Monday 25 February 2008

“Đời còn ai thông cảm kiếp đoạn trường”

Em biền biệt như một loài chim biển,

Anh quay về kiếp gối đất màn sương,

Đời còn ai thông cảm kiếp đoạn trường,

Anh khẽ vuốt sợi tóc mềm ngấn lệ

(dẫn nhập lời thơ Thanh Tâm)

Yn 4: 5-42:

Lại một nhà thơ có tâm tình ngấn lệ. Lệ đã ngấn, cùng với kiếp gối đất màn sương như người mù đã chịu được kể trong trình thuật, diện kiến Chúa hôm nay.

Tin Mừng hôm nay, là đoạn truyện kể về việc Chúa chữa lành cho người mù thuở mới sinh. Một chữa lành, đã tạo ưu tư/thắc mắc giữa các tông đồ, luật sĩ cùng thủ lĩnh cao sang, vào thời ấy. Thắc mắc ưu tư hôm xưa, về nguyên do của mù loà. Về, việc Chúa chữa lành dẫn đến niềm tin. Niềm tin của người mù. Và, của người chứng kiến việc Chúa làm.

Các tông đồ, luật sĩ đã chứng kiến rồi mà còn thắc mắc, là bởi họ luôn để trong đầu quan niệm rất sai khi nghĩ là: có ràng buộc giữa tội lỗi và tật nguyền. Có người lại coi đây như hình phạt gửi từ Trên, do lỗi phạm của con người. Của cha mẹ và người thân! Dù, đã hơn một lần, Đức Giê-su từng bảo: “Lỗi của chị được tha thứ, và đã cất đi!”. Trình thuật hôm nay, Chúa còn thay đổi lối nhìn của người thắc mắc, với một khẳng định: “Làm thế, là để thiên hạ nhìn thấy được công trình của Thiên Chúa hiện rõ nơi anh.” (Ga 9: 3)

Chúa làm thế, là để ta thấy rõ công trình của Ngài. Là, phân biệt ánh sáng với cõi tối tăm. Là, biết được việc Chúa chữa lành người mù, tức: đưa người ấy vào cuộc sống mới. Cuộc sống, biết phân biệt sự sáng với tối tăm. Là, biết nhận ra không chỉ ánh sáng của đời thường, mà còn nhận ra chính Ngài là “ánh sáng cho muôn dân.”

Khởi đầu trình thuật, ai cũng hiểu: người mù từ bẩm sinh là người khất thực, sống ngoài Đạo. Không được đứng chung với cộng đoàn dân con Đức Chúa. Anh thuộc nhóm người, bị né tránh. Nhưng khi lành lặn, anh được phép gia nhập cộng đoàn kẻ tin, trở nên môn đệ trung kiên của Chúa. Điều này cho thấy: theo quan niệm Tin Mừng, người được chữa sẽ không ở trong tăm tối nữa, nhưng đã ngập tràn ánh sáng của Chúa. Ngập tràn hồng ân Chúa ban. Hồng ân làm môn đệ, rất kiên vững.

Tin mừng kể: Đức Giê-su dùng bùn đất và nước miếng, để chữa lành. Bùn và nước miếng Chúa dùng, là lối chữa dân gian, không để xác nhận lối chữa lành nhờ phù phép, nhưng để nhắc nhở người nghe về quyền uy Đức Chúa, qua việc tạo dựng. Tạo dựng, là đem sự sống mới đến với con người. Sự sống nơi người mới, khác với A-đam đầy lỗi phạm. Sự sống Chúa ban, là sự xác nhận mà thánh Phao-lô gọi là Thanh tẩy. Thanh lọc và tẩy rửa nơi hồ Si-lô-am, biểu hiện sức sống mới nhờ Thánh Thần.

Thánh thần Chúa chữa lành ngày sa-bát, tuy vi phạm luật Do Thái, nhưng như thế càng chứng tỏ Thiên tính của Đức Giê-su, Đấng bẻ gãy thói tật người xưa chỉ tuân giữ lề luật vị lề luật. Chữa lành ngày Sa-bát, còn chứng tỏ Đức Giê-su không chỉ là một phàm nhân tội lỗi, giống mọi người. Bởi, họ đều rõ: “nếu là người tội lỗi, sao Ông Ta có thể làm được như vậy” (Ga 9: 16). Việc Ngài làm, đã gây tranh cãi và thắc mắc kéo dài, là để xác minh về Thiên tính của Đức Giê-su.

Có sự tranh cãi và biện luận kéo dài, vì Chúa đã bẻ gẫy thói tật người xưa chỉ tuân giữ lề luật vì lề luật. Họ lo sợ rằng Chúa sẽ lôi cuốn những người lưng chừng về với niềm tin rằng Ngài đích thực là Đấng Thiên Sai. Ý đồ và hành động của những người tự-cho-mình-là người-giữ-Luật là công việc của con cái sự tăm tối, như xác định của thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai, hôm nay: “Anh chị em hãy ăn ở như con cái sự sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.. Đừng cộng tác vào việc vô bổ của con cái sự tối tăm, nhưng phải vạch trần việc ấy ra mới đúng.” (Êp 5: 10)

Người mù nay được sáng đã làm như thế. Anh đã tin “vào Người Con là Đấng Thiên Sai, đang đứng trước mặt và nói chuyện với anh” (Ga 9: 35), nên anh được cứu chữa. Cả về mặt thần tính. Chính vì anh tin, nên ta có được lời minh xác về Thiên tính, từ Đức Giê-su ngay lúc đó: “Tôi đến thế gian, chính là để xem xét: cho người không nhìn được thấy, và kẻ vẫn thấy lại nên đui mù.” (Ga 9: 39). Và, đui mù cùng nhìn thấy, nay được liên kết với người vô tội và kẻ tội lỗi.

Từ đó, theo định nghĩa, có hai loại người chính thức trong xã hội:

1-kẻ đui mù thể xác, chấp nhận lời của Chúa, nay trở thành chiên con được Ngài dẫn dắt.

2-nhóm Pha-ri-sêu cho mình sáng suốt nên đã không tin, vẫn cứ nghịch chống Đức Giê-su.

Nói khác đi, những kẻ tội lỗi, từ chối không chịu nghe, hoặc tự hào về đầu óc sáng suốt đã thực sự là người đui mù hoặc tự làm mình mù đui. Hoặc, nhóm Pha-ri-sêu những tưởng mình thấy được, mới thực sự là kẻ tội lỗi. Và người mù từ thuở mới sinh nhưng chấp nhận lời Chúa dạy, đã được thấy trở lại. Không còn mù đui nữa. Cả về mặt thần tính lẫn niềm tin.

Xem như thế, Phúc Âm hôm nay là một nối kết rõ ràng với việc thanh tẩy. Chúng ta tuyên bố Lời Chúa cho các dự tòng, những người chuẩn bị nhận lĩnh ơn thanh tẩy vào với cộng đoàn những kẻ tin có Chúa. Những người đã bắt đầu nhìn thấy Đức Giê-su. Bắt đầu nhận biết và đi theo Ngài. Đi theo, để rao truyền Lời Ngài đến muôn dân nước.

Thể theo lời xác minh đề nghị của thánh Phao-lô nơi bài đọc thứ hai, nay ta có được ánh sáng của Tin Mừng, ta sẽ xử sự như người sáng mắt. Sáng cả về thể xác, lẫn niềm tin.

Như người sáng suốt với niềm tin vào Chúa, ta hân hoan tiến bước, miệng vui tươi hát rằng:

Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng nắng ướt môi em,

Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng quấn quít chân em.

Trên con đường này, ngày xưa, ngày xưa

Trên con đường này, chiều nay, chiều nay… (Phạm Thế Mỹ - Áo lụa vàng)

Đúng thế. Trên con đường này, chiều nay ta tiến bước. Có nắng lụa vàng quấn quít chân em. Và cả chân tôi. Những người quyết ra đi báo tin vui cho mọi người. Tin rằng: ai nông nổi kiếp đoạn trường, nay có Chúa ở cùng. Cùng đến gối đất kiếp màn sương. Với người mù từ bẩm sinh. Với dân con, mọi người. Mọi thời.

_________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Friday 15 February 2008

“Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên”

Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên,

Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng.

Ca những điệu ngọc vàng cao sao sáng,

Lời văng xa truyền nhiễm đến vô song.

(dẫn nhập lời thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 4: 5-42

Tình thơm tho của nhà thơ, chắc hẳn như đã ngấn lệ, khi giáp mặt Đấng Thiên Sai. Đấng Thiên Sai Đức Chúa, Ngài thấy rõ nguyên hình nguyên trạng, như trình thuật truyện kể hôm nay.

Trình thuật Lời Chúa hôm nay, gồm chuyện xoay quanh chủ đề, những nước và nước. Nước, là nguồn mạch của sự sống, nhưng cũng là sức mạnh chuyên tàn sát, phá hoại và bức bách. Nơi truyện Đại Hồng Thuỷ, nước mang ơn cứu rỗi đến với gia đình ông No-ê và con cháu. Đồng thời, lại đem sự chết chóc đến với những người có lỗi. Cũng thế, ở truyện Biển Đỏ, nước đã chôn vùi đoàn quân tinh nhuệ của Pha-ra-ô, nhưng lại cứu sống toàn thể dân tộc Israel khỏi chốn bụi đời, nơi sa mạc.

Trình thuật Phúc Âm hôm nay, nói đến Đức Giê-su đứng cạnh người nữ phụ phạm lỗi, bên giếng nước Gia-cóp. Người nữ phụ trong trình thuật, đại diện cho 3 nhóm người bị bức bách mà Đức Giê-su và Phúc Âm nhắm đến: đàn bà – gái làng chơi – những người bất trung, bất tinh tuyền, người ở ngoài.

Trình thuật bắt đầu bằng cảnh tình của Đức Chúa với thân phận người mệt mỏi, rất đói và rất khát. Ngài đến gần người nữ phụ đầy lỗi phạm mà ai cũng né. Chính vì thế, nữ phụ lâu nay bị né tránh, mới tỏ bày sự ngạc nhiên khi Đức Giê-su đến gần mình. Càng ngạc nhiên hơn, khi Đức Giê-su đảo ngược lề luật, hứa đem cho chị “nước hằng sống”. Khiến chị càng ngạc nhiên, hơn bao giờ.

Nước hằng sống Đức Giê-su nói, là Thần Khí Chúa ta lĩnh nhận vào dịp thanh tẩy. Bởi, thanh tẩy không chỉ là nghi thức đơn thuần mang lại hiệu năng thần thánh cho muôn dân, nhưng là dấu hiệu bên ngoài của thực tại sâu sắc. Tức, Đức Chúa quang lâm bằng sức mạnh xuyên suốt mọi khía cạnh của cuộc đời con người. Và, việc này luôn xảy đến nếu ta đặt mình vào tình huống sẵn sàng đón tiếp Đức Giê-su. Đón tiếp thị kiến Tin Mừng về sự sống. Và, việc mở lòng đón tiếp sẽ giúp ta chuyển đổi toàn bộ cuộc sống.

Ở bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô đã quả quyết với giáo đoàn Rô-ma, khi thánh nhân nói: Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu Người nơi chúng ta ngang qua Thần Khí của Người.” (Rm 5: 5). Đổ như thế, không chỉ là nghi thức tắm gội kèm theo dăm ba câu thần chú, nhưng đích thực là uống “nước hằng sống” từ Chúa Thánh Thần. Vì, chính Thần Khí Chúa sẽ giúp ta tiếp tục ao ước được Chúa đến gần.

Khi bảo người nữ phụ hãy gọi chồng mình tới, Đức Giê-su hàm ngụ sứ vụ của con dân Đạo Chúa là ra đi đến với gia đình. Bởi, gia đình là mái ấm thu hút ơn lành của Đức Chúa. Gia đình, là chốn Chúa ban Nước Hằng Sống. Là, nơi khuyên dắt con cháu hồi hướng trở về. Về với đường ngay nẻo chính. Ở nơi đó, có thứ tha mọi sơ xuất, lỡ lầm mà người trong gia đình của Chúa, vẫn lỗi phạm.

Nhắc đến lỗi phạm, người nữ phụ bất chợt xử sự như nhiều người thời nay. Xử sự, theo cách thế chuyển đổi đề tài rất nhanh chóng. Chuyển đổi, khi Đức Chúa nhắc đến chồng của chị, điều mà chị lỗi phạm, như chúng ta thường làm khi bị nhắc nhở đến lỗi phạm của mình. Chị chẳng muốn nói đến sự an lành - đạo đức ngòai những nơi như đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hay, như núi Ge-ri-zim mà người Sa-ma-ri luôn coi là chốn thánh. Chính nhờ tình huống này, người nữ phụ đã tạo cho Đức Chúa cơ hội thuận tiện để nhắc nhớ mọi người, rằng: “Nay là lúc, kẻ tôn thờ đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Chính đó là sự tôn thờ mà Chúa Cha muốn.” (Ga 4: 23).

Trình thuật tiếp tục với đề tài về Đấng Thiên Sai. Đây là lúc Đức Giê-su mặc khải Thiên tính của Ngài. Mặc khải rằng, chính Ngài là Đấng Thiên Sai, đang tiếp chuyện người phụ nữ lạ. Lạ lùng hơn, là chuyện người ngoài Đạo –một nữ phụ lầm lỡ- lại là người đầu tiên trong Tin Mừng được nghe biết về mặc khải. Mặc khải ân huệ Chúa ban cho dân ngoại. Những người đang biết và cần ơn cứu độ, hơn cả.

Chính lúc Ngài mặc khải về thiên tính Đấng Mê-si-a Thiên sai với người nữ lạ, thì các tông đồ kịp về tới. Họ cũng ngạc nhiên khi thấy Thầy Chí Thánh tiếp chuyện với đàn bà, ngoài Đạo. Ngạc nhiên, khi các thánh chính tai nghe Thầy nói: “Thầy vốn có thức ăn mà các con không biết” (Ga 4: 32). Và khi ấy, Đức Giê-su thêm một lần nữa lại bày tỏ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4: 34)

Cuối cùng, thì Đức Giê-su liên kết với ý tưởng về bánh và của ăn nuôi dưỡng mọi người. Ngài nói về “đồng lúa chín vàng, chờ gặt hái” (Ga 4: 35). Lúa chín vàng hôm nay, bao gồm cả những người ngoài Đạo, như người Sa-ma-ri, các nữ phụ phạm lỗi, những người chưa tin hoặc không tin tưởng, tất cả những ai không cùng một ràn chiên Hội thánh…

Mùa lúa chín vàng, nay chờ gặt hái. Hái và gặt, để thưởng công lao khó nhọc của mọi người. Mọi dân nước. Đó cũng là lúc số đông người Sa-ma-ri đã chứng kiến tình huống xảy ra. Và, họ đã tin.

Trình thuật thời xưa, người người thảy đều đã nghe: “Cũng chẳng phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian. (Ga 4: 42) Ngày nay nghe lại truyện kể về người nữ phụ bên bờ giếng, hẳn là các kẻ tin vào Đức Chúa sẽ phải nói như thánh Phao-lô khi trước: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa sống trong tôi.”

Điều đáng nhớ là mọi kẻ tin hôm ấy, đã ngỏ lời mời Ngài nán lại ở với họ. Nếu không, Ngài lại đã tiếp tục hành trình rong ruổi, chốn cao xa.

Đọc trình thuật người xưa, hẳn chúng ta, các kẻ tin thời nay, cũng nên mở lòng mời Đức Giê-su nán lại. Mời Ngài nán lại, để ở với con dân, cả trong lẫn ngoài. Nếu không mời, Ngài có lẽ sẽ cứ đứng ở bên ngoài, mà gõ cửa. Ngài vẫn đứng đó từ xưa, trừ phi người ở trong ra mở cửa mời mọc, rất trân quý.

Tham dự tiệc Lời Chúa hôm nay, ta cứ cầu mong sao người người sẽ ngỏ lời mời Ngài nán lại. Mời Ngài thực sự, chứ không phải bằng môi miếng. Bởi, có mời thực sự như hai đấng thánh tông đồ trên đường Em-mau thuở trước, Ngài mới nán lại mà bảo ban.

Trong nghênh đón mời mọc Ngài bảo ban, ta hiên ngang mừng đón tình huống rất vui, mà hát:

Vì đường xa ướt mưa

Đừng bắt anh đưa em về

Anh xin em đừng về …đường quá xa xôi

Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng

Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng

Trong cơn ngủ quên trốn câu giã từ

Vì đường xa ướt mưa. (Đức Huy – Đường xa ướt mưa)

Con đường tin - yêu hôm nay, đôi lúc cũng ướt mưa. Có ướt và có mưa, vẫn không làm anh và em, những người tin yêu Đức Chúa, chùn lòng. Không chùn lòng, để sẽ ở lại mãi mãi bên nhau, trong yêu thương. Yêu bằng tình yêu của người con, người em hằng tin Lời của Chúa. Tin vào “tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên”.

_____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Monday 11 February 2008

“Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao”

Bạn có nghe này bạn có nghe

Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao

Về nơi hẹn nào khôn định trước

Vũ trụ miên man chuyển động đều.

(Dẫn nhập từ thơ Tô Thùy Yên)

(Mt 19: 1-9)

Trên đỉnh non nhòa, nơi cao ấy. Xôn xao Chúa hẹn, với tiền nhân. Tiền nhân Chúa hẹn hôm ấy, chẳng là ai khác ngoài các tiên tri-ngôn sứ, với tông đồ. Có Mô-sê, Ê-li-a và đồ đệ rất thân thương. Thân thương đồ đệ nay được rõ, Thiên Sai Cứu Chuộc Đấng minh nhiên.

Và, để hiểu rõ ý nghĩa một mặc khải về Đấng Thiên Sai Cứu Độ hôm nay, hẳn người đọc Kinh thánh phải tự đặt mình vào một bối cảnh của truyện kể, vào buổi ấy. Bối cảnh, là lúc Phê-rô thánh nhân đại diện cho các người anh người em mới gia nhập làm đồ đệ. Là đồ đệ của Đức Chúa, các ngài nhận ra tác phong thiên tính của Thầy mình chính là Thiên Sai của Đức Chúa. Đấng mà tòan dân con Do Thái đang kỳ vọng nghênh đón, Chúa tái lâm.

Hòa chung vào bối cảnh mặc khải, Phê-rô thánh nhân đã có lúc mạnh dạn tuyên bố: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống!”. Bối cảnh mặc khải, là khoảnh khắc dâng cao trong quan hệ mật thiết giữa Đức Giê-su và các đồ đệ của Ngài. Hòa với bối cảnh mặc khải, Đức Giê-su còn bày tỏ cho đồ đệ biết Ngài chính là Đấng Thiên Sai, mọi người trông ngóng. Thiên Sai đây, không là Đức Vua chinh chiến quyết đè bẹp đám thù địch chuyên đối nghịch với dân con của Chúa.

Hòa chung bối cảnh, còn được biết viễn tượng Chúa bị các thủ lĩnh trong đám dân con của Ngài sẽ chối bỏ, bắt giam, xử lý cùng lên án. Lên án rồi, còn hành hạ nhục mạ; và, cuối cùng là dứt điểm bằng nỗi chết trên thập giá dương cao. Dứt điểm cuộc sống Ngài, không do kẻ thù thực hiện, mà do chính bọn người đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến lật đổ chế độ bức bách, đô hộ.

Ở vào bối cảnh bức xúc như thế, Phê-rô thánh nhân cũng có lần phản kháng. Phản kháng, đến độ bị la rầy quở mắng, để tuân theo đường lối Chúa dạy, là: chấp nhận tỉa bỏ, o ép dẫn đưa đến nỗi chết. Lúc ấy, đồ đệ Chúa thấy như có gáo nước lạnh tạt vào mặt. Tức, hoàn toàn khác biệt những gì được nghe biết về Đấng Thiên Sai, vào độ trước.

Để giúp dân con đồ đệ nhận ra con đường dẫn đến chiến thắng, Đức Giê-su đem Phêrô, Gia-cô-bê và Gio-an lên đồi cao chốn vắng. Chỉ một nhóm nòng cốt Tông đồ được chứng kiến cảnh biến thái biến hình lồng lộng, thôi.

Sự kiện xảy đến vào sáu ngày sau khi Đức Giê-su tỏ bày Ngài là Đấng Thiên Sai. Điều này gợi nhớ sự kiện Mô-sê được Yavê Thiên Chúa gọi đi vào mây trời vinh quang đồi cao, núi thánh. Theo kinh nghiệm Kinh thánh, mọi sự kiện quan trọng về cứu rỗi đều được mặc khải trên núi vắng.

Cụm từ “biến đổi hình dạng” nói trong trình thuật hôm nay, xuất từ tiếng Hy Lạp metamorphoo ít gặp thấy trong Tân Ước, như: diện mạo Ngài chói sáng như mặt trời và y phục trắng tinh như ánh sáng”. Điều này khiến người người nhớ lại tình huống khi xưa lúc Môsêlên núi thánh gặp gỡ giáp mặt cùng Ya-vê Rất Thánh.

Ở đây, cả Mô-sê lẫn Ê-li-a đã có mặt cùng đàm đạo với Đức Giê-su, Ngôn Sứ Mới. Sự hiện diện của Mô-sê, hiện thân cho lề luật mà dân con Đức Chúa lâu nay tuân thủ. Còn Ê-li-a, đại diện cho truyền thống các ngôn sứ, được truyền tụng bấy lâu nay. Đàm đạo giữa các vị, là biểu tỏ một hỗ trợ trọn vẹn công việc Đức Giê-su làm. Đàm đạo hôm này, cũng để tỏ bày hậu thuẫn cho sự việc Ngài quyết giữ, vào ngày sắp tới. Nói tóm, “biến đổi hình dạng” là một trong bốn sự kiện tỏ bày Thiên tính của Đức Giê-su, tỏ bày mà người Do Thái cần thấy.

Tỏ bày Thiên tính Đức Giê-su lần này, Phê-rô rất cảm kích, muốn dựng lều ở lại trên núi thánh. Ở chốn thánh này, Phê-rô muốn giữ chân Thầy mình ở lại, có Mô-sê với Ê-li-a, đến ở cùng. Một lần và mãi mãi. Nhưng với cuộc đời, đâu thể như thế mãi? Mọi việc còn phải tiếp tục và tiếp diễn. Diễn tiếp và tiến về phía trước. Diễn và tiến, để rồi còn phải chấp nhận những bất ưng trong đời người, rất “xôn xao tình thế”.

Ở bài đọc thứ nhất, chính Áp-ra-ham cũng xôn xao, cũng bức xúc bỏ cửa bỏ nhà, ra đi giáp mặt Yavê Đức Chúa.

Ở vào cuộc sống hôm nay, Đức Chúa cũng đang nói với con người. Với mọi người, cùng một kiểu tương tự, vào mọi ngày. Ở nơi có những lúc mà mọi người như Phê-rô đã thấy rạng ngời ánh chói chang trên đám mây ngời sáng, bao phủ. Áng mây đã bao phủ Phê-rô, cũng đã bao trùm lấy Mô-sê khi ông giáp mặt Ya-vê Đức Chúa, ngày trọng đại. Đám mây và ánh sáng, tất cả đều là tình huống qua đó Đức Chúa mặc khải cho ta, cho người những điều trọng đại.

