Saturday 29 May 2010

Kỷ niệm trở về, nắm tay nhau hiền dịu

Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình.

Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh,

Mặc trái đất sẽ tan thành mộng ảo.”

(tho Đinh Hùng)

Lc 9: 11-17

Kỷ niệm. Hiền dịu. Ngón tay thơm. Phấn bướm đa tình. Lình xình, như tình người ngoài. Dịu hiền. Trở về. Nắm tay nhau. Mặc trái đất, tan thành mộng ảo. Để anh em ta về mừng Mình Máu Chúa. Rất hiển vinh.

Lễ Thánh Thể, lẽ đáng ra được mừng kính vào Thứ Năm Thánh. Lúc, Chúa căn dặn mọi người trước ngày Ngài chịu nạn. Nay mừng lễ, là để hợp cùng lễ Phục Sinh, sau Chay tịnh. Có nơi cử hành lễ rất trọng thể. Có kiệu rước vui vầy. Quanh phố xá. Nhà thờ. Cũng rất vui. Lễ Tiệc Mình Máu Chúa, ta nên suy về chiều kích cộng đoàn, mừng Tiệc Thánh.

Dự Tiệc Thánh, không còn nặng tính cá nhân riêng lẻ, mỗi cái tôi. Dự Tiệc Thánh, không mang nghĩa xưa, chỉ “đi” lễ. Hoặc, “xem” lễ. Tức, “xem” linh mục làm lễ, có tiến dâng. Cũng chẳng để, nguyện cầu cho linh hồn nào đó, rất một mình. Dự Tiệc Thánh, không mang nghĩa diễn trình đơn độc, có ban hát độc diễn suốt từ đầu. Có người đến trễ. Đi sau. Mà là, có hiện diện hay không, ở buổi Tiệc.

Tiệc Thánh Thể, nằm ở ý nghĩa cộng đoàn, cùng hành động. Có thành viên tham gia sinh động. Sinh và động, để ta nhớ về căn tính người đi Đạo trong hiệp thông vào sự thống khổ, nỗi chết và sự sống lại của Chúa. Căn tính ấy, thể hiện nơi tương quan với Chúa. Với cộng đoàn. Để rồi, ta hiện diện với mọi sinh hoạt mang tính Kitô. Đạo Chúa, không có chỗ cho đơn côi. Riêng lẻ. Tự phát.

Ngày của Chúa, ta dự Tiệc với tư cách cùng là Thân Mình. Một cộng đoàn. Để, cảm tạ Chúa. Bởi, cụm từ “Tiệc Thánh” trước nhất có nghĩa là: cảm tạ. Thành thử, tham dự Tiệc, không phải để tuân giữ điều răn thứ ba. Cho chính mình. Rất sốt sắng. Tham dự Tiệc, không theo cách lo toan chuyện làm ăn. Tư riêng. Chả thế mà, có người chẳng để ý gì việc có đi trễ hay không. Có người còn lo, đi nhiều lễ sẽ không có giờ lặng thinh, để nguyện cầu. Nhưng, nguyện cầu là việc ta có thể làm bất cứ ở đâu. Khi nào. Tham dự Tiệc, là mừng vui bên nhau. Với nhau. Như thành viên của cộng đoàn. Con cái Chúa.

Tham dự Tiệc, còn là thời gian ta tỏ bày sự hiệp nhất qua ăn uống. Cùng ăn và cùng uống Mình Máu Chúa. Tham dự Tiệc, là để ta được ở với Đức Kitô. Trong Đức Kitô. Bởi, như thế mới là yêu. Yêu không chỉ là động thái của một người. Nhưng, là động thái hai chiều, như Chúa nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."(Ga 13: 35) và: “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha... Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 1221)

Tiệc Thánh, không là thời gian để ta thiết dựng cộng đoàn. Mà, mừng vui tình cộng đoàn, đã có sẵn. Đó cũng là lý do, để mỗi ngày ta sống tinh thần cộng đoàn, có yêu thương. Tiệc Thánh, không là thời gian giúp ta nên thánh, theo nghĩa tu thân, rất cá thể. Để cứu vớt linh hồn, của riêng ta. Như quan niệm xưa cũ. Thế nên, tham dự Tiệc, không thể đến với tư thế lạnh lùng. Xa cách.

Thêm vào đó, cử chỉ bắt tay nhau trong Tiệc, là cử chỉ hiệp thông. Hài hoà. Huynh đệ. Và mỗi lần chúc bình an cho nhau, ta thấy như có luồng gió ấm, an vui, râm ran truyền đến với hết thảy mọi người. Do đó, khi rước Chúa, ta mang trong mình, tâm tình “cảm tạ”. Cảm tạ, và nhớ rằng: dự Tiệc, là ta đang tham gia tình cộng đoàn anh em đang trao đổi. Sẻ san. Hiệp nhất. Tựa như tâm tình ta tham dự mừng ngày sinh, của ai đó. Đây còn là cảm tạ ban hát và an hem cùng tham gia giúp mình nâng lòng lên với Chúa. Vì thế, không nên đứng một mình trong xó góc, như để thưởng thức món ăn riêng. Nhưng trái lại, cùng hiệp thông. Vui vẻ.

Hơn thế nữa, đến với cộng đoàn hiệp thông tham dự Tiệc, không phải để “nhận” điều gì. Mà là, sẻ san và đón tiếp. Là, cùng ăn Bánh Thánh, là Mình Chúa. Cùng uống rượu thánh, là Máu Chúa. Cùng chung một Tấm Bánh. Cùng uống Chén Rượu Thánh, tượng trưng cho Đức Chúa, trong Thân Mình Phục Sinh. Cùng đón tiếp, không chỉ mình Chúa, mà toàn thể cộng đoàn đang hiện diện. Thế nên, việc sẻ san/đón tiếp, không phải cá nhân một mình Chúa. Với ta. Mà là, Đức Giêsu trong Thân Mình cộng đoàn. Mà trong đó, ta là một thành phần.

Chúa không chỉ hiện diện nơi Bánh Thánh, thôi. Ngài còn hiện diện ở nơi tay vị thừa tác viên trao Mình Thánh. Cả tay người nhận, nữa. Bởi thế nên, khi cúi đầu chào kính Mình Chúa, ta không chỉ cúi chào Bánh Thánh mà thôi. Mà còn chào toàn thể cộng đoàn. Bởi, nơi đó có Chúa hiện diện. Bởi nếu Ngài không hiện diện bằng niềm tin và hành động trong cộng đoàn, thì Tiệc Thánh đâu còn ý nghĩa nào, để mừng kính?

Ở nhiều giáo xứ, nay đã thấy có nhiều thừa tác viên Thánh Thể giúp trao Mình Thánh Chúa. Tức là, nay ta không còn tập trung Tiệc Thánh Thể vào một mình linh mục chủ tế nữa. Vì, làm như thế, giáo dân tham dự sẽ chỉ như khán giả, rất thụ động. Tiệc Thánh, nay tập trung nơi cộng đoàn, có Chúa. Và khi ấy, vị linh mục có vai trò của chủ Tiệc. Ông là tụ điểm của hiệp nhất, qua đó cộng đoàn tụ tập nhau lại. Nhưng, chính cộng đoàn gồm cả linh mục và người tự Tiệc, đồng cử hành mừng Tiệc. Linh mục, chỉ là một trong các thành viên, thôi.

Ngày nay, các thừa tác viên cũng là người đem Mình thánh Chúa đến từng nhà, cho bệnh nhân. Kẻ liệt. Đây là cộng đoàn nối dài. Rất triển nở. Dù, các người anh/người chị của ta đang đau ốm, không thể đi đến bàn Tiệc, mà mừng kính. Nhưng, vẫn được xem là thành viên cộng đoàn, mỗi lần sẻ san Mình Chúa. Sẻ san như thế, giúp cộng đoàn ràng buộc vào với nhau. Hiệp thông cùng nhau. Nói cách khác, không chỉ mình Đức Giêsu đến với cộng đoàn, thôi. Mà, toàn thể cộng đoàn giáo xứ cùng nhau đến.

Hiểu biết như thế, ta lại sẽ hân hoan hát mừng tình cộng đoàn thân thương, mà cất tiếng:

“Ôi ơn đời mãi mãi,

Thoát thai theo đời vun xới.

Bao nhân tình thế giới

Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời.”

(Phạm Duy – Tạ Ơn Đời)

Đúng ra, phải tạ ơn Trời. Ơn người. Vì người và Trời, đã vun xới nhân tình thế giới. Để rồi, thế giới trở thành cộng đoàn tình thương, Chúa ở cùng. Mừng Lễ Mình Máu Chúa, là mừng tình cộng đoàn thân thương. Có cảm tạ. Rất như thế.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



Saturday 22 May 2010

“Chỉ một cây đàn nhỏ”,


Rất vu vơ, nhờ bài hát nói giùm.

Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu

Nên có một gã khờ, ngọng nghịu mãi thành câm.”

(Thơ Đỗ Trung Quân)

Ga 16: 12-15

Đàn nhỏ. Vu vơ. Nhờ bài hát. Gã khờ. Ngọng nghịu. Mãi thành câm. Câm hay khờ, người đời nào đã hiểu. Hiểu người đời. Đời người. Trăm năm. Nhà Đạo, lẽ nào hiểu được chuyện ngàn năm. Có Chúa. Có Cha. Có Thánh Thần. Đời đời một Đức Chúa. Rất Ba Ngôi.

Trình thuật nay, không chỉ bàn về tín lý khá trừu tượng. Lại cũng chẳng quả quyết phương trình phi lý 3=1. Ta không bảo: Chúa gồm 3 vị thần linh thánh ái là một Chúa. Nhưng chỉ nói: một Chúa có Ba Ngôi, mà thôi. Để hiểu chuyện này, nên tránh hai thái cực: đừng bứt óc/bứt tai tìm cách chứng minh sao lại thế. Và, chẳng nên bảo: là bí nhiệm, cũng chẳng nên tìm hiểu, để làm chi.

Là người, ta những muốn hiểu. Vẫn muốn tìm ý nghĩa của sự vật. Muốn biến niềm tin ta đang có, thành chuyện hữu lý. Dễ hiểu. Mặt khác, có nhiều thứ trong đời, hiểu không dễ. Dễ hay không, cũng không có nghĩa bảo rằng: ta chối bỏ sự thật hoặc hiện hữu của vật ấy. Ngay sự sống con người hoặc đời ta. Căn tính của ta, cũng thế. Cũng chỉ là những gì, ta chẳng bao giờ nắm bắt, rất trọn vẹn.

Thay vì thích thú với nền thần học bay lộn trên không hoặc lo âu về công thức chính thống, ta cũng nên đi vào tương quan với ba Đấng, qua đó Chúa tỏ hiện. Cho ta. Bài đọc 2, thánh Phaolô đã quả quyết: “Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5: 5) Đó mới là vấn đề, cần nắm giữ.

Cách nay nhiều thế kỷ, thánh Tôma Akinô từng quả quyết: “Hành động theo sau hiện hữu.” Điều này có nghĩa, là: hành xử của bất cứ ai, người hay vật, đều do vật hay người ấy đã có mặt trước đã, rồi mới tính. Ngược lại, ta có thể biết được người hay vật nào đó, do hành xử. Của họ. Và như thế, con người được đánh giá theo hành vi xử thế, của chính họ. Vật thể cũng thế. Ta không bao giờ thấy được nguyên tử. Nhưng, khoa học có thể quan sát đo lường đường đi nước bước của nguyên tử. Và từ đó, có thể diễn tả cho mọi người biết nguyên tử là gì.

Cũng thế, đôi khi ta nghe nói: khoa học có thể cất đi một số huyền thoại, khỏi cuộc sống. Khỏi sự thật. Và, khoa học có thể khám phá được nhiều thứ trong vũ trụ, dù ở mức độ nhỏ bé như nguyên tử hoặc bao la như giải ngân hà. Nhưng, khoa học càng khám phá càng thấy có nhiều bí hiểm. Trong cõi đời. Như cuộc sống của người đời, đầy những bí và hiểm. Bí và hiểm của chính mình. Hiểm và bí, về chính khám phá của mình. Nếu vũ trụ vật chất đã là bí hiểm, thì không lạ gì khi ta nhận ra rằng Đấng Tạo Thành vũ trụ không phải là không có những huyền nhiệm, to lớn hơn.

Điều cần, là: khi ta nói: Chúa Ba Ngôi là một huyền nhiệm, ta không bảo đó là mớ bòng bong khó lòng mà thẩm nhập. Khó, mà chấp nhận như công thức 3 là 1. Cụm từ “huyền nhiệm” nói ở Giao Ước, là nói về những gì khi xưa không ai biết. Nay tỏ bày/san sẻ cho nhóm dân con được chọn. Và thẻ gia nhập nhóm dân này, là niềm tin. Tin Cha. Tin Chúa. Tin rằng, Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến với ta, qua Đức Giêsu. Tin Thánh Linh, Đấng dạy dỗ dẫn dắt, hết mọi người. Ở đây. Bây giờ.

Thực tại thâm sâu của Ba Ngôi Chúa là điều ta khó lòng mà thẩm nhập. Nhưng vẫn được biết việc các Ngài làm. Nhờ hành xử của các Ngài, mà biết các Ngài là ai. Ngay phần thâm sâu. Biết các Ngài có tương quan với ta. Biết các Ngài là tất cả.

Cụm từ Persona (tiếng latinh) có từ tiếng Hy Lạp: prosopon là “chiếc mặt nạ” các diễn viên Hy Lạp đeo vào mỗi khi diễn tả vai kịch, mình đang đóng. Cũng như tục vẽ mặt của tuồng chèo Trung Quốc, là để cho khán giả biết nhân vật ấy là ai. Có vai trò gì. Tính khí thế nào. Xem thế, mặt nạ người diễn viên chứng minh vai trò và chức năng của nhân vật ấy.

Ba Ngôi Đức Chúa là để nói rằng: Đức Chúa có 3 “mặt” chỉ 3 vai trò và chức năng riêng biệt. Chúa đến với ta qua ba cung cách, hoàn toàn khác. Hội thánh đã phải mất đến vài thế kỷ mới diễn tả được điều này bằng ngôn ngữ thần học sâu xa. Cả ba “vai trò” của Thiên Chúa đều tỏ rõ trong Kinh Sách. Kinh và Sách, của người Do thái ở đời lẫn trong Đạo. Như, 3 bài đọc hôm nay đà chứng tỏ.

Ta coi Chúa như Mẹ Cha, Đấng Tạo Thành Trời đất. Ngài dựng nên sự sống. Và mọi hiện hữu do tuỳ Ngài. Cha là Đầu Hết và Cuối Hết. Của mọi sự. Của sự sống. Con, là nguồn gốc Chân lý. Tình Thương Yêu. Và, Thánh Linh Ngôi Ba, là cội nguồn của Tính Hiền Hậu. Xót thương. Gốc nguồn của Khôn Ngoan. Tâm can ta, chỉ tìm được nơi nghỉ ngơi ẩn náu, khi nào Ngài tìm đến náu ẩn. Nghỉ ngơi. Nơi ta, mà thôi. Đó là ý chính, mà bài đọc 1 muốn diễn tả.

Bài đọc 2, thánh Phaolô có thư gửi giáo đoàn Rôma, cho biết thêm về Tình yêu Chúa ban cho ta, qua Ngôi Con, là chính Đức Chúa. Ta nhận Đức Chúa Ngôi Con qua cương vị của Đức Giêsu Kitô, Đấng ta nhìn thấy. Đấng thể hiện Tình Yêu bằng xương bằng thịt. Cho thế gian. Tình yêu này, đạt chóp đỉnh qua sự kiện Ngài chịu khổ đau. Chết chóc. Phục sinh.

Qua Đức Giêsu, Vị Chúa Tể Càn Khôn Trong Sáng, ta hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hình hài. Bản chất của Ngài. Và đạt đến Ngài. Đức Giêsu thực hiện cây cầu nối kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là Vị Trưởng Tế. Người Dựng Cầu liên kết. Nhờ vào đó, Tình-Yêu-Chúa-làm-người, làm cho người người sờ được. Hiểu được Chúa. Được dấn bước đi theo. Bắt chước Ngài. Và, khi Ngài đạt chóp đỉnh thân phận làm người, ta sờ chạm được Đấng Thánh Thiêng, là chính Chúa.

Nhờ Thánh Thần, ta thấy được Chúa. Đấng dạy dỗ. Dẫn dắt. Ủi an. Thêm sức cho ta. Ta gặp Chúa, nhờ Thần Khí tác động nơi ta. Qua ta. Ngang qua mọi người. Ngài liên tục tác thành và tái tạo trời đất. Ngõ hầu, mọi sự trở nên mới. Thánh Thần Chúa còn được gọi là “Linh hồn của Hội thánh”. Không có Ngài là linh hồn, thì Hội thánh cũng chỉ là một cơ sở. Rất phàm trần. Vật chất.

Cuối cùng thì, cuộc sống của Chúa là sự sống được sẻ san. Là, quan hệ tương tác. Người với người. Nhờ đó, ta được mời đi vào với cuộc sống. Có sẻ san. San và sẻ, với Ba Ngôi là Một Chúa. Với mọi ngưòi. Với môi trường ta đang sống. Ta được gọi để tìm liên kết. Hài hoà. Ngay giữa lòng, đổi thay. Rối mù. Xem như thế, mỗi người trong ta đều là cộng đoàn. Nhiều nhân cách. Là tổng thể của tất cả mọi ngôi vị, đã và đang đi vào cuộc sống. Tư riêng. Của chính ta. Bắt đầu là cha mẹ. Thứ đến, là thành viên trong gia đình.

Thêm nữa, hình ảnh Ba Ngôi Đức Chúa còn là mức độ ta ở trong nhau. Với nhau, mà tương tác. Tương tác giữa bản thể. Tương tác, dù ta có sống kinh nghiệm từng trải về phân ly. Chia cách. Phân cách, ở chính mình. Phân cách, với mọi người. Nói cách khác, đó là xung đột nội tâm. Xung khắc ngoại tại. Tức, cội nguồn của đau buồn. Ly tan. Lo lắng.

Hãy cứ trở về cùng Đức Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn nhiều ngôi vị. Cộng đoàn rất san sẻ. Đồng đều. Bởi, chính vì thế mà ta được tạo thành. Tạo và thành, theo ảnh hình của Thiên Chúa Ba ngôi. Tạo và thành giống Chúa, nên ta được gọi về với thế gian. Rất hoà hoãn. Yên bình. Vui tươi.

Tiệc thánh hôm nay giúp ta nhớ đến nguyện cầu. Rất đúng nghĩa. Nguyện cầu, trong tương kính. Nguyện và cầu, để ta trở nên ảnh hình đích thực của Ba Ngôi Đức Chúa. Rất đích thực. Có Thánh giá, làm chuẩn đích. Có, dấu chỉ cùng dắt tay nhau đi vào nguyện cầu. Rất Ba Ngôi. Nguyện cầu, có thánh giá là dấu hiệu của huyền nhiệm cứu chuộc. Rất Ba Ngôi.

Trong tinh thần hăng say nguyện cầu, trong ca hát, ta cùng nhau cất tiếng hoan ca, mà rằng:

“Ta ước mơ, một chiều thêu nắng,

Anh đến chơi, quên niềm cay đắng.

…và quên đường về… đường về.”

(Tô Vũ – Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

Thăm anh. Thăm em. Một chiều nắng mưa. Ưa nguyện cầu, ngày Chúa tỏ lộ Tình Yêu Ba Ngôi. Để rồi, em và anh, ta san sẻ Sự thật và Tình Yêu ấy, cho mọi người. Suốt đời. Có thế mới thực hiện đúng tinh thần ngày mừng Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời. Một niềm vui.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com


Saturday 15 May 2010

“Tôi trở lại đây, đứng đợi mong”

Hương xưa tìm lại, phấn xuân hồng.

Người đâu? Còn lại hoa đào đó,

Cười cợt vô tình, với gió đông.


(Thơ Vương Ngọc Long)

Ga 20: 19-23

Sống ở đời, người người chỉ những đợi và mong. Mong đợi người xưa. Hương cũ. Có xuân hồng. Hoa đào cời cợt, trước gió Đông. Dân con nhà Đạo cũng từng mong. Và đợi rất nhiều ngày. Đợi Thánh Thần, đến với mọi người. Ngài đến, để đổ tràn ân sủng, như trình thuật rày vẫn kể.

Trình thuật, thánh Gioan kể là kể về ngày Thánh Thần Chúa đến với muôn dân. Vào Chủ nhật Phục Sinh. Ấy là lúc, trước khi Chúa về với Cha. Lúc, Ngài ban Thần Khí đến với môn đồ và trao cho các thánh, sứ vụ rao giảng, ngay tức thì. Đó là theo trình thuật, của thánh Gioan. Còn bài đọc 1, theo sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca viết: “Thần Khí đến vào ngày Ngũ Tuần”. Hai trình thuật diễn kể theo hai cách. Cách nào cũng nói về một thực tại. Đọc Sách Thánh, cũng đừng nên hiểu từng chữ. Bởi, thời gian và nơi chốn, không là chuyện quan trọng. Hàng đầu.

Với trình thuật, ngày “thứ nhất trong tuần”, là Chủ nhật sau Thứ Sáu Thánh, ngày Chúa Sống Lại. Tức, Chúa nhật Phục Sinh. Lúc ấy, đồ đệ Chúa hồn vía lên mây, rất lo sợ. Đã “cổng đóng then cài”. Đã gài chốt kỹ. Các ngài rất lo bị bắt giữ. Hành hạ. Bỗng, Thầy Chí Thánh hiện diện, ở với các ngài. Thầy chào hỏi lời “Shalom” thông thường, người Do thái. Nhưng, đây mang ý nghĩa đậm sâu một lời chúc:“Bình an cho anh em!” (Ga 20: 19).Tức, bảo rằng: hễ có Chúa hiện diện, là có bình an.

Vì thế nên, hai đặc thù nối liền sự hiện diện của Đức Chúa với cuộc sống, của mỗi người chúng ta, đó là: sự an bình và niềm hoan lạc. Chính vì thế, ta biết thêm: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20: 21), như thế có nghĩa: gậy tiếp sức đã trao. Và, ta có sứ vụ để nhận lãnh. Gậy tiếp sức, nay truyền từ đồ đệ Chúa, là: thiết dựng Nước Trời. Ở nơi đây. Chốn đời này.

Nay, Chúa thổi hơi thở sự sống vào đồ đệ. Tiếng Hy Lạp, cụm từ “Hơi thở” và “Thần khí”, cùng một nghĩa. Thở vào người, làm người người nhớ sự kiện Thiên Chúa cũng đã thở “Sự sống” vào cõi bụi mù. Và từ đó, đem người đầu tiên đi vào hiện hữu. Rất sống thực.

Hôm nay, lại cũng có loại hình tạo dựng cuộc sống. Tạo dựng mới, là tái tạo đồ đệ vào với “con người mới”. Con người, mà thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi cộng đoàn Côrintô, có ý bảo: “người mới” là con người tràn đầy Thần Khí. Nay, được Chúa uỷ thác tiếp tục sứ vụ của Ngài.

Sứ vụ thành người mới, là như sau:“Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20: 23) Nói khác đi, việc của đồ đệ Chúa nay là: hoà giải. Hoà và giải giữa con người với Đức Chúa. Hoà và giải, giữa các người anh/người chị, con cùng Cha. Hoà giải đây, là: chữa lành mọi thương tật. Mọi hình thức của rẽ chia. Là, việc của Nước Trời. Một sứ vụ Chúa trao ban. Cho ta.

Lâu nay, Hội thánh dùng Lời Chúa dạy, để thiết lập Bí Tích Hoà giải. Nhưng, Lời Chúa còn đi xa hơn. Như bài đọc 1, nói rõ. Nhiều vị coi Lời Ngài đây như ý nghĩa của một hành trình về với Đất Hứa. Hầu giúp ta nhớ về sự kiện Chúa giải phóng dân được chọn. Giải phóng, khỏi cảnh nô lệ. Đoạ đày. Ai Cập.

Ở đây nữa, giải phóng - giải hoà bao gồm những yếu tố đặc thù, như:

a) Có sức mạnh như gió thổi Thần Khí đến, mà Tin Mừng thánh Gioan gọi là “Hơi thở”.

b) Có cả lửa –theo hình thức lưỡi- đáp trên mỗi vị. Ở đó. Cũng tương tự trình thuật Sách Xuất Hành chỉ về quyền uy sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa. Ở đây, ta nhớ đến bụi gai bừng cháy, qua đó Thiên Chúa sai Môsê đến với dân của Ngài. Trình thuật, gợi nhớ về cột lửa về đêm từng theo chân dẫn dắt người Do thái kinh qua sa mạc. Để họ hiểu, rằng: mình không đơn độc.

Việc Chúa xử sự với đồ đệ, nay đưa đến một kết quả. Tức, người người được nghe và hiểu Sứ điệp Ngài gửi đến. Sứ điệp ấy, nay đạt phần sâu thẳm nơi tâm can mọi người. Nói cách khác, ta sẽ bảo:“Tâm can ta không tìm ra nơi an nghỉ, cho đến khi chúng nghỉ an nơi Ngài.” Kể từ nay, không riêng một dân nào được gọi là Dân Được Chọn. Nhưng, tất cả, là người của Chúa. Tất cả, đều được Chúa kêu mời. Kêu và mời, vào với Vương Quốc Nước Trời. Không cần đăng ký.

Vậy, đâu là hệ quả của việc Thần Khí Chúa đi vào đời ta? Bài đọc 2, diễn tả rất chí lý. Trước nhất, thánh Phaolô nói: ta không thể gọi Đức Giêsu là “Chúa”, nếu không có Thần Khí của Ngài soi sáng. Gọi Ngài là Chúa, không đơn giản là: chỉ lập đi lập lại những lời kinh. Rất sốt sắng. Nhưng, phải có niềm tin rất thực. Tin, Đức Giêsu là ai. Lấy gì làm bằng chứng? Và, câu trả lời, nằm ở nơi cung cách ta vẫn sống. Hàng ngày.

Thứ đến, Thần Khí Chúa là cội nguồn mọi ân huệ. Mọi đặc sủng. Là, những gì cộng đoàn Nước Trời nhận lãnh. Nguồn cội mọi ân sủng, chính là: Thần Khí. Là, Đấng kết hợp mọi người nhận trong cộng đoàn. Nhưng, quà đặc sủng cũng có nhiều loại. Nên nhớ, đặc sủng không được trao ban như một đặc ân riêng lẻ. Cho ai đó. Người nào. Thế nên, ta cũng nên chung lòng sử dụng quà đặc sủng để dựng xây cộng đoàn, mình chung sống.

Về phần lượng, thì ta tuy có số đông. Nhưng, nhờ có Thần Khí, ta vẫn trở nên cùng một thân mình. Thân và Mình của Đức Chúa. Thân và Mình, như “Thân xác con người chỉ là một, nhưng có nhiều bộ phận.” Và như thế, ta hợp chung làm việc cho một đơn vị duy nhất, là: Thân Mình Chúa. Cùng góp phần riêng tư/khác biệt cho sự sống. Cho cộng đoàn. Như thánh Phaolô, quả quyết: “Tất cả chúng ta, dù là Do thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả được tràn đầy một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12: 13)

Thần Khí, là đường lối tự do. Là, giải phóng. Ngài, không là đường lối của nô lệ. Bức bách. Tệ nạn. Hoặc, tham lam. Hãi sợ. Nhờ Thần Khí, ta mới có tương quan mật thiết, với Chúa. Nhờ Thần Khí, ta mới được phép gọi Ngài bằng “Cha”. Tiếng gọi rất thân mật. Nhờ có Ngài, ta mới đích thực là con Chúa. Rất đúng nghĩa. Và như thế, ta là ảnh hình của Chúa. Rất đích thật.

Thần Khí Chúa, làm ta nên đồng-thừa-tự với Đức Kitô. Cùng chịu khổ với Ngài. Để rồi, cùng hưởng vinh quang với Ngài. Khổ cực, không dấy lên từ những gò bó, của tự do. Nhưng, nhờ quyết tâm trọn vẹn. Có sự thật. Tình yêu. Có tự do và phẩm giá đích thực, ta sẽ trả bất cứ giá nào, để nếu cần, sẽ cống hiến trọn đời mình. Bởi, nếu không, chẳng ai thực sự hưởng sướng vui. Hạnh phúc.

Giờ thì, ta hãy trải rộng Thần Khí. Giờ thì, bằng vào lời và gương tốt lành, ta mời gọi mọi người hãy đến mà sẻ san. Như đã thấy, sau khi được Thần Khí đến với mình, các đồ đệ không ở lại căn phòng lúc trước, để hưởng thụ những gì được ban. Nhưng, đã ra đi về với thế giới. Ra đi, để công bố cho mọi người biết: Chúa thương yêu hết mọi người. Chúa muốn người người trải nghiệm tình thương Ngài ban cho. Ngài muốn mọi người được giải thoát. Khỏi thân xác tù đày. Huỷ hoại. Để vươn lên với Thần Khí đang nở rộ. Đang phấn kích hết mọi người.

Trong tinh thần nhận đón niềm hứng khởi, rất phấn kích, ta hát lên lời ca vang rất mừng, rằng:

“Anh ơi yêu đi, yêu đi.

Trên đỉnh yêu thương, gió thoảng thêm hương.”

(Trần Thiện Thanh – Trên Đỉnh Mùa Đông)

Đỉnh yêu thương đó. Có, Thần Khí Có Chúa ở cùng. Chắc chắn, mọi người/mọi vật đều hanh thông. Vui cười. Hạnh phúc. Hạnh rất phúc, có hương xưa. Xuân hồng. Người cười với gió đông.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 8 May 2010

“Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa.”


Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.”

(thơ Xuân Diệu)


Lc 24: 46-53


Dáng thu xa, mây lặng vào trưa. Mưa tạnh. Chiều tà. Vẫn cứ là cảnh huống, của tình đời. Nhiều mây trôi. Tình nhà Đạo từ hôm ấy đến nay, vẫn không là cảnh tình người ở lại. Có gió thầm. Mây lặng lẽ. Nhìn Thầy ra đi. Thầy đi, Thầy sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với mọi người. Dù ngoài Đạo. Như trình thuật rày vẫn kể, để ta hay biết.


Trình thuật hôm nay, thánh Luca diễn trình hai sự kiện thoạt xem có hơi khác lạ. Khá nghịch thường. Trình thuật kể việc Chúa Phục Sinh hiện đến với môn đồ Ngài, ở phòng trên. Sự kiện xảy đến sau khi hai đồ đệ trên đường Emmau gặp Chúa, đã trở về. Đó là Chúa Nhật Phục Sinh. Chừng như, cùng ngày hôm ấy, Chúa đem môn đệ Ngài đến Bêtania (ngoài ô thành thánh Giêrusalem). Và từ đó, Ngài về với Cha. Vậy, phải chăng Chúa thăng thiên vào Chủ Nhật?


Sách Công vụ, cũng do thánh Luca viết, lại nói về sự kiện Chúa hiện đến với các môn đệ, vào 40 ngày sau khi Ngài gặp các tông đồ. Và lúc ấy, Ngài nói về Vương Quốc của Chúa. Chỉ sau đó, tức 6 tuần sau Phục Sinh, vào lúc “có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. (Cv 1: 9). Nếu vậy, trình thuật nào khiến ta tin là đúng?


Về thời gian, ta có thể đưa mầu nhiệm Thăng thiên vào ngày Thứ Sáu thánh, có Tin Mừng thánh Gioan ghi: “Phần Tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi." (Ga 12: 32). Cụm từ “giương cao” có thể áp dụng vào trường hợp Chúa bị “giương cao” trên khổ giá. Nhưng, cũng có thể, Chúa được cất nhắc vào cuộc sống mới. Cuộc sống vinh quang, với Cha Ngài.


Có điều là, phân tích trình thuật về thời-gian-tính, không có nghĩa là ta sẽ làm cho người đọc thêm thắc mắc. Hoặc, bối rối. Nhưng, làm thế để nói rằng: mỗi khi đọc trình thuật kể về các chuyện xảy ra sau ngày Chúa Phục Sinh, ta cũng nên cẩn trọng. Đừng diễn giải. Bởi, đọc trình thuật thánh sử, nên tránh “đọc từng chữ”; hoặc, đọc theo cách chính thống. Triệt để. Đọc, như giáo lý viên trọng tuổi, xưa làm thế. Điều cần thiết, không ở những gì được viết, mà là ý đậm sâu về: điều được viết.


Về việc này, cũng nên áp dụng vào ý niệm Chúa Thăng thiên. Chúa về với Cha, ta không nên hiểu nghĩa đen, mà bảo: đích thị là Chúa bay lên trời. Hiểu thế, sẽ lôi kéo theo nhiều câu hỏi khác. Rất nực cười, như:”Thế, Chúa bay cao đến cỡ nào? Muốn lên trời, phải mất bao nhiêu ngày giờ? Trời là đâu thế? Có phải trên chóp bu thành Giêrusalem không? Người ở xa, làm sao đến? vv...


Thật sự thì, Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, kinh qua thống khổ. Có, nỗi chết. Có, Phục Sinh. Thăng Thiên. Có, Thần Khí Chúa đến. Kết hợp làm thành thực tại, ta không thể đả phá. Mà, chỉ có thể hiểu, bằng niềm tin. Thương yêu. Nếu Sách thánh nói: Chúa thực sự đã chết đi. Chúa đã Phục Sinh, có nghĩa là: Ngài vẫn sống. Thì, Thăng Thiên là sự kiện Chúa muốn thêm, là: Đức Giêsu Phục Sinh nay về lại với Cha, trong vinh quang.


Bài đọc chọn lựa từ thư thánh Phaolô gửi giáo hữu người Do thái, đã mô tả kinh nghiệm “Về Trời” theo ngôn ngữ của Thánh Kinh. Có văn phong Cựu Ước. Có, Đức Giêsu Kitô đích thực và duy nhất là Thượng Tế Cao Cả. Không như vị chủ tế ở đền thờ, bước vào cung thánh do người phàm dựng, thì Đấng Thánh Hiền của mọi thánh đi thẳng vào chốn hiện hữu thánh thiêng của Thiên Chúa, Đấng đại diện cho ta. Cũng không như vị chủ trì buổi lễ tế, mỗi năm tiến vào đền thánh, cũng có mang máu đến, nhưng không phải là máu của chính mình, mà của loài thú. Bằng không, Chúa sẽ cứ phải chịu khổ nhục mãi, thay cho ta.


Nay Đức Giêsu về với Cha một lần là mãi mãi, để cất đi mọi sơ suất/lỗi phạm của riêng ta. Ngài cất đi, bằng sự hy sinh của chính Ngài. Bằng chính máu thánh, của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ bước vào cung thánh mà thôi, nhưng Ngài còn mở ngỏ cung thánh có Thiên Chúa hiện diện, ngõ hầu đổ tràn nơi ta, máu thánh của Ngài. Máu hy sinh. Thân mình Ngài. Được máu tẩy rửa, lại có tính chất trinh trong của nước thanh tẩy; có trọn vẹn niềm tin, quyết tế hiến trọn mình cho Đức Giêsu, ta mới có thể đạt đến Chúa. Đạt, với niềm tin tưởng, là: Ngài sẽ nhận đón ta, về với Ngài.


Việc cần làm, là: khi Đức Giêsu rời nơi ta bằng xương thịt/thể xác, Ngài vẫn trông đợi là ta sẽ tiếp tục công việc Ngài từng làm. Là, ta sẽ làm những việc Ngài từng thực hiện. Cả những việc lớn lao, là: quay về với Giêrusalem. Về đó, mà đợi/mà chờ Thánh Thần Chúa, ngự đến. Thánh Thần Ngài đến vào Lễ Ngũ Tuần. Có phép Rửa thực thụ bằng Thần Khí của Ngài. Có bài sai, là: hãy tiếp công cuộc mục vụ Ngài khởi phát.


Như Chúa nói, mãi đến ngày ấy, đồ đệ Chúa mới hiểu chút ít về sứ vụ, của Đức Chúa. Cũng như ta. Hôm nay, các thánh vẫn cứ nói và cứ hỏi, chuyện trần gian. Hỏi rằng:“Thưa Thầy, có phải giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1: 7) Hỏi thế, cả sau khi nghe và thấy việc Chúa làm, đầu óc các ngài vẫn chật hẹp. Gò bó. Quanh quẩn, với mộng yêu nước. Yêu thể chế. Oái ăm thay, câu trả lời vẫn không là chữ “”, thật rõ nghĩa. Rất xác định. Không rõ, như cung cách các ngài thường suy.


Và do bởi, các ngài được nhận lãnh Thần Khí Chúa ở nơi mình, thế nên, đồ đệ Chúa nay là những vị khởi đầu dựng xây Vương Triều của Chúa. Vương Triều này, không chỉ xảy đến với Israel, ở Giêrusalem. Ở Giuđêa, thôi. Nhưng, cả vào lúc xẩy đến ngày thế tận, của trái đất. Phải chi, các ngài được thấy tận mắt thành quả mà các ngài khởi đầu! Khởi đầu sự việc trao cho các ngài, và cho ta; là: truyền đạt sứ điệp Chúa rao báo, cho thế gian.


Trình thuật kể: trong lúc Đức Giêsu còn đang nói, thì này có đám mây vần vũ quyện phủ mình Ngài. Và, Chúa được cất nhắc khỏi tầm nhìn của những người đang chứng kiến. Mây quyện phủ, là dấu hiệu cho thấy Chúa hiện diện. Sách Công vụ còn kể:“Và, đang lúc các ông còn đứng đó mà nhìn ngắm, phía bầu trời”, bỗng hai “thần sứ” xuất hiện, bảo rằng:“Hỡi những người Galilê, sao còn đứng đó mà nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước về trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy lúc Người ra đi.” (Lc 1: 11)


Thật ra, các thánh sẽ không tìm ra Đức Giêsu ở nơi đó, chốn “bầu trời” hay “thiên đàng” ấy nữa. Bởi, như bài thánh vịnh cho thấy: các thánh đang “hướng tầm mắt về phía dưới”. Để mà về lại Giêrusalem, chốn thành thánh của Đức Chúa. Chính lúc ấy, các thánh sẽ được thấy và được gặp Đức Giêsu, Thầy mình. Đấng, đang hiện diện từ nơi các ngài. Bên trong các ngài.

Các thánh cũng như ta, bằng vào lời nói và hành vi, vẫn mang trọng trách “đi đi mà kể lại”. Kể, về cuộc sống của Chúa. Đấng từng chịu khổ nhục, cho đến chết. Và, Ngài đã Sống lại. Các thánh và cả chúng ta nữa, cũng sẽ “đi đi mà kêu gọi” mọi người hãy triệt để hồi hướng. Trở về. Về, để thứ tha mọi lỗi lầm của chính mình. Thứ tha, ngang qua hoà giải mật thiết với Chúa. Với các người anh/người chị, ở trần gian. Với trần thế, nơi mình đang sống. Mình là thành viên.


Lễ hội Về Trời, hôm nay, uỷ thác cho mỗi người trong ta, trọng trách ấy. Trọng và trách, là “đi đi mà thực hiện” ý nghĩa của Hội Lễ, rất trang trọng.


Trong khí thế thực hiện điều được uỷ thác, ta lại cứ hân hoan ra đi cùng ca hát. Hát rằng:

“Không quên lời xưa đã ước thề,

dâng cả đời trai với sa trường.

Nam nhi cổ lai chinh chiến hề,

nào ai ngại gì vì gió sương.”

(Phạm Đình Chương – Ai Đi Chiến Dịch)

Ước thề, lời xưa đi chiến dịch. Không hẳn là chiến dịch, nhiều chinh chiến. Vẫn có thể, là những chiến và dịch của sứ vụ mở ra, với Lời của Chúa. Lời của Thánh Thần Chúa, ngày Ngài ra đi. Ngày, Thần Khí Chúa lại đến. Hôm nay. Và, lai thời. Nơi, có “không gian đụng thời gian”, rất Nước Trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)