Thursday 19 July 2018

“Trời hỡi, nhờ ai cho khỏi đói,”


Suy Tư Chúa nhật thứ 16 thường niên năm B 22/7/2018

(Mc 6: 30-34)  
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
“Trời hỡi, nhờ ai cho khỏi đói,”
      “Gió trăng có sẵn, làm sao ăn?”
    (dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ở nhà thơ, thực phẩm nuôi dưỡng chính mình phải chăng là trăng gió, từng có sẵn? Nơi nhà Đạo, thức ăn cho mọi người nhất định là ân lộc Chúa ban, vẫn lan tràn ngày lễ hội. Thế đó, là ý tưởng chủ lực được thánh Máccô ghi lại ở trình thuật, rất hôm nay.  
Trình thuật hôm nay được biết dưới tên gọi là: “Phép lạ thật nhiều bánh”. Nhưng, với thánh Máccô, sự kiện này được gọi là “Lễ Hội nay phân phát”. Thật ra thì, ý của tác giả là: dù mọi người có đặt tên cho đó là “phép lạ” hay “chuyện lạ” đi nữa, cũng cứ nhủ: hãy phân phát và cho đi những gì mình đang có, tự khắc lúc đó ta sẽ đủ để phân phát cho mọi người. Đọc trình thuật, nay người đọc không thể không nghĩ đến Tiệc Thánh Thể, lễ hội cho đi và phân phát, hết mọi người. 
Quả thật, trong 5 tuần tới, phụng vụ Chúa nhật sẽ bớt đi phần trích dẫn Tin Mừng theo thánh Máccô, nhưng thay vào đó là lời trình của thánh Gioan về “Bánh Sự Sống”. Nếu, đọc thêm chương 6 Tin Mừng này, người đọc không thể không nghĩ đến Tiệc Thánh Thể, cũng là chuyện thấy rất rõ. Nói khác đi, trong 5 tuần sắp tới, người dự Tiệc lại sẽ suy tư về một loạt trình thuật thuộc loại “bỏ túi”, trong đó tác giả đề cập nhiều về Tiệc Thánh để người tham dự sẽ nhận chân ra ý nghĩa việc mình làm.
Trình thuật hôm nay ghi về sự kiện Chúa tụ họp chúng dân theo Ngài vào buổi tiệc lớn ngoài trời theo dạng “picnic”, trước khi phân bổ Mình Ngài cho mọi người. Nhưng vấn đề là hỏi: sao “tiệc ngoài trời” hôm ấy lại quan trọng đến thế? Tham dự Tiệc, phải chăng để sẻ san hân hoan nhận bánh trái? Và tụ họp mừng kính Chúa ở đây, hôm nay, có ý nghĩa của một sẻ san phân ban Mình Chúa cho người khác không?
Thật sự thì, việc tụ họp ở đây, ngày của Chúa, là để dự Tiệc Thánh, chứ không phải để chầu kính hoặc cầu kinh như nhiều vị vẫn tưởng. Tụ họp dự Tiệc ngày của Chúa, không phải để cộng đoàn sùng bái hoặc tung hô đấng thánh nào ở ngoài làng. Tụ họp để dự Tiệc, rất không giống bất cứ buổi họp hành nào được giới chức chủ trương, dù người dự đều rất thích, vẫn đam mê. Tựu trung, tập họp để dự Tiệc là để cùng Chúa chung vui một hiện diện, nhưng không theo cung cách chủ quan tư riêng của người dự; càng không giống động thái tham dự họp mặt nặng tính chất chính trị, gia đình hoặc giòng tộc; cũng chẳng như sự kiện thể thao/văn hoá hay nhạc hội nào hết. 
Đến dự Tiệc, người tham dự không đến vì lý do gia đình hoặc kiếm tìm lợi lộc cho riêng mình; cũng chẳng để duy trì vị thế, chức vụ lâu nay mình dính kết. Mà, đến dự Tiệc, là cùng chung vui hiện diện có nghi thức phụng vụ tươi mát, hấp dẫn do hội thánh chủ trương.
Đến dự Tiệc, người tham dự không khai sáng/định đoạt một loại hình nào hầu lôi cuốn người khác đến để thưởng lãm. Nhưng trái lại, người dự Tiệc đặt chân đến nơi đây là để đáp lại lời Chúa mời gọi. Thế nên, Tiệc-Thánh-Thể-vào-ngày-của-Chúa cũng sẽ không thành hiện thực, nếu Chúa không mời chào, ban bảo. Chúa mời chào mọi người đến với Ngài, để họ trở thành dân con được Ngài chăm chút chứ không là người bình thường bậc trung, thôi. 
Dự Tiệc Thánh, được hiểu như tham dự buổi tiệc đặc biệt Chúa mời chào để mọi người đến với nhau mà ở bên nhau, cho lâu. Tiệc Chúa chào mời, là để người người có cơ hội trở thành Kitô-khác và rất vui vì mình có mặt với mọi người. Dự Tiệc Thánh, dân con Chúa được hiệp thông chung sống thời khắc có Cha, có Chúa, có cả Thần Khí Ngài nữa. Tham dự Tiệc, có thể dân con Chúa không nghĩ ra được như thế. Nhưng đó là chuyện thật. Có được sự thật như thế, người tham dự mới thấy đó là chuyện cần thiết, tích cực; để rồi, khi tan Tiệc, mọi người mới ra đi rao truyền việc Chúa vẫn ở với ta, và trong ta.
Tham dự Tiệc, còn là dịp để ta nhớ lại thời khắc xưa lúc dân con người Do thái tụ tập ở Sinai núi thánh sau lưu đày, nhiều bức bách. Tập họp nơi đó, để họ gia nhập vào với Giao Ước của Chúa hầu thờ kính chỉ mình Ngài, mà thôi. Ở núi thánh, dân con Do thái cũng cử hành lễ Vượt Qua, giống hệt Chúa. Ở trên đó, có công bố Lời Chúa và có cả kinh nghiệm sống khoảnh khắc ưu tư/phiền muộn, vào một thời. Ở trên đó, còn có cả Giao ước mới để người người theo đó mà thực thi. 
Tham dự Tiệc, còn khiến người dự tưởng nhớ buổi Tạ Từ hôm ấy Chúa tụ họp đồ đệ Ngài lại mà mừng lễ Vượt Qua, một lần cuối, để rồi Thày Chí Ái lại đã đem Tình Thương Yêu vào Giao Ước có Chúa, có đồ đệ ký kết bằng một hiện diện. Xem thế thì, Tiệc Thánh Tạ Từ đã trở thành bí tích cho mọi Tiệc sau này về sau. 
Kể từ đó, những gì được hiện thực nơi Tiệc Thánh, đều do Chúa chào mời mọi người đến để hiệp thông với Chúa. Đến, để ghi tên người tham dự vào sổ bộ gồm danh tánh của người anh em, dân con Ngài. Đó là lý do để ta tụ họp mừng kính ý nghĩa Vượt Qua thật sâu sắc, rất hiện tại. Đó, cũng là động thái căn bản mang tính vui tươi cứu độ. Bởi, người được cứu nay đã ở bên nhau. Đó, cũng là ý nghĩa Chúa “Vượt qua” mọi trở ngại để đến với ta, và nhờ đó ta đến được với Ngài để có sự sống rất mới. Và như thế, sẽ không còn ai bị cái chết đe doạ hành hạ nơi sầu buồn. Không đến dự, dân con Chúa không thể trở thành con người đích thực, được Chúa khuyến khích.
Lại nữa, người Công giáo chỉ là Kitô-khác, nếu họ nhận lời Chúa chào mời tụ họp mừng kính cuộc Vượt Qua của Ngài. Bằng vào tụ họp tham dự, họ trở nên đúng danh xưng Kitô-hữu dành cho người trong cuộc mà thôi. Chúa chào mời mọi người, cả Hy Lạp lẫn Do Thái. Cả tự do lẫn tôi đòi, hoặc nô lệ. Cả nam lẫn nữ, tất cả được hiệp thông với Chúa, không loại trừ cũng chẳng bỏ sót người nào. Đó, là lý do khiến tình huynh đệ giữa người dự mang trọn mọi ý nghĩa chứ không chỉ ý nghĩa làm người, thôi. Đó, cũng là kinh nghiệm rất mới. Kinh nghiệm hiệp thông thương yêu vào với Chúa Phục Sinh, rất đặc biệt.    
Tiệc Thánh Thể bắt đầu bằng sự kiện nến đèn được thắp sáng. Ở Tiệc Thánh, còn có cả ánh sáng của người tham dự vẫn toả chiếu nơi gian trần. Toả chiếu, để người trần biết đến mục đích của sự sống con người cốt làm sáng tỏ lời Chúa chào mời mọi người gia nhập cuộc sống của Chúa. Tham dự Tiệc, là tham dự lễ Chúa Vượt Qua giữa thế giới là nơi Ngài vượt khỏi nỗi chết để đến với sự sống. Vượt khỏi bóng tối đến với sự sáng đang hiện thực ở buổi Tiệc.
Cộng đoàn dự Tiệc không đến một mình, nhưng đến thay cho nhân loại đang kiếm tìm ơn cứu độ và sự sống. Bởi thế nên, khi dự tiệc Vượt Qua, toàn thể vũ trụ đều đã đến dự, để cảm kích. Tiệc Vượt Qua được cử hành không để ta chỉ nhớ mỗi Đức Kitô, mà cả những người vẫn đang nguyện cầu cho nhân loại, dù họ còn sống hay đã chết. Dù, họ có mặt hay khiếm diện. Dù già nua/có tuổi, cảnh đời có khác. 
Tham dự Tiệc, còn là tụ họp nhau lại để chứng tỏ cho mọi người biết vai trò cốt thiết của họ trong vũ trụ. Người dự Tiệc, đem tiếng nói và lời nguyện cầu đến với mỗi người và mọi người ở bất cứ đâu. Người dự Tiệc, đã nói lên tiếng nói rất hiện tại cả nơi hoang sơ, vắng lặng. Không chỉ nói, họ còn đem hy vọng và ủi an đến với người ốm đau, sầu khổ. Và, những người đang đi dần vào cõi chết. Người dự Tiệc hỗ trợ cho người đang bị cám dỗ, bức bách. Làm như thế, là họ đã cảm tạ Chúa vì được sống an vui, hiền hoà, êm ấm. Đó, còn là bí tích Tình yêu dành cho người đói khát muốn yêu, nhưng chưa được.
Có dự Tiệc, nhân loại mới thấy mình không bị đe doạ thiếu cơm ăn/áo mặc, thời buổi này. Có dự Tiệc, người người sẽ không còn ưu tư lo lắng về mọi xung đột/tranh chấp về vị thế hoặc chỗ đứng trong đời. Bởi, tất cả mọi sự rồi cũng được giải quyết. Mọi ước vọng sẽ thành hiện thực. Bởi, tình thương huynh đệ sẽ chữa lành tất cả. Bởi, Tiệc Thánh vẫn là chốn đổi thay sự sống của con người. Bởi, Chúa có mặt ở buổi Tiệc, Ngài sẽ biến chốn này thành nơi thông báo Tin Vui an bình. Có được Tin Vui rồi, người dự Tiệc lại sẽ chuyển cho người khác biết Tin Mừng Ngài muốn gửi. Dự Tiệc Thánh, người tham dự sẽ trở nên một với Chúa, với mọi người. Có thể nói, dự Tiệc Thánh là thưởng ngoạn trước Tiệc càn khôn của vũ trụ.
Và rồi ra, ta sẽ biết sự sống là tiến trình của sự nhận lãnh, sẻ san, cho đi. Đó, là cơ bản của hiệp thông/trao đổi giữa người nhận Quà từ Đức Chúa. Là, niềm vui cảm kích vì chính mình được vào với Quà tặng và đã biến chính mình thành quà tặng cho người khác. 
Con người không là hữu thể tự có để họ duy trì mọi sung mãn cho riêng mình. Con người là hữu thể đến từ Đấng khác và dành cho người khác, cho đến khi họ khám phá ra rằng Người Khác ấy là Đấng Cận Thân và Cận Lân với mình. Bởi, tất cả đều sẽ tụ họp về với Tiệc Thánh, để mọi người trở nên chính mình, như thánh Âu Tinh đã từng nói: “Chúng ta ở trong Đức Kitô khi Ngài yêu thương Chính mình Ngài. Và, mỗi khi ta tự sung mãn với chính mình, đó là lúc ta đang nghèo đi hiểu theo nghĩa sự sung mãn đã cách ly. Và, đó là nền tảng của mọi hiệp thông với Chúa, với mọi người. 
Tiệc Thánh, dù diễn ra hằng ngày hay hàng tuần, vẫn không là Tiệc bình thường, hoặc tầm thường. Thế nên, chớ rời xa nơi xẩy ra “Sự lạ nhiều Phân Phát”. Phân và phát, những bánh cùng trái ở trên đồi Galilê hôm ấy. Bởi, đó chính là Tiệc Chúa thực hiện trước. Đó là buổi tụ họp tuyệt vời, ở mọi nơi. Cảm nhận như thế, có lẽ cũng nên ngâm lại lời thơ đầy ý nghĩa, vẫn cứ bảo:
            “Trời hỡi, nhờ ai cho khỏi đói?
            Gió trăng có sẵn, làm sao ăn?
            (Hàn Mặc Tử - Lang thang)
Nhờ ai cho khỏi đói ư? Đói hay không, chỉ người phàm ăn cứ ngấu nghiến hết mọi thứ, chẳng sẻ san những gì mình đang có cho mọi người. Thế nên vẫn còn đói, dù gió trăng sẵn đó, làm sao ăn. 

            Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn –
Mai Tá lược dịch

Thursday 12 July 2018

“Xưa anh là kẻ nghiện sông hồ,”


Suy Tư Chúa nhật thứ 15 thường niên năm B 15/7/2018
(Mc 6: 7-13)
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.  Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
“Xưa anh là kẻ nghiện sông hồ,”
“Đây đó lan dài gót lãng du”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Gót lãng du, đâu có là gót nện của nhà thơ đi đây đó. Nghiện sông hồ, có thể là nỗi niềm của người anh, lâu rày đó đây, xuất hiện ở bầu trời nhiều dấn bước theo chân Chúa, rất lâu ngày.
Trình thuật thánh Máccô, nay kể về sinh hoạt của các vị thánh bước theo chân Thày, hăng say mục vụ tiếp nối công trình của Chúa ở Nam Galilê. Các ngài là nhóm tông đồ đa năng, đa dạng. Có người có gốc nguồn từ xứ miền Hy Lạp như thánh Philipphê, Anrê, còn lại là người Do thái như thánh Giacôbê, Batôlômêô, Tađêô, Simôn, vv. Các đấng bậc thuộc nhóm tuyển không giỏi về học thức, cũng chẳng đạo đức như đấng bậc khắc kỷ/khổ tu, nhưng lại hân hạnh được đi theo Đấng Ngôn Sứ luôn di chuyển. Các thánh được chuẩn bị dứt đoạn với gia đình, giòng họ, xã hội cùng chòm xóm và quyết tận hiến cho Ngài.
Một số vị như thánh Tađêo, ta được biết chỉ danh tánh, mà thôi. Còn thánh Phêrô, Giacôbê vẫn nổi danh là lãnh tụ nhà Đạo ở thế kỷ đầu. Cũng tựa như Đức Giêsu, thánh Phêrô không để lại bút tích nào để thế hệ sau này theo đó mà biết rõ. Riêng thánh Phêrô lại đã trao quyền quản cai hội thánh ở Giêrusalem cho thánh Giacôbê để đích thân khơi mào sứ vụ đặc biệt cho dân ngoại ở Syria. Các đấng bậc trổi trang về thừa sai/mục vụ phải kể đến là thánh Phaolô từng sống cùng thời với Chúa, nhưng chưa một lần giáp mặt Ngài. Thánh Phalolô cũng là tông đồ đắc lực của Chúa nhưng thánh nhân lại không ở trong cùng nhóm Mười Hai. Trái lại, thánh nhân từng bách hại người của Chúa và cuối cùng lại đã trở thành tông đồ đắc lực hơn cả. Các tông đồ của Chúa đều có chung một đặc điểm là hết lòng tin tưởng vào Thày Chí Thánh đáp lại lời kêu gọi mọi người cùng hợp tác trong rao giảng Tin Mừng.
Thật ra, có ba nhóm tông đồ gần cận Chúa hoạt động theo kiểu vòng tròn khép kín gồm các bậc vị vọng sinh hoạt rất đắc lực. Nhóm đầu là nhóm 12. Nhóm thứ hai gồm các nữ phụ, trong đó có Maria Mađalêna, chị em nhà Lazarô ở Bêthania, cùng Joanna vợ của Chuza (thượng thư của Hêrôđê), cả Maria mẹ của thánh Giacôbê nữa. Viết Tin Mừng, các thánh sử chăm chút ghi tên các nữ phụ này và coi các bà là người theo Chúa hầu để được sẻ san lời Ngài dạy và giúp chất liệu cho thế hệ nối tiếp phục vụ Hội thánh.
Các bà là những người vẫn quẩn-quanh bên Chúa khi Ngài dấn bước vào chốn khổ hình của thập tự. Và, các bà còn là chứng-nhân đầu hiện diện ở mộ phần ngay vào lúc Chúa sống lại. Trong lúc ấy, nhóm 12 lại cứ lánh mặt vì hãi sợ, chủ bại. Với người cùng thời với Chúa, sự cộng tác của bậc nữ lưu dám để chồng ở lại nhà mà theo Chúa, đã gây tai tiếng không ít cho người ngoài cuộc. Nhưng Chúa đi ngược lại qui ước vẫn có ở xã hội thời Ngài sống.
Nhóm thứ ba, là các vị có cảm tình với công trình của Chúa thi thoảng mới tham gia sinh hoạt để giúp Chúa, thôi. Các vị nổi danh như: Ladarô, Nicôđêmô, Zakê, Giuse thành Arimathêa, đều là đấng bậc không rời bỏ gia đình và xã hội mà các vị đang sống, mà chỉ phụ giúp Chúa một đôi lúc, thôi.     
Tuy các bậc nữ lưu trên, tuy đã thực hiện công việc thừa-tác cho Chúa là thế, nhưng vẫn không được Hội thánh gọi là “tông đồ” bao giờ hết. Lý do là bởi, cụm từ “tông đồ” bên tiếng Do thái có nghĩa “tamid” hoặc “tamilda” tiếng Aram, không phải là giống cái. Tự vựng Aram không có từ “tông đồ nữ” và cũng chẳng có danh từ “nữ phụ làm tông đồ” để đối chọi với từ nam tông-đồ được sử dụng rộng rãi trong văn chương chữ viết của Do thái. Tuy nhiên, với cộng đoàn Phaolô, nữ giới vẫn đồng quyền về mọi mặt với nam nhân, từ việc nguyện cầu cho đến nghi tiết phụng vụ hoặc mọi công tác được ngôn sứ thi hành.
Thời thánh Phaolô đến mãi về sau, nhóm 12 lại đã trở nên thành-phần quan trọng không thể thiếu trong Đạo. Tuy nhiên, vai trò của các ngài chỉ mang tính tượng trưng rất tri thức chứ không có thực lực ở xã hội ngoài đời. Cộng đồng người Do thái gồm tất cả 12 chi tộc phân tán rộng, trong khi đó nhóm 12 lại vỏn vẹn chỉ gồm 12 vị chuyên chăm hỗ trợ cho thánh hội ngõ hầu giúp duy trì quyền thừa kế Chúa hứa ban cho dân Ngài. Xem thế thì, nhóm 12 lại đã tượng trưng cho cộng đồng dân tộc theo cung cách thu nhỏ kiểu “bỏ túi”, khá vi mô.
Ý Chúa chỉ muốn thế. Ngài chủ trương tái tạo Israel gồm chỉ 12 chi tộc gọn nhẹ. Và, Ngài những muốn cải tổ niềm tin ở dân con mọi người, khởi từ nhóm 12 được tuyển chọn, giống hệt đất nước Israel nhờ vào ân huệ trinh trong, cô đọng. Chúa đã sai nhóm 12 của Ngài đi khắp chốn để truyền rao Tin Mừng Ngài đem đến; nhưng, các thánh cũng chẳng đi đâu thật xa, mà vẫn chỉ khu vực gần cận thôn làng bé nhỏ quê miền đồng nội có người địa phương thân thương sống quẩn-quanh đây đó qua nếp sống cơ bản theo khuôn thước xã hội vùng Địa Trung Hải thời cổ xưa.
Nói chung thì, các thôn làng nơi đó chỉ là khu chung sống rất bé nhỏ thật vắng lặng, chứ không là chốn thị thành phồn hoa phức tạp, đầy kích bốc. Các thôn làng nơi đó, chẳng có cao ốc với hội đường gì trổi bật nhưng các ngài vẫn đến tụ tập đều đặn, ít là vào ngày Sabát. Quây quần nơi phố chợ hoặc khu vực râm mát có cơ ngơi chỉ gồm những người gần gũi/thân quen thôi. Ai nấy quây quần quyết xây dựng một cộng đoàn mang tinh thần giao hoà mộng ước, rất phải lẽ.
Đức Giêsu chẳng hề khuyên bảo đồ đệ Ngài phải dựng xây tinh thần một Israel mới -mẻ như những hội thiện nguyện khác hẳn cộng đoàn. Bởi nơi đó, đã có sẵn cộng đoàn từng hoạt động hệt như thế. Ngài không thôi thúc dân con mọi người hãy rời bỏ gia đình mà đến với làng mạc rày đây mai đó thành đám du mục chẳng định hướng. Ngài không đòi họ tập trung sinh sống theo cung cách riêng tư cá thể. Nhưng, theo từng nhóm nhỏ cộng đoàn như ta thấy. Ngài không muốn mọi người sống chuyên chăm nhiệm nhặt, tức chẳng để tâm gì về thể chất, xác phàm. Điều Ngài bận tâm là dạy họ biết lắng tai nghe sứ điệp cần thiết để được chữa lành, thứ tha và về với quyết tâm đổi mới cuộc đời. Ngài muốn dân con của Ngài kiến tạo một Israel thực sự đổi mới con người mình.
Quê nhà, họ trở về cũng sẽ là các khu vực gần cận bên nhau. Chính vì gần cận, nên phần đông trong họ sẽ đi vào quan hệ mật thiết như người gần gũi rất thân quen. Mỗi làng/xã sẽ sinh hoạt theo kiểu riêng tư dễ phân biệt, ngoại trừ những khủng hoảng liên quan đến tình trạng của đất nước họ. Thật khó cho người ở ngoài chịu trở về sống ở thôn làng nơi mà người cùng làng lại xử sự cách khác nhưng đôn hậu, mật thiết. Muốn được thế, người người phải tham gia nhập cư theo cung cách hiền hoà, phải lẽ. Chính đó là ý Chúa muốn sai phái đồ đệ ra đi từng nhóm đến với thôn làng để các ngài không bị ai ám hại, hoặc gây khó. Đằng khác, đi từng cặp, cũng để thực hiện sứ vụ thừa sai cho dễ hơn là chỉ một mình đơn độc, không người giúp.
Ra đi về với thôn làng hiền lành, các thánh được dặn không mang theo cơm áo, gạo tiền. Cũng chẳng bận tâm chuyện sửa soạn giày dép, áo mão hoặc gậy gộc dù đi xa. Nhưng vẫn gọn nhẹ. Giản đơn. Đi như thế, mới giống cung cách của người túng thiếu/nghèo hèn, ở trong huyện. Chẳng khó dễ, cũng chẳng gây trở ngại cho ai, dù người ấy có là giới cầm quyền hoặc những vị chỉ tính chuyện tranh giành, chấp nhất. Lệ làng về tính hiếu khách sẽ là kim chỉ nam giúp các thánh thực hiện tính giản đơn, hèn mọn, không câu nệ. Nhất nhất nơi nào các thánh đến, cũng không dừng lại lâu. Không đi quanh quất/khất thực, mất thể diện. Và, chỉ chấp nhận những gì người nhà bố thí cho ăn mặc mà thôi. Nói chung, các thánh vẫn phải ăn ở hiền lành, cư xử cho phải phép cả với người hiếu khách, lẫn kẻ ngược ngạo, bạo hành.
Đến đâu, các ngài cũng nên chuyện trò thân mật. Kể cho nhau nghe những việc được Chúa quan tâm dạy bảo; nếu cần, phải chữa lành và tha thứ theo cách thế hiền từ Thày từng làm mẫu. Và, việc chữa lành Chúa dặn, cần được tiếp tục và hành xử đầy lòng tha thứ, để người người có cơ hội gần cận Chúa. Làm như thế, mới chứng tỏ được rằng: Nước Trời đã đến với thôn làng bé nhỏ để người người hoàn thiện cuộc sống, như Chúa muốn.
Trình thuật thánh Máccô kể hôm nay, được đặt chung với trình thuật về cuộc đời hoạt động công khai của Chúa quyết đổi mới Israel như Hội thánh Nước Trời, theo ý Chúa. Áp dụng vào với thánh hội thời hiện tại, thật cũng khó. Khó, là bởi các đấng bậc chủ quản hôm nay, vẫn tự hào mình là các đấng bậc kế vị nhóm 12, nhưng lại không dám rời bỏ của cải, bạc tiền cùng những thứ xa hoa, lộng lẫy để về sống đời chân chất, mọn hèn. Vấn đề đặt ra cho các đấng bậc đang chủ trì Hội thánh hôm nay, là: làm sao sống giản dị như Thày mình đòi hỏi. Có thế, mới yêu cầu mọi người sống như mình.
Tuy là khó, nhưng không có nghĩa là thánh hội mình không có lối thoát để bắt chước Chúa và nhóm 12 chấp nhận sống bình dị như người thường ở huyện. Tức, không giàu và cũng chẳng sang, chỉ làng nhàng đủ sống. Tức, sống dễ dàng, không áp đặt cấu trúc/luật lệ nào cầu kỳ, bắt buộc phải phấn đấu. Nhưng, quyết áp dụng nguyên tắc nhập thế và nhập thể, hầu chịu hạ mình xuống để sống hoà đồng cùng các người em mọn hèn, ở trần thế. Để được thế, Hội thánh hôm nay còn phải ngang qua nhiều hành trình xuyên suốt, rất quyết tâm.
Trình thuật theo thánh Máccô hôm nay sẽ là khởi điểm với đầy quyết tâm như thế. Quyết tâm dấn bước. Vui vẻ chấp nhận đời bình dị của người bình thường ở huyện, chốn thấp hèn. Để rồi, thánh hội mình dám xác chứng với người bình thường ở mọi nơi rằng: họ mới là dân con thực thụ, của Đức Chúa.
Trong tâm tình đó, có lẽ cũng nên ngâm tiếp lời thơ vừa khởi xướng rất như trên, rằng:

            “Xưa anh là kẻ nghiện sông hồ.
            Đây, đó, lan dài gót lãng du.
            Về, chẳng có kỳ, đi chẳng hẹn.
            Như, mây mùa thu, lá mùa thu.”
            (Nguyễn Bính – Chú Rể Là Anh)

Là anh hay em, cũng một chú rể bình dị ở huyện nhà. Là, kẻ những “nghiện sông hồ”, “đây, đó, lan dài gót lãng du”. Rất mùa thu. Mùa, của những đi mà không hẹn. Về, cũng chẳng kỳ hạn. Vẫn ra đi dựng xây thánh Hội giản đơn. Bình dị, lành thánh. Tuy rất nghèo hèn, nhưng hạnh ngộ.              
             
            Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

Wednesday 4 July 2018

“Anh Tặng Em, Cả Những Ưu Phiền"


Suy Tư Chúa nhật thứ 14 thường niên năm B 08/7/2018

(Mc 6: 1-6)
 
Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

“Anh Tặng Em, Cả Những Ưu Phiền"
“trong câu hát cũ, nghe bên chợ cầu”.
(dẫn từ thơ Huy Cận)

Tin Mừng thánh Máccô nay ghi, không miên triền đầy nỗi nhớ, mà chỉ là trình thuật gói ghém tâm tình Chúa gửi để người người cứ thế mà suy tư về tâm tình Mẹ dành cho Chúa, suốt cả đời. Đọc trình thuật thánh Máccô, hẳn nhiều người lại đã nghĩ khác với điều tác giả muốn nói. 

Điều mà trình thuật kể hôm nay, có thể là cú “sốc” khi thánh sử tả về “Thánh Gia” không theo nghĩa giản đơn như nhiều người vẫn tưởng, tức chỉ gồm mỗi Đức Giêsu, thánh cả Giuse và Đức Mẹ, giống hệt “tổ tam tam” nho nhỏ thuộc giai cấp trung lưu, không nghèo và cũng chẳng giàu. Ở gia đình đó, Mẹ luôn đồng thuận với những gì Con của Mẹ thực hiện trong đời hoạt động rất công khai.    

Thật sự, thì thánh Máccô đặt Đức Giêsu vào khung cảnh gia đình rộng lớn hơn gồm các “người anh/người chị” của Đức Chúa, trong đó có 4 người được gọi là anh/em, như: Giacôbê, Giôsét, Giuđa và Simôn. Và, gồm ít nhất hai người chị như: Maria và Salômê. Danh tánh của các vị này đều rất thân quen ở Galilê đất miền Do thái, vào thời đó. Và, đây là đoạn Tin Mừng gây nhiều tranh luận về họ hàng Chúa.

Đọc Tin Mừng theo kiểu sử gia, là chỉ đọc mà không để ý đến truyền thống tin-yêu, nên người đọc sẽ có cảm tưởng như thánh Máccô đề cập đến anh em ruột thịt của Chúa, chứ không phải họ hàng rộng lớn, như thế trần. Thánh Máccô dùng ngôn từ Hy Lạp để tả anh chị em của Chúa theo cách bình thường đến độ chỉ thoạt nhìn, người đọc nghĩ ngay họ là anh/em ruột của Ngài. Người ngoài Đạo, đọc sách thánh theo kiểu hiểu từng chữ, nên nghĩ Đức Giêsu phải là người anh đích thực của gia đình đông con, ở Do thái. Có vị lại tưởng tượng thánh cả Giuse từng có một đời vợ, trước khi nhận Đức Maria làm bạn đời, nên mới nghĩ: thánh Giacôbê, Giôsét, Simôn, Giuđa và hai chị gái là anh em cùng cha khác mẹ với Chúa, thôi.

Cùng kiểu đọc như thế, có vị lại cho rằng: thánh Giuse có người anh ruột tên Clêpha, cũng lập gia đình với một Maria khác, và từ đó các vị này cho rằng Chúa cũng có anh em họ, do suy tưởng này. Các vị ấy còn thêm: vào thời đó, các gia đình sống ở làng quê thường lập gia đình với người cùng làng, để san sẻ cuộc sống, cơ ngơi, thế nên mọi khác biệt về họ hàng/ruột thịt đều được bỏ qua. 

Thêm vào đó, người Á Đông hay quan tâm nghĩ tình chòm xóm, hoặc cùng một bang nhiều hơn anh chị em ruột thịt. Chính vì thế, có người bảo Đức Giêsu lớn lên trong tình giòng tộc rộng lớn hơn cả “thánh gia” như ta vẫn tưởng. Theo tài liệu lịch sử ta có, thật khó mà đi xa hơn để luận đoán những điều về họ hàng, giòng tộc của Chúa. Người có niềm tin sâu xa, thường vẫn nghe theo truyền thống của Hội thánh, hiểu cụm từ “anh em” ở Tin Mừng thánh Máccô theo nghĩa rộng lớn hơn là họ hàng.

Thành thử, khi thánh Máccô viết ở đoạn bảo rằng: vào thời Chúa công khai hoạt động, Ngài có ghé thôn làng Nadarét nhưng không người nào trong làng lại tin tưởng Ngài, cả bà con anh em trong nhà cũng thế. Có lẽ cũng vì thế, nên Ngài chẳng thấy hứng thú về chuyện rao báo Nước Trời cho người nhà. Thậm chí, thánh Máccô còn viết: họ nghĩ Ngài bị họ khinh miệt và chê bai đến độ chỉ muốn kềm chế, thay thế Ngài. Thành ra, vấn đề là: làm sao ta đối đầu được với những tư tưởng kình chống ra như thế?

Để trả lời, ta có thể coi đây như vấn đề người xưa gọi đó là chuyện “trung gian lèo lái”. Trung gian, hiểu theo bối cảnh của Địa Trung Hải vào thời cổ. Trung gian, vì ở nơi đó không ai đi được tới đâu hoặc đến được nơi nào mà lại không nhờ vào tài lèo lái sắp xếp của người qua “trung gian”. 

Nhờ vả người trung gian, vì tất cả nơi nào thơm ngon dễ kiếm chác, đều bị người giàu chiếm trước, đa phần còn lại là đám nghèo chỉ sống nhờ vào lòng quảng đại của đám trung gian chuyên lèo lái, mà thôi. Khi người giàu thấy vui, thì đám nghèo mới hy vọng nhận được ơn mưa móc, hưởng lộc. Muốn biết khi nào đấng bậc ở bên trên mới vui, đều phải nhờ các đám “trung gian lèo lái” mới làm hài lòng nhóm người giàu sang, ăn trên ngồi chốc. Thực ra thì, mọi việc lĩnh đạo đều do đám trung gian này sắp xếp.   
   
Nay, hãy xem thánh Máccô nói gì về bà con “họ hàng” của Chúa.
Ở đoạn 3 câu 21, khi số bà con giòng họ của Chúa nghe nói Đức Giêsu đã chữa lành cho nhiều người, họ bèn chạy đến để “khống chế” Ngài bằng những hành động mà thánh sử mô tả chỉ đôi giòng: “Thân nhân của Ngài hay tin ấy, liền tìm cách đi bắt, vì họ nói Ngài đã mất trí”. Ở đây nữa, họ cho rằng Ngài bị chứng tâm thần phân liệt hoặc bệnh thần kinh linh tinh. Và họ những muốn cho Ngài “nhập viện”, để dễ xử. 

Hệt như thế, nhiều người trong chúng ta khi đọc những trình thuật kể về hành xử công khai của Chúa, có thể cũng sẽ “phán” những câu bảo rằng: Chúa của mình có lúc cũng “mát giây” trước tình cảnh bị đám “trung gian lèo lái” khuynh loát, vặn vẹo. Có thể, họ đã hành xử theo kiểu bản năng, nên vẫn muốn khống chế mọi hoạt động của Ngài. Nói nôm na theo kiểu người đời thời nay, có người lại sẽ bảo: họ hàng bà con Chúa chỉ muốn “giải quyết” công việc “hành chánh” kiểu người nhà theo “chỉ thị” thôi. 

Vốn là giới “trung gian” lèo lái mọi chuyện trong/ngoài Đạo, đám “họ hàng/bà con” đâu phải lúc nào cũng thành công trong mọi thương vụ. Bởi có làm được thế, họ cũng bị như Chúa, tức: cũng được cho là đang bị “tâm thần” hoặc quỉ ám, cách nào thôi. Theo đám này, điều Chúa cần hơn cả, là: Ngài phải được sự trợ giúp của đám “trung gian lèo lái” mới được việc. Có nhờ họ, mọi việc mới trôi chảy, thật thông suốt. Đây cũng là cung cách của công việc thừa tác chữa lành. Bởi thế nên, người người vẫn khuyến khích: hãy tìm đến với đám “trung gian lèo lái” này, mọi việc sẽ được sắp xếp vừa ý, cũng rất nhanh.

“Gia đình/giòng tộc” hiểu theo trường hợp này, có thể lại sẽ đòi quyền lợi của họ hàng bà con để trở thành giới “trung gian” quyết hoạt động vì Chúa. Cho Chúa. Dù sao thì Ngài cũng là thứ “tài sản” đắt giá của gia đình, giòng họ. Vốn chủ trương khống chế như thế, họ viện đến quyền của gia đình/giòng tộc. 

Do nghĩ Chúa bị “quỉ ám”, “mát giây”, nên họ bảo: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông làm được phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông không là bác thợ, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giôsét, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không là bà con lối xóm với ta sao?” (Mc 6: 2-4) Nói thế, tức có nghĩa: họ muốn Ngài làm việc cho họ qua tư cách họ hàng và theo qui cách do họ đặt ra. Nói tóm lại, họ chỉ muốn chữa lành/lèo lái Ngài theo kiểu họ định ra, mà thôi.

Họ đâu biết rằng toàn bộ ý nghĩa của thông điệp và sứ vụ Ngài thực hiện là: đưa Chúa trực tiếp đến với mọi người, không qua trung gian lắt léo của ai hết. Quả thật, Nước Chúa đã “gần cận” mỗi người và mọi người. Đó là sứ vụ Cha trao phó khi Ngài mặc lấy thân phận làm người. Ở với con người. Ở giữa và ở cùng mọi người. Họ đâu hiểu rằng việc Chúa “gần cận” con người cả trong khoảnh khắc của những rối bời, ưu tư, trăn trở. Và, cả cái chết, và là cái chết nhục trên thập giá. Và, điều họ cần hiểu biết là: việc Ngài sống lại đã xác chứng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa mọi người. Trong mọi hoàn cảnh, mà chẳng cần gì đám “trung gian lèo lái” dù họ có là bà con thân tộc với ai hết.

Quả là, họ cũng tin Chúa và những gì Ngài mang đến cho họ như kết quả của sứ vụ Ngài thực hiện với con người. Họ cần hồi hướng trở về, hơn ai hết. Chẳng thế mà, thánh Máccô đã ghi lại lời Chúa nói: “Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi quanh đó và nói: "Này là mẹ tôi! Đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, người ấy mới thực sự là anh em/chị em tôi. Là mẹ tôi." (Mc 3: 32-34). Thế có nghĩa, là: ai biết Chúa đã “gần cận” mà không cần “trung gian lèo lái” của bà con họ hàng và làm theo thánh ý Ngài, sẽ còn hơn Mẹ, anh em/chị em và hơn cả những người “trung gian lèo lái” nữa.

Nơi Tin Mừng thánh Máccô, chỉ ít người không là bà con thân thuộc gì với Chúa kết hợp với Ngài khi giấc mơ gia đình/giòng tộc rơi vào tồi tệ mới được đặt mình dưới hệ thống “gần cận” Ngài, thôi. Trớ trêu thay, đó chính là cung cách để ta cùng với Ngài vào với Thiên-Chúa-là-Cha cách trọn vẹn, rất cấp kỳ.

Đạo Chúa không là doanh thương do người nhà/bà con đứng trụ và “lèo lái”. Mà, chỉ là quà tặng rất nhưng-không, trực tuyến, từ Thiên Chúa.

            Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn -             
            Mai Tá lược dịch