Friday 30 November 2012

“Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc,”



Suy niệm Lời Ngài đọc vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng năm C 09.12.2012

“Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc,”
 “Ngôn ngữ buồn, khánh kiệt cửa tim đau”
(Dẫn từ thơ Vương Ngọc Long)
Lc 3: 1-6
Hoài nghi chăng, chuyện hoàng-đế rất thượng thừa, nơi đất trời lồng lộng xứ nhà vua. Chẳng ngờ vực, thánh sử nay trình thuật việc Chúa tin tưởng dân con hết mọi người, nên vẫn dạy.
Thánh Luca trình thuật lời dạy của Chúa vào cuối thế kỷ thứ nhất hoặc ở đầu thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Cũng có thể, thánh nhân trình thuật từ vùng Tiểu Á, nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh sử trình và thuật cho dân ngoại nay thành tín hữu chuyên chăm sống cuộc sống gắn bó, có thực thi lời dạy của Chúa. Bởi, dân gian trong vùng vẫn quen sùng bái thần-hoàng-đế cai-trị toàn đế-chế.   
Đế chế La Mã thế-kỷ đầu, có dân gian mọi người qui về một mối, vẫn coi Augustus như thần-linh mặc xác phàm. Công đầu của ông, tuy chính-trị, vẫn kết hợp được mọi người để họ có cùng thần linh, hệ-thống giá trị rồi đưa vào truyện kể thời ấu thơ của ông. Những là: mẹ ruột cưu mang ông theo cách lạ kỳ; và, khi sinh ra ông đã được gọi là vua-cha cai quản cả đế quốc.
Ngày sinh ra, đã có mục đồng quẩn quanh xướng hát, tụng ca thật rôm rả. Ngày sinh ra, ông đã được mọi người coi như “Tin vui/mừng” cho mọi người. Bởi, trẻ Augustus được ca tụng như cha-già dân-tộc, đấng cứu tinh toàn thế giới và còn được coi như lãnh chúa, của đế-chế. Thế nên, ông được mọi người coi như đấng bậc đem hoà bình rất mới đến với dân con thời đó. Và, ông còn được coi như thế tử của Đức Chúa Ông, cũng rất mừnbg.
Năm lên 12, ông đã chứng tỏ mình có khả năng siêu việt, rất dị biệt, chẳng ai sánh tày. Hoàng-đế Augustus tuy băng hà vào năm 14 sau Công nguyên, nhưng cung cách tư-duy/xử thế của ông vẫn được nối tiếp qua các hoàng-đế, hệt như thế. Cuối thế kỷ đầu, hoàng đế Domitian lại cũng truyền lệnh cũng một kiểu như thế với dân con mọi người cả với người dấn bước theo Đức Kitô cũng sùng bái chính ông ta.
Nghe chuyện trên, hẳn người Công giáo chúng ta đều kinh khiếp. Kinh và khiếp, là bởi ta quen đọc Phúc Âm Đạo mình thấy ngôn từ cùng ý tưởng ở truyện kể vốn chỉ nên áp dụng độc quyền cho Thiên Chúa và Đức Kitô thôi ư? Không hẳn thế. Truyện kể ấy, đã thành chuyện thường ngày ở La Mã và nhiều nơi, lại vẫn được kể bằng ngôn từ/tình tiết rất thân quen. Nó đã trở thành kho tàng quí báu nơi ngôn ngữ doanh thương/mậu dịch với người ngoài, từ lâu.
Và, thánh Luca đã thuật lại Tin Mừng của Chúa đúng vào thời hoàng đế Domitian hoặc sau đó, lúc mọi người bên Đạo đều chối từ sùng bái thần-hoàng, nên tuẫn tiết. Và, sách Khải Huyền thánh Gioan cũng được viết vào thời này, đã cho thấy thứ ngôn ngữ được khuất kín để rồi con dân Chúa sẽ còn gặp rắc rối hơn trước nhiều.
Thánh Luca, lại có lập trường chính-trị chống lại việc thờ bái thần-hoàng, chống cả Hoàng-đế lẫn tôn giáo của riêng ấy. Thánh sử biết ngọn ngành ngôn ngữ “thánh” là để chỉ Hoàng-đế La Mã mà thôi. Nhưng, thánh sử không dùng lời lẽ thánh thiêng ấy để chỉ ông ấy mà cốt để nói về Đức Giêsu, là Chúa mọi người, không chỉ người của đế quốc La Mã, thôi.
Thánh sử nói: sùng bái thần-hoàng không thể là đường lối để ta áp dụng, mà chỉ có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mới xứng đáng để ta làm thế. Thuật lại Tin Mừng như thế, thánh Luca đã tìm được chỗ đứng xứng đáng cho Đức Giêsu để Ngài ngự trị trong cung lòng rộng mở của người La Mã cũng như Hy Lạp, thời đó.
Với thánh Luca, niềm tin không chỉ dựa trên những gì là đặc biệt, hoặc ngoại lệ thôi.  
Thành thử, muốn cho mọi người dễ chấp nhận đường lối tư duy rất mới này, thánh Luca nghĩ: ông phải sử dụng các truyện kể phổ cập về hoàng đế Augustus vào lúc đó và ông đã xây dựng truyện kể song hành về Đức Chúa, rất Giêsu. Thánh-sử viết về Đức Giêsu theo kiểu đó, là cốt đem đến cho Đức Chúa một cung cách theo kiểu tiểu sử tương tự như hoàng-đế Augustus từng có, nhưng thánh-nhân còn muốn nhấn mạnh hơn tính chất rất “con người” của Đức Giêsu, về sự thật. Chứ, không chỉ mối tính chất rất thánh thiêng của Chúa, thôi.
Người đọc lâu nay nghe rất quen hai chương đầu ở Tin Mừng thánh Luca, đặc biệt là trình thuật về thời khắc có Giáng sinh, như mùa này. Điều mà thánh sử Luca còn muốn nhấn mạnh hơn nữa là định vị Đức Giêsu là Đấng duy nhất chỉ mình Ngài mới xứng hợp mọi danh dự lâu nay con người vẫn dành cho Hoàng đế.
Các truyện do thánh-sử kể cho ta nghe trước khi kể về cung cách Chúa Giáng Hạ -và cả truyện kể về thánh Gioan Tẩy Giả nữa- thánh Luca đều bắt đầu bằng câu: “Số là vào những ngày thời Hêrôđê, vua xứ Giuđê…” (Lc 1: 5)  Nhưng khi kể về việc Chúa Giáng Hạ, thánh-nhân lại viết những giòng chữ như: “Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustus ra sắc chỉ ban hành lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ…”(Lc 2: 1) là thánh-sử muốn nối kết Đức Giêsu là người Do-thái với truyện hoàng-đế Augustus, là người La Mã. Nên, ở đây ta cũng thấy khó mà hiểu nổi lệnh kiểm tra này theo tính sử học. Bởi, làm sao khi ấy mấy ai có được khả năng khiến bắt mọi người trong đế quốc và trên toàn  thế giới lúc đó lại có thể về nơi mình sinh hạ để kiểm tra được?
Thánh Gioan Tẩy Giả, như phụng vụ hôm nay có trích dẫn, cũng ở trong tình huống chính trị hệt như thế. Ta cứ nghĩ, rằng: thánh-nhân đây chỉ thực hiện một cuộc thanh tẩy giản đơn như đang làm ở nhà thờ nơi đây, lúc này thôi. Nhưng kỳ thực, thánh-nhân đã không làm như thế. Thánh nhân chỉ mỗi tụ họp mọi người về với giòng sông Gio-đan rồi dẫn họ đi vào giòng chảy rồi hụp lặn ở đó như động thái tẩy sạch bụi trần rồi bước qua sông để về đất miền đầy hứa hẹn mà đòi cho được đất miền của mình, do Chúa hứa tặng. Sự thể là, đất miền ở nơi đó lâu nay bị chiếm hữu và dân quân La Mã đã trụ trì, cũng khó đòi. Thánh Gioan khi ấy chỉ là nhân vật lịch sử rất chính trị. Thánh nhân, là đấng bậc sáng chế ra các nghi thức mang tính chính trị ở trong đó.
Thánh Luca, nay lại nói lên một ẩn dụ hàm ngụ tính chất “chính trị của Đạo Chúa” rất chính đáng bằng những lời ca mà thánh-sử gửi đến với ta ngang qua Đức Mẹ, là Mẹ của Chúa, đang lúc cưu mang Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân. Và, Mẹ cũng qua đó đi vào với “chính trị” của Thiên Chúa, Giáo hội ta gọi đó là bài ca “Xin Vâng”. Qua bài này, Mẹ đã nói lên rằng Thiên Chúa sẽ làm một số việc ngang qua Con của Mẹ, là Đức Giêsu. Một số việc, bao gộp toàn bộ ý định của Thiên Chúa, trong đó có hành xử:
·         Làm tan tác lũ kiêu căng
·         Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu
·         và suy tôn những người khiêm hạ
·         Đói khó Ngài cho no phỉ sự lành
·         Giàu sang Ngài xua đuổi về không
Một số việc, không là những ý tưởng đạo đức, sốt sắng, mà là thứ “thuốc nổ” rất chính trị. Là, khó khăn của mọi thời, như:
·         Lòng tự hào, kiêu hãnh;
·         Kẻ quyền năng thiếu công bằng và sự bất công;
·         Sự bức bách người khiêm hạ ở dưới thấp;
·         Áp lực từ kẻ giàu sang chỉ muốn chất chồng thêm của cải..
Các vấn đề như thế vẫn trải dài nơi Tin Mừng thánh Luca và nhất là hai chương đoạn nói về thuở thơ ấu của Hài Nhi Giêsu. Chương đoạn đó không dành cho trẻ nhỏ, mà là thứ chính trị lớn cho người đứng tuổi. Bởi, với Giáng sinh, chỉ hiện thực khi nào ta ta đem nền chính trị lớn của Đạo tháp nhập vào với cảnh trí thế giới, mới được.
Bởi, Tiệc Thánh Thể ta tham gia, đều có nghĩa như một cam kết, rằng: các nhà cầm quyền phải nhận ra rằng: của cải/tiền bạc trên thế giới đều thuộc mọi người dân trong đó và phải phân phối đều cho họ. Phải dành ưu tiên phân phát cho người bị bỏ rơi ngoài xã hội và người đói khát nghèo hèn cần thức ăn. Thế mới là món quà Giáng Sinh xứng hợp. Đúng ra, đó không phải là quà cáp hay quà tặng, mà là công nhận quyền lợi căn bản của con người. Quyền làm người. Thành thử, mùa Vọng là mùa nên sắp xếp suy tư mang tính đợi chờ có lợi cho người không được liệt kê trong danh sách những người được hưởng thụ.   
Hiểu được thứ chính trị nhà Đạo rất chờ đợi, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, rằng:

“Ta như kẻ hoài nghi đành bỏ cuộc.
Ngôn ngữ buồn, khánh kiệt của tim đau.
Ta vắt cạn tận cùng trong nỗi nhớ.
Bóng Em về, tha thướt quẩn quanh đâu.”
(Vương Ngọc Long – Đêm Nguyệt Quỳnh)
Hoài nghi hay bỏ cuộc, vẫn cứ chờ. Chờ, ngày Chúa đến Ngài sẽ “tha thướt”, “quẩn quanh”, “trong nỗi nhớ”. Nhớ rồi, ta sẽ cương quyết rao truyền thứ chính trị nhà Đạo rất nhân đạo, nhẹ nhàng của dân con. Mãi mãi.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh  
Mai Tá luợc dịch

Monday 26 November 2012

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ,



Suy niệm Lời Ngài đọc vào Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng năm C 02.12.2012

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ,
 “Của hương hoa, trong trăng lờn lợt bảy?”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Lc 21: 2528, 34-36
Trời thơ ở đời, nhà thơ nay đã hiểu. Thơ Trời của Đạo, người người rày cũng thấu. Hiểu và thấu Tin Mừng đầy những thơ, nay người đọc đà thấy rõ thánh Luca có nói về chất chính trị của mùa Vọng, ở trình thuật. Về, cả hứa hẹn đầy ngóng đợi Đấng Mêsia nay kịp đến.                                             
Hội thánh, nay chọn các bài Phụng vụ nói về thế giới phàm trần đang chết dần. Thế giới này, không của riêng ai. Và, cũng không riêng gì nhà Đạo. Bởi, Đạo Chúa đã và đang sản sinh nhiều điều rất mới. Sản sinh nguồn thơ sự sống, rất mới. Sinh sản cả ý nghĩa lời thơ nơi phụng vụ, hôm nay.
Ghi chép Lời Chúa, thánh Gioan là nhà thần bí, rất tuyệt vời. Trong khi các thánh Máccô và Mátthêu lại là thánh-sử chuyên kể chuyện. Chuyện dân gian Do thái. Chuyện Chúa mặc khải cho dân con Ngài, một sứ vụ. Riêng thánh Phaolô lại chẳng gồm tóm ý nghĩa của truyện kể lẫn nguồn thơ. Chỉ mỗi thánh Luca là đấng thánh có nguồn thơ lai láng, tràn ngập hai chương đầu trình thuật.
Ở hai chương đầu, thánh Luca đưa ra dấu chỉ về thời ấu thơ của Chúa. Cả chuyện kiểm kê là dấu chỉ về những o ép/bách hại từ vua quan, ở đời. Kiểm kê, còn là dấu hiệu của một lăng nhục. Và, câu nói: “Không có chỗ cho Ngài tá túc ở nhà trọ”, lại là dấu chỉ những kẻ lang thang khắp đây đó. Máng cỏ Chúa nằm, là dấu hiệu của việc đói ăn/thiếu mặc ở cõi đời đầy ô trọc. Và, tã quấn Hài Nhi, là dấu chỉ về vải liệm và nỗi chết Chúa sẽ chịu. Nhưng, dấu chỉ đây còn tỏ cho thấy niềm vui, nơi mọi người. Vui, vì Hài Nhi sinh ra là sinh cho ta. Còn sự chết, cũng sẽ bị sự sống rất mới khuất phục để trỗi dậy, không sợ sệt.  
Thế giới, nay gồm đầy những chuyên gia binh bị, kinh tế và triết học. Về binh bị, có người lại biết cả cách thức áp đặt nền dân chủ/hoà bình lên người khác, dù người khác không cần. Về kinh tế, có vị còn nói mình sẽ chỉnh đốn mọi khủng hoảng tiền bạc do họ tạo. Với triết học, có vị nghĩ mình thông thái biết hết mọi sự và làm được mọi việc. Còn ở nơi ta, có nhà thơ chỉ muốn nguồn thơ mình thai nghén sẽ giáng hạ sinh biến đổi con người từ bên trong, để thấy trẻ thơ sinh hạ, đến với ta. Và mỗi lần ta nhận ra được Nguồn Thơ Trẻ, sẽ tin vào tương lai/mai ngày mà thế giới không thể trao tặng. Làm được thế, ta sẽ sống trong Nguồn Thơ rất Vọng.
Mùa Vọng, là trông ngóng Hồn Thơ ra đời như thế. Hồn Thơ, có các thánh ngóng chờ như bài đọc kể Abraham và Sarah mừng vui sau bao ngày đợi chờ, đã sinh con. Có, Ysaya và ngôn sứ đợi chờ đoàn-tụ sau bao ngày lưu lạc chốn quê người. Chờ, như Gioan Tẩy Giả chờ nơi hoang dã để lời tiên tri thành hiện thực. Chờ, như Mẹ chờ Chúa Giáng hạ nơi cung lòng trinh trong của Mẹ. Và Mẹ tiếp tục chờ Chúa quang lâm ở đồi cao thánh giá. Tất cả, đều chờ Nguồn Thơ như chờ Giáng ha.
Đọc sách Ysaya, ta thấy giòng thơ dào dạt đầy chờ trông. Đặc biệt, là giòng thơ trấn an dân con mọi người hãy cố chờ cả vào sau thời lưu đày, nữa. Chờ đây, là chờ Giêrusalem được dựng lại từ đổ nát. Chờ, như ngôn sứ lâu nay vẫn chờ Nguồn Thơ là tâm điểm thế giới, có Chúa vực đỡ quần thần/dân nước tề tựu nơi đó, để có được thị kiến giống nhà thơ Đạo.
Thánh Phaolô còn đi xa hơn, khi nhắn nhủ: ơn rỗi Chúa mang đến, không chỉ cho một dân tộc, mà là muôn dân nước. Thơ Nguồn cứu-độ không lệ thuộc dân con nước nào, hết. Chỉ cần ta có quan hệ mật thiết với Chúa, là sẽ thành công. Và, Nguồn Thơ Cứu Độ đến với mọi người dù họ có thuộc nhóm hội hoặc sắc tộc nào cũng sẽ được Nguồn Thơ Giáng Hạ rất đồng đều, ở vạn vật.
Tại các nước như Úc Châu, Hoa Kỳ hoặc đâu đó, chúng nhân từ muôn nơi đổ về đây sinh sống. Họ thuộc đủ mọi thành phần giòng giống/sắc tộc, tôn giáo hoặc truyền thống văn hoá rất khác biệt, vẫn đến đây để mừng ngày Đức Chúa là Nguồn Giáng Hạ đến với họ. Với họ, Chúa Giáng hạ Ngài không chỉ đến với đất nước hoặc sắc tộc nào tư riêng, mà cho hết mọi giống nòi, giòng tộc. Chúa Giáng Hạ, Ngài không chỉ đến với ai riêng rẽ mà là tất cả mọi người, như Nguồn Thơ lênh láng. Và Nguồn Thơ ấy, nay đã mặc lấy xác phàm làm Trẻ rất Thơ.
Nguồn Thơ Giáng hạ, có xác thể/hình hài giống như ta, nhưng không giống Ông Già Tuyết. Cũng chẳng là truyện thần thoại đầy xảo thuật làm loé mắt dân con mọi người. Và, Vương quốc Nước Trời là Trời Thơ của Chúa nay mặc xác phàm ở với thế trần, sống với ta. Trời Thơ đến với ta, đã biến cải thế giới của ta thành thế giới của Nguồn Thơ có nguồn sống, giống như ta. Trời Thơ của Chúa, lại cũng cấp nhận cuộc sống như ta. Chấp nhận cho cả lịch sử và giao ước, cùng nhu-cầu chậm bước vẫn nhẫn nhục, giống hệt ta. Trời Thơ, cũng giàn giụa nước mắt than khóc nhiều như ta từng khóc than nhiều lúc quyết kiếm tìm cho đúng ngôn từ, nên đôi lúc cũng lạc loài, biến dạng, bị từ khước.
Mặc lấy xác phàm loài người, Đức Chúa cảm nghiệm nhiều điều giống Nguồn Thơ, từ: sự lạnh nhạt, yếu kém cho chí nỗi khước từ. Ngài cũng đã trải nghiệm vật vã, lưu lạc đến nỗi chết. Ngài cũng gặp cảnh huống ghen tuông, chối bỏ và trầm luân, lưu lạc sống khoảnh khắc thân xác lớn rất chậm.                       
Mặc lấy xác phàm để sống như con người bằng xương thịt, còn là đi vào với thế giới ngôn ngữ, diễn tả bằng ngôn từ của con người. Vào với thế giới của ngôn ngữ, Chúa cũng trải qua các giai đoạn tiến triển trong tạo dựng. Có trao đổi, hỏi han. Có, tham gia thành tâm điểm để người khác theo đó mà tin. Có tụ điểm đối chọi, để ta nhận ra động lực thúc đẩy mà sống vững chãi hầu đi vào quan hệ đặc biệt với người khác, biết mình và biết người.
Chúa mặc xác phàm làm người, Ngài tạo dựng chính mình Ngài để trở thành Con Người như ta, ở trong ta. Và, giữa ta. Ngài viết lên Bài Thơ nơi da thịt, xác phàm làm người của chính ta. Không Tin Mừng nào lại trình bày sự việc Chúa Nhập Thể cách đột ngột, như bao giờ. Chúa Nhập Thể đến với con người là Ngài có chuẩn bị, từng chi tiết, rất như Thơ.
Có chuyển tiếp dẫn đưa con người đến giai-đoạn tháp-nhập vào với Người để hiện diện với đời, chứ không chỉ mang tính thiêng liêng/linh đạo rất tri thức. Chẳng linh-đạo nào lại có thể hiện diện ở thể giới của con người bằng xương thịt, trừ Chúa ra. Nguồn Thơ Chúa Nhập thể, là Ngài mặc lấy xác phàm nhưng Ngài vẫn 100% là Thiên Chúa và 100% là con người, cùng một lúc.
Đồ đệ Chúa thời ban đầu, lại cũng là đồ đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, đấng thánh biết tự rút lui vào chốn hư không/trống vắng để Chúa toả sáng với những ai dõi bước theo Ngài. Thánh Gioan không tự nhận mình là tụ-điểm thu hút hết mọi nguời. Và, thánh nhân tuyên bố mình chỉ là cây đèn chứ không là ánh sáng chiếu dọi mọi người. Thánh nhân là tiếng nói chứ không là Lời của Trời Thơ.
Đồ đệ đến với Chúa như việc tự nguyện; tức: không o ép, bức bách hoặc bị dẫn dụ. Các thánh thấy Chúa nên đã đi theo như đã từng đi theo thánh Gioan Tẩy Giả vào nơi hoang dã. Và, Chúa nhìn đoàn môn đệ rồi cảm kích; và cứ thế, Thày trò nhìn nhau lại đã khám phá ra điều tuyệt vời ở nơi Cha, Đấng gửi Thày đến với mình. Và, với mọi người. Như Ngài từng gửi Nguồn Thơ Lời Ngài đến với trần thế. Cảm kích hơn, là khi đồ đệ thấy Thày mình là Nhà Thơ Tuyệt Cú. Đê rồi, cả Thày lẫn trò là bầu bạn của Nguồn Thơ, vẫn tìm Nguồn Hứng nơi Cha, là Tất Cả. Và, Thày trò cứ thế ra đi tìm về Nguồn Hứng của Thi Ca, cũng là Nguồn Mạch mọi sự ở thế trần.
Thánh Âu Tinh từng kêu lên: “Lạy Cha, chính Cha đã làm nên chúng con để Cha vừa lòng, và tâm can chúng con sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi nào chúng con được nghỉ ngơi, nơi Cha.” Chính vì thế, chúng ta vẫn kiếm tìm Chúa nhưng không biết mình đang làm gì, và chẳng biết Ngài là ai. Rất thiếu hụt, nếu không có Ngài thì tất cả chẳng là gì cả. Và, mọi sự sẽ đi từ thất bại đến tuyệt vọng hoặc từ rối rắm này đến ngõ bí khác. Chúng ta đến, vì lý do chính đáng. Ta ở lại, cũng vì lý do nào khác…
Phải chăng, đó là lý do để ta hiên ngang trông mong Chúa lại đến? Phải chăng Hội thánh Chúa sẽ dỗ dạy con dân mình Lời Thơ sự sống, dù Thơ Trời nay đã đến và ở với ta? Và đó, có lẽ là ý nghĩa đích đáng của mùa Vọng, rất chờ mong. Mong ai? Mong gì? Mỗi người và mọi người sẽ tự tìm ra câu giải đáp, rất thoả đáng.
Trong mong đợi Nguồn Thơ sâu sắc đến, cũng nên ngâm thêm lời thơ đời đầy ý nghĩa, rằng:

            “Hiểu gì không, ý nghĩa của Trời Thơ?
            Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy?
Của lời câm, muôn vì sao áy náy?
            Hiểu gì không? Em hỡi! Hiểu gì không?”
            (Hàn Mặc Tử - Trường Tương Tư)

Nhà thơ xưa cứ tương tư, dù đã hiểu. Hiểu “Lời Câm” hương hoa, vẫn kiếm tìm. Hiểu, “muôn vì sao áy náy”, “trăng lờn lợt bảy”. Hiểu cả Trời Thơ, nay đến ở với ta và với người, suốt cõi đời nhiều kiếp, rất ý nghĩa.       

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh  
Mai Tá luợc dịch

Saturday 17 November 2012

“Đôi mắt sáng, là Hành tinh lóng lánh,



Suy niệm Lời Ngài vào Lễ Chúa Kitô Vua/Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên Năm B 25.11.2012

“Đôi mắt sáng, là Hành tinh lóng lánh,
 “lúc sương mù, ai thở để sương tan.”
(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Ga 18: 33-37
Mát rực sáng, là ánh nhìn của Đức Chúa, Vua vũ trụ. Vua, là tước hiệu mà thánh sử đã gọi Chúa, như trình thuật hôm nay còn dẫn chứng.
Trình thuật hôm nay, kể về Vua Vũ trụ, một danh xưng bị người đời phản bác, khó chấp nhận. Thời của Chúa cũng thế, danh xưng này cũng bị mọi người nghịch chống, cũng không kém. Bởi, chính Đức Kitô cũng chưa đạt thành tựu với danh xưng này. Ngài tuy đã chữa lành rất nhiều người, nhưng những người được Ngài chữa, sau này cũng lại ốm đau, âu sầu đến nỗi chết.
Ngài vực cho Lazarô trỗi dậy từ cõi chết, nhưng sau đó, chính ông cũng chết và được an táng. Xác phàm của ông cũng rữa tan, như mọi nguời. Đức Kitô nuôi sống hằng hà sa số những người đi theo Ngài, bằng những cá và bánh. Nhưng, ăn no rồi, chúng dân sau đó lại cũng đói, chẳng còn cá và bánh hoặc thứ gì để hôm sau còn ăn. Chúa xua đuổi người buôn tiền khỏi đền thờ, nhưng sau đó, họ cũng trở về chứng nào vẫn tật nấy.
Dù sao đi nữa, Chúa đã có cơ hội thực hiện kế hoạch cứu độ Cha giao, ngày Lễ Lá. Cưỡi lừa vào thành thánh của vua quan người phàm, Ngài được quần chúng tuyên dương chúc tụng như Vua cha để biến đổi trần thế. Lễ Vượt Qua hôm ấy, ra như có cuộc nổi dậy đòi dân chủ, rất lớn lao. Ngài đạt số lượng người theo chân sủng ái. Đạt, cả tính chất thực thi uy quyền do Ngài tạo. Lịch sử Ngài làm, cũng sáng rực mười phương nếu Ngài chấp nhận quyền uy phàm trần, do con người đề xuất để trị vì Giêrusalem, Giuđêa và Galilê nữa. Nếu chấp nhận, Ngài sẽ được coi như Vua Do thái.
Tuy thế, Ngài vẫn khước từ mọi thứ do người phàm đề nghị; để rồi, thần dân Do thái lại trở mặt bắt giữ, kết tội rồi còn ra án, hành hình và đóng đinh Ngài vào thập giá như tội phạm. Tổng trấn Philatô là người có tiếng nói cuối cùng để tha tội hoặc ra lệnh đóng đinh Ngài vào thập tự. Chính Chúa đã cam kết với đám quân binh rằng: Ngài là kẻ mà họ kiếm tìm để đưa ra toà. Và, trước mặt Thượng tế cùng chúng dân, Ngài chẳng hề run sợ, cũng chẳng giấu diếm hành tung Ngài xử sự như khi trước. Không chống tội. Chẳng biện bạch. Ngài giáp mặt quyền lực trong tư thế đồng đều, và  hơn cả vua quan lãnh chúa ở trần gian nữa.
Nhìn kỷ lục Ngài đạt về mọi địa hạt, thì Vua vũ trụ còn hơn vua quan lãnh chúa cũng rất nhiều.
Về sức khoẻ, Ngài cổ võ chế độ ăn kiêng có qui củ. Khuyến khích mọi người luyện tập đều đặn bằng động thái quân bình, rất đúng cách. Ngài thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân hiểm nghèo và khuyên mọi người trị thuốc, ăn kiêng chứ đừng chờ phép lạ.
Về sự sống, Ngài hứa hẹn một cuộc sống không đớn đau, nhưng sẽ vui sống suốt đời. Và tuổi thọ của người biết lắng nghe và giữ Lời Ngài, không kéo dài như người đời vẫn tự hào, nhưng tuyệt đối không thua kém chất lượng hoặc phải ngồi xe lăn, để sự chết đem đến nhiều doạ dẫm.
Về sự thật, Ngài minh định mọi sự sẽ được đưa lên mái nhà, để mọi người còn biết. Thành ra, các dữ kiện, nhu cầu cùng tranh luận có bằng chứng và xác suất để thắng mọi cuộc tranh tụng trước toà mà chẳng ngại ngần sợ gì nhóm đối lập vẫn cãi tranh. Nhưng ngày nay, người người vẫn cần ý kiến lẫn lời tư vấn từ những người mệnh danh là cố vấn mọi sự mà chẳng có gì bảo đảm mình có thể thắng kiện. Thành thử, trong mọi chuyện vẫn luôn cần sự thật, và lặng thinh vẫn không hẳn là tình đã thuận.
Về công bằng, Ngài vẫn muốn mọi người được san sẻ đồng đều dù không chắc. Không chắc rằng mình có thể tiến về phiá trước hoặc sẽ tụt lại phía đằng sau. Hoặc, cả những người vận động tiền bạc hoặc tìm cách sắp xếp để được phục vụ. Nhưng Chúa lại vẫn khác. Ngài chủ trương công bằng chính trực theo nghĩa: cứ cho hết những gì mình có, dù kết cuộc có thể dẫn mình về chốn nghèo nàn/tồi tệ, trong khi người khôn lanh lại cứ trổi vượt để giành phần nổi bật và dìm người xấu số xuống vực sâu.
Về lịch sử, Ngài thay đổi cả lịch sử, như ta biết. Lịch sử Ngài đem đến, là biết xây dựng công lý, tự do và an bình cho mọi người, dù phải hy sinh. Dù, người khác vẫn hưởng lợi ngay trước mũi. Dù, thấy mình thất bại hoặc trở thành nạn nhân với đôi chân trần, bẩn nhơ, bại trận.
Về quyền lực, Ngài không mấy thích thú với quyền bính thế trần có quyền sinh quyền sát quyết cho ai ở tù, ai tự do. Người no đủ, người ốm o, thiếu thốn. Ai bị hành quyết, ai được tuyên dương. Ngài vẫn chủ trương yêu thương, chữa lành mà không quyền bính thế trần nào dám đem đến cho mọi người, để tất cả lại ra sẽ đi trong tự do ngõ hầu sinh sống có phúc hạnh, mừng vui, êm ấm.
Về tư cách của vua quan/lãnh chúa, Đức Kitô Vua vẫn muốn mọi người vui hưởng sức khoẻ, tự do, có công lý và sự thật, rất lịch sử. Có quyền bính tư riêng để mình có thể tự định đoạt cho cuộc đời của mình theo cung cách Chúa từng dạy. Vua Vũ trụ, nay chủ trương khác với vua quan ở đời về mọi sự.
Chủ trương của Ngài, luôn đặt nặng phần san sẻ tình thương-yêu, giùm giúp hết mọi người, chứ không chỉ vun xới quyền bính thu về chỉ một người, dù người ấy có tài ba/lỗi lạc cũng thế thôi. Rõ ràng là, chính trị cũng như ý-thức hệ của Ngài, khác những gì vua quan ở đời chủ trương. Ý thức hệ và chính trị của Vua Vũ trụ lại chỉ đặt nặng vào thực tại cuộc sống đích thực, như Ngài vẫn thực hành.
Sự thực mà Vua Vũ trụ tặng cho mọi người lại là chính Ngài. Vua Cha đích thực chẳng cần vương trượng, hoặc triều thiên vàng ánh những kim cương. Sự thực mà Vua Cha đặt nơi Ngài, chỉ gồm mỗi triều thiên gai, gậy gỗ, long bào cũng chỉ mỗi áo thụng sắc mầu tím ngắt/sầu buồn, nhiều bách hại. Chứ nào mũ áo, long bào lóng lánh vàng bạc hoặc trân châu đắt giá.
Đọc tiểu sử của Chúa, người người thấy Ngài chẳng giống vua quan lãnh chúa ở đời. Vẫn lạ thường, nghịch lý, nhưng lại theo cung cách rất mới mẻ. Cung cách của bậc vua cha cả trời đất rất vũ trụ chỉ đem lại lối sống rất mới mẻ, mà thôi. Ngài là Vua Cha theo cung cách rất mới. Cung cách của các đấng cam chịu khổ ải, bức bách, chứ không đòi tên tuổi, danh xưng, lẫn tiếng tăm.
Danh xưng, làm Vua Do thái, như người La Mã đã ban cho Hêrôđê, vào thời đó. Trong khi đó, vua quan phàm trần như Hêrôđê lại chỉ biết xây đền đài hầu thờ bái thần linh rất phàm trần. Đền thờ của vua quan trần thế, là chốn đông lạnh nhằm chôn cất đấng bậc trên cao rồi tôn làm hoàng đế, để rồi sẽ đưa lên bàn thờ mà sùng bái. Chốn bái thờ lạnh tanh ấy, là câu lạc bộ đủ mọi thú vui để hưởng lạc có vườn rộng, đồi cao. Có cả sân khấu để vui chơi, cộng với sảnh đường nghênh tiếp bậc vĩ nhân, hoặc đấng bậc vị vọng chốn quan quyền.
Đức Giêsu Kitô là Vua Cha, lại rất khác. Ngài cũng ở chốn cao sang, nhưng là đồi Calvary giống hệt hộp sọ, được thuê từ kẻ vô danh tiểu tốt, chốn hành hình. Núi “Sọ” Ngài trị vì khi sống đã chẳng rềnh rang, lúc chết lại cũng âm thầm, thật bạc bẽo. Vua quan ngoài đời khi chết còn có quan tài dát vàng chạm trổ đặt ở trên bệ để mọi người xì sụp cúng kiến. Vua Cha Vũ trụ chẳng có đến áo quan, vẫn trơ trụi treo mình trên thập giá, ở rất xa đền đài vua quan, nhiều khoảng cách.
Tuy là thế, duy nhất chỉ một vị vua mới có khả năng trỗi dậy từ cõi chết. Vị vua đó, không là vua quan chốn phàm trần, hoặc ai đó. Chỉ mỗi Vua Cha cả vũ trụ, tuyệt đối không giống vua quan phàm trần, ở điểm: khi sống, Ngài không có chốn gối đầu; và lúc chết, Ngài cũng chẳng có quan tài tử tế để chôn cất. Nhưng Ngài ngự trị cùng khắp vũ trụ và ở lòng người. Vũ trụ của Đức Kitô Vua, nay ngự trị mãi chốn vĩnh hằng, chẳng ai sánh tày, ganh đua, giành giựt.             
Hiểu rõ tình của Vua Cha là như thế rồi, ta lại sẽ hát lên lời ca vang còn đó rất thi tứ:

            “Đôi mắt sáng, là hành tinh lóng lánh.
            Lúc sương mù, ai thở để sương tan.
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em,
Ai thở nhẹ, cho mây vào trong tóc.”
            (Nguyên Sa – Cần Thiết)

Cần thiết, quyết rất cần để hành tinh lóng lánh đôi mắt sáng. Sáng cả vào lúc sương mù, khi người người ngợi ca Vua vũ trụ. Vua, của hồn người ta “cầm tay nhau cho đó má hồng”, rồi “thở nhẹ cho mây luồn vào trong tóc, chốn tâm can của mọi người. Trong đời.
                                                    
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   
Mai Tá luợc dịch