Saturday 30 June 2012

“Anh tặng em, cả những ưu phiền,”

Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật thứ 14 Thường Niên Năm B 08.7.2012

“Anh tặng em, cả những ưu phiền,”
“trong câu hát cũ, nghe bên chợ cầu”
(dẫn từ thơ Huy Cận)
Mc 6: 1-6
            Tặng gì không tặng, sao anh lại tặng cả nỗi ưu phiền! Tặng như thế, hồn em đây sẽ rong chơi miên triền nhiều nỗi nhớ. Nhớ người. Nhớ cảnh, nhớ cả hồn thiêng sông nước, những đêm thâu.
            Tin Mừng thánh Máccô nay ghi, không miên triền đầy nỗi nhớ, mà chỉ là trình thuật gói ghém tâm tình Chúa gửi để người người cứ thế mà suy tư về tâm tình Mẹ dành cho Chúa, suốt cả đời. Đọc trình thuật thánh Máccô, hẳn nhiều người lại đã nghĩ khác với điều tác giả muốn nói.
Điều mà trình thuật kể hôm nay, có thể là cú “sốc” khi thánh sử tả về “Thánh Gia” không theo nghĩa giảm đơn như nhiều người vẫn tưởng, tức chỉ gồm mỗi Đức Giêsu, thánh cả Giuse và Đức Mẹ, giống hệt “tổ tam tam” nho nhỏ thuộc giai cấp trung lưu, không nghèo và cũng chẳng giàu. Ở gia đình đó, Mẹ luôn đồng thuận với những gì Con của Mẹ thực hiện trong đời hoạt động rất công khai.    
Thật sự, thì thánh Máccô đặt Đức Giêsu vào khung cảnh gia đình rộng lớn hơn gồm các “người anh/người chị” của Đức Chúa, trong đó có 4 người được gọi là anh/em, như: Giacôbê, Giôsét, Giuđa và Simôn. Và, gồm ít nhất hai người chị như: Maria và Salômê. Danh tánh của các vị này đều rất thân quen ở Galilê đất miền Do thái, vào thời đó. Và, đây là đoạn Tin Mừng gây nhiều tranh luận về họ hàng Chúa.
Đọc Tin Mừng theo kiểu sử gia, là chỉ đọc mà không để ý đến truyền thống tin-yêu, nên người đọc sẽ có cảm tưởng như thánh Máccô đề cập đến anh em ruột thịt của Chúa, chứ không phải họ hàng rộng lớn, như thế trần. Thánh Máccô dùng ngôn từ Hy Lạp để tả anh chị em của Chúa theo cách bình thường đến độ chỉ thoạt nhìn, người đọc nghĩ ngay họ là anh/em ruột của Ngài. Người ngoài Đạo, đọc sách thánh theo kiểu hiểu từng chữ, nên nghĩ Đức Giêsu phải là người anh đích thực của gia đình đông con, ở Do thái. Có vị lại tưởng tượng thánh cả Giuse từng có một đời vợ, trước khi nhận Đức Maria làm bạn đời, nên mới nghĩ: thánh Giacôbê, Giôsét, Simôn, Giuđa và hai chị gái là anh em cùng cha khác mẹ với Chúa, thôi.
Cùng kiểu đọc như thế, có vị lại cho rằng: thánh Giuse có người anh ruột tên Clêpha, cũng lập gia đình với một Maria khác, và từ đó các vị này cho rằng Chúa cũng có anh em họ, do suy tưởng này. Các vị ấy còn thêm: vào thời đó, các gia đình sống ở làng quê thường lập gia đình với người cùng làng, để san sẻ cuộc sống, cơ ngơi, thế nên mọi khác biệt về họ hàng/ruột thịt đều được bỏ qua.
Thêm vào đó, người Á Đông hay quan tâm nghĩ tình chòm xóm, hoặc cùng một bang nhiều hơn anh chị em ruột thịt. Chính vì thế, có người bảo Đức Giêsu lớn lên trong tình giòng tộc rộng lớn hơn cả “thánh gia” như ta vẫn tưởng. Theo tài liệu lịch sử ta có, thật khó mà đi xa hơn để luận đoán những điều về họ hàng, giòng tộc của Chúa. Người có niềm tin sâu xa, thường vẫn nghe theo truyền thống của Hội thánh, hiểu cụm từ “anh em” ở Tin Mừng thánh Máccô theo nghĩa rộng lớn hơn là họ hàng.
Thành thử, khi thánh Máccô viết ở đoạn bảo rằng: vào thời Chúa công khai hoạt động, Ngài có ghé thôn làng Nadarét nhưng không người nào trong làng lại tin tưởng Ngài, cả bà con anh em trong nhà cũng thế. Có lẽ cũng vì thế, nên Ngài chẳng thấy hứng thú về chuyện rao báo Nước Trời cho người nhà. Thậm chí, thánh Máccô còn viết: họ nghĩ Ngài bị họ khinh miệt và chê bai đến độ chỉ muốn kềm chế, thay thế Ngài. Thành ra, vấn đề là: làm sao ta đối đầu được với những tư tưởng kình chống ra như thế?
Để trả lời, ta có thể coi đây như vấn đề người xưa gọi đó là chuyện “trung gian lèo lái”. Trung gian, hiểu theo bối cảnh của Địa Trung Hải vào thời cổ. Trung gian, vì ở nơi đó không ai đi được tới đâu hoặc đến được nơi nào mà lại không nhờ vào tài lèo lái sắp xếp của người qua “trung gian”.
Nhờ vả người trung gian, vì tất cả nơi nào thơm ngon dễn kiếm chác, đều bị người giàu chiếm trước, đa phần còn lại là đám nghèo chỉ sống nhờ vào lòng quảng đại của đám trung gian chuyên lèo lái, mà thôi. Khi người giàu thấy vui, thì đám nghèo mới hy vọng nhận được ơn mưa móc, hưởng lộc. Muốn biết khi nào đấng bậc ở bên trên mới vui, đều phải nhờ các đám “trung gian lèo lái” mới làm hài lòng nhóm người giàu sang, ăn trên ngồi chốc. Thực ra thì, mọi việc lĩnh đạo đều do đám trung gian này sắp xếp.       
Nay, hãy xem thánh Máccô nói gì về bà con “họ hàng” của Chúa.
Ở đoạn 3 câu 21, khi số bà con giòng họ của Chúa nghe nói Đức Giêsu đã chữa lành cho nhiều người, họ bèn chạy đến để “khống chế” Ngài bằng những hành động mà thánh sử mô tả chỉ đôi giòng: “Thân nhân của Ngài hay tin ấy, liền tìm cách đi bắt, vì họ nói Ngài đã mất trí”. Ở đây nữa, họ cho rằng Ngài bị chứng tâm thần phân liệt hoặc bệnh thần kinh linh tinh. Và họ những muốn cho Ngài “nhập viện”, để dễ xử.
Hệt như thế, nhiều người trong chúng ta khi đọc những trình thuật kể về hành xử công khai của Chúa, có thể cũng sẽ “phán” những câu bảo rằng: Chúa của mình có lúc cũng “mát giây” trước tình cảnh bị đám “trung gian lèo lái” khuynh loát, vặn vẹo. Có thể, họ đã hành xử theo kiểu bản năng, nên vẫn muốn khống chế mọi hoạt động của Ngài. Nói nôm na theo kiểu người đời thời nay, có người lại sẽ bảo: họ hàng bà con Chúa chỉ muốn “giải quyết” công việc “hành chánh” kiểu người nhà theo “chỉ thị” thôi.
Vốn là giới “trung gian” lèo lái mọi chuyện trong/ngoài Đạo, đám “họ hàng/bà con” đâu phải lúc nào cũng thành công trong mọi thương vụ. Bởi có làm được thế, họ cũng bị như Chúa, tức: cũng được cho là đang bị “tâm thần” hoặc quỉ ám, cách nào thôi. Theo đám này, điều Chúa cần hơn cả, là: Ngài phải được sự trợ giúp của đám “trung gian lèo lái” mới được việc. Có nhờ họ, mọi việc mới trôi chảy, thật thông suốt. Đây cũng là cung cách của công việc thừa tác chữa lành. Bởi thế nên, người người vẫn khuyến khích: hãy tìm đến với đám “trung gian lèo lái” này, mọi việc sẽ được sắp xếp vừa ý, cũng rất nhanh.
“Gia đình/giòng tộc” hiểu theo trường hợp này, có thể lại sẽ đòi quyền lợi của họ hàng bà con để trở thành giới “trung gian” quyết hoạt động vì Chúa. Cho Chúa. Dù sao thì Ngài cũng là thứ “tài sản” đắt giá của gia đình, giòng họ. Vốn chủ trương khống chế như thế, họ viện đến quyền của gia đình/giòng tộc.
Do nghĩ Chúa bị “quỉ ám”, “mát giây”, nên họ bảo: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông làm được phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông không là bác thợ, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giôsét, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không là bà con lối xóm với ta sao?” (Mc 6: 2-4) Nói thế, tức có nghĩa: họ muốn Ngài làm việc cho họ qua tư cách họ hàng và theo qui cách do họ đặt ra. Nói tóm lại, họ chỉ muốn chữa lành/lèo lái Ngài theo kiểu họ định ra, mà thôi.
Họ đâu biết rằng toàn bộ ý nghĩa của thông điệp và sứ vụ Ngài thực hiện là: đưa Chúa trực tiếp đến với mọi người, không qua trung gian lắt léo của ai hết. Quả thật, Nước Chúa đã “gần cận” mỗi người và mọi người. Đó là sứ vụ Cha trao phó khi Ngài mặc lấy thân phận làm người. Ở với con người. Ở giữa và ở cùng mọi người. Họ đâu hiểu rằng việc Chúa “gần cận” con người cả trong khoảnh khắc của những rối bời, ưu tư, trăn trở. Và, cả cái chết, và là cái chết nhục trên thập giá. Và, điều họ cần hiểu biết là: việc Ngài sống lại đã xác chứng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa mọi người. Trong mọi hoàn cảnh, mà chẳng cần gì đám “trung gian lèo lái” dù họ có là bà con thân tộc với ai hết.
Quả là, họ cũng tin Chúa và những gì Ngài mang đến cho họ như kết quả của sứ vụ Ngài thực hiện với con người. Họ cần hồi hướng trở về, hơn ai hết. Chẳng thế mà, thánh Máccô đã ghi lại lời Chúa nói: “Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi quanh đó và nói: "Này là mẹ tôi! Đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, người ấy mới thực sự là anh em/chị em tôi. Là mẹ tôi." (Mc 3: 32-34). Thế có nghĩa, là: ai biết Chúa đã “gần cận” mà không cần “trung gian lèo lái” của bà con họ hàng và làm theo thánh ý Ngài, sẽ còn hơn Mẹ, anh em/chị em và hơn cả những người “trung gian lèo lái” nữa.
Nơi Tin Mừng thánh Máccô, chỉ số ít người không là bà con thân thuộc gì với Chúa kếp hợp với Ngài khi giấc mơ gia đình/giòng tộc rơi vào tồi tệ mới được đặt mình dưới hệ thống “gần cận” Ngài, thôi. Trớ trêu thay, đó chính là cung cách để ta cùng với Ngài vào với Thiên-Chúa-là-Cha cách trọn vẹn, rất cấp kỳ.
Đạo Chúa không là doanh thương do người nhà/bà con đứng trụ và “lèo lái”. Mà, chỉ là quà tặng rất nhưng-không, trực tuyến, từ Thiên Chúa.
Trong cảm nhận đó là quà tặng Ngài ban, cũng nên trở về để ngâm tiếp lời thơ ở trên, rằng:

            “Anh tặng em, cả những ưu phiền
            Trong câu hát cũ, nghe bên chợ cầu.
            Còn hằn trong chữ trong câu,
            Nỗi đau ngày trước, cày sâu mặt người.”
            (Huy Cận – Buổi Sáng Hôm Nay)

Sáng hôm nay, hay hôm nào đi nữa vẫn có quà tặng từ người anh/người chị. Dù anh/chị không hẳn là bà con/họ hàng của Chúa. Bởi quà tặng Chúa ban, đâu cần những “trung gian lèo lái” vẫn hằn in trong câu trong chữ của Lời, ở Tin Mừng.                

            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 23 June 2012

“Sao bông phượng nở trong màu huyết,”

Normal 0 false false false EN-AU X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên Năm B 01.7.2012

“Sao bông phượng nở trong màu huyết,”
“Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 5: 21-43
            Phượng vẫn đỏ, nhỏ một màu huyết. Nhỏ xuống lòng người những giọt châu! Có lẽ, đây cũng là ý tưởng được thánh Máccô đưa vào trình thuật kể về hoạt động của Chúa, đầy trân châu. Màu huyết!
Trình thuật, thánh Máccô ghi là ghi về đời hoạt động của Chúa rất công khai, sinh động. Hoạt động của Ngài, là sinh hoạt sống động rất tính người, mở ra với mọi người; để rồi sẽ đánh động những người quần quanh bên Chúa. Chí ít, là các tông đồ, thừa tác viên, và nữ phụ. Tất cả đều hợp lòng cùng Chúa ra đi rao báo Nước Trời, ở trần thế.
Trích đoạn hôm nay lại cũng nói về cháu nhỏ là con gái ông Gia-ia sắp sửa ra đi hay đã chết. Câu chuyện được phối kết với truyện kể về một nữ phụ không rõ danh tánh đang bị chứng xuất huyết. Và cũng phối hợp với truyện người cha của cô gái nhỏ đang lâm bệnh khiến ông cứ tìm cách loanh quanh ở gần Chúa. Vai trò và chức năng của ông được tả là một chức sắc lo việc đền thờ, tuy không là đấng bậc cao siêu ở huyện thành, nhưng cũng được Chúa đoái hoài.
Sở dĩ Đức Giêsu quyết định đến thăm ông, là vì tình trạng nguy ngập của người con nhỏ. Khi tin tức được loan đi về cái chết của cháu bé, những người thân cận với Gia-ia đã khuyên Chúa đừng đến chữa cho cháu nhỏ kẻo rắc rối. Có điều lạ, là: thói quen của người phương Đông, thì đó là cách hay nhất để khích bác Chúa ra đi tìm đến nơi nào nhiều rối rắm mà giải quyết theo cung cách của Đấng Bậc cao cả. Kết quả là, Chúa quyết đến với nơi nào thường gây phiền toái để chữa trị cho cháu bé còn nhỏ, dù cô là con gái của chức sắc đền thờ. Quả là, ngôn từ người phương Đông thích chọn cung cách nghịch ngạo che giấu những gì mình mong muốn, tựa như câu nói mà nhiều người vẫn nghe như: “Anh cứ hẹn, nhưng anh đừng có đến…” Hoặc: “Xin Chúa hãy rời xa tôi…”, nhưng kỳ thực vẫn muốn anh, muốn Chúa đến gần.
Cũng tựa như thái độ của nữ phụ bị xuất huyết những muốn đạt điều mình mong ước được Chúa đoái hoài chấp nhận lời van nài, khẩn khoản. Nhằm đạt kết quả, bà lại đã sử dụng phương cách khích bác của người phương Đông và sự khôn khéo của nữ giới với những kỹ năng khác lạ, là sờ chạm gấu áo của Ngài. Bà thừa hiểu rằng bà không thể đạt yêu cầu mà lại không đánh động lòng xót thương của Đức Chúa. Nói cách khác, bà muốn Chúa biết sự việc bà làm. Và, biết cả ước nguyện của bà là đạt thành quả từ Ngài, không chỉ mỗi chữa chạy thể xác, nhưng điều bà cần hơn, là: chữa lành niềm tin khiến bà lành lặn trở về, để yên hàn. Điều này chứng tỏ bà biết cách hành xử sao cho kết quả hầu đạt trọn vẹn lòng xót thương, có từ Chúa.          
Cách kể truyện theo kiểu trên là văn phong độc đáo của thánh Mác-cô. Ở đây, cũng nên biết, là: động thái Chúa làm cho các nữ phụ trong Tin Mừng theo thánh Máccô thường kể về động thái cho thấy sự khôn khéo của các nữ phụ phương Đông vẫn quyết tâm làm điều lạ kỳ để đạt kết quả mình mong ước, như: ở đoạn trước đó, thánh sử kể về tài khéo léo của Hêrôđia đã lấy được đầu của thánh Gioan Tiền hô đặt trên dĩa, và phân nửa đất nước do Hêrôđê chiếm giữ. Chương 7 Tin Mừng thánh Máccô còn kể về sự kiện nữ phụ Syro-phênixy bị quỉ ám cũng có tài thuyết phục Chúa ra tay chữa lành cho con gái của bà, tức những điều Chúa không định làm vào lúc đầu.
Nhiều truyện kể tương tự trong Cựu Ước cũng nhấn mạnh đến uy lực và tài khéo léo của phụ nữ đã giúp các bà đạt kết quả về những gì các bà quyết tâm. Sách Giuđita kể truyện dân Chúa chọn đã chiến thắng quân thù nhờ vào sự can thiệp của phụ nữ. Bà Giuđita đã vượt thắng tính hèn nhát của dân con trong nước, dám quở trách lãnh tụ lúc đó thiếu lòng tin. Bằng vào nguyện cầu, bà chạy đến với tướng Hôlôphênê rồi dùng nhan sắc cùng tài trí khôn ngoan của nữ giới đã cắt được đầu của ông tướng. Bà Esther cũng từng làm thế, khi tướng A-man tìm cách bóp nghẹt sự sống của dân Do thái đang sống đời lưu lạc bên xứ Syria. Thoạt thấy bà, nhà vua đã nói: “Thiên Chúa đã biến đổi lòng trí ta, đem thần khí sống động đến với dân con đất nước của ta để họ an lành…”
Ở đây nữa, cũng nên nhìn vào diện mạo của Đức Giêsu được thánh Máccô tả rõ ở Tin Mừng. Thánh sử không hề viết một chữ về việc Chúa giáng hạ và thời thơ ấu của Ngài. Với Tin Mừng thánh Máccô, người đọc chỉ biết đến Chúa vào lúc Ngài công khai hoạt động vì con người, với con người. Đó là lúc Ngài trưởng thành, phát triển và học được tính chất rất “người” từ hoàn cảnh của đời người. Ngài không là hữu thể trên cao nay mặc hình hài bên ngoài của con người, nhưng đã sống thực tận trong lòng của con người, Ngài nhận thức rõ những gì đang xảy đến và những gì Ngài sắp làm. Ngài rất mạnh, nhưng đôi lúc cũng không nắm chắc chỉ đôi điều. Tức, Ngài không rõ những gì Ngài làm có khiến người khác khuynh loát Ngài theo cung cách không định trước, không. Nhiều người thấy Ngài giống người bình thường như ta.
Có thể nói, ở nơi Ngài, có cả tính duy thực lẫn tâm tánh dịu hiền ở cung cách. Đức Giêsu ở Tin Mừng thánh Máccô là nhân vật thánh thiêng sống trong hoàn cảnh đầy bão táp, mưa sa rất hiện thực. Ngài không có vóc dáng của bậc vĩ nhân ở trần thế. Ngài là Đấng Bậc chẳng mang dáng vẻ gì của vị anh hùng cái thế giống giòng La Mã, Hy Lạp hoặc Do thái. Ngài ít khi là người thắng cuộc, thực rõ ràng. Với những ai trông mong nơi Ngài tính chất cao cả của bậc vĩ nhân, thì Ngài lại mang đến cho họ sự thất vọng, chán chường, có khi còn sững sờ vì Ngài không có khả năng khống chế hết mọi người. Với họ, ngôn từ Ngài sử dụng ra như bối rối, phức tạp. Ngài như khiến cho đồ đệ mình lẫn lộn nhiều thứ đến thâm căn.
Với những người hằng trông mong Ngài trở thành người con dễ thuần thục hoặc theo đúng qui ước sáng chói trong chiến thắng lẫy lừng đầy dũng cảm, thì họ không dễ dàng chấp nhận một con người như Đức Giêsu. Nhưng, Ngài lại là người có óc thực tế rất cao vời, như chưa có người nào được như thế. Ngài nhìn thẳng mặt vào uy lực của sự chết, nhưng không nhất quyết chinh phục lực hút ấy. Thật sự, ta thấy nơi Ngài có sự hiền dịu, nhào quyện với sự bất toàn trong việc đứng lên hành động chống đối, vào nhiều lúc. Nơi Ngài, ta thấy chính sự hiền dịu bằng xương bằng thịt đã trỗi dậy từ sự chết… Nơi Ngài, chừng như có hai diện mạo, và Ngài ra như không biết cách hoà quyện hai diện mạo ấy thành chính con người của Ngài.
Ở Tin Mừng thánh Máccô, Đức Giêsu vừa “chạnh lòng thương” (tiếng Hy Lạp là Splanchnistheis) kẻ ngã qụy (Mc 6: 34, 8: 2 và 9: 22-23) và dễ “nổi giận” (tiếng Hy Lạp là orgistheis) khi con người không tin Ngài (Mc 3: 5 và 9: 23). Và tiếng Hy Lạp, khi tả về động thái “chạnh lòng thương” được dịch là “thấy xúc động tận tâm can”. Còn “dễ nổi giận” được dịch là: “ở vào trạng thái bùng nổ” đến điên cuồng mà tiếng Việt gọi là “giận điên” lên không thể kềm chế. 
Có điều lạ, là: người cuối cùng chép Tin Mừng thánh Máccô lại bỏ loại trừ cụm từ ấy, có lẽ vì vị ấy không muốn Đức Giêsu mang tâm tính tồi tệ của con người. Và, cũng chẳng muốn đấng bậc thần thánh như Ngài mà lại có thái độ, không xứng đáng. Xem thế thì, dân con Đạo Chúa phần đông thấy có nhu cầu biến Đức Giêsu ít hiện thực và ít chất “người” hơn Ngài là thế. Họ còn muốn Ngài “hội nhập” nhiều hơn nữa. Họ chẳng bao giờ muốn để phụ nữ khuynh loát, lèo lái tính nhân hiền tử tế của Ngài. Thành thử, nhiều lúc, Ngài cũng chẳng biết sau đó phải làm sao cho vừa lòng người.
Ở Tin Mừng thánh Máccô, Đức Giêsu là ngôn sứ “chuyền chéo” rất Galilê, và việc Ngài thăm Giuđêa được coi như động thái quyết đạt giai đoạn thách thức thập giá của La Mã. Viết Tin Mừng, thánh Máccô không gộp chung các sự kiện này vào với nhau. Nhưng, điều mà thánh sử cần tả, là: việc Chúa hoà quyện với chúng dân và nhiều lúc dám để họ dẫn Ngài vào con đường mà Ngài không có khả năng đảm trách riêng một mình. Đấng biết mình chết cho con người, không nhất thiết phải là người cần hội nhập với cuộc sống đầy cảm xúc như Ngài.
Thật ra, đó không là đòi hỏi hỏi của phục sinh. Là, dân con Đức Chúa, chúng ta cũng không buộc phải làm thế. Như Đức Giêsu, ta vẫn có thể đến với mọi người bằng tư cách của chính mình, mà vẫn được cất nhắc khỏi sự chết. Nói cho cùng, theo văn phong/thể loại của thánh Máccô, thì chừng như Đức Giêsu là người cởi mở để nữ giới lãnh đạo và dẫn dắt. Thật ra, có thể nói, Ngài bị giới/phái hiền lành tử tế hơn một lần từng khuynh loát Ngài. Nhưng có khuynh loát hay không, điểm tới vẫn ở trước mặt cho cả lãnh tụ lẫn người bị dẫn dụ, khuynh loát.
Trong tâm tình đó, có lẽ cũng nên cùng với nhà thơ ta ngâm nốt lời thơ, mà rằng:

            “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
            Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
            Sao bông phượng nở trong màu huyết,
            Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
            (Hàn Mặc Tử - Những Giọt Lệ)

Giọt châu hay giọt máu đào cũng là giọt lệ. Của nữ giới vẫn cứ đem nhà thơ “bỏ dưới trời sâu.” Ở nơi đó, nhà thơ cùng người người lại sẽ thấy bông phượng nở trong màu huyết, có Đấng Hiền Dịu cũng một  tâm trạng như đàn con từng nhỏ giọt trân châu đỏ, lẫn máu đào, để thương nhau mãi suốt một đời.                              

            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 16 June 2012

“Anh chắp tay van, dáng tượng sầu,”

Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật thứ 12 Thường Niên Năm B 24.6.2012

“Anh chắp tay van, dáng tượng sầu,”
“Người em mây toả, gót chân đau.”
(dẫn từ thờ Đinh Hùng)
Lc 1: 57-66, 80
Nhà thơ, nay chắp tay van người em có gót chân đau, dáng tượng sầu, cho mây toả. Nhà đạo mình, tay này cũng chắp nhưng chỉ để ngợi ca/tuyên dương đấng thánh nhiệm mầu, ở trình thuật.
Trình thuật, thánh Luca không cho thấy đấng thánh ngợi ca riêng người nào. Nhưng, chỉ ghi đôi điều để dân con Chúa sẽ mãi tuyên dương đấng thánh Tiền Hô/Tẩy rửa, rất tưng bừng ngày lễ hội
Hội lễ hôm nay, con dân Chúa lại đã thấy phụng vụ mừng kính thánh Gioan Tiền Hô những hai lần. Một, vào ngày sinh dịp tháng 6. Và ngày kia, là ngày tử thánh nhân bị Hêrôđê truyền lệnh chém đầu theo yêu cầu của “Hêrôđia”, một nữ phụ tội lỗi. Phụng vụ, lại cũng đề cao vai trò của thánh nhân loan báo tin vui Cứu Độ Chúa thiết lập với cộng đoàn lành thánh, có anh em. Trình thuật về thánh Gioan Tiền Hô/Tẩy rửa xuất hiện ở nhiều tài liệu lịch sử cũng như Tin Mừng.

Theo tài liệu của Josephus, thánh Gioan Tiền hô được tả qua nhận xét của người Do thái lúc bấy giờ. Với họ, Gioan Tiền Hô là đấng thánh liên tục mời gọi mọi người sống đời đạo hạnh biết kính Chúa và chứng tỏ tình thân thương mình có với mọi người, và với nhau. Thánh nhân cũng mời mọi người hãy đến bên giòng chảy Gio-đan để rửa lòng cho sạch, để chẳng còn phải vương vấn gì. Nhưng, tài liệu này không đả động gì đến ngày sinh, cũng như lý lịch gia đình của thánh Gioan hết.

Tin Mừng thánh Máccô lại đã ghi thêm đôi điều về đời khắc khổ của thánh nhân vốn chọn con đường khổ ải vùng hoang vu/sa mạc hầu lôi kéo nhiều người bước vào chốn tẩy rửa, nguyện cầu. Thánh Mác-cô gọi thánh Gioan Tiền Hô/Tẩy Rửa là ngôn sứ hiếm có sau nhiều thế kỷ vắng bóng trong đạo. Theo thánh Mác-cô, thì Đấng thánh Tiền Hô lại đã mang đến cho những người dấn bước theo ngài thông điệp hằn sâu nơi sự việc người Do thái khi xưa trở về từ chốn lưu vong, khắc khổ. Đặc biệt hơn, thánh Mác-cô còn tả thánh Gioan Tiền hô như đấng bậc dám bước chân vào chốn nguyện cầu khắc khổ ở sa mạc, trước Đức Chúa. Tuy thế, thánh sử không ghi gì thêm về thuở thiếu thời của đấng thánh Tiền Hô, rất chân chất.   
       
Trong khi đó, tác giả Tin Mừng thứ tư lại đặt đấng thánh Tiền hô ở vào vị trí khiêm tốn, mọn hèn. Thánh sử Gioan Tông đồ ghi mỗi sự kiện về đấng thánh Tiền hô đã có mặt rất sớm ở Tin Mừng của ngài. Làm thế để minh chứng Đức Giêsu là ai? Đấng nào? Và, thánh Gioan vẫn thẩm định rằng: mình không là Đấng Mêsia, cũng chẳng phải Êlya, mà chỉ là ngôn sứ kiểu Môsẽ chân truyền, ai cũng biết. Rõ ràng, Tin Mừng thứ tư cũng chẳng ghi gì về thời thơ ấu và niên thiếu của đấng thánh Tiền hô và Đức Giệsu, hết.

Riêng thánh sử Mát-thêu lại có đoạn ghi thân thế của thánh Gioan Tiền hô, nhiều hơn ai hết. Thánh Mátthêu đặt đấng thánh Tiền hô nơi Tin Mừng của ngài để công khai loan báo cũng cùng một sứ mạng như Đức Giêsu nhận lãnh, cũng một văn phong, thể loại như khi tác giả tả về Thày Chí Ái. Ngôn từ thánh sử dùng chỉ đơn giản gồm mỗi thế này: Nước Chúa đã gần kề. Anh em hãy thay đổi tầm nhìn và thái độ về thế gian, để xứng đáng với tình huống lịch sử ‘có một không hai’ Chúa diễn lộ.

            Nhưng nhân vật Tiền hô/Tẩy rửa ở Tin Mừng Mát-thêu lại quá tập trung vào việc ứng đáp và chi tiết phán xét của Giavê hơn động thái hiền hoà Đức Giêsu vẫn hành xử. Đọc Tin Mừng Mátthêu, người đọc sẽ thấy thánh Gioan Tiền Hô trông giống nhà giảng thuyết hùng hồn giảng lớn tiếng. Thánh Mátthêu còn ghi chú thêm, là: người Do thái bình thường đã chấp nhận đấng thánh Tiền Hô thôi, riêng nhóm Pharisêu và Sađuxê, thì không thế. Chính vì vậy, thánh Mát-thêu mới đặt để nơi miệng Chúa lời khẳng định về điều Ngài từng quả quyết: “Xét người phàm, chẳng ai sánh tày Gioan Tẩy giả, nhưng kẻ nhỏ nhất trong những người bé nhỏ ở Nước Trời lại cao cả hơn thánh nhân”. Nói chung, thánh Mát-thêu cũng không quan tâm đến nguồn gốc của thánh Gioan.

Thánh Luca thì khác. Thánh Luca coi thánh Gioan Tiền Hô là đấng thánh kiểu xưa/cũ, tức: chuyên lập cầu ráp nối giữa cái cũ và cái mới. Thánh nhân chính là điểm khởi đầu để cho Đức Giêsu được nổi bật hơn. Ở Tin Mừng Luca, thánh Gioan Tiền Hô là đấng bậc hiền hoà đem đến cho mọi người thông điệp rất rõ: “Hãy sẻ san của ăn/thức uống mình có và chỉ nên thu gom cho mình những gì cần thiết, đúng mức; chớ bức ép người đồng loại; và, bằng lòng với lương tiền/lợi lộc dành cho mình trong cuộc sống. Hãy nhận ơn thanh tẩy, ở giòng sông Gio-đan.” 

Ngược lại, thông điệp của Chúa còn cao cả hơn. Thông điệp Ngài lại mang tính chất toàn cầu, vượt dân nước Do thái. Thông điệp Ngài tóm gọn nơi dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu và truyện “Người con đi hoang”, cũng rất rõ. Thông điệp Ngài, loan báo cuộc tẩy sạch hết dân gian gửi đến tất cả mọi người trên hoàn vũ, chứ không ở giòng sông nhỏ mang tên Gio-đan, mà là ơn lành thanh tẩy từ Thần Khí Chúa, là Đấng sẽ hiện đến vào lễ Ngũ Tuần và cứ thế tiếp tục mãi.    

Ở Tin Mừng thánh Luca, ta nhận ra đôi điều về xuất xứ của đấng thánh Tiền Hô/Tẩy rửa. Thật ra, khi cử hành mừng kính sinh nhật của thánh Gioan, nhiều người thường nghĩ về thánh nhân như đấng bậc “thanh tẩy” như phụng vụ Hội thánh vẫn làm. Thật sự, thánh nhân không chỉ làm mỗi việc ấy. Ngài còn tập hợp mọi người bên sông Gio-đan, đưa họ vào giòng nước để có kinh nghiệm đầm mình trong đó, như một sàng lọc, để rồi từ đó tới đất hứa đòi lại những gì Chúa ban. Đất Chúa hứa, từng bị Đế quốc La Mã tiếm quyền, chiếm ngự. Và, thánh Gioan tổ chức nghi tiết có đoàn người kéo nhau đòi lại đất cho người Do thái. Đây là động thái mang tính chính trị nhằm chống lại sức ép của Đế quốc. Thánh Gioan là khuôn mặt chính trị và là người sáng lập ra nghi tiết chống đối mang ý nghĩa châm chích, rất đau lòng.

Chỉ mỗi thánh Luca là kể về sự cưu mang và sinh nở của thánh Gioan thôi. Một phần truyện kể là về Đức Maria, Mẹ của Chúa đi thăm bà Êlizabeth, thân mẫu của thánh Gioan Tiền hô để Mẹ hát bài ca “Xin Vâng” theo lời thần sứ khuyên. Có lẽ nên nhận ra nơi đây hai bài chúc tụng cùng chung ý nghĩa và mục đích nói lên sự vui mừng của thánh Gioan Tiền Hô, lẫn Đức Mẹ.

Viết như thế, thánh Luca hàm ngụ ý nghĩa một động thái mang tính chính trị của người Do thái có niềm tin rất vững vào lời ca mà Đức Maria, Mẹ của Chúa đã sáng tác cho ta, lúc Mẹ mang thai. Cả Mẹ nữa, cũng đi vào với chính trị của Chúa. Chính trị đó, ta gọi là bài ca “Xin Vâng”, qua đó Mẹ tuyên dương Chúa đã làm nhiều việc qua Con Một Ngài là Đức Giêsu, tức đã hoàn thành ý định của Cha Ngài:

-          ra tay biểu dương sức mạnh làm tan tác bè lũ kiêu căng lòng trí
-          hạ bệ những kẻ quyền thế khỏi ngôi báu
-          nâng cao mọi kẻ khiêm hạ
-          cho kẻ đói nghèo được no phỉ sự lành
-          xua đuổi về không những kẻ giàu có.

            Thế đó, không là tư duy về lòng đạo rất sốt sắng mà là thực chất bộc phá nền chính trị. Tựa hồ các vấn đề thời đại ngày nay ta vẫn có, như:

-          tính ngạo mạn, kiêu căng
-          bè lũ thống trị vô liêm sỉ, thiếu công bằng
-          áp bức người khiêm hạ ở dưới thấp và những kẻ đói khát
-          đám nhà giàu mải mê bòn mót tiền bạc và của cải của người khác.

Đó là chủ đề Tin Mừng thánh Luca có lời cung chúc rất “Xin Vâng”. Có cả chương đoạn kể về thời thơ ấu của hai Đấng. Tin Mừng đó, không là văn phong của trẻ nhỏ. Nhưng, là chính trị của người lớn. Chính vì thế, có lẽ ta cũng nên cân nhắc những điều được nói để đem ra khỏi lễ hội Giáng Sinh, đình đám. Bởi, không thể đặt Đức Kitô vào với Giáng sinh cho đến khi nào ta đưa nền chính trị của người lớn rất Kitô vào với cảnh trí thế giới của riêng mình. 

Mỗi thánh lễ ta tham dự đều mang ý nghĩa như một tuyên xưng quyết nói lên, rằng: kẻ nắm giữ mọi quyền bính phải nhận ra rằng của cải/bạc tiền trên thế giới thuộc về dân nước sống trong đó. Họ có bổn phận phân phát cho người dân, thật đều. Và, ưu tiên cho những người còn nghèo còn đói, bị bỏ rơi ngoài phố chợ. Đó, mới là thứ chính trị mang lợi ích đến những người có nhu cầu cấp bách, rất trông mong.      
    
Tuần vừa qua, ta suy niệm về cộng đoàn khác thường được nói ở dụ ngôn, vượt quá gia đình cũng như nhóm hội Chúa thiết lập. Truyện kể về ngày sinh của thánh Gioan Tiền Hô hôm nay, là bản dạo đầu cho “gia đình” khác thường ấy. Truyện kể về thánh Gioan, cũng nói trước về nền chính trị mang tính dụ ngôn của cộng đoàn khác thường. Và, đó là cung cách viết Tin Mừng của thánh Mác-cô. Thế nên, sống theo đường lối của thánh Mác-cô cũng cần để có được một nền chính trị đích thực theo kiểu thánh Luca mà tạo ảnh hưởng lên thế giới, rất gian trần.

Trong cảm nghiệm này, cũng nên ngâm lại lời thơ vừa trích, mà ca lên:

            “Anh chắp tay van, dáng tượng sầu,
            Người em mây tỏa, gót chân đau.
            Xin cho da thịt là sương khói,
            Quyền phép đôi ta vẫn nhiệm mầu.”
            (Đinh Hùng – Trái Tim Hồng Ngọc)

Quyền phép hôm nay, thánh nhân đã hoá giải. Để, người người nhờ đó sẽ ca vang bài “Xin Vâng” như Đức Maria từng cất tiếng. Mẹ cất tiếng ca vang để người người lại sẽ có được “trái tim hồng ngọc”, lời hứa Chúa phú ban gửi đến mọi người, suốt mọi thời.    

            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh -  
 Mai Tá phỏng dịch

Sunday 10 June 2012

“Có thay đổi gì không, màu hoa ấy?”


Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Năm B 10.6.2012

Có thay đổi gì không, màu hoa ấy?”
“Mùa hạ qua rồi, lại đến mùa thu.”
(Dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Mc 14: 12-16, 22-26

Màu hoa ấy, là Tình Chúa tặng, nào đổi thay. Hoa màu này, là trân châu ta giữ, chẳng thay đổi cả vào Hạ đến mùa Thu. Thu-Hạ, là xác quyết thánh sử ghi ở trình thuật lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Trình thuật, nay là xác quyết về Tình Chúa yêu thương được Hội thánh đưa vào phụng vụ lễ Mình Máu Chúa, chóp đỉnh của phụng vụ, nhằm giúp con dân trong Đạo biết mà tri ân, cảm tạ. Tri ân, là động thái ràng buộc, không chỉ giúp ta nói lên một lần rồi quên lãng. Tri ân, là trạng thái giúp ta bỏ giờ ra mà cảm kích ơn huệ mình lãnh nhận. Tri ân, là động thái không chỉ xảy ra trong quá khứ, nhưng tiếp tục cả thời hiện tại  lẫn tương lai.

Lễ Mình Máu Chúa, là  lễ hội giúp ta không chỉ nhớ lại việc Chúa đã làm vào buổi Tạ Từ, nhưng để giúp ta tái tạo và duy trì sự hiệp thông Chúa khuyến khích tình yêu thương còn tiếp diễn. Tri ân/cảm tạ, là bí tích Phục Sinh Ngài ủy thác cho ta, hệt như Đức Giêsu từng cảm tạ Cha Ngài, buổi Tạ Từ. Trước khi cầm chén uống, Ngài cũng cảm tạ và nhủ khuyên đồ đệ hãy làm thế. Ngài cảm tạ, không vì ai đó cho Ngài của ăn/thức uống để tri ân. Ngài cảm tạ, vì Chúa Cha ủy thác cho Ngài hành xử theo cách cho đi chính mình hầu làm của ăn/thức uống, cho mọi người. Của ăn, là sự sống mới Ngài ban phát. Thức uống, là Máu cứu chuộc Ngài tặng trao cho ta nhận lãnh, hầu về với Giao ước có tri ân, tạ từ, cảm kích. 

Đây cũng là cung cách người Do thái vẫn làm từ buổi trước, mà họ có thói quen đặt tên cho nó là “toda”, tức động thái cảm kích/tri ân mà mọi người từng làm, kể từ ngày lưu vong nơi xứ người nay quay về. Quay về, với lời ca cảm tạ rất vui tươi, như thánh vịnh 107 còn ghi dấu. Và, tiên tri Giêrêmia cũng đã ghi: “Người người sẽ nghe tiếng mừng vui/hoan lạc, tiếng cô dâu/chú rể, tiếng những kẻ nói: ‘Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại.”(Gr 33: 14).

Là dân con Đức Chúa, người Công giáo chỉ có thể đạt đến bí tích Thánh Thể khi hiểu được thế nào là lời-ca-cảm-tạ Đức Giêsu đã thực hiện qua việc Ngài cống hiến sự sống, nỗi chết và sống lại của Ngài cho Cha. Như Đức Bênêđíchtô XVI có lần nói: “Tiệc Tạ Từ của Đức Giêsu chính là lời cảm tạ rất “toda” ngay trước khi đi vào cõi chết.” Và tiếp đó, còn có lời dặn của Thày trước khi trỗi dậy: “Anh em hãy làm việc này như Thày làm hôm nay.”

Suy tư về sự Thống khổ của Chúa ở Tin Mừng, người người sẽ thấy thánh sử qui về thánh vịnh ghi ở Cựu Ước. Như thánh vịnh 22 hàm ngụ ý nghĩa cảm tạ qua cụm từ “toda” của người Do thái. Xem thế thì, niềm thống khổ và nỗi chết của Chúa là động thái cảm tạ Ngài dâng lên Chúa Cha, là Đấng đã định như thế. Từ đó, ta có thể nói mà không sợ sai rằng: Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết là để tiếp tục nói lời “Tạ ơn Cha” rất cao cả, trong mọi việc. Đó còn là lý do để ta quay nhìn vào ý nghĩa của lễ hội trong năm phụng vụ, rồi cùng Chúa đem lời cảm tạ/tri ân gửi đến mọi người.

Nói lời cảm tạ, sẽ biến ta trở thành loại người đặc biệt đã biến đổi từ động thái tư riêng đi vào quần thể tập hợp ở Tiệc Thánh. Chính đó là quần thể huyền nhiệm. Là, Mình Thánh Đức Kitô. Là, lý do để Hội thánh của ta định ra lễ Mình Máu Chúa thành lễ hội đặc biệt. Mình Máu Chúa, không là xác thể bình thường, mà là “quần thể tập hợp” thiết dựng bằng lời tri ân, cảm tạ. Mình Máu Chúa, là “quần thể tập hợp” rất mới của Mình Máu Chúa đã thiết lập nhờ vào Phục sinh, quang vinh. 

Nhìn vào Tiệc Thánh Thể ta mừng kính, người người sẽ nhận ra ý nghĩa của việc mình làm. Tức, đang tri ân, cảm tạ và đang trở thành thể xác rất thánh của Đức Chúa. Đó là ý nghĩa của thánh lễ ta thực hiện. Là, bi hài kịch bốn màn, cũng rất chẵn.

Màn đầu, là khởi nguyên vũ trụ, lúc Thần Khí bay là là trên nước có Lời của Tạo Hoá: “Hãy để trái đất nổi lên khỏi nước mà sinh sản ra vạn vật.” Xem thế thì, Thần Khí là Đấng sinh sản rất màu mỡ. Lời Ngài rất hiệu nghiệm. Bởi, từ nơi không có gì, Thần Khí và Lời tập hợp lại đã khiến cho sự sống trổi sinh khắp chốn. Và như thế, hiện hữu là cung cách để vũ trụ nói lên lời cảm tạ hướng về Đấng Tạo Hoá.

Màn Hai, dấy tràn thời gian tính, nhân ngày Truyền Tin (Lc 1), tức lập nền tảng ngay tức khắc. Cũng một Thần Khí là Đấng phủ tràn làn nước ở thời khởi nguyên, nay đem Đức Nữ Đồng Trinh Maria ở dưới bóng râm màu mỡ ở đó có Lời mặc lấy xác thịt loài người. Nơi cung lòng trinh trong của Đức Nữ Trinh Maria, Thần Khí làm đất trời trổi dậy thật rất mới. Đó là: tính “Người” của Đức Chúa. Bằng vào tính “Người” của Ngài, Đức Giêsu đã nói lời tri ân/cảm tạ dâng lên Cha, rất mật thiết.

Màn Ba, là thánh lễ hôm nay chất đầy lời cảm tạ vẫn tiếp tục thể hiện. Vào thánh lễ, vị chủ tế để tay lên bánh và rượu là dấu hiệu Thần Khí “bay là là” trên thế giới và nơi Đức Nữ Trinh Maria mà tặng ban sự sống, rất Giêsu. Sau đó, chủ tế đọc cũng một lời truyền mà Đức Giêsu khi xưa cất tiếng: “Này là Mình Ta, Này Máu Ta”, và trong khoảnh khắc ấy, sự-sống-rất-Giêsu nảy sinh đã trồi lên và hướng về phía trước. Bên dưới hình thù Bánh/Rượu, Đức-Chúa-Trỗi-Dậy đích thân hiện diện với và giữa con dân của Ngài. Ngài hiện diện bằng hiện hữu đích thực, rất thật. Đó là hiện diện thực sự, chứ không là biểu tượng. 

Sự hiện diện rất thật, tức không do ai đặt để một cách ý thức, vào khoảnh khắc mà chính mình không nắm rõ. Đó không là hiện-diện theo ký ức mà ai đó tưởng nhớ, tức chỉ ở nơi xa xôi không có mặt. Đó không chỉ là hồi-ức có trong đầu của người nào. Đức Kitô có mặt thật sự nơi Tiệc Thánh Thể không chỉ vào lúc ta nhớ đến Ngài, mà cả vào khi ta không nghĩ về Ngài, hoặc như tự hỏi không biết Ngài có đó hay không. Ngài không hiện diện chỉ bằng hành động, như ai đó gửi điện thư cho ta. Mà Ngài đích thân có mặt, bằng chính bản-thể rất “Người” của Ngài. Ngài là tất cả ở đây. Bây giờ.

Khi truyền phép, đã có đổi thay gây kinh ngạc mà thánh Tôma Akinô gọi đó là “Phép lạ lớn lao nhất Chúa từng làm”. Thay đổi này, không có sự tương đương nào trong kinh nghiệm của ta. Bằng vào uy quyền của Thần Khí, đã có sự hữu hiệu của Lời nơi phần sâu thẳm của niềm tin của người dự Tiệc Thánh Thể, thực tại bánh/rượu đã biến thành thực-tại-là-Đức-Kitô. Như Đức Maria đã nói với thần sứ: “Điều ấy làm sao được?” Thật ra, không có câu trả lời nào tuyệt diệu hơn lời thần sứ nói: “Với Chúa, chẳng có gì là không thể!” (Lc 1: 34-35) Lời Chúa là Lời sáng tạo, rất hiệu lực. Lời Ngài tạo thành sự sống đến với Chúa. Lời-trỗi-dậy-từ-cõi-chết, nay đang nói và thành hiện thực. Khi Lời mặc lấy xác phàm, Ngài có nói: “Này là Mình Ta.” thì không ai còn ngờ vực tính xác thực Ngài đang hiện diện ở Tiệc Thánh Thể, nữa. 

Màn Bốn: sau Truyền phép là Hiệp thông. Một lần nữa, vị chủ tế nguyện cầu cho quà Thần Khí với câu kinh: Vâng, lạy Cha xin hãy để Thần Khí thể hiện sự tuyệt vời của Tiệc Thánh Thể hiện diện với chúng con, nay đến ban cho chúng con hoa-quả thánh-thiêng và ở mãi với chúng con. Xin ban Thần Khí biến đổi bánh trở thành Thân Mình Đức Kitô, hầu thay đổi tâm can chai đá của chúng con thành con tim đích thực. Để, khi san sẻ cùng một tấm bánh, chúng con trở thành một thân mình trong yêu thương. Và, khi chúng con nhận đón Mình Thánh Chúa vào lòng, xin Thần Khí và Lời hợp lực biến đổi chúng con thành Thân Mình nhiệm màu của Đức Kitô, khiến chúng con thành Hội thánh của Ngài. Xin biến chúng con trở thành trời mới đất mới, làm một trong Thân Mình Chúa.

Thành thử, hiệp thông nhận đón Thánh Thể, có sự sống của Đức Giêsu cắm rễ sâu nơi tâm can mỗi người và mọi người. Sự việc diễn tiến đến ngày Chúa ở trong mọi người và đến lúc mỗi người và mọi người trở nên một. Trở nên thế, có động thái tràn đầy ân-sủng, tức động tác cảm tạ/tri ân rất Thánh Thể, để mọi người cùng chúc tụng ngợi khen Cha đã khiến Mình Thánh Chúa trở thành vĩnh cửu.

Chắc có người sẽ hỏi: sao lại suy tư điều này vào ngày lễ Mình Máu rất thánh của Đức Chúa? 

Suy tư, là suy về một thiên đường có động thái tri ân/cảm tạ kéo dài đến vĩnh cửu. Có mọi người làm thế, ở nơi đó. Suy tư như thế, là bởi Tiệc Thánh Thể là Lời mở cho sự-việc này. Phụng vụ, là động thái thưởng-thức-trước sự việc ấy. Bởi, mỗi khi cử hành Tiệc Thánh là ta san sẻ hiệp thông với Thánh Thể. Là, sờ chạm vào Quà Tình Yêu Vĩnh Cửu. Là, ta thực hiện cho bằng được việc tri ân/cảm tạ. Là, hành xử một phẩm bình về văn hoá của mọi thế giới từng xem xét sự việc theo cung cách rất khác biệt.

Tiệc Thánh Thể không là việc lý luận dành cho người chỉ biết lý sự một cách không ý nghĩa. Bởi, lý sự chẳng đem lại ý nghĩa gì đặc biệt. Nhưng, Tiệc Thánh Thể của ta không là áng thơ cũng không là tác phẩm nghệ thuật, đối với người có khiếu thẩm mỹ. Tiệc Thánh Thể, chứng tỏ cho thấy nếu chỉ là người có óc thẩm mỹ thôi, cũng không đẹp. Tiệc Thánh Thể, không là sự kiện tôn giáo. Với người có Đạo, việc ấy cũng không có nghĩa là đã “sốt sắng” đủ. Việc ấy, chỉ cho thấy nếu chỉ mỗi sốt sắng thôi, cũng chưa hẳn là đạo đức đủ. Tiệc Thánh Thể của ta, không là ý niệm hoặc việc sùng bái ta vẫn thích, mà hơn cả cử chỉ phụng thờ. Hơn rất nhiều, vì đó là Tình cho đi. Là nhận lãnh, sẻ san, sống thực. Là cảm tạ, rất đích thực.

Phải chăng, điều đó cũng xa hoa? Vâng. Chính thế. Thực sự, mọi việc tu-đức đều xa hoa! Nhưng, là xa hoa Chúa ban phát mà không thu hồi. Và, ta vẫn quen như thế. Quen, đến độ cứ nghĩ mình có quyền như thế. Quen, đến độ mình không thể gắn bó với nhau mà không có Tiệc Thánh Thể, rất như thế.

Trong cảm nhận điều này, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, rằng:

            “Có thay đổi gì không màu hoa ấy
            Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu
            Thời gian đi màu hoa cũ về đâu
            Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ.”
            (Xuân Quỳnh – Hoa Cúc)

Màu hoa đổi thay, nay là màu Chúa ban phát. Để ta và người cứ thế trở thành THân Mình Chúa rất thân thương, nên một. Một thân. Một mình. Rất thánh hoá.                                                                                
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   -  
Mai Tá phỏng dịch