Monday, 24 February 2020

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Nhất mùa Chay năm A 01/3/20

  
Mt 4: 1-11
     Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! "4 Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."

     Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,6 rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."
Đức Giêsu đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

     Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi."10 Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
     Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.


thương mây bay từ đó vẫn cô đơn.
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

     Đường lên núi biếc, dù mây bay từ đó vẫn cô đơn. Cô đơn, với nỗi niềm Chúa cảm nghiệm cảnh tình người phàm khi Ngài vật vã với băn khoăn, rất thử thách.

     Trình thuật tuần đầu Mùa Chay hôm nay, kể cho ta nghe tâm tình của Chúa khi Ngài bị thử thách/cám dỗ, đến như thế. Thử thách/cám dỗ, là những thử và thách suốt 40 ngày đêm nơi hoang vu, sa mạc. 40 ngày đêm, nói lên chuỗi ngày dài một đời, Chúa từng trải nhiều thử thách/cám dỗ mãi đến ngày Ngài kết tận hành trình nơi đồi cao chốn vắng, rất Calvary.

     Chốn vắng Calvary xưa, có thử thách/cám dỗ đưa Chúa vào với mê say để Ngài không thực hiện được ý định Cha đưa ra. Mê say, còn là thử thách/cám dỗ đặt ra với Chúa, rất nhiều lần.

     Thử thách/cám dỗ đặt ra, qua cung cách Cha muốn Ngài thực hiện vai trò của Đấng Mêsia có quyền uy trên cả hoàng đế La Mã, như thánh Mátthêu từng ghi. Thử thách/cám dỗ là thách đố khả năng giải quyết khó khăn do đế quốc La Mã đem lại. Thử thách/cám dỗ, còn là thách thức chức năng Chúa nhận từ Cha, hầu giúp con dân loài người sống yên hàn, lành lặn. Thử thách/cám dỗ, còn là thách đố và thử xem Chúa có nhắm mắt làm ngơ nỗi đau của mọi người, để rồi sẽ trao cho Cha giải quyết mọi việc.

     Thử thách/cám dỗ cướp tay trên quyền uy của đế quốc, để rồi Ngài cũng sẽ hành xử hệt như thế. Thử thách/cám dỗ đặt ra với Đức Giêsu, là thách Ngài giành lại quyền uy của hoàng đế La Mã, rồi cũng sẽ ăn trên ngồi chốc, bức bách dân con lớp người ở dưới. Bởi, một khi đã có quyền hành là có quyền để hành người khác, hệt như vậy. Bởi thế nên, Đức Giêsu chối bỏ mọi lợi lộc dành cho kẻ có quyền. Ngài chối bỏ quyền đối xử với mọi người theo cung cách ấy. Ngài đả kích không chỉ giới cầm quyền La Mã thôi, nhưng Ngài còn chỉ trích chính những uy và quyền ấy nữa. Ngài chọn đường lối không quyền lực, nhưng vẫn sống. Sống với người không quyền, trong “Vương Quốc” của Ngài.

     Thử thách/cám dỗ thứ hai, là thách đố khả năng giải quyết tình trạng nghèo đói trên thế giới. Thời của Chúa, có đến 95% người dân Galilê ở dưới mức tối thiểu, để sống còn. Dân lành thời đó, không đủ cơm bánh và cá, mà qua ngày. Họ cứ lần lượt rơi vào vòng lao lý, tật bệnh hoặc chết yểu. Một số trường hợp, do Hêrôđê tạo ra. Ông lập chương trình xây cất nhiều toà nhà đồ sộ. Lại đánh thuế cao khiến dân đen chịu không nổi đến độ không còn gì để ăn. Để sống nữa.

     Thử thách/cám dỗ cuối cùng đến với Đức Giêsu, là thách đố để xem Ngài có khả năng kích động dân đen, khiến họ căm phẫn quyết chống lại quyền uy của vua quan/lãnh chúa, thời ấy không? Thử thách/cám dỗ, là dỗ dành Chúa đòi lại cơm áo gạo tiền cho dân lành hèn hạ thấp cổ bé họng, ở bên dưới. Thử thách/cám dỗ đưa ra với Chúa, là xem Chúa có hành xử như vua quan mọi thời. Hoặc, Ngài sẽ còn đối xử tệ bạc hơn cả vua quan thời đó, khi có quyền. Nhưng, Đức Giêsu đã chối từ quan niệm coi mình như Đấng ban phát mọi thứ, hầu thoả mãn đòi hỏi của mọi người. Ngài chọn đường lối khác hẳn mọi vua quan/lãnh chúa, ngõ hầu trở nên Đấng Mêsia do Cha định đoạt. Ngài không chấp nhận đường lối của vua quan ở trần gian chỉ biết hưởng thụ, cho thoả thích.

     Với Tin Mừng thánh Mátthêu, thử thách/cám dỗ lớn nhất đưa ra với Chúa, là chỉ lo chuyện lành thánh, cốt khuynh loát những điều do Cha định đoạt, mà chỉ theo ý mình. Khuynh loát, để Cha phải can thiệp mà giải quyết các khó khăn chốn gian trần. Và, buộc Cha Ngài phải làm thế, ngay tức thì. Thử thách/cám dỗ này nguy hiểm hơn thứ gì hết, vì đụng chạm đến đền đài thánh thiêng, lẫn nguyện đường, và cả cuộc sống ngoan hiền, ngõ hầu dẫn dụ Cha sửa đổi mọi chuyện để thuận theo ý Con, chứ không theo ý Cha.

     Người đời thời của Chúa, vẫn muốn tuân theo đường lối giản đơn, rặt như thế. Họ là những người ở Qumran. Những kẻ từng dấn bước theo chân Gioan Tẩy Giả, cả vào lúc khó khăn, đầy bức bách. Và, thử thách/cám dỗ đây, là muốn chế ngự quyền uy thánh thiêng của Chúa. Là, kiểm soát lòng thương xót của Ngài. Thử thách/cám dỗ đây, là nghĩ rằng lòng đạo của mình còn lớn lao/cao cả hơn lòng xót thương của Cha. Và, Đức Giêsu nhận ra rằng: nếu thế thì Chúa Cha không là Thiên Chúa đích thực là Cha của Ngài. Ngài thực sự đã chọn đồng hành với Cha Ngài. Và kết cục, Ngài chọn thuận theo ý Cha, chứ không theo ý riêng của chính Ngài. Và, chọn lựa này mới thật là chọn lựa khác biệt.

     Nếu Đức Giêsu không chọn quyền hành để đánh bạt đối thủ là đế quốc La Mã rất sừng xỏ, không chọn ban phát mọi sự hợp nhu cầu/đòi hỏi của mọi người, cũng chẳng cướp tay trên quyền uy có từ Cha, thì thử thách/cám dỗ đưa ra cho Ngài, là thách thức gì? Thử thách/cám dỗ ấy là sống đích thực đời người phàm. Đời, của những người con không có quyền cũng chẳng có uy. Những kẻ luôn thiếu thốn đủ mọi thứ. Chọn lựa của Ngài, là cùng chung số phận với những người nghèo hèn ấy. Ngài chọn lựa sống như họ, để rồi Ngài đi vào tương quan đích thực với dân đen, hèn kém, chẳng trông đợi vào ai.

     Điều này, thoạt nghe chẳng có gì mới mẻ, hoặc hấp dẫn. Nhưng, mục tiêu Đức Giêsu nhắm đến là như thế. Là, thâu thập dân con mọi người vào với tình thương của Cha. Là, sẽ không một ai bị gạt ra ngoài nhóm hội/cộng đoàn thân thương để chung sống. Nhóm ấy, cộng đoàn ấy vẫn có Chúa, có Cha vào mọi lúc. Bởi, chính Cha đang ở ngay trong nhóm. Bởi, chính cộng đoàn là nhóm hội của Cha, đã có được tình thương yêu, hy vọng. Hy vọng, mọi người sẽ sống chung và sống cùng. Cùng sống. Cùng lướt vượt mọi khó khăn, rất đồng đều. Đó chính là đường lối Chúa chọn sống.

     Ngài lướt vượt mọi thử thách/cám dỗ Ngài theo đường khác. Cám dỗ ấy, Ngài thấy rất rõ, suốt đường đời Ngài từng trải. Và, nay Ngài trở về với những gì là căn bản của chính con người. Trở về với con người đích thực, trước/sau mọi thử thách/cám dỗ. Ngài trở về, cả vào lúc những người khó nghèo/bần hàn kia đã quay lưng chống lại Ngài. Vì thế, đế quốc mới giết hại Ngài. Vì thế, Chúa Cha mới không kịp nghe tiếng Ngài kêu cầu, nơi vườn cây Dầu.

     Và đây chính là thông điệp gửi đến với Hội thánh, hôm nay. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với thế gian, ngoài đời. Vẫn muốn đấu tranh tạo phần thắng, hầu lấy lại quyền uy chính trị, từng luột mất. Lấy lại quyền, để tạo uy hùng dũng mãnh, trên chúng dân. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với các tổ chức bác ái, quyết lấy lại uy tín bằng việc ban phát các phẩm vật cho dân đen nghèo hèn. Thông thường, Hội thánh từng tìm cách tỏ ra mình những muốn sống đời lành thánh để kéo Chúa về cùng phe, để Ngài sẽ đi theo con đường mình đang thực hiện. Quả là, Hội thánh nay cũng gặp thử thách/cám dỗ như Đức Giêsu, ở thời hôm trước.

     Bản thân ta cũng thế. Ta vẫn muốn trở thành nhân vật quan trọng có khả năng giải quyết mọi vấn đề; để rồi, sẽ lôi kéo Chúa vào phe mình, mỗi khi cần. Thông thường, ta cũng muốn chối bỏ những thử thách/cám dỗ, rất tương tự. Bởi thế nên, hãy đề cao cảnh giác cả vào khi ta đã khá giả và trở nên mạnh mẽ, cũng nên biết mình chỉ là kẻ hèn mọn, vẫn phải sống với những khó khăn không dứt bỏ. Bằng không, nhiều lúc ta vẫn cứ nghĩ mình là kẻ sở hữu cả Đức Chúa. Chăm lo cho Chúa, rất nhiều điều. Vì nghĩ thế, nên ta cứ cho rằng mình đang theo Đức Giêsu và chính mình đang là Chúa, nữa không chừng?

     Thật sự, hãy nhớ rằng mọi người cũng như ta, chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt trong đám đông quần chúng. Cũng chỉ là phận hèn loài người được Chúa đoái thương. Được Chúa ban phát đôi điều để có thể sống sót, sống còn với mọi người. Có thể những gì Chúa ban cho ta, không là bánh/là cá, như người Do thái khi xưa từng học biết. Nhưng, ta học biết để Chúa trở thành chính Chúa. Và, qua học hỏi, ta khám phá ra rằng ta được Chúa đi bước trước, là để Ngài vẫn thương ta. Vẫn muốn ta về với Ngài

     Hãy cảm tạ Cha đã để Đức Giêsu lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ, được như thế. Hãy nguyện cầu, để Hội thánh của ta cũng được thế. Hãy chúc nhau có được cơ may lướt thắng được chính con người mình. Lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ vẫn xảy đến với mình, vào mọi lúc. Có thế, ta mới an tâm bước vào Mùa Chay thánh. Có thế, ta mới thấy vui được Chúa dẫn đưa ta ra khỏi mọi thử thách/cám dỗ, rất trần gian.

     Trong hân hoan dấn bước, ta hãy cùng dân con ở đời ngâm nga đôi lời thơ ý nhị, rằng:

                        “Anh trở lại, con đường lên núi biếc,
Thương mây bay, từ đó vẫn cô đơn.
Những bông hoa, còn có nửa linh hồn,
Những lá cỏ, nghiêng vai tìm mộng ảo.”
(Đinh Hùng – Cánh Chim Dĩ Vãng)

     Rất chí lý. Bông hoa kia, có khi chỉ còn nửa linh hồn vẫn cứ “nghiêng vai tìm mộng ảo”, thì tôi và anh sẽ chẳng tìm lối đi không thử thách. Để, sẽ thấy Chúa, thấy Cha ở phía trước đang giơ tay đón chờ. Chờ tôi, chờ anh bấy lâu nay. Ở mọi thời.

     Lm Kevin OShea DCCT biên soạn –
     Mai Tá lược dịch.

No comments: