Friday 21 August 2015

“Này đây lời ngọc song song,”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần 22 thường niên năm B 23/8/2015

Tin Mừng (Mc 7: 1-8a, 14-15, 21-23)
Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su:"Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Người trả lời họ:"Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."
Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."


“Này đây lời ngọc song song,”
Xin dâng muôn sóng tơ đồng vơi vơi.
Xin dâng này máu đang tươi,
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Thơ ngoài đời, với truyện kể ở trong Đạo, phải chăng cũng có đôi chút “nước mắt giọng cười theo nhau”? 
Những ngày trước đây, tôi có đọc cuốn “Bóng đen và khung trời mù tối”, sao thấy xót xa bang-hoàng. Sách do tác giả người Úc, linh mục John Cowburn, giáo sư trường thần học Dòng Tên ở Melbourne, viết. Trong sách, tác giả đã thận trọng đi tìm phương cách hữu hiệu để giúp ta giữ vững lòng thủy chung với Đức Chúa trong mọi tình huống, dù có phải đối đầu với sự dữ, hoặc mây mù dầy đặc, trong đêm.
Ý tưởng viết sách trên, bất chợt đến với tác giả khi ông đang chạy xe đạp, chợt ngã quỵ, gẫy mất chiếc xương cổ. Ông đành nằm dài chờ ngày nhập viện, để giải phẫu. Đang lúc đợi chờ, tác giả gặp vị nữ-tu cao-niên bước vào phòng bệnh, trao cho ông chiếc Bánh thánh để hiệp thông với Chúa, trước giờ lên bàn giải phẫu.
Tác giả kể cho vị nữ tu nghe lý do tại sao ông gặp tai nạn. Chuyện lan man như một khúc phim dài vô vị. Nghe chuyện, vị nữ tu già bèn bảo với tác giả: cha cầu nguyện với Chúa đi. Theo con nghĩ: Chúa thấu hiểu tình cảnh của cha đang cần một thời gian để nghỉ, nên đã sắp xếp để cho cha té ngã, chỉ ngã nhẹ chưa đến phải giã từ cuộc đời!
Tác giả vội đáp lời: nếu thế, tôi cũng khá vui, bởi như vậy là Chúa đã chịu để cho tôi chọn ngày sa-bát mà nghỉ ngơi một chút, đấy Sơ ạ.  
            Mãi từ thời Đức Kitô đến nay, nhiều người tuy tốt bụng nhưng hễ gặp chuyện chẳng lành, thường đổ lỗi cho Đức Chúa hoặc cho tà thần sự dữ làm nên. Trong chuyện vừa kể, tác giả thừa hiểu là mình bị tai nạn chỉ vì ơ hờ, không cẩn trọng, mới ra nông nỗi. Đơn giản, chỉ có thế.
Vâng. Tất cả những gì tốt đẹp Đức Chúa gửi đến, dù là tai nạn lớn nhỏ, vẫn là một đặc ân, một quà tặng đôi khi giúp ta thêm dũng cảm để tiếp tục hành trình gầy dựng nhân gian vạn vật, theo nhiều lối.
Sự kiện Đức Kitô giáp mặt với “những điều chẳng lành” trong trình thuật hôm nay, hẳn đã mang dấu ấn của thứ thần học gọi là “sự-dữ-thôi-thúc-ta-gặp-chuyện-chẳng-lành”. Và, lời đáp trả của Đức Kitô vẫn là một thử thách gửi đến với con người, hệt như với người Palestin, hồi thế kỷ đầu.
            Xem như thế, bất cứ khi nào ta còn đem hành-vi tiêu- cực đổ cho sự dữ, ác thần về những điều xấu ta gặp, rồi rút lại cam kết sau cùng, thì có lẽ chúng ta vẫn còn đang tìm cách xa lánh, và đổ vấy mọi trách nhiệm, hoàn cảnh lên con tim của ta. Dù tim ta nay đã được biến đổi thành tình yêu thương cứu độ. Điều này không có nghĩa, là: quỷ dữ-ác thần không hiện hữu, và cũng không có được uy lực nào trên ta. Nên hiểu ngược lại thì mới phải.
Tựa như ân- huệ ở Trên ban vẫn được hun đúc bằng tình yêu thương tốt lành, cũng vậy, ác thần - sự dữ vẫn cứ lớn mạnh nơi các bất hạnh, hờn giận. Là tín hữu Đức Kitô, ta nhận ra rằng: trong mọi hoàn cảnh, Đức Chúa vẫn tặng ban cho ta ý chí tự-quyết. Thành ra, nếu sự dữ-ác thần vẫn đeo đẳng nơi ta, thì điều đó cũng là hậu-quả của các chọn lựa đáng tiếc mà ta thực-thi trong quá-trình gầy-dựng niềm tin-yêu, rất cần.
Trong sống đời hiện-thực, tùy theo cách ta nhìn sự dữ - thế-gian vạn-vật, sẽ ảnh-hưởng lên lòng xót thương, nhân-hậu của ta. Bởi, nếu không tiếp cận với tham, sân, si, những “bảng chỉ đường” tệ bạc thì ta đâu kết cục bằng hành-vi trộm cắp, giận hờn, tù tội; hoặc đi xa hơn, những giết chóc, tham quyền cố vị; và, hà hiếp, dâm ô hoặc tha-hóa bản thân đến độ bạo-động, khủng bố.
Nếu thế, thật khó giúp ta thông cảm được với các can phạm đã dám thực hiện tội ác cùng cực. Tùy vào mức độ nhận thức của con tim, ta sẽ có khả năng thực hiện được mọi việc hay không. Và, ta mới có thể đặt mình vào vị thế biết trân trọng các ân huệ tặng ban mà ta nhận lãnh và triển khai.
Tùy vào mức độ cảm kích biết ơn, chuyện “có còn hơn không’, ta mới biết mình có xót thương những người từng hụt hẫng, để luột mất cơ hội được nghe Tin Vui an-bình, cứu độ từ Đấng Trên Cao. Và, cũng tùy vào tư thế đồng-thuận hay bất-đồng với lập-trường “có, còn hơn không”, ta có lệ thuộc vào sự dữ, ác thần hay không.
Tất cả những thái-độ và khả-năng trên hoàn-toàn tùy thuộc vào ta, vì ta luôn được giáo dục trong tự-do hoặc đã tự mình chọn lấy quyết-định. Tùy vào thái-độ của mình, ta sẽ dành để cho sự dữ-ác thần một chọn-lựa chung-cuộc hay không.
Tham dự tiệc thánh hôm nay, cầu mong Đức Kitô giúp ta vui vẻ đón nhận Thân mình Ngài qua hình thức bánh và rượu rất thánh. Vui vẻ, vì ta cũng sẽ là những “giọt vỡ” đang cần đến sự trợ lực ấy.
Và, khi nhận lãnh Máu Thánh đổ tràn lên người mình rồi, ta cũng sẽ hiên-ngang dấn bước ra đi mang theo sứ-mạng của thương yêu. Để rồi, ngang qua ta, tất cả mọi người sẽ nghe được lời mời gọi của Đức Chúa mà biến đổi tâm-can. Sống hiền-hoà. Yêu thương. An-bình.
Cảm-nghiệm điều như thế, tưởng cũng nên ngâm thêm đôi lời thơ rất mọng ở đời người, rằng:

“Mới hay phong-vị nhiệm-màu,
Môi chưa nhấp cạn, mạch sầu đã tuôn.
Ớ Địch ơi, có lệ nguồn,
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi.”
(Hàn Mặc Tử - Bến Hàn Giang)

Chia cho nhau nửa nỗi buồi, hay sẻ cho nhau trọn niềm vui, vẫn là tình-huống của người trong/ngoài nhà Đạo chốn Nước Trời có vui và có buồn, cả một đời người, rất hôm nay.   

Lm Richard Leonard sj biên soạn  
Mai Tá lược dịch

Saturday 15 August 2015

“Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu,”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần 21 thường niên năm B 23/8/2015

Tin Mừng (Ga 6: 54a, 60-69)

Tại hội đường Caphanaum, Đức Giêsu tuyên bố: ”Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông:"Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Nhưng trong anh em có những kẻ không tin."Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai:"Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simôn Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."


“Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu,”
Từng chung giòng lệ thấm vai nhau.
Mà trong mắt liếc ngờ non ải,
Nhịp thở ân-tình cũng biến đâu
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Như thi-ca ngoài đời, đọc trình-thuật hôm nay cũng thấy tội cho những người Do Thái đã phải đáp-ứng thực-thi lời dạy hãy ăn và uống mình máu rất thánh của Chúa, chẳng khác gì bảo họ làm những chuyện tày trời, rất kinh hãi. Chẳng khác gì người Chính-thống cực-đoan dạy dân mình cố thuyết-phục người Do thái bằng lòng thưởng-thức món thịt heo, có thế mới đích-thực là sống đời đi Đạo.
Bàng-bạc trong hầu hết Tin Mừng thánh Gioan ít nhiều thấy đề-cập đến người trong cuộc và người bàng quan, đứng ở ngoài.
Có người nhận ra thông-điệp tóm gọn nơi trình-thuật. Có người chỉ hiểu truyện kể hoàn-toàn theo nghĩa đen. Tức, có pha chút mắm muối tình-tự giận-dỗi, rất rối bời. Thật sự, mình và máu rất thánh mà Chúa ban tặng cho con người xảy ra cùng lúc với sự-kiện Đức Kitô chịu thống-khổ, Ngài lĩnh-nhận cái chết và Phục-sinh vinh- quang nơi Tiệc Thánh.
Khi Đức Giêsu rộng tay trao ban mình Ngài cho những ai dấn bước theo Ngài, không nên hiểu nghĩa đen, tức: người nhận phải nhai ngấu-nghiến vòng tay ôm ấy, mới thực-sự nói được là yêu Chúa hết mình.
Cử chỉ này phải được hiểu là lời dặn-dò của Chúa về lòng thủy-chung Ngài đối với Vuơng quốc Nước Trời, đã tận cùng bằng cái chết đầy hy sinh. Và, thức ăn của Vương Quốc này chính là Tiệc Thánh Thể, Chúa ủy thác.
Quả thật, ta không những thụ hưởng quà tặng ấy mà còn được ủy thác trách nhiệm sống trọn vẹn cuộc đời linh đạo. Ủy-thác, để rồi tuy cuộc đời cảm-nghiệm rất nhiều sự qua đi; có như thế mới bao gồm trọn-vẹn ý-nghĩa thanh-cao của cuộc sống. Của những tháng ngày đáng sống, chứ không ngán ngẫm như lời than thở của ai đó.
Quà tặng sự sống -gồm Thân mình rất thánh và Chén máu cứu độ- được gửi đến để ta có thể nhận lãnh hầu thực hiện sứ mạng tông đồ. Sứ mạng ngang qua nhiều tháng ngày, trong đời. Quà tặng ta nhận lãnh, là để bổ sức giúp ta đến với thế giới đương đại. Có thế, ta mới trang bị đầy đủ ngõ hầu dấn bước gia nhập hành trình về với Nước Trời.
Tin Mừng hôm nay còn kể thêm một ứng-đáp khác, không thiếu phần linh-động. Đó là ứng-đáp của nhân-vật từng trải qua nhiều tháng ngày cuộc đời không như đáp ứng của thánh Phêrô đem cho ta nhiều hy-vọng, thực tế. Hy-vọng, là bởi thánh-nhân đã can-trường nán lại với Thầy mình. Nán lại, dù bạn đồng hành bỏ đi hết. Ở lại, dù tình huống cuộc đời có rối bời, người vẫn không để Thầy một mình đơn độc.
Ứng-đáp lời dặn của Chúa, còn là cảm-thông với bậc cha mẹ khi nghe tin con mình phải nhập-viện vì một biến-chứng ngặt nghèo. Cảm-thông nhiều, khi vợ chồng gặp hoàn-cảnh mà một trong hai người phải nghỉ việc. Phải ở nhà chăm sóc cho nhau.
Cảm-thông hơn, khi họ lâm vào tình-cảnh “hận đời”. Cảm-thông, giúp ta mạnh-dạn vui vẻ tiếp-nhận trường-hợp người phối ngẫu đã “hồi hướng trở về” sau nhiều tháng ngày đi hoang, đắm chìm. Ứng-đáp cảm-thông, tựa hồ trường-hợp vị mục-tử gốc sắc-tộc cương quyết không bỏ cuộc, dù chịu sức ép, hù dọa từ nhiều phía. Hù doạ xảy đến, do kỳ thị.
Và, ứng-đáp cảm-thông, giúp ta kiên-cường tranh-đấu cho chính-nghĩa và sự thật, dù bị sách nhiễu, hành hạ. Mất việc.
Đó, là dấu chỉ về lòng tin-yêu, chung-thủy. Tin vào sức bổ-dưỡng từ Bên Trên. Tin, vào tình yêu-thương đặt để nơi mọi người, từ cơ quan, công xưởng cho đến gia-đình, chòm xóm ở khắp chốn. Tinh ý một chút, ta sẽ nhận ra tính trung-thực nơi lòng thủy-chung mang tính-chất “chết cho chính mình”, chứ không “giết chết chính mình”.
Ở đây, ta được dặn chỉ nên thực-hiện vế trước. Chứ đừng suy-tính vế sau, dù có bị lôi-cuốn/hấp dẫn rất nhiều điều. Chết cho chính mình, là: dẹp bỏ bản-ngã xấu xa, cần cải-thiện. Chứ không phải, chết cho thân xác, cho cuộc sống. Cũng chẳng là: chết đi cho cuộc đời, dù cuộc đời dẫy-đầy những điều làm ta chỉ muốn chết.
Trong cuốn sách do mình viết với tựa-đề “Các nhân đức cần thiết để tín hữu được sống bình thường”, tác giả James Keenan đã khẳng-định: “Thủy-chung, là lằn ranh đậm nét nơi cuộc sống của tín-hữu Đức Kitô”. Tác giả còn biện-luận: Giáo-hội bỏ ra quá nhiều thì giờ để giảng-dạy về sự bất-trung.
Nhưng, lại có quá ít thời-gian để nói về chuyện củng-cố lòng chung-thủy. Ông nói: “Đời người, ai cũng có hai mục-tiêu nhắm vào lòng đạo, đó là: sự chung-thủy và công-chính. Trung thành với Cha. Thủy chung với mọi người.
Đó, là những gì tóm gọn điều Chúa đã làm để cứu-độ mọi người. Và, là điều Ngài hằng kêu gọi con dân đồ đệ ở trình thuật Tin Mừng hôm nay. Có thể, vì ta quá dễ dàng nghĩ đến các khó khăn, cứ cho rằng chung-thuỷ với bầu bạn, là vấn-đề đạo-đức, khó hoàn-thành.
Nhưng, một khi ta thấy được tình bằng-hữu là chìa khoá gỡ/mở cuộc sống đạo-đức, thì khi ấy ta sẽ thấy rằng: sống đời đạo-đức chỉ là chuyện tương-tác trong cuộc sống thường ngày.
James Keenan lại cũng viết: “Để đạt tới đó, có lẽ ta cần gọi nhau cho thật nhiều. Viết thư nhiều hơn. Nấu nướng nhiều hơn. Tản bộ dài dài hơn nữa. Hoặc, nán lại ở lâu hơn với bạn bè. Và, có lẽ, ta cũng nên cởi bỏ chính mình khỏi những thói-tật chỉ mải cân đong đo đếm những gì người khác đã làm hoặc không làm, không nói.
Trong cảm-nghiệm những điều nói trên, tưởng cũng nên liên-tưởng đến lời thơ còn bỏ dở:

Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu,”
Từng chung giòng lệ thấm vai nhau.
Mà trong mắt liếc ngờ non ải,
Nhịp thở ân-tình cũng biến đâu
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Bằng vào tham dự Tiệc Lòng Mến, cầu mong sao ta ứng-đáp với lời mời của Chúa, biết đặt thuỷ-chung/bằng-hữu vào trọng-tâm cuộc sống. Biết tham dự các sinh-hoạt hằng ngày khả dĩ đưa ta vào sống-thực những gì mình được dạy. Có như thế, mới đúng ý nghĩa của buổi tiệc thánh Lòng Mến, Chúa vẫn mời.

Lm Richard Leonard sj biên soạn  
Mai Tá lược dịch

Saturday 8 August 2015

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được” Áo cơm hành bủn rủn thiên tài.”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần 20 thường niên năm B 16/8/2015

Tin Mừng (Ga 6: 51-58)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

                         “Em còn nhỏ làm sao mà biết được”
           Áo cơm hành bủn rủn thiên tài.”
                                  (Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Áo cơm hành bủn rủn thiên tài, vẫn là Tình Yêu tuyệt vời, Lời Chúa phán. Áo cơm ấy, Tình-Yêu này, lại vẫn được diễn-tả theo kiểu cung cách rất thời thượng mà bậc thánh-hiền còn viết mãi đến hôm này.   
Hồi đầu thập niên bẩy mươi, một trong các ấn bản của nhà sách Readers Digest thời bấy giờ đã thuật lại sự kiện về chiếc phản lực cơ lâm nạn rơi xuống vùng núi Andes, chỉ một ít người còn sống và họ phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại.
Trong buổi thảo luận về khía cạnh luân lý đặt ra với hiện tượng “khác thường này, các nhà thần học đã bàn về tư thế của Giáo hội bên sau hiện tượng ‘người ăn thịt người, để sống còn’. Câu hỏi mà tác giả bài viết lúc ấy đưa ra, là: Giáo hội quan niệm thế nào về luân thường đạo lý khi gặp trường hợp ‘người ăn thịt người’?
Dù có ai đưa ra luận cứ vững chắc nào để bênh vực cho tục ‘ăn thịt người để sống sốt’, thì cảnh tượng đứng đứng ngồi ngồi gắp từng miếng thịt của người đồng hành, đưa lên miệng, cũng đủ khiến ta lợm giọng, rất ghê tởm. Cũng như vậy, khi ta rước Mình Máu Cha, người ngoài Đạo có thể nghĩ và gán cho ta mũ chụp là “tội đồ, mọi rợ chuyên ăn thịt người khác”. Tức, tội đồ đi Đạo dám ăn cả thịt và uống cả máu Đức Chúa của mình.
Có lẽ, người ngoài Đạo cũng cho rằng: ta còn mừng kính việc ăn Mình và Máu Đức Giê-su, là ta còn mang tiếng trở thành kẻ ‘ăn thịt người’. Truyền thống Giáo hội xưa nay vẫn luôn thận trọng khi sử dụng ngôn từ chỉ việc Đức Giê-su hiện diện nơi Thánh Thể.
Dẫu có thế nào đi nữa, dứt khoát ta vẫn không phải là ‘kẻ ăn thịt người’. Trăm ngàn lần như thế. Bởi, có bao giờ ta ăn tim gan, phèo phổi hoặc xương, óc của Đức Chúa, bao giờ đâu. Giáo lý trong Đạo, tuy đề cập đến sự hiện diện đích thực, bằng xương bằng thịt, của Đức Chúa nơi Thánh Thể, rất thật.
Nhưng, ta có qui về Đức Giêsu đâu! Tín lý trong Đạo chỉ nói về Đức Kitô, Đấng đã hiến trọn con người của Ngài cho ta. Điều ấy có thật. Nhưng, Ngài muốn ta ăn thịt Ngài như cơm bánh hằng sống, thức ăn miên trường chủ yếu tháp nhập con người của ta vào với bản thể của Ngài. Hiển nhiên là như thế.
Ở đây, sự phân biệt danh phận và tên gọi của Đức Chúa là điều rất cần. Thánh Thể là Bí tích thánh thiêng về mầu nhiệm Phục sinh. Khi cử hành Tiệc Thánh Thể, ta vinh danh Đức Kitô đã sống lại, và hiện Ngài đang thực sự có mặt với ta, ở trong ta. Đây là sự có mặt trọn vẹn dưới dạng thức bánh và rượu. Hai chất thể phàm tục đã trở thành Mình thánh và Máu thánh của Ngài trong buổi Tiệc của Lòng Mến.
Truyền thống đạo giáo vẫn công khai tuyên xưng đặc tính chất loại của Mình Thánh. Như thế, không có nghĩa là đã giúp ta suy tư đầy cảm tính. Là Công giáo, ta tin Đức Kitô được Đức Chúa cất nhắc khỏi sự chết và Ngài đã sống lại thật và đang thực sự hiện diện với ta, bằng xương bằng thịt, ở đây, trong Tiệc Lòng Mến này.
Thế còn, vấn đề ý nghĩa ‘quà tặng’ của Thánh Thể, thì sao?
Nói cụ thể, chương 6 Tin Mừng thánh Gioan là thiên nghị luận bàn nhiều về Thánh Thể. Đằng khác, cũng trong chương này, thiên nghị luận của thánh sử là để đề cao sự thống khổ, cái chết của Đức Giê-su và sứ mạng của ta biết noi theo con đường Ngài đã đi.
Đức Giêsu, trong cương vị một Môsê mới, không chỉ ban tặng cơm bánh hằng sống cho con người, mà thôi. Ngài còn trao ban chính Thân mình của Ngài, qua sự thống khổ, cái chết và sự sống lại vinh hiển, nữa. Chính vì lý do này, Hội thánh Cha vẫn nối kết sự kiện Vượt Qua với việc cử hành Tiệc Thánh Thể. Đây là Tiệc của Lòng Mến, nơi đó ta ăn mừng và tôn kính Thân Mình rất thánh của Đức Chúa.
            Vấn đề đặt thêm hôm nay, là: tại sao ta lại được trao ban cho quà tặng có một không hai ấy? Tiệc Thân Mình rất thánh của Đức Chúa không mang dáng dấp của một lễ hội dành cho một nhóm người nào đó, rất ưu đãi. Đây cũng không phải là việc sùng kính riêng tư, rất trầm buốn. Đây chẳng có nghĩa của một thứ gì đó nhằm đảm bảo cho ta ơn cứu rỗi riêng lẻ, của từng người.
Tiệc Thánh Thể mang ý nghĩa đích thực là ở chỗ: tiệc ta nhận lãnh Thân Mình Đức Chúa để bổ sức giúp cho kẻ tin vào Đức Kitô biết dấn bước ra đi, theo con đường khổ hạnh của Ngài. Ra đi, để biến đổi thế giới đương đại. Ra đi, luôn mang theo tình thương yêu dâng trào và sự công chính Chúa ban, vì Đức Kitô, nhân Danh Đức Kitô, cho Đức Kitô.
Hội thánh, người của Đức Chúa, vẫn luôn nối kết những gì ta sẽ hành động sau tiệc Thánh Thể với những gì ta cử hành việc ăn uống trong buổi Tiệc mừng. Điều này có nghĩa, là: người dự tiệc sẽ hối hả ra đi chăm lo nuôi sống những người đang đói thức ăn. Đang thiếu nước uống, trên thế giới.
Điều này còn có nghĩa: đa số chúng ta quyết giúp đỡ các người anh người chị khác, những nhóm người vẫn thực hiện công tác thiện nguyện, rất âm thầm. Điều này cũng có nghĩa, là: khi nghĩ đến các ứng viên ta sẽ bầu làm lãnh đạo hay thủ trưởng, ta buộc họ phải bận tâm lo toan cho nhiều người đau khổ, phiền muộn tại xứ sở, địa phương, và cả ở xã hội.
            Trước đây, cố bề trên tổng quyền Dòng Tên, linh mục Pedro Arupe đã có lần bộc bạch rằng: Bao lâu, ở đâu đó trên thế giới, còn có người đói thức ăn, thèm khát nước uống, thì việc cử hành tiệc Thánh Thể của ta ở bất cứ nơi nào trên quả đất này, vẫn như còn thiếu thứ gì đó, theo một cách nào đó. Bởi, đôi lúc, ta vẫn cứ ảo tưởng cho rằng: Tiệc Thánh Thể có phép mầu thần thông của một ảo thuật gia, biến đổi được tất cả.
Đấy cũng là điểm nhấn mà Giê-su Đức Chúa đặt nặng trong Tin Mừng hôm nay, khi quả quyết: Ngài tặng ban Thân Mình Ngài cho sự sống của thế giới, đang tồn tại. Tiệc Thánh không biến ta thành những tay “tội đồ” ăn thịt người. Dứt khoát, không phải thế. Ngàn lần không là như thế. Tiệc Thánh còn có nghĩa thực tế, là: biến ta trở nên triệt để hơn. Triệt để, trong quyết tâm tiếp tục hiên ngang tồn tại làm con dân của Đức Chúa khắp nơi, trên địa cầu này.
Trong cảm-nghiệm tình thương-yêu rất như thế, ta lại sẽ ngâm tiếp lời thơ, rằng:

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được,
Áo cơm hành bủn rủn thiên-tài.
Học thói người xưa ta cạo đầu bán tóc,
Chưa đủ tặng em nửa chiếc áo dài.”
(Nguyễn Tất Nhiên – Vài Đoạn Viết Ở Đinh Tiên Hoàng)

Cuối cùng thì, có cạo đầu bán tóc nhiều chăng nữa, cũng chỉ để chứng-tỏ tình thương yêu anh tặng cho em, cho mọi người. Cả một đời.

Lm Richard Leonard sj biên soạn - 
Mai Tá, lược dịch