đoàn này.

Cũng vì thế, tác giả quyết tâm tái cấu trúc cộng đoàn theo kiểu cộng đoàn dân Chúa ở Giuđêa, nghĩa là: không chỉ rập theo khuôn phép cũ của người Do thái, nhưng còn phổ biến lối sống của cộng đoàn Hội thánh Giêrusalem, hoặc có khuynh hướng mục vụ rao giảng theo kiểu của thánh Phaolô. Bởi thế nên, người đọc nhận ra rằng: “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” cũng mang dáng vẻ bảo thủ qua việc đòi mọi người giữ luật cho đúng qui cách. Chí ít, là cải cách niềm tin của người Do thái theo khuôn khổ “chiên lạc rời khỏi ràn nhà Israel”. Thành thử, tinh thần của thánh sử và của cộng đoàn nơi thánh nhân sinh hoạt vẫn có khả năng duy trì mối liên kết chặt chẽ với đền thờ người Do thái.

Tuy nhiên, thánh sử Mát-thêu không quên rằng: chính Đức Kitô mới là Đấng ta cần tin vào Ngài. Thánh sử diễn tả lập trường này theo lối viết giản đơn, rất thông thường, rằng: thay vì ta áp dụng nguyên tắc đền và bù như: “mắt đền mắt”, “răng đền răng”, tác giả lại khuyên người đọc Tin Mừng của ngài, hãy nên sử dụng đường lối bất-bạo-động. Và, thay vì phòng thủ hoặc trả thù, thánh sử đề nghị ta nên khoan dung, độ lượng. Thay vì lo cho riêng mình, hãy quan tâm ái ngại đến người khác. Với thánh sử Mát-thêu, đây không phải là lạc quan sáng suốt, cũng chẳng là đường lối tư riêng độc quyền của người Hy Lạp, nghĩa là đường và lối chỉ chú trọng vào cuộc sống tư riêng của người khác, thôi. Nhưng, là: hãy áp dụng luật Torah theo qui cách thương yêu, như Chúa đã khuyên dạy.

Điều cốt thiết mà thánh sử nhận ra nơi lời dạy của Chúa, là: Ngài là người giữ luật Torah, rất đúng cách. Tuy nhiên, Ngài chú trọng đến tinh thần, chứ không phải chữ viết của Luật. Nói cách khác, người đọc “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu không thể hiểu Luật Torah cho đúng cách, nếu không thi hành lời dạy của Đức Giêsu cũng như cộng đoàn nhỏ bé của Ngài, là Hội thánh thời tiên khởi. Bởi, cộng đoàn Hội thánh mới là người sống thực Luật Torah theo tinh thần Chúa đề ra. Và, thánh sử lại thêm rằng: dân con thành thánh Giêrusalem không chắc đã nhận ra được điều này. Vì thế nên, người đọc “Tin Mừng” có thể kết luận rằng: tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” quả là phóng khoáng cũng rất đúng.
Vậy, người đọc hôm nay học hỏi được điều gì qua sự việc này?

So sánh kinh nghiệm của các thừa sai tông đồ thời tiên khởi với kinh nghiệm thời Hậu-Công Đồng Vatican II, dân con Hội thánh nhận ra được điều gì? Ta có nhận ra được năng lực và tự do con cái Chúa nơi cộng đoàn Hội thánh tiên khởi theo kiểu thánh Phaolô không? Phải chăng, so sánh kinh nghiệm về cố gắng ‘tái lập’ di sản được bảo tồn, đáng yêu từ một truyền thống rất đúng đắn? Truyền thống, có là qui cách mà tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” hằng cảnh báo Hội thánh hãy trở về với tính chất Do thái, ở lai thời không?

Nếu tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” nay còn sống, hẳn thánh sử sẽ lại yêu cầu các đấng bậc vị vọng trong Hội thánh hôm nay, hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tái tục truyền thống đã có từ thời tiên khởi? Và, Hội thánh cũng nên nhìn vào Đức Giêsu hơn là các truyền thống mà các ngài muốn duy trì, bảo vệ. Hẳn rằng thánh sử Mátthêu cũng sẽ yêu cầu mọi thành viên Hội thánh hôm nay hãy có tầm nhìn phóng khoáng và cởi mở, tốt hơn là ở lại với truyền thống xưa/cũ. Như Đức Giêsu khi xưa, vẫn đứng về phía những người duy trì Luật Torah, bằng tinh thần chứ không theo từng chữ. Và, ảnh hình Chúa chấp nhận dìm mình thanh tẩy nơi sông Giođan, sẽ là bằng chứng điển hình cho việc tuân giữ Luật Torah, rất tự do. Rất có tinh thần thương yêu. Đúng qui cách.

Thật là khó để tác tạo được một quân bình cho cơn sóng dồn và sức ép từ Lề Luật, thế mà Ngài vẫn chấp nhận dầm mình dưới giòng sông Giođan để chứng tỏ tinh thần giữ Luật đúng cách. Nhưng, tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” vẫn sẽ là vị học giả cao niên, chín chắn. Là vị thức giả hiểu rõ hơn ai hết tinh thần của người Do thái. Hiểu Đức Kitô và người nghèo, hơn ai hết. Tác giả “Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” chính là người có được nhận thức mới về sự khôn ngoan, thông suốt cho mỗi người chúng ta.

Hiểu được tâm trạng của thánh sử theo cung cách của thi nhân thời nay, tưởng cũng nên ngâm nga tiếp lời thơ ý nhị ở trên, rằng:

                   “Thức dậy, một sớm mai thấy mình như hạt bụi,
                   Khắc khoải giấc mơ ròng rã, nửa đời người.”
                  (Bùi Thanh Tuấn – Nếu Địa Đàng Chẳng Còn Gì để Nhớ)

Khắc khoải hay không, e rằng không chỉ thế. Mà còn hơn thế nữa. Hơn, là vì Hội thánh ta hôm nay vẫn còn nghe và cứ nghe lời gọi mời của Đức Kitô: hãy sống tinh thần Luật Torah, cho đúng cách. Bởi, đó là luật của Tình Thương. Với mọi người.

No comments: