Saturday, 8 May 2010

“Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa.”


Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.”

(thơ Xuân Diệu)


Lc 24: 46-53


Dáng thu xa, mây lặng vào trưa. Mưa tạnh. Chiều tà. Vẫn cứ là cảnh huống, của tình đời. Nhiều mây trôi. Tình nhà Đạo từ hôm ấy đến nay, vẫn không là cảnh tình người ở lại. Có gió thầm. Mây lặng lẽ. Nhìn Thầy ra đi. Thầy đi, Thầy sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với mọi người. Dù ngoài Đạo. Như trình thuật rày vẫn kể, để ta hay biết.


Trình thuật hôm nay, thánh Luca diễn trình hai sự kiện thoạt xem có hơi khác lạ. Khá nghịch thường. Trình thuật kể việc Chúa Phục Sinh hiện đến với môn đồ Ngài, ở phòng trên. Sự kiện xảy đến sau khi hai đồ đệ trên đường Emmau gặp Chúa, đã trở về. Đó là Chúa Nhật Phục Sinh. Chừng như, cùng ngày hôm ấy, Chúa đem môn đệ Ngài đến Bêtania (ngoài ô thành thánh Giêrusalem). Và từ đó, Ngài về với Cha. Vậy, phải chăng Chúa thăng thiên vào Chủ Nhật?


Sách Công vụ, cũng do thánh Luca viết, lại nói về sự kiện Chúa hiện đến với các môn đệ, vào 40 ngày sau khi Ngài gặp các tông đồ. Và lúc ấy, Ngài nói về Vương Quốc của Chúa. Chỉ sau đó, tức 6 tuần sau Phục Sinh, vào lúc “có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. (Cv 1: 9). Nếu vậy, trình thuật nào khiến ta tin là đúng?


Về thời gian, ta có thể đưa mầu nhiệm Thăng thiên vào ngày Thứ Sáu thánh, có Tin Mừng thánh Gioan ghi: “Phần Tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi." (Ga 12: 32). Cụm từ “giương cao” có thể áp dụng vào trường hợp Chúa bị “giương cao” trên khổ giá. Nhưng, cũng có thể, Chúa được cất nhắc vào cuộc sống mới. Cuộc sống vinh quang, với Cha Ngài.


Có điều là, phân tích trình thuật về thời-gian-tính, không có nghĩa là ta sẽ làm cho người đọc thêm thắc mắc. Hoặc, bối rối. Nhưng, làm thế để nói rằng: mỗi khi đọc trình thuật kể về các chuyện xảy ra sau ngày Chúa Phục Sinh, ta cũng nên cẩn trọng. Đừng diễn giải. Bởi, đọc trình thuật thánh sử, nên tránh “đọc từng chữ”; hoặc, đọc theo cách chính thống. Triệt để. Đọc, như giáo lý viên trọng tuổi, xưa làm thế. Điều cần thiết, không ở những gì được viết, mà là ý đậm sâu về: điều được viết.


Về việc này, cũng nên áp dụng vào ý niệm Chúa Thăng thiên. Chúa về với Cha, ta không nên hiểu nghĩa đen, mà bảo: đích thị là Chúa bay lên trời. Hiểu thế, sẽ lôi kéo theo nhiều câu hỏi khác. Rất nực cười, như:”Thế, Chúa bay cao đến cỡ nào? Muốn lên trời, phải mất bao nhiêu ngày giờ? Trời là đâu thế? Có phải trên chóp bu thành Giêrusalem không? Người ở xa, làm sao đến? vv...


Thật sự thì, Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, kinh qua thống khổ. Có, nỗi chết. Có, Phục Sinh. Thăng Thiên. Có, Thần Khí Chúa đến. Kết hợp làm thành thực tại, ta không thể đả phá. Mà, chỉ có thể hiểu, bằng niềm tin. Thương yêu. Nếu Sách thánh nói: Chúa thực sự đã chết đi. Chúa đã Phục Sinh, có nghĩa là: Ngài vẫn sống. Thì, Thăng Thiên là sự kiện Chúa muốn thêm, là: Đức Giêsu Phục Sinh nay về lại với Cha, trong vinh quang.


Bài đọc chọn lựa từ thư thánh Phaolô gửi giáo hữu người Do thái, đã mô tả kinh nghiệm “Về Trời” theo ngôn ngữ của Thánh Kinh. Có văn phong Cựu Ước. Có, Đức Giêsu Kitô đích thực và duy nhất là Thượng Tế Cao Cả. Không như vị chủ tế ở đền thờ, bước vào cung thánh do người phàm dựng, thì Đấng Thánh Hiền của mọi thánh đi thẳng vào chốn hiện hữu thánh thiêng của Thiên Chúa, Đấng đại diện cho ta. Cũng không như vị chủ trì buổi lễ tế, mỗi năm tiến vào đền thánh, cũng có mang máu đến, nhưng không phải là máu của chính mình, mà của loài thú. Bằng không, Chúa sẽ cứ phải chịu khổ nhục mãi, thay cho ta.


Nay Đức Giêsu về với Cha một lần là mãi mãi, để cất đi mọi sơ suất/lỗi phạm của riêng ta. Ngài cất đi, bằng sự hy sinh của chính Ngài. Bằng chính máu thánh, của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ bước vào cung thánh mà thôi, nhưng Ngài còn mở ngỏ cung thánh có Thiên Chúa hiện diện, ngõ hầu đổ tràn nơi ta, máu thánh của Ngài. Máu hy sinh. Thân mình Ngài. Được máu tẩy rửa, lại có tính chất trinh trong của nước thanh tẩy; có trọn vẹn niềm tin, quyết tế hiến trọn mình cho Đức Giêsu, ta mới có thể đạt đến Chúa. Đạt, với niềm tin tưởng, là: Ngài sẽ nhận đón ta, về với Ngài.


Việc cần làm, là: khi Đức Giêsu rời nơi ta bằng xương thịt/thể xác, Ngài vẫn trông đợi là ta sẽ tiếp tục công việc Ngài từng làm. Là, ta sẽ làm những việc Ngài từng thực hiện. Cả những việc lớn lao, là: quay về với Giêrusalem. Về đó, mà đợi/mà chờ Thánh Thần Chúa, ngự đến. Thánh Thần Ngài đến vào Lễ Ngũ Tuần. Có phép Rửa thực thụ bằng Thần Khí của Ngài. Có bài sai, là: hãy tiếp công cuộc mục vụ Ngài khởi phát.


Như Chúa nói, mãi đến ngày ấy, đồ đệ Chúa mới hiểu chút ít về sứ vụ, của Đức Chúa. Cũng như ta. Hôm nay, các thánh vẫn cứ nói và cứ hỏi, chuyện trần gian. Hỏi rằng:“Thưa Thầy, có phải giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1: 7) Hỏi thế, cả sau khi nghe và thấy việc Chúa làm, đầu óc các ngài vẫn chật hẹp. Gò bó. Quanh quẩn, với mộng yêu nước. Yêu thể chế. Oái ăm thay, câu trả lời vẫn không là chữ “”, thật rõ nghĩa. Rất xác định. Không rõ, như cung cách các ngài thường suy.


Và do bởi, các ngài được nhận lãnh Thần Khí Chúa ở nơi mình, thế nên, đồ đệ Chúa nay là những vị khởi đầu dựng xây Vương Triều của Chúa. Vương Triều này, không chỉ xảy đến với Israel, ở Giêrusalem. Ở Giuđêa, thôi. Nhưng, cả vào lúc xẩy đến ngày thế tận, của trái đất. Phải chi, các ngài được thấy tận mắt thành quả mà các ngài khởi đầu! Khởi đầu sự việc trao cho các ngài, và cho ta; là: truyền đạt sứ điệp Chúa rao báo, cho thế gian.


Trình thuật kể: trong lúc Đức Giêsu còn đang nói, thì này có đám mây vần vũ quyện phủ mình Ngài. Và, Chúa được cất nhắc khỏi tầm nhìn của những người đang chứng kiến. Mây quyện phủ, là dấu hiệu cho thấy Chúa hiện diện. Sách Công vụ còn kể:“Và, đang lúc các ông còn đứng đó mà nhìn ngắm, phía bầu trời”, bỗng hai “thần sứ” xuất hiện, bảo rằng:“Hỡi những người Galilê, sao còn đứng đó mà nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước về trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy lúc Người ra đi.” (Lc 1: 11)


Thật ra, các thánh sẽ không tìm ra Đức Giêsu ở nơi đó, chốn “bầu trời” hay “thiên đàng” ấy nữa. Bởi, như bài thánh vịnh cho thấy: các thánh đang “hướng tầm mắt về phía dưới”. Để mà về lại Giêrusalem, chốn thành thánh của Đức Chúa. Chính lúc ấy, các thánh sẽ được thấy và được gặp Đức Giêsu, Thầy mình. Đấng, đang hiện diện từ nơi các ngài. Bên trong các ngài.

Các thánh cũng như ta, bằng vào lời nói và hành vi, vẫn mang trọng trách “đi đi mà kể lại”. Kể, về cuộc sống của Chúa. Đấng từng chịu khổ nhục, cho đến chết. Và, Ngài đã Sống lại. Các thánh và cả chúng ta nữa, cũng sẽ “đi đi mà kêu gọi” mọi người hãy triệt để hồi hướng. Trở về. Về, để thứ tha mọi lỗi lầm của chính mình. Thứ tha, ngang qua hoà giải mật thiết với Chúa. Với các người anh/người chị, ở trần gian. Với trần thế, nơi mình đang sống. Mình là thành viên.


Lễ hội Về Trời, hôm nay, uỷ thác cho mỗi người trong ta, trọng trách ấy. Trọng và trách, là “đi đi mà thực hiện” ý nghĩa của Hội Lễ, rất trang trọng.


Trong khí thế thực hiện điều được uỷ thác, ta lại cứ hân hoan ra đi cùng ca hát. Hát rằng:

“Không quên lời xưa đã ước thề,

dâng cả đời trai với sa trường.

Nam nhi cổ lai chinh chiến hề,

nào ai ngại gì vì gió sương.”

(Phạm Đình Chương – Ai Đi Chiến Dịch)

Ước thề, lời xưa đi chiến dịch. Không hẳn là chiến dịch, nhiều chinh chiến. Vẫn có thể, là những chiến và dịch của sứ vụ mở ra, với Lời của Chúa. Lời của Thánh Thần Chúa, ngày Ngài ra đi. Ngày, Thần Khí Chúa lại đến. Hôm nay. Và, lai thời. Nơi, có “không gian đụng thời gian”, rất Nước Trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: