Saturday 29 November 2008

“Viết trọn năm dài, trên vách đá”

Mây trắng đang xây, mộng viễn hành,

Chiều nay tôi lại, ngắm trời xanh,

Trời xanh là một tờ thư rộng,

Tôi thảo lên trời, mấy nét nhanh.

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mc 1: 1-8

Thảo thư viết lên trời, mấy nét nhanh. Xin được hỏi, làm thế có như: thư viết cho người, về đời Chúa có thánh nhân rao giảng, ở hoang địa? Thánh nhân rao giảng, là nay giảng về Tin Vui của Chúa, như trình thuật đề cập, bấy lâu nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô mở đầu Tin Mừng bằng một ảnh hình về thánh Gio-an, rất Tẩy Giả. Gio-an Tẩy Giả, là đấng thánh chuyên kêu gọi người người chuẩn bị ngày Chúa đến, có lời vàng của thánh Mác-cô, như sau: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1: 1). Chính đó, chuyện thánh nhân muốn hầu kể. Chính đó, Tin Vui thánh nhân muốn rao báo. Điều, mà thánh nhân rao báo, là ở câu cuối trình thuật, khi phạm nhân ngoài Đạo, đã giác ngộ: “Đích thật, Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).

Trình thuật, nay diễn tả: việc Chúa đến kiện toàn điều đã viết trong Cựu Ước, qua Isaya: “Tiếng của người hô trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa đi.” (Ys 40: 3). Rõ ràng, “tiếng của người…” là tiếng của Gio-an Tẩy Giả. Viết về Đức Giê-su, là “Chúa”. Là, Đấng người người chuẩn bị để đón chào.

Bản thân vị ngôn sứ, chỉ muốn nói về việc con dân Do Thái, từng lưu lạc bên Babylon, nay đã trở về. Gốc nguồn sự việc, là đoạn văn cổ nói lên việc Chúa cứu thoát con dân Ngài. Nhưng ở đây, thánh Máccô trích dẫn lời vàng Kinh Sách, là chỉ về thánh Gio-an từng cổ võ việc chuẩn bị dọn đường để Chúa đến, với nhân trần.

Chẳng còn ngờ vực gì nữa, Gio-an Tẩy Giả là đấng thánh rất uy tín. Ông có sức khuyến cáo, dẫn dụ quần chúng đến mà nghe. Đời thánh nhân, là hình ảnh của ngôn sứ Elia, trong hiện tại. Cũng phục sức nhiệm nhặt. Đơn giản. Cũng ăn kiêng. Sống chừng mực. Nhất nhất, nói lên tính chất tinh tuyền trong nghi thức. Tính chất, là tính chất của cuộc sống nơi sa mạc. Chốn hoang sơ.

Với Thánh Kinh, sa mạc/hoang sơ mang ý nghĩa rất đặc biệt. Đây, là chốn thánh thiêng, nơi mọi người đến để gặp gỡ Chúa. Sa mạc, còn là đất miền, ta can trường chiến đấu. Ở nơi đó, có dân hiền lưu lạc những 40 năm, tìm về đất hứa. Ở nơi đó, có cuộc khẩu chiến giữa Đức Chúa và ác thần/sự dữ. Và, cũng ở nơi đó, Đức Giê-su thường xuyên đi vào chốn vắng, những nguyện cầu. Đó, còn là nơi Ngài dưỡng nuôi dân con mọi người, bằng Lời Chúa.

Chính nơi đây, ta biết là: “Mọi con dân từ khắp miền Giu-đê-a và từ Giê-ru-sa-lem” kéo đến, để nghe ông (Mc 1: 5). Chính nơi đây, thánh nhân đã tổ chức nhiều cuộc thanh tẩy, biểu trưng việc dân con hồi hướng. Sám hối. Có quyết tâm. Quyết, thay đổi cuộc sống ngõ hầu chào đón Vương Quốc Chúa. Khi Chúa đến, Ngài sẽ công bố Vương Quốc Nước Trời qua Ngài hiện diện: “Nước đã gần kề”.

Dù thánh nhân, đã thu hút và tạo ảnh hưởng nhiều trên dân chúng, ông vẫn nói: “Tôi không xứng đáng cúi xuống, cởi quai dép cho Ngài!” (Mc 1: 7). Đây là lời ám chỉ công việc của người nô lệ, rất thấp hèn. Công việc, là ý nghĩa và biểu trưng việc Chúa cúi rửa cho đồ đệ Ngài, vào ngày Từ Biệt. Vai trò của thánh Gio-an đây, chỉ là phục vụ Đức Giê-su. Phục vụ dân Chúa. Như thánh nhân bảo: “Ngài phải tiến, còn tôi phải suy giảm”. (Yn 3: 30). Và cả đời thánh Gio-an là tập trung công bố Đức Giê-su là Chúa. Đấng Mê-shia.

Bài đọc 2, thánh Phêrô nhắc nhớ mọi người, về ước nguyện Chúa đến với cuộc sống của mình. Vì thế, ta nên chuẩn bị để Chúa đến, vào bất cứ lúc nào. Nhiều người cứ than phiền: Chúa chẳng tiến đến mỗi khi họ cần Ngài. Vì thế, thánh Phêrô đã ần cần nhắc nhở: “Chúa không chậm trễ thực hiện Lời Người hứa.” Trái lại, “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn mọi người diệt vong, nhưng biết ăn năn hối cải.” (2P 3: 9). Đây mới là vấn đề. Vấn đề đổi thay, quay về với Chúa. Năng đến với Ngài.

Và, thánh Phêrô nói thêm: “Mong đợi Ngày Chúa đến, anh em phải cố sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không gì đáng trách. Và sống bình an.” (2P 3: 14). Theo các tác giả, một số tín hữu thời ấy vẫn trông chờ Chúa đến ngay thật sớm, nên đã thắc mắc: sao Ngài lâu đến? Và có người còn lo sợ về ngày sau hết, lo bị phán xét. Nhưng thật ra, Chúa sẽ đến trong vinh quang. Và vui mừng.

Thật sự, cũng chẳng nên lo âu, sợ sệt. Bởi, những ai gần gũi Chúa, sẽ luôn sống trong an bình, dù giông tố bão bùng, thường xảy đến. Vẫn chung quanh. Những người như thế, Ngày Chúa đến là ngày chẳng có gì để phải sợ. Với họ, mỗi ngày đều là Giáng Sinh. Rất đặc biệt. Với họ, mỗi ngày đều là Ngày của Chúa.

Vai trò của thánh Gio-an, còn là bài học để ta suy nghĩ. Bởi, trong cuộc sống, có rất nhiều thánh Gio-an, rất Tẩy Giả. Nhiều người, nhiều vị đã giúp ta tìm ra Chúa. Giúp ta, biết nhận thức. Yêu thương. Phục vụ Ngài, tốt đẹp hơn. Là, người Công giáo, ta đã được Thanh tẩy. Có cha mẹ đỡ đầu dẫn dắt giúp hiểu rõ niềm tin. Mốt số người trong chúng ta, còn có bậc cha mẹ là các tín hữu tuyệt vời. Cũng có người không được vinh dự như thế.

Là tín hữu trưởng thành, trong sống Đạo, nhiều người đã tạo cơ hội làm công cụ giúp ta tìm gặp Chúa. Dõi bước theo Chúa. Như, gặp gỡ/tiếp cận với sách vở. Với lời giảng huấn. Với khuyên răn. Tĩnh tâm. Tìm nguồn hứng giúp ta sống trọn hảo. Chính vào ngày của Chúa, trong tiệc lòng mến này, là lúc tốt đẹp để cảm tạ những ân nhân ấy. Cảm tạ, trong nguyện cầu. Cảm tạ, bằng cử chỉ thiết thực.

Một điều nữa, thánh Gio-an cũng nhắc chúng ta, là: cả ta nữa, ta có bổn phận/trọng trách công bố Tin Vui An Bình, Ngày Chúa đến. Công bồ, bằng việc giúp đỡ dân con nhà Đạo biết nhận thức, yêu thương và sống đích thực tình thương của Chúa, trong xã hội.

Ngày nay, thật không dễ kiếm tìm Chúa và nhận chân giá trịcũng như thị kiến của Ngài. Thế nên, ai cũng cần mọi người giúp “thẳng tiến đến xa lộ không đèn, nơi có Chúa”. Giúp, đi vào cuộc đời. Của mọi người. Giúp san bằng, mọi núi non/gò lẫm. Giúp, lấp cho đầy mọi thung lũng. Gò nỗng, thì kéo lên. Núi non, san thành đồng bằng. Để, “vinh quang Chúa được tỏ hiện, và tạo vật được xem thấy.”

Là tín hữu Đức Kitô, ta không chỉ có mỗi trọng trách lo cho chính mình. Nhưng, còn: mang Tin Vui Tình thương của Đức Chúa đến với mọi người. Còn, chuyên chở sứ điệp tràn niềm vui chiếu sáng trên hành xử, của mỗi người. Niềm vui ấy xuất phát từ bên trong. Vui, trong khôn ngoan. Vui, trong an hoà. Và, trọng trách ta luôn mang, là: không rao truyền niềm tin của ta như những gì khủng khiếp đáng lo sợ. Mà là, mang niềm tin đến với mọi người. Để, họ thấy được là niềm tin giải thoát hết mọi người.

Reo mang tin vui, là trưng dẫn ảnh hình của Đức Chúa, như “Đấng Chăn Chiên Nhân Hiền, Ngài luôn nâng niu chiên con trên tay ẵm bồng, vào lòng.” Là, luôn mang theo niềm tin, hy vọng và sự thật. Mang theo an bình và hoà hoãn. Mang công lý và lòng xót thương. Thông điệp ấy, không rơi rớt từ trời cao. Cũng chẳng là, mặc khải tư riêng mang đến, cách nhưng-không. Mà, còn tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người, có biết “dọn đường để Chúa đến?”hay không. Bởi, vẫn còn đó lời kêu gào từ chốn hoang sơ rất thị thành, ngày hôm nay.

Và, thư thánh Phao-lô hôm nay nhắc nhở:“làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao họ nghe, nếu không có ai rao giảng?Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay những bước chân loan báo tin mừng!”. Vậy nên, “có đức tin, là nhờ nghe giảng. Mà, nghe giảng là nghe công bố lời của Chúa.” (Rm 10: 14-15, 17)

Ta có phúc, vẫn được dân con Chúa đem Tin Vui Đức Chúa sẽ đến lại. Vậy, điều tối thiểu ta cần làm, là làm thế cho người khác. Bởi, quà tặng Giáng Sinh/Ngày của Chúa không gì quý, bằng: giúp mọi người biết nhận thức, yêu thương Chúa, như Đường lối sống. Cho họ.

Trong yêu thương giùm giúp, ta hãy hát lên lời ca yêu thương, nghệ sĩ xưa từng hát:

“Hãy nhìn xuống đây

để thấy thương người thua mình

vẫn gượng sống vui với niềm tin

hãy nhìn xuống chân để lắng nghe nỗi bất bình

muốn gào thét nhưng phải lặng thinh.” (Lê hựu hà – Hãy Nhìn Xuống Chân)

Nhìn xuống, còn để giúp đỡ hết mọi người. Người đang trông chờ Ngày Chúa đến. Cả, người đang “viết trọn năm dài trên vách đá”, “ngắm trời xanh”. Cần được giúp.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


Sunday 23 November 2008

“Anh vẫn đợi hoàng hôn lịm chết”

Để ánh bình minh gợi thức tâm hồn
Là ốc đảo trơ mình mùa sóng vỗ
Là cuối chân trời ước nguyện vòng tay

(dẫn từ thơ Cát Biển)

Mc 13: 33-37

Kìa, sao anh vẫn đợi hoàng hôn đang lịm chết. Lại không đợi, Đấng vực dậy có bình minh gợi thức tâm hồn. Bình minh gợi thức, là những điều trình thuật đề cập đến, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, ngày đầu mùa Phụng vụ mới, có lời dặn dân con “phải tỉnh thức”. Tỉnh thức, vì không biết ngày nào, giờ nào sự việc xảy đến. Tỉnh và thức, mà đón chào Đấng Mêsia, đến lại. Ngài đến lại, không phải trong huy hoàng, ầm ĩ. Nhưng, âm thầm bé nhỏ một Hài Nhi, thật dễ thương.

“Đến lại”, là cụm từ mà Hội thánh lâu nay vẫn gọi đó là “mùa vọng”. Cụm từ Mùa vọng xuất từ tiếng Latinh adventus, là chỉ việc Chúa Quang Lâm, Ngài đang đến. Thật sự, thì Mùa Vọng còn là thời gian bốn tuần, cần gói ghém để chuẩn bị ngày Chúa hạ mình chấp nhận thân phận của phàm nhân.

Ý tứ của Chủ nhật thứ I Mùa Vọng, nối kết với phụng vụ Chúa Nhật cuối năm, ở tuần trước. Bởi, tuần rồi, các bài đọc đều nói về việc Chúa ‘đến lại’, trong lai thời. Phụng vụ hôm nay, có nói đến thái độ mà mọi người phải có, đó là: chuẩn bị trực diện Đức Chúa. Trực diện Đấng là Vua. Là, Chúa các chúa.

Trước tiên, chuẩn bị là thu xếp mọi việc thường ngày, chỉ liên tưởng đến sám hối, quyết hồi hướng trở về. Sám hối trở về, tượng trưng bằng mầu tím, áo ta mặc. Chuẩn bị, còn là chỉnh đốn con người và tâm trạng của mình, hầu sẵn sàng tiếp nhận Đức Chúa giáng hạ, làm người. Như tạo vật.

Chuẩn bị, là nhớ đến lý do khiến Thiên Chúa Đấng Tạo nên muôn vật, nay chấp nhận làm tạo vật, để cứu độ trần gian. Chuẩn bị, là sửa soạn hành trang lên đường, mà gặp gỡ. Gặp gỡ, chấp nhận thời kết tận có phán quyết “lên án kẻ sống cũng như người chết”. Từ đó, nghe biết những lời thân thương, như: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25: 34-35).

Chuẩn bị chào đón, là mở cửa lòng hầu để Chúa bước vào cuộc sống mỗi ngày, của riêng ta. Chúa vào, Ngài gọi mời ta ra đi. Gọi mời ta đồng hành với Ngài, qua các chặng đường đầy những khổ đau. Nhọc nhằn. Chúa bước vào, Ngài không chỉ tạm thời trú ngụ ở Bét-lem. Cũng chẳng phải, vào ngày cuối đời, thời sau hết khi có tiếng kèn, tập họp mọi người. Có, thần linh thiên sứ vây quanh. Mà là, những gặp gỡ rất đời thường. Bởi, Ngài là Emmanuel, Đấng ở với ta “mọi ngày, đến tận thế” (Mt 28: 20)

Chúa đến trú ngụ ở Bét-lem, làm nền tảng cho đời sống hiện tại và lai thời, sống với Ngài. Chúa quang lâm, là ý nghĩa của cuộc sống trọn vẹn ta vẫn có. Sống, trong chuẩn bị chờ ngày Ngài lại đến. Sống, để chấp nhận lời gọi mời kết hợp với Ngài, là Thiên Chúa Đấng Hoá Công.

Có nhận thức như thế, mới biết rằng chính đó là hồng ân ta vẫn cầu mong, hoặc đã nhận lĩnh. Chúa quang lâm, là sự việc đang diễn tiến mỗi ngày. Diễn tiến, đi thẳng vào cuộc sống của chính ta. Qua tiến trình nhận thức sự đợi chờ, ta mới biết Đức Giê-su, Ngài là ai. Và có thế, mới nhận ra ý nghĩa cuộc đời. Và, đó là ý nghĩa của thánh vịnh 42 vẫn được hát: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.”

Một khi đã khắc ghi trong đầu ý nghĩa của việc Chúa quang lâm, ta sẽ mừng Giáng Sinh, đúng ý nghĩa. Bởi, Giáng Sinh nay đã bị tục hoá. Đã xa rời lời Chúa. Bởi, Giáng Sinh không là tưởng niệm những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng, Giáng Sinh chỉ có nghĩa, khi mọi người nhận biết những điều mặc khải về cuộc sống hiện tại, và lai thời. Của ta thôi. Đúng như lời thánh Máccô viết: “Anh em phải coi chừng và tỉnh thức, vì không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13: 33)

Coi chừng và tỉnh thức, như thánh Mát-thêu đã viết: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:42)

Xem như thế, tỉnh thức không chỉ vào giây phút kết cục của thời gian. Mà vào, giai đoạn cuối hết của thời mình. Tỉnh và thức, không vì hệ thái dương, hoặc vũ trụ bao la của ta tự nhiên chấm hết, chẳng báo trước. Nhưng, tỉnh và thức để mọi người sẽ nhận lời mời mà ra đi gặp gỡ Đức Chúa, bất cứ lúc nào. Không báo trước. Như, vẫn thấy sự việc xảy ra, vào mỗi ngày.

Tỉnh và thức, không là vấn đề đối với những ai thường xuyên đặt mình trong tình trạng đề cao cảnh giác. Luôn gần gũi Đức Chúa trong cuộc đời. Tỉnh và thức, là việc ta chỉ có thể hoàn thành nếu biết thực thi, trong hiện thực. Có tỉnh thức, ta mới thấy khác biệt trong cuộc sống có chất lượng. Có tỉnh thức, ta mới để giờ ra kiếm tìm và gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ Ngài, nơi người anh người chị sống quanh ta. Có tỉnh thức, ta mới biết yêu thương phục vụ Ngài, nơi những người anh người chị ấy.

Thành thử, thay vì phấn đấu chống chọi thực tế cuộc đời, hoặc tìm cách khuynh loát đời mình và đời người ngõ hầu thích hợp với ước vọng và tham vọng của riêng mình. Thay vì như thế, cũng nên nghe lại lời của ngôn sứ hôm nay: “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64: 7)

Thánh Phao-lô đã học được bài học ấy, khi thánh nhân ra tay bách hại tín hữu Chúa, coi đó như sứ vụ được Trên giao phó. Trong ngộ nhận, thánh nhân đã được Chúa cảnh tỉnh, và đánh thức hầu nghe lời cảnh báo: “Saul, hỡi Saul, sao ngươi ruồng bắt Ta? Ngươi đã gậy ông đập lưng ông, như đàn bò húc mạnh vào chính cùm gông của nó.” Cũng tựa như thế, nhiều người trong chúng ta đã từng húc đá vào Thầy mình và vì thế vẫn tự hỏi, sao đời mình chưa một lần được bình an và hạnh phúc.

Hệt như Phaolô thánh nhân, những ngày sau đó, đã biết kêu lên : “Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10).

Tỉnh và thức, không chỉ để đợi đến ngày kết tận, bị gục ngã. Nhưng, tỉnh và thức mỗi ngày với những kinh nghiệm sống, trong đời. Tỉnh và thức, vì Đức Giê-su đang đợi ta nơi đó. Tỉnh và thức, trong trạng thái không ruồng bắt, chống cưỡng Ngài. Nhưng, cứ để Ngài dẫn dắt, điều khiển. Điều khiển và uốn nắn ngõ hầu mình sẽ giống Chúa. Sẽ trở nên con người trọn vẹn, rất đích thật. Con người biết yêu thương giùm giúp. Có tự do. An bình.

Có như thế, ta mới cùng với thánh Phao-lô, không ngừng cảm tạ về ân sủng Ngài phú ban, ngang qua Đức Kitô. Cảm tạ, như thánh nhân từng lập đi lập lại ở bài đọc: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em, nơi Đức Ki-tô Giê-su.” (1Cr 1: 3).

Có cảm tạ, thì mọi nguồn lực sẽ được gửi đến. Gửi, để ta được lớn mạnh hơn trong cuộc sống, có dẫn dắt. Có tiện nghi, như: sách vở, báo chí, tĩnh tâm, hội thảo, cuộc sống chung đụng cộng đoàn, nhất nhất đều là ân huệ Chúa gửi, lúc đợi chờ. Chúa gửi, vì “ta được Chúa Mặc khải vinh quang của Ngài”; và, Ngài sẽ làm cho ta “nên kiên cố đến cùng, để không ai có thể trách cứ, trong Ngày của Chúa, là Đức Giê-su Chúa chúng ta.” (1Cr 1: 9)

Maranatha! Lạy Chúa xin hãy đến.

Trong trông chờ ngày Chúa đến, ta hân hoan cùng nhau hát. Hát, những lời của người xưa:

“Bao nhiêu chàng trai tay xiết mạnh,

thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi.

Im nghe từ đồng hoang phố phường,

còn mênh mang một niềm thương, như trùng dương.” (Phạm Đình Chương-Anh Đi Chiến Dịch)

Có chờ, là có “mênh mang một niềm thương”. Như trùng dương. Dù “hoàng hôn có như lịm chết”. Dù, “ốc đảo như trơ mình mùa sóng vỗ”. Nhưng, cuối chân trời vẫn ước nguyện một vòng tay. Vòng tay của hy vọng. Rất đợi chờ.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


Sunday 16 November 2008

“Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao”


Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!...
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang.

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 25: 31-46

Hư vô ấy, là trăng sao xây dựng, giữa giòng đời? Là, trần gian chốn vắng, rất hãi hùng. Xa vắng, hãi hùng toà châu báu, vẫn kết bằng hương hoa dị kỳ. Của tình yêu rung động, ra đón Chúa.

Chúa xuân - Vua Vũ Trụ hôm nay ta mừng kính, là chính Đức Kitô, Đấng đã ra đi rao giảng chốn “hư vô” xô bồ khắp đất miền, ở Do Thái. Từ, Galilê, Samari cho chí vùng Giu-đêa, Giêrusalem ấy, nơi nào Ngài cũng đến. Chốn nào, Ngài cũng khuyên dạy. Chữa lành. Ủi an. Giải thoát. Ngài là Đức Chúa. Là Vua Cha, luôn hiện diện hữu hình, nơi ta sống.

Các bài đọc hôm nay, đưa ra hai ảnh hình tương phản về Đức Kitô. Bài đọc 2, bằng vào thư chung gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh Phao-lô trưng diễn hình ảnh về Đức Kitô, là Vua. Và, là Chúa. Thánh Phao-lô nói: “Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1Cr 15: 21). Và, Đức Kitô được trưng dẫn, như Đấng có toàn quyền trên mọi quyền. Bởi, cuối cùng thì quyền lực của thế gian cũng phải lui bước, “phải quy về thần phục Đấng vẫn bắt muôn loài phải quy phục Người.” (1Cr 15: 26). Và, “Đức Kitô nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi địch thù dưới chân Ngài” (1Cr 15: 25).

Trong khi hai bài đọc 1 và 2 đưa ra ảnh hình khác biệt, về Đức Giêsu, con Thiên Chúa. Qua việc Ngài chấp nhận thân phận làm người. Bài đọc 1 nói đến hình ảnh Đức Giê-su là Đấng Chăn Chiên Hiền Lành. Nơi ảnh hình này, chiên con được đưa lên đồi cao, xứ Palestin. Ở nơi đó, cỏ rất non xanh mượt mà. Ở nới đó, chiên con trộn lẫn chan hoà với đàn chiên, của kẻ khác. Ở nơi đó, Chủ Chăn đã bỏ giờ ra để chăm sóc cho chiên mình. Đem chiên về cùng một ràn chiên.

Ở đây, Đức Giê-su xác nhận Ngài là Chúa Chiên Hiền, như: “Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.” Và, “Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen đến mịt mù.” (Êz 34: 12). Và, nếu chiên con có đi lạc, Ngài sẽ đích thân tìm: “Ta sẽ đáp cứu chiên của Ta. Chúng sẽ không là mồi cho kẻ cướp” (Êz 35: 22). Chính từ đoạn sách này, Đức Kitô rút ra ảnh hình gọi Ngài là Chủ Chăn Hiền. Về sau, Ngài có nói: Ngài sẽ bỏ 99 chiên ngoan hiền ở lại, để đi tìm mỗi chiên con lạc loài, sa ngã.

Ở đời thường, có lúc chiên con bị đối xử không đồng đều. Như lời tiên tri: “Chiên nào béo mạnh, Ta diệt đi. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Êz 34: 16). Nghe điều này, hẳn nhiều người sẽ nghĩ là: Chúa thiên vị. Thật ra, Ngài chỉ làm thế với những người tìm cách bóc lột kẻ nghèo hèn, hiếp đáp người cô thế. Chính trực của Chúa, không dựa trên sự công minh đạo đức, mà thôi. Nhưng, trên san sẻ đồng đều. Trên sự kiện, mọi người đều có thể tiếp cận nguồn lợi đã dành sẵn. Ngõ hầu giúp mình sống đúng phẩm chất. Sống, tự trọng. Chỉ thế thôi.

Đó chính là bối cảnh Tin Mừng hôm nay. Tin Mừng, đưa ra cảnh trí của phán quyết chung cuộc, ngày thế tận. Bối cảnh hôm nay, không nên hiểu theo nghĩa đen, từng chữ. Nhưng, chỉ nên nhìn vào ý nghĩa nằm ở hậu trường. Tức, nên coi đó như ảnh hình về một trực diện với Chúa, xảy đến trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu hỏi rằng: có chăng giá trị nào đó nơi sự khác biệt thường thấy giữa phán quyết riêng tưthông thường, không? Thì, ảnh hình nói hôm nay về việc Con Người hiện đến, giữa mây trời bao phủ, có thần linh thiên sứ quây quần, là hình ảnh ám chỉ sự cao cả và trong sáng của Đức Chúa. Tuyệt nhiên không có ý mô tả kinh nghiệm thực tế, ta sẽ gặp. Trong mai ngày.

Theo ảnh hình diễn tả, có hai loại người đến với phán quyết chung cuộc, như “chiên con” “dê đàn”. Tức, người nhân hiền và các lão trự. Và, vấn đề là: làm sao tách bạch được người nhân hiền với lão trự? Ở đây, cả hai loại người ấy đều sửng sốt, trước các chuẩn mực, Chúa đưa ra.

Trước tiên, Ngài nói với chiên con: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt 25: 34-36)

Nghe như thế, chiên con đều sững sờ. Vì, có bao giờ họ trông đợi chuyện tương tự, để được thấy, đâu. Vì sững sờ, nên họ chẳng nhớ rằng mình đã từng làm, như thế. Có điều chắc, là chẳng ai nhớ được rằng mình đã làm như thế, với Chúa. Bởi thế nên, họ nói:“có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? (Mt 25: 39).

Sững sờ hơn, câu đáp của Chúa lại là câu mà chẳng người nào muốn:“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25: 40) Thế rồi, quay về phía dê đàn, Ngài lên án những kẻ đã không làm điều mà Ngài liệt kê. Tức, không nhận ra Ngài, nơi người anh người chị trong cộng đồng nhân loại.

Ở đây, cần ghi chú đôi điều sau đây:

-Những gì Chúa nói đến ở trình thuật, chẳng điều nào mang bản chất tôn giáo, lẫn niềm tin.

-Chúa chẳng đả động gì đến các giới lệnh. Giới lệnh nào từng được tuân giữ. Điều nào không.

-Điều mọi người bị lên án, không ở nơi: vô luân, đã làm điều phản Đạo; mà là, chẳng làm gì hết.

-Và, những điều ta làm (hoặc đã không làm) CHO Chúa, đều không phải VÌ Chúa. Nói cách khác, Chúa vẫn thực sự hiện diện nơi mỗi người ta từng gặp. Tôi không chỉ tốt bụng với người này người kia (tức, người mà có thể tôi không lưu tâm nhiều cho lắm) chỉ để được tiếng là: đã làm “việc thiện”. Để rồi, Chúa thưởng công cho mình. Và, để cộng thêm vào tài khoản có ghi “việc thiện ta làm”. Không thể dùng con người, vào mục đích dù thiêng liêng, tốt lành.

Tựu chung, điều Chúa muốn nói, là: nếu muốn được kể là mình thuộc thành phần “chiên con”, thì khi đó ta phải trở thành người biết yêu thương thực sự. Và, chẳng cần biết, ta đáp ứng thế nào với tình yêu đó. Đây là cách Chúa yêu ta. Bởi, thật tình mà nói, nếu ta chỉ làm tròn bổn phận đạo đức, tôn giáo, chu toàn mọi lễ lạy này khác thôi, chưa đủ. Bởi, không thể nói: tôi chỉ cần làm người Công giáo ngoan hiền đạo hạnh, là đủ” .

Trên thực tế, người người vẫn trông đợi ta dấn bước ra đi, hầu đến với mọi người, bằng phương cách thích hợp. Dấn bước ra đi, để tỏ bày tình thương. Ra đi, để đến với những người đói ăn, thiếu mặc. Với, người dưng khác họ, nghèo hèn. Người ốm đau. Cô thế. Những người, còn sống mãi ở chốn lao tù, hờn căm. Người bệnh. Nan y. Nghiện ngập. Khủng bố. Điếm đàng. Chính họ, mới là người có nhu cầu khẩn thiết, trong cuộc sống.

Chính họ, là là những người mà Vị Vua Nhân Hiền vẫn gọi mời ta đến phục vụ. Và, cách mà Vị Vua Hiền muốn ta đến phục vụ, là: lấp đầy nơi ta tâm tư và trạng thái biết chăm nom, đùm bọc. Biết đỡ đần. Giùm giúp. Biết xót thương người anh, người chị ở mọi nơi. Chí ít, là những người còn xa Chúa. Những người chưa được ban tặng, đầy ân sủng. Nói chung, những người nghèo đói. Thấp hèn về mọi mặt. Cả thể xác lẫn tinh thần.

Ảnh hình về phán quyết chung cuộc ở trình thuật, không phải để ta hãi sợ. Và, rẩy run. Đó, chỉ là một thách thức. Thách thức không cho mai ngày, nhưng chính hôm nay. Cách tốt nhất, để đảm bảo là ta thuộc phiá chiên lành, là: ngay từ giờ, ta hãy trở nên người biết yêu thương. Biết, chăm sóc. Đùm bọc. Biết chấp nhận và dung thứ người khác.

Trong quyết tâm trở nên thứ người mà Chúa muốn, ta hân hoan hát lên lời vui hôm nay. Rằng:

“Cho nhau chẳng tiếc gì nhau

Cho nhau gửi đã từ lâu

Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu

Cho những hoa niên nhịp cầu

Đưa tuổi thơ đến về đâu ?

Cho nhau nào có gì đâu !

Cho nhau dù có là bao

Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu

Cho rất luôn luôn cuộc sầu

Cho tình cho cả niềm đau.” (Phạm Duy – Cho nhau)

Cho như thế. Yêu như thế. Tức, ta đã xây dựng “toà châu báu kết bằng hương thơm kỳ dị”. Hương tình yêu. Yêu thương rất mực. Thứ tình yêu của chiên hiền, Chúa vẫn dành để. Lễ Kitô Vua.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch