Saturday 30 January 2016

“Thương thay những thế-kỷ vắng anh-hùng”



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 5 thường niên năm C 07/02/2016

Tin Mừng (Lc 5: 1-11)
Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.


                   “Thương thay những thế-kỷ vắng anh-hùng”
                                                           (Dẫn từ thơ Chế Lan Viên)

Anh hùng, theo nghĩa của nhà thơ, vẫn thiếu vắng. Thiếu rất nhiều. Vắng không biết bao nhiêu là bóng hình thân-quen của thời xưa/cũ. Vắng, cả vào chiều hôm biền-biệt, chốn dân-gian. Những chiều hôm trong Đạo, cả ngoài đời. Ở nơi đó, có những lãnh-tụ lâu nay nói rất nhiều. Đặc-biệt hơn, nói cả vào các dịp bầu bán, rất động sôi.
Hãy thử nghĩ xem, nếu con dân của Chúa là chúng ta có trọng trách phải đi bầu để chọn lựa thủ lãnh hàng đầu trổi bật như bên dưới, ta bầu ai: Ứng viên A, được đánh giá là một chính trị gia nổi tiếng. Nhưng hơi làm một tí đã thấy mệt. Làm gì cũng hỏi ý các nhà chiêm tinh đẩu số, rất vu vơ. Tình duyên gia đạo, thì dính líu những hai người tình. Lại mắc tật nghiện hút thuốc và rượu nữa. Rất khó chữa.
Ứng viên B, được biết từng bị đuổi sở, những hai lần. Ngủ, thì thâu đêm suốt sáng vẫn còn nấn ná mãi đến trưa. Hồi còn mài đũng quần nơi ghế đại học, ông ta lại mắc chứng nghiện thuốc phiện. Về bệnh sử, thì bác sĩ chẩn đoán là ông ta mắc chứng loạn thần kinh. Ông này cũng nghiện rượu và thuốc lá.
Ứng viên C, nổi danh cùng khắp đấng anh hùng. Huy chương chiến trận đầy nơi ngực. Ăn, thì thanh đạm. Không hút sách cũng không rượu chè. Chỉ thỉnh thoảng uống vui cùng bạn bè, một chút thôi. Tình duyên gia đạo, thì chẳng rối rắm chuyện gì cả. Vậy, ta chọn ai đây? Ứng cử viên A, ư? Tổng thống Mỹ, Franklyn D. Roosevelt đấy. Ứng viên B, ư? Đích thị thủ tướng Anh, ngài Winston Churchill. Ứng viên C? Chính ông ta, người anh hùng ma đạo Adolph Hitler, Đức Quốc Xã.
 Hẳn ai cũng đều có kinh nghiệm, thông thường các ứng viên sáng giá trong mùa bầu cử, đôi lúc lại trở thành thủ lãnh rất bê bết, ở ngoài đời. Thật lòng cảm tạ, là: Đức Kitô không hội ý quân sư Thiên triều khi tuyển chọn ứng viên tông đồ, thời ban sơ. Theo giấy bút, cả thánh Phêrô lẫn thánh Gi-cô-bê và Gio-an đều đã chẳng hề tỏ ý muốn nạp đơn xin làm tông đồ, theo chân Ngài. Nhưng Đức Giê-su cũng đã nhận ra nơi các thánh tông đồ, 3 đặc điểm cần có để trở thành vị thủ lãnh trong Đạo, đó là: sự tin tưởng, niềm hy vọng và tình thương yêu. Ba đặc điểm này, không phải các thánh đã đạt ngay khi được tuyển chọn.
Đọc Tin Mừng ta vẫn hiểu là các thánh tông đồ ít hiểu rõ những gì Đức Giê-su mặc khải. Vì không hiểu, nên các ngài thường đổi đề tài sang chuyện khác. Giống như thủ lãnh - anh hùng, cũng từng hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng chẳng giữ được bao nhiêu. Khi gặp tình huống trớ trêu, gay go, đa số đều bỏ Thầy, chạy lấy người.
Tuy nhiên, có một điểm son mà hầu như các lãnh tụ vẫn đạt được trong thời gian đào luyện, là: có sự hỗ trợ của vị cố vấn giàu kinh nghiệm. Vị này biết rõ đệ tử mình không là người trọn hảo. Nên, đã cho người mình chọn biết rõ sự thật. Và, còn đem họ trở lại sống theo đường lối tốt lành xưa cũ. Và còn, tạo nguồn hứng khởi cho đàn em đệ tử bằng lời khuyên và gương sống tốt đẹp nữa.
 Nhiều lúc ta nghĩ, Tin Mừng bao giờ cũng đòi hỏi ta phải có lối sống khác lề lối tệ bạc mình vẫn sống. Và, chuyện này thường vẫn là sự thật hiển nhiên. Đọc Phúc âm hôm nay, ta hãy nên suy nghĩ theo cung cách nghiêm túc, không theo nghĩa đen, thì ta sẽ cảm nghiệm được điều đó.
 Để giúp ta cảm nghiệm, thánh Luca ghi lại một yếu tố rất rõ: “họ bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Với Đức Giêsu, điều này không có nghĩa bảo rằng: thánh Phêrô từ bỏ gia đình thân thiết của thánh nhân để theo Chúa. Bằng chứng là: các tông đồ cũng vẫn trở về với công việc đánh cá, rất nhiều lần, trong suốt đường đời theo chân Chúa.
Thánh Luca còn dạy thêm: bỏ mọi sự để theo Đức Kitô là một chọn lựa rất triệt để. Dấn thân theo Chúa, là gột bỏ khỏi nơi mình những gì ngăn chặn không cho ta phục vụ Vương Quốc Nước Trời. Đổi lại, người theo chân Chúa phải là người luôn trau dồi, tu chỉnh mọi thứ ngõ hầu đưa ta vào cuộc sống hài hòa, nơi Đạo Chúa. Và, dấn bước theo chân Đức Kitô phải là hành động xuất phát từ con tim, mỗi người.
Đọc kỹ Tin Mừng, ta thấy thánh Luca cho biết nhiều vị trong Hội thánh đã quay về sống đời phải Đạo làm con Đức Chúa. Trong số ấy, có rất nhiều người vẫn còn là tội phạm. Chẳng ai mang dáng dấp vị anh hùng, hoặc thủ lãnh nơi trần gian. Chính vì thế, Hội thánh thời tiên khởi đã gặp khó khăn khi tiếp nhận các vị mới gia nhập.
Khi tuờng thuật chuyện thánh Phêrô đầy tội lỗi là thế, nhưng vẫn được Đức Giê-su mời gọi theo chân Ngài, thánh Luca muốn xác định một điều: Bất cứ ai chấp nhận bỏ lại đằng sau, quá khứ hư đốn tồi tệ của cuộc sống bê tha khi trước, vẫn được dẫn dắt trở thành môn đệ Đức Kitô. Điều này, thánh sử cũng muốn hàm ngụ rằng: ta không được phép lên án bất cứ ai được lưới cứu độ của Thiên Chúa phủ trùm.
Và, một khi đã ở trong lưới cứu độ của Đức Chúa, ta chỉ cần tin tưởng vào tình yêu thương và lòng độ lượng của Ngài. Để rồi ta sẽ lan rộng tình thương ấy bằng hành động thăm viếng giúp đỡ kẻ đau yếu lẫn người lành mạnh.
Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong cho Hội thánh Chúa chọn có được tinh thần khiêm hạ nhận rằng Chúa vẫn xoay chuyển lật ngược mọi phê phán của ta. Ngài sẽ thay đổi hẳn mọi lề luật, qui cách, nghị định hoặc tập tục thói quen, cùng phương sách quản trị nào của thế giới không dựa trên tình thương yêu giúp đỡ người khác.
Và từ đó, Ngài sẽ đưa ra các anh hùng lãnh tụ nào khả dĩ trưng dẫn được cho mọi người thấy chiều kích tình thương của Chúa nơi những sơ xuất, yếu mềm của con người.
Cầu mong sao, “những thế-kỷ ta đang sống dù vắng bong các anh-hùng, lãnh-tụ”, thế-giới này vẫn không để luột mất tình thương cứu-độ của Đức Chúa. Lại cũng cầu và mong, sao cho các lãnh-tụ trần-gian dù từng làm những chuyện không đáng nở mặt anh-hùng, vẫn không ngăn ta có được sự tin-tưởng, niềm hy-vọng và lòng tỏ-bày tình thương-yêu đến hết mọi người. Cả, với thế-giới ngoài đời lẫn trong Đạo.
Được như thế, ta sẽ cùng với mọi người, cả anh-hùng, lãnh-tụ lẫn dân đen, cùng hát lên lời ca đầy hy-vọng của nghệ-sĩ họ Lê sau đây:
“Mặc thế-gian tranh đua anh-hùng,
Nào nhẹ gót, ta cùng bước ra khỏi ưu-phiền.
Rời xa chốn phong-trần để sống cho tình yêu.”
(Lê Hựu Hà – Sống Mãi Với Tình Yêu)

Bởi lẽ, trong đời dù “những thế-kỷ có thiếu vắng anh-hùng” đi nữa, ta vẫn cứ thương và cứ yêu, hết mọi người, suốt mọi thời.
 
Lm Richard Leonard, sj  biên soạn
Mai Tá lược dịch.

Saturday 23 January 2016

“Trời đất thực ra nào có tội”,



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 4 thường niên năm C 31/01/2016

Tin Mừng (Lc 4: 21-30)
Hôm ấy, tại hội đường Nazarét, sau khi đọc sách ngôn sứ Ysaya, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
Họ bảo nhau:
“Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy tự chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình,
Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlya, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ đuợc sai đến giúp bà góa thành Xarépta miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlysa, thiếu gì người phong hủi torng nuớc Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syrie thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi người ra khỏi thành –thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng giữa họ mà đi.

“Trời đất thực ra nào có tội”,
             (Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

            Vâng. Đúng thế! Cả tội chết, hết anh-hùng. Dù, anh-hùng ấy có làm đúng hay sai nơi xứ sở quêe-hương mình. Dù, anh-hùng ấy có là tiên-tri/ngôn-sứ hay Đấng Cứu-tinh cả trời đất, rất nhân-gian. Dù đến thế nào đi nữa, trời/đất, nhân-gian vẫn thường nghe những lời tương-tự “Chẳng tiên-tri nào được sủng-mộ nơi quê nhà”, như lời Thày đà phán.
            Vâng. Quả là như thế! Lời Thày phán-bảo trong Phúc Âm hôm nay, thật rõ ràng. Đọc kỹ từ đầu bài đến cuối trình-thuật, người đọc hẳn nhận ra rằng đám đông quần-chúng trong trởi đất, vẫn như điên như dại khi nghe Thày phán bảo sự thật ấy. Và, quần-chúng nhân-gian như muôn ném Đấng Cứu Tinh trời đất xuống vực sâu. Ở triền đồi gần nơi Thày đứng đó giảng-giải.
            Ngày hôm nay nữa, mọi việc trong trời đất đã dần dà đổi thay. Thay rất nhiều. Đổi không biết là bao nhiêu. Nhưng dù có đổi thay, trời đất thực ra nào đã nên tội. Nên tội chăng, chẳng phải do trời đất, đất đời nên cớ sự.
Thời buổi này, đã thấy xuất hiện nhiều trò thao tác đổi thay, đến kinh hồn bạt vía. Nhiều người trẻ hôm nay, thích chơi trò nghịch ngợm đến rụng tim. Chỉ để thay đổi. Cả đến các anh hùng gan dạ, nơi đất trời lồng lộng cứ thích chơi trò nghịch ngợm, chẳng sợ ai.
Phần đông người khác không thể hiểu sao giới trẻ ngày nay thích cột giây vào cổ chân, nơi mắt cá; để rồi, phóng mình như người rồ dại xuống chân đồi toàn vực thẳm. Tưởng chừng như họ chỉ muốn tìm đến nơi nguy hiểm, không ai dám.
            Dường như người trẻ hôm nay, vẫn thích trò cá độ đầy thử thách. Thách thức mức bộc phá xuyên qua lớp sương mù dày đặc, những lo âu. Chừng như, người trẻ những muốn bứt phá các kỷ lục đã lỗi thời của người xưa: về thành tích gan dạ, ít khi thấy. Thứ thành tích, cận kề với thần chết chẳng hề nao núng hay lo sợ. Tuổi trẻ hôm nay là như thế.
Ngược lại, những người như ta, dù trẻ hay không, vẫn chẳng muốn thử lòng gan dạ với anh hùng. Chẳng là đám ngu si bốc đồng dám thách thức với tử thần, để ra oai. Chọn lập trường nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng những người làm như thế đều muốn chứng tỏ rằng: mình là người anh hùng gan dạ cũng như ai.
Tuy nhiên, anh hùng gan dạ trong yêu thương, chính là trọng tâm của các bài đọc hôm nay. Vẫn biết rằng, phần đông quần chúng khắp nơi chẳng thích nghe, thích tìm về Lời Chúa. Nhưng, Đức Giê-su vẫn can trường dẫn giải mọi sự cho người anh em mình ngay tại quê hương xứ sở mình. Thời nào cũng thế, ngay thời ngôn sứ trong Cựu Ước cũng có những vị như tiên tri Giê-rê-mia dám can trường lặn lội khắp nơi –cả ở quê hương mình- chỉ để giảng rao lòng yêu thương trìu mến Thiên Chúa muốn có ở trần gian. Bất kể hiểm nguy hay bách hại xuất phát từ dân gian nơi thôn làng mình từng sống.
Và hôm nay, thánh Phaolô minh chứng lý do tại sao nhiều vị, bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó, thường thấy có ở nơi dân gian trong trời đất. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này.
Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.
Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực.
Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không  bằng môi miếng, bề ngoài.
Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”.
Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng. 
Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế?
Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy bảo mà thôi.
Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.
Tình yêu đích thực là tình yêu cao cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết.
Đấy mới là yêu thương đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.
Đức Giêsu chẳng khi nào khẳng định rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy. Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em rất thân thương, đi bước trước.
Từ tiên tri Giêrêmia cho chí Đức Kitô, từ thánh Phaolô cho đến các thánh tử đạo, các thánh nam nữ và chính gia đình thân thương của ta, ai cũng biết, mình có thể trấn ngự được nỗi âu lo sợ sệt vẫn còn đó. Qua niềm tin vào những gì đã ghi chép về đường hướng yêu thương của người xưa đã thực hiện, hãy công khai tỏ bày lòng quả cảm của ta với hết mọi người.
Cho dù, có cận kề vực thẳm âu sầu đang gần kề với cái chết. Hãy có những bước nhảy đi vào tương lai mai hậu bằng 3 sợi giây buộc chặt cổ chân, quanh mắt cá. Một sợi mang tên “Niềm tin”, sợi kia là sự “Hy vọng” và, sợi chính yếu được viết rõ là “Tình yêu” .
Tham dự tiệc lòng mến hôm nay, ta cầu mong có nhiều ân sủng để yêu thương hết mọi người như điên như dại, theo nhãn giới của người đời. Cầu và mong sao ta có được lòng gan dạ quả cảm của người anh hùng đưa ta đến với tình yêu thương kẻ khác trong hy sinh, và độ lượng. Cầu và mong sao mọi người biết thương yêu trìu mến, dù cho có cận kề với cõi chết, chỉ vì yêu. Yêu lẫn nhau. Yêu không ngại ngần.

Lm Richard Leonard, sj  biên soạn 
Mai Tá lược dịch.

Saturday 16 January 2016

“Ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế,”



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ 3 thường niên năm C 24/01/2016

Tin Mừng (Lc 1: 1-4, 4: 14-21)
Thưa ngài Thêôphilô đáng kính,có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học thật là vững chắc.
Khi ấy, được quyền năng thúc đẩy, Đức Yêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Yêsu đến Nazarét, à nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Ysaya. Người mở ra, gặp đọan chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn . Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Yêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội-đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe.”


“Ngoài đời thơm phức những trái cây
của Thượng Đế,”
                                                  (Dẫn từ thơ Thanh Tâm Tuyền)

Chú bé 9 tuổi tên Nho được mẹ hiền gặn hỏi xem bé học được những gì ở nhà trường, môn giáo lý. Nghe mẹ hỏi, bé tíu tít nói vội vàng: Mẹ, cô ở trường có kể cho tụi con nghe rất nhiều chuyện Chúa làm. Sao con thấy chuyện nào cũng đẹp như phim tập, đó mẹ. Cô bảo thế này: Chúa cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của lính Ai Cập chuyên hà hiếp dân lành Do Thái. Chúa cứu họ bằng cách cho ông Mô-Sê, xuất hiện ngay sau lưng địch, mà địch không hay.
Kế đó, ông Mô-sê đem dân Do Thái tới Biển Đỏ an toàn xa lộ, không ai bị đói. Thế rồi, ông lại truyền cho các kỹ sư bắc một cây cầu thiệt to, cao ơi là cao, đặt ngay phía trên đỉnh đầu của mọi người. Và rồi, dân Do Thái ai cũng qua được cầu, mà không bị gì hết. Kế đến, ông dùng di-động gọi về cho tổng hành dinh, kêu máy bay yểm trợ.
Thế là, họ gửi máy bay đến um sùm trời đất, bắn phá tơi bời. Và, cầu bị sập ngay lập tức. Làm chết đám lính Ai Cập. Bọn lính chết sạch, không ai kịp trăn trối với vợ con. Trong khi đó, dân Do Thái cứ ung dung sống an nhàn, thảnh thơi. Mẹ thấy có khủng khiếp không! Bà mẹ ngắt lời: Này con, con kể có đúng như cô con dạy không đó? –Con nói thiệt đấy. Đúng rồi đó, mẹ. Con chỉ thêm có chút xíu cho nó giống phim Hàn Quốc, thôi. Chứ, kể dài như cô  ở trường, mẹ nghe chỉ có nước ngủ gục, chứ ai mà tin những điều cô kể!…
Vâng. Nhìn cảnh anh em đồng Đạo chia rẽ bất đồng vì cách dạy giáo lý từ nhiều thế kỷ, thấy ái ngại. Làm sao có thể cảm nhận “những thơm phức hồng ân ơn cứu độ” Ngài ban cho, chứ? Quả là, nhiều thế hệ về trước,nhằm bảo vệ nguồn chân lý trong Kinh thánh, ta vẫn được dạy: mọi điều ghi trong Kinh thánh đều do Thần Linh Chúa đọc cho các thánh viết.
Trên thực tế, lối viết của mỗi thánh sử như: Mátthêu, Mác-cô, Luca và Gio-an, vẫn chỉ là cách thức đơn lẻ mỗi vị biểu tỏ “những thơm phức của Hồng ân Cứu độ” theo cảm nhận riêng, của mỗi vị mà thôi.  
Hôm nay, Giáo hội khởi loan Tin Vui của Đức Chúa bằng trình thuật ban đầu do thánh Luca ghi. Qua giòng chảy, thánh sử Luca minh định rằng: ngài chỉ viết những điều được Thánh Thần Chúa mặc khải cho mình. Để từ đấy, ta nhận ra: trình thuật hôm nay là thư tâm tình gồm hai phần chủ yếu gửi đến một người, vừa là bạn thân vừa là đệ tử, ngài Thêôphilô đáng mến.
Theo truyền thống, phần đầu thư là Tin Mừng theo thánh Luca. Và kế đến, là sách Công vụ Tông đồ. Ở cả hai, thánh nhân tuyên dương chúc tụng công việc của Vĩ Nhân Số Một, thuộc mọi thời. Đồng thời, ngài cũng ghi lại các thành tựu Chúa làm trong quãng thời gian Ngài ở với dân con, nơi trần thế. Thành tựu đây, là: công trình rất thân quen xảy đến với La-Mã vào thời cổ, nơi chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp, thời buổi trước.
Thánh Luca nhận ra trách vụ phải viết sao để người đọc hiểu “chương trình cứu độ” của Chúa. Và ngược lại, người đệ tử của thánh nhân là Thêophilô cũng biết rõ cách đọc ý định của Chúa, qua điển tích. Trình thuật thánh Luca ghi, nhất định không phải là nguồn nhu liệu thu thập lại chi tiết lịch sử rất thật về cuộc sống của Đức Giêsu, chốn gian trần mọi chi-tiết. Bởi nếu không, sẽ chẳng hài hoà như Tin Mừng nhất lãm do các thánh sử khác viết.
Thật ra, về hình thức, mỗi thánh sử tích lũy nhu liệu theo cung cách riêng tư, của mỗi vị. Và, quan điểm mỗi người về các chi tiết hệ trọng, tuyệt nhiên không thuần nhất, giống nhau.      
Là tín hữu Đức Kitô, ta tin Thánh Thần Chúa dẫn dắt các thánh sử, khi các ngài ghi chép dấu tích nguồn sử liệu. Và, Thánh Thần Chúa cũng soi sáng để khi thuật ghi Tin Mừng, các ngài biết chọn nguồn sử liệu; để, chi tiết về “chương trình cứu độ” của Chúa, tuyệt nhiên không hề sai sót. Và, cuộc sống hài hoà của tín hữu Đạo Chúa ăn khớp với “chương trình cứu độ”, là mục đích của Tin Mừng, coi như chứng-tích niềm tin của Giáo hội.
Thế nên, đây không phải là giòng chảy chi tiết các sự kiện theo nghĩa đen lịch sử. Đây là sử sách ngàn năm về một Chân lý đích thực. Tức, những điều mà nhà thơ ở trên nhận xét: “thơm phức những trái cây Hồng ân của Thượng Đế”. Khi biên tập giòng chảy cứu độ, thánh Luca hiểu rằng ngài Thêôphilô, là bạn và là đệ tử của thánh nhân, được bảo cho biết về đường hướng cứu độ, nơi Đức Kitô.
Và, thánh nhân cũng xác tín rằng: sự thật lịch sử về đường hướng cứu độ thực hiện nơi mỗi người, chính là kinh nghiệm mà thánh nhân đạt tới.
Tin Mừng hôm nay, vẽ lên bức chân dung rất thật, rất khởi sắc và thân tình về Đức Kitô. Qua đây, thánh sử trân trọng gửi đến với hết mọi người, ở mọi nơi, một thông điệp ngàn năm, không nhạt phai. Nếu phải dùng ngôn ng đời thường hôm nay, hẳn tác giả cũng sẽ chua thêm những cụm từ hỏi han, như: “Thế nào, s việc đến đâu rồi?”, hoặc: “Hãy nói thẳng và đưa ra quan điểm của mình”…
Chúng ta cũng thế. Là con Chúa, và là miêu duệ của những Luca, Thêôphilô cùng cộng đoàn kẻ tin thời tiên khởi, ta thừa hưởng một truyền thống, rất chân tình. Rất thân thương. Truyền thống thẳng thắn và chân tình ấy, đưa ra ngay về phía trước, những gì chúng ta được mời gọi đến thực hiện. Gọi đó là “Chương trình” đề ra cho ta, mỗi người. Rất thẳng thắn. Rất chân tình như thưở nào.
Và, cũng dễ nhận biết. Đó là: ta được mời gọi cùng với Giáo hội đồng hành đến với đám dân nghèo/hèn. Được mời, để ra đi giải thoát những người còn bị cầm buộc. Được mời, để tiếp tay nhau trong tranh đấu chống trả mọi áp bức khổ đau, vẫn còn ở nhiều nơi.
Đồng thời, ta có trọng trách thực hiện điều khác nữa: quyết tâm thăng tiến hết mọi người. Cả người cận thân, cũng như người cận lân. Thăng tiến, để tất cả dám đối đầu trực diện với những gì mà mọi người cứ lánh mặt, làm ngơ cứ lờ tảng chẳng muốn nhúng tay vào chuyện gì, cho thêm phiền. Thăng tiến, là khích lệ mọi người dám ra đi công bố hồng ân của Thiên Chúa. Ra đi, còn để biểu lộ: chẳng ai xa vời tầm tay yêu thương cứu độ, của Đức Chúa.
Đòi hỏi của trọng trách ở trên, dù có cao xa vời vợi hay ít thực tiễn, vẫn không là chọn lựa có thêm. Thêm, như chuyện bên lề. Đòi hỏi của trọng trách đây là lựa chọn căn bản, thực tế cho dễ thành hiện thực. Đó là, trọng trách loan truyền “những thơm phức cây trái hồng ân của Thượng Đế”. Trọng trách này, vừa là quà tặng vừa là bổn phận gửi đến mỗi kẻ tin.
Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Đó là ý hướng của chương trình hành động, cho mọi người. Hãy ra đi chuyển đổi thế giới nhân trần, nơi ta sống như Đức Chúa vẫn mời gọi. Đó là chân lý. Chân lý, là ra đi loan truyền Tin Mừng Cứu Độ của Chúa ta sẽ thấy ở nơi đây, có Chúa ngự trị.

Lm Richard Leonard, sj  biên soạn
Mai Tá lược dịch.