Saturday 28 March 2009

“Mình hãy trách đời nhau, nhiều hư hỏng”

Rồi giận hờn, cho kỷ niệm đầu tay
Thu miên man, không thấy lá vàng bay
Anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng.

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mc 14: 1/ 15:7

Nhà thơ, xưa lưu dấu kỷ niệm, nhiều hư hỏng. Kỷ niệm đầu tay hay đầu đời, có lá vàng bay. Có nỗi buồn mầu trắng. Rất miên man. Giận hờn. Nhà Đạo, nay không mang sắc mầu kỷ niệm, một giận hờn. Buồn nhớ. Nhớ Vượt Qua. Nhớ nỗi chết của Chúa. Ngày sống lại.

Trình thuật hôm nay, thánh sử ghi về nhiệm tích “Vượt Qua”, Chúa từng trải. Ngài từng trải qua nhiều khổ đau. Có nỗi chết. Sống lại. Có thăng thiên về trời. Ngài gửi Thần Khí đến muôn dân. “Vượt qua”, “Cứu độ” Chúa thực hiện, nay đã rõ. Ở trên cao. Chốn vắng. Có thập giá, khổ đau. Rất sầu buồn.

Ngày buồn, Chúa ra đi. Đi, là về với Giêrusalem thành thánh. Đi, để khởi đầu một kết đoạn cuộc đời Ngài, ở trần thế. Kết đoạn, trong quang vinh. Khải hoàn. Hiển hách. Ở nơi đó, dân gian chốn thành thánh ra nghênh đón. Ở nơi đó, có niềm hân hoan, khởi sắc. Có, lời chúc tụng rền vang “Hosanna, Con Vua Đavít!” ầm ầm. Khắp chốn. Ở đó, lời tuyên dương “Đấng nhân danh Chúa mà đến”, vang dội mãi hôm nay, nơi Tiệc Thánh. Tại đây. Bây giờ.

Nhưng phút chốc, cục diện khởi sắc bỗng biến thành cảnh tượng u buồn. Sầu khổ. Có nỗi chết. Tại sao thế? Suy cho cùng, không gì bằng: ta về với bài đọc Lễ Lá, có thư đậm nét, thánh Phaolô ghi: “Anh em hãy có nơi mình, tâm tình ta vẫn có với Đức Ki-tô” (Ph 2: 5) Bởi, “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, thế mà Ngài vẫn trút bỏ mọi vinh quang, để chấp nhận phận nô lệ” và, “Ngài mặc lấy thân phận nô lệ, hạ mình chịu chết; và là cái chết trên thập tự.” (Ph 2: 6-7).

Ý tưởng này, thấy rõ nơi bài đọc 1, sách Isaya. Sách thánh, có đoạn ghi: “Người môn đệ kiệt sức”, không cưỡng nổi sức mạnh của địch quân. “Tôi đưa lưng cho người đánh đòn, giơ má cho người giật râu”. Ở đây nữa, tiên tri Isaya bàn về thái độ “không sử dụng bạo lực để đối kháng bạo lực. Bạo lực đây, không là thái độ đơn thuần, thụ động. Bạo lực đây, gặp phải trạng thái bất bạo động. Tức, một động thái được Mahatma Gandhi, Martin Luther King… rất đề cao.

Tuy đề cao, nhưng bất bạo động của Đức Kitô, ở đây, không chỉ là không sử dụng bạo động. Bất bạo động, mà là hành xử Chúa muốn tỏ bày, qua yêu thương. Có yêu thương, Ngài mới chấp nhận nạp mình cho đám người chuyên sử dụng bạo lực. Yêu thương, là cung cách Chúa bày tỏ cho mọi ngưòi. Yêu thương, là đỉnh cao tâm tình Ngài gửi đến, với chúng ta. Gửi đến, để ta cứ làm thế mà làm để theo chân Chúa.

Theo chân Chúa, là sẵn sàng “rỡ bỏ” chính mình. Là, đặt mình trong tâm tình yêu thương, cùng với Ngài. Theo chân Ngài, là giùm giúp mọi người. Vô điều kiện. Theo chân Ngài, là phục vụ bất cứ ai, trong tinh thần tương thân/tương ái. Không ngừng nghỉ.

Bài thương khó thánh Mác-cô ghi lại hôm nay nhấn mạnh một số điểm, để ta suy nghĩ:

*Ngày giờ sau hết:

1. Kinh sư/thượng tế dùng mưu ma chước quỷ nhằm trừ khử Chúa. Không thương tiếc.

2. Người nữ phụ đến đổ dầu thơm lên người Chúa, ý nói buổi liệm táng Ngài, vào rất sớm.

3. Giu-đa nộp Chúa cho thượng tế, đổi lấy tiền, là gợi ý hỏi rằng ta có làm giống thế? vì tiền?

*”Một trong các ngươi sẽ nộp Ta cho họ”

4. Dự phần Vượt Qua với môn đệ, Chúa tỏ bày sự bội phản của đồ đệ, nào ai đã nhận thức? Dự tiệc Thánh, ta thấy chăng quan hệ tương tác với người đồng bàn? đồng Đạo?

5. ”Này là Mình Ta. Này là Máu Ta” Chúa thiết lập Tiệc Thánh Thể, để tạ ơn. Nên nhớ, chính vì ta Chúa mới chịu khổ nạn, chấp nhận nỗi chết. Nhưng đã sống lại. Là, thành viên cộng đoàn dân con Chúa, ta có nhận chính ta là thành phần thân mình Ngài, không?

6. Phêrô chối Chúa. Về phần ta, đã bao lần, ta cũng hành xử như thế, với cộng đoàn?

*Trước mặt quan án

7. Tại vườn Dầu, Chúa vượt mọi hãi sợ. Đã nguyện cầu. Ngài hoàn toàn tuân ý Cha. Trong khi đó, các đồ đệ đều bỏ đi. Bỏ, là vì chẳng ai đoán được Ngài sẽ bị như thế. Nên, chẳng biết phải làm gì?

8. Chúa bị bắt. Giuđa bội phản. Phêrô rút gươm, ngăn cản dân quân đến bắt. Mọi người đều bỏ chạy. Để Chúa một mình. Tình thương đích thực đành bị bóp méo. Chẳng ai hiểu được đường lối bất bạo động, Chúa vẫn đi. Trường hợp mình, ta có bỏ chạy, khi đụng chuyện?

9. Trước mặt quan toà, Lời Chúa bị bẻ quặt. Chúa vẫn lặng thinh. Lặng và thinh, vì dân tình chỉ muốn lật ngược sự công minh, chính trực. Chúa tỏ bày Thiên tính Đấng Mêsia. Dân con mình tự bịt mắt. Làm mặt ngơ. Rất mù quáng. Còn ta? Ta nhìn Ngài với cặp mắt nào?

10. Vốn bộc trực, Phêrô đã một mực chối bỏ Chúa. Bỏ, những ba lần. Còn ta, chối bỏ bao lần?

*Quan trấn trưởng La Mã

11. Đứng trước Philatô, chỉ quan quyền mới lật ngược được tình thế. Đức Giêsu vẫn im lặng. Là Vua và là Chúa, Đức Giêsu vượt trên quyền tổng trấn, ở trần gian. Philatô không hiểu điều này, cứ tưởng rằng Chúa thuộc dưới trướng mình. Còn ta, lâu nay ta có thái độ nào?

12. Đám đông dân chúng xin tha Barabbas, thay vì Chúa. Còn Philatô, nắm thời cơ chuyên chuyển đổi sự việc. Nhất quyết biến Chúa thành tội phạm. Trong cuộc đời, có bao giờ ta từng xử sự giống như thế? vì danh/vì lợi?

*Con đường của thập giá

13. Chúa tuyên xưng Ngài là Vua. Điều này khiến dân quân nhà trại cười ồ. Chụp mũ. Lại mũ gai. Cắm gài lên da thịt. Ngài vẫn lặng thinh. Không cất lên lời. Vua các vua, nay tự “rỡ bỏ” chính Mình. Vì loài người. Còn ta?

14. Tiếp tục chặng đàng khổ ải. Chúng dân cười nhạo. Phỉ nhổ. Đường thống khổ, Ngài đi tiếp. Phần ta, phải chăng ta đã dự phần vào bi kịch hành hạ Đức Chúa? Ta đà thấy vinh quang Chúa hiển hiện qua khổ ải? Ta đáp trả ra sao? Trong đời ta?

*Bĩ cực và hiển vinh

15. Tối tăm phủ khắp chốn trời. Chúa tiến đến phần sâu lắng của khổ hình. Ngài hít hơi cuối cùng, rồi tắt thở. Hơi Ngài hít, chính là Thần Khí Chúa Cha. Là Ngài. Chết, giai đoạn cuối đã hoàn tất. Ngài hoàn thành thánh ý Cha. Màn Đền Thờ nay rách nát. Chúa biến đổi, qua hiện thực Phục sinh, nơi Mình Ngài. Tức, Hội Thánh. Lính gác, nay nhận ra Sư Thật: “Người này là Con Thiên Chúa.” Đây, một nhắc nhở dân con mọi người hãy mở lòng đón nhận Thần Khí Cha. Như dân quân canh gác đã nhận ra.

16. Giuse A-ri-ma-thi-a, xưa lên án Chúa, nay biến thành người đợi chờ Chúa đến trong vinh quang. Ngời sáng. Với đồ đệ, đây là kết cục mọi sự việc. Rất đau buồn. Sầu thảm.

Thương khó, do thánh Mác-cô ghi lại, đem đến cho ta nhiều điều để suy tư. Nguyện cầu. Nguyện và cầu, không chỉ mỗi hôm nay. Nhưng, suốt tuần. Tuần rất thánh, có những ngày sau hết của đời Chúa ở trần gian. Thánh Y Nhã khi xưa đã đề nghị một niệm suy, cho các khoảnh khắc cuộc đời ta vẫn sống. Thánh nhân đề nghị ta nên thêm vài suy tư, dù cổ lỗ:

“Tôi cố đặt mình vào lời lẽ được cất lên. Tôi tìm cách hiểu cho thấu, điều Ngài diễn tả bằng diện mạo. Và nơi tôi, đang dâng cao xuất hiện một nhận thức, vừa đủ sức. Có làm thế, tôi mới đi sâu vào mầu nhiệm để chiêm ngắm. Và, càng chú ý đặc biệt đến tính thánh thiêng, ẩn mình thầm kín, ta càng thấy Chúa tỏ mình như người thường, rất bất lực. Tôi hiểu rằng, Chúa yêu thương ta biết chừng nào, chính vì thế Ngài vui lòng chấp nhận khổ đau khi ta phạm lỗi. Khi ta khước từ Ngài, bằng nhiều cách.”

Dù cách nào đi nữa, trình thuật cuộc thương khó Chúa, diễn tả nỗi khổ Chúa bị người đời từ khước/chối bỏ. Chấp nhận thống khổ, Ngài quyết lãnh ý Chúa Cha. Làm thế, Ngài thực hiện công cuộc cứu độ, do Cha trao. Làm thế, Ngài hoàn tất hành trình trải dài nhiều khổ đau. Có nỗi chết. Nhưng Ngài sống lại. Để người người được vinh hiển.

Trong ý hướng lĩnh nhận vinh hiển Chúa ban, ta hân hoan cất cao lời hát, chúc tụng:

“Chiều thu ấy ánh nắng thu rơi lòng người

Hồn chơi vơi gió cuốn mây trôi về nguồn

Lòng bâng khuâng nghe lá rơi

Tình lâng lâng lâng theo sóng môi

Cầm tay nhau trao câu tiễn đưa

Ðừng sầu gió mưa.” (Nguyễn Hữu Thiết – Anh đi chiều Thu ấy)

“Cầm tay nhau ra đi, đừng sầu gió mưa”. “Đừng trách đời nhiều hư hỏng”. Nhưng cứ vững lòng, tin Chúa sống lại. Ngay cả vào mùa Chay kiêng. Nguyện cầu. Sám hối.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Saturday 21 March 2009

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”

Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng, cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa

(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Ga 12: 20-33

Ưu tư – chót buồn trong mắt, không chỉ là nỗi buồn của thế kỷ. Tay cầm – quờ quạng, có thể là tâm trạng của nhà Đạo, vào mùa chay. Mùa chay hôm nay, có ưu tư thoáng buồn, như tâm trạng của Đức Chúa, nơi trình thuật.

Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, ghi lại tình tự Chúa tỏ bày cho dân con của Ngài, để “tôn vinh Cha”. Điều mà Chúa trả lời cho người đến tìm Ngài, là: tìm Ngài, không có nghĩa chỉ nên tìm ảnh-hình bên ngoài, để nhớ vóc dáng. Như ông Zakêu, lúc đầu làm. Nhưng, “tìm gặp” Ngài, là dấn bước trọn vẹn vào với suy tư. Vào, để hiểu rõ tại sao Ngài chấp nhận khổ đau. Và, chết đi. Rồi, sống lại.

Tựa hạt lúa miến, Chúa phải ngang qua tất cả mọi sự. Qua cuộc đời, ngõ hầu đem sự sống đến với Ngài. Với mọi người. Đây là tiến trình “tự bóc trần”, mà người Hy Lạp gọi đó là kenosis, tức: biến đổi. Biến và đổi, như hạt lúa miến. Nhìn bề ngoài, nó như bị hủy hoại. Nhưng nhờ bị huỷ, nó mới to lớn. Để rồi, sẽ làm giàu cho người khác. Nếu ta không coi và cứ chấp nhận điều đó, như cốt lõi của cuộc đời Đức Chúa, thì rõ ràng là ta chẳng thể tìm gặp và thấy được Ngài, cho đúng nghĩa.

Và, Chúa còn đi xa hơn, khi Ngài nói: chúng ta phải suy tư về mình, như: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn, ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống, chốn miên trường.” (Ga 12: 25). Lời như thế, phần đông chúng ta thấy khó mà chấp nhận. Khó là bởi, ai cũng muốn chiếm hữu nhiều tiền, nhiều của. Muốn an toàn. Yên ổn. Bao đảm có được tương lai ngời sáng. Trong khi đó, Chúa lại bảo: chỉ khi nào chấp nhận bỏ hết mọi sự, và giữ mỗi tình yêu thương phục vụ người khác, thì khi đó, ta mới hoàn thành phần sâu thẳm, của chính ta.

Phục vụ người khác, là đến với Chúa. Đến, để ra đi theo cung cách Ngài dạy:“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy. Và, Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó.” (Ga 12: 26) Dấn bước theo cung cách Chúa hành xử, là đi với Chúa. Và, có Mẹ cùng đi . Mẹ và ta, cùng tiến bước lên đồi ngọn Calvariô. Tiến và bước, đến bất cứ nơi đâu. Đi bất cứ chỗ nào. Đi và đến, chấp nhận mọi điều/mọi thứ xảy ra, với ta.

Vấn đề thêm nữa, là: ta đã sẵn sàng ở vào tình huống “đi và đến” ấy chưa? Hay vẫn cứ lo sợ mọi sự xấu/ác thần, xảy đến với ta? Đi và đến, có là đòi hỏi lớn, từ Đức Chúa? Với Chúa, chuyện này cũng dễ thôi. Nhưng, với ta? Dù sao, cũng nên nhớ đến thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Do Thái, có nói rõ: “Đức Giêsu giống hệt như ta trong mọi sự, trừ tội lỗi.”

Vậy nên, đừng nghi hoặc. Bởi, vào khi Chúa khuyên nhủ ta làm điều gì, vì Chúa cũng mang tính người như ta, nên Ngài cũng sầu buồn, lo ngại. Vì lo, mới thốt thành lời: “Giờ đây, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này?” (Ga 12: 27) Nhưng, điều Chúa muốn bày tỏ là lời cầu Ngài đã thực hiện sau Tiệc Giã Từ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho đi chén này qua khỏi Con!” (Mt 26: 39)

Bài đọc 2, ta thấy thánh Phaolô dùng lời lẽ rất xúc động, khi thánh nhân có thư cho giáo đoàn Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức giêsu đã lớn tiếng kêu van cùng nước mắt mà dâng lên lời nguyện cầu nài xin Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết.” (Dt 5: 7)

Mọi sự xảy đến, đều dễ xảy ra với Chúa hơn với ta. Với Chúa, chuyện chỉ xảy đến sau chuỗi ngày dài nguyện cầu, ở Vườn Dầu. Xảy vào lúc, Ngài sầu buồn đổ mồ hôi, cùng rướm máu. Hãi hùng. Hãi đến độ Ngài đã lên tiếng: “Song, không phải như ý Con, mà như ý Cha.” (Mt 26: 39) Và, thánh Phaolô, còn nói rõ hơn: “Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Và từ đó, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Ngài.” (Dt 5: 9)

Chính vào lúc Chúa hoàn toàn tuân phục Cha, thì vinh quang của Cha đã khởi sắc, ngang qua Ngài. Rất chói lọi. Và, Ngài kêu lên: “Đã hoàn tất.” Với thánh Gio-an, câu này có nghĩa: khoảnh khắc có sự chết là khoảnh khắc vinh quang, về với Cha. Hạt giống có chết, mới đâm hoa. Kết trái. Đậu quả.

“Phần Tôi, khi được giương cao khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” (Ga 12: 32) , giương cao ở đây, ý nói: việc Đức Chúa được đưa lên cao, trên khổ giá. Đồng thời, cũng có nghĩa: Ngài được nâng nhấc về với vinh quang của Cha. Bởi thế nên, nếu ta trọn vẹn dâng cao mình cho Đức Chúa theo cung cách tương tự, thì vinh quang Chúa cũng sẽ chờ đợi, đến với ta.

Và như thế, hôm nay ta có muốn tìm gặp Chúa, cũng không nên theo cung cách hời hợt bề ngoài. Nhưng, hãy học đòi tìm cách thức tư riêng mà nguyện cầu. Cầu, cho ân sủng Người được thấm nhập tận phần sâu thẳm, ở trong ta. Cầu và mong, những gì ta gặp thấy, sẽ trở nên thị kiến cuộc đời. Thị kiến giúp ta sống. Nhờ Chúa nâng cao, để mọi sự trôi qua đi, là vì tình thương yêu Ngài dành hết cho mọi người. Để, gọi mời ta cùng với Ngài đi chung một lối. Đi cùng mọi người.

Ta cũng hãy nguyện cầu, để có được lòng quả cảm và tín thác. Tín thác như Ngài đối xử với Cha. Tức, cần khám phá ra nhiều thứ. Khám phá, để rồi cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự tuân phục giúp ta đi vào hành trình. Ở nơi đó, ta sẽ gặp thấy qui cách khiến mọi việc trôi chảy. Để Chúa hoạt động, nơi ta. Và cho ta.

Trong quyết tâm đó, ta cùng mọi người cất lên tiếng hát rất hân hoan. Khẳng định:

“Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời

Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời…

Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời…

(Nguyễn Đức Quang – Việt nam Quê Hương ngạo Nghễ)

Ngạo nghễ, chẳng vì ta thuộc giống dân đi trên lửa hồng. Nhưng, có Chúa cùng đi. Cùng nhìn về nơi cao xa, có Cha Ngài. Đi như thế. Nhìn như vậy, chắc chắn sẽ tới nơi. Tới vùng trời “chót buồn trong khoé mắt”. Nhưng, “vẫn cười dưới ánh mặt trời”. Ánh vinh quang của Đức Chúa.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


Sunday 15 March 2009

“Chơi vơi trong khí hậu, chín từng mây,”

“Ánh sáng lại sẽ tan vào hư lãng,

Trời linh thiêng; cao cả gợi nồng say…”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 3: 14-21

Mùa Chay hôm nay, nhà thơ thấy chơi vơi trên chín từng mây, đầy khí hậu. Trời linh thiêng, ánh sáng tan vào hư lãng, đổi sắc mầu. Tan, là để kêu gọi dân con rày cải hối.

Trình thuật thánh Gioan hôm nay, kêu gọi mọi người hãy cải hối. Hối cải, trong tuân giữ mọi điều răn. Điều răn hôm nay, Thầy Chí Thánh chú trọng đến tình thương đặc biệt, rất đặc biệt:“Thương yêu Thầy, sẽ được Cha của Thầy yêu mến.” (Ga 3: 21).

Trình thuật, nay cũng đề cập một lúc hai chủ đề: hăng say cải hối/ yêu mến giữ giới răn. Ở bình diện cao hơn, thánh Gio-an có nói: Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngài trở nên nhân-tố cứu độ của Chúa Cha. Ngài cứu độ, không phải duy nhất cho phạm nhân nào đó, từng nên tội. Mà, toàn bộ tình huống đầy lỗi phạm, của thế trần. Chúa nhật hôm nay, còn là Chúa nhật Hồng, nhằm dẫn dắt ta đến gần hơn, vào với ơn cứu độ, rất đích thực.

Trình hôm nay, thánh sử lại đã so sánh Đức Chúa với Môsê. Cả hai đấng, là nhân-tố trong chương trình cứu độ, cho dân Ngài. Cụ thể, là Do Thái dân xưa cũng từng phiền than/oán trách cảnh huống mình hứng chịu. Chính vì thế, Môsê mới giơ cao “rắn đồng trên gậy”, như được kể trong Cựu Ước: “Nếu rắn cắn nhằm ai, người ấy cứ trông lên rắn đồng này, là được sống.” (Ds 21: 9)

Thánh sử còn thấy nơi đây, cũng một ảnh hình việc Chúa nâng cao chính mình Ngài, như rắn đồng. Với thánh Gio-an, “nâng cao” ở đây, bao gồm việc Ngài tự nâng chính Ngài trên thập giá. Và cả, việc Ngài được tự nhấc mình lên cao với Chúa Cha. Trong quang vinh. Vĩnh hằng. Bằng vào tiến trình cứu độ trọn vẹn, ai tự nâng nhấc/ngước mình lên với Chúa qua tin yêu/giùm giúp, sẽ lĩnh nhận cuộc sống vĩnh cửu, Ngài hứa ban. Và, cuộc sống thân thương Nước Trời như thế, sẽ không bị lấy đi.

Ở đây, tất cả đều là dấu hiệu chứng tỏ tình yêu của Đức Chúa. Tình yêu Ngài, được thể hiện qua việc Cha hy sinh Người Con của Ngài, để con người hưởng được cuộc sống an vui, vĩnh cửu. Đức Chúa chấp nhận hy sinh, là để cứu/chữa, chứ không phải để phê bình/lên án thế giới loài người. Quả vậy, chẳng người nào tự nhấc mình đặt để nơi vòng tay yêu thương của Đức Chúa, mà lại bị phê bình, lên án. Và, cũng chẳng khi nào là “quá trễ” để ta đặt mình vào động thái tự nâng nhấc, trong niềm tin yêu, của Nước Trời.

Trái lại, ai khước từ, dù chỉ một niềm tin thôi, cũng sẽ bị lên án ngay khi đó. Việc lên án, không nhằm đeo đuổi hướng nhắm những người đang theo niềm tin nào khác. Đạo khác. Tín ngưỡng khác. Hoặc, cả đến thị kiến khác, về cuộc sống. Việc phê bình/lên án chỉ xảy ra, đối với ai cương quyết chọn bóng tối, hơn là lựa sự sáng. Chọn bóng tối, tức: sống đời tệ bạc, có những hành vi phi luân lý. Như: giận hờn, ghét ghen, thay vì yêu thương. Hận thù/trả đũa, thay vì tha thứ. Hoặc, như: tham lam bạc tiền/vơ vét của cải, thay vì san sẻ. Nhận thật nhiều, cho thì ít. Ít cho, những gì liên quan đến sự sống. Ít cho, những gì mình trân quý.

Chúa Tình Yêu trọn vẹn, Ngài không phê bình/lên án, bất cứ ai. Người bị kết tội, thật ra, chỉ vì đó là chọn lựa của chính họ. Chọn tha hoá, tách rời khỏi Tình Thương Yêu của Đức Chúa. Và, thánh Gio-an còn viết: “Ai tự mình làm điều xấu xa gian ác, ắt sẽ ghét bỏ ánh sáng”, và sẽ chọn những gì là tối tăm.

Ai sống trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người, ắt không sợ ánh sáng. Chẳng có gì phải giấu diếm. Chẳng có gì phải hổ ngươi. Có mặc cảm. Người sống trung thực, sẽ là “muối trong đời. Là, thành luỹ ở đồi cao. Là, nến ngọn chiếu sáng, đặt trên đèn. Nhờ có thế, người người thấy được điều tốt lành từ nơi họ. Sẽ cùng họ, tiến về cùng Chúa.

Tuy thế, cũng có loại hình tối tăm khác, trong đó con người vẫn lặn ngụp. Tối tăm, là những tủi nhục rất tăm tối, trong tình đời. Là sự việc tốt lành mình muốn sẻ san, nhưng chưa dám. Là, làm việc gì vì người, và cho người, vẫn chưa dám. Chưa, vì sợ ngườ ingười lên án. Phê bình. Sợ bị từ chối. Sợ, người đời chế giễu, mỉa mai. Cũng tựa như trường hợp không người nào dám đến ủi an/đỡ đần cô gái trẻ mới vừa phát giác ra mình đã mang thai, mà không chồng. Hoặc, không có cưới hỏi, ở nhà thờ. Và tự thân, cô cũng chẳng dám chuờng mặt cùng chòm xóm. Với thành viên gia đình. Với thành phần của Hội thánh Chúa, nữa.

Tệ hơn nữa, là trường hợp của những người “đồng tính luyến ái”. Bị người đời khinh chê/ghét bỏ. Đành lủi thủi trong tối tăm, tách biệt. Tách, hết mọi người. Biệt, cả với bạn bè, người thân.

Đó, mới chỉ là hai trong số các trường hợp cụ thể, dễ nhận thấy. Ở đây nữa, tác nhân của tối tăm/sự dữ, lại là người ngồi mát ăn bát vàng. Chỉ biết những chê bai. Lên án. Bình phẩm. Chính những người, cũng đang trong cảnh tranh tối/tranh sáng của những tối tăm/sự dữ. Những thành kiến. Huý kỵ. Và ghét ghen. Thông thường, đây là triệu chứng của những hãi sợ và bất an. Trong nội tâm.

Bài đọc 2, gợi nhớ người đọc về mọi sự tốt lành của ta/ở trong ta. Đó là ân huệ Chúa tặng ban. Quà Chúa ban, chẳng có gì để mình phải vênh váo, và kể công. Tốt lành của ta/ở trong ta, chính là tốt lành/trọn hảo do Ngài toả chiếu. Ngang qua ta, mà thôi.

Nay, ta hãy ngước nhìn về Đức Chúa, Đấng đang nâng cao chính mình Ngài, trên thập tự. Trong vinh quang. Hãy nhìn vào Tình Yêu cao cả Chúa luôn ban. Tình yêu ấy, vẫn sáng rực ở trên đó. Hãy mở lòng mình, với Tình Yêu. Và, để cho Tình Ngài thấm nhập thân mình, hầu đem lại sự sống cho mọi người.

Ánh sáng nơi ta phải sáng rực chiếu sáng mọi người. Chiếu sáng, như Chúa vẫn dặn dò. Ngài dặn kỹ, nơi Bài Giảng về Phúc Thật, ở trên núi. Rực sáng, để người người thấy điều tốt lành, ta đang làm. Có như thế, người người sẽ được đưa dẫn về với Tình Yêu Thương cao cả, của Đức Chúa. Đấng vẫn ban cho ta nhiều ân sủng, mới được thế.

Trong tinh thần cảm kích việc Ngài làm, ta sẽ hát lên lời ca đầy phấn chấn. Hát rằng:

"Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên

Người đi tìm ánh sáng mặt trời

Thế nhưng, người là NGƯỜI nên không chịu làm thú

Thế nhưng, người là NGƯỜI nên không sợ loài ma

Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên

Người đi, tìm ánh sáng trời lên.” (Phạm Duy – Dạ hành)

Đi, đi lên! Đi, mà tìm Ánh Sáng ở trên cao. Ánh trên cao, vẫn thắp sáng cõi đời, mọi người. Là, ánh thiên không, đầy sắc mầu ngập tràn. Cao cả, ngập hồn say. Ánh sáng của Chủ nhật Hồng, giữa Mùa Tím. Linh thiêng. Nhiệm mầu. Đằm thắm.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch