Wednesday 31 December 2008

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: 28.12.08

“Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải”
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!

(dẫn từ thơ Xuân Diệu)

Lc 2: 22-40

Nhà thơ nay đà biết nói: ông cần tin. Và, ông cũng khao khát được nhầm lẫn, có ảo tưởng. Rất thâm trầm. Nhầm lẫn – ảo tưởng - thâm trầm, thế mà ông vẫn cần đến niềm tin. Dám hỏi nhà thơ, ông nay có tin, như tin vào tình yêu của Đức Chúa. Tin rất nhiều, hơn tình của đôi ta. Rất uyên ương. Không oan trái. Như trình thuật nay diễn giải.

Trình thuật hôm nay, diễn giải là diễn nghĩa và giải thích về thánh gia. Gia đình của Chúa tuy rất thánh nhưng vẫn giống mọi gia đình. Tức, có thăng có trầm. Có lúc vui buồn, nhiều trầm lắng. Lắm ưu tư. Ưu tư nhất, là khi Mẹ chứng kiến nỗi chết nhục hình của Con Mình, trên thập giá. Ưu tư không kém, như thánh cả Giu-se âm thầm suy tư về ý định của Thiên Chúa.

Là thành viên của Thánh Gia, Mẹ và thánh cả Giu-se cũng đã hốt hoảng khi Con của Mẹ “biến mất” nơi Đền thánh, những 3 ngày. Sau buổi ấy, Con của Mẹ, nay thuộc về gia đình mới. Gia đình thế giới. Chí ít, của những người quyết noi theo phương cách Ngài hằng chỉ dẫn. Ngài chỉ dẫn bằng dụ ngôn, truyện kể. Bằng diễn giải, nhủ khuyên khi Ngài quả quyết: là mẹ và là anh chị, chỉ những người biết lắng nghe và làm theo ý của Cha. Là, những người trong đó, có cả Mẹ. Bởi, không ai nghe và giữ Lời Chúa, cho bằng Mẹ.

Trình thuật hôm nay, đích thực kể về việc dâng tiến Chúa nơi Đền thánh. Là người con lớn trong gia đình, Đức Giê-su cũng phải thi hành luật lệ của người Do Thái, tức: dâng tiến chính mình Ngài cho Đền Thờ. Cho Cha Ngài. Điều này, để biết rằng: cả cuộc đời Ngài còn là quà tặng từ Thiên Chúa. Rằng, Thiên Chúa là Đức Chúa của mọi cuộc sống. Mọi sinh vật, trong cõi đời. Người thiếu niên Giê-su, một khi thuộc về Thiên Chúa, lẽ đáng cũng phải theo nghi tiết mang tiền vàng, dâng Chúa Cha, nơi Đền thánh.

Và lần này, thiếu niên Giê-su lên Đền, lại được gặp các đấng thánh như cụ Simêôn và Anna đón tiếp vồn vã, thân mật. Và cụ ông Simêôn, tràn đầy Thánh Thần Chúa, giữ lời hứa ban xưa, nên đã nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo như lời Ngài hứa, xin để tôi tớ Chúa được ra đi trong an bình. Vì chính mắt con nay được thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân: Đây chính là nguồn sáng soi dọi cho dân ngoại. Ngài là vinh quang của Ít-ra-en con Dân Ngài." (Lc 2: 29-32)

Nhưng sự thật, thì tất cả đều đã không là ánh sáng. Bởi, người thiếu niên đây sẽ “là duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống, hay trỗi dậy. Như thế, có nghĩa: Đức Chúa là cội nguồn của sự sống. Ngài chính là ơn cứu thoát cho muôn dân. Đồng thời, Ngài lại là cớ vấp phạm cho những người tự khiến mình đui mù, bằng những cản ngăn con đường Ngài đưa dẫn mọi người đến sự thật. Đến, tình yêu thương. Như cụ ông Simêôn, từng nói trước.

Với ngôn sứ Anna cũng thế. Nhìn thiếu niên Giê-su, oai phong dũng mãnh, bà cũng nói về Ngài thay cho hết mọi người lâu nay từng mong chờ ngày Ngài “giải cứu Giê-ru-sa-lem”. Có nhà thần học tu đức nọ, từng nói về cách thức thánh Luca viết sử, như sau: “Thánh sử Luca, qua sắp xếp bố cục trình thuật Kinh Thánh, để nói lên rằng: cả nam lễn nữ, ta đều có thể đứng thẳng người lên và đến gần bên Thiên Chúa. Là nam hay nữ, ta vẫn ngang đồng hưởng vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi cả hai, ta đều được phú ban, cùng một ân huệ. Nhận lãnh cùng một trọng trách.”

Trong bầu khí đầy tràn tình thương yêu và niềm hy vọng, thân phụ và thân mẫu Đức Chúa thời niên thiếu, đã về lại Nadarét với Con của Mẹ. Ở nơi đó, Ngài lớn lên trong khôn ngoan và tràn đầy ân sủng cùng tình thương yêu của Chúa Cha. Ở nơi Ngài, nền tảng vững bền cho công việc mai sau, được dựng xây. Điều này, chứng tỏ cho ta thấy: trải bao năm tháng, Đức Giê-su đã trưởng thành trong cung lòng đầy tình thương của thân phụ và thân mẫu, dẫu người phàm.

Và những gì là sự thật về Đức Giê-su, cũng là sự thật cho chúng ta. Nghĩa là, môi trường sống có gia đình yêu thương trân trọng, vẫn là môi trường quan yếu cho cuộc sống. Nhiều người có cảm tưởng, là: nhiều nơi trên thế giới, tại các nước được gọi là “đã phát triển”, đời sống gia đình đang ở vào tình cảnh khốn khó, có vấn đề. Nhưng ngược lại, những ai thường xuyên tiếp cận với giới trẻ hôm nay, đều thấy được tình hình của nhiều người trẻ, vẫn tương quan tốt, với gia đình.

Vấn đề là, các bậc cha mẹ nào kỳ vọng rằng con cái mình, chúng biết kính trọng, có hiếu đễ, dễ vâng lời cha mẹ, mà lại chẳng cần đòi hỏi gì nhiều về các xử sự của chúng, cho đúng cách? Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày hôm nay lập ra các tiêu chuẩn gấp đôi, hy vọng rằng ít ra con cái mình cần thực thi chỉ một thôi, cũng mãn nguyện. Thế nhưng, thực tế cuộc sống hôm nay, đòi hỏi nhiều nơi cha mẹ biết kềm chế rất nhiều, mới mong tạo gương mẫu cho các con. Kềm chế cãi vã, và tranh luận. Kềm chế, trong việc bỏ quá nhiều thì giờ để làm ăn thay vì gần gũi với con cái. Đôi khi, còn phải biết hy sinh thì giờ và tiền bạc, cố lắng nghe lập trường và ý kiến của con mình.

Một số người cha trong gia đình, còn có kinh nghiệm thương đau, như một ông bố vẫn muốn giáo dục con trai mình, cho nên người. Nhưng hễ ông bước vào phòng để nói chuyện với con, thì con ông lại bỏ đi chỗ khác, để khỏi nghe. Đến độ, bạn bè khuyên ông: hãy tìm cách cảm thông với ước muốn của con mình, hơn là bắt con mình làm theo ý muốn của riêng ông.

Ông bố cứ bảo: “Tôi cảm thông với tính tình của con tôi, lắm đấy chứ. Nhưng vấn đề ở đây, là: phận làm con, là phải biết tôn kính cha mẹ, biết trân trọng những gì chúng tôi làm cho chúng.” Bạn bè đành đề nghị một phương án khác: “Nếu con ông không cởi mở/dễ bảo, thì hãy cứ cho đi là ông chưa cảm thông với con cái và có lẽ chưa bao giờ ông biết cảm thông, và cũng chưa từng muốn thử , và dự định sẽ thử. Nếu thế, hãy tìm cách, một lần nữa, biết cảm thông với chúng.” Nghe điều đó, người cha nọ, đã làm thử. Ông chịu khó lắng nghe con mình, một cách vô điều kiện. Thế rồi, cả hai cha con đã học hỏi lẫn nhau. Học nhiều bài học, hơn trước.

Cuối cùng thì, cấu trúc gia đình của tín hữu Đức Kitô phải được thiết lập theo ánh sáng Tin Mừng, như một thị kiến của cuộc sống. Thế giới hôm nay, có quá nhiều áp lực từ xã hội. Đôi khi, ta cũng quá đeo bám vào truyền thống cứng ngắc, của người xưa. Có lẽ, cả Hội thánh nói chung, chứ không là từng gia đình riêng lẻ, cũng nên giải quyết vấn đề thông cảm không chỉ giữa các thế hệ thành viên trong gia đình mà thôi; mà là, cho toàn thể xã hội nữa.

Chẳng cần phải tranh cãi, phẩm chất của bất cứ xã hội nào cũng tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống gia đình. Xã hội hiện hữu vì gia đình. Gia đình cũng hiện hữu vì và cho xã hội. Trừ phi tương quan của hai phần này liên đới phụ thuộc vào nhau đều được biết đến, còn không thì thị kiến của Vương quốc Nước Trời, sẽ lại trở nên ngang trái, đối nghịch.

Cảm nghiệm điều đó, ta quyết duy trì niềm tin yêu, hăng say mà vui hát; hát rằng:

“Cùng đi lay Trường Sơn

Cùng đi xoay Hoành Sơn

Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm

Vượt khơi ra đảo xa,

Lướt ngàn nước sang nhà

Ta đắp bồi cho Mẹ Cha.” (Nguyễn Đức Quang – Về Với Mẹ Cha)

Cùng đi, đi để về với Mẹ, với Cha. Với gia đình, có Chúa Cha. Cũng vẫn là, lý tưởng của mọi người con. Con trong gia đình. Con Chúa. Con của Mẹ Hiền, có thánh gia. Chẳng cần “trông đợi”, chẳng mơ về “những ảo tưởng thâm trầm”, của cuộc sống.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


Friday 19 December 2008

Suy niệm Giáng Sinh – Lễ Nửa đêm 24/12/2008

“Hoa không buồn thắm, bướm không baỵ”
Giữa lúc tâm hồn, trong sáng ấy
Đường mờ như thủy, mảnh gương phai
Ngây thơ hấp hối, trong nhan sắc
Đợi hắt hơi thừa, một sớm mai

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Lc 2: 1-14

Hoa không buồn thắm, hồn trong sáng. Đường mờ như thuỷ, một sớm mai. Tất cả, nay không còn như thế. Không như thế, là bởi hôm nay Đức Chúa, Ngài đã Giáng hạ. Hạ giáng làm người, để hồn ta trong sáng, chờ Ngài đến. Ngài đến, trong bừng sáng như trình thuật, kể hôm nay.

Trình thuật hôm nay, kể về lễ hội tưng bừng những ánh sáng. Có vui có mừng. Có giải thoát. Người La mã lúc đầu có thói quen gọi lễ Hạ Giáng, là ngày lễ Mặt Trời không khuyết thực.

Bài đọc hôm nay, rộ lên chủ đề ánh sáng có hài nhi nằm trên máng ăn của bò lừa. Hài Nhi, là Ánh Sáng cho Muôn Dân. Ánh Sáng ấy, nay quây quần hào quang chiếu sáng trên mục đồng. Cùng lúc ấy, có thần sứ hát mừng tôn vinh Chúa, với những câu: “Vinh danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương." (Lc 2: 14)

Mừng, là chủ đề xuyên suốt trong cả ba bài đọc, hôm nay. Nhất thứ, là Tin Mừng. Tin Mừng, là đặc thù đích thực được gửi đến tín hữu Chúa Kitô, ở mọi chốn. Nguyên do dẫn đến những mừng vui, là vì ơn giải thoát Chúa đem đến. Ơn Chúa đem, Ngài mang lại theo cung cách của Vị Vua các vua. Và, cả đến cung cách của vị Hoàng Tử của An Bình. Tin Mừng Ngài đem đến, không phải để phô trương quyền uy và thế lực. Mà là, để ban phát quyền lực oai phong cho kẻ nghèo hèn, còn yếu kém.

Trình thuật hôm nay, gợi lại lối sống và mục tiêu Ngài nhắm đến. Mục tiêu/lối sống Ngài nhắm đến, không theo cách thức của những người sống chung quanh. Nhưng, như thường dân ở huyện đến để đăng ký sổ bộ cho đoàn thu thuế. Và khi ấy, không có chỗ đàng hoàng tử tế cho Mẹ Ngài và thánh Giu-se. Mẹ đành để Hài Nhi tá túc chốn bò lừa. Đặt Hài Nhi nằm trên máng ăn của lừa/bò.

Và, khách mời thăm viếng Vua các vua, vẫn chỉ là đám nhi đồng du mục, chẳng vai vế. Rất bần hàn, vùng cận Đông. Họ là đám người cùng cực, sống ngoài rià. Ngoài xã hội. Ngoài phe nhóm. Nhưng, họ là người tử tế. Chỉ mỗi tội, không biết thích nghi với xã hội mình sống. Và câu hỏi: tại sao lại như thế? Sao, Đấng Thế Tử đến với dân lại theo kiểu xuống cấp, đến như thế?

Thật ra, cũng nên hiểu ý của thánh sử Luca khi thánh nhân viết trình thuật thời thơ ấu của Chúa, là để thiết lập tương lai, Ngài sẽ sống. Thánh Luca nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa đến, là: Ngài đến với người nghèo. Kẻ yếu đuối, sống ngoài rìa. Sau này, Ngài còn cùng bàn với phường giá áo túi cơm. Kẻ tội lỗi, đến ghê khiếp. Vậy, nếu Chúa đến vào thời buổi hôm nay, thì thế nào?

Tại sao thế? Có nhà thần học đương thời, vẫn nhận định: “Nếu Chúa đến với đồ đệ Ngài, hôm nay, Ngài sẽ phải theo cung cách nào để mang Tin Mừng cứu độ, cho môn đệ? Ngài sẽ đến cách nào, khi đám người trẻ cứ phải chết vì Siđa? Khi hàng triệu người vẫn thất nghiệp, chẳng có nhân cách? Và, Chúa đến sẽ thế nào, khi đàn trẻ nhỏ vẫn bị sách nhiễu tình dục? Phụ nữ vẫn cứ thua thiệt, so với nam nhân? Ngài sẽ nói sao, khi tệ nạn phân biệt chủng tộc, chém giết vẫn cứ xảy đến với Châu Phi, châu Á, và cả châu Âu, nữa? Ngài đến theo cách nào, khi loài người vẫn cứ huỷ hoại môi trường, mình đang sống?

Và hôm nay, có người hỏi: Chúa Cứu Thế, Ngài ở đâu? Ngài đâu rồi, sao không đến khi người hèn yếu đang cần Ngài? Ngài là Chúa Cứu Thế của ta –và của mọi người- khi ta và họ được Ngài chúc phúc bằng của cải, trên trái đất. Của cải vật chất, xã hội và cả đến tài sản trí tuệ, nữa. Thật sự, Ngài chỉ là Đấng Cứu Thế, khi ta chứng thực được rằng: mình đang chung lưng đấu cật, hợp tác tái tạo lại nhân cách và tính vẹn toàn cho người hèn yếu. Mà thôi.

Thomas Merton, là nhà văn và cũng là nhà khắc kỷ/khổ tu, đã phát biểu: “Thế giới này, chốn trú ngụ cuồng điên, nơi đây tuyệt nhiên không còn chỗ cho Ngài đến trú ngụ. Ngài vẫn đến, dù không ai mời. Nhưng, Ngài không cảm thấy đó như ở nhà mình, là bởi không có nơi cho Ngài trú ngụ. Và Ngài vẫn cần thiết ở nơi ấy, nên Ngài đã phải đến với người khác. Những nguời cũng một tình trạng như Ngài, tức: không có chỗ trú thân.

“Chỗ trú thân của Ngài, là ở với những người không thuộc phe phái nào, nên vẫn bị quyền bính chối từ và bỏ qua một bên. Bỏ, là bởi họ vẫn cứ bị coi như kẻ yếu. Bị coi, là những người không đáng tin cậy. Họ là những người bị tước bỏ cả đến “nhân cách chỉ làm người”. Là, những kẻ đang bị ruồng bắt. Hãm hại. Ruồng bỏ. Những người không có phòng ốc để trú ngụ, dù qua đêm. Với họ, Chúa vẫn có mặt, nơi thế giới.”

Cách đây khá lâu, nhà văn Paolo Freire người Brazil, có viết trong Sách Sư Phạm Cho Người Bị Bức Bách. Đầu đề sách, thoạt nhìn có vẻ như một cẩm nang cho người khủng bố. Nhưng, không phải thế. Freire là tín hữu Đạo Chúa. Ông hoàn toàn chống lại bất cứ mọi hình thức của bạo lực. Sách của ông, chỉ cách hướng dẫn cho người nghèo, ít học. Ông tin rằng, khi đã được học đọc và học viết, thì người bần cùng nghèo khổ cũng sẽ học rằng: họ từng là người nghèo. Biết được lý do tại sao mình nghèo. Và, làm thế nào để vượt thắng cảnh nghèo hèn. Mọi giải pháp/cơ hội, nằm trong tay họ.

Toàn bộ tiến trình giáo dục người nghèo, đặt nền tảng trên tín thư Tin Mừng. Và, người đọc sẽ áp dụng mọi chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Tiến trình này, giúp người nghèo và những người bị ruồng bỏ, hiểu rõ hoàn cảnh bức bách họ đang chịu. Giúp họ biết quyền lợi của họ là có được nhân cách sống. Cũng như công lý; và phương cách bất bạo lực, để giải quyết.

Dù thế, lâu nay vẫn xảy ra nhiều bạo động, vì phần đông các người nghèo không kiên nhẫn đủ, để tiến hành bất bạo động. Họ bị cuốn hút vào cung cách của du kích. Khủng bố. Chí ít, là cách đang được một số chính quyền, giới kinh doanh và dân quân khác, thích sử dụng. Những người thích sử dụng kiểu này, là cốt tạo sự giàu sang và quyền bính trong tay một nhóm người, rất ít ỏi.

Hài Nhi hôm nay Giáng Hạ, chính là Hoàng Tử Bình An, của mọi người. Tiếc thay, thông điệp tình yêu và công lý Ngài mang đến, đã biến thành tài nguyên cho bạo động và nỗi chết, như thành quả của người đã từng khước từ Ngài. Tiếng vang ấy, vẫn đọng lắng nơi truyện tích, của Giáng sinh. Chính vì thế, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và hàng ngàn nông dân vô tội cũng như gia đình họ, đã và đang bị giết hại, vì Ngài.

Và, lễ Giáng Sinh không chỉ xảy đến, mỗi đêm nay. Nhưng, là nguyên năm. Giáng Sinh, không chỉ là lễ hội đình đám có ngỗng quay, kẹo mứt bánh trái, ở đâu đó. Giáng sinh, cũng không là những dạ vũ kéo dài, có nhậu nhẹt. Vui chơi, đến thâu đêm. Mà là, cử hành việc Chúa đến với người nghèo, không nơi nương tựa. Người thiệt thòi. Có thông điệp của hy vọng Ngài đem đến cho kẻ thiếu thốn. Là, trách nhiệm coi ta như thành phần của tiến trình giải thoát. Ơn cứu độ.

Cử hành lễ Giáng Sinh, còn là quyết tâm gột bỏ vết nhơ của khó nghèo. Kỳ thị. Và, khai thác bóc lột. Gột bỏ, những gì đang xảy đến với môi trường giàu, của chúng ta. Gột bỏ, là giải quyết cảnh: người thì ăn không hết. Kẻ, đói lả. Gục ngã trước ngưỡng cửa cứu đói. Thoát khổ. Ở mọi nơi.

Là con dân Đạo Chúa, ta có quyền mừng kính ngày Chúa Hạ Giáng Làm Người. Nhưng, đừng quên ý nghĩa đích thực việc mừng kính. Ý nghĩa, là nghĩa lý của thông điệp Giáng Hạ chuyển đến cho cả bên ngoài, và đằng sau, ngày đại lễ. Nên biết rằng, ngày Chúa Giáng Hạ là ngày nhắc ta ý nghĩa làm con dân của Chúa. Ý nghĩa ấy, hôm nay gửi đến với riêng ta. Với mọi người. Trong mọi nhà.

Trong tinh thần vui tươi mừng Chúa Giáng Hạ, ta hát lên lời ca phấn chấn, rằng:

”Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hoà

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi

Hương thanh bình dâng phơi phới” (Phạm Đình Chương – Ly Rượu Mừng)

Hương thanh bình dân phơi phới, là hạnh phúc chan hoà, ngày Chúa đến. Hạnh phúc Chúa gửi đến “giữa lúc tâm hồn trong sáng ấy”. Có anh. Có em. Và có tôi. Có nước non thanh bình. Tự do.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Saturday 13 December 2008

“Người về đây, có phải tự trời xa”

Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng?
Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà

Thượng Đế đưa sao mang gửi về khoé mắt?

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Lc 1: 26-38

Nét đẹp Người về, nhà thơ nay đà thấy. Thấy lụt Ngân Hà Thượng Đế gửi. Nơi khoé mắt. Lụt Ngân Hà/Mưa Hồng Ân Ngài gửi con người, qua Đấng Mêsia, vẫn còn đó rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là trình thuật dọn đường Chúa đến, trong lai thời. Chúa đến, Ngài cũng nhập thế và nhập thể nơi cung lòng Người Con. Con Người, nay mặc lấy xác thịt phàm trần, để ở lại với con người. Với vũ trụ, rất yêu thương.

Trình thuật, nay đưa dẫn sự kiện Maria mang thai. Mẹ không gần gũi xác thịt, đấng phối ngẫu. Nên, tín hữu thời buổi đầu vẫn nhận biết và suy tư về sự kiện lớn lao này. Biết và hiểu rằng Chúa đến với con người là đến bằng xác thịt. Ngài đến qua Đavít, như đã thiết lập, khi Phục Sinh (Rm 1: 3-4).

Phúc Âm nay còn đưa ra một thắc mắc về lời ứng đáp của Mẹ. Qua ứng đáp, Mẹ đã cưu mang Con Chúa, mà đồng trinh, sao? Thế nên, thần sứ mới kịp hoà giải, phải trấn an: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1: 35). Và, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vào khoảnh khắc lúc đầu, qua sự kiện Mẹ thụ thai, mà đồng trinh. Sự việc, là do quyền uy sức mạnh của Thiên Chúa. Và, việc Mẹ vẫn đồng trinh không ảnh hưởng lên căn tính của Mẹ. Cũng chẳng liên quan đến vị phối ngẫu. Vẫn tự nhiên.

Nơi trình thuật, thánh Luca đã so sánh việc Chúa Giáng Hạ với thánh Gio-an Tẩy giả, được sinh ra. Trong khi, thánh Gio-an trở nên “cao cả trước mặt Chúa”, thì Đức Giê-su lại chính là Con của Chúa. Đấng Cao cả trên hết mọi cao sang cả thể nào khác. Ngài ngự trên ngai Đa-vít. Vương Quốc của Ngài không có cùng mức, hay giới hạn.

Thánh Luca, luôn coi Đức Giê-su là Vua trên hết các vua. Ngài là hiện thân của Nước Chúa, bằng vào những thống khổ của Ngài chịu. Cả vào lúc Ngài xem ra không còn uy lực, nữa. Qua ngòi bút thánh sử, việc thánh Gio-an Tẩy Giả sinh hạ, rất đặc biệt. Bởi, thánh nhân sinh ra từ bậc cha mẹ bình thường, tuy đã già. Còn, Chúa Giáng Hạ, Ngài lại giáng hạ cách đặc biệt. Bởi, Chúa giáng hạ là từ cung lòng của Đức Mẹ, vẫn đồng trinh.

Trình thuật sự việc Giáng hạ cho người nghèo khổ, sẽ mang ý nghĩa đậm nét hơn, khi thánh sử Máccô viết về tính cách cùng-cứu-rỗi của Mẹ Đồng Trinh. Mẹ cùng cứu rỗi con người, từ thị trấn nhỏ bé, chứa đựng khoảng chừng 150 dân cư, thôi. Ta còn nhớ, lời bình của Nathael trong Tin Mừng Gio-an, có đoạn viết: "Từ Na-da-rét, có gì là hay đẹp?" (Yn 1: 46). Về sau, chính Mẹ cũng đề cập đến chuyện này, khi Mẹ hát bài Ngợi Khen, rất Magnificat: “Phận nữ hèn, Người đoái thương nhìn tới. Chúa hạ bệ, kẻ quyền thế, để nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1: 48, 52).

Thế nên, những gì xảy đến với Mẹ, đều là quà “nhưng-không”, Chúa tặng. Là, những gì Mẹ không thể tự mình mà có. Nhưng, Mẹ vẫn tự do chọn lựa. Tất cả, gửi đến Mẹ như yêu cầu người nữ trinh trong thực hiện điều Chúa muốn.Và Mẹ nói lời “Xin vâng!”, rất tự do. Rất hãnh tiến.

“Tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi theo ý ngài." là câu ứng đáp rất toàn hảo. Ứng đáp, của đồ đệ Chúa. Mãi về sau, chẳng nữ phụ hoặc phạm nhân tội lỗi nào dám nghĩ rằng mình có thể nói lời cung chúc tích cực, đẹp như thế. Ứng đáp mặc khải của Chúa qua Đức Giê-su, quả là không dễ.

Nhờ lời “Xin vâng!” của Mẹ, thế giới nay có đổi thay. Nhờ ứng đáp của Mẹ, nay cuộc sống mọi người đã thay đổi. Thay đổi là thay và đổi thật sự. Dù ta là người có niềm tin hay chỉ là đám vô thần, theo cách này, cách khác. Tiếc thay, hôm nay, tính vâng phục như của Mẹ, không còn được nhiều người ưa trọng. Bởi, người người vẫn muốn độc lập. Có tự do. Và, tự túc tự cường. Nhưng, vẫn có người thắc mắc về tính tự do này, khi nhiều người còn tuỳ thuộc vào nhiều thứ, như: nghiện ngập, lẫn say mê. Say nhiều thứ. Mê cả chuyện nổi tiếng, lẫn oai nghi.

Vâng phục, là đức tính có khi được hiểu sai ý nghĩa. Tựa hồ như: khúm núm. Quỵ lụy. Và, ỷ lại. Thế giới hôm nay, nói đến vâng phục thường kết nối với tính yếu kém. Đớn hèn. Nhu nhược. Nhưng, vâng phục thực sự, lại là một chọn lựa rất tự do. Được soi sáng từ sự trung thực. Và đúng đắn. Vâng phục thực sự, đòi ta quả cảm. Dù, bị ràng buộc bởi làn sóng chống đối từ phía xã hội. Chính vì thế, thiên sứ mới phải giải thích nhiều việc Mẹ mang thai, mà vẫn đồng trinh.

Vâng phục, không nhằm để phù hợp lòng mong muốn của các vị trên cao. Mà, để đặt mình trong tình huống phục vụ những gì cao cả hơn chính mình. Trong bối cảnh Tin Mừng, người cao cả không là người chỉ biết khuynh loát và thống trị kẻ khác. Nhưng, là người biết ứng phó, sử dụng tài nguyên riêng tư, ngõ hầu phục vụ cộng đoàn. Xem như thế, cao cả đích thực là tích cực chấp nhận những gì Chúa muốn mình làm. Hoặc, những gì Ngài muốn làm, qua ta.

Khoảnh khắc cao cả, Chúa giống như Mẹ, khi Ngài nói lời “xin vâng!” với Chúa Cha. Bởi, trong âu lo, Ngài cũng vã mồ hôi đầy những máu khi nguyện cầu. Đó, là lúc Ngài quyết định: “Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha." (Lc 22: 42). Và, thánh Phao-lô xác định: “Khi sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã dâng lời khẩn nài lên Đấng quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài được nhậm lời, vì tôn kính. Là Con Thiên Chúa, Ngài trải qua nhiều đau khổ mới học được đức vâng phục; và khi bản thân Ngài đạt mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ, cho những ai vâng phục Ngài.” (Hr 5: 7-9)

Mẹ vâng phục, thật ra không phải là chuyện dễ làm. Là thiếu nữ và là hôn thê chưa cưới của thánh Giu-se, Mẹ vẫn được yêu cầu mang thai ngang qua uy lực, từ ngoài. Tập tục Do Thái, hôn thê là người coi như quyết tâm gắn liền với phu quân tương lai, của mình. Người Do thái coi việc mất đi lòng trinh tiết, đồng nghĩa với ngoại tình. Và, hình phạt dành cho thiếu nữ này, là ném đá ngay tại nhà của cha mình (x. Yn 8: 1-tt).

Khi nói tiếng “xin vâng”, Mẹ đã thực hiện một việc cả thể. Chính đó, là động tác ưng thuận điều sứ thần đòi. Mẹ nói lời “xin vâng!” vào mọi tình huống. Cả vào khi Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng”, ngay cả lúc Con của Mẹ bị xử án, tấn công. Cả khi, Con của Me bị cả chính quyền lẫn thần quyền khích bác, ruồng bỏ. Mẹ “xin vâng”, khi Con Yêu Dấu của Mẹ bị đối xử tàn bạo, cho đến chết. Chết rất nhục. Chết, như tội phạm.

Mừng ngày Chúa Giáng Hạ, ta cũng đừng xử sự như nhiều người. Những người, chỉ muốn tránh né thực tế, trong xã hội. Ngược lại, hãy coi đây là thời điểm để ta nói lời “xin vâng”, với Chúa. Xin vâng và chấp nhận điều mà Ngài vẫn gọi mời ta đổi mới. Đổi mới, không để có được cuộc sống “rất chậm” ngày lễ hội. Có áp dụng, nhưng chỉ bằng những “xin-cho” của đời thường. Trái lại, quyết thích nghi và phù hợp với nơi chốn và thời gian ưu tiên, cho đời mình. Có “xin vâng”, Chúa mới giáng hạ và tái sinh trong lòng mình. Trong lòng người khác, nữa.

Vào phút giây nguyện cầu để nói tiếng “xin vâng”, là lúc ta khởi đầu cuộc sống có chọn lựa. Trong mọi việc. Xin vâng, cả khi mọi việc ra như có chiều hướng xấu. Và trễ tràng. Xin vâng, để hiện thực. Xin vâng, để có thể quay về với Chúa. Để biết mình không là gì cả. Và, mọi sự xấu xảy đến với ta, không do Chúa. Nên, đừng đổ lỗi cho Ngài. Trái lại, hiểu rằng: xin vâng, chẳng vì Chúa hứa sẽ thuận theo kế hoạch của mình. Nhưng, là Ngài hứa thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài, trong ta. Qua ta. Và cho ta.

Chúa giáng hạ, và Mẹ Ngài đã nói lời “xin vâng” rất tự do. Tự nguyện. Chúa trở nên Đấng Cứu chuộc chúng ta, nhờ có lời xin vâng. Ngài cũng nói “xin vâng” rất tự do và quả cảm, với Cha Ngài. Mùa Giáng Hạ năm nay, cùng với Mẹ và Đức Chúa, ta hãy “xin vâng” tự nguyện. Không điều kiện. Quả cảm, dâng lên Chúa. Đấy là một đầu tư an toàn. Một hạnh phúc và bình an ta chưa hề biết.

Trong quyết tâm ấy, ta tiếp tục lời “xin vâng” bằng bài hát. Hát rằng:

“Anh hãy cho em lời yêu thương,

dắt em sang thăm miền thiên đường

Em, rồi cúi đầu xin vâng,

Cầu mong được riêng anh, và suốt đời tin anh...” (Vũ Thành An – Bài không tên số 11)

Xin vâng, để yêu thương. Để, “dắt em thăm thiên đường”. Xin vâng, để đêm nay “nước lụt Ngân Hà”, “Thượng Đế đưa sao gửi về khoé mắt”. Khoé thương yêu. Mỹ miều. Nhiều ân sủng.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch