Saturday 25 June 2011

“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”

Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 14 Thường Niên Năm A 03.07.11

“Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng,”

“mà lòng anh rào rạt mãi không thôi.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 11: 25-30

Tiếng sóng đây, nào thấy phát từ sông Ngân, vẫn im lìm! Lòng anh đó, rạt rào mãi không thôi, cũng là nhờ tình Chúa đến với ta, như làn sóng!

Trình thuật thánh Mát-thêu nay cũng rạt rào, như sóng vỡ ào. Vỡ ào ào, không chỉ là “tiếng sóng” của mỗi Sông Ngân. Mà, còn là giòng chảy Tân Ước có thánh Mátthêu diễn đạt lịch sử, trọng tâm đặt nặng vào cuộc đời Chúa làm người, mang thân phận con người, rất Do thái.

Là đệ nhất thánh sử viết Tin Mừng rất lớp lang, thánh Mátthêu đã đánh bật điều mình tập trung viết ở 5 bài giảng thuyết -hay chương đoạn- về đời sống cộng đoàn rất Kitô, trong đó có: 1. Giá trị đạo đức. 2. Sứ vụ công khai. 3. Chiều sâu chiêm niệm. 4. Hiến chương tương quan. 5. Nguyện vọng tối hậu.

Chương/đoạn đây, tựa hồ giáo lý bỏ túi về đời sống người tín hữu, không chỉ dành cho mỗi cộng đoàn Mátthêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác, vào mọi lúc. Thánh Mátthêu viết, là để tín hữu theo chân Đức Giêsu biết rằng Chúa cũng là người Do thái, rất chính gốc.

Các tuần sắp tới, Hội thánh sẽ chọn những bài lấy từ “Bài Giảng huấn” thứ 3, qua đó tác giả dùng phong cách viết sử của người Do thái, hầu chứng tỏ cho thấy cung cách sống đời nguyện cầu, rất chiêm niệm. Đó là lối sống Chúa từng trải. Là, cách thức nguyện cầu rất sống động. Có lời thơ trữ tình. Có ý nhạc lãng mạn. Có truyển kể dụ ngôn, bài “vãn” rất bi ai. Vãn than, niềm riêng của dân con nay được chọn.

Khác mọi người, khi viết Tin Mừng, thánh sử Mátthêu chú tâm nhiều đến cung cách rất âm nhạc. Cụ thể là, thánh nhân thích nói đến sậy, đến sáo. Đến ống tiêu. Điệu nhảy. Bài hát buồn. Đến cả ca khúc, bản nhạc, nhạc cụ có hơi thở thổi vào, tạo âm thanh. Nói tóm lại, cũng là thể loại na ná giống James Galway! Nghĩa là, vẫn cứ kể cho ta nghe hai loại nhạc, rất đối chọi. Loại thứ nhất, là âm nhạc có thể loại những than cùng thở. Rất buồn nản. Kế đến, là âm nhạc lê thê. Tê tái. Nức nở. Thánh nhân dùng nhạc làm biểu tượng, để ta suy và nghĩ về cuộc sống của riêng ta. Và đời Chúa.

Thông thường thì, nơi Tin Mừng theo thánh Mátthêu, vẫn có cái gì đó tựa như lời thở than ở hậu trường cuộc sống, của mỗi người. Để từ đó, thánh nhân nhấn mạnh thêm rằng: ở nơi Chúa và nơi ta, luôn có những thời khắc lê thê. Rất kể lể. Thời khắc, khúc đoạn cuộc đời, ta trải nghiệm nhiều về sự ra đi tìm đến với nhau. Tìm, sự tử tế. Tìm, chữa lành. Tìm, cách hành xử bén nhạy làm nền, để Chúa đỡ nâng. Hỗ trợ. Hết mọi người.

Rải rác đó đây, là những vãn than ở chương 11 và 12, qua đó thánh sử còn tặng thêm cho ta 4 lời kể về Đức Chúa, như sau:

Lời kể thứ nhất, Chúa nói: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe biết Tin Mừng.” (Mt 11: 4-5) Lời kể đây, là lời mừng sự sống, chốn Galilê, của người Do thái. Lời kể này, là lời về tình thương yêu kẻ nghèo hèn, túng thiếu. Những người luôn cần đến người khác biết đến mà giúp đỡ.

Lời kể thứ hai, Chúa thưa: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11: 25-27) Thốt lời này, Chúa mừng cho cuộc sống dồn dập, cứ đập mạnh vào “làn da trống” cốt đề cao kẻ tầm thường, không vai vế. Cũng chẳng có ai đoái hoài, ỏ ê. Chẳng được ai biết đến, hoặc quan tâm. Cuộc đời họ, như cơn gió thoảng. Rất thoáng chốc. Chỉ sống qua loa, chầm chậm cả vào khi bị cấp trên thúc bách làm cực đến chết, vẫn cứ vui sống tử tế, với mọi người. Sống âm thầm. Nhưng rất vui. Vì có Chúa. Có mọi người cùng vui. Dù đời sống rất cực, họ cũng chẳng cần gì thêm.

Lời kể thứ ba, Chúa lại bảo: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” Xem như thế, Chúa rất cảm thông, quan tâm đến người nào biết dùng khả năng rất hạn chế, dễ dập bể, để dựng xây đời mình cho tử tế. Dù thực tế, là chuỗi ngày dài sống rất qua ngày. Lời kể đây, đích thực là kể lể mang tính cách Do thái. Hệt như các trích đoạn từ sách tiên tri Ysaya, cũng lê thê, kể lể. Khá lễ mễ.

Lời kể thứ 4, Chúa còn phán: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy mới là anh chị em tôi. Là mẹ tôi." (Mt 12: 50) Là, anh chị em và là mẹ Tôi, không chỉ mang ý nghĩa một gần gũi huyết tộc, thôi. Nhưng, còn được quan tâm đưa vào cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Bởi, Chúa Cha chỉ gần cận những người hèn kém, bé nhỏ. Đơn độc. Bởi gần cận, nên Chúa chấp nhận sống giữa phiền toái, bức bách của cuộc sống, vẫn kéo dài cả đời người.

Quả là thế. Tiếng trống vang, vẫn còn thấy nơi hậu trường cuộc đời. Tiếng trống dồn, lại là âm vang cuộc sống của người cùng khổ, đang lẩn khuất ở đâu đó, thúc bách ta đến với họ, để cùng vui. Vui mà sống, cả vào lúc có nhạc buồn nhè nhẹ, ai oán. Trầm lắng. Vui mà sống, cả vào khi có người phê phán lối sống Đạo của riêng ta. Vui mà sống, vì chính Chúa đã dùng thánh Mátthêu để viết lên Tin Mừng theo cung cách của người Do thái mà nói: đời người cũng rất vui và đáng sống. Vui mà sống, vì tất cả mọi bi ai sầu buồn chỉ nằm ở phía sau hậu trường. Chỉ xảy ra trong thoáng chốc. Còn, niềm vui lại luôn ở phiá trước, không bao giờ biến mất.

Trong tiểu thuyết có tựa đề ”Bài hát buồn về nỗi sầu thiên thu”, tác giả Wang Anyi có viết một câu như thế này: “Không biết cơ man nào mà kể về các thế giới nhỏ bé chẳng hề thay đổi, lại được dùng làm bản lề cho những đổi thay diễn ra ở thế giới bên ngoài.” Tác giả đây muốn nói về những “mẩu vụn suy tư xuất từ cuộc đàm thoại nghiêm túc, hệt như lớp lá ngoài quăn tít của mớ cải bẹ xanh hoặc như hạt cát nhỏ trong bị gạo.” Đó, là nỗi buồn của cuộc sống. Đúng vào lúc hạt mưa lác đác rơi nơi cửa sổ viết thành chữ “tình buồn” trên mặt kính. Tình buồn ấy, vẫn gặm nhấm mọi đức tính kiên nhẫn/chịu đựng, để còn bước qua một ngày mới. Một ngày lại có thêm những vãn than, về cuộc đời.

Cùng một lúc, lại thấy có cốt tuỷ độc nhất vô nhị chẳng đổi thay. Không chịu ảnh hưởng bởi lịch sử. Hệt như kinh nghiệm về niềm riêng của ai đó. Có ca từ và lời kể đầy rẫy những trữ tình của sự sống. Thứ trữ tình còn lớn hơn cả lời kể của chính ta.

Ở chương 13, thánh Mátthêu lại đã đưa ra lời ca vang vọng vào với giòng chảy âm nhạc của chính trình thuật Tin Mừng, do mình viết. Lời ca ấy, thánh sử gọi là truyện dụ ngôn, rất kể lể. Và, cả hai -âm nhạc cùng lời kể dụ ngôn- vẫn ăn khớp đi đôi với nhau, thành trình thuật. Thành một Tin Mừng mang tính chất rất Mátthêu. Tính chất ấy, ta còn thấy ở phụng vụ Lời Chúa, vào những tuần kế tiếp.

Trong khi chờ đợi, hãy ngâm lên lời thơ tình kể lể rất lãng mạn của thi nhân vẫn còn ai oán:

“Anh đã gặp hồn em đương chới với,

Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.

Anh đã đón tình em bay phất phới,

Như hương trăng đằm thắm cõi không gian.”

(Hàn Mặc Tử - Sáng láng)

Thơ sáng láng, chuyên chở linh hồn đương chới với, vẫn là lời kể lể, cũng vãn than, ai oán như lời thơ của người Do thái, rất Mátthêu. Lời thơ ấy, nói về cuộc đời của Đức Chúa rất trữ tình, với người đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá luợc dịch.

Saturday 18 June 2011

“Linh hồn em vội vã, vẽ chân dung”


“bay vội vã, vào trong hồn mở cửa.”

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Ga 6: 51-58

Vội hay không, thì anh và em nào vẽ được những chân dung. Của hồn mình. Chí ít, là khi vẽ xong, em cũng vội bay vào trong hồn mở cửa. Phải chăng, đó là tâm trạng của người đời? Còn nhà Đạo, nay vẽ gì khi mừng kính Mình Máu Chúa, rất Kitô?

Trình thuật hôm nay thánh Gioan cũng có ghi nhưng không vẽ. Thánh nhân ghi, là ghi về Thánh Thể, để kể về cuộc đời Chúa. Có tình yêu. Sự sống. Rất văn chương.

Cứ sự thường, người người bảo: ở văn chương thi tứ, bốn thể loại thấy rất rõ để diễn tả đời người và người đời, là: kịch tính, mỉa mai, hài hước, lãng mạn. Tình tiết này, ăn khớp với bốn mùa: thu, đông, xuân, hạ, rất nghe quen. Xét về kịch tính của cuộc đời, người người sẽ thấy thời khắc/tháng năm luôn thăng trầm, khó lẩn tránh. Chỉ có tình yêu, mới kiên định được nổi khó khăn, cần hy sinh. Tính mai mỉa ở người đời, ai cũng thấy mặt ngoài có vẻ dễ chịu, nhưng bản chất thật khó chịu. Trường hợp này, tình yêu là những ngày dài đầy khổ đau. Nhưng, với các vị tử đạo dù bị bức bách, vẫn không chịu đầu hàng.

Tính hài hước của cuộc đời, người người kỳ vọng sẽ thấy ngạc nhiên xảy đến, dù rất khó. Nhưng khi đó, tình yêu sẽ là những tháng ngày hoà lẫn giữa thích thú và chán buồn. Chỉ mong có được kết hậu, để vui hơn. Tính lãng mạn của cuộc đời, người người sẽ quên mất thực tại, chỉ giữ lại những mộng mơ, vào ngày cuối. Và khi ấy, tình yêu là thế giới tư riêng, không như ý. Xem như thế, đời người vẫn trải nghiệm những phấn đấu, xúc cảm, rồi buồn bã, và thức tỉnh.

Xét văn chương, ta thường bảo mọi chuyện đời đều chất chứa tính “cổ điển”. Và, một trong các đặc trưng của “cổ điển”, là sự chan hoà giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Từ đó, người người sẽ hiểu: đời mình là sự hoà tan rất nhiều thứ, cũng giống như tình yêu vốn đượm nhiều sắc thái nên vẫn khiến người từng trải rày sẽ bảo: đời là thế. Nào có khác tình yêu đâu! Đến đây, ta sẽ bảo: chuyện tình đời gia đình mình cũng mang tính cách cổ điển, hệt như thế.

Phúc âm ta đọc từ mùa Phục Sinh cho đến Lễ Ngũ Tuần, cũng đều mang tính cách “cổ điển”, như cuộc đời. Tức, cũng hoà trộn một cách nhuần nhuyễn giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Chương 11-12 Tin Mừng thánh Gioan là một ví dụ cụ thể về kịch tính, từ cái chết của Ladarô, đến các phản ứng Đức Kitô cho đến sự việc Ngài lên đường đi Giêrusalem, cũng thế. Chương 5-10, là thể loại trào phúng, rất mai mỉa. Trong đó, thánh sử ghi rõ Chúa là Vị Thẩm Phán rất đích thực. Ngài là Bánh Hằng Sống. Là Nước. Là, Ánh Sáng. Là, Đấng Chữa Lành và là Vị Mục Tử Chân Chính, rất đích thực. Chương 2, hiện rõ văn phong lãng mạn. Trữ tình. Có, thánh Gioan Tẩy Giả nói đến niềm vui của lang quân. Có truyện Đức Giêsu đối thoại với nữ phụ người Samari. Nói tóm lại, với Tin Mừng thánh Gioan, cuộc đời Chúa là sự chan hoà giữa bản chất đích thực của tình yêu và sự sống.

Cách đây ít năm, ở Úc, có trình chiếu bộ phim mang tên “Người vẫn cứ đi”. Phim, do tác giả người Nhật từng viết “Chẳng ai biết rõ” nay xây dựng trên kịch bản làm nền cho phim, để bàn về quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trước nhất, là nhân vật chính thủ vai mẹ già rất truyền thống sống trong nhà. Cụ Bà luôn chuẩn bị của ăn thức uống, phụ giúp con gái ruột của mình, tức nhân vật thứ hai trong cốt truyện. Ở đoạn khác trong phim, lại có thêm nhân vật thứ ba, là gia chủ đang năn nỉ vợ (tức nhân vật thứ tư) nên về xin lỗi mẹ già, để rồi cùng hẹn sẽ đến thăm cụ dù chỉ trong thoáng chốc. Trên đường về, ông mải bận tâm lo lắng về chuyện họp mặt gia đình để bắt vợ mình phải đeo mang quà cáp, đồ đạc cũng rất nặng. Và rồi, cả hai cũng gặp mẹ. Hôm đó, có mặt cả người cha (tức nhân vật thứ 5), một bác sĩ về hưu, tai hơi lãng.

Nhân vật thứ sáu là người chị cả, cũng đã đến. Đi theo sau, là ông anh rể vui tính (nhân vật thứ 7) cùng với hai con. Thoạt xem phim, khán giả thấy đó như cuộc liên hoan đoàn tụ, của gia đình. Nhưng vẫn thiếu một thành viên nữa, tức nhân vật số 8, là người anh lớn đã tử nạn, cách đó đến 15 năm. Và, mẹ già hôm ấy lại vẫn muốn mời một người trong làng mà cụ cho là thủ phạm lỡ gây ra cái chết của con cụ (nhân vật số 9). Cụ nghĩ thế, nên anh ấy cũng chẳng thể nào quên được chuyện đau buồn từng xảy ra. Và cuối cùng, người con út còn nhỏ tuổi cũng đã đến. Tổng cộng, là 10 người. Mỗi người mỗi vẻ, làm nên tính chất rất đặc thù của đời người.

Chuyện đời người nói ở đây, cũng “bình thường”. Nhưng, khá phức tạp và tế nhị. Tế nhị nhất, là đoạn nói về năm tháng vẫn trôi qua, không ngần ngại. Do dự. Có im lặng là vàng. Có một chút đắng cay. Một chút hy vọng sẽ không bị kềm toả, bởi vật chất. Có cảm xúc rất bất chợt. Có người vắng mặt. Cũng có tình yêu tuy biểu lộ không nhiều. Có, niềm vui chung tuy gượng ép. Nhưng, tất cả đều đã chói sáng bằng lớp vỏ bọc ngoài. Và, sáng hơn cả vỏ bọc nữa. Đó chính để tỏ lòng lòng hiếu đễ với bậc tổ tiên. Cao niên.

Bối cảnh của phim trong tựa như khu vườn còn khép kín. Có, cửa đóng then cài. Có, cuộc sống nghịch thường. Có, đủ mọi tình tự lẫn đặc thù tưởng chừng như giả vờ làm thân cho đẹp lòng người mẹ rất cao niên. Nhưng bên dưới lớp vỏ bọc lịch sự/lễ phép ở bên ngoài, vẫn là những tâm tính chua cay. Hận thù. Khuất tất.

Nhân vật chính, là cụ bà cao niên ra như vẫn hằn in tâm trạng độc đoán. Cứng ngắc. Bởi, thực tế cuộc đời, là người ai mà chẳng độc đoán. Khó tính khó nết. Cái tính rất khó của cụ bà trong phim, là sự độc đoán/khó chịu ngày một gia tăng. Và, vẫn cứ bộc phát vào ngày con cháu tụ họp hằng năm, Để đến nỗi, người con út vốn tính thẳng thắn, bộc trực vẫn không chịu tham dự.

Tất cả mọi nhân vật trong phim đều như đang đối đầu với một chuyện. Đó là, sự thiếu vắng. Như hồn mà cứ ám ảnh người nhà. Tức, mọi người vẫn cứ phải sống mà không được phép lựa chọn hoặc trắng hoặc đen, chỉ một mầu. Hoặc ngọt ngào hoặc cay đắng, một cuộc đời.

Tuy nhiên, tựa đề của phim truyện vẫn còn ghi dấu “Người vẫn cứ đi”. Đi mãi không ngừng. Phải chăng là đi về với hòa giải. Hoà hợp. Chừng như có thứ gì đó không thể lẩn tránh. Thứ gì đó, rất bi ai.

Hôm nay, Hội thánh mừng kính Lễ Mình Máu Chúa Kitô, rất Thánh Thể. Lễ hội này, các gia đình đều đến nhà thờ để tham dự, và rước Mình Thánh Chúa. Cuộc sống hài hoà của các thành viên Hội thánh hoà lẫn với sự sống tràn đầy của Đức Kitô. Cuộc sống Ngài nuôi dưỡng thành viên, như gia đình. Có thăng, có trầm. Có hy vọng, có hạn chế. Nhưng Ngài vẫn trao ban quà tặng như mọi người trông ngóng trong quá khứ. Và, tương lai. Có, thứ gì đó đáng động mọi người, từ bên ngoài. Chính đó là ơn huệ. Để, ta cảm tạ.

Đón rước Mình Thánh Chúa vào buổi Tiệc Thánh Thể cũng là một chữa lành. Trên thế gian, không phải gia đình nào cũng rách nát như phim truyện. Nhưng, mỗi người vẫn duy trì những bí ẩn của đời mình, không thể hàn gắn. Chữa lành. Thế nên, hôm nay, mọi thành viên Hội thánh cùng với gia đình khác mình không quen cũng đến dự Tiệc Thánh để được chữa lành, từ Thánh Thể. Thánh Thể, chuyển biến tất cả thành người phàm có quan hệ mật thiết, với nhau. Có, hạnh phúc từ những phúc hạnh mà chính mình không tạo được cho mình. Hoặc, cho người nhà mình.

Tất cả đều trở về nhà mình và “vẫn cứ đi”, nhưng không biết. Biết rằng, chính mình là thành phần của Thân Mình rất Thánh, Đức Kitô.

Trong hân hoan cảm nhận, cũng nên về với lời thơ còn để ngỏ, ở bên trên, mà ngâm rằng:

“Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa.

Gặp hai hôm, thành nhị hỷ của tâm hồn.

Thơ học trò, anh chất lại thành non,

và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.”

(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)

Chất rượu nơi “đôi mắt ngất ngây”, vẫn là thần linh của Thân Mình rất Thánh, nay mừng Chúa. Vẫn mong rằng, chất rượu ấy sẽ luôn thành “nhị hỷ” của tâm hồn người anh, người chị trong Hội thánh. Hôm nay. Và mãi mãi.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Saturday 11 June 2011

“Gió lùa ánh sáng vô trong bãi”


Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai.

Buồm trắng phất-phơ như cuống lá,

Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 3: 16-18

Lòng nhà thơ, mới chỉ ngát rộng bằng những hai thôi, mà đã có gió lùa ánh sáng, vô trong bãi. Có trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai. Có buồm trắng phất phơ như cuống lá. Tình nhà Đạo, cũng rộng ngát cả triệu lần, là vì Thần Khí sáng soi để dân con cảm nghiệm được nhiệm tích Ba Ngôi rất thánh của Đức Chúa.

Hội lễ hôm nay, dân con nhà Đạo hân hoan mừng Chúa Ba Ngôi, rất long trọng. Toàn thế giới, hiện có tới ba tôn giáo cùng thờ một Đức Chúa, là: đạo Do thái, Đạo Chúa Kitô và đạo Hồi. Cả ba đạo này đều thờ chỉ một Chúa. Nhưng, chỉ Đạo Chúa Kitô tin xác tín rằng Ngài có Ba Ngôi. Bằng vào xác tín này, mọi nghi thức phụng vụ của Hội thánh đều có lời tuyên xưng nguyện cầu lên Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Đấng đều cùng một Chúa, và thực tế: phụng vụ Hội thánh được thiết lập là dựa lên niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, như: lễ Giáng Sinh, phụng vụ nhấn mạnh đến công cuộc tạo dựng. Lễ Phục Sinh, lại đề cập về ơn cứu độ. Và, lễ Ngũ Tuần, phụng vụ tập trung vào chủ đề thánh hoá con dân. Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, phụng vụ tóm kết ý nghĩa thần học trọn cả năm.

Nhưng, vấn đề là: Hội thánh tóm kết như thế để làm gì? Phải chăng chỉ mỗi Chúa Cha, mới đích thực là Thiên Chúa? Còn, Đức Giêsu, Đấng xuống thế cứu chuộc loài người, có là Thiên Chúa, không? Ý niệm về Chúa Thánh Thần đã diễn tả đủ đặc trưng của Thiên Chúa, chưa? Và, có phải cả Ba Đấng tuy là ba “Ngôi Vị” nhưng chỉ một Thiên Chúa thôi, không? Tại sao các đấng bậc lại cứ hay sử dụng các hình ảnh phàm trần đầy tưởng tượng như ảnh tượng: Cụ Già tóc bạc phải là Chúa Cha, Đấng thanh niên trẻ khoẻ bị chết treo trên thập giá, là Chúa Con? Và, hình tượng chim câu bay lượn trên không là Chúa Thánh Thần. Diễn tả như thế, có xứng hợp với niềm tin ta vẫn có, chăng?

Năm 325, bằng vào Công Đồng Nicea – Iznik họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hội thánh đã chính thức tuyên xưng để con dân mình tin Đức Giêsu Kitô đích thực là Thiên Chúa. Và năm 381, Công Đồng nhóm họp tại Constantinople –tức Istanbul bây giờ- đã chính thức tuyên xưng niềm tin vào tính Thiên Chúa của Thánh Thần Ngài. Đó cũng là lúc mà tín điều Chúa Ba Ngôi đã thật sự thành hiện thực. Nói cách khác, ở các thế kỷ đầu đời của Giáo hội, tín điều Chúa Ba Ngôi mới được công bố cách rõ ràng và minh nhiên. Tức, để làm việc này, Hội thánh vẫn cần thời gian để ta suy tư về thiên tính của Đức Giêsu và xác chứng việc Ngài đã làm, đến bây giờ.

Phải đến thế kỷ thứ 9, Hội thánh mới có quyết định yêu cầu dân con Đạo mình mừng kính Chúa Ba Ngôi. Và mãi đến thế kỷ thứ 14, thì việc mừng kính lễ này mới công khai trải rộng khắp hoàn cầu. Muốn hiểu tại sao lại thế, có lẽ cũng nên phân định xem khái niệm về “Ngôi thứ” có nghĩa gì? “Ngôi thứ” ở đây, không là bản thể tách rời, biệt lập chỉ chuyên thực thi mỗi vai trò của mình, thôi. Nếu chỉ có khái niệm về ngôi thứ mà thôi, ta chẳng thể nào nói rõ hơn về Ba Ngôi của Thiên Chúa, mà chỉ nói về 3 vị thần, tuyệt nhiên không Thiên Chúa, rất Ba Ngôi. “Ngôi thứ” mà Hội thánh muốn minh xác, chính là bản thể có quan hệ hiệp thông với các Ngôi kia. Và, đây đích thực là khái niệm lớp lang/qui củ về “ngôi thứ”, cho nên ta phải khởi sự kiến tạo ý nghĩa cho khái niệm ấy.

Xem như thế, Ba Ngôi gồm các ngôi thứ có quan hệ mật thiết với nhau bằng hiệp thông chính đáng. Vì có Ngôi thứ có quan hệ với nhau, nên Ba Ngôi cùng hiện hữu. Không tách rời nhau bao giờ. Tức, Ba Ngôi luôn hiện diện trong tương quan không thể xa cách. Và, sự hiện hữu của Ba Ngôi là hiện hữu của “vũ điệu” tươi vui cùng với các Ngôi kia, luôn luôn hiện diện trong nhau mà không tách rời, biệt lập. Và như thế, nơi Thiên Chúa luôn có sự hiệp thông miên trường giữa các Ngôi. Hiệp thông, là có quan hệ toàn hảo. Trọn vẹn.

Là con người, nhiều lúc ta vẫn muốn sử dụng hình tượng để dễ hiểu. Một trong các hình tượng có lẽ tượng hình hơn cả, là so sánh với hôn nhân, hoặc gia đình. Thế nhưng, so sánh và diễn tả như thế vẫn có khó khăn và nguy hiểm là người người hay liên tưởng đến hệ thống chính trị, xã hội, nên đương nhiên là các hệ thống như thế không tránh khỏi một số tình huống có những chuyện gia đình, nội bộ mà ta sống không thể nào xứng hợp với sự thể về Chúa Ba Ngôi luôn hiệp thông mật thiết. Tốt đẹp. Vĩnh cửu.

Đôi lúc các giải thích và so sánh có khi còn phản tác dụng nữa, là khác. Phản tác dụng, tức nghịch chống lại ý nghĩa mà chính người giải thích muốn nói về nhiệm tích Ba Ngôi Chúa là chỉ một Chúa những Ba Ngôi, nhưng không nói được bằng lời và lẽ được. Đằng khác, diễn tả bằng hình tượng không cho thấy mối quan hệ rất hỗ tương. Miên trường. Cũng chẳng tỏ cho thấy sự hiệp thông đích đáng giữa các Ngôi của Thiên Chúa. Có khi còn dẫn đến động thái độc thoại và/hoặc không chế, cãi tranh, tủi hổ.

Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là như ánh sáng chói chang soi rọi bóng tối đang bao trùm thế giới. Và chính đầu óc của thế giới còn tối tăm nên không thể giúp người người lặn ngụp trong đó có thể hiểu được bản chất rất Ba Ngôi được. Chíngh vì lý do này, ta chỉ có thể nhìn vào bên trong nội tâm vủa bản thể mình mới hy vọng có được một vài tia soi sáng về bản tính rất Ba Ngôi. Bởi, khi ta suy nghĩ và thương yêu, thì những gì đang xảy ra bên trong con người của ta mới phản ánh và phản ảnh điều xảy đến với Ba Ngôi Đức Chúa.

Ngôi Hai là Chúa Con được gọi là Ngôi Lời của Chúa, tức Tư Tưởng Chúa. Còn, Ngôi Ba ở Ba Ngôi là Thánh Thần được gọi là Tình Yêu Chúa hoặc chính Hơi Thở của Ngài. Bên trong mỗi người chúng ta, tư tưởng sâu lắng hoặc xác tín đậm sâu nhất là điều rất gần cận để bảo cho biết ta là ai, và chính điều ấy làm ta trở nên chính ta. Tức, cho biết ta là ai. Ta không thể là chính mình nếu không có nó. Lời đậm sâu bên trong Đức Chúa vẫn có với Chúa, trong Chúa. Và, là chính Chúa. Thiên Chúa sẽ không là Chúa, nếu không có Lời.

Bên trong của ta, tình thương yêu đậm sâu nhất giải nghĩa chính tư cách của ta. Cho ta bản chất của chính mình. Và như thế, đó là đặc thù “bản vị” của ta. Ta không thể là mình được, nếu không mang đặc thù ấy. Cũng như vậy, Tình yêu đâm sâu bên trong của Đức Chúa đích thực là Thánh Thần là Chúa trở thành bản chất của Đức Chúa rất thương yêu. Thiên Chúa sẽ chẳng là Chúa nếu không có Thánh Thần Tình Yêu ấy.

Ở nơi Thiên Chúa, có bao nhiêu Ngôi thứ? Thường thì, ta bảo là có tất cả là “3”. Nhưng, theo thiển nghĩ, con số ấy sẽ nhiều hơn “3”. Thiên Chúa đã gửi Lời Ngài và Thánh Thần Tình Yêu của Ngài đến với ta. Sống trong ta. Để ta sống và hiện hữu, ở nơi Chúa. Và, cả ta nữa, vẫn cùng sống với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần Chúa, là Ba Ngôi thứ. Ba Ngôi không chỉ là các Ngôi rất thánh, ở trong Chúa. Mà, Ba Ngôi ở trong ta và ta ở trong cả Ba Ngôi nữa. Ta lại đã trở thành các “Ngôi thứ” bằng vào việc sống ở trong Ngài. Ta sống với các Ngôi thứ thánh thiêng, trong Chúa.

Đặc biệt trong hiệp thông rất thánh thiêng, nguyện cầu tư riêng của chính mình, mà ta được mời gọi để trải nghiệm nhiệm tích này. Bởi thế nên, Lễ rất thánh hôm nay cũng là hội lễ của hiệp thông rất thánh, nơi ta. Và cũng là tất cả thời khắc ta nguyện cầu, rất tư riêng. Sự hiện diện thường xuyên còn gọi là “cắm lều” của Chúa Ba Ngôi ở trong ta, còn có ý nghĩa là ta hạnh phúc. Phúc đây, là phúc và hạnh mà Ba Ngôi rất thánh thiêng đang vui hưởng.

Tác giả Meister Eckhart từng viết lên cảm nhận đặc biệt, nói rằng: “Khi Thiên Chúa cười vào linh hồn và linh hồn cười lại vào với Thiên Chúa, các Ngôi ở nơi Chúa đã được hạ sinh. Nói theo cách cường điệu, thì khi Chúa Cha cười với Chúa Con và Chúa Con cười lại với Chúa Cha, thì nụ cười đã tạo vui thích. Vui thích tạo hỷ hoan. Hoan hỷ tạo Thương Yêu. Yêu Thương tạo Ngôi thứ Ba Ngôi Chúa, có Thánh Thần Chúa vẫn là Một.”

Qua thông hiểu những điều vừa suy tưởng, cũng nên ngâm thêm lời thơ còn dang dở, rằng:

“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,

Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

Chao ôi ghê quá! Chao ôi ghê quá!

Cảm thấy hồn tôi, ớn lạnh rồi!”

(Hàn Mặc Tử - Cô Liêu)

Nhà thơ đời, kêu như thế. Vẫn kêu thế. Kêu “gớm ghê” vì đời mình cô liêu. Trăm chiều. Rất “ghê quá”. Thi sĩ Đạo, suy tưởng nhiều nên đâu thấy gì là “ghê quá”. Chỉ biết hiệp thông rồi sẽ thương yêu. Yêu chiều. Rất trăm bề. Như Tình Chúa Ba Ngôi rất yêu dân con Chúa như tình yêu của Chúa Ba Ngôi ta vẫn tin và vẫn yêu, nhiều thời buổi. Của đời người. Cũng rất người.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

Saturday 4 June 2011

“Cánh cửa ngang qua thế giới buồn”


“tống biệt hồng, sang tống biệt đen.

Em mang điệp khúc về đâu đó,

Ta tưởng chừng như giã biệt em.”

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Ga 20: 19-23

Thế giới buồn, có phải vì tống biệt hồng/tống biệt đen, người em nơi cánh cửa? Điệp khúc vui, phải chăng em mang về từ đâu đó như giã biệt, từ Đức Chúa? Ngài giã biệt, nhưng thay vào đó, Ngài đã gửi Thần Khí Thánh đến với ta.

Trình thuật thánh Gioan, nay ghi lại cùng một tình tự có giã biệt, thân thương Ngài gửi đến với dân gian, thế giới buồn. Sau ngày Chúa chịu nạn trên thập giá, Ngài trỗi dậy từ cõi chết và thăng tiến về Trời, khiến đồ đệ dân con cứ phân vân không biết sự việc gì rồi sẽ xảy đến, ngay sau đó? Một số vị, quay về với nghề cũ, những thả lưới với buông câu. Có vị, nhớ mình từng gửi Chúa những câu hỏi, rất tương tự. Hỏi thì hỏi, nhưng vẫn chờ câu giải đáp khả dĩ xứng hợp với ưu tư của chính mình.

Thay vào đó, Thày bảo: về với thế-giới-mới, Thầy sẽ gửi Thần Khí đến mọi người, vào thời sau. Và lời Ngài, nay đã thành hiện thực. Rất hiện tại. Tương tự một tình huống trong đó có người thổ lộ: mình lo không biết có đạt chốn thiên đường được không đây? Nghe vậy, Thầy bèn trấn an dân con mình: đừng lo toan/thắc mắc. Bởi, thiên đường tự khắc đến với mình, cũng chóng thôi. Lời Thầy còn nhắn nhủ: đạt chốn thiên-đường thì ai cũng đạt! Ngài lại thêm: Thiên đường mà người người lo không đạt, chưa hẳn là kết cục của thế giới. Bởi, thế giới nay còn những chuyện lớn lao, quan trọng hơn.

Thiên đường mà người đời những mong tưởng, nay xuất hiện ở đây. Nơi này. Rất sớm. Điều quan trọng, là: dân con mọi người phải sẵn sàng kiên trì sống. Tức, chấp nhận qui cách sống đúng sứ mệnh Ngài trao ban. Dù biết Thiên đường là nơi đây. Chốn này. Thế mà, đồ đệ Chúa vẫn không hiểu điều Thầy tỏ lộ. Và, cả ta nữa, chừng như vẫn không hiểu hết điều Chúa tỏ bày cho ta. Cho mọi người.

Nên, Ngài phải nói thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thần Khí, khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1: 8) Chính Thần Khí Chúa sẽ giúp mọi người trở nên giống Thầy, khi đạt thế-giới-mới. Lễ Ngũ Tuần. Thần Khí đến, người người sẽ dùng ảnh hình để nói lên những gì mình cảm nhận, từ Ngài.

Cảm nhận Thần Khí là đón nhận Luồng Gió Mới cực mạnh, nay thổi đến. Như, Lửa Ngọn dũng mãnh tạo sự sống. Như gà mẹ khống chế trạng huống hỗn độn quanh ổ, rồi mới đẻ. Tức, tạo môi trường thích hợp để sinh hạ sự sống mới. Thần Khi đến, là như: sói dữ ở bên chiên lành. Như, nguồn sống tạo yên hàn không bạo lực. Thần Khí đến, bảo đảm cho an bình, thịnh vượng. Cho, niềm thuỷ chung qua nhẫn cưới, ngày hứa hôn. Ngài là Thần Khí, Đấng giúp ta đi vào thế-giới-mới, rất sẵn sàng.

Xuất Hành về với Đất Hứa, dân con Do thái đều đã nhận được lời hứa hẹn đạt thế-giới-mới. Chốn thiên đường. Chốn Đất Lành miền Canaan, như vẫn gọi. Nhưng trước đó, họ cảm nghiệm một hành trình xuyên suốt, có cột mây che nắng ban ngày. Có, cột lửa soi sáng ban đêm. Và, họ cảm nhận kinh nghiệm có Chúa ở cùng. Chung sức sống.

Trong hành trình di rời thế giới cũ về với Thế-giới-mới, Chúa hứa ban không chỉ mỗi đất lành miền Canaan, nhưng toàn thế giới, vũ trụ. Vũ trụ ta, là thiên đường. Có trời đất giao hoà, đầy Thần Khí. Có, Năng Lượng Chúa cao cả, nạp cho ta. Cao cả, nhưng Ngài không là con đường rất chung chung, không thể đến. Ngài cho ta nếm trước hương vị của thiên-đường-thế-giới-mới, không phải mây trời. Cột lửa. Mà, Thần Khí. Chính Thần Khí ấp ủ thế-giới-mới, để nuôi ta. Đó, là sáng-thế nguyên-thủy. Là, Thần Khí đến với mọi người. Rất hôm nay.

Thần khí đến với ta. Với từng người. Ngài đến, theo cung cách thế-giới-mới-rất-thiên-đường, hình thể nhỏ. Của vũ trụ. Xem thế, tất cả chúng ta là dân con đã được dựng. Dân con của Thần Khí. Xem thế, thì: Thiên-đường-tràn-đầy-Thần-Khí đã đến với ta. Ở với ta. Ngài đi vào cuộc sống của chính ta. Và mọi sự nơi ta nữa.

Có thể, có người bảo: đó kìa, những người “sống vô gia cư chết vô địa táng”, đâu như thế. Hoặc tôi đây, cũng chẳng giống vậy. Có thể, có nhiều chuyện vô lý và bi thảm, vẫn xảy đến trên con đường, mình đang sống. Cả nơi khu vực phía sau nhà, nhiều chuyện xảy đến cũng khiến ta khó mà tin. Thánh Phaolô là vị thánh từng trải nhiều về chuyện này, khi thánh nhân bảo: ta là “đền thờ của Thần Khí”, ngay khi thánh nhân còn đanjg rao giảng ở Côrinthô, kinh đô đồi truỵ của Hy Lạp. Là, vùng cấm địa của Achaia có đền Aphrodite, đền thờ nữ-thần nhục-dục, đầy thác loạn. Nhưng, thánh nhân vẫn nhận biết điều ấy, cũng rất thật.

Suy niệm sự kiện Chúa Về Trời, ta nghĩ ngay đến “thiên-đường”, không theo nghĩa bầu trời, nhưng theo nghĩa thế-giới-mới, Chúa tạo dựng. Và, Đức Chúa cũng từ thế giới này, đến với ta. Ngài tập họp mọi người vào với thế-giới ấy. Ngài gửi Thần Khí đến với ta như dấu ấn mới, rất an bình. Tuyệt mỹ.

Nhưng, làm sao biết được điều ấy sẽ xảy đến? Lấy gì làm bằng để thấy được là: Thần Khí sống với ta? Và, đâu là bằng chứng Ngài ban trước thiên-đường-thế-giới-mới ấy? Xin thưa: bằng chứng, nằm ở cuộc sống rất đẹp, của mọi người. Ở, mối ưu tư/quan ngại về công lý và an bình, khi vẫn còn nhiều người đang bị chèn ép. Áp bức. Ngay chính ta, cũng đã trải nghiệm nhiều nét đẹp của sự sống. Nhưng nhiều lúc, ta và Hội thánh lại quên mất cung cách phải có, để giáp mặt với sự-sống-rất-đẹp. Để rồi, đôi lúc biến nó thành vật vô giá trị. Và, lẩn tránh tất cả những gì là Chân-Thiện-Mỹ, ở đời. Thay vào đó, ta chỉ thích mỗi cung cách hành đạo cứng ngắc. Vụ hình thức. Rất ngán ngẫm.

Thực tế ở đời, nhiều vị vẫn còn đang làm công việc tuyệt vời, trong đời. Ví dụ ư? Đấy kìa, những vị đang làm rất nhiều điều kỳ diệu, mà ít ai chịu làm. Đích thị là, Thần Khí đang làm những điều kỳ diệu rất “thiên-đường”, nơi người ấy. Chắc chắn rằng, Thần Khí Tuyệt Mỹ cùng hiện diện, ở nơi họ.

Ưu tư/quan ngại về công lý và bình an, còn thấy nơi nhiều người. Đó cũng là mối quan tâm lo lắng cho số phận của người nghèo. Để rồi, hẹn sẽ tìm cách thực hiện cho bằng được sự bình an, rất công lý. Ví dụ ư? Đừng nên tìm ví dụ nơi thể chế chính trị. Xã hội. Của loài người. Bởi lẽ, không chỉ mỗi các nhà từ thiện mới có khả năng thực hiện được công việc tuyệt mỹ/tuyệt diệu ấy. Phải nói rằng, chính Thần Khí đang thực hiện công lý và bình an nơi con người. Và, môi trường. Khi đó, Thần Khí Công Lý và An Bình, sẽ còn hiện diện mãi, nơi họ. Với họ.

Chắc chắn, Công Lý và Sự Tuyệt Mỹ/Tuyệt Diệu đang kết-thân-làm-một để bừng nở như bông hoa mới chớm ở thế-giới-mới. Với ta. Đó, là khởi đầu của sự kiện đất-trời-hoà-hợp do Thần Khí ban cho ta. Đang diễn ra.

Lâu nay, nhà Đạo mình nói nhiều đến Thần Khí Chúa ở cùng Hội thánh. Nay, có lẽ nên thêm: Thần Khí Chúa đang ở với và ở cùng ta. Và, thế giới. Cầu mong sao, Ngài ở với và ở trong Hội thánh ta nữa. Bởi, Hội thánh là chốn thánh thiếng từ đó ta thấy được mọi sự đang diễn tiến, đến với ta. Cùng lúc.

Với tinh thần lạc quan sẵn có, ta sẽ ngâm vang lời thơ buồn, nhưng hy vọng của nghệ sĩ:

“Chết một ngàn năm chắc phải sầu,

Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau.

Mịt mù nhân thế trôi biền biệt,

Giữa vị sầu nghe có vị đau.”

(Nguyên Sa – A Tỳ)

Bằng vào lời thơ, thi nhân thấy “có vị đau”, giữa vị sầu. Về với thiên-đường, người người đều cảm nhận Thần Khí, rất mỹ quan. Mỹ quan thiên đường Ngài trao ban, sẽ cùng với mọi người sống cuộc đời đẹp. Rất đáng sống. Với mọi người.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch