Friday 27 January 2017

“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,”

Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 5 thường niên năm A 05/02/2017
Tin Mừng: (Mt 5: 13-16)
"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

cái rét đầu đông, giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi, mỗi chiều tan học,
Cổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn.
(dẫn từ thơ Bùi Thanh Tuấn)

Hà Nội vắng mưa, Cổ Ngư buồn. Phải chăng buồn này, buồn thế kỷ? Nhà Đạo vắng Chúa, chắc mất vui. Vui/buồn nhà Đạo, nay vẫn do người mình một lòng theo Chúa, sống bình yên.

Bình yên nhà Đạo, được thánh Mát-thêu ghi rõ ảnh hình về cộng đoàn tín hữu, ở đoạn cuối “Bài giảng trên núi”. Ảnh hình, về “Muối cho đời” và “đèn thắp sáng thế gian”, ý của thánh sử muốn nói về Hội thánh Chúa sống ở chốn gian trần.

Muối là chất được sử dụng trong hầu hết các buổi ăn kiêng. Muốn cho thực phẩm giữ được lâu ngày, thêm mùi vị, người xưa vẫn dùng muối giúp cho cây mau phát triển. Dân du mục lại dùng muối như biểu tượng của tình huynh đệ, của thủy chung, tiết hạnh. Nên, khi họ nói: “giao ước muối” là nói đến tình đệ huynh. Muối đem vào cuộc sống hàng ngày một chút thi vị, rất linh thiêng.

Bởi thế nên, khi Chúa bảo: “Các con là muối cho đời” là Ngài có ý khuyên: hãy làm cho thế giới nên khác biệt. Khác theo nghĩa tích cực. Khác, không như Cựu Ước, có câu truyện vợ ông Lót vì ngoái cổ tiếc nuối dĩ vãng, nên thành cột muối. Nếu vậy, ta nên làm gì? Làm muối cho đời, hướng về phía trước với mọi người, hay cứ ngoái cổ về sau để thành cột muối như vợ ông Lót? Cái đó còn tuỳ mỗi người. Tuỳ góc độ, từ đó ta tiếp cận cuộc đời.

Rõ ràng, mọi người không thể giấu đèn dưới gầm giường, nhưng đặt nó trên giá đèn, để mọi người thấy ánh sáng. Thứ ánh sáng không hạn chế, không kỳ thị một ai. Người xưa có thói quen xây thành phố/đô thị trên đồi, hoặc ở đỉnh núi để mọi người nhìn thấy mà đến. Thành Giêrusalem là ví dụ điển hình. Là cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, mọi người vẫn là và phải là kẻ thắp lên ánh sáng. Là, người tạo cho thế giới quanh ta nên khác biệt.

Điều đó có nghĩa gì? Là, cần rao giảng cho mỗi người phải sống nền văn hoá mới, cần rao giảng cho mỗi người. Nhưng, rao giảng cách nào? Trong tư thế nào?

Ngày nay, sống giai đoạn mới của lịch sử Đạo Chúa, ta cần nói lên điều đó. Nói rằng, ta đã sống đích thực tinh thần của Công Đồng Vatican II. Sống cuộc đời đổi mới vẫn tiếp diễn, quyết canh tân cuộc đời người Công Giáo. Đổi mới thế giới, ở vào thời kỳ “hậu- hiện đại”, chứ không theo chiều hướng tệ bạc, ngày càng mất đi giá trị đạo đức.

Thế giới với thế gian, nay dường như đã chào thua, để mặc con tạo xoay vần. Chẳng còn hy vọng vào cuộc sống đích thực Chúa vẫn khuyên dạy. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là “văn hoá của sự chết”. Thế giới nay mất đi niềm tự tin quí hiếm. Bởi thế nên, Hội thánh lại khuyên nhủ con dân mọi người hãy khám phá chính mình như con người có tư cách và niềm tự tin, khiến mọi người thấy được rằng mình xứng đáng là dân con Đức Chúa, có khả năng tân tạo thế giới. Khả năng, tạo khác biệt.

Văn hoá phàm trần, thành thị nay đặt hết hy vọng vào tiến trình vật chất và phát triển kỹ thuật. Nhưng, văn hoá phàm trần ngày càng thấy mình trống rỗng vắng lạnh, vô nghĩa. Ngày nay, dù không còn chủ trương “chống Đạo” nữa. Nhưng, chủ thuyết “vô thần mới” lại vẫn tìm cách bắt bẻ tôn giáo. Bắt bẻ, cả Công giáo, Tin Lành, lẫn Chính Thống, Do Thái giáo. Tìm mọi cách, để chối bỏ tính siêu việt của Đạo chẳng còn muốn nghe ai phân bua, diễn giải nữa.

Hội thánh, nay nói gì với thế giới phàm trần?
Cách đây 50 năm, Hội thánh tỏ ra vẫn có niềm tin thật vững chắc. Giáo dân, ai cũng có điểm son nào đó làm di sản. Nay, thì không. Giáo dân, nay chọn sự toàn vẹn của đời tín hữu. Chọn lối sống của đồ đệ Đức Kitô. Chọn, thực hiện công trình của người thừa sai do Hội thánh uỷ thác. Mục vụ hôm nay không còn là động thái muốn làm thì làm, hết muốn thì thôi. Mục vụ, nay là chuyện sống còn của Hội thánh. Giáo dân hôm nay đã biết đi vào trọng điểm của niềm tin. Biết thực hiện mục tiêu mà Hội thánh đề ra, cho mọi người.

Hội thánh muốn mọi người đem Tin Mừng đến với mọi nơi, như thời tiên khởi. Đem Lời Chúa đến với người thị thành đang sống kiếp tục trần, Lời Chúa sẽ xuyên suốt như thực tại mới mẻ. Lời Ngài đòi hỏi xã hội và cả Hội thánh Chúa phải đổi thay. Đổi và thay, để không còn đắm chìm trong quá khứ và hiện tại đầy chuyện tiêu cực. Xem thế, thì Hội thánh phải có chỗ đứng mới trong thế giới đã đổi mới. Cách nào ư? Dưới đây là một vài phương cách để thực hiện:

Văn hoá của thế giới phàm trần đang trải nghiệm nhiều vấn đề xuất tự bên trong. Trải nghiệm một hiện diện của nhiều nhóm tôn giáo đôi khi kình chống, khích bác nhau. Một đất nước như Úc Châu nay khó mà gọi được là quốc gia theo tinh thần của Đạo Chúa, như trước nữa. Bởi, tín hữu Đạo Chúa nay đang chung sống với nhiều tôn giáo khác, dù ít người.

Bởi thế nên, dân con Đạo Chúa cần tìm nơi Tin Mừng điều gì đó mới mẻ và thích hợp với mọi người. Bởi, ngày nay mọi người đều không còn chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo nữa. Ngày nay, thế giới phàm trần lại cần khám phá ra rằng Đức Kitô là Đấng cứu độ mọi người. Bất kể họ là sắc dân, tôn giáo hoặc thờ phượng Đấng nào đi nữa. Ngày nay, phải quan niệm Lòng thương xótcủa Chúa đã và còn thể hiện trong lịch sử và cuộc sống của mọi nhóm hội/đoàn thể, mọi cộng đoàn tôn giáo/sắc tộc. Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: mọi tôn giáo đều ngang bằng nhau. Nhưng, nói thế để hiểu rằng mọi tôn giáo đều phải được tôn trọng ngang nhau, bằng nhau.

Nếu vậy, tín hữu Đạo Chúa nên ứng xử như thế nào với tình thế mới này?
Niềm xác tín lâu nay trả lời, rằng: mọi người có cơ hội đồng đều. Được kính trọng như người có phẩm cách. Và, là người có những quyền căn bản ngang đồng. Xác tín này bắt nguồn từ Đạo Chúa. Và, xác tín này đặt tin tưởng theo cung cách mọi người/mọi vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi người đều giống Chúa. Đây, là ý tưởng mang tính Kitô giáo. Động thái này đang có mặt qua cung cách đặc biệt của nền văn minh Âu Tây. Ta nhận ra điều đó từ Kinh thánh. Chí ít, là từ Tin Mừng. Bằng chứng, là: văn minh Âu Tây xưa nay vẫn không có chỗ cho hệ thống giai cấp như văn minh Ấn.

Ngày nay, nhiều dấu hiệu cho thấy: tín hữu Đức Kitô vẫn nhận được những thông điệp như thế ngang qua văn hoá hiện thời. Ai cũng có thể liệt kê danh sách các động thái quyết chứng minh rằng: mọi người vẫn hành xử như các Kitô hữu. Cả, người không theo Đạo. Cả người tự cho mình là vô thần cũng nhận ra được điều ấy. Các ví dụ rất dễ kể ra, như: lòng cảm thông/thương xót người nghèo túng. Sự tôn trọng bản vị con người. Niềm ước ao được kết đoàn. Lòng quyết tâm đòi công minh chính trực. Ước vọng được thấy tình thương yêu mọi người trở thành hiện thực. Tất cả để khẳng định rằng: mọi giòng giống/sắc tộc, văn hoá đều có phẩm cách như nhau.

Khi ta duy trì các giá trị của nền văn hoá theo cách ấy, ta càng trở nên muối cho đời. Càng trở thành ánh sáng đặt trên bục cao, để mọi người được nhìn thấy. Càng trở nên thành thánh xây trên núi. Vấn đề còn lại, là: hãy tiếp tục sống như thế. Sống, nhưng không phải là sống văn hoá của sự chết. Mà là văn hoá sinh động, của mọi thời.

Đó, là ý nghĩa mà thánh sử Mát-thêu ghi lại trong bài trình thuật, rất hôm nay. Một văn hoá, mà nhà thơ trên vẫn diễn tả bằng ngôn từ rất thi tứ. Rất Hà Nội, như sau:
“Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu.
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím.
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.” (Bùi Thanh Tuấn – Chia tay Người Hà Nội)

Chia gì thì chia, cũng đừng buồn. Bởi, niềm vui chính là văn hoá của sự sống. Văn hoá, của tình thương, Chúa vẫn dạy. Của, Tin Mừng Đức Kitô là niềm vui muôn thuở, mọi văn hoá.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn - Mai Tá lược dịch

Saturday 21 January 2017

“Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa”



Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 4 thường niên năm A 29/01/2017

Tin Mừng: (Mt 5: 1-12a)
Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Ngài mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

“Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa”
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng , bằng hương hoa sáng láng.
(dẫn nhập từ thơ Hàn Mặc Tử)

Thơ mầu nhiệm ra đời, nghe xôn xao náo động muôn tinh tú. Náo động, phải chăng người thi sĩ muốn nói đến mầu nhiệm cứu chuộc dân gian nơi trần thế? Bằng Hiến Chương/Cương Lĩnh Nước Trời?

Trình thuật Cương Lĩnh hôm nay, là những chương đoạn về hạnh phúc ở trần gian. Nơi đất miền thân thương, dẫy đầy phúc đức có chen lẫn những cực hình. Hiến chương/Cương lĩnh Nước Trời mà thánh sử lược ghi, là để người người được thấy dung mạo Đức Chúa, một Mô-sê rất mới.

Giống hệt như Môsê thời buổi trước, Đức Giê-su nay khởi đầu cuộc đời Ngài giảng rao bằng 5 bài giảng thuyết có những đề xuất, rất nghịch thường. Giống hệt như sách Ngũ Thư của Cựu Ước, Hiến chương Hạnh phúc Chúa ban hành trên non cao chốn núi vắng, là để tỏ bày cho người Do thái biết về đường lối Chúa dạy. Tức, những điều Ngài muốn ta thực hiện, trong cuộc sống.

Bài thuyết giảng đầu đời Chúa tuyên bố, không là băng hình đậm nét về những sự kiện vừa xảy ra trên núi thánh. Mà, là sưu tập tóm tắt những lời vàng Thầy gửi đến với đồ đệ rất thân thương. Lời Thầy khuyên dạy sẽ giúp những ai dấn bước theo Thầy, biết đường nghe theo mà sống những chuỗi ngày hạnh phúc, với anh em. Núi thánh ở đây, là địa điểm Thầy ban hành Hiến Chương mới. Là, điểm mốc lịch sử nơi diễn tiến mọi sự kiện đổi đời, có từ Thầy.

Vị thế Thầy ngồi khi tuyên bố Hiến Chương Hạnh Phúc, nói lên quyền uy rất mực của Đấng Vị Vọng, rất Tối Cao. Cách Chúa ngồi giảng rao, còn diễn tả quyền uy thế thượng mà các vị cha chung trong Giáo hội, vẫn đương làm khi có phán quyết quan trọng, gửi đến con dân. Phán quyết quan trọng, là quyết định có liên quan đến cuộc sống hạnh phúc của mỗi người, cho mọi người.

Phán quyết Chúa ban, là Hiến Chương còn hệ trọng hơn cả Mười Điều Giáo Lệnh Mô-sê rao truyền, vào thuở trước. Các giáo Lệnh Mô-sê chuyển giao, là luật sống cho con dân Do Thái để thi hành, không mấy khó. Không khó, vì luật là luật chẳng cần đến tình thương, chẳng cần phải tôn trọng. Cứ theo phương cách vị kỷ, tập trung vào chính mình. Hệt như thái độ chàng thanh niên rất giàu mà Tin Mừng từng nhắc đến: anh giữ trọn đủ 10 điều, từ hồi nhỏ. Giữ, nhưng chẳng cần tình thương yêu tha thứ. Anh là công dân tốt, nhưng không thể là đồ đệ đúng nghĩa của Chúa.

Hiến chương Thầy công bố, không là giới lệnh rất dễ làm. Tuy rằng, mỗi điều khoản bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay!”. Cụm từ này, xuất xứ từ tiếng Hy Lạp makarios, hoặc felix, tiếng La-tinh, cả hai bao hàm ý niệm hạnh phúc, rất cao trọng. Muốn am hiểu niềm hạnh phúc Chúa tuyên ban, có lẽ cũng nên am tường bối cảnh Nước Trời, Ngài tỏ bày. Tức, cần có tương quan tốt đẹp giữa ta và Đức Chúa. Cần chấp nhận Ngài là Chúa, Đấng hướng dẫn cuộc đời mà mọi người nên giữ.

Về bối cảnh Nước Trời, không chỉ người giàu sang, thành đạt hoặc quyền uy mới là người cao trọng, nhiều hạnh phúc. Trái lại, chỉ người hiền biết chấp nhận khổ đau mới đích thực là người được Chúa chúc phúc. Đây, không hẳn là hiến chương bình thường, cho muôn nước. Nhưng là Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời Chúa đã ban. Hiến chương Hạnh Phúc Ngài ban, chú trọng nhiều đến nhu cầu thiết thực đổi thay cách sống. Đổi cả quan niệm về giá trị cuộc đời. Giá trị, nơi uy lực của kẻ yếu mềm, bị bỏ rơi.

Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của Hiến Chương Hạnh Phúc, mọi người sẽ nhận ra điều Chúa thách thức lối suy tư bình thường, theo qui ước. Có tìm và có hiểu, ta mới thấy được ý nghĩa Ngài đưa ra:

*Hạnh phúc thay, người có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ: người có tinh thần khó nghèo chính là người biết phó mặc hoàn toàn cho Đức Chúa. Có thái độ như thế, người người mới thực sự bước vào triều đại của Ngài. Không ỷ vào những gì mình đang có.

*Hạnh phúc thay cho người sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an: sầu buồn và khổ đau nói ở đây, không là tâm trạng của người vừa có mất mát. Mất bạn bè. Mất người thân. Nhưng, còn vì ác thần/sự dữ cứ xảy đến với thế giới nhân trần. Nên, sầu buồn và khổ đau vẫn cứ đến. Hạnh phúc, là bởi họ vẫn cùng với mọi người đã giáp mặt khổ đau. Giáp mặt và sẻ san, chứ không bỏ chạy.
*Hạnh phúc thay cho người mềm yếu, vì họ sẽ thừa hưởng trái đất này: cụm từ “mềm yếu” trong Tin Mừng thánh Mat-thêu xuất từ tiếng Hy Lạp praus có nghĩa là: từ bi, bác ái. Trái ngược hẳn tính kiêu căng trịch thượng, chèn ép hoặc bạo tàn. Điều Chúa nói, ám chỉ sự tôn kính, tính hiền hoà phải có, với mọi người. Đây, còn là thái độ lùng kiếm bản chất thiện căn hầu tỏa sáng khắp nơi. Điều này trái với tính nhút nhát, đớn hèn mà người Do Thái đương thời thường lây nhiễm.

*Hạnh phúc thay, những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy: điều Thầy Chí Thánh muốn nói, là: những ai sống ở đất miền ứ tràn những của ăn cùng thức uống, sẽ chẳng bao giờ có được kinh nghiệm về sự đói khát người dân vùng sa mạc, vẫn hứng chịu. Người đói khát sự công chính mà Chúa nói, từng hiến trọn công sức và cuộc đời ngõ hầu tái tạo công bằng và bình an ở xã hội, họ đang sống. Những người như thế, chắc chắn thuộc về Triều đại Nước Trời. Làm Chúa yên vui.

*Hạnh phúc thay,những ai có lòng thương xót vì sẽ được xót thương: đây không cốt ý chỉ sự thương hại hoặc cảm xúc hời hợt, nhưng là tâm tình thương cảm sẻ san. Tâm tình bước vào với nỗi niềm buồn đau, nơi người khác. Những người như thế, chắc chắn sẽ được Chúa đoái thương. Ở đoạn khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng khuyên môn đệ mình bắt chước lòng thương yêu của Đức Chúa. Điều này có nghĩa: ta hãy bỏ qua một bên mọi thành kiến lẫn ác cảm. Bỏ mọi ghét ghen miệt thị trong giao tiếp, đối xử.              

*Hạnh phúc thay, những ai có tâm hồn trong trắng vì họ sẽ được diện kiến Đức Chúa: trong trắng ở đây không là sự trinh trong xác thịt. Nhưng, nhìn sự vật với cặp mắt không thành kiến, méo mó. Không kỳ thị hoặc có đầu óc hẹp hòi như các luật sĩ đầy xung khắc, vị kỷ. Có tâm hồn trong trắng, là người nhận ra tình yêu Đức Chúa đang ở với họ. Người như thế quả thật họ đang có phúc.

*Hạnh phúc thay, những người biết dựng xây hòa bình, vì họ được gọi là con Thiên Chúa. Hạnh phúc là phúc cho ai hoạt động cho việc hòa giải, hòa hợp ở khắp nơi. Hòa giải - hòa hợp, không chỉ bãi bỏ tâm tình kình chống mà thôi. Nhưng còn là, đến với nhau. Chữa lành cho nhau. Cùng nhau kiến tạo sự hòa hoãn trong gia đình. Nơi phố chợ. Tại công sở. Ở chốn thị thành. Bình an trong chung sống, không để cho bất cứ ác tậm sự xấu được tồn đọng với nội tâm. Sự xấu, chính là thành kiến, xung khắc, kỳ thị; và cả đến những khai thác, bóc lột nữa. Tóm lại, có dựng xây hòa bình, mới tự nhận mình là dân con Đức Chúa. 

*Hạnh phúc thay, những người bị bách hại vì sự công chính, bởi Nước Trời thuộc về họ: ở đây, có lẽ có người sẽ hỏi: tại sao kẻ đau buồn cực khổ lại được Chúa chúc phúc? Lý do, những gì khiến họ đau buồn cực khổ là vì Tin Mừng. Do sự công bình và lành thánh, Tin Mừng Ngài đem đến. Người chịu đựng khổ đau, là cốt đem chân lý và bình an đến với thế giới nhân trần. Làm thế, họ đem niềm an vui hạnh phúc đến cho ta. Niềm vui ta có được, khi đã hoàn thành mục đích Ngài giảng rao. Lịch sử nhân loại dẫy đầy gương sáng của những người như thế. Ở Ấn Độ, Trung và Nam Mỹ, và khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy những gương lành thánh những người như thế. Thế kỷ 20 là thế kỷ sản sinh nhiều gương lành tử đạo hơn các thế kỷ trước. Các vị, đã chấp nhận tử đạo vì niềm tin. Vì bình an và công bình. Ngày nay, nhiều người vẫn chấp nhận hy sinh thân xác cho lý tưởng cao đẹp, hơn bao giờ.

Hiến Chương Nước Trời, quả thật sâu sắc. Rất cao đẹp. Hiến chương vẫn kêu mời mọi người kiến tạo tương quan mật thiết, giữa ta với Chúa, với mọi người. Hiến chương cũng đòi ta quan tâm sâu sắc, tham gia dựng xây thế giới đương đại cho tốt đẹp. Và, kêu gọi mọi người hãy tìm cách biến đổi thế giới thành nơi ngập tràn tình yêu thương. Ngập tràn chân lý công bình và lòng xót thương. Đầy ngập sự tự do và hài hòa giữa mọi người. Đó là ý nghĩa của Hiến Chương Hạnh Phúc. Của Cương Lĩnh Nước Trời. Là mục tiêu của cuộc sống. Sống hạnh phúc đích thật.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho mỗi người và mọi người sẵn sàng tham gia dựng xây Nước Trời đầy hạnh phúc, ở nơi đây. Nơi ta chung sống, chốn gian trần. Trong tinh thần ấy, ta cùng cất tiếng hát lên bài ca tạ ơn khi xưa:

“Ôi ơn đời chói vói, nhớ khi thân tròn ôm gối
Ba trăm ngày trong gói, ngóng trông ra đời góp mối chung vui
Ôi ơn đời mãi mãi, thoát theo đời vun sới
Bao nhân tình thế giới, lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.”
(Phạm Duy-Tạ ơn đời)

Tạ ơn đời. Nhưng, đích thực là tạ ơn Người. Tạ ơn Thầy đã ban cho mọi người Hiến Chương Hạnh Phúc Nước Trời. Hiến Chương “xông lên lời ca ngợi sum hoà”. Rất yêu thương.    

Frank Doyle sj biên-soạn – Mai Tá lược dịch

Saturday 14 January 2017

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi



Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 3 thường niên năm A 22/01/2017
Tin Mừng: (Mt 4: 12-23)
Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Ngài bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến   gần."
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.
(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)
Ánh sáng, nhà thơ hôm nay ghi nhận, không là hào quang sáng chói, “lùa trong bãi”. Nhưng, là ảnh hình Chúa Kitô sáng mãi với thế gian. Ảnh hình Ngài tỏa sáng như ban ngày. Sáng từ thời Cựu Ước mãi đến hôm nay. Nơi trình thuật sáng chói, ngày Chúa gọi.

Trình thuật sáng chói hôm nay, đề cập nhiều đến ánh sáng Vương Quốc Nước Trời, đem đến những canh cải đổi thay,  những đáp ứng lời mời của Thầy Chí Thánh, đang toả sáng.

Bước đầu đường đời Ngài rao giảng, Đức Giê-su cũng đã mời và đã gọi. Ngài mời gọi đám dân đen thuyền chài nhỏ bé, rất tầm thường, đưa các vị ấy vào chốn toả sáng “lùa trong bãi”, làm đồ đệ. Khởi đầu công cuộc rao giảng, Đức Giêsu đã xuất hành từ thị trấn Na-da-rét. Tiếp theo đó, Ngài đi CaphaNaUm, một thị trấn bé nhỏ bên bờ Galilê nơi vùng biển mang tên “ZêBuLun” và “NápTaLi”. Đi như thế, Ngài đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaya, nơi Cựu Ước, có lời rằng: “Hãy canh cải, vì Vương Quốc Nước Trời đã gần kề”.

Nước Trời đã gần kề nói ở đây, không là Thiên đường sống ở trên cao, nơi ta đạt đến sau khi chết. Nhưng chính là cộng đoàn tiên khởi, gồm con dân nhà Đạo gốc Do Thái giáo nay đà hoán cải. Thoạt tiên, người Do thái rất ngại ngần, vì không quen sử dụng trực tiếp danh tánh của Chúa, mỗi khi trao đổi hoặc nguyện cầu. Vì thế, sử gia Mat-thêu mới phải viết tả về Đức Chúa, bằng lối gián tiếp như “thiên đường”, hoặc bằng thể thụ động nơi động từ, vẫn nghe quen.

Với nhà Đạo, cụm từ Vương Quốc xuất từ ngôn ngữ cổ của Hy Lạp bằng từ “basileia”. Basileia trước nhất có nghĩa: vương quyền, quy luật và triều đại. Cũng từ đó, khi nói Vương Quốc Nước Trời đã gần kề, không có nghĩa bảo rằng: ta đã gần đạt chốn đền đài cung điện đầy nguy nga. Dù ở đời này hay đời sau. Thành thử, lời khuyên Hãy canh cải là có ý bảo: hãy đặt mình dưới sức mạnh/quyền uy của Đức Chúa. Hãy sống vì Vương Quốc Nước Trời. Vì Vương Quyền của Đức Chúa.

Đặt mình sống vì Vương Quyền của Chúa, là đặt mình trong tương quan đầy thương mến với Trời. Và với Chúa của ta. Đặt mình trong tương quan, là sống trong môi trường nơi đó có các giá trị đáng để ta trân trọng thực hiện như: tình yêu, lòng thương xót, sự công chính, tự do, sống với cộng đồng, sống trong an bình… Nhất nhất đều là những điều, ta vẫn cần thắng lướt trong cuộc sống.

Đặt mình trong tương quan với Chúa - với người nơi Vương Quốc Nước Trời, còn là biết canh cải, đổi thay, đáp ứng lời mời của Đức Chúa. Nói đến canh cải - đổi thay, người người thường chỉ nghĩ là: ta phải ưu tư áy náy về những lỗi phạm, mình đã mắc phải. Nhưng, mời gọi của Đức Giê-su còn đi xa hơn thế nữa. Ngài không muốn ta xóa sạch mọi tàn tích của lỗi phạm trong quá khứ. Bởi lẽ điều ấy, chẳng thể nào làm được. Canh cải đổi thay là chuyển hướng hành động từ ngày hôm nay, đến lai thời.   

Canh cải đổi thay, cụm từ bắt nguồn từ metanoia tiếng Hy Lạp. Cụm từ trên, bao gồm một thay đổi từ gốc rễ mọi suy tư nghĩ ngợi. Quyết hướng nhìn về cuộc sống theo đường lối mới. Đường lối được Tân Ước bộc lộ trong trọn bộ Thánh Kinh. Chỉ khi nào có quyết tâm canh cải đổi thay tận gốc rễ như thế, ta mới trở nên thành viên của Vương Quốc Nước Trời. Mới đặt mình dưới sức mạnh chuyển đổi nhờ uy lực của Đức Chúa.

Hơn nữa, lời mời gọi của Đức Giê-su là yêu cầu ta không chỉ sám hối về những gì mình lỗi phạm trong quá khứ, quyết không lập lại. Nhưng là đổi thay trọn vẹn lối hành xử, để tháp nhập công việc Chúa muốn ta làm. Công việc ấy, là hợp tác cùng mọi người nhất định chấm dứt cơn túng cực bần hàn, của người dân đen trên thế giới. Là, chấm dứt nạn đói nghèo, thất nghiệp. Là, vứt bỏ tính hờn - ghen nơi cộng đồng nhà Đạo và dứt đoạn lòng “tham - sân – si” quá mức độ. Chấm dứt lòng ham mua sắm quá khả năng.

Lời mời gọi của Chúa, là cốt để cho dân con nhà Đạo biết tháp nhập vào với Vương Quốc Nước Trời ở đây, bây giờ. Lời Ngài mời gọi, được gửi đến không chỉ với dân con nhà Đạo, nhưng cả muôn dân nước, khắp nơi trên địa cầu. Vương Quốc Ngài lập, cần vượt trên không gian - thời gian, vượt biên giới của nhà Đạo. Nước Ngài mời gọi, cần thể hiện bằng nhiều cách ở nhiều nơi, cả những nơi, Đạo Chúa chưa hội nhập được. Bởi, trên thực tế, có đến 80% dân số thế giới chưa biết đến Tin Mừng của Đức Chúa. Chưa biết Lời Ngài, vì Lời Mời Gọi ấy chưa phổ biến khắp dương gian. Thế nên, ta cần chuyển tải và coi Lời Ngài như mục tiêu đời sống, của mọi người chúng ta.

Người nhận rao giảng Nước Trời, vào buổi đầu đời, chẳng phải là những kinh sư, lẫn Pharisêu, Biệt Phái. Mà là, giới thuyền nhân chài lưới, rất bình dân. Những người cả năm không cần sách bút, lẫn kinh kệ. Nhưng lại hiểu Lời, hơn ai hết. Và, có điều hi hữu nữa là: lời mời gọi Chúa gửi đến được chuyển tải ngay vào lúc các ngài làm công việc chài lưới. Chính vì thế, Chúa vẫn xác nhận: Thầy chọn các con, chứ không phải các con chọn Thầy.”

Với các môn đệ, metainoia (canh cải) còn có nghĩa trọn vẹn thay đổi lối sống trở về trước. Là, làm như các môn đệ gốc thuyền chài: dứt khoát bỏ thuyền, bỏ lưới bỏ cả giòng sông, quyết theo Thầy. Quyết theo Thầy, nên các ngài hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy. Tin, đến độ bỏ lại đằng sau mọi phương tiện sống, kế sinh nhai.

Bỏ mặc mà đi, dù không rõ thuyền về bến nao, đi nơi nào. Cũng tựa như Thầy đã dứt khoát bỏ rời thôn làng Nadarét bỏ mẹ cha, bỏ cả cuộc sống tay nghề thợ mộc chân phương cần cù, vào mọi lúc. Bỏ là như thế. Nhập vào với Đạo là như vậy. Bởi từ nay, mối lo âu không biết mình lấy gì mà sống, cho bằng sự lo lắng quan tâm đến anh chị em đồng loại của mình, sống sao đây.

Xem như thế, đáp ứng lời mời của Đức Chúa trong canh cải, là khởi sự sống đời rất mới. Một đời có những hỗ tương đùm bọc hết mọi người. Mọi người, nơi cộng đồng nhân loại, đang ngóng chờ. Bởi, cộng đồng này giờ đây đã trở thành gia đình thân thương, rộng hơn. Lớn hơn. Yêu thương nhau hơn.

Về yêu thương người cùng cộng đồng, thánh Phao-lô cũng đã căn dặn cộng đoàn dân Chúa ở Cô-rin-thô, bằng những lời đanh thép nhưng thật tình: “Tôi khẩn khoản kêu mời anh em, nhân danh Đức Kitô, hãy thuận thảo với nhau để không có sự chia rẽ nơi anh em và anh em sẽ hoàn toàn hiệp nhất trong tư tưởng và thần trí”(1Cr 1:10).

Lời mời gọi canh cải và biến đổi hôm nay, không phải để Đức Chúa thích nghi với lối sống ta đã lựa chọn, nhưng để ta trở nên xứng hợp với thị kiến của Ngài về sự sống. Làm như thế, không phải là ta đang thực hiện một hy sinh, đổi chác. Nhưng ngược lại, để bảo rằng ta đang trên đường ngay nẻo chính. Con đường dẫn ta đến thành tựu, Chúa bảo ban.

Trong hân hoan thực hiện cuộc canh cải, ta hiên ngang cất cao lời ca yêu từng hát thuở nào:     
“Yêu là tình dâng cao
Gió lao xao ngả hàng phi lao
Phút ái ân đắm say tâm hồn
Nhớ mãi đêm nào bên nhau.
Yêu là thêm thương đau
Với xót xa lệ tình khôn lau
Biết nói sao những khi âu sầu
Những khi úa nhầu tâm tư.” (Văn Phụng – Yêu)

Vâng. Trong cộng đoàn Nước Trời ở trần gian, sống yêu cũng có những lúc là thêm thương đau. Là, lệ tình khôn lau. Nhưng, hãy cứ yêu như Đức Chúa bảo ta yêu. Yêu rất nhiều. Yêu ngay bây giờ. Và mãi mãi vẫn cứ yêu. Như “gió lùa ánh sáng vô trong bãi”. Yêu, “với lòng bát ngát rộng bằng hai”.  

Frank Doyle sj biên-soạn –
Mai Tá lược dịch