Điều trọng đại ngày cải biến, có tiếng Chúa vang vọng từ mây cao: “Này đây, Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” Lời vang vọng ở trên, dân con đồ đệ Chúa đều đã nghe và nghiệm thấy hôm Ngài lĩnh nhận ơn Thanh Tẩy, rất tỏ bày. Ơn Ngài nhận, sẽ đỡ nâng Ngài trên bước đường kinh qua đau khổ, nhục hình và nỗi chết do chính dân con Ngài đem đến.

Hãy lắng nghe lời người, trước nhất trực chỉ vào Phê-rô và các đồ đệ có mặt, vào buổi ấy. Lắng nghe lời Người, là nghe những gì Ngài nói. Là, chấp nhận những gì Ngài dạy làm. Và, nhận lấy làm của riêng cho mình, mà kết hợp. Kết hợp trong tư thế trọn vẹn. Chấp nhận mà thực hiện. Đó là điều đồ đệ Chúa được nghe biết. Chính vì thế, cả Phê-rô lẫn đồ đệ, đều ngã sấp mặt xuống đất, và phủ phục.

Cùng lúc ấy, đã có lời phán bảo: “Đứng dậy mà đi, chớ có sợ!” Lời phán Chúa đưa ra, đưa dẫn người nghe kể liên tưởng đến thái độ phải có, trong cuộc sống. Đấy chính là thái độ đầu cao mắt sáng, hiên ngang đứng thẳng mà bước đi. Không do dự. Không hãi sợ. Bởi lẽ, vào những khi hãi sợ nếu người người ngước mặt nhìn lên, đều sẽ thấy: “Chỉ một mình Đức Giê-su đứng đó, không thấy ai.” Sẽ vững tâm vì có Ngài luôn đứng đó, luôn hỗ trợ cho đàn con của Ngài đang sợ hãi. Sợ con người. Sợ cả chính mình.

Và, trình thuật “biến đổi hình hài” hôm nay kết thúc bằng lời dặn dò: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Thị kiến hôm nay, con dân cùng với đồ đệ của Chúa đã chứng thực một tỏ bày: Ngài là Đấng Thiên Sai, vẫn ở cùng với mọi người, không phải mãi trên núi ấy, nhưng trong cuộc đời thường nhật. Và, chỉ mỗi Đức Giê-su ở lại luôn với ta. Không còn ai khác kể cả ngôn sứ.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cầu và mong sao thị kiến “biến hình đổi dạng” sẽ ở mãi trong ta, gợi nhớ sự thật: Đức Chúa ở với và ở cùng ta mãi mãi, chỉ mình Ngài. Được Ngài ở cùng, ta vẫn cứ theo lời dặn “Hãy vâng nghe lời Ngài.”

Trong tinh thần sẵn sàng vâng nghe lời Ngài, ta cứ hiên ngang đứng thẳng lên, mà hát:

Nếu có điều gì vĩnh cửu được

Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta

Dù mai đây trăng có úa bên thềm

Và ngày buồn thu tàn kéo qua đây

Rồi mùa đông vội vã đến bên ta

Anh giữ mãi lời nguyền cùng bên em. (Từ Công Phụng – Mãi Mãi bên em)

Vâng. Điều vĩnh cửu ấy, đang ở với em. Với tôi. Với bạn. Với ta. Dù ta đang ở trên non nhòa, có trời mây xôn xao ấy. Dù ta thấy Ngài biến đổi hình dạng. Thấy thánh nhân ngã sấp mặt, vẫn có Chúa ở mãi bên ta. Chỉ một mình Ngài. Bây giờ và mãi mãi. Rất miên trường.

_________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Friday 8 February 2008

“Thế gian biến đổi, vũng nên đồi”

Cám ơn đệ tử theo sư phụ

Đã dạy cho thầy môn khổ đau

Hôm nay sinh nhật, không thắp nến

Nhưng thắp trong hồn, hai mắt sao.

(dẫn nhập bằng thơ của Quan Dương)

(Ga 1: 29-34)

Sư phụ cám ơn đệ tử, là chuyện ít thấy. Hiếm khi thấy chuyện thày trò dạy cho nhau môn khổ đau, vào ngày sinh không thắp nến. Và, hiếm hơn nữa, là cả thầy lẫn trò đều có quyết tâm biến đổi thế gian, vũng nên đồi. Vũng - đồi đã cải biến vào chuỗi ngày đầu đời Thầy rao giảng. Rất Nước Trời.

Bài đọc hôm nay, nhấn mạnh về hai sự kiện trong đời của Đức Chúa: phong cách của Ngài và sứ vụ giảng rao Nước Trời, Cha trao Ngài.

Là đệ tử dấn bước theo Thầy, môn đồ Chúa biết rõ Thầy là Ai. Ai sai Thầy đi? Thầy đi để làm gì? Theo định nghĩa, đệ tử là người cất bước theo chân Thầy. Len lỏi mọi ngõ ngách cuộc đời, để rồi cùng Thầy thực hiện ý định mà Cha bày tỏ. Ý định của Cha, là những gì được nói đến nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử ghi lại sự việc diễn ra tại sông Gio-đan, khi đấng thánh Tiền Hô chỉ vào Đức Giê-su, và nói: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc trần gian”. Từ lúc ấy, danh xưng “Chiên Thiên Chúa” được loan truyền khắp mọi nơi. Nhưng, sao cứ lại gọi Thầy là “Chiên Thiên Chúa”?

Ngược giòng lịch sử, vào thời Cựu Ước, Gia-vê hối thúc vua quan xứ Ai Cập hãy để con dân Do Thái ra khỏi đất nước tạm dung, mà về nhà mình. Nếu không, mọi con trẻ ở đất Ai Cập sẽ phải chịu nhiều hậu quả như: dịch bệnh, chết chóc, khó khăn. Trong khi đó, con dân Do thái lại được bảo: muốn thoát chết hoặc lành lặn, hãy bôi máu chiên lên cửa, sẽ được Yavê giải phóng, cứu vớt. Và cứ thế, máu của Chiên Con Thiên Chúa, mang ý nghĩa giải thoát cứu độ, từ dạo ấy.

Với con dân nhà Đạo, Đức Giê-su Kitô, Đấng đã giải phóng cứu độ mọi người khỏi ách xích xiềng của ác thần/sự dữ cũng như lỗi phạm. Ngài mang tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” mà thánh Gio-an Tẩy Giả, từng tuyên dương, Với tước hiệu này, Ngài chấp nhận mọi hy sinh đau khổ để cứu con người. Đưa con người về với Cha.

Ngang qua cái chết và sự hy sinh đau khổ, ơn cứu độ được ghi dấu bằng máu Chiên Con Thiên Chúa, vào cả thời đương đại, lẫn hôm nay. Nhờ máu đào nơi đau khổ và cái chết của Đức Giê-su, con dân nhà Đạo chúng ta được ơn giải thoát khỏi cảnh trầm luân, nơi kiếp người.

Ơn cứu độ từ Đức Chúa, là ơn giải thoát con người trên trần thế vì tình yêu. Do tình yêu. Như Ngài minh định vào buổi tạ từ, chiều hôm ấy. Và, trong yêu thương cứu độ, Ngài đã thực hiện ý định của Cha, suốt đời Ngài. Thực hiện ý định bằng chính sự sống của Ngài. Ngài hy sinh, không chỉ để cứu thoát các đệ tử, tôi tớ hay người nhà Đạo, thôi. Mà, tất cả mọi người. Hơn thế, Ngài đặt tất cả mọi người trong quan hệ với bạn bè người thân, chứ không chỉ giữa thầy với đầy tớ. Ngài từng xác định điều này: “Thầy gọi anh em là bạn chứ không phải đầy tớ.”

Cùng một ý tương tự, thánh Gio-an Tông Đồ nói về người Thầy rất Nhân Hiền bằng các danh xưng rất khác, như: Ngôi Lời, Con của Cha, Chiên Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Đức Kitô Đấng Thiên Sai. Giê-su thành Na-da-rét, Con của Ông Giu-se, Vua dân Do Thái, Con của Người, vv… Đó cũng là ý nghĩa của tước hiệu được Hội thánh nhắc lại trong các bài đọc hôm nay.

Bài đọc thứ nhất, Hội thánh nói về Đức Giê-su như người đầy tớ: Israel, ngươi là đầy tớ của ta.” Và, về Đức Kitô, như “Đấng tạo nên tôi nơi cung lòng của đầy tớ Ngài.” Và, việc của người đầy tớ là ”Đưa Gia-cóp trở về với Ngài..”

Ngoài ra, còn một danh xưng khác Chúa bày tỏ cho thấy: Ngài là Ánh sáng thế gian. Tỏ bày điều này, Ngài muốn hết mọi người nhận biết và có kinh nghiệm về ơn cứu độ, Ngài thực hiện. Là con dân Đức Chúa, mỗi người và mọi người đều đã và sẽ có kinh nghiệm riêng về sự thật, tình thương và tư do mình nhận lĩnh, qua Phúc Âm. Nhờ Phúc Âm, ta biết được Đức Giê-su thực hiện sứ mạng cứu độ trong suốt cuộc đời rao giảng của Ngài. Sứ mạng ấy, là đem dân con thế giới về với Chúa, Đấng là Đầu và Cuối Hết mọi sự.

Sứ mạng của Đức Chúa, cũng là sứ mạng của mọi người. Không thể tự nhận mình là đồ đệ của Chúa được, nếu không đích thực nghe biết Lời Ngài. Là đệ tử ngoan hiền, ta đương nhiên trở thành người rao truyền Lời Ngài, cho đúng cách. Làm như thế, ta nhận lãnh trọng trách không chỉ mong riêng hồn mình được cứu rỗi. Hoặc, chỉ riêng mình ta là đạt Vương Quốc Nước Trời, thôi. Nhưng, là san sẻ niềm tin – yêu với người khác. Làm đệ tử theo chân Thầy, là giúp mọi người nhận ra dung mạo Đức Kitô, nơi người khác.

Nhận và biết Lời Hằng Sống Ngài ban, là am hiểu và sống đích thực tình yêu của Chúa, nơi đời thường. Là, sống ở bất cứ nơi nào, ta vẫn thực hiện niềm tin – yêu Chúa dạy, cho bất cứ ai. Dù là người dưng khác họ, người hàng xóm, xứ đạo, hoặc ở nơi công sở, nhất nhất chứng tỏ mình là đệ tử chân truyền quyết bước theo chân Thầy, không ngơi nghỉ.

Cử hành tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong được hợp tác dựng xây Nước Trời, ở mọi nơi. Cầu và mong sao, bất cứ nơi nào ta đặt chân đến, đều sẽ ghi hằn dấu ấn tình yêu thương hài hòa, của Đức Chúa. Ghi cả, niềm tin - yêu đặc thù của người đồ đệ. Của đệ tử chân truyền luôn dấn thân, tiến bước. Những đệ tử và đồ đệ cương quyết giảng rao Tin Mừng giải thoát, cứu độ. Rao giảng, không chỉ bằng lời. Nhưng, bằng chính cuộc sống cụ thể, ở giữa đời.

Trong quyết tâm rao giảng như thế, ta hân hoan cùng người nghệ sĩ khi xưa hát rằng:

“Khúc ca chơi vơi

Khắp nơi… khắp nơi

Người ơi!

Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la

Ta vui câu ca, những đêm xa nhà cùng ngồi bên đá.

Nhịp đàn vui bay theo gió qua

Mai vó câu lên đường

Đem chí trai can trường

Đời ta sống thác vì cố hương.”

