Saturday 28 August 2010

“Thôi em, nước mắt đừng rơi lã chã”


em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa.

Giữ trọn tình người cho đẹp.”

(thơ Quang Dũng)

Lc 14: 25-33

Nước mắt em, thôi đừng rơi lã chã. Thôi em nhé. Dù tuổi em. Tuổi anh. Và tuổi người, chỉ đôi mươi. Hay, cả một đời. Có là tuổi xanh xưa, tươi mát. Ta giữ mãi tình người. Nhé nghe anh. Cho đời luôn đẹp. Đẹp cả tình người. Tình Chúa. Rất hôm nay.

Tình Chúa hôm nay thánh sử đã ghi chép, để người người cố mà nhớ lấy. Nhớ mãi. Nhớ hoài một tình tự, như Tin Mừng thường vẫn nói. Nói về Tiệc, nơi Vương Quốc. Khiến người người đều vui.

Tiệc Chúa gọi mời mọi người, chẳng ai buồn đến dự. Khiến Ngài phải truyền cho gia nhân chòm xóm, chốn dân gian. Người nghèo, khốn khổ. Người què quặt, đui mù. Rày hãy đến. Đến dự Tiệc, Chúa khẩn mời bằng lời quyết liệt:“Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ của Tôi được.” (Lc 14: 26).

Thoạt nghe Lời, ta tưởng lời là những đối nghịch với ý Chúa muốn tỏ bày lòng xót thương. Như Ngài từng làm với nhạc mẫu thánh Phêrô. Với người Samaritanô. Và, Lazarô. Cùng chị em Maria và Martha? Phải chăng có điều gì đối chọi với lời răn: yêu thương kẻ thù?

So với Tin Mừng khác, Phúc Âm thánh Luca viết là viết cho những người theo Chúa với lời ghi chép rất đanh thép. Triệt để. Nghĩa là, ai muốn theo Chúa, nên đi trọn con đường Ngài vạch sẵn. Là, chấp nhận lối nhìn đời như Ngài muốn. Rồi quyết tâm theo Chúa đi vào hiện thực. Chứ không phải chỉ mỗi cam kết, rất hời hợt. Qua ngày. Như thái độ của người đời vẫn có. Mỗi ngày.

Rõ ràng, thánh Luca không có ý bảo: Chúa chỉ muốn ta tuân giữ lời Ngài, rất nghĩa đen. Tức, không mang ý nghĩa ghét bỏ mẹ cha. Chê cuộc sống, rất hiện tại. Ai hiểu thế, cũng có thể là người ấy sẽ chọn cái chết tự vẫn, mới đúng! Thật ra thì, hờn giận/ghen ghét và bạo động, chỉ là con đẻ của nỗi niềm sợ hãi. Khiếp kinh.

Trái lại, điều mà thánh sử ghi chép, là: ta được mời gọi tỏ lòng xót thương, yêu mến hết mọi người. Dù, họ là ai. Dù, họ chẳng quan hệ gì đối với ta. Tình yêu thực, sẽ đẩy lùi mọi hãi sợ. Hơn nữa, điều Chúa dạy, là: hãy xót thương thực sự như người Samaritanô trong dụ ngôn Tin Mừng. Như lời Chúa dạy khi ta nguyện cầu, cùng Cha. Nói tóm lại, dân con/đồ đệ của Chúa, biết mình thuộc cùng một gia đình. Và cũng biết, rằng: tất cả vẫn là anh chị em cùng nhà. Nhà của Chúa. Rất Nước Trời.

Vẫn là chuyện hệ trọng, nếu ta tiếp tục quan hệ mật thiết với Chúa. Vẫn có tương quan với mọi người anh em trong đời. Dù, họ khác chính kiến. Sắc tộc. Tôn giáo. Nghề nghiệp. Tuổi tác. Giới tính. Cung cách để đo lường mức độ mật thiết trong quan hệ với mọi người, không nằm ở giai cấp/chức năng. Nhưng, là mức độ yêu thương/giùm giúp ta dâng Chúa qua quan hệ với mọi người.

Điều quan trọng cũng chẳng ở vấn đề: ta có được người đời đánh giá thấp/cao? Cho bằng mức độ ta thực hiện chuyện giùm giúp/săn sóc với lòng thương mến, hết mọi người. Chúa gọi mời, là Ngài mời gọi mọi người cứ sâu lắng trong an bình nội tại. Bất luận vai trò/địa vị người ấy có cao sang/thấp hèn, ra sao.

Trong đối xử với mọi người, nếu chỉ thoả mãn ước muốn của người nhà mình, chẳng đếm xỉa gì đến nhu cầu của người khác, thì lúc đó ta đã xử sự không phải phép, với gia đình rộng lớn. Ở khắp nơi. Và như thế, ta đã không coi người khác như thành viên cùng nhà. Không là đồ đệ Chúa, rất đích thực. Chúa đã nói: “Những gì các người không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các người không làm cho chính mình Ta.” (Mt 25: 45)

Gia đình. Chòm xóm. Đất nước. Dù sai/đúng, vẫn không là khẩu hiệu tuyên truyền để lôi kéo đồ đệ về với Chúa. Bởi, cũng có lúc ta chối từ thành viên gia đình lớn. Vẫn cứ muốn ta tham gia nhóm hội đoàn thể của họ để rồi đưa ra những hành xử tai hại, thiếu quang minh chính đại. Thiếu xót thương. Ta không thể hỗ trợ người cùng nhà, mà kinh doanh lươn lẹo. Cũng không thể đồng hành chỉ với người thân, để thực hiện những động thái kỳ dị, Phân biệt. Nhưng, hãy chứng tỏ lòng xót thương/yêu mến mình vẫn có, với mọi người. Chứng và tỏ, bằng cách chống đối cách hành xử vô luân. Gây hại. Và, luôn quan ngại cho sự vui sống. Hài hoà. Của mọi người.

Lại có trường hợp tha hoá, của những người bỏ nhà ra đi. Người, chỉ biết làm lợi cho người khác nhưng chẳng quan tâm gì đến máu đỏ ruột mềm. Cùng nhà. Làm thế, là đã trái nghịch lời của Chúa, là Đấng chỉ muốn mọi người thành người thân cận. Rất cùng nhà. Từ đầu hết đến cuối hết, ở mút cùng của cuộc sống. Đó, là sự ghét ghen, mà Chúa chẳng bao giờ khích lệ.

Lòng xót thương/yêu mến mà Chúa nói, được thánh Phaolô diễn rộng ở bài đọc 2. Bằng vào thư gửi bạn Philômênon, thánh Phaolô yêu cầu bạn thân mình đón nhận người nô lệ trẻ độ trước có sai quấy. Nhưng, nay nhờ thánh nhân bảo ban, anh đã qui hồi trở thành người của Chúa. Và, thánh Phaolô cậy nhờ vào lòng xót thương/yêu mến của bạn mà nương tay coi người trẻ này “như người ruột thịt”, “trong khi tôi bị xiềng xích.” Thánh Phaolô muốn bạn mình đối xử với người nô lệ trẻ “như người anh em thân mến.” (Phi 13, 16).

Đó, là tha thứ. Là, đối xử cho phải đạo với người từng qui hồi, về với Đạo. Những người đã hồi hướng/đổi thay, cuộc đời mình. Thay và đổi, để mọi người từ nay quyết tin tưởng. Cậy nhờ. Hơn nữa, là nô lệ hay đã qui hồi làm Công giáo, thì ở tầm nhìn nào đó, anh đã là người anh/người chị đối với chủ nhân của anh, là Philômênon.

“Ghét cả mạng sống mình”, còn là điều Chúa muốn. Tức, ta nên sống cuộc đời xót thương/ yêu mến. Và, tin tưởng. Bởi, Chúa vẫn muốn cuộc sống của ta không còn những ham hố. Dính bén. Hoặc, tham vọng đầy mình. Cũng chẳng nên hãi sợ. Lo âu. Sầu buồn, mà làm chi. Hãy cứ tự do, mà sống. Vì vậy, Chúa nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi.” (Lc 14: 33) Từ bỏ, là cho đi. Cho, cả chính mình. Cho, không là giảm bớt tự do để thực hiện lòng xót thương/yêu mến, rất trung thực. Vì khi đó, “Cho” chỉ là ý nghĩa của ghét bỏ, mà thánh Luca đã diễn tả. Ở đây. Nơi trình thuật này.

Ý nghĩa của câu truyện Chúa vừa kể, chỉ cốt để minh hoạ. Minh hoạ rằng, quần chúng theo Ngài đã tỏ lòng phấn chấn. Rất khởi sắc. Nhưng, vấn đề là: họ đã sẵn sàng để theo chưa? Theo như thế, có mang ý nghĩa “dứt bỏ” mọi sự chăng? Bằng không, cũng chỉ như vị vua nọ ra chiến trường, mà không bàn thảo. Tính trước. Hoặc, như người khởi công xây dựng nhà, đà hết vốn. Không tính trước, sẽ bị mọi người cười chê. Thất bại.

Giả như người Công giáo chúng ta cũng đang trên Đường theo Chúa, mà không nhận ra những gì cần tính trước, rồi cũng sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Cũng thất bại thôi. Tuy nhiên, ngôn từ của trình thuật hôm nay dù mang tính chất rất tiêu cực, cũng chỉ để nói lên rằng: ta sẽ để luột mất niềm an vui/hạnh phúc nơi cuộc sống mà Chúa đem đến. Hiến tặng cho ta. Cho mọi người.

Nhận thức ý nghĩa Chúa nhắn nhủ, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, mà vui hát. Rằng:

“Cả một trời yêu bao giờ trở lại

Ôi ! Ta xa nhau tưởng chừng như đã

Ôi ! Ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ

Tình bất phân ly - tình vẫn như mơ

Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm

Cho qua bao năm mộng buồn quên dấu

Nhưng sao bao năm ngày dài qua mãi

Trong anh hôm nay thấy tình còn đây.”

(Trần Quảng NamMười Năm Tình Cũ)

Tình cũ. Hay, hiện thời. Vẫn là tình của Chúa. Của mọi người. Trong đời. Tình, bất phân ly. Như mơ. Dù trải “qua bao năm mộng buồn quên dấu”. Vẫn còn đây.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc:www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday 21 August 2010

“Nhớ khi em dỗi em hờn”

Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng.
Nhớ đêm nằm võng ngó trăng,
Đếm ngôi sao sáng lại rằng sáng sao.”
thơ Diệp Chi)

Lc 14: 1, 7-14

Chia sẻ nắm cơm. Khi em dỗi hờn. Ngồi đếm sao. Khi sao lại sáng. Vẫn là tâm tình của anh. Của em. Của người. Rày vẫn nhớ. Còn nhớ hay chăng, hỡi người người. Hỡi em, và hỡi anh. Nhớ Lời dặn của Đức Chúa, ở trình thuật rất hôm nay.

Trình thuật, nay thánh Luca gợi nhớ dụ ngôn Chúa kể, để khuyên rằng: “Nước Trời giống như bàn tiệc”. Có sẻ chia. Những nắm cơm, vừng cháy. Của dân gian khắp chốn, ở đời người. Một đời, có những ngày mọi người đều sinh hoạt rất đặc biệt. Như Chúa làm.

“Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh Pharisêu để dùng bữa.” (Lc 14: 1) “Đến” ở đây, có thể là dịp để mọi người tỏ bày tình thương, rất huynh đệ. Nhưng, thánh sử lại viết: “Họ cố dò xét Ngài.” Dò xét, không phải để thán phục. Tò mò. Mà, xem Chúa có làm điều xằng bậy, ngày lành thánh. Để, có cớ mà “sửa lưng” Ngài. Và lên án, cả khi Ngài chưa nói đến một điều.

Dự tiệc ngày Sabát, Chúa không sợ nói với con người qua dụ ngôn. Bằng vào dụ ngôn, Ngài nói thẳng với thực khách. Những lời sau, là với chủ nhà. Bằng vào hai dụ ngôn, Ngài mời mọi người để tâm vào điều Ngài sắp nói. Điều ấy, vẫn là bài học để đời cho tất cả. Không chỉ một người.

Dụ ngôn đầu, là về phản ứng của thực khách khi ngồi bàn. Và, thánh sử lại đã ghi: “Ngài thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi.”(Lc 14: 7) Phàm các buổi tiệc tùng ở thị thành, chỗ ngồi là chuyện rất tế nhị. Trọng khinh. Ai quan trọng, đều ngồi gần chủ tiệc. Còn lại, chỉ là những người thân cô thế cô, rất xa vời. Có buổi tiệc, vị chủ mời còn đề tên thực khách trên tấm giấy, đặt ở trước. Ở đó, còn ghi rõ vai vế. Chức vụ. Mới đáng sợ. Ở tiệc cưới, có người còn kỹ hơn. Ít ai được ngồi gần nhà đám. Ngoại trừ người thân. Hoặc, đấng bậc có vai vế, rất quan trọng.

Với Chúa thì khác. Ngài chuyển đổi thứ tự của dân gian, người đời. Và căn dặn: “Anh em đừng chọn cỗ nhất mà ngồi.” Bởi, có thể là anh sẽ bị mời xuống ngồi ở bên dưới. Chốn thấp hèn. Ở nơi đó, sẽ buồn rầu. Chán nản. Với nhiều người, bị mời như thế đồng nghĩa với thiên tai. Cũng tai hại, cho thanh thế, trong giao tiếp. Thật ra, Chúa chẳng muốn người nghe hiểu dụ ngôn Ngài kể, theo nghĩa đen. Điều Ngài muốn nói: nơi Nước Trời, chỗ ngồi không là chuyện hệ trọng. Như ngoài đời.

Quan hệ với Chúa, với anh em, thứ tự trên dưới theo tôn giáo, sắc tộc, nghề nghiệp, giai cấp, chẳng là gì. Hệ trọng chăng, là mức độ yêu thương/phục vụ ta chứng tỏ với Chúa, qua tương quan với mọi người, thôi. Hệ trọng chăng, là: không nên sợ người khác đánh giá mình rất thấp. Nhưng quan trọng, là mức độ chăm lo/giùm giúp ta xử sự với mọi người.

Ở bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh đến điều quan trọng như sau: “Anh em đã tới núi Xion, thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời… Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.” (Dt 12: 22) Đó mới là điều quan trọng. Chứ không phải chỗ ngồi. Trên dưới.

Dụ ngôn tiếp, là điều Chúa muốn trực chỉ vị chủ tiệc, tức thủ lãnh nhóm Pharisêu: “Đừng mời bạn bè, bà con anh em, hoặc láng giềng giàu, kẻo họ cũng mời ông như thế, và ông đã được đáp lễ.” (Lc 14: 12) Nhìn vào xã hội hôm nay, chừng như người người vẫn làm như thế. Tiệc tùng nay cũng thế. Dự tiệc đình đám lễ hội vẫn cứ là can dự chuyện buôn bán. Kiếm tiền. Hoặc làm thân, vì mục đích đen tối? Tham ô? Nhũng loạn?
Chúa thì khác. Ngài đưa ra một đề nghị, ít khi thấy: “Khi đãi tiệc, ông hãy mời những người nghèo, tàn tật. Què quặt. Đui mù.” Tức, những người không có khả năng mời lại. Cho lại. Dù chỉ để tiến thân trong xã hội chú trọng đến điạ vị. Thứ hạng. Thế đứng. Để có chỗ ngồi.

Thần học gia Matthew Foc có lần nhìn đời như một chiếc thang dốc hoặc vòng quay tròn. Sống đời leo thang, người người có khuynh hướng cố leo, cố trèo lên đỉnh chóp. Cứ thấy mình mãi còn ở dưới, là cố gắng đạp người khác xuống, để mình lên. Với xã hội người đời, ăn trên ngồi chốc hoặc leo thang lên dốc, là tìm leo đến mút cùng. Chóp đỉnh. Dù, đó có là chốn doanh thương, thi cử, hay chỉ một chỗ ngồi, trên xe buýt. Bởi lẽ, xã hội ta sống là xã hội thang dốc, khuyến khích để ta leo.

Trình thuật đề nghị ta thiết lập một xã hội theo vòng tròn. Ở nơi đó, không có chỗ cho vị thế cao/thấp, trong/ngoài. Tất cả vẫn ngang hàng. Người người cùng giáp mặt. Tất cả đều định vị ở nơi chỗ tốt nhất. Nơi đó, người người đều quen biết nhau. Tôn trọng nhau. Đều ở vào vị thế sẻ san những gì mình đang có, mà lo cho những người hiện còn thiếu thốn. Hãy cứ đặt để bàn tròn. Cho mọi người. Tiệc sẵn sàng. Ai cũng đều có phần, khỏi cần lo. Mỗi người đều dùng đũa gắp mà tiếp tế thức ăn cho người ngồi cạnh. Hoặc, đối diện. Tiệc Nước Trời là tiệc sẻ san. Rất như thế.

Đó, có là điều không tưởng? Thiếu thực tế? Với xã hội phương Tây, chuyện ấy thật khó thực hiện, sớm chiều. Có khi phải mất cả thế hệ. Nhưng, áp dụng từ gia đình nhỏ. Nhóm hội, như cộng đoàn giáo xứ, cũng là điều hay. Rất nên làm.

Tiệc Thánh ta tham dự, nay mang dáng dấp một sẻ san. San và sẻ, cả bánh rượu. San và sẻ, Thân Mình và Máu Thánh của Đức Chúa. San và sẻ, Lời Chúa trong Tiệc Lòng Mến. Tiệc của gia đình lành thánh. Ở đó, đâu có chuyện phân chia trên/dưới, thấp/cao.
Tiệc Thánh là Tiệc của gia đình rất lành và rất thánh. Mọi thành viên trong đó đều vui vẻ. Phấn chấn. Cởi mở. Chẳng bao giờ cãi tranh. Giành giựt, dù chỗ ngồi. Hội thánh thời ban sơ đã thực hiện Tiệc Lòng Mến, rất như thế. Hội thánh hôm nay, chắc cũng không ngại ngần hiện thực đề nghị Chúa đưa ra nói trình thuật, hôm nay.
Trong khí thế chấp nhận đề nghị Chúa đưa ra, ta hãy vui hát những câu ca rất diễm tình, rằng:


“Chiều hôm nao, tiếng hát bay cao
Quỳ bên nhau, trước Đấng Tôi Cao
Hứa yêu nhau, trao câu thế,
Chung sống trọn đời.
Rồi mai đây, kiếp sống có đôi,
Đời buồn vui, mãi mãi bên nhau.
Khấn xin Mẹ, thương dắt dìu
Tình yêu dâng cao.”
(Thành Tâm – Diễn Tình Ca 3)


Hứa yêu nhau, không chỉ là lời hứa giữa hai người. Mãi bên nhau, không chỉ là quyết tâm của đôi lứa. Nhưng là, những quyết và tâm, của mọi người. Những người con của Mẹ thánh Giáo Hội. Của cuộc đời. Ở Nước Trời.


Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

Sunday 15 August 2010

“Bao năm sương trắng bụi mờ,


Bao năm tay trắng để giờ trắng…tay!

Ta về qua ngõ chiều nay,

Nghe mùa trăng lạnh từ ngày xa em.”

(thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Lc 13: 22-30

Trắng bụi mờ. Chờ nhiều năm. Lạnh mùa trăng. Xa vắng. Lặng thinh. Ngày xa em. Ấy đó, là tình tự ở đời. Giữa người. Về qua ngõ. Nghe mùa trăng. Là, tâm tình nhà Đạo. Chúa bảo mọi người. Ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật hôm nay thánh Luca ghi chép điều Chúa nói rõ cách thức qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Là, chốn không còn sự rẽ chia. căm thù. Hờn ghét, nữa. Không còn, ý tưởng vẫn để trong đầu, của người xưa “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" (Lc 13: 5) Câu hỏi trên, phản ánh niềm tin của nhiều người Do thái, thời của Chúa. Là, chỉ mình họ mới là “Dân được chọn”. Tức là, người ngoài luồng hoặc không tin không giữ lề luật của cha ông sẽ bị đào thải. Chẳng được cứu độ, như đã hứa.

Như mọi lần, Chúa không trả lời trực tiếp cho câu hỏi, mà Ngài lại đưa ra truyện kể với dụ ngôn, để cắt nghĩa. Dụ ngôn hôm nay, là việc qua được cửa hẹp. Là, chuyện người nhà từ chối không mở cửa cho người gõ cửa hