Saturday 31 December 2016

Hãy cứ vui đi, dẫu một ngày



Suy Tư Tin Mừng lễ Hiển Linh năm A 08/01/2017
Tin Mừng: (Mt 2: 1-12)
Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời."

Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Hãy cứ vui đi, dẫu một ngày
Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày
Dẫu phần ba phút, góc tư giây
Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp
Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.
(Dẫn nhập từ thơ Nguyễn Bính)

Hãy vui đi, dù bạn có là nàng thơ, tạo nguồn hứng khởi cho thi sĩ. Hay chỉ là trai ngoan xứ Đạo nghèo. Vẫn cứ vui đi. Vui, vì Đức Chúa Nhân Hiền nay đà tỏ hiện. Ngài hiển hiện thân phận Đấng Mêsia giáng hạ làm người, với mọi người. Ngài hiển hiện với dân con nhà Đạo, là chuyện đã đành. Nhưng, còn đến cả với những người ở ngoài nữa, mới đáng vui. Vui đi bạn hỡi. Hãy vui, mà cử hành tiệc thánh. Tiệc agapè ngày Chúa hiển hiện, rất nên làm.

Tiệc Chúa Hiển Linh ta cử hành hôm nay, là để mừng sự kiện thứ hai trong bốn sự kiện mà Đức Chúa tỏ lộ cho hết mọi người, ở dưới thế. Tiệc thánh Hiển Linh hôm nay, ta còn mừng kính, chứng giám cuộc tỏ hiện rất linh thiêng, thần thánh, cho muôn nước. Trước nhất, cho đám trẻ thơ nghèo hèn; giới “lang bạt kỳ hồ” chăn dắt chiên hiền, ngày Chúa đến.

Tiệc Hiển Linh, là tiệc dài trong đó ta nhận ra thân phận Đức Chúa, từ Trời cao đã giáng hạ làm người. Ngài giáng hạ với con người trần thế, ngay từ buổi đầu hành trình Nhập Thể. Hành trình yêu thương cứu độ, được ghi rõ nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật Xuân Cứu độ hôm nay, thánh Mat-thêu ghi lại truyện kể về đoàn đạo sĩ từ phương xa vời vợi, ở trời Đông. Theo các nhà thần học ở Châu Á, như Linh mục Aloysius Pieris, thì có thể: các đạo sĩ hiền đến viếng Hài Nhi từ nơi xa như các nước Ba Tư, Đông Syria hoặc Ả Rập Sauđi… Nhưng, có điều chắc chắn: họ không phải là nhân sĩ địa phương dõi theo ánh sao đêm để ghé thăm Hài Nhi, Con Thiên Chúa.

Về các đạo sĩ dõi ánh sao đêm, nhiều học giả định rằng: chắc đó là sao chổi hoặc sao băng, vừa loé sáng. Hoặc, ít nhất cũng là do có sự ma sát giữa các vì sao, rất “ấn tượng”. Ấn tượng nhất, là đối với các vị chiêm tinh nhìn ngắm sao đêm, tìm điềm lóe sáng. Nói gì đi nữa, tưởng cũng không thể nào thuyết phục được nhiều người. Sao lại có người thích cất bước dõi ánh theo sao dẫn đường? Bởi, sao đêm dù có di chuyển hay đứng im một chỗ, thì lúc nào sao ấy cũng ở trên đầu người, nơi xa tít mù tắp trên ấy. Đúng hơn, “sao lạ” lóe ánh ở đây, chỉ là biểu tượng nói lên: lằn sáng chợt loé cốt tượng trưng cho Giê-su Đức Chúa, Đấng luôn là Ánh Sáng dẫn đường cho toàn thể “dân gian vũ trụ”.

Đề cập đến “sao lạ” hoặc “ánh sao dẫn đường”, thánh sử Mat-thêu không nói về khoa học thiên văn hoặc chiêm tinh, sáng chói. Nhưng, với bối cảnh ngôn từ được sử dụng trong Kinh Thánh, ánh sao đêm hay lằn sáng lóe lên ở đây cốt để diễn tả: Đức Chúa, qua con người của Đức Giê-su, đã rời bỏ vũ trụ thần thiêng các thánh để đến với con người, nơi trần thế. Mỉa mai thay, các vị thượng tế, thông luật thời đó, dù đã biết rõ Đấng Thiên Sai từ đâu đến, vẫn chẳng thiết tha tìm đến mà thờ lạy chiêm bái Ngài.

Dân con nhà Đạo ở Do Thái hay nơi nào khác, cũng thế. Vẫn, cứ để “người dưng khác họ” sống ở ngoài, như Vua Hê-rô-đê, hoặc các đạo sĩ hiền, tìm đến với Chúa. Dù mỗi người tìm Ngài với mục đích khác nhau. Kẻ thì truy tìm để trừ khử, như Hêrôđê đã quyết. Người thì chỉ mong được yết bái lạy thờ, như các đạo sĩ hiền lành kia.          

Đạo sĩ hiền đến yết bái thờ lạy, đã tặng trao những là: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Mỗi phẩm vật, dâng lên đều nhắc nhớ điều được báo trước ở bài đọc thứ nhất: “Tất cả những người từ Sơ-Va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương.” (Is 60: 6).

Ở phương Đông, Vàng tượng trưng cho Vương quyền. Ở đây là Vương quyền của Đức Kitô. Nhũ hương, biểu tỏ bản chất thánh thiêng. Mộc dược, hàm ngụ ơn thương khó cứu độ Ngài lĩnh nhận cho mình, đến khi chết. Các phẩm vật này, luôn biểu thị đức hạnh, lời nguyện cầu và nỗi niềm đau khổ.

Thông điệp lễ Hiển Linh hôm nay, còn tỏ cho mọi người biết rằng: với Chúa, không ai là “người dưng khác họ”. Và cũng chẳng ai là “người ở ngoài”, ngoài quỹ đạo tình thương, ngoài nhà Đạo cả. Nói một cách nôm na thì không ai là người ngoài cuộc hết. Trái lại, đối với Đức Chúa, tất cả là đàn con thân thương, Ngài yêu đều. Ngài vẫn yêu, dù cho dấu hiệu bên ngoài của những người-bị-cho-là-ở-ngoài, có khác biệt đôi chút. Khác ngoại hình. Khác mầu da. Khác cả văn hóa, sắc tộc nhà Đạo. Bởi tất cả chúng ta đều cùng chung một cha. Đều có quyền gọi Ngài là “Abba! Lạy Cha ơi!

Thông điệp lể Hiển Linh hôm nay, còn mang đến với ta một điều nữa, là: Thiên Chúa không bao giờ ở xa ta. Trái lại, rất gần với ta, và với người hơn bao giờ hết. Ngài luôn thương yêu và kêu mời tất cả chúng ta kể cả người trong Đạo, hay ngoài Đạo, nam hay nữ, nghèo hay giàu. Nổi tiếng hay thấp hèn. Mạnh khoẻ hay yếu đau, hãy gần gũi nhau hơn.

Nhìn lại, thì thấy đã nhiều lần, ta vẫn xử với nhau, như người ngoài. Rất dửng dưng. Rất lạnh nhạt. Dửng dưng, trong cách xử sự. Lạnh nhạt, trong tư thế gây bè lập phái, đấu tranh. Đấu tranh, nhằm giành giựt quyền lợi cho giòng họ của mình. Cho cộng đoàn. Cho phe của mình. Hoặc, cho bè nhóm sắc tộc, rất tư riêng. Đối xử với nhau như người ngoài, là từ chối thương yêu. Là, không còn kính trọng nhau như các nhân vị đồng đều. Như các người con yêu của Chúa. Dửng dưng, như tình “ở ngoài’, là chọn lựa khuynh hướng sống theo thể thức của thượng tế, các  Pha-ri-sêu.

Cử hành mừng lễ Hiển Linh, ta tự hỏi: ánh sao kia có là gì trong đời mình? Mà sao, các vị nhân hiền đạo sĩ cứ dõi theo mà đi? Sao người dân thành Giê-ru-sa-lem, lại không thế? Nay, Chúa gọi ta theo phương cách nào? Gọi ta đi đâu? Ngài muốn ta làm gì? Ta đặt Ngài ở đâu trong ta?

Hỏi thì đã có nhiều người từng hỏi. Làm, thì cũng đã có nhiều người từng làm. Nhưng, khác nhau ở chỗ: ta đặt ưu tiên cho việc nào trước, việc nào sau? Bởi, ngày nay, thông điệp “ánh sao lạ lễ Hiển Linh” còn xa vời và lạ lùng đối với nhiều người. Vẫn có người chưa buồn khởi động tìm kiếm “ánh sao xưa”, nơi đời mình.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta nghĩ nhiều về thông điệp “ánh sao xưa”. Thông điệp “sao” có thể chẳng đánh động ai. Chẳng hấp dẫn một người nào. Chẳng thay đổi được gì trong cuộc sống, của mỗi người. Nhưng không trễ, thông điệp Lễ Hiển Linh, là dịp để ta có thể hướng mắt tìm về “ánh sao quen”. Sao của riêng mình. Chẳng phải là, sao của “Tử vi đẩu số”, cố cụ Trần Đoàn, đầy giải đoán. Nhưng, nhất định là: “sao mai” nhắc nhở ta kia, trời rực sáng. Nhắc ta về với đường ngay, lối thẳng. Lối thẳng an bình trong cuộc sống.

Trong chiêm nghiệm “ánh sao” an bình cuộc sống, ta hân hoan cất tiếng hát mừng một vì sao:

Tay trong tay đôi lòng xao xuyến
Ta cùng theo dõi ánh sao rời ngôi long lanh
Ta cùng nhau ước tương lai đẹp tươi
Sống bên nhau ngàn năm
Dù đường đời muôn lối.” 
(Vũ Thành – Nhặt ánh sao rơi)

Chắc chắn, khi đã theo ánh sao ngày Chúa hiển hiện, ta sống ngàn năm tươi đẹp. Ngàn năm trong hiện tại rất vui. Vui, vì Chúa “Hiển Linh” đã cho ta thấy ơn cứu độ rất thân thương. Đến với mọi người. Cả người đạo sĩ phương Đông, lẫn người lạ. Cả người thân quen nhà Chúa, lẫn người dưng. Người dưng hay người nhà, hãy cứ vui. Vui mừng ngày Chúa đến. Rất Hiển và rất Linh.

Frank Doyle sj biên-soạn – Mai Tá lược dịch

Saturday 24 December 2016

“Hãy về cùng em, lo phụ dưỡng gia đình”



Suy Tư Tin Mừng Trong tuần có lễ mừng Thánh Gia năm A 31/12/2016

Tin Mừng: (Mt 2: 13-15.19-23)

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Ngài về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Áckhêlaus đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Ngài sẽ được gọi là người Nadarét.”

“Hãy về cùng em, lo phụ dưỡng gia đình”
Anh em hãy  về đi, dựng từ đầu
Em đây sẽ đợi dẫu bao lâu
Mái ấm gia đình cửa luôn mở
Anh hãy về đi, dựng từ đầu.
( Dẫn nhập từ thơ Nguyên Đỗ)

“Anh hãy về đi, dựng từ đầu”, đúng là lời lẽ của nhà thơ. Lời ở đây , không chỉ là lời nhắn nhủ  những người em thân thương, ở quê nhà. Mà, là lời kêu mời mà Hội thánh xưa nay cứ nhắn gọi mọi người vào dịp lễ Thánh Gia.

Lễ Thánh Gia, ta không chỉ đứng ngắm mà khâm phục sự êm ấm bình an của gia đình rất thánh, Đức Giêsu. Nhưng là, mời gọi người người suy niệm về một Giáng Hạ, rất an bình có tình thương yêu/mến mộ gia đình thánh. Thương cho gia đình Ngài gặp ngày dậy sóng gió. Sóng ưu tư muộn phiền, ngày Chúa Con đi lạc. Sóng  buồn rầu, ngày Đức Chúa chấp nhận cái chết.

Là thành viên Gia Đình Lành Thánh, các Đấng cũng đã lo âu, ray rứt khi Giê-su Đức Chúa ở lại nơi đền thờ, giảng giải cho các nhà thông luật, thêm hiểu biết. Và, cả lúc về sau, khi Ngài nổi tiếng, cùng lúc trở thành đối tượng cho nhiều người khích bác.

Cử hành mừng kính Lễ Thánh Gia hôm nay, con dân chúng ta nguyện cầu Chúa chúc lành cho người người và gia đình mình. Chúc lành là bởi, dường như con cái trong gia đình hôm nay, thường hay gặp cảnh ưu tư, lo âu. Có gia đình còn phân rẽ, ghét bỏ/đấu đá lẫn nhau, chỉ vì tình thương trao ban không đều. Hoặc vì ghen ghét, đố kỵ. Có khi, chỉ vì tiến trình đổ vỡ mà nay vẫn chưa kịp hàn gắn.

Đã nhiều lần, Đức Chúa quả quyết: hễ anh em có hai, hoặc ba người ngồi lại vì Danh Ngài, Thầy sẽ đến ở cùng. Đến ở cùng, chính đó là hình ảnh của Gia Đình Rất Thánh, Đức Kitô. Gia Đình Lành Thánh, chính là cộng đoàn nền tảng của Đạo Chúa. Ở gia đình đó, Đức Kitô vẫn luôn hiện diện. Ngài hiện diện, để tỏ mình cho thế giới, biết thương yêu lẫn nhau như “ gà cùng một mẹ” trong gia đình. Gia đình lành thánh theo kiểu của Đức Kitô, không chỉ là đơn vị gia cư Giáo hội của Chúa, mà là mái ấm tình thương quyết sống đời yêu thương san sẻ, trong cộng đoàn.

Sống đời yêu thương trong gia đình, cộng đoàn không có nghĩa là mình chỉ sống cho riêng gia đình mình sống xa cách mọi người hoặc sống đời “Đèn nhà ai nấy sáng”, chẳng quan tâm đến một ai. Mà là, sống cùng và sống với thế giới quanh ta. Sống, mà không tìm lợi ích cho riêng mình. Trái lại, là sống kết hợp hài hoà, biết nâng đỡ và san sẻ tình thương trong cộng đoàn cần nâng đỡ. San sẻ cả niềm vui, lẫn nỗi buồn. San sẻ và nâng đỡ, để rồi sẽ trở nên thành phần của Giáo hội, rộng khắp. Từ đó, thực hiện sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Đức Chúa, ở chốn gian trần.

Thực hiện công tác ấy, mọi ngày trong cuộc sống thường nhật, ta quyết làm cho bằng được qua nhiều hình thức. Bằng nhiều phương cách, tựa như cách thức mà Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã đề nghị trong Thư Chung năm nào, nhấn mạnh đến điều mà các ngài gọi là “ Dõi Theo Con Đường Của Tình Yêu” . Dõi theo bằng cách:

*Tin tưởng nơi Chúa và thực sự xác tín rằng Ngài đang lo cho chúng ta
*Yêu thương và tin tưởng mãnh liệt vào giá trị của người khác. Hình ảnh Thiên Chúa phản ảnh nơi con cái Ngài là khi họ nhận biết rằng: người thân trong gia đình hằng yêu thương nhau. Bao lâu còn nghi kỵ lẫn nhau, tức là mình đang nghi ngờ Tình Yêu của Thiên Chúa.
*Kiến tạo và duy trì sự mật thiết hỗ tương, bắt đầu từ vợ chồng rồi cứ thế lan rộng đến các thành viên khác của tổ ấm gia đình.
*Sống chứng tá cho các giá trị Tin Mừng bằng gương mẫu sống động trong đời người tín hữu Đức Kitô.
*Đào tạo và giáo dục niềm tin yêu qua gương mẫu sống mật thiết yêu thương lẫn nhau qua vai trò làm cha, làm mẹ. Để rồi, con cái sẽ không thấy điều khác biệt giữa thực tế ở nhà và điều được dạy tại trường.
*Cùng nhau nguyện cầu. Cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân Ngài ban. Cũng không quên xin ngài hướng dẫn những bước chân mềm vào những lúc khó khăn, lầm lạc.
*Biết phục vụ và cho đi. Phục vụ người khác dù khác họ, khác dòng tộc. Cho đi những gì mình đã có, cho người có nhu cầu hơn mình.
*Sẵn sàng tha thứ và tìm kiếm sự hài hoà. Biết sám hối khi có lỡ lầm. Biết lắng nghe và ủi an, khi có người cần được giúp đỡ. Tán dương ca tụng sự sống mỗi khi có dịp như : mừng sinh nhật , hôn lễ , ngày kỷ niệm…
*Hợp tác với mọi người trong cộng đoàn mình hầu thăng tiến phẩm cách của mọi nhân vị .
*Tranh đấu chống thói bè phái, kỳ thị. Quyết cứu đói, giảm nghèo, ở mọi nơi.
*Biết tỏ ra nhạy bén với ơn mời gọi phục vụ Cộng đồng dân Chúa, và cộng đoàn rộng rãi, khắp nơi. Biết để thì giờ và công sức làm thiện nguyện, cải tiến cuộc sống của mọi gia đình, nơi chòm xóm, ngoài giáo xứ …

Đạt được lời khuyên nhủ ở trên, là việc làm thật lý tưởng. Đành rằng, chẳng thể nào có được gia đình hoặc giáo hội hoàn thiện, về mọi mặt. Nhưng ta vẫn luôn tin tưởng và cũng lạc quan, phấn khởi, để nếu cần, sẽ bảo nhau : “Anh hãy về đi, dựng từ đầu”.

Trong tinh thần phấn khởi “Dựng từ đầu”, ta hân hoan hát lên lời ca thân thương của người nghệ sĩ hôm nào đã viết nên giòng nhạc. Giòng nhạc vui, hát rằng:

“Anh viết cho em một bài ca mới
Khi nắng xụân sang, khi gió đông tàn
Nhịp đập rộn rang trong trái tim anh
Kết thành lời bài ca yêu thương
Gởi người em gái yêu thương
Gởi người em gái quê hương…
(Vũ Vĩnh Phúc- Bài ca cho em)

Bài ca vui mới viết cho em, cho anh. Cho những người anh, người chị trong gia đình, rất lành thánh ở khắp nơi. Gia đình yên vui đầm ấm, có cửa luôn mở rộng. Và luôn goi: “anh hãy về đi, về cùng em lo phụng dưỡng gia đình”, gia đình lành thánh, rất Kitô.

Frank Doyle sj biên-soạn –
Mai Tá lược dịch

Wednesday 21 December 2016

“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,”



Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 5 thường niên năm A 05/02/2017
Tin Mừng: (Mt 5: 13-16)
"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

cái rét đầu đông, giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi, mỗi chiều tan học,
Cổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn.
(dẫn từ thơ Bùi Thanh Tuấn)

Hà Nội vắng mưa, Cổ Ngư buồn. Phải chăng buồn này, buồn thế kỷ? Nhà Đạo vắng Chúa, chắc mất vui. Vui/buồn nhà Đạo, nay vẫn do người mình một lòng theo Chúa, sống bình yên.

Bình yên nhà Đạo, được thánh Mát-thêu ghi rõ ảnh hình về cộng đoàn tín hữu, ở đoạn cuối “Bài giảng trên núi”. Ảnh hình, về “Muối cho đời” và “đèn thắp sáng thế gian”, ý của thánh sử muốn nói về Hội thánh Chúa sống ở chốn gian trần.

Muối là chất được sử dụng trong hầu hết các buổi ăn kiêng. Muốn cho thực phẩm giữ được lâu ngày, thêm mùi vị, người xưa vẫn dùng muối giúp cho cây mau phát triển. Dân du mục lại dùng muối như biểu tượng của tình huynh đệ, của thủy chung, tiết hạnh. Nên, khi họ nói: “giao ước muối” là nói đến tình đệ huynh. Muối đem vào cuộc sống hàng ngày một chút thi vị, rất linh thiêng.

Bởi thế nên, khi Chúa bảo: “Các con là muối cho đời” là Ngài có ý khuyên: hãy làm cho thế giới nên khác biệt. Khác theo nghĩa tích cực. Khác, không như Cựu Ước, có câu truyện vợ ông Lót vì ngoái cổ tiếc nuối dĩ vãng, nên thành cột muối. Nếu vậy, ta nên làm gì? Làm muối cho đời, hướng về phía trước với mọi người, hay cứ ngoái cổ về sau để thành cột muối như vợ ông Lót? Cái đó còn tuỳ mỗi người. Tuỳ góc độ, từ đó ta tiếp cận cuộc đời.

Rõ ràng, mọi người không thể giấu đèn dưới gầm giường, nhưng đặt nó trên giá đèn, để mọi người thấy ánh sáng. Thứ ánh sáng không hạn chế, không kỳ thị một ai. Người xưa có thói quen xây thành phố/đô thị trên đồi, hoặc ở đỉnh núi để mọi người nhìn thấy mà đến. Thành Giêrusalem là ví dụ điển hình. Là cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, mọi người vẫn là và phải là kẻ thắp lên ánh sáng. Là, người tạo cho thế giới quanh ta nên khác biệt.

Điều đó có nghĩa gì? Là, cần rao giảng cho mỗi người phải sống nền văn hoá mới, cần rao giảng cho mỗi người. Nhưng, rao giảng cách nào? Trong tư thế nào?

Ngày nay, sống giai đoạn mới của lịch sử Đạo Chúa, ta cần nói lên điều đó. Nói rằng, ta đã sống đích thực tinh thần của Công Đồng Vatican II. Sống cuộc đời đổi mới vẫn tiếp diễn, quyết canh tân cuộc đời người Công Giáo. Đổi mới thế giới, ở vào thời kỳ “hậu- hiện đại”, chứ không theo chiều hướng tệ bạc, ngày càng mất đi giá trị đạo đức.

Thế giới với thế gian, nay dường như đã chào thua, để mặc con tạo xoay vần. Chẳng còn hy vọng vào cuộc sống đích thực Chúa vẫn khuyên dạy. Đức đương kim Giáo Hoàng gọi đó là “văn hoá của sự chết”. Thế giới nay mất đi niềm tự tin quí hiếm. Bởi thế nên, Hội thánh lại khuyên nhủ con dân mọi người hãy khám phá chính mình như con người có tư cách và niềm tự tin, khiến mọi người thấy được rằng mình xứng đáng là dân con Đức Chúa, có khả năng tân tạo thế giới. Khả năng, tạo khác biệt.

Văn hoá phàm trần, thành thị nay đặt hết hy vọng vào tiến trình vật chất và phát triển kỹ thuật. Nhưng, văn hoá phàm trần ngày càng thấy mình trống rỗng vắng lạnh, vô nghĩa. Ngày nay, dù không còn chủ trương “chống Đạo” nữa. Nhưng, chủ thuyết “vô thần mới” lại vẫn tìm cách bắt bẻ tôn giáo. Bắt bẻ, cả Công giáo, Tin Lành, lẫn Chính Thống, Do Thái giáo. Tìm mọi cách, để chối bỏ tính siêu việt của Đạo chẳng còn muốn nghe ai phân bua, diễn giải nữa.

Hội thánh, nay nói gì với thế giới phàm trần?
Cách đây 50 năm, Hội thánh tỏ ra vẫn có niềm tin thật vững chắc. Giáo dân, ai cũng có điểm son nào đó làm di sản. Nay, thì không. Giáo dân, nay chọn sự toàn vẹn của đời tín hữu. Chọn lối sống của đồ đệ Đức Kitô. Chọn, thực hiện công trình của người thừa sai do Hội thánh uỷ thác. Mục vụ hôm nay không còn là động thái muốn làm thì làm, hết muốn thì thôi. Mục vụ, nay là chuyện sống còn của Hội thánh. Giáo dân hôm nay đã biết đi vào trọng điểm của niềm tin. Biết thực hiện mục tiêu mà Hội thánh đề ra, cho mọi người.

Hội thánh muốn mọi người đem Tin Mừng đến với mọi nơi, như thời tiên khởi. Đem Lời Chúa đến với người thị thành đang sống kiếp tục trần, Lời Chúa sẽ xuyên suốt như thực tại mới mẻ. Lời Ngài đòi hỏi xã hội và cả Hội thánh Chúa phải đổi thay. Đổi và thay, để không còn đắm chìm trong quá khứ và hiện tại đầy chuyện tiêu cực. Xem thế, thì Hội thánh phải có chỗ đứng mới trong thế giới đã đổi mới. Cách nào ư? Dưới đây là một vài phương cách để thực hiện:

Văn hoá của thế giới phàm trần đang trải nghiệm nhiều vấn đề xuất tự bên trong. Trải nghiệm một hiện diện của nhiều nhóm tôn giáo đôi khi kình chống, khích bác nhau. Một đất nước như Úc Châu nay khó mà gọi được là quốc gia theo tinh thần của Đạo Chúa, như trước nữa. Bởi, tín hữu Đạo Chúa nay đang chung sống với nhiều tôn giáo khác, dù ít người.

Bởi thế nên, dân con Đạo Chúa cần tìm nơi Tin Mừng điều gì đó mới mẻ và thích hợp với mọi người. Bởi, ngày nay mọi người đều không còn chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo nữa. Ngày nay, thế giới phàm trần lại cần khám phá ra rằng Đức Kitô là Đấng cứu độ mọi người. Bất kể họ là sắc dân nào. Thuộc tôn giáo nào hoặc thờ phượng Đấng nào đi nữa. Ngày nay, phải quan niệm Lòng thương xótcủa Chúa đã và còn thể hiện trong lịch sử và cuộc sống của mọi nhóm hội/đoàn thể, mọi cộng đoàn tôn giáo/sắc tộc. Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: mọi tôn giáo đều ngang bằng nhau. Nhưng, nói thế để hiểu rằng mọi tôn giáo đều phải được tôn trọng ngang nhau, bằng nhau.

Nếu vậy, tín hữu Đạo Chúa nên ứng xử như thế nào với tình thế mới này?
Niềm xác tín lâu nay trả lời, rằng: mọi người có cơ hội đồng đều. Được kính trọng như người có phẩm cách. Và, là người có những quyền căn bản. Ngang đồng. Xác tín này bắt nguồn từ Đạo Chúa. Và, xác tín này đặt tin tưởng theo cung cách mọi người/mọi vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi người đều giống Chúa. Đây, là ý tưởng mang tính Kitô giáo. Động thái này đang có mặt qua cung cách đặc biệt của nền văn minh Âu Tây. Ta nhận ra điều đó từ Kinh thánh. Chí ít, là từ Tin Mừng. Bằng chứng, là: văn minh Âu Tây xưa nay vẫn không có chỗ cho hệ thống giai cấp như văn minh Ấn.

Ngày nay, nhiều dấu hiệu cho thấy: tín hữu Đức Kitô vẫn nhận được những thông điệp như thế ngang qua văn hoá hiện thời. Ai cũng có thể liệt kê danh sách các động thái quyết chứng minh rằng: mọi người vẫn hành xử như các Kitô hữu. Cả, người không theo Đạo. Cả người tự cho mình là vô thần cũng nhận ra được điều ấy. Các ví dụ rất dễ kể ra, như: lòng cảm thông/thương xót người nghèo túng. Sự tôn trọng bản vị con người. Niềm ước ao được kết đoàn. Lòng quyết tâm đòi công minh chính trực. Ước vọng được thấy tình thương yêu mọi người trở thành hiện thực. Tất cả để khẳng định rằng: mọi giòng giống/sắc tộc, văn hoá đều có phẩm cách như nhau.

Khi ta duy trì các giá trị của nền văn hoá theo cách ấy, ta càng trở nên muối cho đời. Càng trở thành ánh sáng đặt trên bục cao, để mọi người được nhìn thấy. Càng trở nên thành thánh xây trên núi. Vấn đề còn lại, là: hãy tiếp tục sống như thế. Sống, nhưng không phải là sống văn hoá của sự chết. Mà là văn hoá sinh động, của mọi thời.

Đó, là ý nghĩa mà thánh sử Mát-thêu ghi lại trong bài trình thuật, rất hôm nay. Một văn hoá, mà nhà thơ trên vẫn diễn tả bằng ngôn từ rất thi tứ. Rất Hà Nội, như sau:
“Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu.
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím.
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.” (Bùi Thanh Tuấn – Chia tay Người Hà Nội)

Chia gì thì chia, cũng đừng buồn. Bởi, niềm vui chính là văn hoá của sự sống. Văn hoá, của tình thương, Chúa vẫn dạy. Của, Tin Mừng Đức Kitô là niềm vui muôn thuở, mọi văn hoá.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn - Mai Tá lược dịch