Tuesday 29 January 2008

“Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa”

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời

Để ca tụng , bằng hương hoa sáng láng.

(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 5: 1-12:

Thơ mầu nhiệm ra đời, nghe xôn xao náo động muôn tinh tú. Náo động, phải chăng người thi sĩ muốn nói đến mầu nhiệm cứu chuộc dân gian nơi trần thế? Bằng Hiến Chương/Cương Lĩnh Nước Trời?

Trình thuật Cương Lĩnh hôm nay, là những chương đoạn về hạnh phúc ở trần gian. Nơi đất miền thân thương, dẫy đầy phúc đức có chen lẫn những cực hình. Hiến chương/Cương lĩnh Nước Trời mà thánh sử lược ghi, là để người người được thấy dung mạo Đức Chúa, một Mô-sê rất mới.

Giống hệt như Môsê thời buổi trước, Đức Giê-su nay khởi đầu cuộc đời Ngài giảng rao bằng 5 bài giảng thuyết có những đề xuất, rất nghịch thường. Giống hệt như sách Ngũ Thư của Cựu Ước, Hiến chương Hạnh phúc Chúa ban hành trên non cao chốn núi vắng, là để tỏ bày cho người Do thái biết về đường lối Chúa dạy. Tức, những điều Ngài muốn ta thực hiện, trong cuộc sống.

Bài thuyết giảng đầu đời Chúa tuyên bố, không là băng hình đậm nét về những sự kiện vừa xảy ra trên núi thánh. Mà, là sưu tập tóm tắt những lời vàng Thầy gửi đến với đồ đệ rất thân thương. Lời Thầy khuyên dạy sẽ giúp những ai dấn bước theo Thầy, biết đường nghe theo mà sống những chuỗi ngày hạnh phúc, với anh em. Núi thánh ở đây, là địa điểm Thầy ban hành Hiến Chương mới. Là, điểm mốc lịch sử nơi diễn tiến mọi sự kiện đổi đời, có từ Thầy.

Vị thế Thầy ngồi khi tuyên bố Hiến Chương Hạnh Phúc, nói lên quyền uy rất mực của Đấng Vị Vọng, rất Tối Cao. Cách Chúa ngồi giảng rao, còn diễn tả quyền uy thế thượng mà các vị cha chung trong Giáo hội, vẫn đương làm khi có phán quyết quan trọng, gửi đến con dân. Phán quyết quan trọng, là quyết định có liên quan đến cuộc sống hạnh phúc của mỗi người. Cho mọi người

Phán quyết Chúa ban, là Hiến Chương còn hệ trọng hơn cả Mười Điều Giáo Lệnh Mô-sê rao truyền, vào thuở trước. Các giáo Lệnh Mô-sê chuyển giao, là luật sống cho con dân Do Thái để thi hành, không mấy khó. Không khó, vì luật là luật chẳng cần đến tình thương. Chẳng cần phải tôn trọng. Cứ theo phương cách vị kỷ, tập trung vào chính mình. Hệt như thái độ chàng thanh niên rất giàu mà Tin Mừng từng nhắc đến: anh giữ trọn đủ 10 điều, từ hồi nhỏ. Giữ, nhưng chẳng cần tình thương yêu tha thứ. Anh là công dân tốt, nhưng không thể là đồ đệ đúng nghĩa của Chúa.

Hiến chương Thầy công bố, không là giới lệnh rất dễ làm. Bởi, mỗi điều khoản tuy bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay!”. Cụm từ này, xuất xứ từ tiếng Hy Lạp makarios, hoặc felix, tiếng La-tinh, cả hai bao hàm ý niệm hạnh phúc, rất cao trọng. Muốn am hiểu niềm hạnh phúc Chúa tuyên ban, có lẽ cũng nên am tường bối cảnh Nước Trời, Ngài tỏ bày. Tức, cần có tương quan tốt đẹp giữa ta và Đức Chúa. Cần chấp nhận Ngài là Chúa, Đấng hướng dẫn cuộc đời mọi người nên giữ.

Về bối cảnh Nước Trời, không chỉ người giàu sang, thành đạt hoặc quyền uy mới là người cao trọng, nhiều hạnh phúc. Trái lại, chỉ người hiền biết chấp nhận khổ đau mới đích thực là người được Chúa chúc phúc. Đây, không hẳn là hiến chương bình thường, cho muôn nước. Nhưng là Hiến Chưong hạnh phúc Nước Trời Chúa đã ban. Hiến chương Hạnh phúc Ngài ban, chú trọng nhiều đến nhu cầu thiết thực đổi thay cách sống. Đổi cả quan niệm về giá trị cuộc đời. Giá trị, nơi uy lực của kẻ yếu mềm, bị bỏ rơi.

Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của Hiến Chương hạnh phúc, mọi người sẽ nhận ra điều Chúa thách thức lối suy tư bình thường, theo qui ước. Có tìm và có hiểu, ta mới thấy được ý nghĩa Ngài đưa ra:

*Hạnh phúc thay, người có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ: người có tinh thần khó nghèo chính là người biết phó mặc hoàn toàn cho Đức Chúa. Có thái độ như thế, người người mới thực sự bước vào triều đại của Ngài. Không ỷ vào những gì mình đang có.

*Hạnh phúc thay cho người sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an: sầu buồn và khổ đau nói ở đây, không là tâm trạng của người vừa có mất mát. Mất bạn bè. Mất người thân. Nhưng, còn vì ác thần/sự dữ cứ xảy đến với thế giới nhân trần. Nên, sầu buồn và khổ đau vẫn cứ đến. Hạnh phúc, là bởi họ vẫn cùng với mọi người đã giáp mặt khổ đau. Giáp mặt và sẻ san, chứ không bỏ chạy.

*Hạnh phúc thay cho người mềm yếu, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất này: cụm từ “mềm yếu” trong Tin Mừng thánh Mat-thêu xuất từ tiếng Hy Lạp praus có nghĩa là: từ bi bác ái. Trái ngược hẳn tính kiêu căng trịch thượng, chèn ép hoặc bạo tàn. Điều Chúa nói, ám chỉ sự tôn kính, tính hiền hoà phải có, với mọi người. Đây, còn là thái độ lùng kiếm bản chất thiện căn hầu tỏa sáng khắp nơi. Điều này trái với tính nhút nhát, đớn hèn mà người Do Thái đương thời thường lây nhiễm.

*Hạnh phúc thay, những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy: điều Thầy Chí Thánh muốn nói, là: những ai sống ở đất miền ứ tràn những của ăn cùng thức uống, sẽ chẳng bao giờ có được kinh nghiệm về sự đói khát người dân vùng sa mạc, vẫn hứng chịu. Người đói khát sự công chính mà Chúa nói, từng hiến trọn công sức và cuộc đời ngõ hầu tái tạo công bằng và bình an ở xã hội, họ đang sống. Những người như thế, chắc chắn thuộc về Triều đại Nước Trời. Làm Chúa yên vui.

*Hạnh phúc thay,những ai có lòng thương xót vì sẽ đuợc xót thương: đây không cốt ý chỉ sự thương hại hoặc cảm xúc hời hợt, nhưng là tâm tình thương cảm sẻ san. Tâm tình bước vào với nỗi niềm buồn đau, nơi người khác. Những người như thế, chắc chắn sẽ được Chúa đoái thương. Ở đoạn khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng khuyên môn đệ mình bắt chước lòng thương yêu của Đức Chúa. Điều này có nghĩa: ta hãy bỏ qua một bên mọi thành kiến lẫn ác cảm. Bỏ mọi ghét ghen miệt thị trong giao tiếp, đối xử.

*Hạnh phúc thay, những ai có tâm hồn trong trắng vì họ sẽ được diện kiến Đức Chúa: trong trắng ở đây không là sự trinh trong xác thịt. Nhưng, nhìn sự vật với cặp mắt không thành kiến, méo mó. Không kỳ thị hoặc có đầu óc hẹp hòi như các luật sĩ đầy xung khắc, vị kỷ. Có tâm hồn trong trắng, là người nhận ra tình yêu Đức Chúa đang ở với họ. Người như thế quả thật họ đang có phúc.

*Hạnh phúc thay, những người biết dựng xây hòa bình, vì họ được gọi là con Thiên Chúa. Hạnh phúc là phúc cho ai hoạt động cho việc hòa giải, hòa hợp ở khắp nơi. Hòa giải - hòa hợp, không chỉ bãi bỏ tâm tình kình chống mà thôi. Nhưng còn là, đến với nhau. Chữa lành cho nhau. Cùng nhau kiến tạo sự hòa hoãn trong gia đình. Nơi phố chợ. Tại công sở. Ở chốn thị thành. Bình an trong chung sống, không để cho bất cứ ác tậm sự xấu được tồn đọng với nội tâm. Sự xấu, chính là thành kiến, xung khắc, kỳ thị; và cả đến những khai thác, bóc lột nữa. Tóm lại, có dựng xây hòa bình, mới tự nhận mình là dân con Đức Chúa.

*Hạnh phúc thay, những người bị bách hại vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ: ở đây, có lẽ có người sẽ hỏi: tại sao kẻ đau buồn cực khổ lại được Chúa chúc phúc? Lý do, những gì khiến họ đau buồn cực khổ là vì Tin Mừng. Do sự công bình và lành thánh, Tin Mừng Ngài đem đến. Người chịu đựng khổ đau, là cốt đem chân lý và bình an đến với thế giới nhân trần. Làm thế, họ đem niềm an vui hạnh phúc đến cho ta. Niềm vui ta có được, khi đã hoàn thành mục đích Ngài giảng rao. Lịch sử nhân loại dẫy đầy gương sáng của những người như thế. Ở Ấn Độ, Trung và Nam Mỹ, và khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy những gương lành thánh những người như thế. Thể kỷ 20 là thế kỷ sản sinh nhiều gương lành tử đạo hơn các thế kỷ trước. Các vị, đã chấp nhận tử đạo vì niềm tin. Vì bình an và công bình. Ngày nay, nhiều người vẫn chấp nhận hy sinh thân xác cho lý tưởng cao đẹp, hơn bao giờ.

Hiến Chương Nước Trời, quả thật sâu sắc. Rất cao đẹp. Hiến chương vẫn kêu mời mọi người kiến tạo tương quan mật thiết, giữa ta với Chúa. Với mọi người. Hiến chương cũng đòi ta quan tâm sâu sắc, tham gia dựng xây thế giới đương đại cho tốt đẹp. Và, kêu gọi mọi người hãy tìm cách biến đổi thế giới thành nơi ngập tràn tình yêu thương. Ngập tràn chân lý công bình và lòng xót thương. Đầy ngập sự tự do và hài hòa giữa mọi người.

Đó là ý nghĩa của Hiến Chương Hạnh Phúc. Của Cương Lĩnh Nước Trời. Là mục tiêu của cuộc sống. Sống hạnh phúc đích thật.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho mỗi người và mọi người sẵn sàng tham gia dựng xây Nước Trời đầy hạnh phúc, ở nơi đây. Nơi ta chung sống, chốn gian trần. Trong tinh thần ấy, ta cùng cất tiếng hát lên bài ca tạ ơn khi xưa:

Ôi ơn đời chói vói, nhớ khi thân tròn ôm gối

Ba trăm ngày trong gói, ngóng trông ra đời góp mối chung vui

Ôi ơn đời mãi mãi, thoát theo đời vun sới

Bao nhân tình thế giới, lớn lên trong vườn ân ái muôn đời. (Phạm Duy – Tạ Ơn Đời)

Tạ ơn đời. Nhưng, đích thực là tạ ơn Người. Tạ ơn Thầy đã ban cho mọi người Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời. Hiến Chương “xông lên lời ca ngợi sum hoà”. Rất yêu thương.

____________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch

Monday 21 January 2008

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi

Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai

Buồm trắng phất phơ như cuống lá

Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.

(dẫn nhập bằng thơ đọan trích của Hàn Mặc Tử)

Mt 4: 12-23:

Ánh sáng, nhà thơ hôm nay ghi nhận, không là hào quang sáng chói, “lùa trong bãi”. Nhưng, là ảnh hình Chúa Kitô sáng mãi với thế gian. Ảnh hình Ngài tỏa sáng như ban ngày. Sáng từ thời Cựu Ước mãi đến hôm nay. Nơi trình thuật sáng chói, ngày Chúa gọi.

Trình thuật sáng chói hôm nay, đề cập nhiều đến ánh sáng Vương Quốc Nước Trời, đến canh cải đổi thay, đến những đáp ứng lời mời của Thầy Chí Thánh, đang toả sáng.

Bước đầu đường đời Ngài rao giảng, Đức Giê-su cũng đã mời và đã gọi. Ngài mời gọi đám dân đen thuyền chài nhỏ bé, rất tầm thường, đưa các vị ấy vào chốn toả sáng “lùa trong bãi”, làm đồ đệ. Khởi đầu công cuộc rao giảng, Đức Giê-su đã xuất hành từ thị trấn Na-da-rét. Tiếp theo đó, Ngài đi Ca-pha-Na-Um, một thị trấn bé nhỏ bên bờ Ga-li-lê nơi vùng biển mang tên “Zê-Bu-Lun” và “Náp-Ta-Li”. Đi như thế, Ngài đã ứng nghiệm lời tiên tri I-sa-ya, nơi Cựu Ước, có lời rằng: “Hãy canh cải, vì Vương Quốc Nước Trời đã gần kề”.

Nước Trời đã gần kề nói ở đây, không là Thiên đường sống ở trên cao, nơi ta đạt đến sau khi chết. Nhưng chính là cộng đoàn tiên khởi, gồm con dân nhà Đạo gốc Do Thái giáo nay đà hoán cải. Thoạt tiên, người Do thái rất ngại ngần, vì không quen sử dụng trực tiếp danh tánh của Chúa, mỗi khi trao đổi hoặc nguyện cầu. Vì thế, sử gia Mat-thêu mới phải viết tả về Đức Chúa, bằng lối gián tiếp như “thiên đường”, hoặc bằng thể thụ động nơi động từ, vẫn nghe quen.

Với nhà Đạo, cụm từ Vương Quốc xuất tự ngôn ngữ cổ của Hy Lạp bằng từ “basileia”. Basileia trước nhất có nghĩa: vương quyền, quy luật và triều đại. Cũng từ đó, khi nói Vương Quốc Nước Trời đã gần kề, không có nghĩa bảo rằng: ta đã gần đạt chốn đền đài cung điện đầy nguy nga. Dù ở đời này hay đời sau. Thành thử, lời khuyên Hãy canh cải là có ý bảo: hãy đặt mình dưới sức mạnh/quyền uy của Đức Chúa. Hãy sống vì Vương Quốc Nước Trời. Vì Vương Quyền của Đức Chúa.

Đặt mình sống vì Vương Quyền của Chúa, là đặt mình trong tương quan đầy thương mến với Trời. Và với Chúa của ta. Đặt mình trong tương quan, là sống trong môi trường nơi đó có các giá trị đáng để ta trân trọng thực hiện như: tình yêu, lòng thương xót, sự công chính, tự do, sống với cộng đồng, sống trong an bình… Nhất nhất đều ở thế thượng phong, vẫn thắng lướt trong cuộc sống.

Đặt mình trong tương quan với Chúa - với người nơi Vương Quốc Nước Trời, còn là biết canh cải, đổi thay, đáp ứng lời mời của Đức Chúa. Nói đến canh cải - đổi thay, người người thường chỉ nghĩ là: ta phải ưu tư áy náy về những lỗi phạm, mình đã mắc phải. Nhưng, mời gọi của Đức Giê-su còn đi xa hơn thế nữa. Ngài không muốn ta xóa sạch mọi tàn tích của lỗi phạm trong quá khứ. Bởi lẽ điều ấy, chẳng thể nào làm được. Canh cải đổi thay là chuyển hướng hành động ngày hôm nay, đến lai thời.

Canh cải đổi thay, cụm từ bắt nguồn từ metanoia tiếng Hy Lạp.Cụm từ trên, bao gồm một thay đổi từ gốc rễ mọi suy tư nghĩ ngợi. Quyết hướng nhìn về cuộc sống theo đường lối mới. Đường lối được Tân Ước bộc lộ trong trọn bộ Thánh Kinh. Chỉ khi nào có quyết tâm canh cải đổi thay tận gốc rễ như thế, ta mới trở nên thành viên của Vương Quốc Nước Trời. Mới đặt mình dưới sức mạnh chuyển đổi nhờ uy lực của Đức Chúa.

Lại nữa, lời mời gọi của Đức Giê-su là yêu cầu ta không chỉ sám hối về những gì mình lỗi phạm trong quá khứ, quyết không lập lại. Nhưng là đổi thay trọn vẹn lối hành xử, để tháp nhập công việc Chúa muốn ta làm. Công việc ấy, là hợp tác cùng mọi người nhất định chấm dứt cơn túng cưc bần hàn, của người dân đen trên thế giới. Là, chấm dứt nạn đói nghèo, thất nghiệp. Là, vứt bỏ tính hờn - ghen nơi cộng đồng nhà Đạo và dứt đoạn lòng “tham - sân – si” quá mức độ. Chấm dứt lòng ham mua sắm quá khả năng.

Lời mời gọi của Chúa, là cốt để cho dân con nhà Đạo biết tháp nhập vào với Vương Quốc Nước Trời. Ở đây. Ngay bây giờ. Lời Ngài mời gọi, được gửi đến không chỉ với dân con nhà Đạo, nhưng cả muôn dân nước, khắp nơi trên địa cầu. Vương Ngài lập, cần vượt trên không gian - thời gian, nơi biên giới của nhà Đạo. Nước Ngài mời gọi, cần thể hiện bằng nhiều cách. Ở nhiều nơi. Cả những nơi, Đạo Chúa chưa tìm hội nhập. Bởi, trên thực tế, có đến 80% dân số thế giới chưa biết đến Tin Mừng của Đức Chúa. Chưa biết Lời Ngài, vì Lời Mời Gọi ấy chưa phổ biến khắp dương gian. Thế nên, ta cần chuyển tải và coi Lời Ngài như mục tiêu đời sống, của mọi người trong chúng ta.

Người nhận rao giảng Nước Trời, vào buổi đầu đời, chẳng phải là những kinh sư, lẫn Pharisêu, Biệt Phái. Mà là, giới thuyền nhân chài lưới, rất bình dân. Những người cả năm không cần sách bút, lẫn kinh kệ. Nhưng lại hiểu Lời, hơn ai hết. Và, có điều hi hữu nữa là: lời mời gọi Chúa gửi đến được chuyển tải ngay vào lúc các ngài làm công việc chài lưới. Chính vì thế, Chúa vẫn xác nhận: Thầy chọn các con, chứ không phải các con chọn Thầy.”

Với các môn đệ, metainoia (canh cải) còn có nghĩa trọn vẹn thay đổi lối sống trở về trước. Là, làm như các môn đệ gốc thuyền chài: dứt khoát bỏ thuyền, bỏ lưới bỏ cả giòng sông, quyết theo Thầy. Quyết theo Thầy, nên các ngài hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy. Tin, đến độ bỏ lại đằng sau mọi phương tiện sống, kế sinh nhai.

Bỏ mặc mà đi, dù không rõ thuyền về bến nao, đi nơi nào. Cũng tựa như Thầy đã dứt khoát bỏ rời thôn làng Na-da-rét. Bỏ mẹ cha, bỏ cả cuộc sống tay nghề thợ mộc chân phương cần cù, vào mọi lúc. Bỏ là như thế. Nhập vào với Đạo là như vậy. Bởi từ nay, mối lo toan không biết mình lấy gì mà sống, bằng sự lo lắng quan tâm đến anh chị em đồng loại của mình, sống sao đây.

Xem như thế, đáp ứng lời mời của Đức Chúa trong canh cải, là khởi sự sống đời rất mới. Một đời có những hỗ tương đùm bọc hết mọi người. Mọi người, nơi cộng đồng nhân loại, đang ngóng chờ. Bởi, cộng đồng này giờ đây đã trở thành gia đình thân thương, rộng hơn. Lớn hơn. Yêu thương nhau hơn.

Về yêu thương như người cùng cộng đồng, thánh Phao-lô cũng đã căn dặn cộng đoàn dân Chúa ở Cô-rin-thô, bằng những lời đanh thép nhưng thật tình: “Tôi khẩn khoản kêu mời anh em, nhân danh Đức Kitô, hãy thuận thảo với nhau để không có sự chia rẽ nơi anh em và anh em sẽ hoàn toàn hiệp nhất trong tư tưởng và thần trí”(1Cr 1:10)

Lời mời gọi canh cải và biến đổi hôm nay, không phải để Đức Chúa thích nghi với lối sống ta đã lựa chọn, nhưng để ta trở nên xứng hợp với thị kiến của Ngài về sự sống. Làm như thế, không phải là ta đang thực hiện một hy sinh, đổi chác. Nhưng ngược lại, để bảo rằng ta đang trên đường ngay nẻo chính. Con đường dẫn ta đến thành tựu, Chúa bảo ban.

Trong hân hoan thực hiện cuộc canh cải, ta hiên ngang cất cao lời ca yêu tứng hát thuở nào:

Yêu là tình dâng cao

Gió lao xao ngả hàng phi lao

Phút ái ân đắm say tâm hồn

Nhớ mãi đêm nào bên nhau.

Yêu là thêm thương đau

Với xót xa lệ tình khôn lau

Biết nói sao những khi âu sầu

Những khi úa nhầu tâm tư. (Văn Phụng – Yêu)

Vâng. Trong cộng đoàn Nước Trời ở trần gian, sống yêu cũng có những lúc là thêm thương đau. Là, lệ tình khôn lau. Nhưng, hãy cứ yêu như Đức Chúa bảo ta yêu. Yêu rất nhiều. Yêu ngay bây giờ. Và mãi mãi vẫn cứ yêu. Như “gió lùa ánh sáng vô trong bãi”. Yêu, “với lòng bát ngát rộng bằng hai”.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Tuesday 15 January 2008

“Thế gian biến đổi, vũng nên đồi”

Cám ơn đệ tử theo sư phụ

Đã dạy cho thầy môn khổ đau

Hôm nay sinh nhật, không thắp nến

Nhưng thắp trong hồn, hai mắt sao.

(dẫn nhập bằng thơ của Quan Dương)

(Ga 1: 29-34)

Sư phụ cám ơn đệ tử, là chuyện ít thấy. Hiếm khi thấy chuyện thày trò dạy cho nhau môn khổ đau, vào ngày sinh không thắp nến. Và, hiếm hơn nữa, là cả thầy lẫn trò đều có quyết tâm biến đổi thế gian, vũng nên đồi. Vũng - đồi đã cải biến vào chuỗi ngày đầu đời Thầy rao giảng. Rất Nước Trời.

Bài đọc hôm nay, nhấn mạnh về hai sự kiện trong đời của Đức Chúa: phong cách của Ngài và sứ vụ giảng rao Nước Trời, Cha trao Ngài.

Là đệ tử dấn bước theo Thầy, môn đồ Chúa biết rõ Thầy là Ai. Ai sai Thầy đi? Thầy đi để làm gì? Theo định nghĩa, đệ tử là người cất bước theo chân Thầy. Len lỏi mọi ngõ ngách cuộc đời, để rồi cùng Thầy thực hiện ý định mà Cha bày tỏ. Ý định của Cha, là những gì được nói đến nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử ghi lại sự việc diễn ra tại sông Gio-đan, khi đấng thánh Tiền Hô chỉ vào Đức Giê-su, và nói: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc trần gian”. Từ lúc ấy, danh xưng “Chiên Thiên Chúa” được loan truyền khắp mọi nơi. Nhưng, sao cứ lại gọi Thầy là “Chiên Thiên Chúa”?

Ngược giòng lịch sử, vào thời Cựu Ước, Gia-vê hối thúc vua quan xứ Ai Cập hãy để con dân Do Thái ra khỏi đất nước tạm dung, mà về nhà mình. Nếu không, mọi con trẻ ở đất Ai Cập sẽ phải chịu nhiều hậu quả như: dịch bệnh, chết chóc, khó khăn. Trong khi đó, con dân Do thái lại được bảo: muốn thoát chết hoặc lành lặn, hãy bôi máu chiên lên cửa, sẽ được Yavê giải phóng, cứu vớt. Và cứ thế, máu của Chiên Con Thiên Chúa, mang ý nghĩa giải thoát cứu độ, từ dạo ấy.

Với con dân nhà Đạo, Đức Giê-su Kitô, Đấng đã giải phóng cứu độ mọi người khỏi ách xích xiềng của ác thần/sự dữ cũng như lỗi phạm. Ngài mang tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” mà thánh Gio-an Tẩy Giả, từng tuyên dương, Với tước hiệu này, Ngài chấp nhận mọi hy sinh đau khổ để cứu con người. Đưa con người về với Cha.

Ngang qua cái chết và sự hy sinh đau khổ, ơn cứu độ được ghi dấu bằng máu Chiên Con Thiên Chúa, vào cả thời đương đại, lẫn hôm nay. Nhờ máu đào nơi đau khổ và cái chết của Đức Giê-su, con dân nhà Đạo chúng ta được ơn giải thoát khỏi cảnh trầm luân, nơi kiếp người.

Ơn cứu độ từ Đức Chúa, là ơn giải thoát con người trên trần thế vì tình yêu. Do tình yêu. Như Ngài minh định vào buổi tạ từ, chiều hôm ấy. Và, trong yêu thương cứu độ, Ngài đã thực hiện ý định của Cha, suốt đời Ngài. Thực hiện ý định bằng chính sự sống của Ngài. Ngài hy sinh, không chỉ để cứu thoát các đệ tử, tôi tớ hay người nhà Đạo, thôi. Mà, tất cả mọi người. Hơn thế, Ngài đặt tất cả mọi người trong quan hệ với bạn bè người thân, chứ không chỉ giữa thầy với đầy tớ. Ngài từng xác định điều này: “Thầy gọi anh em là bạn chứ không phải đầy tớ.”

Cùng một ý tương tự, thánh Gio-an Tông Đồ nói về người Thầy rất Nhân Hiền bằng các danh xưng rất khác, như: Ngôi Lời, Con của Cha, Chiên Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Đức Kitô Đấng Thiên Sai. Giê-su thành Na-da-rét, Con của Ông Giu-se, Vua dân Do Thái, Con của Người, vv… Đó cũng là ý nghĩa của tước hiệu được Hội thánh nhắc lại trong các bài đọc hôm nay.

Bài đọc thứ nhất, Hội thánh nói về Đức Giê-su như người đầy tớ: Israel, ngươi là đầy tớ của ta.” Và, về Đức Kitô, như “Đấng tạo nên tôi nơi cung lòng của đầy tớ Ngài.” Và, việc của người đầy tớ là ”Đưa Gia-cóp trở về với Ngài..”

Ngoài ra, còn một danh xưng khác Chúa bày tỏ cho thấy: Ngài là Ánh sáng thế gian. Tỏ bày điều này, Ngài muốn hết mọi người nhận biết và có kinh nghiệm về ơn cứu độ, Ngài thực hiện. Là con dân Đức Chúa, mỗi người và mọi người đều đã và sẽ có kinh nghiệm riêng về sự thật, tình thương và tư do mình nhận lĩnh, qua Phúc Âm. Nhờ Phúc Âm, ta biết được Đức Giê-su thực hiện sứ mạng cứu độ trong suốt cuộc đời rao giảng của Ngài. Sứ mạng ấy, là đem dân con thế giới về với Chúa, Đấng là Đầu và Cuối Hết mọi sự.

Sứ mạng của Đức Chúa, cũng là sứ mạng của mọi người. Không thể tự nhận mình là đồ đệ của Chúa được, nếu không đích thực nghe biết Lời Ngài. Là đệ tử ngoan hiền, ta đương nhiên trở thành người rao truyền Lời Ngài, cho đúng cách. Làm như thế, ta nhận lãnh trọng trách không chỉ mong riêng hồn mình được cứu rỗi. Hoặc, chỉ riêng mình ta là đạt Vương Quốc Nước Trời, thôi. Nhưng, là san sẻ niềm tin – yêu với người khác. Làm đệ tử theo chân Thầy, là giúp mọi người nhận ra dung mạo Đức Kitô, nơi người khác.

Nhận và biết Lời Hằng Sống Ngài ban, là am hiểu và sống đích thực tình yêu của Chúa, nơi đời thường. Là, sống ở bất cứ nơi nào, ta vẫn thực hiện niềm tin – yêu Chúa dạy, cho bất cứ ai. Dù là người dưng khác họ, người hàng xóm, xứ đạo, hoặc ở nơi công sở, nhất nhất chứng tỏ mình là đệ tử chân truyền quyết bước theo chân Thầy, không ngơi nghỉ.

Cử hành tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong được hợp tác dựng xây Nước Trời, ở mọi nơi. Cầu và mong sao, bất cứ nơi nào ta đặt chân đến, đều sẽ ghi hằn dấu ấn tình yêu thương hài hòa, của Đức Chúa. Ghi cả, niềm tin - yêu đặc thù của người đồ đệ. Của đệ tử chân truyền luôn dấn thân, tiến bước. Những đệ tử và đồ đệ cương quyết giảng rao Tin Mừng giải thoát, cứu độ. Rao giảng, không chỉ bằng lời. Nhưng, bằng chính cuộc sống cụ thể, ở giữa đời.

Trong quyết tâm rao giảng như thế, ta hân hoan cùng người nghệ sĩ khi xưa hát rằng:

“Khúc ca chơi vơi

Khắp nơi… khắp nơi

Người ơi!

Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la

Ta vui câu ca, những đêm xa nhà cùng ngồi bên đá.

Nhịp đàn vui bay theo gió qua

Mai vó câu lên đường

Đem chí trai can trường

Đời ta sống thác vì cố hương.”

(Văn Phụng – Vó câu muôn dặm)

Đúng thế. Đời ta sống là vì Cố Hương. Hay còn gọi là Quê Trời. Cố hương hay Quê trời, là Vương Quốc Nước Trời, ngay miền đất phía dưới, chốn địa cầu nơi đây. Nơi nghèo buồn, có đệ tử chân truyền. Có Thầy Chí Thánh thân thương, tất cả cùng nhau biến đổi vũng nên đồi. Những đồi và vũng được cải biến, để tình “Chiên Con Thiên Chúa’ giải thoát cứu độ, hết mọi người. Trong cũng như ngoài nhà Đạo.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Monday 7 January 2008

“Yêu là để xem mình khổ ít hay nhiều”

(Mt 3: 13-17)

Từ cổ đến kim, đông lẫn tây

Thơ tình yêu chật cả trời mây

Chẳng câu nào đúng tim tôi cả

Biết lấy gì đây, để tỏ bày”

(thơ Luân Hoán)

Vâng. Yêu, trước hết là “để tỏ bày”, và rồi là “để xem mình khổ ít hay nhiều”. Nhưng, hỏi rằng: nhà thơ nay đà hiểu biết. Biết mình khổ ít hay nhiều, thì còn gì đâu nữa để tỏ bày. Tỏ bày tình yêu? Tỏ bày lòng biết ơn? Có như điều Chúa tỏ bày, nơi trình thuật?

Trình thuật hôm nay, thánh Mat-thêu ghi rõ về một tình yêu tuy “không chật cả đất trời”. Nhưng lại rất thật. Rất đúng sự Thật, trong toàn cõi trời - mây - nước, chốn gian trần.

Chốn trần gian hôm nay, có Đức Chúa tỏ lộ Thiên tính của Ngài qua sự kiện thứ ba trong đời Ngài. Ở đây, là tỏ bày Thiên tính của Ngài qua Thanh Tẩy. Ngài đã chịu Thanh tẩy từ thánh Gio-an Tiền hô, trên sông có giòng chảy an bình từ thuở đó. Thuở Đức Chúa chịu Thanh Tẩy là để bắt đầu hành trình cứu độ. Nhưng, có lẽ nhiều người vẫn còn thắc mắc: là Thiên Chúa Ngôi Hai như Đức Giê-su, mà sao Ngài vẫn cần được tẩy rửa, để làm gì?

Đi thẳng vào câu trả lời, ta sẽ nói: Đức Giê-su làm thế là để chứng tỏ là Ngài muốn kết hợp trọn vẹn với nhân gian nơi trần thế. Như người phàm. Làm người thường, Ngài cũng là thành viên ở chốn thế trần. Cũng mặc lấy xác phàm như mọi người. Nhưng tuyệt nhiên, Ngài không vướng mắc “tham, sân, si” hoặc tội lỗi như bất cứ người phàm trần nào khác. Ngài chấp nhận mặc lấy cho mình sự chết. Nhưng Ngài đã sống lại để đưa loài người về với Cha.

Việc Chúa tỏ bày nơi giòng chảy Gióc-đan, chứng minh Thiên tính của Ngài được Chúa Cha minh nhiên xác nhận. Xác nhận thiên tính nơi giòng chảy, Cha muốn nói một điều, là: Đức Giê-su đã nhận bài sai do Cha gửi đến, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ do Cha ủy thác. Thoạt vào lúc Ngài bước lên khỏi giòng nước, Thiên Chúa Cha đã minh xác điều mà mọi người cần ghi tạc nơi lòng mình: “Này, là Con yêu của Ta. Ta hài lòng về người.” (Mt 3: 17).

Thiên Chúa là Cha đã tỏ bày niềm an vui hài lòng, qua cảm nghiệm của Đức Giê-su như mọi người đều thấy vào Lễ Ngũ tuần. Sự Hài lòng từ Thiên Chúa là Cha, còn mang ý nghĩa của một Thanh tẩy, vào độ trước. Và niềm hài lòng từ Thiên Chúa là Cha, còn là điều để chúng ta, cũng như tất cả những người có được niềm tin nơi Chúa, sẽ nhận biết. Cũng thế, mọi cuộc thanh tẩy nhằm tháp nhập người phàm vào với tình yêu của Cha, cũng đều mang ý nghĩa tương tự. Đó là ý nghĩa mà Thiên Chúa là Cha, nay tỏ bày là Ngài đã hài lòng.

Bài đọc thứ hai, thánh Phêrô cũng lại xác nhận thêm một lần nữa Thiên tính của Đức Giê-su được Thiên Chúa là Cha hài lòng gửi Thánh Thần Chúa đến chứng giám, khi Ngài chịu thanh tẩy: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.” (Cv 10: 38). Xức dầu, là hành động tấn phong Ngài lên ngôi vị Đức Vua và Đức Chúa. Tương tự như ở Do Thái, xức dầu tức xác nhận Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai” có Thánh Thần Chúa đến ngự. Và, Chúa chịu Thanh Tẩy, là Ngài chấp nhận bài sai, rao giảng Nước Trời, do Cha gửi đến.

Bài đọc thứ nhất, câu đầu sách ngôn sứ I-sai-a cũng vang lên lời xác nhận tương tự. Xác nhận này chính thức công nhận Thiên tính của Đức Giê-su là Chúa, có từ Cha. Xác nhận là công nhận có Thần Khí Chúa đến ở cùng: “Đây, người tôi trung Ta nâng đỡ… Ta cho Thần Khí của Ta ngự trên Ngài.” Và, lời minh xác “Thần Khí Chúa” đến ở cùng”, được Đức Giê-su long trọng công bố, khi Ngài ngồi giảng ở hội đường: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4: 18).

Suy niệm sự kiện Đức Chúa tỏ bày qua Thanh tẩy, là dịp để ta nhớ lại ơn thanh tẩy mà ta đã và đang nhận lĩnh kèm theo một minh xác Thiên tính của Đức giê-su, đang ở cùng người chịu thanh tẩy. Lâu nay, người nhà Đạo chúng ta thường nghe nhiều giải thích đơn thuần về Bí tích thanh tẩy như một động tác “cất đi tội nguyên tổ” và để ta “trở nên con cái Chúa”. Nhiều người vẫn coi việc thanh tẩy như nghi thức một-lần-rồi-thôi. Nghi thức ấy, do cha mẹ áp đặt từ nhỏ, để khi lớn lên, ta không thể đổi ý, gặp trường hợp bất ưng.

Tuy nhiên, giống như mọi bí tích khác, Thanh tẩy không phải là nghi thức riêng rẽ, tách rời khỏi sinh hoạt của cuộc sống. Thanh tẩy, luôn có liên quan đến toàn bộ cuộc sống của ta. Dù ta có được tẩy rửa lúc còn bé, hay vào khi khôn lớn, điều cần nhớ, là: khi chịu thanh tẩy, ta đã chính thức trở nên thành viên của cộng đồng dân Chúa. Khi chấp nhận thanh tẩy, ta đã là con của Đức Chúa. Có Thánh Thần Chúa ngự đến. Có Chúa ở cùng.

Có Thánh Thần ngự đến và có Chúa ở cùng, ta đương nhiên là chi thể của cùng Thân Mình Đức Kitô. Chính đó là Hội Thánh. Chính đó là cộng đoàn các kẻ tin vào Chúa. Và từ nay, không gì có thể tách rời ta khỏi lòng mến của Đức Chúa. Không gì có thể khiến ta rời khỏi cộng đoàn những người luôn yêu thương, và nâng đỡ lẫn nhau. Chính vì thế, việc thanh tẩy cho người lớn, vẫn được Hội thánh thực hiện vào lễ đêm khi Đức Chúa Phục Sinh. Tức là, trước mặt toàn thể cộng đoàn Hội thánh, ta được công khai tuyên bố trở thành con của Đức Chúa. Đó là ân huệ. Đó là quà tặng từ Đức Chúa Phục Sinh.

Tựa như công việc của Đức Kitô, Thanh tẩy đòi ta có quyết tâm san sẻ niềm tin yêu với mọi người. Bằng lời nói. Bằng hành động. Tuyệt nhiên, đây không là động tác nhằm “cứu vớt một linh hồn”, hoặc để “sống cuộc đời trong trắng”, rất thanh cao. Nhưng là nghĩa cử thánh thiêng, từ nơi Chúa.

Xem như thế, khi lĩnh nhận Thanh tẩy, ta được kêu mời sống chứng nhân cho Lời của Chúa. Sống làm muối cho đời. Là đèn rọi sáng chốn tối tăm. Nói tóm, ta được mời đến để kết hợp với mọi người trong cộng đoàn tình thương, con cái Chúa. Kết hợp, nhằm dựng xây Nước Chúa ở trần gian. Nói như lời của ngôn sứ I-sai-a, việc kết hợp được áp dụng vào Đức Kitô trước nhất. Nhưng cùng một lượt, cũng áp dụng cho cả chúng ta, nữa. Bởi, khi chấp nhận ơn thanh tẩy, ta đã trở thành một Kitô-khác. Chứ không trở nên người nào khác với Đức Kitô.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho mọi người nhận thanh tẩy, biết sống trong cộng đoàn dân Chúa, cũng được nghe lời minh xác, từ Cha: “Này, con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về nó.” (Mt 3: 17)

Trong vui mừng, được Cha minh xác như thế, ta phấn khởi lên mà hát lời ca âu yếm của mọi thời:

Về đây nghe em.

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

để chào mừng bằng hạt sương mai

để bằng lòng, ngọt ngào hấp hối

và hận thù người người lắng xuống

rồi tìm nhau như tìm xót xa…trong lúc lệ đã đầy vơi

Này hồn ơi, lên cao lên cao

Đem ánh sáng hân hoan trên trời

Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương “ (Trần Quang Lộc – Về đây nghe em)

Vâng. Em hãy về đi. Về mà xem Chúa chịu thanh tẩy. Để rồi, đem ánh sáng hân hoan trên trời rọi vào đời mình cho tinh cầu yêu thương. Và khi ấy, yêu là không còn “để xem mình khổ ít hay nhiều”, nữa. Mà là, “tình yêu nay chật cả trời mây”. Vì Chúa đã chịu Thanh Tẩy. Vì ta. Cho ta.

_________________________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Wednesday 2 January 2008

Hãy cứ vui đi, dẫu một ngày

(Mt 2: 1-12)

Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày

Dẫu phần ba phút, góc tư giây

Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp

Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.

(thơ Nguyễn Bính)

Hãy vui đi, dù bạn có là nàng thơ, tạo nguồn hứng khởi cho thi sĩ. Hay chỉ là trai ngoan xứ Đạo nghèo. Vẫn cứ vui đi. Vui, vì Đức Chúa Nhân Hiền nay đà tỏ hiện. Ngài hiển hiện thân phận Đấng Mê-sia giáng hạ làm người. Với mọi người. Ngài hiển hiện với dân con nhà Đạo, là chuyện đã đành. Nhưng, còn đến cả với những người ở ngoài nữa, mới đáng vui. Vui đi bạn hỡi. Hãy vui, mà cử hành tiệc thánh. Tiệc agapè ngày Chúa hiển hiện, rất nên làm.

Tiệc Chúa Hiển Linh ta cử hành hôm nay, là để mừng sự kiện thứ hai trong bốn sự kiện mà Đức Chúa tỏ lộ cho hết mọi người, ở dưới thế. Tiệc thánh Hiển Linh hôm nay, ta còn mừng kính, chứng giám cuộc tỏ hiện rất linh thiêng, thần thánh, cho muôn nước. Trước nhất, cho đám trẻ thơ nghèo hèn; giới “lang bạt kỳ hồ” chăn dắt chiên hiền, ngày Chúa đến.

Tiệc Hiển Linh, là tiệc dài trong đó ta nhận ra thân phận Đức Chúa, từ Trời cao đã giáng hạ làm người. Ngài giáng hạ với con người trần thế, ngay từ buổi đầu hành trình Nhập Thể. Hành trình yêu thương cứu độ, được ghi rõ nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật xuân Cứu độ hôm nay, thánh Mat-thêu ghi lại truyện kể về đoàn đạo sĩ từ phương xa vời vợi, ở trời Đông. Theo các nhà thần học ở Châu Á, như Linh mục Aloysius Pieris, thì có thể: các đạo sĩ hiền đến viếng Hài Nhi từ nơi xa như các nước Ba Tư, Đông Sy-ri-a hoặc Ả Rập Sa-u-đi… Nhưng, có điều chắc chắn: họ không phải là nhân sĩ địa phương dõi theo ánh sao đêm để ghé thăm Hài Nhi, Con Thiên Chúa.

Về các đạo sĩ dõi ánh sao đêm, nhiều học giả định rằng: chắc đó là sao chổi hoặc sao băng, vừa loé sáng. Hoặc, ít nhất cũng là do có sự ma sát giữa các vì sao, rất “ấn tượng”. Ấn tượng nhất, là đối với các vị chiêm tinh nhìn ngắm sao đêm, tìm điềm lóe sáng. Nói gì đi nữa, tưởng cũng không thể nào thuyết phục được nhiều người. Sao lại có người thích cất bước dõi ánh theo sao dẫn đường? Bởi, sao đêm dù có di chuyển hay đứng im một chỗ, thì lúc nào sao ấy cũng ở trên đầu người, nơi xa tít mù tắp trên ấy. Đúng hơn, “sao lạ” lóe ánh ở đây, chỉ là biểu tượng nói lên: lằn sáng chợt loé cốt tượng trưng cho Giê-su Đức Chúa, Đấng luôn là Ánh Sáng dẫn đường cho toàn thể “dân gian vũ trụ”.

Đề cập đến “sao lạ” hoặc “ánh sao dẫn đường”, thánh sử Mat-thêu không nói về khoa học thiên văn hoặc chiêm tinh, sáng chói. Nhưng, với bối cảnh ngôn từ được sử dụng trong Kinh Thánh, ánh sao đêm hay lằn sáng lóe lên ở đây cốt để diễn tả: Đức Chúa, qua con người của Đức Giê-su, đã rời bỏ vũ trụ thần thiêng các thánh để đến với con người, nơi trần thế. Mỉa mai thay, các vị thượng tế, thông luật thời đó, dù đã biết rõ Đấng Thiên Sai từ đâu đến, vẫn chẳng thiết tha tìm đến mà thờ lạy chiêm bái Ngài.

Dân con nhà Đạo ở Do Thái hay nơi nào khác, cũng thế. Vẫn, cứ để “người dưng khác họ” sống ở ngoài, như Vua Hê-rô-đê, hoặc các đạo sĩ hiền, tìm đến với Chúa. Mỗi người tìm vì mục đích khác nhau. Người thì truy tìm để trừ khử, như Hê-rô-đê đã quyết. Kẻ thì chỉ mong được yết bái lạy thờ, như các đạo sĩ hiền lành kia.

Đạo sĩ hiền đến yết bái thờ lạy, đã tặng trao những là: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Mỗi phẩm vật, dâng lên đều nhắc nhớ điều được báo trước ở bài đọc thứ nhất: “Tất cả những người từ Sơ-Va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương.” (Is 60: 6).

Ở phương Đông, Vàng tượng trưng cho Vương quyền. Ở đây là Vương quyền của Đức Kitô. Nhũ hương, biểu tỏ bản chất thánh thiêng. Mộc dược, hàm ngụ ơn thương khó cứu độ Ngài lĩnh nhận cho mình, đến khi chết. Các phẩm vật này, luôn biểu thị đức hạnh, lời nguyện cầu và nỗi niềm đau khổ.

Thông điệp lễ Hiển Linh hôm nay, còn tỏ cho mọi nguời biết rằng: với Chúa, không ai là “người dưng khác họ”. Và cũng chẳng ai là “người ở ngoài”. Ngoài quỹ đạo tình thương. Ngoài nhà Đạo. Hoặc nói nôm na, là người ngoài cuộc hết. Trái lại, đối với Đức Chúa, tất cả là đàn con thân thương, Ngài yêu đều. Ngài vẫn yêu, dù cho dấu hiệu bên ngoài của những người-bị-cho-là-ở-ngoài, có khác biệt đôi chút. Khác ngoại hình. Khác mầu da. Khác cả văn hóa, sắc tộc nhà Đạo. Bởi tất cả chúng ta đều cùng chung một cha. Đều có quyền gọi Ngài là “Abba! Lạy Cha ơi!

Thông điệp lể Hiển Linh hôm nay, còn mang đến với ta một điều nữa, là: Thiên Chúa không bao giờ ở xa ta. Trái lại, rất gần với ta, và với người hơn bao giờ hết. Ngài luôn thương yêu và kêu mời tất cả chúng ta kể cả người trong Đạo, hay ngoài Đạo, nam hay nữ, nghèo hay giàu. Nổi tiếng hay thấp hèn. Mạnh khoẻ hay yếu đau, hãy gần gũi nhau hơn.

Nhìn lại, thì thấy đã nhiều lần, ta vẫn xử với nhau, như người ngoài. Rất dửng dưng. Rất lạnh nhạt. Dửng dưng, trong cách xử sự. Lạnh nhạt, trong tư thế gây bè lập phái, đấu tranh. Đấu tranh, nhằm giành giựt quyền lợi cho giòng họ của mình. Cho cộng đoàn. Cho phe của mình. Hoặc, cho bè nhóm sắc tộc, rất tư riêng. Đối xử với nhau như người ngoài, là từ chối thương yêu. Là, không còn kính trọng nhau như các nhân vị đồng đều. Như các người con yêu của Chúa. Dửng dưng, như tình “ở ngoài’, là chọn lựa khuynh hướng sống theo thế thức của thượng tế, các Pha-ri-sêu.

Cử hành mừng lễ Hiển Linh, ta tự hỏi: ánh sao kia có là gì trong đời mình? Mà sao, các vị nhân hiền đạo sĩ cứ dõi theo mà đi? Sao người dân thành Giê-ru-sa-lem, lại không thế? Nay, Chúa gọi ta theo phương cách nào? Gọi ta đi đâu? Ngài muốn ta làm gì? Để Ngài ở đâu trong ta?

Hỏi thì đã có nhiều người từng hỏi. Làm, thì cũng đã có nhiều người từng làm. Nhưng, khác nhau ở chỗ: ta đặt ưu tiên cho việc nào trước, việc nào sau? Bởi, ngày nay, thông điệp “ánh sao lạ lễ Hiển Linh” còn xa vời lạ lùng đối với nhiều người. Vẫn có người chưa buồn khởi động tìm kiếm “ánh sao xưa”, nơi đời mình.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta nghĩ nhiều về thông điệp “ánh sao xưa”. Thông điệp “sao” có thể chẳng đánh động ai. Chẳng hấp dẫn một người nào. Chẳng thay đổi được gì trong cuộc sống, của mỗi người. Nhưng không trễ, thông điệp Lễ Hiển Linh, là dịp để ta có thể hướng mắt tìm về “ánh sao quen”. Sao của riêng mình. Chẳng phải là, sao của “Tử vi đẩu số”, cố cụ Trần Đoàn, đầy giải đoán. Nhưng, nhất định là: “sao mai” nhắc nhở ta kia, trời rực sáng. Nhắc ta về với đường ngay, lối thẳng. Lối thẳng an bình trong cuộc sống.

Trong chiêm nghiệm “ánh sao” an bình cuộc sống, ta hân hoan cất tiếng hát mừng một vì sao:

Tay trong tay đôi lòng xao xuyến

Ta cùng theo dõi ánh sao rời ngôi long lanh

Ta cùng nhau ước tương lai đẹp tươi

Sống bên nhau ngàn năm

Dù đường đời muôn lối (Vũ thành – Nhặt Ánh sao rơi)

Chắc chắn, khi đã theo ánh sao ngày Chúa hiển hiện, ta sống ngàn năm tươi đẹp. Ngàn năm trong hiện tại rất vui. Vui, vì Chúa “Hiển Linh” đã cho ta thấy ơn cứu độ rất thân thương. Đến với mọi người. Cả người đạo sĩ phương Đông, lẫn người lạ. Cả người thân quen nhà Chúa, lẫn người dưng. Người dưng hay người nhà, hãy cứ vui Vui mừng ngày Chúa đến. Rất Hiển và rất Linh.

___________________________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai tá từ Úc diễn dịch.

Hãy về cùng em, lo phụ dưỡng gia đình

(Mt 2: 13-15, 19-23)

Anh hãy về đi, dựng từ đầu

Em đây sẽ đợi dẫu bao lâu

Mái ấm gia đình cửa luôn mở

Anh hãy về đi, dựng từ đầu.

(thơ Nguyên Đỗ)

“Anh hãy về đi, dựng từ đầu”, đúng là lời lẽ của nhà thơ. Lời ở đây, không chỉ là lời nhắn nhủ những người em thân thương, ở quê nhà. Mà, là lời kêu mời mà Hội thánh xưa nay cứ nhắn gọi mọi người vào dịp lễ Thánh Gia.

Lễ Thánh Gia, ta không chỉ đứng ngắm mà khâm phục sự êm ấm bình an của gia đình rất thánh, Đức Giê-su. Nhưng là, mời gọi người người suy niệm về một Giáng Hạ, rất an bình. Có tình thương mến. Mến mộ gia đình thánh. Thương cho gia đình Ngài gặp ngày dậy sóng. Sóng ưu tư. Sóng muộn phiền, ngày Chúa Con đi lạc. Sóng buồn rầu, ngày Đức Chúa chấp nhận cái chết.

Là thành viên Gia Đình Lành Thánh, các Đấng cũng đã lo âu, ray rứt khi Giê-su Đức Chúa ở lại nơi đền thờ, mà giảng giải cho các nhà thông luật, thêm hiểu biết. Và, cả lúc về sau, khi Ngài nổi tiếng, cùng lúc trở thành đối tượng cho nhiều người khích bác.

Cử hành mừng kính Lễ Thánh Gia hôm nay, con dân chúng ta nguyện cầu Chúa chúc lành cho người người và gia đình mình. Chúc lành là bởi, dường như con cái trong gia đình hôm nay, thường hay gặp cảnh bức xúc, rất ưu tư. Có gia đình còn phân rã, ghét bỏ/đấu đá lẫn nhau, chỉ vì tình thương trao ban không đều. Hoặc vì ghét ghen, đố kỵ. Có khi, chỉ vì tiến trình đổ vỡ mà nay vẫn chưa kịp hàn gắn.

Đã nhiều lần, Đức Chúa quả quyết: hễ anh em có hai, hoặc ba người ngồi lại vì Danh Ngài, Thầy sẽ đến ở cùng. Đến ở cùng, chính đó là hình ảnh của Gia Đình Rất Thánh, Đức Kitô. Gia Đình Lành Thánh, chính là cộng đoàn nền tảng của Đạo Chúa. Ở gia đình đó, Đức Kitô vẫn luôn hiện diện. Ngài hiện diện, để tỏ mình cho thế giới, biết thương yêu lẫn nhau như “gà cùng một mẹ” trong gia đình. Gia đình lành thánh theo kiểu của Đức Kitô, không chỉ là đơn vị gia cư thuộc Giáo hội của Chúa, mà là mái ấm tình thương quyết sống đời yêu thương san sẻ, trong cộng đoàn.

Sống đời yêu thương trong gia đình, cộng đoàn không có nghĩa là mình chỉ sống cho riêng gia đình mình. Sống xa cách mọi người. “Đèn nhà ai nấy sáng”, chẳng quan tâm đến một ai. Mà là, sống cùng và sống với thế giới quanh ta. Sống, mà không tìm lợi ích cho riêng mình. Trái lại, là sống kết hợp hài hòa. Biết nâng đỡ và san sẻ tình thương trong cộng đoàn cần đỡ nâng. San sẻ cả niềm vui, lẫn nỗi buồn. San sẻ và nâng đỡ, để rồi sẽ trở nên thành phần của Giáo hội, rộng khắp. Từ đó, thực hiện sứ mệnh gia đình cho đồng hình, đồng dạng với Hội thánh Chúa. Sứ mệnh ấy, là sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Đức Chúa, ở chốn gian trần.

Thực hiện công tác ấy, mọi ngày trong cuộc sống thường nhật, ta quyết làm cho bằng được qua nhiều hình thức. Bằng nhiều phương cách, tựa như cách thức mà Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã đề nghị trong Thư Chung năm nào, nhấn mạnh đến điều mà các ngài gọi là “Dõi Theo Con Đường Của Tình Yêu”. Dõi theo bằng cách:

*Tin tưởng nơi Chúa và thực sự xác tin rằng Ngài đang lo cho chúng ta

*Yêu thương và tin tưởng mãnh liệt vào giá trị của người khác. Hình ảnh Thiên Chúa phản ảnh nơi con cái Ngài là khi họ nhận biết rằng: người thân trong gia đình hằng yêu thương nhau. Bao lâu còn nghi kỵ lẫn nhau, tức là mình đang nghi ngờ Tình Yêu của Thiên Chúa.

*Kiến tạo và duy trì sự mật thiết hỗ tương, bắt đầu từ vợ từ chồng rồi cứ thế lan rộng đến các thành viên khác của tổ ấm gia đình.

*Sống chứng tá cho các giá trị của Tin Mừng bằng gương mẫu sống động trong cuộc đời người tín hữu Đức Kitô.

*Đào tạo và giáo dục niềm tin yêu qua gương mẫu sống mật thiết yêu thương lẫn nhau qua vai trò làm cha, làm mẹ. Để rồi, con cái sẽ không thấy điều khác biệt giữa thực tế ở nhà và điều được dạy tại trường.

*Cùng nhau nguyện cầu. Cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân Ngài ban. Cũng không quên xin Ngài hướng dẫn những bước chân mềm vào những lúc khó khăn, lầm lạc.

*Biết phục vụ và cho đi. Phục vụ người khác dù khác họ, khác giòng tộc. Cho đi những gì mình đã có, cho người có nhu cầu cần hơn mình.

*Sẵn sàng tha thứ và tìm kiếm sự hài hòa. Biết sám hối khi có lỡ lầm. Biết lắng nghevà ủi an, khi có người cần được giúp đỡ.

*Tán dương ca tụng sự sống mỗi khi có dịp, như: mừng sinh nhật, hôn lễ, ngày kỷ niệm…

*Hợp tác với mọi người trong cộng đoàn mình hầu thăng tiến phẩm cách của mọi nhân vị. Tranh đấu chống thói bè phái, kỳ thị. Quyết cứu đói, giảm nghèo, ở mọi nơi.

*Biết tỏ ra nhạy bén với ơn mời gọi phục vụ Cộng đồng dân Chúa, và cộng đoàn rộng rãi, khắp nơi. Biết để thì giờ và công sức để làm thiện nguyện, cải tiến cuộc sống của mọi gia đình, nơi chòm xóm, ngoài giáo xứ…

Đạt được lời khuyên nhủ ở trên, là việc làm thật lý tưởng. Đành rằng, chẳng thể nào có được gia đình hoặc giáo hội hoàn thiện, về mọi mặt. Nhưng ta vẫn luôn tin tưởng. Và cũng lạc quan, phấn khởi, để nếu cần, sẽ bảo nhau: “Anh hãy về đi, dựng từ đầu”.

Trong tinh thần phấn khởi “Dựng từ đầu”, ta hân hoan hát lên lời ca thân thương của người nghệ sĩ hôm nào đã viết nên giòng nhạc. Giòng nhạc vui, hát rằng:

Anh viết cho em một bài ca mới

Khi nắng xuân sang, khi gió đông tàn.

Nhịp đập rộn ràng trong trái tim anh

Kết thành lời bài ca yêu thương

Gởi người em gái yêu thương

Gởi người em gái quê hương…(Vũ Vĩnh Phúc – Bài Ca Cho Em)

Bài ca vui mới viết cho em, cho anh. Cho những người anh, người chị trong gia đình, rất lành thánh. Ở khắp nơi. Gia đình yên vui đầm ấm, có cửa luôn mở. Và luôn gọi: “anh hãy về đi, về cùng em lo phụ dưỡng gia đình”. Gia đình lành thánh, rất Kitô.

_________________________________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Đêm hôm nay, lạnh lẽo Giáng Sinh nghèo

(Lc 2: 1-4)

Xin Thượng Đế cho tâm tư giải tỏa

Thời gian nào con được biết mơ say,

Con được biết tình yêu như biển cả,

Phương trời nào hạnh phúc ở tầm tay.

(thơ Đào tiến Luyện)

“Tâm tư giải tỏa” – “Hạnh phúc ở tầm tay”. Đó, chính là ý nghĩa của sự kiện Giáng sinh, rất hôm rày. Giáng sinh hôm nay, biểu tỏ tình yêu như biển cả. Như mơ say, hạnh phúc Chúa gửi đến với dân nghèo, khắp nơi nơi.

Trình thuật Giáng sinh, thánh Luca ghi rõ về một Đại Lễ có ánh sáng, có niềm vui khi xưa, ơn giải thoát, rất đong đầy. Niềm vui khi xưa, dân thành La Mã đã mừng kính Lễ hội này như Ngày Hội Mặt Trời, khó chinh phục. Ngày hội Mặt Trời, không chinh phục nổi -bên tiếng La Tinh gọi là solis invicti- tức Định Tinh nóng cháy khó lòng khuất phục. Lễ Hội Mặt trời ở đây, là ngày lễ có Mùa Xuân chợt bừng sáng. Có niềm vui trỗi dậy, sau nhiều tháng ngủ vùi, giữa mùa Đông.

Các bài đọc Lễ Đêm hôm nay, nói đến Ánh sáng nơi Chúa Hài Đồng, trong máng cỏ. Chúa Hài Đồng, là Nguồn Ánh Sáng cho thế giới gian trần. Ánh lực huy hoàng rực sáng từng bao bọc các nông dân, mục đồng. Có đạo binh thiên quốc đồng loạt cất tiếng ngợi khen: “Vinh danh Thiên Chúa nơi trời cao thẳm, bình an dưới thế cho kẻ được Người đoái thương!” (Lc 2: 14)

Đồng loạt với ánh sáng diệu kỳ, là niềm vui thiên thần. Niềm vui mục đồng và thần sứ, vây quanh Đấng Hài Nhi. Và niềm vui đây, là niềm vui giải thoát Đức Giê-su mang đến với mọi người. Là, niềm riêng Vua An Bình hạ giáng đến với đám dân nghèo, thân phận hẩm hiu.

Phúc Âm hôm nay, còn tô đậm sắc thái đặc thù qua lối sống của Đức Giê-su. Sắc thái đặc thù, là mục đích Ngài nhắm tới. Đặc thù, nhưng không lao xao tình huống mà dân con ngoài Đạo vẫn thêu dệt cho vua quan lãnh chúa, người muôn nước. Đặc thù ngày Chúa đến, không nằm nơi xa hoa đèn đóm, rất phí phạm. Cũng chẳng thấy tiếng pháo nổ xum xuê, đầy lãng phí. Đặc thù ngày Chúa đến, mang sắc mầu khác biệt nơi những ẩn náu trốn chạy biện pháp kiểm tra do vua quan, lúc đó.

Đặc thù ngày Chúa đến, theo nhãn giới của người thời đại sẽ như thế nào?

Trả lời thắc mắc này, nhà thần học tu đức nọ từng viết:

“Đến với đồ đệ hôm nay, chắc Chúa sẽ phải hóa trang ghê lắm mới mong đem tình yêu thương cứu độ của Cha đến với mọi người? Đến với người đương thời, Ngài xử sự ra sao, khi dân con -trong Đạo ngoài đời- đang chết dần mòn vì các căn bệnh quái ác như SIDA? Ngài có ra tay phụ giúp, khi hàng triệu triệu người không công ăn việc làm? Hàng triệu người không còn phẩm cách, tác phong con cái Chúa? Khi đàn con bé bỏng, mềm yếu cứ bị xách nhiễu về tình dục? Khi người nữ phụ vẫn bị coi như thuộc giới thấp kém, người dưới cơ? Ngài sẽ làm gì, khi hiện tượng diệt chủng vẫn xảy đến ở đâu đây? (Lm David N Power, the Furrow 10/1998).

Chúa đến, mang sắc mầu đặc thù thời hiện tại. Chắc chắn là như thế. Nhưng, Ngài đâu rồi có hiện hữu với con người, hôm nay?

Để trả lời, nhà văn sư huynh Thomas Merton, đã ghi lại:

“Về với thế giới gian trần, Chúa không tìm được chốn trú chân, đành trở thành vị khách không được mời. Nhưng Ngài vẫn cứ đến. Ngài đến và cảm thấy đó như nhà mình. Vì, không nơi trú ngụ, Ngài đành ở lại với đám người nghèo hèn, cơ cực. Ngài đến, là để ở với những người không thuộc về Ngài. Những người bị giới quyền bính chối bỏ. Ngài đến, cũng bị coi như kẻ yếu đuối, thấp hèn giống như ai. Ngài đến, là đến với những kẻ không nhân vị, bị người khác khinh chê tư cách làm người. Là kẻ bị bách hại, bị cắt đứt mọi hiệp thông. Những người yếu hèn như thế, nay không chỗ trú chân. Ngài là Đức Chúa ở trần gian, đang có mặt với thế giới hôm nay.(trích từ The Tablet, 26-12-1998)

Cách đây không lâu, nhà văn người Brazil, Paolo Freire, người viết cuốn “Sư phạm dành cho người bị áp bức”. Trong sách, tác giả đề nghị phương cách giáo dục người nghèo mù chữ, như sau: “khi học chữ, người không biết đọc, không biết viết nên học để biết là mình đang nghèo. Và đang hèn. Học để biết hỏi tại sao mình nghèo. Làm cách nào ra khỏi cảnh nghèo? Và theo tác giả, giải đáp cho bài toán “nghèo và hèn”, nằm trong tay của chính họ.

Đáng tiếc thay, ngày Chúa đến hôm nay vẫn thấy mọi hình thức bạo lực nơi thế giới hiện tại. Bạo lực, vì nhiều người mất kiên nhẫn, không áp dụng phương thức hiền hoà, bất bạo động trong cuộc sống. Bạo lực, vì nhiều người vẫn chủ trương khủng bố, đảo lộn chốn sống yên ổn, ôn hoà. Nhiều người vẫn kiếm tìm thỏai mái nơi tiền tài, lợi nhuận ở khắp chốn. Chốn doanh thương, quyền bính, lẫn binh đao. Những người luôn chủ trương duy trì cảnh giàu sang, phú quý cho riêng mình.

Chúa đến, Ngài mặc lấy hình hài của vị Vua An Bình, thanh thoát, rất chân phương. Ngài đến, mang thông điệp thanh nhàn, Hài Nhi rất đáng yêu. Nhưng rủi thay, thông điệp yêu thương hài hòa Ngài mang đến vẫn không ngăn được con người bạo động gây chết chóc. Bạo động chết chóc, cả ở phần đất của những người lâu nay vẫn chối bỏ Ngài. Những người từng trả lời với Ngài, bằng cách này hay cách khác, tương tự như: “Rất tiếc! Không còn chỗ cho Ngài trú ngụ.”

Âm vang của tình trạng đáng tiếc còn hiện rõ nơi truyện Chúa Giáng trần, vào mỗi năm. Ở nơi đây, có linh mục, tu sĩ cũng giáo dân đã và đang dần mòn chết, trong cách sống trần tục. Cùng với họ, là muôn ngàn người nghèo đói, túng bấn, đang kêu gào ở nhiều nơi.

Giáng Sinh hôm nay, không là lễ hội đình đám chỉ một đêm. Giáng Sinh, không là ngày lễ để ta vui hưởng với thịt ngỗng gà quay, hay bánh ngọt. Giáng Sinh cũng không là tiệc rượu đình đám, ăn nhậu, tiêu phí, rất xa hoa.

Giáng Sinh chính là dịp để ta nhớ mà cử hành mừng kính việc Chúa đến với người nghèo khổ, không nhà. Những người chịu cảnh hẩm hiu, lép vế thiệt thòi, đủ mọi thứ. Chúa đến, Ngài mang tín thư Hy Vọng giải thoát đến với người chịu thiệt thòi trong thế giới, đem yêu thương vào nơi bất hòa.

Cử hành mừng lễ, là chấp nhận gia nhập tiến trình giải thoát cứu độ, Chúa kêu mời. Cử hành mừng lễ, là gột bỏ đi mọi tàng tích, âm hưởng của kiếp nghèo sa đọa. Của những bóc lột và kỳ thị đang hiện hữu trong môi trường xa hoa, phung phí.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cử hành mừng ngày Chúa Giáng Hạ, nhưng không quên mục đích mình mừng kính. Không quên thông điệp còn đó, đằng sau bầu khí phàm tục, mọi ngày lễ. Tham dự tiệc, để rồi ta cầu mong cho thông điệp ngày Chúa Giáng Trần giúp mọi người nhớ lại trọng trách của người tín hữu Đức Kitô. Trọng trách về với người nghèo hèn, thiếu thốn để đỡ nâng, như Chúa hằng giao phó. Cho ta. Cho mọi người.

Trong ý thức trách nhiệm ấy, ta hân hoan cất lên lời kinh xưa, hát rằng:

Và bây giờ, ngày buồn đã qua

Mọi lỗi lầm cũng được thứ tha

Tình yêu đã đến trong ánh nắng mai

Xoá tan màn đêm u tối

Cho tôi biến đổi tâm hồn

Thành một ngưới mới…” (Đức Huy – Và Con Tim Đã Vui Trở Lại)

Chúa đến, mọi màn đêm u tối được xoá tan. Xóa tan trong tâm hồn. Nơi thể xác, của mỗi người. Ngài đến, biến đổi mọi tâm hồn thành người mới. Người tuy nghèo, nhưng đã vui. Vui với niềm vui ngày Chúa mặc lấy cùng số phận. Vui vì Ngài vẫn vui như ta. Với ta.

____________________________________________________ Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.