Saturday 22 February 2014

“Tội nghiệp lắm, tâm hồn chưa biết khóc”



Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 8 thường niên năm A 02-3.2014

“Tội nghiệp lắm, tâm hồn chưa biết khóc”
“Đêm trừng trùng, ai sẽ đến trong mơ.”
(Dẫn từ thơ Lã Thế Phong)
Mt 6: 24-34
            Nhà thơ vẫn cứ tội nghiệp cho tâm hồn chưa biết khóc. Nhà Đạo luôn thương tình khi nghe thấy lời khuyên: “Hãy sống như gà mẹ cất tiếng gọi đàn mà ấp ủ con, dưới cánh!”
Mỗi khi nghe ai khuyên những lời như thế, hẳn người nghe cũng sẽ bảo: điều đó còn tùy. Tuỳ tâm trạng mỗi người, mà xử thế! Trình thuật trích dẫn hôm nay, thoạt xem cũng tựa hồ lối phát biểu vô tâm/vô tính, nếu ta gửi nó đến những người đang sống cảnh cơ cực/bần hàn, khó xử. Tức, những người thiếu cả những vật phẩm rất cần cho cuộc sống, mà lại được khuyên: “Đừng lo! Hãy vui sống, cứ để Chúa lo.”
Vẫn biết rằng, Đức Chúa của ta đầy xót thương và tình thương của Ngài vô bờ vô bến. Nhưng, với những người bụng đang đói cồn đói cào vẫn theo chân Ngài để nghe giảng dạy và cung cấp thức ăn cho no bụng, mà lại nhận được những thế, cũng khó lòng. Biết rằng, trong cuộc sống, ta vẫn cầu và xin được ‘hằng ngày dùng đủ’, mà bụng vẫn đói. Vậy thì, thánh sử Mát-thêu hôm nay muốn nhấn mạnh điều gì khi ghi chép Lời Chúa vẫn nói: “Các ngươi đừng lo cho mạng sống: lấy gì ăn; cũng đừng lo cho thân xác: lấy gì mặc. Mạng sống ngươi chẳng trọng hơn của ăn, và thân xác ngươi chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6: 25) Ở đoạn khác, ta còn được dạy về hệ quả của lời Chúa khuyên, như: “Ta đói, các ngươi đã cho Ta (hoặc chẳng cho Ta ăn). Ta mình trần, các người cũng đã cho (hoặc chẳng cho ta mặc)….”
Thật ra, Bài Giảng Trên Núi vẫn là hiến chương Chúa viết ra cho xã hội. Chính Chúa đem đến cho ta trách nhiệm giùm giúp hết mọi người, ngõ hầu ta có thể dựng xây cuộc sống mới, ở đời. Một cuộc sống, biết quan tâm giùm giúp hết mọi người. Một cuộc sống, biết dựng xây Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian. Nói rõ hơn, mọi người phải nhận trách nhiệm định ra đường hướng cho chức năng cùng hoạt động của mình, coi đó là trọng trách gửi đến cho mình, ngõ hầu giải quyết nhu cầu của người khác, như của mình. Hãy để hết tâm can vào chuyện này. Và đặt ưu tiên số một cho chính mình, là tạo dựng một xã hội được như thế. Tạo và dựng, Nước Trời ở trần gian, ở nơi đó, mọi người biết lo cho nhau. Giúp người và giúp nhau, suốt đời.
Xem như thế, hãy coi trình thuật này như một cảnh báo chống mọi tẩy não do doanh thương quảng cáo nghĩ ra để bắt mọi người tự chuốc lấy cho mình những ưu tư khó bỏ, rồi tự hỏi: không biết mình có gì để ăn không đây? Lấy gì để mặc bây giờ? Người đời, ở mọi thời, vẫn chẳng muốn nghe/muốn biết tiếng rên than từ người nghèo ở đây hay ở đó, về nơi ăn chốn ở. Về, giáo dục và y tế để sống cho ra người, mà hưởng thụ. Thế nhưng, được mấy ai trong ta tin rằng mình thực sự yên tâm dù được dạy bảo rằng: “Cha Trên Trời” vẫn biết rõ điều mình cần, Ngài sẽ nhanh chóng chu cấp những thứ đó, ngay lập tức? Nói cho cùng, cũng rất khó. Đã mấy ai hoàn toàn tin tưởng mà đặt mình vào bàn tay chăm sóc của người khác, đây?
Để trả lời, Hội thánh mau mắn gửi đến cho ta bài đọc 1 có lời khuyên hãy suy tư về chuyện tùy thuộc vào ơn trên như con cái tùy vào mẹ hiền, của mình. Đó còn là ảnh hình Đức Chúa như Đấng Bậc Mẹ Hiền hằng ưu tư ấp ủ đàn con, như sau: “Xion từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng của tôi đã quên tôi rồi!’ Có phụ nữ nào quên con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau, không? Dù bà có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49: 14-15)                         
Thật sự, thì nơi Chúa vẫn dấy tràn tình thương yêu ấp ủ của mẹ hiền hơn cả các bà mẹ ở trần gian, nữa. Nhiều lần, tôi lẳng lặng quan sát các bà mẹ làm cử chỉ rất tự nhiên nhưng kín đáo, cứ cho con bú ngay cả vào giờ lễ, ở nhà thờ. Nhìn những cảnh như thế, thật khó có thể nghĩ rằng các bà mẹ như người mẹ hôm ấy, lại có thể quên con nhỏ của mình, mà bỏ bê. Nhìn cảnh mẹ thương con ấp ủ, rồi liên tưởng đến Tình Chúa thương yêu con người, tôi chắc một điều, là: Ngài thương yêu con cái Ngài còn hơn cả người mẹ trần gian thương con mình, nữa. Chẳng cần phải thủ giữ vai trò của các vị cổ võ cho phong trào phụ nữ rất bình quyền, để rồi mới đề nghị mọi người tiếp nhận hình ảnh thân thương của người mẹ hiền khi cho con bú mớm, để rồi đưa vào cuộc sống của chính mình những hình ảnh về tình thương của Đức Chúa, mà suy nghĩ. Suy và nghĩ, hầu nhận ra vai trò tích cực của các nữ phụ, trong cuộc đời. Làm như thế, vô hình chung ta phá bỏ hình ảnh thiển cận của những người cứ nghĩ Chúa như một nam nhân, thượng phụ râu tóc bạc phơ, ơ hờ.
Nói cho cùng, nếu ta được dựng nên, theo ảnh hình của Chúa, thì có lẽ ảnh hình về tình mẫu tử sẽ còn nói lên nhiều hơn nữa bản chất mà ta cần có và cần tỏ rõ, mỗi khi ta nói đến nhu cầu quan tâm giùm giúp, hết mọi người. Giả như ta tiếp nhận cho mình ảnh hình của Đức Chúa luôn nhấn mạnh đến tình mẫu tử mỗi khi đối xử với mỗi người và mọi người, hẳn là khi đó, ta sẽ không còn ưu tư lo lắng không biết có gì để ăn, lấy gì để mặc, cho thân xác mình nữa.
Và khi đó, ta sẽ ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy Chúa mô tả tình Ngài xót thương thành thánh Giêrusalem và dân con sống ở đó, bằng những lời lẽ rất thiết tha, rằng: “Giêrusalem! Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13: 34)
Xem như thế, có lẽ mọi người cũng nên làm như Chúa, biết cất tiếng kêu gọi mọi người như gà mẹ cất tiếng gọi đàn con đến với mình để được ấp ủ, dưới lớp cánh bù xù của mẹ!
Với tâm tình như thế, ta lại sẽ ngâm tiếp lời thơ còn ngâm dở, những thơ rằng:

“Tội nghiệp lắm, tâm hồn chưa biết khóc”
“Đêm trùng trùng, ai sẽ đến trong mơ.
Nhánh cây khô uốn mình trong khắc khoải,
còn như thương gió chiếc nặng u hoài.
Có đợi đâu ngày mưa thu trở lại,
Đưa mộng buồn vào vạn kiếp phôi phai.”
(Lã Thế Phong – Nỗi Lòng Đá Cuội)

Tâm hồn chưa biết khóc hoặc cây khô uốn mình trong khắc khoải, cũng vẫn là tâm tình nhà thơ hay nhà Đạo chưa biết được tình thương yêu của Đức Chúa, Đấng vẫn thương yêu mỗi người và mọi người dù người đó có u hoài, khắc khoải đưa “mộng buồn vào kiếp phôi phai”, nhiều nỗi lòng.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

Saturday 15 February 2014

“Ta lủi thủi đi sâu vào cõi mất”



Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 7 thường niên năm A 23.02.2014

“Ta lủi thủi đi sâu vào cõi mất”
“Hồn rã rời, thể chất hoá sương băng.”
(Dẫn từ thơ Tế Hanh)
Mat 5: 38-48
            Nhà thơ, xưa nay lủi thủi đi vào cõi mất, rất rã rời. Nhà Đạo bây giờ hiên ngang tiến bước chốn vui mừng, dù tháng ngày mình sống rất miên man.
Miên man sống như trình thuật hôm nay thay đổi toàn bộ cuộc đời của nhiều người. Lời Chúa mặc khải đã trở thành cuộc cách mạng đối với nhiều người, và riêng tôi từng nhớ lại Lời Chúa nói: “Hãy trở nên toàn thiện như Cha các người trên trời là Đấng Toàn Thiện”. Tôi nhận ra đây là lời khích lệ hơn là luận cứ cứng ngắc, không sai sót. Cũng không hẳn là yêu cầu, hoặc mời gọi.
Một hôm ngồi trong căn phòng nhỏ ở Oxford, tôi nhận ra rằng ở tiếng Hy Lạp, cụm từ ‘teleios’ vẫn được các dịch giả Kinh thánh chuyển thành hình-dung-từ ”toàn hảo/toàn thiện”, để áp dụng cho con người. Điều này có nghĩa: người ấy thật sự chín chắn. Tức, có khả năng thành đạt mọi thứ, trong mọi chuyện.
Chúa đem đến cho ta một hình ảnh Thiên Chúa là tất cả. Ngài là Đấng khả năng làm tất cả. Nói thế không có ý bảo rằng Ngài vô cảm hoặc cứng ngắc! Tin Mừng có chỗ nói: “Cha các ngươi trên trời đã cho mặt trời mọc trên kẻ xấu cũng như người lành; và Ngài đổ mưa xuống cho người luơng thiện lẫn kẻ bất lương.” Và Chúa dạy ta sống toàn thiện như đáng ra ta phải sống như thế để mọi người tôn trọng.
Và, điều này đã nổ bùng trong tôi, như quả bom. Chúng ta là tông đồ chín chắn, rất trưởng thành bằng cách bắt chước Chúa là không cầm giữ lại ánh sáng mặt trời ban sự sống và làn mưa đổ xuống trên đầu trên cổ người xấu xa, tồi tệ, bất lương. Chúa không làm tắt ngúm cuộc sống của con người chỉ vì họ là kẻ xấu hoặc địch thù của Ngài. Và, ta trở nên giống hình ảnh của Ngài, ở điểm này. Và, đó là lý do ta được dạy phải yêu mến kẻ thù mình.
Nói tóm lại, tôi trở thành người Công giáo chủ trương hoà bình, đã từ lâu. Tôi tôn kính Hội thánh vào ba thế kỷ đầu đời. Đó, là Hội thánh của các vị tử đạo dám chối từ mọi nai nịt bằng súng ống. Trước đây, tôi rất khâm phục Martin Luther King và coi ông như vị anh hùng của riêng tôi. Bởi, ông dám có những hoạt động bất bạo động, theo tinh thần của Bài Giảng Trên Núi. Ông là người hoán cải được nước Mỹ đầy những rẽ chia, kỳ thị. Lúc bấy giờ, tôi cũng như nhiều người tìm mua bức ảnh đen trắng chụp hình mục sư King để treo tường, đặt ở trên cao nơi bàn làm việc.
Về lại Úc, tôi tham gia một số hoạt động chính trị, nhằm làm áp lực nhà cầm quyền Úc rút quân khỏi Việt Nam. Còn lại, là chuyện lịch sử khá dài dòng. Lúc ấy, là lúc tôi được bầu vào Thượng viện làm Bộ trưởng Tư Pháp suốt sáu năm. Mọi việc thông suốt như một giòng chảy hài hoà. Và, tôi hài lòng được ở trên cao, rất quyền thế. Lúc ấy tôi hiểu thế nào là người thực sự theo Chúa.
Và tôi như ở trong cơn mê. Và, giấc mơ này đã tiêu tan vào tháng Giêng năm 1991, khi ấy Thủ tướng đang cần phiếu ở Thượng viện để hỗ trợ cho việc bố trí lực lượng hải quân được Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho sử dụng quân đội nhằm đuổi quân lính của Saddam Hussein khỏi Kuwait, là nơi quân đội ông ta tràn qua để chiếm đóng.                        
Nói tóm, sau một buổi cuối tuần đầy suy tư âu lo, tôi đã kết luận rằng mọi tiêu chuẩn để đạt một cuộc chiến có chính nghĩa là phải bảo vệ người vô tội chống lại mọi cuộc tấn kích và tôi bỏ phiếu thuận cho việc chủ trương này. Lúc ấy và cả bây giờ tôi vẫn đoan chắc rằng chiến tranh Irak có được chính nghĩa là nhờ vào giáo huấn của Hội thánh trong suốt 16 thế kỷ qua. Nhưng tim tôi vỡ đổ.
Bởi, tôi nhận ra rằng tôi đã phản lại Lời Thày Chí Ái nói ở Bài Giảng Trên Núi. Và từ đó, tôi đặt ảnh Martin Luther King quay vào tường, bởi tôi không thể chịu nổi ánh mắt của ông cứ như đang trách móc tôi một điều gì, đến tận phần sâu lắng trong tâm can. Tôi cũng chẳng dám mở Tin Mừng thánh Mát-thêu ra mà đọc, sợ gặp phải đoạn Lời Chúa nói, như hôm nay.
Tôi vẫn không tài nào tìm được sự bình yên trọn vẹn. Tôi tự an ủi mình bằng sự kiện thấy rằng chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II, bình thường vẫn là vị Giáo hoàng rất cương quyết, vẫn có những cảm nghiệm, những giao-động ở tâm can và đầu óc, vì từng vật lộn với những vấn đề tương tự. Không ai có thể đọc Hiến chế Sự Sống Tin Mừng mà không phấn đấu (x. Hiến chế Evangelium Vitae #55)
Tôi mong hai chuyện xảy đến. Thứ nhất, toàn thể Hội thánh phải phấn đấu với lời dạy của Chúa khi Ngài bảo: “Các ngươi phải…”  mà chữ “ngươi” kia là ở số nhiều, tức cộng đoàn và toàn xã hội. Các nhà bình luận bảo thủ ở Hoa Kỳ vẫn cứ coi lời khuyên bảo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về chiến tranh và xung đột như sự sai lầm chỉ do cung cách, ý thức hệ.
Không phải thế. Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động nơi Hội thánh như cộng đoàn của các kẻ tin vào Đức Kitô theo chiều hướng không như đã cảm nghiệm từ ba thế kỷ đầu. Thứ hai nữa, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến điều đòi buộc ta phải cầu nguyện cho  những người đang làm hại ta. Nếu họ là người xấu, hoặc kẻ công kích chỉ muốn làm hại kẻ vô tội, thì họ vẫn cần đến lời nguyện cầu của ta.
Ta vẫn phải cầu cho họ để họ được cứu khỏi tình trạng xấu xa, đầy bất nhẫn. Họ được cứu khỏi ý thức hệ rất độc hại vẫn vùi họ dưới bùn đen của ác thần. Chính đó là ý nghĩa tích cực của lời Chúa khuyên ta rất hôm nay, ở Tin Mừng.
Trong tâm tình đó, ta cứ đọc lại lời thơ còn dang dở để thấy là nhà thơ kia đã từng than thở:

“Ta lủi thủi đi sâu vào cõi mất,
Hồn rã rời, thể-chất hoá sương băng.
Cho đến lúc bómng đêm tràn mặt đất,
Người mới hay nhân-loại thiếu tình Trăng.”
(Tế Hanh – Trăng Tàn)

Hôm nay, dù trăng có tàn, nhân-loại có thiếu tình trăng đi nữa, vẫn còn đó tình Chúa thương-yêu hết mọi người. Ngài vẫn đồng hành với mỗi người” để mọi người nhớ mãi rằng: dù “bóng đêm có tràn mặt đất” như nhà thơ viết, nhưng sẽ không tràn với những ai vẫn cứ tin Thiên-Chúa-là-Tình-Thương, với mọi người. Suốt mọi thời.

Lm  Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch

Friday 7 February 2014

“Ngày đó người nói với riêng tôi,”



Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 6 mùa thường niên năm A 16.02.2014

“Ngày đó người nói với riêng tôi,”
Rằng người yêu tôi hơn mọi thứ,
Rằng ta dâng nhau lòng trinh nguyên,
Vì chỉ còn tình yêu là thứ quý giá nhất
Và tôi uống cạn từng lời ân ái ấy.”
(dẫn nhập từ thơ Cát Biển)
Mt 5: 17-37

            Nhà thơ nay nói cho riêng tôi, những lời quý giá người kinh nghiệm. Nhà Đạo xưa vẫn từng quả quyết y như thế, rõ ràng như một lời kể..
Lời kể ở trình thuật thánh Mát-thêu hôm nay, lại cũng thấy có câu chuyện kể rằng: vào những tuần lễ trước ngày nhóm tu sinh tiến bước lên bàn thánh lãnh-nhận chức linh mục, Cha Tổng Đại Diện có bảo: anh em phải thề nguyền trung thành với Hội thánh và lời dạy của Giáo hội. Lúc ấy, nhóm tu sinh lại liên tưởng ngay đến giới lệnh Chúa đề cập ở Hiến Chương Nước Trời có lời dặn:“Anh em đừng thề thốt gì hết… Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì đều do ác quỷ.” (Mt 5: 34-36)
Hội thánh thời tiên khởi vẫn coi trọng giới lệnh này, thi-hành rất nghiêm chỉnh. Riêng thánh Giacôbê lại đưa lời khuyên này lên đầu danh sách những việc “nên hay không nên làm”. 300 năm sau, khi Hội thánh và chính quyền trần thế hợp tác hoạt động dựng xây xã hội, thì chuyện thề-nguyền cũng đổi thay ít nhiều. Nghĩa là, Hội thánh chọn xa lánh mọi tình huống căng thẳng với chính quyền trị, đại để như: chuyện đòi mọi người phải cam kết/thề nguyền rằng: sẽ nói lên sự thật, và chỉ sự thật mà thôi. Từ đó, tôi vẫn có thói quen thề hứa vào mỗi dịp kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, là tôi thấy nao nao, rất yếu lòng.
Với Chúa thì khác. Ngài vững vàng hơn ta rất nhiều. Nhất là khi thượng tế Cai-pha nhân danh Thiên Chúa hằng sống yêu cầu Ngài phải thề thốt trước mọi người, rằng: Ngài có phải là Đức Kitô hay không, thì Chúa đáp: “Ông nói đó!” (Mt 26: 63-64). Vậy, vấn đề ở đây, là: ta có nên bắt chước Chúa mà trả lời bằng từ “Có” hoặc “không”, như thế chăng? Bởi, nhiều người có lúc như muốn dùng dáng vẻ bên ngoài để làm giảm giá lời nói thông thường hầu tránh nói thật, thì Chúa lại bảo cho ta biết: “…Thêm thắt điều gì đều do ác quỷ” hết. Quả thật, đây là một khẳng định khá nghiêm khắc.
Nếu vậy, sao Chúa lại nói thế?
Qua “Bài Giảng Trên Núi”, Ngài muốn dạy ta biết sử dụng đúng Danh Cha khi bảo ta đọc kinh “Lạy Cha” cho thân mật. Ngay từ đầu, lời xưng hô cùng Chúa Cha do Ngài chỉ dạy, chính là “quà tặng” Chúa gửi đến cộng đoàn Hội thánh, Ngài cùng sống với mọi người. Đây là đặc sủng và cũng là đặc quyền Ngài ban cho ta được phép làm con của Cha. Được sử dụng danh xưng mật thiết của Chúa, mà Ngài vẫn xưng gọi. Đó cũng là cung cách Chúa muốn ta hành xử khi đệ đạt điều gì với Cha của Ngài.
Tuy nhiên, dùng Danh Chúa mà thề, lại là chuyện khác. Vì, đó đích thực là những lạm dụng mà đôi khi ta vẫn làm thế để lời nói của ta được tín-nhiệm hơn. Rõ ràng, Chúa vẫn muốn thiết lập một xã hội mới mà Ngài gọi là Vương Quốc Nước Trời, trong đó Ngài kể lại Sự thật có tầm quan trọng rất thực. Và từ đó, không có cách nào khác giúp ta nói lên sự thật chính-xác như thế. Nói nôm na, thì cung cách này là lối nói thẳng và nói thực, với mọi người.
Nói thẳng và nói thực, là chuyện tùy cá tính mỗi người. Ta biết chuyện này, là do quan hệ mật thiết riêng tư mà thôi. Trên bình diện cộng đoàn, các nhóm hội/đoàn thể và xã hội dễ bị phá vỡ nếu các thành viên trong đó không tin vào lời người khác nói. Một điều làm mọi người sững sờ, nhưng là chuyện có thật, khi ta nhận ra rằng: xã hội ngoài đời lại rập khuôn với Bài Giảng Trên Núi hơn nhà Đạo mình. Chí ít, là khi điều đó cho phép mọi người dễ dàng tuân giữ huấn thị của Chúa hơn.
Ở ngoài đời, mỗi khi các dân biểu hoặc nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức trước quốc hội, các vị ấy vẫn chọn hoặc thề nguyền hoặc cam kết khẳng định sẽ tuân giữ sự thật, nhân danh Nữ Hoàng hoặc vị Quốc trưởng, thế là đủ. Ở toà án, người ta cũng làm thế. Một khi bị cáo có lời thề hoặc cam kết trước mặt quan toà rồi, thì bồi thẩm đoàn hoặc Chánh án không thể lật ngược hoặc hiểu khác hơn. Còn, Hội thánh thì sao?                       
Hội thánh cần nghe đọc lại thư của thánh Giacôbê tông đồ tuy viết sau Bài Giảng Trên Núi chừng vài thế hệ, nhưng lại diễn tả đúng nội dung điều Chúa muốn dạy, khi thề thốt. Thánh Giacôbê gợi nhớ, để thôi thúc các môn đệ trẻ hãy thực hiện điều lành thánh, hệt như Lời Chúa dạy ở Bài Giảng Trên Núi. Thánh Giacô bê, đã viết:

“Anh em đừng thề thốt, dù có lấy trời, lấy đất, hay lấy gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không"; như thế anh em sẽ không bị xét xử. Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện.” (Gc 5: 12-13)

Hội thánh ta cũng nên tự mình xem xét mà tuân giữ lời Chúa dạy trong Bài Giảng trên Núi. Hoặc ít nhất hãy tuân theo Lời Vàng của Thày Chí Thánh mình từng dạy bảo. Có như thế, mới thấy mình có khả năng rao truyền những gì còn lại trong Bài Giảng trên Núi, với lòng xác tín không lay chuyển. Hội thánh cũng nên nghe theo lời Chúa truyền dạy ở cuối Bài Giảng Trên Núi, rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (5: 48). Đó chính là ý nghĩa đích thực của việc nói lên sự thật ở đời.

            Trong tâm tình cảm nghiệm lời Chúa khẳng định, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, rằng:

“Ngày đó người nói với riêng tôi,”
Rằng người yêu tôi hơn mọi thứ,
Rằng ta dâng nhau lòng trinh nguyên,
vì chỉ còn tình yêu là quý giá nhất
Và tôi uống cạn từng lời ân ái ấy.”
(Cát Biển – Ngày Đó Người Trao Tôi)

Ngày đó, người có nói với riêng tôi hay ai khác, lời khẳng định về tình Chúa yêu thương người người cũng là lời chắc nịch rất thương yêu, nồng thắm suốt mọi thời. Với mọi người.

            Lm Richard Leonard sj          
Mai Tá lược dịch

Sunday 2 February 2014

“Hoa cười nguyệt rọi, cửa lồng gương,”




Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 5 mùa thường niên năm A 09.02.2014

“Hoa cười nguyệt rọi, cửa lồng gương,”
Lạ cảnh buồn thêm, nỗi vấn vương.”
(dẫn nhập từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 5 13-16
            Với nhà thơ, nay cứ vấn vương một nỗi như hoa cười, nguyệt rọi, cửa lồng gương. Với nhà Đạo, xưa cũng vương vấn nhiều tình đầy hạnh phúc rất “8 mối”, được thánh-sử diễn tả ở trình-thuật.
            Trình-thuật về “phúc hạnh 8 mối” hay “Hiến Chương Nước Trời”, thật ra không là lời Chúa đã nói thế, mà chỉ là lối hành văn đặc-biệt mà thánh Mát-thêu đã diễn-tả và như đường lối sáng-tác kiểu Do thái, vào thời đó. Văn-chương thời đó cốt đưa ra cho người đọc hiểu theo kiểu “bánh mì xắt lát nhiều lớp, xếp bắt chéo”. Lát đầu song song với lát cuối và lát thứ hai song song với lát áp chót, cứ thế diễn tả cách thoải mái, ý nhị. Rõ ràng là, cung cách viết lách theo kiểu này cứ xếp lớp chòng chéo nhau, chuyển thông-điệp thật rất đẹp.
            Trình thuật, nay thánh Mát-thêu diễn-tả ở đoạn đầu, vào lúc Chúa cất bước lên đồi cao có chúng dân cứ thế kéo nhau đi theo; và đoạn cuối trình-thuật, lại mô-tả Chúa xuống đồi, cũng có chúng dân đi theo Ngài, rất lũ lượt. Các đoạn tiếp theo sau, thánh-sử đề-cập đến 9 mối phúc hạnh. Và, đoạn chót nhắc nhở những 3 lời rất cảnh-báo: các “lát bánh” mô-tả ở giữa bài, bàn việc thực-thi luật Torah và chuyện các ngôn-sứ thời buổi trước theo cung-cách cũng diễn-tả theo cách “tượng thanh tượng hình”, giống như thế.
            Trọng tâm trình-thuật, nay thánh-sử cốt bàn về luật chính-yếu ở thời đó, như: cấm giết người, chớ ngoại tình hoặc đừng ly dị, cùng một số hành-xử khác như: thề độc, hoặc trừng phạt cùng đòi hỏi phải yêu thương cả đến kẻ thù mình, nữa. Điều này tương-xứng với yêu-cầu ở phần cuối của điều luật, là: làm cách nào xử lý tiền bạc/tài sản cho tốt đẹp và làm sao liên-hệ mật-thiết với bà con họ hàng, chốn thôn làng. 
            Phần giữa trình-thuật, tác-giả Mát-thêu càng đi dần vào cốt-lõi của “Hiến Chương Nước Trời”, tức: bàn về bổn-phận phải bố thí, nguyện cầu và kiêng khem. Điều, làm cho trình-thuật thánh Mát-thêu khác với thánh Luca và/hoặc các thánh-sử khác, là tác giả Mát-thêu lại đã chêm vào bản-văn mình viết “Kinh Lạy Cha” Chúa truyền-dạy như trọng-tâm mọi động-tác nguyện cầu nội-tâm; và đặc biệt là quyết-tâm tha-thứ hết mọi người.
            Có thể nói, toàn-bộ công việc cải-tân luật Torah do Đức-Chúa-là-Môsê-Mới trên núi thánh, là nội-dung chính được nhắm đến trong “Kinh Lạy Cha”. Nội dung kinh này, tỏ cho thấy quan-hệ huyền-nhiệm Cha-Con rất tốt đẹp của Thiên-Chúa. Sự việc này, tăng dần với bổn phận tiên-quyết của người biết “cảm kích” quà tặng khó lường, do Cha ban. Lời kinh tập trung vào tương-quan xã-hội cũng như nhu-cầu tha-thứ hết mọi người; đồng thời, chấp-nhận sự thứ-tha của người khác. Tất cả, đã trở-thành điều quan-trọng đối với hành-xử căn bản là chúc-tụng/ngợi ca và cảm tạ Chúa phú ban món quà quí già, làm con Ngài.
            Vào Mùa Chay, Hội-thánh thiết-lập nghi-thức “Khai-tâm Lòng đạo” là cốt tăng-cường ý-nghĩa quà tặng Chúa ban như nhiệm-tích thánh-thiêng đưa vào cử-hành ở Lễ Vọng Phục Sinh. Sở dĩ “Kinh Lạy Cha” đặt vào phụng-vụ của buổi ấy, là để chuẩn-bị cho những ai chấp-thuận “khai tâm lòng đạo” biết nhận ra quà của Chúa rất quí giá. Hiến Chương Nước Trời ở trình-thuật thánh Mát-thêu diễn tả giúp ta hiểu được sự việc canh-cải gồm tóm ý-nghĩa và kinh-nghiệm quí giá của quà tặng, còn nhiều hơn.
            Đàng khác, tư-duy ý-nghĩa của “8 mối phúc-hạnh” nơi Hiến Chương Nước Trời, còn là suy-tư về toàn-bộ ý nghĩa rút ra từ nơi đó. Đây, là ý-nghĩa Lề-luật mà người Do-thái từng tuân-thủ rất nhiều năm ta có thói quen gọi là “Luật Torah”.
            Cụm từ “Torah” ta nghe biết cũng nhiều, thật ra, là phần đầu của Kinh Thánh Do-thái và là Sách Cựu Ước dành cho mọi Kitô-hữu, tức gồm các sách: Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số vá Đệ Nhị Luật. Các bậc thức-giả vẫn gọi đó là Sách Ngũ Thư, tức đầu đuôi 5 cuốn Kinh Sách do Môsê lập. Các điều-luật ghi ở Ngũ Thư được viết trên “chỉ cảo” duy-nhất, tức: văn-bản chính-thức được thiết-lập ngay từ đầu. Đây là Sách Thánh “tiên khởi” của Do-Thái-giáo lẫn Đạo Chúa. Người Do-thái trân-trọng Sách này với tất cả niềm vui như trọn vẹn tài sản của riêng mình.
            Cụm-từ “Torah” được mọi người hiểu theo nghĩa “lề-luật của Do-thái”. Quả là, sách Ngũ Thư bao gồm rất nhiều điều-khoản, chẳng hạn như: 10 điều răn-dạy, tuyển-tập luật-pháp và một số qui-định đặc-biệt dành riêng cho người Do-thái mà thôi như: tục cắt bì, thừa kế, vv… gồm tóm nhiều truyện kể, ghi ở trong đó. Lâu nay, ta vẫn gọi đó là: “Lề-luật Do-thái”, nhưng đó không là văn-bản được chuyển-vận từ sách ghi rõ luật Torah cho người Do-thái, như đa số nhiều người vẫn hiểu thế mỗi khi nói đến Ngũ Thư, tức: sách đề-cập mỗi luật và luật, thôi.
Thật ra thì, “Torah” chỉ có nghĩa như: chỉ-thị hoặc giáo-huấn mà người Do-thái muốn mọi người chú tâm như qui-định do cha ông để lại và là luật-lệ do cha mẹ đề ra, tựa Châm ngôn 18 ở Cựu Ước. Giáo huấn rút từ Luật Torah, mang nhiều ý-nghĩa hơn các điều-luật cần được áp-dụng cách triệt-để. Đó là chỉ-dẫn giúp ta học cách quan-hệ với Chúa, và đi vào thế giới của Ngài. Có điều hay, là: ngay phần đầu Luật Torah là sách Sáng Thế Ký, lại không thấy bất cứ điều-khoản nào nói về luật-pháp mà chỉ là truyện kể, thế thôi.
“Torah” tiếng Hipri xuất tự cụm-từ Hy Lạp “nomos”, diễn tả quan-hệ ta có với Chúa, nhưng không là điều mọi người ưa thích. Chính Luther, là người đầu tiên trong Đạo đã trích-dịch cụm-từ ấy thành “điều luật” và đưa vào văn-bản Kinh-thánh cùng nền thần-học chính-mạch. Nói chung, ông muốn nói lên phản-ứng của người đi Đạo đối với hệ-thống luật-lệ rất chi tiết mà ông thấy đầy nơi cuộc sống của người Công-giáo, vào thời ấy.    
Kinh thánh Do thái, ở sách cuối như: Ezra, Nêhêmiah, Ký sự 1 và 2 lại thấy có câu “Torah của Đức Chúa” như mặc-khải thánh-thiêng do Môsê điều-nghiên suy-tư. Cứ thế, “Torah” trở-thành Luật truyền-khẩu do Chúa nói cho ta biết, rồi dần dà, ta coi đó như luật viết thành văn. Tuy nhiên, bản-văn Torah viết bằng chữ, tự nó không đứng vững, nhưng được bao- bọc bằng các khoản luật truyền-khẩu, có diễn giải.
Nói chung thì, “Torah” là đường-lối giúp ta sống đúng cách; đúng phong-tục/luật-lệ của người Do-thái từ trước đến nay. Tầm-suy nguồn-gốc tiếng Do-thái, người đọc thấy: tiếng ấy có nghĩa như “Mũi tên bắn” đánh thẳng vào mục tiêu, rất trúng đích. Như, Thánh vịnh 119 có đoạn viết rất rõ:

“Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại! Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thủ, vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng “(Tv 119: 97-98)
Cũng tựa hồ sự việc người Công giáo lâu nay cất-giữ Mình Chúa ở “Nhà Tạm” thế nào, thì người Do-thái khi xưa cũng lưu-trữ Luật Torah trong “Khám” ở hội-đường, hệt như thế.
Với thánh Mát-thêu, “Torah-Mới” không là văn-bản giảng về Lề-luật hoặc Tin Mừng viết thành sách, cũng chẳng là bộ sưu-tập gồm mọi ký-ức truyền-tụng qua cửa miệng, cũng chẳng là truyền-thuyết hoặc truyện kể rất “đáng nể”, nhưng là chính Chúa bằng xương bằng thịt, được ban cho ta.
Thánh Mát-thêu ưa gọi Tin Mừng mình viết như “Sáng Thế Ký” mới của Đạo. Thật ra thì, Sáng Thế Ký ở Kinh-Sách là văn-bản cuối thêm vào Luật Torah theo cách hiểu này khác, đây lại là thành-tựu của bộ luật được người Do-thái xưa nay trân trọng. Đó cũng là truyện kể về cách sống của nhân loại, trong đó có phần khai-thác rất lan man, tản mạn nguy không kém. Thêm vào đó, là: đoản-văn ngẫu-hứng về tự-do và lý-sự gồm một số truyện xung-khắc nam/nữ, và/hoặc nền tảng gia-đình, tương lai nhân-loại; có sự chết, có nét đẹp và các anh-hùng-ca cùng truyện cám dỗ, có công bằng chính trực của giao ước và lề-luật, nữa.
Nói cho cùng, đây là văn-bản/truyện kể của con người về giai-đoạn chuyển từ di-sản tổ-tiên và lòng sùng-kính rất Đạo vào tình huống hy-vọng. Sáng Thế Ký có đoạn nói rõ: Đức Chúa là Đấng Tạo Thành Trời Đất, Ngài để mọi sự cứ thế xảy ra và biến mọi hỗn-độn thành trật-tự. Con người, đặc biệt là nữ-giới, lại được Tạo-hóa chăm-nom đặc-biệt và được ở chốn rất cao của cuộc sống, cũng rất thánh. Nói cho cùng, Sáng Thế Ký còn là truyện tình-tứ rất triệt-để và tích-cực.
Thánh Mát-thêu từng nắm rõ điều đó, nên đã tuyển-chọn các truyện kể tiêu-biểu và còn tiến xa hơn. Mở đầu Tin Mừng mình, tác-giả Mát-thêu đã sử-dụng những câu như: “Sách Cội Nguồn” về gia phả của Đức Giêsu như sau…” Rõ ràng là, với thánh Mát-thêu, Đức Giêsu là “Torah-Mới và Chung Cuộc”, tức: ý-nghĩa mới-mẻ và kết-cuộc của một Khởi-Đầu Mới” của nhân-loại khi Ngài chấp-nhận thân-phận làm Con Thiên Chúa-là-Cha-và-là-Tình-Yêu, rất thực.          
Cùng một cảm-nghiệm với thánh-sử như thế, cũng nên ngâm tiếp lời thơ trên, mà rằng:
                                 
“Hoa cười nguyệt rọi, cửa lồng gương;
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương.
Tha thướt liễu in hồ gợn bong,
Hững hờ mai thoảng, gió đưa hương.”
(Hàn Mặc Tử - Bài Cửa Sổ Đêm Khuya)

            Đêm khuya cửa sổ, mở ra chân trời mới. Chân trời của Chúa, vẫn là 8 mối hoặc 10 mối rất phúc thật, nơi đời thực của mọi người.

Lm Kevin O’Shea CSsR   
Mai Tá lược dịch