Sunday 26 April 2009

“Ngẩn ngơ nghe tiếng gọi như thừa”

Bao người quen thuộc giờ đâu nhỉ
Khung cảnh thân thương phải đó chưa?

(Dẫn từ thơ Phạm Doanh)

Ga 10: 11-18

Nghe tiếng gọi như thừa, vừa ngẩn ngơ? Hỡi người quen thuộc, giờ người ở đâu, sao không thấy? Người ở đâu, mà sao không đáp trả. Trả lời và đền đáp tiếng gọi, của Chúa Chiên.

Trình thuật hôm nay, lại cũng ghi về một mời gọi “tưởng như thừa”, ra như thế. Của Chúa Chiên. Chúa Chiên, nay ngóng chờ dân con làm mục tử, biết dấn thân. Nghe tiếng gọi. Nghe, để ra đi thực hiện điều Chúa ới gọi, nơi mọi người. Chúa gọi ta tiến bước. Rất hân hoan. Tràn ngập. Hy vọng.

Hân hoan - hy vọng, là tự chế đời mình, như Lời Chúa nhấn mạnh nơi Tin Mừng thánh Gio-an.

“Mục tử nhân lành, là người dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.” Ở đây, Chúa muốn phân biệt giữa Chúa Chiên Hiền với người được chủ mướn chỉ để giữ chiên. Người được mướn giữ chiên, chỉ lo toan đến lương tiền. Nên, khi sói lang đến y ta bỏ chiên đó, mà chạy. Vì sợ. Còn Chúa, Ngài nói: “Tôi biết chiên của Tôi, Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Cũng có thể, là: Ngài tự tách Mình khỏi lãnh tụ tôn giáo được thuê mướn sống giữa dân con nhà Đạo, các vị chỉ làm những gì mọi người trông đợi mình làm. Tuyệt nhiên, không thực sự quyết tâm cũng chẳng có tinh thần trách nhiệm, đối với dân con được trao phó. Cho mình. Còn Chủ Chiên Hiền, biết rõ chiên, và chiên biết Chủ. Giữa chiên và chủ, luôn có tình mật thiết với nhau. Như tâm tình giữa Chúa và Cha Ngài: “Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha.” (Ga 10: 15)

Người được thuê mướn hoặc vị thủ lãnh lo cho mình, sẽ chẳng bao giờ có được tâm tình mật thiết đến như thế. Bài đọc 2, tác giả thư cho cộng đoàn cũng sử dụng ngôn từ tương tự: “Anh em hãy xem Chúa Cha thương yêu chúng ta biết chừng nào. Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa –mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.”(1Ga 3: 1-2)

Thêm vào đó, Chủ Chiên Hiền ao ước đoàn chiên đến nhận dạng với Ngài: “Tôi còn có chiên khác không thuộc ràn này; cũng phải đưa về.” Và, mục tiêu cuối của Chủ Chiên Hiền, cũng không là gì khác, ngoài việc: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Để rồi, toàn thể thế giới này sẽ liên kết làm một với Cha và với Chúa. Đây chính là ý nghĩa cao tột của Vương Quốc Nước Trời, trọng tâm của Tin Mừng.

Đây, còn là chủ đích làm ta bận tâm, mãi hôm nay. Bận tâm, là vì vẫn còn hàng triệu người và chiên, chưa nghe được sứ điệp về Chủ Chiên Yêu Thương Hiền Từ, là Thiên Chúa. Ngài là Đấng, đã gửi Con Một của Ngài đến để chết cho đoàn chiên, là chúng ta. Tức, những người còn mải miết đi tìm hạnh phúc /ý nghĩa của cuộc sống dẫn đến mục tiêu khác. Mục tiêu chỉ đem đến những bụi tro, dễ gãy đổ, như: tiền tài vật chất thật dư dả, danh vọng ở trước mắt mọi người, quyền uy trên người khác, chọn hoan lạc lầm lỗi với hạnh phúc, mưu cầu những khoái lạc…

Chọn như thế, tự khắc họ chối bỏ Chủ Chiên Hiền. Và, thánh sử nói: “Sở dĩ thế gian không nhận biết ta, vì thế gian không biết Người.” (1Ga 3: 1). Đây là điều, ta cần học hỏi để nhận ra đó là sự kiện khó lòng mà am hiểu. Và, càng khó lòng mà nhận lãnh. Trách nhiệm.

Tuy nhiên, càng quyết tâm theo chân Chủ Chiên Hiền, càng có nhiều người bị chối bỏ, và đột kích. Thảm hại hơn, nhiều người tuyên nhận Đức Giêsu là Chúa, dù rất hiền lành, chân chất, vẫn bị tan tác, với rẽ chia. Cay đắng.

Ở đây nữa, hơn bất cứ nơi đâu, vẫn có nhu cầu dành cho mọi người để theo dấu vết chân mềm của Một Chủ Chiên, thành lập chiên đoàn duy nhất. Rất thân cận. Bằng không, sao có thể làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa, nếu giữa người đồng hành với Chúa, không có tình thương yêu đùm bọc?

Cuối cùng, lại cũng có những người lâu nay tháp nhập vào Thân Mình của Chúa, ngang qua thánh tẩy,nhưng vẫn sống theo cung cách làm người khác hiểu lầm ta không phải con dân của Ngài. Hiều lầm lời Ngài kêu gọi làm nghĩa tử, đồ đệ chu toàn trọng trách, tạo hạnh phúc. Có thể là, phần đông trong ta từng ngại ngần trong đáp trả lời mời làm chứng cho sự thật và tình thương yêu, thấy nơi Chúa.

Một điều nữa, Chúa nhấn mạnh ở Tin Mừng, là: Chúa hy sinh mạng sống vì chiên đàn, là do Ngài tự ý. Chứ không vì hoàn cảnh, đưa đẩy. Thôi thúc. Cái chết của Ngài là bằng chứng sống động, như Tin Mừng có viết: “tình yêu cao cả là trao ban sự sống của chính mình cho người mình yêu.” Và bằng chứng này, Chúa đã làm để tỏ rõ Ngài chính là Chúa Chiên Hiền.

Bài đọc 1, Phêrô thánh nhân tràn đầy Thánh Thần Chúa, đã quả quyết: “Đây là đá tảng, mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại được ơn cứu rỗi, vì dưới gầm trời này, không một Danh nào khác đuợc ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó, mà được rỗi.” (Cv 4: 12).

Và cũng chính Chúa, có nói ở Tin Mừng: “Chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” Ga 10: 18) Và sự thể, đã xảy ra như thế.

Bài đọc 2, chứa đựng một phần trong diễn luận mà thánh Phêrô đã trình bày ở Đền thờ. Bài đó có được sau khi thánh nhân và thánh Gio-an đã chữa lành cho người hành khất, trước trụ lang. Chữa lành cho anh, các thánh đã nhân Danh Chúa chịu đóng đinh, qua quyền uy được uỷ thác cho các đấng, ngõ hầu làm chứng Đức Chúa đã sống lại thật. Và, Ngài vẫn hiện diện, ở với ta.

Cuối cùng, tất cả những điều ở trên đã nối kết với chủ đề ơn gọi, vào ngày của Chúa, rất hôm nay. Bởi hôm nay, không chỉ là ngày Chủ Chiên Hiền, nhưng còn là ngày Ơn Gọi, vào Chủ Nhật. Vào ngày này, con dân ta được khuyến khích hãy nguyện cầu cho Hội Thánh. Cầu sao cho Thánh Thần Chúa ban ơn lành để ta có thêm nhiều vị thủ lãnh đóng trọn vai trò truyền rao Tin Mừng của Chúa.

Cầu và mong sao, vào thời buổi đang có giảm sút trầm trọng về số mục tử/thủ lãnh làm việc ấy. Cầu và mong, sao Hội thánh đào tạo thêm nhiều linh mục và tu sĩ, đang cần có. Cầu và mong, để ta đừng hiểu là: lời gọi mời trực chỉ người khác. Nhưng, đến là đến chính mình. Chính mình đáp trả. Chính mình thân thưa. Cầu mong sao, giới trẻ tự dâng hiến đời mình cho Chúa, thi hành sứ vụ rao truyền Lời Chúa. Cầu mong sao, đừng gạt tên con em ta trong những người thi hành sứ vụ rao truyền này.

Một điều cần cầu liên tục, là: ý nghĩa của “Ơn gọi” không chỉ hạn chế trong vai trò rất hẹp là đời tu/linh mục, rất riêng tây. Nhưng mỗi người trong ta đều có một “ơn gọi”. Bởi, với mọi tư cách của ta, dù là tư cách người phối ngẫu, mẹ cha, giáo chức, y sĩ hoặc chỉ là tôi tớ rất đời thường, những đại/tiểu gia chuyên lo thương mại, đều có trọng trách ấy.

Dẫu ở vào địa vị nào, ta vẫn được gạn hỏi bằng những câu, như:

-Những gì tôi bỏ sức ra làm, phải chăng đó là “ơn gọi” gửi đến với tôi?

-Phải chăng, đây là cuộc sống Chúa muốn tôi, ở như thế?

-Việc tôi làm, có là chứng tá cho niềm tin Kitô hữu, đặt nơi tôi?

-Tôi có cộng tác đóng góp trong việc dựng xây thế giới mới, xứng đáng cho mọi người?

-Cuộc sống của tôi có gì khác biệt theo nghĩa tích cực, đổi mới, với người khác?

-Tôi làm được gì, để quảng bá công lý và sự thật? để cổ võ công bình, tình thương và sự an vui?

Và, nếu bảo rằng tôi đang ở vị thế khó có thể sửa đổi, tôi vẫn nghe được tiếng Chúa mời gọi phục vụ Hội thánh Chúa, và cộng đoàn?

-Tôi đã từng xả thân ngang qua cuộc sống hay tôi chỉ lợi dụng xã hội và Hội thánh Chúa để đạt những gì tôi từng ham muốn?

Chúa vẫn mời gọi mỗi người và mọi người tiếp tay làm việc để phổ biến Tin Mừng Ngài đem đến. Có lúc, chỉ qua cung cách của linh mục/tu sĩ. Nhưng nhiều khi, lại là trăm ngàn đường lối rất khác biệt, để phục vụ. Phục vụ Hội thánh. Xây dựng cộng đoàn. Và, câu hỏi khác: Chúa có dùng khả năng của tôi, để mở mang đóng góp xây dựng Nước Trời?

Nếu mỗi người và mọi người đều đã nghe và từng đáp trả lời mời gọi từ Chúa, theo cung cách tích cực, chắc chắn Hội thánh Chúa không còn gì phải bận tâm lo nghĩ, về vai trò lãnh đạo/mục tử, đang sa sút, nữa.

Trong nguyện cầu được như thế, ta hiên ngang tin vào ân phúc Chúa ban, cứ vui hát. Hát rằng:

“Tay đan tay, nhịp bước đi trên đời,

xin yêu thương hạnh phúc đến cho người,

người anh em yêu, người em anh mến, Mẹ ơi trông đến.” (Thành Tâm- Diễm tình ca 3)

Vẫn cứ xin cho người anh, người em, được Mẹ yêu thương dắt dìu, mà tiến bước. Tiến và bước, trong tin yêu nghe lời Chúa gọi, ra đi mà phục vụ. Phục vụ Hội thánh. Phục vụ cộng đoàn thân thương. Đang ngóng chờ.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

Sunday 19 April 2009

“Trên đường về nhớ đầy...”

Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây...
Tiếng buồn vang trong mây...
(Dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

Lc 24: 35-48

Trên đường về, nhà thơ nay cũng nhớ. Nhớ rất đầy. Buồn trong mây. Buồn và nhớ, buổi đưa tiễn có mây chiều vang vọng. Nhớ và buồn, đường Emmau vọng vang tình nhà Đạo nay da diết. Da diết nhớ Thầy. Nhớ Bạn. Nhớ Chúa dẫy đầy, một trình thuật. Đậm ghi. Rõ nét. Sống lại.

Trình thuật thánh Luca, hôm nay nhớ đầy tình chậm bước. Nhớ và ghi, tâm trạng buồn người lữ khách. Và rất nhớ, Thầy dẫn giải Ngài chấp nhận nỗi chết nhục hình, do Cha định. Dẫn giải nhiều, để môn đệ của Thày chan chứa tình Phục Sinh, nơi cuộc sống. Của mọi người.

Thoạt lúc đồ đệ mạn đàm việc xảy đến, Thày bất chợt xuất hiện ở với các ngài. Và, lời chúc “Bình an cho anh em!” do Thày chào, đã xác định Thày nay sống lại, nào phải ma.

Và tiếp đến là lời trấn an:”Sao cứ hoảng hốt,” và nghi ngờ? “Hãy coi, chính là Tôi! Hãy cứ rờ mà xem, ma nào có thịt da như thề!” Và, các thánh đích thực nhận ra, đây chính là Ngài. Là, Thầy Chí Ái lâu nay, ta vẫn nhớ. Chúa hiện diện giữa các thánh, nhất định không như người chết trở về, chẳng có xác. Chúa hiện diện, là tình Thày ở với đồ đệ, đầy tình thân. Hình hài thể xác tuy có khác. Khác, lúc xưa. Khác bây giờ. Khác rất nhiều. Vẫn một tình Thày trò, ở nhà Đạo.

Liền ngay đó, đã thấy có những cảm xúc lẫn lộn, nơi các ngài. Cảm xúc lẫn lộn giữa niềm quan ngại lẫn sướng vui. Bởi, cái chết của Thầy từng làm các thánh lo ngại sẽ không còn thấy Thày hiện diện với cộng đoàn, về sau nữa. Và cùng lúc, các ngài chưa hẳn đã tin. Nhưng kinh ngạc. Kinh khiếp và ngạc nhiên, tức tin đó và cũng nghi ngờ, liền sau đó. Kinh ngạc và hiểu rằng, dân con đồ đệ sẽ chỉ đạt đến Thầy, bằng nỗi niềm cậy trông phó thác. Và, cũng hiểu là Thầy sẽ lại đến qua diện mạo hình hài, rất khác nhau.

Vì kinh ngạc, các thánh quên cả tiếp đón Thầy như thông lệ. Đến độ, Thầy phải hỏi: “Anh em có gì cho ăn không?” Và trở về với thực tế, các thánh mới dọn món cá, đưa cho Thầy. Cũng từ đó, việc Thầy sống lại, càng xác chứng. Bằng sự thực.

Cũng từ đây, vai trò của các thánh đà thay đổi. Khi xưa, Thầy là Đấng cấp của ăn cho hơn 5 ngàn người, gồm bánh cá. Nay, đến lượt đồ đệ dọn thực phẩm để Thầy dùng. Việc này cho thấy: cộng đoàn các thánh nay chính là Thân Mình Chúa. Đấng Phục Sinh.

Việc làm của các thánh, là công việc xưa kia Thầy từng dặn. Tức, nuôi sống kẻ đói ăn người thiếu mặc. Cả thể xác lẫn tinh thần. Làm thế, tức nuôi sống cộng đoàn con cái Đức Kitô: “Quả thật những gì các ngươi làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi làm cho chính Ta.” (Mt 25: 40). Ở đây, đã thấy có liên kết giữa Tiệc Thánh với các việc ta làm cho nhau. Trong đời.

Qua chuyện vãn với đồ đệ “trên đường về nhớ đầy”, Chúa dẫn giải ý nghĩa của khổ đau và nỗi chết. Và từ đó, dân con Đức Chúa nay đã biết: muốn hiểu Thầy, cần cởi mở lòng trí mà suy niệm điều Ngài nói, qua Tin Mừng. Mỗi Chúa Nhật. Cần giáp mặt chuyện trò với Thầy, qua Kinh Thánh. Tức, Lời Ngài. Bởi, Lời Thầy là quyền năng đích thực tạo đổi mới cho ta sống.

Trình thuật hôm nay, ghi rõ ba điều Thầy đã dạy:

1.Đức Kitô, chịu khổ hình đến chết, do dân Ngài. Nhưng Ngài đã sống lại, chỉ sau ba ngày.

2.Nhân danh Chúa, ta có bổn phận rao truyền ý Chúa đến với mọi người; để, tất cả sẽ cải hối, mà đối xử tốt với nhau.

3.Theo chân Chúa, là làm chứng tá cho Ngài bằng cuộc sống. Cho tình cộng đoàn, rất liên kết.

Bài đọc 2, thánh Gioan còn viết: “Căn cứ điều này, ta nhận ra là ta nhận biết Thiên Chúa: là tuân giữ các giới răn của Người. Ai nói mình biết Người, mà không tuân giữ giới răn của Người, tức là kẻ nói dối. Và, sự thật không ở với người ấy. Còn ai giữ Lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.” (1Ga 2: 1-5)

Tuân Lời Ngài, không chỉ là: tuân thủ đủ 10 điều răn, tức những điều không hoàn toàn do Chúa nói; nhưng còn là:

-tuân theo lời mời gọi và thử thách Chúa gửi. Qua Tin Mừng;

-trở nên con dân Chúa biết liên tục học hỏi và hiểu rõ Lời Ngài, qua Tân Ước. Như các tông đồ đã được dạy;

-hiểu rõ Lời Kinh Sách. Hiểu biết sự sống, khổ đau và nỗi chết của Chúa, như Ngài muốn.

-yêu mọi người, vô điều kiện. Yêu cả những người từng ghen ghét, hãm hại. Địch thù

-yêu thương người, là cầu mong Tình yêu Chúa thấm nhập tâm can, của mọi người.

-trở nên cộng đoàn hiệp nhất biết sẻ san/giùm giúp những người cần được san sẻ, đỡ đần.

-trở nên cộng đoàn duy nhất, biết nhận ra Chúa nơi người nghèo hèn, đau ốm, khốn khổ;

-biết đem tình thương lành thánh đổi mới cuộc sống muôn người;

-trở thành nhân tố bình an, đem hoà bình về với rẽ chia, đố kỵ.

Nói tóm lại, là: trở nên nhân tố cùng với Chúa kiến tạo Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian. Nhờ Tin Mừng, ta nhận biết Thầy Chí Thánh đã hiện diện ở với đồ đệ. Hệt như thế, ta quyết sống làm sao để làm chứng cho mọi người biết: Chúa đang hiện diện trong thế giới đầy nhiễu nhương, hôm nay.

Trong tinh thần đó, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu lên, mà tiến bước. Bằng tiếng hát:

“Tôi vẫn tin vào bàn tay

bàn tay sưởi ấm cuộc đời

bao nỗi u sầu dần phai,

yêu thương tràn cuộc sống.” (Quốc Dũng – bđd)

Tin Chúa Phục Sinh, là tin vào bàn tay sưởi ấm cuộc đời, cho muôn người. Tin Chúa sống lại, là tin rằng: “trên đường về nhớ đời”, sẽ không còn “tiếng buồn vang trong mây”, nữa. Nhưng còn đó, nụ cười. Rất tươi. Rất bình an. Thân tình

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

Friday 10 April 2009

“Tình Yêu không biết sợ”

Người yêu chỉ biết buồn.
Tình yêu không cổng sắt.
Tình yêu không rào vuông.

(Dẫn từ thơ Võ Thị Trúc Giang)

Ga 20: 19-31

Không biết sợ, là tình của nhà thơ. Là, tình không cổng sắt? Với nhà Đạo, là tình không rào vuông. Ơ hờ. Rất sợ. Sợ, là tâm tình của đồ đệ ngày Phục Sinh, Chúa đã về.

Trình thuật hôm nay, bắt đầu bằng bầu khí hãi sợ. Chủ nhật hôm ấy, chỉ hai ngày sau lúc Chúa lìa đời, khi các môn đệ ở trong nhà. Cổng kín tường cao. Vẫn sợ. Sợ, là sợ bị giam giữ. Trừng phạt. Sợ, vì liên quan đến Chúa. Sợ, dù Chúa đã trấn an, mấy ngày trước.

Chúa trấn an, bằng sự hiện diện theo cách mới. Với các ngài. Trấn an, bằng những lời thân tình.

“Bình an cho anh em”, thoạt là lời chúc, rất “Shalom”. Shalom, thường là tiếng chào hỏi của người Do thái, mỗi khi gặp. Ở đây, lúc đồ đệ còn hãi sợ, lời chúc của Chúa mang ý nghĩa rất đặc biệt. Tiếng Hy Lạp, không có động từ “chúc tụng” như thế, nên có thể đây là lời chào đoan quyết một sự kiện, là: nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó có bình an. Không sợ.

“Chúa đưa tay chỉ vào cạnh sườn”, không là cử chỉ của thần linh ma quái, rất phù thuỷ. Nhưng đây là động tác của Đấng, đã chết trên thập tự, nay thành dấu chỉ chứng tỏ một ý nghĩa mới rất đáng kể, là: Ngài chết đi và sống lại, để cứu độ con người. Ân huệ rất nhưng không. Phổ cập.

Ơn cứu độ, hiện rõ qua việc Thầy sống lại và trở về, đã đem đến cho mọi người niềm an vui. Phấn khởi. An vui trở về, Ngài tiếp tục hiện diện với các đấng. Qua chuyện trò cùng các đấng, Ngài chúc bình an cho mọi người. Đồng thời, Ngài trao ban cho các đấng, sứ vụ mới. Sứ vụ cao cả. Rất phấn chấn: “Như Cha sai Thầy thế nào, thì Thầy cũng sai anh em đi như thế” (Ga 20: 21).

“Và, Ngài thổi hơi trên các ông”, đây là hơi thở của sự sống. Bằng hơi thở, Giavê Chúa đã thổi lên cát bụi. Đời người. Bằng thổi hơi, cuộc sống con người nay được thánh hoá. Thổi hơi lên người đầu tiên, tên A-đam. Chúa thổi hơi, chính đó là Thần Khí, Đấng Linh Thiêng của Cha, và của Con. Thổi hơi, Ngài nói rất rõ: “Hãy nhận Thánh Thần Chúa, trên anh em.”

Và tiếp theo, là mệnh lệnh: “Anh em tha lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha. Anh em cầm buộc ai, người ấy sẽ bị cầm buộc.” (Ga 20: 23). Mệnh lệnh đây, Ngài trao phó, cho mỗi người. Và, mọi người. Lời Ngài trao phó, tuy không nhiều, nhưng đã trở thành quyền uy trao cho các thánh, ngang qua Lời.

Thật sự, ta không thể tha thứ cho bất cứ ai, mà không hoà giải. Việc Chúa trao quyền uy tha thứ cho cho đồ đệ, là: quyền hoá giải để mọi người có thể đến với Chúa. Đến với người anh người chị trong cộng đoàn. Đến như thế, đất trời và tạo thành, sẽ thu về một mối. Bình an, Công lý. Sự Thật.

Đó là việc tiên quyết, các thánh sẽ làm. Còn lại, tất cả chỉ là thứ yếu. Kèm theo sau. Tiên quyết, tức: tái lập tương quan mật thiết giữa Chúa và dân Ngài. Tương quan, là mối giây mật thiết giữa con của Chúa, với chúng nhân. Đây, là công tác vĩ đại, chưa từng thấy.

Trên thực tế, công tác vĩ đại gồm nhiều việc. Không phải chỉ đến mỗi toà cáo giải để nhận lãnh ơn thứ tha, rồi thôi. Công tác Thầy giao, bao gồm việc gầy tạo môi trường xã hội, có căn bản dựa trên tương quan mật thiết. Với Chúa. Với anh em. Để thiết lập Vương Quốc Nước Trời. Ở trần gian.

Bài đọc 1, mô tả cộng đoàn Nước Trời, rất lý tưởng nay thấy rõ: “Các tín hữu thời ấy đông đảo, nhưng vẫn một lòng một ý.” Một lòng một ý, là dấu hiệu hiệp thông đoàn kết giữa cộng đoàn dân Chúa. Cộng đoàn tình thương. Mật thiết. Thân thiện.

“Không ai coi những gì mình có là của riêng, nhưng với họ, mọi sự đều của chung”, đây là lý tưởng mà người Cộng sản trước đây vẫn coi như phương châm hành động. Phương châm khẳng định rõ: “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”. Lý tưởng này, nay thấy hiếm trong xã hội hôm nay. Xã hội lớn, gồm các cá nhân luôn ham hố. Tranh giành. Chiến đấu.

Bằng vào phương châm này, “cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn”. Bởi, người có của dư thừa, đều bán của mình có, tặng cộng đoàn:“tiền bán được, nay phân phát cho mỗi người, tuỳ nhu cầu.”

Giáo hội hôm nay, có tìm ra được cộng đoàn tình thương nào, đẹp thế không? Hay, chỉ thấy có, nơi cộng đoàn sống đời tu trì. Ở nơi đó, các thành viên sống yêu thương đích thực. Sống với lý tưởng phổ cập. Sống, như Kitô hữu đích thực, đã cải biến. Căn bản cộng đoàn Kitô hữu cũng nên thay đổi theo chiều hướng tích cực. Như thế.

Bài đọc 2, nói về giới lệnh của Chúa, cần tuân thủ. Thánh Gioan cho biết những việc như thế, không khó làm. Có thể, đây vẫn chưa là kinh nghiệm sống của nhiều người. Có thể, chuyện ở đây vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng, đây là giới lệnh gọi mời ta sống đích thực như vẫn nghe: nhân chi sơ tính bản thiện. Giới lệnh, nay không đòi ta thực thi điều gì không ăn khớp với bản chất riêng tư, cần thăng tiến. Nhưng, lời khuyên từ thánh Gioan, cũng phù hợp với giới lệnh ở Tân Ước, đòi mọi người yêu thương nhau, như Chúa vẫn thương ta. Giới lệnh, nay yêu cầu ta trở thành nhân tố Bình an, Hài hoà và Công lý. Ăn khớp với ý của Tin Mừng. Và, của Bài đọc 1.

Chúa trở về hiện diện giữa các thánh, rất đầu đủ. Nhưng, không thấy có mặt đồ đệ Tôma. Thành thử, thánh nhân mới nói Ông sẽ không tin nếu không đặt tay nơi cạnh sườn Thầy. Sau đó, thánh nhân đích thân gặp gỡ Thầy. Nên, ông không còn cứng lòng, như trước nữa.

Nhận ra Thầy, thánh nhân kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!” Đây, còn là lời xác nhận căn tính đích thực của Đức Chúa. Nơi Tin Mừng. Đây, là lần đầu tiên và duy nhất, ta nghe các thánh gọi Ngài là Chúa. Kỳ diệu thay, đây chính là hành động của niềm tin. Rất có thể, thánh Tôma không trực tiếp nhận thức Đức Giê-su là Chúa. Vì, chẳng ai trực diện thấy được Chúa. Nhưng, kinh nghiệm cho thánh Tôma tin rằng: thánh nhân đang giáp mặt Chúa. Thực sự.

Lời Tin Mừng, nay là lời phấn chấn, khích lệ mọi người. Với những ai không có kinh nghiệm, tựa như thánh Tôma, Lời Ngài được gửi đến, rất xác thực: “Phúc thay cho người không thấy mà tin!”. Điều này nhắc nhở mọi người, hãy mở lòng ra mà nhận biết Chúa đang hiện diện. Ở với ta.

Cuối cùng, thì những gì được ghi ở trình thuật, nhằm giúp ta đạt đến trạng thái để ta cũng sẽ tin như các thánh: “Đức Giêsu là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!” Bằng vào niềm tin này, ta tìm ra được cuộc sống đích thực.

Hôm nay, biết bao người từng kinh nghiệm thấy rằng: tất cả là sự thật. Tất cả, đều nhận ra rằng: dấn bước theo Chúa, sẽ mang lại cho ta ý nghĩa, hướng đi và chất lượng cho cuộc sống. Của mình. Chất lượng ấy, không thấy bất cứ ở đâu. Nơi nào. Cầu mong sao, đó sẽ là kinh nghiệm của mỗi người, chúng ta.

Trong cầu mong như thế, ta lại cất lên lời tuyên dương bằng tiếng hát. Hát rằng:

“Tôi vẫn tin vào ngày mai

Tình thương chan chứa mọi nhà

Tôi sẽ đi tìm cuộc vui

Cho bao người còn chơi vơi cuộc sống lẻ loi.” (Quốc Dũng-Tôi vẫn tin vào một ngày mai)

Tin vào ngày mai, hay tin vào Chúa. Sẽ rất vui. Niềm vui, chan chứa mọi nhà. Mọi người. Những người tin rằng Chúa vẫn hiện diện ở với mình. Với người. Khắp mọi nơi.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.