(Văn Phụng – Vó câu muôn dặm)

Đúng thế. Đời ta sống là vì Cố Hương. Hay còn gọi là Quê Trời. Cố hương hay Quê trời, là Vương Quốc Nước Trời, ngay miền đất phía dưới, chốn địa cầu nơi đây. Nơi nghèo buồn, có đệ tử chân truyền. Có Thầy Chí Thánh thân thương, tất cả cùng nhau biến đổi vũng nên đồi. Những đồi và vũng được cải biến, để tình “Chiên Con Thiên Chúa’ giải thoát cứu độ, hết mọi người. Trong cũng như ngoài nhà Đạo.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

Monday 4 February 2008

“Chúa cao xa sẽ thấu rõ nội dung”

Xin cho con đươc giữ vững niềm tin,

Xin cho con được như hình với bóng,

Suốt cuộc đời hạnh phúc sống bên nhau

Dù mai đây trong thăng trầm cuộc sống.

(dẫn nhập thơ Đào Tiến Luyện)

Mt 4: 1-11 :

Tâm tư con, dù nay chưa giải tỏa. Vẫn nhận rằng Chúa thấu rõ nội dung. Nội dung đây, là tâm tư của nhà thơ. Cũng tựa hồ như tâm trạng Chúa gặp những thử lửa và thách thức trên non cao. Nơi trình thuật.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, ghi lại sự việc Đức Giê-su được Thần Linh Thánh Ái dẫn vào nơi hoang vu chốn vắng, chịu thử thách những 40 ngày. Thử thách đặt ra cho Đức Giê-su hôm nay nối kết với chủ đề thời Cựu Ước, gồm có: chay kiêng, sám hối và hoà giải. Hòa giải với Chúa. Hòa giải với người anh người chị, đang sầu buồn.

Cả ba bài đọc đầu Mùa Chay hôm nay, đều liên quan đến những thử thách, rất chịu đựng. Tuy nhiên, hình như có điều gì rất tương phản giữa trạng thái/tâm tư của Đức Chúa so với tâm trạng của nhị vị tiên tổ, trích dẫn ở bài đọc thứ nhất, các A-dong – E-và, lúc trước.

Bài đọc thứ hai hôm nay, lại khác. Ở thư gửi cộng đoàn Hội thánh tiên khởi sinh sống tại Rô-ma, thánh Phao-lô nối kết hai biến cố lớn liên quan đến công trình cứu độ. Biến cố đầu của con người xảy ra tại khu vườn rộng, gọi tên Ê-đen ở Châu Phi. Còn trình thuật hôm nay, là kinh nghiệm từng trải về cuộc đối đầu giữa Đức Chúa và Sa-tan, đại diện cho Ác Thần/ Sự Dữ, đang tiến hành. Hai bài đọc hôm nay, không mang tính sử liệu. Nhưng, vẫn là phương tiện chuyển vận chân lý ngàn đời. Chân lý đưa người đọc về với niềm tin muôn thưở. Ở mọi thời.

Tin Mừng hôm nay, nối tiếp sự kiện Đức Chúa mặc khải Thiên Tính của Đức Giê-su khi Ngài lĩnh nhận ơn Thanh Tẩy từ thánh Gio-an Tiền Hô, hôm ở sông Gio-đan. Hôm ấy là ngày, chính Cha xác nhận Đức Giê-su là Con Cha yêu dấu, rất đẹp lòng Người. Cụm từ “Thần Khí đưa Ngài vào nơi hoang địa”, có ý bảo: Chúa chẳng làm chuyện kỳ lạ phi thường, phản khoa học. Ngài không gieo rắc trạng thái mê tín, rất dị đoan. Tuy nhiên, thử thách nơi trình thuật, là cốt để xét xem Đức Kitô có phù hợp với sứ vụ Cứu Độ Cha giao phó, hay không. Đức Chúa có đối ứng với thử thách theo cách chủ bại, như A-dam xưa, hay không. Thế thôi.

Xét xem và ứng đối với thử thách hôm nay, thật ra không do Cha đích thân thực hiện. Nhưng, do đại diện Ác Thần/Sự Dữ đem đến. Thử thách Đức Chúa, vào đầu đời rao giảng chính là sự xét nghiệm niềm tin tựa như Ya-vê Thiên Chúa từng thách và thử tổ phụ Mô-sê khi trước. Thử thách nào cũng có chay kiêng sám hối, đói lả suốt 40 ngày. Thử thách/xét nghiệm nào cũng đưa các Đấng bước vào chốn hoang vu trống vắng, mà chịu đựng.

Địa điểm của xét nghiệm xét nghiệm thử thách nào cũng đều không thấy lương khô, lẫn thực phẩm. Kinh qua thử thách, chẳng vị nào đoái hoài gì đến thức ăn. Đến biện pháp chống đói. Các vị đều chấp nhận cơn đói khát, rã rời. Có thách thức. Có dỗ ngọt.

Ba lần thử thách, Ác Thần/Sự Dữ đề cập đến tư cách làm Con Thiên Chúa của Đức Giê-su. Tư cách này vẫn được xác định vào buổi sớm đầu đời rao giảng của Ngài.

Ở thử thách thứ nhất, Ác Thần/ Sự Dữ khởi đầu bằng một ám chỉ về của ăn Manna gửi người Do Thái đang lang thang khốn khó, ở xứ người. Ngang qua thử thách, Ác Thần/ Sự Dữ muốn coi xem Đức Giê-su có thực sự được Cha Ngài quan tâm nuôi dưỡng không? Thử thách, dẫn đến thắc mắc: nếu thực sự là Đấng Quyền Uy rất mực, sao Đức Giê-su không sử dụng uy quyền Ngài có, để ra oai. Thử thách, còn để hỏi: sao Đức Giê-su không nhân đó chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa? Cuối cùng, thử thách là để đưa Ngài vào tư thế xác định sứ vụ của Đức Chúa. Là Đấng Cứu Chuộc, rất thánh thiêng.

Ứng xử với thử thách, Đức Giê-su không sử dụng lời lẽ thông dụng ở đời thường, Ngài lại trích dẫn lời sách khi xưa ghi rõ trong Cựu Ước. Trích dẫn lời của người xưa, là đường lối đáp trả theo cách “nói có sách mách có chứng”: con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ vào lời Chúa, đã nói ra.” (Mt 4: 4). Trích dẫn Cựu Ước, là để minh xác cho mọi người biết: hạnh phúc đích thực không nằm ở những bon chen chất chồng, nhiều vật chất. Nhưng, để thẩm định cuộc đời Chúa ban, qua Đức Giê-su.

Biến đá thành bánh, là lời thách thức và hỏi xem các Đấng có thật thiếu vắng niềm tin, khi xuất hành. Đấng chịu thử thách có thiếu cả lòng quan tâm chăm sóc Thiên Chúa gửi đến cho Ngài, hay không? Thiếu niềm tin yêu, chăm sóc thì sao Ngài có thể hoàn thành sứ mệnh, Cha giao phó?

Với thử thách kế tiếp, Ác Thần/Sự Dữ đưa Đức Giê-su lên nơi cao chót vót của Đền Thờ, chốn vắng thần thiêng chỉ dành để cho Đấng Nhân Hiền, Chúa Thượng. Ác thần/Sự Dữ những tưởng làm như thế ắt hẳn Thiên Chúa sẽ quan tâm đến Người Con của Ngài hơn. Ở đây nữa, có hai sự việc cần minh định:

Trước nhất, Thiên Chúa chẳng bao giờ chịu để cho Con của Ngài bị tổn thương, lỗi phạm. Ác Thần/Sự dữ dư biết chuyện ấy. Nên, đã trích dẫn ý lời Cựu Ước mà nói: Có Lời chép: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ để lo cho Ông; và thiên sứ sẽ đỡ nâng Ông khỏi vấp chân vào đá.” (Mt 4: 5). Trích dẫn lời Cựu Ước, Ác Thần đâu nào biết được rằng: Thiên Chúa hằng chăm sóc con Ngài trong quá trình cuộc sống, ở trần gian. Ngài chẳng hứa hẹn dùng quyền uy siêu phàm mà can thiệp khi con cái của Ngài hành động mất nhân tâm.

Thứ đến, nếu Đức Giê-su gieo mình từ non cao và kịp được cứu vớt, thì há mọi người lúc đó mới nhận ra nguồn gốc thần thiêng của Ngài rồi mới tin, sao? Ở đây, một lần nữa, Đức Giê-su cũng trở về với Sách xưa mà trích dẫn: “Ngươi chớ nên thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngưoi!” (Mt 4: 7).

Với thử thách cuối, Ác Thần/Sự Dữ chạm phải tim đen người xét nghiệm, là: thu vén cả thế gian về một mối, dưới trướng mình. Đây là mặc cả diễn ra trong cuộc đời, của người phàm. Mặc cả nào, cũng đều khó xử. Theo Chúa, được lợi gì về của cải trần gian vật chất? Theo đường mình vạch sẵn, sẽ lại được tất cả. Tiền bạc vật chất, công danh quyền lực.

Và cuối cùng, thử thách nào cũng dẫn tới đoạn cuối thôi thúc ta đi đến chọn lựa. Những chọn lựa mà Đức Giê-su từng nhắc nhở, bấy lâu nay: được cả và thế gian, mà mất đi sự sống đích thật, nào lợi gì? Ở đoạn khác, Chúa còn nói: các con hãy cho đi mọi sự. Đổi lại, sẽ có tương quan đậm sâu với Đức Chúa. Đây mới là mục tiêu đích thực, của cuộc sống.

Và, chọn lựa ở cuối trình thuật, là lời đáp dứt khoát của Đức Giê-su khi Ngài đã quyết định: “Xa-tan, cút ra xa!” Nội dung lời đáp hôm nay, gợi lại lời quở mắng xảy đến với thánh Phê-rô, ở đoạn khác. Thánh Phê-rô khi ấy, chỉ muốn có đề nghị “đẹp cả đôi đằng”, toan tính lôi kéo Ngài trệch khỏi con đường Ngài đã chọn. Ngài đã chọn khổ hình, trong vinh dự.

Đức Giê-su còn phải trải qua nhiều thử thách lớn lao khác suốt cuộc đời. Cho đến chết. Có lúc, Ngài những muốn thoái thác, bỏ cuộc. Xin Cha để qua một bên ý định cần Ngài tận hiến, như ở vườn khổ não Cây Dầu. Chung cục, Ngài đã phó dâng trọn vẹn cuộc sống, thể theo ý Cha. Phó dâng, để thực hiện ý Cha cho đến chết.

Con đường mà Chúa Cha muốn Ngài kinh qua và từng trải, là đường lối duy nhất dẫn Ngài -và cả chúng ta nữa, cùng với Ngài- đạt đến cuộc sống miên trường. Vào với cuộc sống, khi những giọt nước mắt ngà đã được lau sạch.

Cùng hiệp thông với Đức Giê-su trong thử và thách, ta hiên ngang ngẩng cao đầu lên mà hát lời ngợi ca tình yêu, rằng:

Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy

Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay

Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn

Vỗ giấc xuân muộn về trên mây hồng. (Trường Sa – Rồi mai tôi đưa em)

Chính ở nơi hoang vu môi mắt đã đắng cay ấy, tình yêu Chúa vẫn ở lại với chúng ta. Với mọi người. Trên mây hồng. Và, ở nơi hoang vu có thử thách ấy, “Chúa thấu rõ nội dung cuộc sống”, rất kéo dài. Thật nhiều đắng cay. Đắng, nhưng vẫn vững lòng. Cay, nhưng vẫn tin và yêu. Một tình yêu rất rộng mở.

______________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch