Saturday 25 February 2012

“Mơ khách đường xa, khách đường xa,”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay Năm B 04.3.2012
“Mơ khách đường xa, khách đường xa,”
“Áo em trắng quá, nhìn không ra...”
                                                                     (dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 9: 2-10
Khách đường xa, ra đi hôm ấy, có là khách lữ hành bàng quan vẫn cứ nhìn mà không thấy? Có thấy chăng Thầy Chí Ái đang hiển thị cùng ngôn sứ Êlya và Môsê chốn xa vắng, ở trình thuật?

Trình thuật, thánh Máccô, nay ghi về tình tự Chúa tỏ hiện ở chốn vắng xa, người không thấy. Thấy sao được, việc hiển thị thần thánh Chúa giãi bày tâm tư Ngài bước vào chốn cao siêu tỏ hiện, ở núi thánh. Nơi đó, có Chúa biến hình tỏ hiện cùng các Thánh. Nơi đó, còn có tiếng sấm từ trời cao gửi đến với dân con một thông điệp nghe rất rõ, chứng tỏ Ngài là Con Một của Chúa Cha.   

Hiển thị, không còn như hang đá lạnh buồn ngày Chúa Giáng hạ. Nhưng, là Phục Sinh quang vinh và ngày Ngài thẳng tiến về trời, thật hoành tráng. Quang vinh và hoành tráng, là chứng tích biểu tỏ sứ điệp vượt quá chuyện hằng ngày mà dân con đà chứng kiến, nhưng không hiểu. Sứ điệp hiển thị, vượt tầm hiểu biết của dân con mọi thời, tựa như Môsê từng thay đổi diện mạo khi diện kiến Giavê Thiên Chúa. Diện mạo Chúa hiển thị trên núi sáng rực như mặt trời. Áo Ngài rạng ngời tợ nắng thuỷ tinh, trinh khiết.

Tin Mừng nay cho thấy: đồ đệ Chúa tỏ ra kinh khiếp đến độ chẳng biết ứng xử ra sao cho thích hợp. Là thánh nhân, nhưng các ngài lại bắt đầu nói năng vụng về, đòi dựng ba lều lớn để Đấng Thánh Hiền trú ngụ nơi đó nhiều ngày. Chắc chắn một điều, là: đề nghị của đồ đệ hôm ấy là chuyện thường tình xảy đến mỗi khi con người mất quân bình cảnh giác, giống hệt người phàm ở ngoài đời.    
  
Cảm nghiệm về hiển thị, là chuyện xảy đến với dân gian mọi ngày ở đời thường, nhiều dẫn chứng. Từ những âu bướm biến thành bướm sâu sầu buồn đời ngắn ngủi, cho đến cảnh người người ngạc nhiên hơn khi việc biến đổi/hiển thị xảy đến khi con trẻ được hạ sinh biến hình thành người mới, lúc chào đời.  

Về biến đổi/hiển thị, thánh Augustin cho rằng đó là nhiệm tích lớn lao hơn cả sự sống lại. Bởi, khi vào với thế giới qua tư cách của người mới trẻ trung vẫn cao cả hơn là về với sự sống, sau khi chết. Mỗi ngày và mọi ngày, người người vẫn trực diện nhiều biến đổi/hiển thị ngay trong đời. Hiển thị trong ta, là biến đổi sự sống rất tư riêng của chính mình. Là, ấu ấn rất giản đơn nhưng sâu đậm. Ngay bản vị con người cũng biến đổi/hiển thị hằng ngày về thân xác. Biến và đổi, vẫn là hình ảnh thay đổi về bản vị, thôi.

Rất nhiều lần, Đức Giêsu cũng có thời khắc yêu thương/nhận thức rất mực. Đó là thời khắc lúc Ngài tăng trưởng nơi bản thể rất người mà Ngài mặc lấy. Một trong những thời khắc dễ nhận thấy nơi Ngài là đặc ân/đặc quyền mà đồ đệ vui hưởng, tức sự hiện diện của Ngài ở vào thời khắc có một không hai ấy. Hiện diện, để nhận ra cuộc biến hình/đổi dạng ít khi thấy.   

Biến đổi/hiển thị dễ nhận thấy nhất là thời khắc Chúa thả bộ để đi vào với con đường thường tình mà loài người ít nghiệm sinh. Thả bộ chầm chậm là tư thế Chúa học hỏi nơi con người về một sự thể qua thử thách, sai sót xảy đến mỗi ngày. Hầu như mỗi ngày Ngài đều nhận ra điều mới mẻ của cuộc sống. Mới mẻ, nơi bản vị của Ngài. Mới mẻ, về người đời và đời người mà Ngài chấp nhận đưa vào với thiên tính. Đức Giêsu là con người thật có đủ mọi tình cảm bẩy thứ, rất bén nhạy. 

Là Đức Chúa biến đổi thành người thường rất hiển thị, Ngài có được những thời khắc rất tinh tế về cả thương yêu, lo lắng, hãi sợ cũng như an vui, kinh ngạc, thích thú đến kích ngất. Mỗi lần tình tự của Người Con Chúa xuất hiện, Chúa đều thấy sự đổi đời ở bên trong. Mỗi ngày, Ngài đều khởi đầu một đổi mới/biến hình để trở thành bản vị biểu hiện cả nhân cách lẫn thiên tính, hợp ý Cha. 

Thật ra, Đức Giêsu không là thần sứ linh thiêng gồm thiên binh/âm tưóng chốn thiên đường. Mà, Ngài sống như một tiên tri cao cả thời Cựu Ước vẫn thể hiện nơi mình Ngài trong nhận thức đích thực về sự sống. Nhận thức ấy, Chính Chúa Cha đã tặng ban cho riêng Ngài. Nhưng, Ngài lại không giống như ngôn sứ/tiên tri có bản vị tựa như thế. Nơi Ngài, là sự thanh sạch ở nội tâm, chẳng mang nơi tâm địa cái gọi là “hội chứng xấu”. Ngài thích nghi trọn vẹn với thực tại loài người. Thực tại ấy, nằm gọn nơi niềm vui của bản vị “người”.

Ở đồng hoang chóp núi hôm ấy, Ngài biết rằng: Ngài hoàn toàn được Cha chấp nhận và trọn vẹn yêu thương như “người” thật cũng rất “người”. Với Chúa Cha, Ngài không là kẻ lạ đến từ hành tinh khác. Và Cha cũng chẳng tỏ ra xa lạ, đối với Ngài. Nói nôm na, thì bảo: đối với Cha, Ngài không là “bạn lâu lắm mới gặp”. Và, Chúa Cha cũng chẳng là “bạn lâu năm xa cách” nay trở lại với Ngài. 

Quan hệ giữa Ngài với Cha và giữa Cha với Ngài, không là tương quan khi còn/lúc mất, khi trầm/lúc bổng. Nhưng là sự thật thể hiện nơi nhận thức giữa Ngài và Cha. Đức Giêsu nhận rõ Cha và muốn trở nên như Chúa. Chúa biết rõ Đức Giêsu và muốn trở nên như Ngài. Đây, đích thực là đổi thay/biến hình đang diễn tiến. Và, là diễn tiến hai chiều, rất thuận tiện. Bởi, Đức Giêsu đang mang trong mình đầy Thiên tính như Chúa và Chúa đang trở thành người thực như Đức Giêsu. Gọi đó là biến hình/hiển thị, hoặc nhập thể làm người, đều rất đúng. Điều rất đúng, nay biểu hiện/hiển thị nơi tiếng phát tự đám mây cho đồ đệ nghe thấy, vào buổi ấy: “Ngài là Con Chí Ái Ta, các ngươi hãy nghe lời Ngài.” (Mc 9: 9)

Ngay khi ấy, đồ đệ Thày chưa nắm bắt được ý nghĩa của câu nói. Nhưng cuối cùng, sau một thời gian dài theo chân Ngài, đồ đệ Chúa mới nhớ lại và nhận ra được điều ấy có nghĩa gì. Và một lần nữa, Đức Giêsu lại đã nhắc nhở dân con đồ đệ đừng loan truyền thông tin hoặc bàn luận gì về việc ấy cho đến ngày Ngài Phục Sinh, quang vinh. Và cuối cùng, các thánh cũng nhận ra được điều ấy.

Nhận ra điều ấy, cũng phải mất nhiều ngày dài trong Chay tịnh. Có khi còn lâu hơn. Kịp đến khi các ngài tin vào Lời Đức Giêsu và Lời của Cha, các thánh mới cảm nhận được kinh nghiệm quý báu này. Kinh nghiệm, là cảm được một nghiệm sinh quý giá mà chính Đức Giêsu và Cha Ngài đã chấp nhận và yêu thương các thánh cách trọn vẹn. Yêu thương và tận hưởng tư thế đồng hành với các ngài. Khi ấy, các thánh mới hiểu ra và yêu thương Đức Giêsu và Chúa của Ngài theo cách khác nhau, rất riêng biệt. Và các ngài cũng nhận ra được cuộc sống của các ngài sở dị đạt kết quả tức là đã biến hình/đổi dạng, rất hiển thị.

Và cuối cùng, các thánh cũng nhận ra rằng các ngài có thể làm như thế cho nhau, và cho mọi người. Mỗi khi các ngài hoàn toàn chấp nhận lẫn nhau, và/hoặc yêu thương bất cứ ai trong cộng đoàn Nước Trời của mình, thì động lực xúc tác lại sẽ bắt đầu hệt như thế. Chính đó là lúc, mối quan hệ giữa các ngài và mọi người cũng biến hình/đổi dạng, giống như Chúa. Và như thế, các ngài đã trở nên người anh, người chị có biến đổi, thành người mới.

Xem thế thì, Chúa nhật Biến Hình hôm nay chỉ là biểu hiện bất chợt thấy trước về Phục sinh quang vinh. Một thứ thư giãn buông lỏng sợ rằng Mùa Chay trở nên quá nặng nề với nhiều người. Đó là sứ điệp. Và, cũng là sứ vụ. Sứ điệp rằng, vì Đức Giêsu, nên dân con mọi người đều phải đổi thay. Sứ vụ là: nếu ta tin tưởng vào Đức Giêsu, ta là người có thể biến hình/đổi dạng thành người khác. Chỉ cần thật tình chấp nhận. Thật sự yêu thương. Và, quyết chí vui hưởng sự hiện diện của nhau, cách thực tình.

Vậy thì, mùa Chay này cũng nên tự hỏi lòng mình xem mình sẽ làm gì cho người khác. Có nên làm cho người khác biến hình/đổi dạng thành người mới không? Và, cũng nên tạo sự đổi mới cho chính mình, như một hiển thị, rất công minh, định hình, trong sáng.

Trong cảm nhận sự cần thiết biến hình/đổi dạng chính mình, cũng nên về với lời thơ mà ngâm lên:        

“Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ            nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Hàn Mặc Tử - Đây Thôn Vỹ Dạ)

            Áo em nay biến hình/đổi dạng thành mầu trắng đến độ anh nhìn không ra. Bởi, có nhìn vào cuộc đời mà đôi ta sống ở cõi trời đầy sương khói đến độ “mờ nhân ảnh” này, chỉ “tình ai có đậm đà”, mới là người tình nay biến đổi. Có biến và có đổi, suốt hành trình cuộc đời, mới là người thật được Chúa đồng hành, đỡ nâng, chấp nhận. Chấp nhận trong yêu thương, rất giùm giúp.    

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá phỏng dịch. 

Saturday 18 February 2012

“Anh trốn sao đêm, lẩn mặt trời,”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay Năm B 26.02.2012

“Anh trốn sao đêm, lẩn mặt trời,”
“Ghê từng ý gió, sợ hoa rơi.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mc 1: 12-15
Có thể rằng, với anh, là nhà thơ hay nghệ sĩ, thì như thế. Còn sự thực, với Chúa, là Đấng vẫn lẳng lặng vào chốn hoang vu/xa vắng mãi để giáp mặt ác thần/sự dữ, chịu thử thách. Thử thách hoặc khuyến dụ, là tình huống ghi lại ở trình thuật, rõ nhất hôm nay.

Trình thuật, nay thánh sử Máccô chỉ viết có đôi hàng về thử thách thức và khuyến dụ Ngài ở lặng thinh trong 40 ngày/đêm. 40 đây, là con số biểu tượng chỉ thời gian cũng rất dài. Dài ngày, dài tháng. Trong cuộc sống của Chúa, vẫn thấy có khuyến dụ kéo dài ngày cho đến lúc Ngài giáp mặt sự thật trên đồi Can-va-riô. Thử thách và khuyến dụ, đưa Chúa đi vào chốn choá ngợp ở đời thường để mong dẫn dụ Ngài gia nhập vào sự ngợp choáng ấy.

Quả là thế! Chúa choáng ngợp với khuyến dụ trở thành Đấng Mêsia, mà mọi người trông đợi. Choáng đến ngợp, khi Ngài buộc phải đặt mình trước cảnh tình quyết đối đầu, hầu có quyết định cho đúng. Choáng và ngợp, trước quyết định hành động sao cho hợp ý Chúa Cha. Choáng rồi ngợp, trước chọn lựa những 3 cách thế để thể hiện vai trò được Cha giao phó. Cách đầu, là quyết tham gia vào chốn quyền bính ngõ hầu có thể kình chống người La Mã, cũng khá khó. Cách thứ hai, là hoà nhập với người đương thời, để rồi sẽ thống trị mọi người ở chốn dân gian, trần thế.    
    
Nếu làm thế, Ngài sẽ có thể giải quyết chuyện đói nghèo do vua quan/lãnh chúa người La Mã từng tạo ra. Thử thách và khuyến dụ, cốt ý tạo lòng ham muốn tự mình giải quyết hết mọi việc ở thế giới, là chuyện giúp kiến tạo cuộc sống tốt lành cho mọi người.

Và thử thách cùng khuyến dụ cuối, là: nhắm mắt làm ngơ chẳng cần biết sự thể ở đời sẽ ra sao, vẫn lặng thinh đi vào chốn linh thiêng thần thánh, mà chỉ ê a vài ba kinh kệ để rồi sẽ lại giao hết cho Cha giải quyết. Đó là 3 thử và thách rất khuyến dụ thấy rõ ở trình thuật được thánh Mátthêu ghi chép.

Thử và thách cùng khuyến dụ dễ thấy nhất là những thử thách và dụ dỗ về quyền bính. Là, cung cách mà người La Mã khi xưa sử dụng hòng thống trị kẻ ở dưới. Người La Mã xưa, vẫn muốn tạo khó khăn đặt để lên đầu kẻ dưới. Làm thế, sẽ khiến họ lại trông mong có được đấng cứu tinh nào đó khả dĩ đem họ ra khỏi mọi thứ bất ưng kéo dài ngày. Có lẽ, giới thống trị La Mã khi ấy đã bất lực trong sử dụng quyền thế cách sai sót, để rồi người người ở dưới vẫn phải ngóng trông đấng bậc nào khác đầy uy lực đến thay thế. 

Với thử thách/khuyến dụ này, Giêsu Đức Chúa không những chỉ trích cung cách mà vua quan cùng lãnh chúa người La Mã sử dụng quyền bính tối cao để cai trị, mà Ngài còn đả phá cả quyền uy/thế lực là những thứ mà Ngài chẳng bao giờ muốn tạo lấy cho Ngài. Chúa chọn cuộc sống thấp hèn không mang nặng quyền uy vật chất để Ngài có thể hoà mình với người thấp bé, chẳng khi nào có được quyền uy thế lực ở trần gian. 

Thử thách/khuyến dụ thứ hai tỏ cho Chúa, là lòng ham muốn giải quyết tệ trạng đói nghèo của thế gian. Rõ ràng vào thời Chúa sống, trạng huống này từng xảy đến. Hầu như 95% người dân Galilê vẫn sống dưới mức độ những khó cùng nghèo. Tức: họ không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày mà còn thiếu cả đức tính tự tin vào bản lãnh cũng như tư cách của chính họ. Thêm vào đó, là: tình trạng đau yếu, chết yểu vẫn diễn ra thật khó giải quyết. 

Những khó khăn này, đều do vua quan lãnh chúa trần gian như Hêrôđê tạo nên bằng vào chương trình xây dựng các đền đài bề thế, khiến dân con ở dưới đã nghèo lại thêm khổ cực. Nhằm thực hiện những mưu đồ như thế, vua quan ở đời lại đã phải bổ thêm thuế má đánh trên đầu dân con thiên hạ. Thử và thách cũng như khuyến dụ đây, là tìm cho ra đấng bậc vị vọng nào khả dĩ có thể dấy động cuộc cách mạng để chống nạn nhũng lạm quyền thế. Chính đó là lý do để người người trông chờ Đấng Thiên Sai mau đến cứu vớt họ.

Thử và thách thức cuối, là: gạt sang một bên những chuyện thực tế ở đời để rồi chỉ nghĩ chuyhện siêu thăng phụng thờ và tế tự. Rồi từ đó nghĩ rằng: bằng vào quyền sinh sát mình tự phát, sẽ có thể buộc Chúa phải dính dự vào với suy nghĩ cùng quyết định của riêng mình hầu giải quyết cho dân con của Ngài. Thử thách và khuyến dụ ở đây, hôm nay, còn là sử dụng chốn kinh kệ/phụng thờ mà cầu Chúa ra tay giải quyết hết mọi khó khăn đang diễn ra. Người Do thái thời trước, cũng từng sống với những thử và thách giống như thế. 

Thử thách trên là khuyến dụ ta chỉ sống đời thiêng liêng/linh đạo, hơn sống cho ý định của Chúa Cha. Đức Giêsu đã nhận ra chính những thử thách và khuyến dụ như thế, sẽ là chúa tể để có thể dám tự mình gạt qua một bên ý định rất thực của Chúa. Thế nên, Ngài mới không chọn đường lối kinh kệ/sùng Đạo như đám Pharisêu từng thêm vào luật tế tự. Trái lại, Ngài đích thực tuân theo ý định của Cha, chứ không phải ý tư riêng của Ngài. 

Hội thánh hôm nay cũng đang sống cùng một cảnh tình rất tương tự. Cảnh tình, có thử và có thách thức cùng những khuyến dụ, hệt như thế. Cảnh tình, là cảnh của đấng bậc chỉ biết sống ở trên cao, vẫn muốn người của Giáo hội phải biết ganh đua với thế trần. Ganh và đua, hầu đoạt lại quyền uy thế lực từng để mất trong chính trường, ngoài xã hội, là nơi chốn mang nhiều ảnh hưởng lên dân chúng. Thông thường thì, người người thấy Hội thánh cứ ganh đua với cơ quan từ thiện ở nhiều nơi. Vẫn muốn người đời nể trọng mình vì mình cũng từng ban phát ân huệ, tài chánh và bổng lộc cho nhiều người. 

Thường thấy hơn, rõ ràng hôm nay người người đều thấy thánh hội mình chỉ lo chuyện linh thiêng chốn tháp ngà nhiều mây tầng vần vũ. Lo rồi, còn bắt Chúa đồng thuận mà tuân theo qui định do thánh hội mình đề ra. Hội thánh hôm nay cũng gặp cùng một thử thách cũng như khuyến dụ bằng nhiều cách, giống hệt như Đức Giêsu vào thời trước. Tức, cũng nghĩ rằng Chúa Thánh Thần uỷ thác cho mình làm mọi chuyện theo ý của nhóm hội phe đảng cầm quyền, chứ không là ý định của Cha. Bởi, ý của Cha luôn là ý kiến và quyết định mời gọi thánh hội theo đường khổ ải, trầm lắng chứ không sống đời ồn ào, những là phô trương lực lượng.  

Chúng ta cũng thế. Ngày nay, ta vẫn muốn trở thành dân con đặc biệt được Chúa tuyển chọn. Tức: những người có khả năng chỉnh sửa mọi thứ, cả những thứ ta không có thẩm quyền cùng chức năng,  trọng trách. Nói tóm lại, ta thường nghĩ mình có khả năng giải quyết hết mọi chuyện trong huyện/ngoài đời dù nhiều lúc không được Cha uỷ thác. Dù, nhiều khi chính ta cũng không rành rẽ, bằng người đời nữa. 

Nhiều lúc, Hội thánh muốn lôi kéo Chúa vào với lập trường rất riêng tư của một nhóm người chưa thành thánh, nhưng vẫn muốn dân con Đạo mình ở trên mọi cơ chế, hoặc tôn giáo. Trên mọi sự. Hơn mọi người. Chính vì lý do này, mà một số người trong Đạo ngoài làng, nay bớt tin vào thánh hội của Chúa, dù vẫn tin vào tình thương của Ngài đối với mọi Đạo. Mọi người.

Nhiều lúc, Hội thánh cũng đối xử với con dân trong Đạo như khách lạ người dưng, cùng lắm chỉ như kẻ đứng ngoài dự khán, không hơn không kém. Thế nên, mới bỏ giờ ra mà thêm thắt cho diện mạo Đạo mình thêm phần hấp dẫn. Chính vì thế, nên người người mới không thấy được ý nghĩa của cuộc sống đích thực, trong Đạo. Không còn mong đợi Hội thánh giúp mình sống xứng hợp với Lời của Chúa hoặc làm sống dậy như Chúa từng khuyên dạy. 

Nhiều vị trong thánh hội của ta, vẫn sống cuộc đời phụng tự, cũng rất thật. Nhưng, quá đặt nặng hình thức rất lễ nghi, chỉ muốn điệu võ dương oai, nên đôi lúc hiểu sai ý nghĩa niềm tin rất thực. Nói tóm lại, dân con Hội thánh nay có lúc đặt quá nặng phần hình thức với diễn trình, cốt để khuyến dụ nhiều người vào Đạo, và theo Đạo. Phải chăng, đó cũng là thử và thách rất khuyến dụ, thời hôm nay.

Nếu quả có thế, cũng nên nguyện cầu cho thánh hội mình có lại cơ hội lướt thắng chính mình, mà hồi hướng trở về với con đường chính mạch do Đức Giêsu vạch ra. Hội thánh nói ở đây vẫn là mỗi người và mọi người trong thánh hội Công giáo rất La Mã, chứ không chỉ là cơ chế mạnh mẽ, rất Va-ti-căng.

Trong cảm nhận như thế, cũng nên để ra đôi phút mà ngâm lại lời thơ vừa trích dẫn ở trên, rằng:

                        “Anh trốn sao đêm, lẩn mặt trời,
                        Ghê từng ý gió,  sợ hoa rơi.
Chao ôi! Mỗi cánh sương run rẩy.
                        Nghe cũng vang âm giọng nói Người.”
                        (Đinh Hùng – Trái Tim Hồng Ngọc)

Trái tim có hồng và có ngọc, nay cũng nghe vang giọng nói của Người. Giọng Người khuyên nhủ hãy sống đời thực thụ có niềm tin rất thánh và cũng rất người, ở nơi đây. Chốn này. Khó lòng mà lẩn trốn.
             
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá phỏng dịch. 

Saturday 11 February 2012

“Lững thững sườn non, chiếc cáng điều,”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ 7 Thường Niên Năm B 12.02.2012

“Lững thững sườn non, chiếc cáng điều,”
“Ngàn thông còn đắm, mộng thân yêu.”
(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)
Mc 2: 1-12
Cáng đưa người bệnh xuyên mái nhà ngày hôm ấy để Chúa chữa, có là cáng điều không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ một điều, cáng bệnh đây là truyện kể để nói lên tình Chúa thương yêu, rất bọc điều.
Nếu cứ hỏi: người khỏi bệnh có nhớ quay lại mà cảm tạ Đấng Thánh chữa cho mình, không? Có hối cải, để về lại với cuộc sống gần cận Chúa hay không, cũng chẳng rõ. Nếu cứ thắc mắc: không biết Chúa có yêu cầu người lành bệnh hoặc hối nhân được tha có biết sám hối hay không, cũng đành chịu.

Thời Chúa sống, ngôn ngữ dân gian thường sử dụng cụm từ “đám người xấu” không cố ý chỉ dân thường ở huyện, mà chỉ muốn nói: không thấy sức ép người lành bệnh hoặc đã được tha phải ăn năn, hối lỗi về những gì mình làm trong quá khứ; hoặc, đổi thay lối sống, cho phải phép! Đặc biệt hơn, khi chữa lành hoặc thứ tha, Chúa chỉ muốn những người đã lành sạch phải có tâm tình đổi mới, chứ không cần bà con mọi người tổ chức nghi thức rầm rộ chứng tỏ mình đã hối cải. Nhất định thế! 

Tìm hiểu nguồn gốc ý nghĩa trình thuật, một số nhà chú giải thấy rõ: tiếng Aram xưa vẫn sử dụng động từ “Shub” để diễn tả một hối tiếc về động thái mình làm. Và danh từ “Teshuva” chỉ sự hối hận, rất ăn năn. Theo nghĩa đen, hai từ này đều diễn tả một trở về. Về, để quyết tâm quay lại sống sao cho phù hợp với giao ước mà người người thiết lập với Chúa. Điều này gồm việc hồi hướng trở về như đã ước hẹn. Và qua đó, ám chỉ mình sẽ quay lưng chống ác thần/sự dữ. Đó là cung cách rất mới. Cung cách sống hài hoà mà người Do thái muốn biến nó thành hiện thực. Nói cách khác, mọi người đều đồng ý cải hối, từ lâu rồi. 

Thật ra thì, văn chương thời đó không nói nhiều về chuyện này và coi đó như sự đã rồi. Tức, sự thể được chấp nhận cách nhưng-không, chẳng cãi vã. Có điều là, mọi lý luận như thế đều hàm ngụ tiêu chuẩn đạo đức lâu nay rày vẫn thấy. Bản Bẩy Mươi Hy Lạp đã dịch động từ “Shub” thành “Epistrepsein”, trong khi các thánh sử lại chuyển ngữ từ ấy thành “Metanoiein”, tức nói rất ít về điều tốt đẹp. Tóm lại, sự thể có thế nào đi nữa cũng đều qui về việc cải hối, ăn năn và trở về.

Về cải hối, người Do thái ở thế kỷ đầu, vẫn biểu lộ điều mà họ coi là không thể thiếu khi hồi hướng trở về. Mức độ cải hối sẽ tuỳ nơi chốn mình sinh hoạt. Nhiều tài liệu cho thấy: khi đến đền thờ, người người thường mải ưu tư/lo lắng quá mức những chuyện tế hiến với hy sinh, nên quên mất sự thể buộc mình phải sống trong nguyện cầu để được thứ tha. Chính đó là chuyện cần thiết rất chính yếu. Nói như thế, là để nhắn nhủ mọi người hãy bớt đặt nặng việc tế hiến hy sinh, cho bằng: hãy đặt trọng tâm vào cuộc sống rất Đạo, tức: nguyện cầu. Nguyện cầu, như phần lớn các văn thư/văn bản Hội thánh gửi dân con trong Đạo sống ở ngoài Palestine, vẫn xác chứng. Tuy nhiên, nhiều lời cầu dâng lên Chúa lại hướng vào bậc tiên tổ, trong đó có cả Abraham và các thánh, chứ không chỉ muốn được Chúa đoái hoài, thứ tha thôi.      
    
Rõ ràng là, khi trích dẫn lời khuyên của Chúa, cả 4 Tin Mừng đều không nói nhiều đến việc tế hiến lẫn hy sinh hoặc nghi thức rườm ra cho bằng phản ánh điều Chúa muốn nối kết với đường lối của thánh Gioan Tiền Hô chuyên loại bỏ tính chất rất riêng của Do thái, tức: dân được chọn. Trình thuật, nay thánh sử viết về việc Chúa đề cập đến tiệc cánh chung, tức Tiệc Thánh trong đó Do thái không phải chủ yếu.

Qua thực hiện điều cần thiết như thế, Chúa đưa ra động lực mới để những ai nguyện Chúa thứ tha đều biết là: họ được tha, chẳng phải vì họ là dân được chọn. Nhưng, là do động thái nguyện cầu mọi người cần chứng tỏ. Chứng tỏ rằng nhất định mình sẽ thứ tha hết mọi người. Thứ tha đây, đòi hỏi người tập trung nguyện cầu  phải thực hiện động tác hỗ tương/hai chiều, nếu muốn được Chúa đoái thương, nhậm lời. 

Việc này khác với đường lối Hội thánh thời tiên khởi cho rằng: sở dĩ mọi người được ơn tha thứ là vì mình đã gia nhập nghi thức thanh tẩy và tham dự mọi bí tích rất lành thánh. Sự thật, lại trái ngược. Hành động thứ tha Chúa đề ra, rất ư là mới mẻ. Thứ tha đây, không để nhận lãnh những gì tốt đẹp mình ao ước, mà là cho đi. Cho, những gì mình muốn có cho riêng mình mà thôi. Cho, cả điều mình ao ước cho người của mình hoặc dân được chọn của mình, là Do thái mà thôi. 

Song song với hành động tha thứ, là động thái lâu nay vẫn thấy đi kèm động thái nguyện cầu, như: quỳ gối, đứng dậy, cúi gập mình, đưa tay đỡ, là hành xử vẫn thấy vào mùa chay. Chay kiêng mùa phụng vụ, vẫn là thói quen buộc người Do thái thực hiện vào các buổi cầu nguyện mà họ gọi là “Yom Kippur”. Chay kiêng, còn kéo theo tập tục xé áo, mặc đồ nóng nảy, ngồi trên tro, bứt râu tóc, hoặc khóc lóc nghiến răng tựa hồ trong nhà có kẻ quá vãng.  

Chúa không chủ trương chay kiêng giống như thế. Dù, Hội thánh thời tiên khởi vẫn cứ yêu cầu con dân mình thực hiện như thế khi cầu nguyện. Và Tin Mừng còn cho thấy, Chúa chẳng bao giờ làm những việc như vậy, để thị oai. Thánh Gioan cũng ăn chay kiêng cữ, theo cung cách tương tự. Nhưng đó là tập tục của riêng ông. Riêng phần Chúa duy Ngài cũng thực hiện việc chay tịnh, nhưng Ngài vẫn không theo kiểu cách ấy. Thái độ của Chúa nhằm vào chay tịnh nào mang tính tự nguyện. Ngài muốn dân con mọi người đổi thay phong cách thời xưa thánh hội mình vẫn cứ chủ trương. Ngài muốn dân con nhà Đạo sống đời đạo hạnh, nhưng tuyệt nhiên không đượm tính màu mè phô trương bề thế, đến như vậy. 

Thánh Máccô cũng nói đến động lực thúc đẩy mọi người thực hiện động thái chay kiêng là làm việc ấy trong mừng vui của ngày cưới. Chúa không chủ trương bắt mọi người khóc lóc/ỉ ôi khi nguyện cầu, sám hối. Đúng hơn, Ngài khích lệ dân con mọi người hành xử theo cung cách tươi vui kiểu Nước Trời. Như “chàng rể và cô dâu vẫn cứ vui vẻ vào ngày cưới”. Tức, có làm gì thì làm vẫn cứ làm trong tươi vui, hệt như tâm trạng của quan viên hai họ trong ngày cưới. Có thế thôi.

Tựa như dụ ngôn Chúa nói về người thu thuế và đám Pharisêu ở Tin Mừng Luca đoạn 18, ta vẫn đọc và nhớ rất kỹ. Hôm ấy, người thu thuế đã hối cải rồi đập thùm thụp vào ngực mình quyết ăn năn sám hối để mưu cầu Chúa xót thương phận tồi tàn của mình. Và nhất quyết, khi trở về sẽ tự chỉnh sửa mọi hành xử, theo đúng ý định của Chúa. Ở Tin Mừng, không thấy có chương đoạn nào ghi rõ hành xử của người thu thuế hoặc kẻ lỗi phạm tự kiểm và quyết hứa sẽ cải hối theo cung cách hệt như thế. Cung cách hệt như thế, là kiểu cách khúm núm ở đền thờ mà đấm ngực nhận lỗi, rồi tuyên hứa, sẽ sửa sai. 

Lại nữa, có người còn hỏi: phải chăng ý định của tác giả Tin Mừng khi viết về hành xử khúm núm với đập ngực là cốt để minh chứng sự kiện lịch sử đã khách quan xảy đến chăng? Trả lời cho rõ ràng, các nhà chú giải khuyên người đọc nên qui về lịch sử của đời Chúa.

Nhìn vào lịch sử, người người đều thấy Chúa có lập trường riêng tư mới lạ về cải hối. Ngài không đòi mọi người chứng tỏ mình đã hối cải bằng các nghi thức truyền thống, rất nhiêu khê. Nghi thức ấy, thật ra chẳng ăn khớp/thích hợp với sứ điệp Chúa vẫn dạy. Chúa dạy mọi người về những gì cần làm khi được Ngài thứ tha. Ngài tha thứ, không vì ta có gốc nguồn là dân được chọn rất Do thái. Mà chỉ một lời khuyên: hãy tha thứ bằng động thái hoà mình thân mật với người đối xử nặng nhẹ với mình. Chúa còn chủ trương ngồi cùng bàn ăn uống với tội phạm là để ta đi bước trước thực hiện tham dự ngồi vào bàn tiệc cánh chung. Tức, cơ hội để mọi người sống phấn khởi, mà quẳng gánh lo đi.

Riêng người phạm lỗi, cũng nên loại trừ động thái chứng tỏ mình chỉ hối cải bề ngoài bằng những hành xử khóc lóc, nghiến răng, sầu buồn, hoặc than vãn lấy lệ. Hối và cải, nhưng chẳng đặt nặng việc ăn chay kiêng cữ kiểu xưa cũ. Chẳng nên chủ trương ê a đọc thật nhiều kinh kệ từng kê sẵn ở sách lễ. Tức, chỉ than vãn hoặc kêu gào Chúa ghé mắt nhìn. Trong khi Chúa chẳng đề nghị nghi thức hoá giải nào để thay thế. Nhưng, Ngài lại cứ khuyên răn dân con mọi người hãy thứ tha, nguyện cầu Chúa Cha tha thứ. Nguyện cầu rồi quyết định đến với Cha mà vui hưởng tiệc vui, rất Nước Trời. Ở mọi nơi.

Trình thuật hôm nay, không cho biết Chúa có dạy người phạm lỗi có phải ăn năn/thống hối bằng nghi thức, lễ lạy không. Trái lại, trình thuật chỉ nói lên việc Chúa đòi mỗi người và mọi người hãy biết thứ tha, hoà mình mà sống với Nước Trời, rất tươi vui. Nước Trời đây, là chốn miền mọi người sinh sống biết  tha thứ cho nhau. Thứ tha và quên đi mọi lầm lỡ rất đáng tội, đối với nhau. Nước Trời đây, còn là nơi chốn ở đó mọi người chỉ nhằm vào khía cạnh tích cực của cuộc sống để sống, có thế thôi.

Có lẽ, khi xưa, Hội thánh mình chỉ tổ chức độc nhất mỗi nghi thức dọn lòng trí để Chúa hiện diện. Bởi, lúc nào Ngài cũng tha thứ hết mọi người và riêng mình nữa. Tha thứ, để rồi sau đó, mỗi người và mọi người có thể trổ nóc nhà mà ra đi. Ra đi ngợi ca Chúa Cha nhân từ, đầy lòng tha thứ. Đó mới là ý nghĩa đích thực của trình thuật được thánh Máccô viết hôm nay.

Trong cảm nhận những gì thánh sử ghi lại ở trình thuật, cũng nên ngâm lên lời thơ còn ghi rõ:

                         “Những anh phu cáng, đo từng bước,
                        Tỉ tê cùng kể, chuyện hoang đường.
                        Vén riềm, thiếu nữ tưng bừng ngắm,
                        Truông núi: muôn chim gọi rộn ràng.”
                        (Lưu Trọng Lư – Chiếc Cáng Điều)
Rất có thể, nhà thơ ngoài Đạo chưa diễn tả đủ trạng huống thứ tha, rặt như thế. Vẫn có thể, nhà Đạo mình hiều nhiều về tình huống thứ tha, rất tương tự. Tương tự chăng, nay vẫn thấy “muôn chim rộn ràng” ở “truông núi” với Nước Trời. Ở trần gian.Rất gần gũi.     
                                             
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá phỏng dịch. 

Saturday 4 February 2012

“Thành phố ngợp, ngày nao chiều gió dậy,”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Thường Niên Năm B 12.02.2012

“Thành phố ngợp, ngày nao chiều gió dậy,”
“Gương mặt ấy, lời yêu thuở ấy.”
(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)
Mc 1: 40-45
Thành phố với lời thơ yêu thương “chiều gió dậy” là gương mặt của tình yêu vẫn thấy ở trình thuật thánh Máccô. Trình thuật thánh Máccô, có lời thơ yêu trải dàn khắp dân gian, không ở nơi hoang sơ dân dã cạnh đất miền Galilê, nhưng còn ở văn bản đời thường, như bản văn viết mà tác giả Megan McKenna để ra nhiều chương/đoạn phản ánh tư tưởng của bậc hiển thánh rất Máccô.
Một trong các bản văn mà tác giả này ghi rõ lời yêu thương giống hệt Tin Mừng Máccô như sau:

“Rất nhiều lần, có người mải tìm cho ra ý nghĩa của đời mình. Ông và bầu bạn muốn sống theo cung cách có dáng vẻ tự do, ân sủng ngõ hầu tôn trọng mọi người. Bầu bạn vẫn cố thuyết phục ông bền đỗ trong cuộc kiếm tìm ấy. Và, họ định cùng nhau tìm đến Bậc Thày nhân hiền để vấn kế và xin Thày nhận họ làm đồ đệ, để theo Ngài.
“Ông có dịp đi ngang thôn làng có nhiều người ở. Và cùng đám đông quần chúng ở lại lắng nghe lời Thày. Ít lâu sau, đồ đệ lại cũng ra đi trình diện với mọi người để xin khai tâm, theo chân Thày. Tập tục thời bấy giờ cho thấy Bậc Thày đưa ra nhiều câu vấn ý cốt nghe lời đáp hầu có quyết định xem các ứng viên theo Thày có đạt ý nguyện thành dân con đeo đuổi đời rong ruổi cùng Thày đi thuyết giáo, không.
“Đương nhiên, đồ đệ nào mà chẳng muốn được Thày chấp nhận tham gia đoàn người giảng rao, nên mới nói: “Trình Thày, bọn con đây muốn theo chân Thày học hỏi cung cách sống và làm việc cho đúng cách.” Bậc Thày nhìn họ, rồi bảo: “Sao anh em biết rõ lòng mình muốn theo Tôi?” Sao anh em hiểu được điều mình ước muốn?”
“Đồ đệ thay nhau đáp: “Chính lời Thày đã khích lệ chúng con. Và, đó là điều bọn con tin tưởng, nay muốn nó thành hiện thực.” Bậc Thày lặng thinh trong giây lát như muốn tập trung nguyện cầu chỉ một lúc, rồi hỏi: “Có thật anh em vẫn quyết như thế không? Hay, còn ý định nào khác khi đồng hành, cùng với Tôi?” Họ đáp: “Đó là điều chắc chắn.” Trong phút chốc, Bậc Thày thoạt nhìn họ với vẻ ái ngại, đoạn bảo: “Thôi được, anh em cứ theo Tôi. Nhưng, nếu anh em có để mất tất cả những gì mình nắm vững thì sao? Và, một khi nhận ra điều này, anh em có còn tiếp tục nữa hay không?” Bọn họ đáp: “Dứt khoát vẫn như vậy! Dù mọi chuyện ra tồi tệ thế nào đi nữa, chúng con không đổi ý.”, họ được đón vào đoàn nhóm đồ đệ theo chân Thày chỉ giáo.
Nhưng về sau, có lúc họ thấy rất chán ngán, buồn nản và bất ưng như mọi người, tức những người cũng đưa ra cùng một câu hỏi để che giấu và phủ nhận mọi sự xảy đến với họ. Nỗi bất ưng cứ thế tăng dần và lan nhanh, đôi lúc thấm nhập mọi người trong nhóm. Và, khi họ không còn biết nguyên do của nỗi niềm ấy nữa, thì chính là lúc họ coi đó như một đau xót khiến họ phải bộc lộ ra ngoài. Bộc lộ, đến độ niềm đau thương đã trở thành sắc màu sống sượng đến rỉ máu.
Họ lại nhất quyết bỏ tất cả ở đằng sau, chỉ vì sự kiện ấy và tiếp tục lại kiếm tìm. Lại, mải miết kiếm tìm, giống như trước. Dù sao, họ cũng chỉ làm có mỗi việc là những kiếm và tìm, suốt một đời. Trong tìm kiếm, họ tin mình sẽ đạt cùng đích, như Bậc Thày hằng bày tỏ, với họ. Tuy lời Thày trở thành điệp khúc miên trường khi lời Thày phát biểu đã ra như câu thần chú, to/nhỏ vẫn không ngừng. Vẫn dấy lên niềm hy vọng cùng hãi sợ, ở nơi họ. Và, họ nhớ lại lời Thày trước kia từng hỏi: “Có thật, là anh em đã mất hết mọi thứ, không? Có thật, anh em muốn đến với Tôi chỉ để học hỏi lối sống cho đúng cách, không? Có thật như thế không?

Đó cũng là câu hỏi được thánh Máccô đưa ra hôm nay. Ở trình thuật này. Đó còn là tên gọi của chương trình nay được thảo: bỏ tất cả để rồi tìm chẳng được gì. Bởi, khi viết trình thuật này, tác giả Máccô luôn nhấn mạnh đến cụm từ “mọi sự” và “hư vô.” Chứ không phải, “tất cả” và “chẳng gì cả”. Có nghĩa là, tất cả mọi sự rồi ra sẽ hư luống.                    
Nhà thơ nữ Kathy Galloway, xuất xứ từ đất miền Iona, Tô Cách Lan, cũng viết lên cùng giòng chảy rỉ máu rất Máccô như sau:

                        “Chớ trở về khung trời nhỏ của riêng ai
                        Ở đất miền êm ả chốn hình hài.
                        Ngày rời bão tố kiếm hồn nơi sân vắng,
                        Cùng người thân an nghỉ chốn bồng lai.

                        Nơi sân vắng hồn thiêng thân yêu ấy,
                        Diễm lệ hơn ngự uyển vườn người năng lui tới,
                        Ngập những cỏ dại, lại nghèo hèn đầy chiến chinh,
Cứ đòi người chăm bới chốn nhà mình.

Kiếm tìm hồn quý phái lại hiếm quý
Thấy đời mình mở ngỏ ở chân trời.
Với khóc than, doạ dẫm rồi đau đớn,
Để người tìm lại thấy những kêu ca.

Hãy lưu lại cùng người yêu nay ít thấy,
Thuở yên bình trả giá vẫn nhiều hơn,
Bởi con trẻ thân thương không đùa giỡn
vẫn khóc ròng nhiều tiếng người vẫn mất.

Đừng hãm giam một chân trời riêng tư ấy
Của chốn miền nóng cháy ở nhiều nơi
Chẳng nơi nào có thể vực cuộc sống,
Có ánh mắt em nhìn cuộn giá băng.”

Trình thuật hôm nay, thánh Máccô còn diễn tả tâm tình gặp gỡ giữa Chúa với người phung cùi. Đọc truyện, người người thật chẳng biết bệnh nhân phung cùi đã nghĩ gì? Làm gì? Xử thế ra sao khi gặp Chúa? Và, ai ai cũng nghĩ đó là cuộc hội ngộ rất thực tiễn. Hội ngộ, nay là thực tại xảy đến với người trong cuộc chưa từng thấy, nhưng vẫn đến. Và, một khi sự thực xảy đến rồi, cũng đừng sợ. Hãy cứ hiên ngang đến mà sờ chạm vào thực tại. Bởi nếu không, chính thực tại căn bệnh cũng sẽ sờ chạm ngay thân xác hoặc thân phận của ta thôi.        
Đọc trình thuật, người người sẽ tự hỏi: dù bệnh phong nay “thoát xác” khỏi con nguời mình, thì bệnh nhân kia chắc vẫn thấy khó lòng mà sống tiếp những ngày sau đó. Khó nhất, là khi anh nhận ra bệnh vẫn còn đeo đuổi anh, bằng hình ảnh/hoặc ý nghĩ nơi anh, như trước kia.
Đọc trình thuật, hẳn có người lại sẽ hỏi: giả như bệnh nhân kia biết thân xác mình nay đã sạch, hỏi rằng cuộc sống của họ sẽ ra sao? Dù, từ nay anh ta không là “cùi hủi” như trước, nhưng vẫn sợ. Sợ, bị tẩy trừ khỏi cộng đoàn mình chung sống. Sợ, nếp sống do cộng đoàn định đoạt vẫn không yên. Sợ hơn nữa, khi người của Chúa chưa học được cung cách của Bậc Thày Nhân Hiền, là chẳng bao giờ tẩy trừ hoặc tống khứ ai ra khỏi “Nước” của Ngài. Trái lại, Ngài vẫn luôn tiếp nhận mọi người, dù lành lặn hay bệnh hoạn, vẫn đỡ nâng. Và hỏi rằng: dân con Nước Trời ở trần thế có làm được như thế không?
Cảm nhận thực trạng rất khó này, cũng nên ngâm lên lời thơ xưa được trích dẫn, mới hôm nào:

            “Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu,
            Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
            Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
            Cành biếc run run chân ý nhi.”
            (Xuân Diệu – Thu)

“Chân ý nhi”, phải chăng là thực trạng của người bệnh, nay cảm nhận? “Trên đầu hạnh”, có là “hư vô bóng khói” vẫn cứ tin. Tin Chúa, là Ngài chẳng tẩy trừ hoặc tống khứ bất cứ ai. Tin rằng, người nào đó có tật/có bệnh, vẫn vô tư/hiền lành/mẫn cán, đáng được ơn.      
                                 
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh.
Mai Tá phỏng dịch.