Saturday, 20 June 2020

Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 13 thường niên năm A




Mt 10: 37-42

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy. Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

            “Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ hết”
Ôm khối hận gia đình, trĩu nặng
Tôi căm hờn, thù ghét hôn nhân
Lang thang sống, giữa vùng im lặng
Chuỗi ngày tan tác, mảnh phù vân.
(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Ghét hôn nhân – Hận gia đình. Lang thang. Căm hờn. Thù ghét. Có là, tình tự khiến nhà thơ thấy lòng trĩu nặng, tan tác mảnh phù vân? Im lặng – tan tác, có là tình cảnh xảy đến nếu không bắt chước Phêrô tuyên xưng Đức Chúa, trong trình thuật?

Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa mặc khải rằng sở dĩ thánh Phêrô nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là nhờ Chúa Cha. Chúa mặc khải, đúng vào lúc Giáo hội vẫn ngờ ngợ về vai trò của đấng chủ quản Hội thánh, lúc ấy.

Là chủ quản, thánh Phêrô còn là ảnh hình của sự ổn định trong Giáo Hội. Hơn nữa, thánh nhân cũng duy trì được truyền thống của cộng đoàn dân Chúa, ngay từ đầu. Truyền thống hiệp nhất. Truyền thống không lung lạc. Hiệp nhất không lung lạc, nay lan rộng tới dân gian, ở nhiều nước. Cả các nước có bản sắc văn hoá đa dạng. Rất đặc thù. Riêng lẻ. Ở nhiều nơi. Và hôm nay, Đức Giáo Hoàng hiện thân như thánh Phêrô, là đấng bậc quản cai duy trì sự hiệp nhất dài lâu ấy, trong Giáo hội.

Hôm nay, các giáo hội cùng tin vào Chúa, dù không mang sắc mầu hiệp nhất như giáo hội Công giáo La Mã, cũng đã và đang hiệp thông với ta, để rồi sẽ trở thành Hội thánh duy nhất. Một cộng đoàn đa năng, quyết thực hiện hiệp nhất đại kết Chúa đã khuyên vào bữa tiệc Tạ Từ, chiều hôm ấy.

Từ buổi ấy, Hội thánh đã và đang hoạt động đến cùng mút sức lực của mình, hầu đẩy lùi làn ranh biên thuỳ đến mọi nơi. Ranh biên, không theo địa dư nhiều hạn chế, nhưng theo ưu tư kiếm tìm vùng bị bỏ rơi trong quên lãng. Hội thánh nay đạt đến phương trời dồi dào ân đức bằng phương tiện truyền thông, rất mới. Chính vì thế, Hội thánh nay cũng canh tân chuyển biến. Rất liên hồi. Rất đổi mới.

Canh tân, tiếp cận thế giới đang đổi thay đến chóng mặt. Đổi thay tận gốc rễ. Đổi thay, không chỉ mặt kỹ thuật tân kỳ, mà cả về nhận thức lẫn tâm tưởng để sẽ trỗi dậy, trong tinh mơ. Rộng khắp. Cùng với thế giới đã đổi và có thay, Giáo hội nay mời gọi dân con nhà Đạo cũng hãy thay đổi theo phương hướng thích hợp. Tân kỳ

Một thần học gia Châu Á nọ có nói: “Thế giới hôm nay đang lập nghị trình mới để Giáo hội thực thi, mà thay đổi”. Nói thế, ông không có ý bảo: Giáo hội phải đi theo hướng của thế giới đã đổi mới, mà thích nghi. Nhưng, nên hiểu là: việc rao truyền Lời Chúa hôm nay cần làm sao cho tương xứng với đường hướng sống động của thế giới, đã biến đổi. Rủi thay, nhiều vị trong Hội thánh vẫn mang lối sống chẳng buồn đổi thay. Chẳng tha thiết nhận ra bản chất của thế giới mình đang sống. Để từ đó, cần có những bước cải tiến, trong:

*cách chuyển tải thông điệp;
*tái cấu trúc cơ chế;
*có phong thái biết tiếp cận thông điệp một cách chính xác; và,
*thực hiện đối thoại một cách thực tiễn với thế giới đương đại.

Rất có thể, thế giới hôm nay không còn muốn nghe những gì Hội thánh nói, nhưng vẫn hiểu Hội thánh đang nói gì. Từ đó, mới nắm bắt điều Hội thánh đề nghị; ngõ hầu sống hứng khởi. Hạnh phúc.

Thế giới đã biến đổi, nay kéo theo sau nhiều thách thức mới. Thách thức, trong nhận định về những gì sai – đúng. Thách thức, về quyết tâm cần đổi thay. Bởi, có thay đổi mới nắm bắt được các vấn đề mới. Các yếu tố mới, nơi xã hội đang trở mình. Yếu tố mới ấy, sẽ đậm nét hơn khi ta nhìn vào cảnh nghèo khó, trong xã hội. Về những bất công, kỳ thị. Về hành vi bóc lột. Thiếu tự do. Về cách sống Đạo và cả những lo toan cho một nền hoà bình thế giới, rất chung. Có như thế, Hội thánh mới tạo phong cách đã biến đổi trong rao truyền Lời Chúa. Hầu, làm chứng cho yêu thương, công bằng. Tự do. Và an bình.

Muốn được thế, Hội thánh cần mặc lấy cho mình vai trò của ngôn sứ. Biết lo toan dựng xây trên nền tảng truyền thống, nhất quán. Biết loại bỏ phong thái tiêu cực như vùi đầu trong cát, né tránh sự thật. Cùng là phong thái lơ là chểnh mảng trong duy trì truyền thống. Hoặc, chỉ khoác lên mình những biến thái tưởng như mới mẻ, nhưng chẳng dựa trên nền tảng nào hết. Gia dĩ, có vị còn bày tỏ nhiều phản chống, không quan tâm. Hoặc, vẫn trùm mền, lặng thinh. Hành xử này, chẳng giải quyết được gì. Dù nó có xuất phát từ chính Hội thánh. Hay, chỉ là vấn đề của thời đại. Mà thôi.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh nhiều đến sự hiện diện của Đức Chúa nơi Giáo hội. Bằng vào hiện diện này, Hội thánh tin và nhận rằng Đức Kitô là nền tảng vẫn giúp đỡ Hội thánh sống vững mạnh. Sống, duy trì truyền thống thương yêu, không ngơi nghỉ. Đức Kitô vẫn đỡ nâng Hội thánh, trong mọi tình huống. Trong nâng đỡ, Ngài tặng trao “chìa khoá Nước Trời”, uy lực quyền bính Ngài nhận từ Cha.

Trải qua nhiều thế kỷ, Hội thánh vẫn ngủ vùi trong lãng quên. Cũng may, Hội thánh vẫn có được ân sủng lãnh nhận từ Chúa, từng hứa ban. Hội thánh vẫn tăng trưởng và lớn rộng về con số. Vẫn trung thành với nguyên tắc nhận từ Thầy Chí Ái. Và, có được bản chất Thiên Chúa, xứng hợp với niềm khao khát sâu xa nơi bản chất người. Thế nên, Hội thánh không bao giờ ngã quỵ. Sự Thật và Tình Thương vẫn không hề mai một.

Ở bài đọc 1, sự thật và tình thương được thể hiện qua việc thánh Phêrô bị nằm tù vì đã giảng rao thông điệp của Chúa và Nước trời. Cả Phaolô nữa, thánh nhân cũng cùng chung số phận tù đày, không thua kém. Phận tù đày, là để Lời Chúa được vinh quang, trải rộng. Khi thoát cảnh tù đày, thánh Phêrô đã trở về lại với cuộc sống giảng rao. Về người Thầy. Việc này mang ý nghĩa: Chúa vẫn duy trì bảo vệ Hội thánh như Ngài hứa. Nơi Phúc Âm.

Bài đọc 2, thánh Phaolô một lần nữa nói về cuộc sống rất phục tùng: 

“Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; 
đã chạy hết chặng đường; đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4: 7). 

Và, thánh nhân còn nói về việc Chúa đã bảo vệ ngài ngang qua thử thách, tố khổ, và bách hại: 
         “Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, 
       dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, 
      và cho mọi dân tộc được nghe biết.” (2Tm 4: 17). 

Thánh Phaolô cũng nói: Chúa tiếp tục bảo vệ thánh nhân, rất nhiều năm.

Hân hoan mừng lễ các vị tông đồ rường cột của Hội thánh, có lẽ không gì bằng ta tập trung nguyện cầu để mọi thành viên biết thuỷ chung với truyền thống Giáo hội. Một Giáo hội, đã trải qua ngàn năm khốn khó. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận canh tân biến đổi. Để rồi, cuộc sống mỗi người sẽ thích hợp với thông điệp Chúa gửi đến. Nguyện cầu, cho ta còn biết khao khát tình thương và sự thật. Cầu cho những người chưa đổi thay, nhiều thế kỷ.

Vào Tiệc thánh có nguyện cầu, ta cùng với Giáo hội cử hành phụng vụ trong hân hoan chứng tỏ quyết tâm ra đi thi hành sứ vụ giảng rao. Rao giảng rằng, Chúa uỷ thác cho ta qua Đức Kitô, một cộng đoàn hiệp nhất. Tề tựu nơi đây. Quanh bàn thánh này. Để, ta sẽ làm chứng cho Chúa. Để, cộng đồng ta đang sống viết lên nghị trình hoạt động hăng say, đầy truyền thống cho giáo hội địa phương. Giáo hội sở tại.

Điều cần là, ta cử hành phụng vụ ngày của Chúa, có lòng thành và phẩm chất cao. Có niềm vui hiệp nhất. Mang ý nghĩa thực sự phản ánh cuộc đời hứng khởi ta đang sống. Sống trung thực. Sống yêu thương, như Chúa kêu mời ta uỷ thác. Rất canh tân. Thật đổi mới.


Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.  

No comments: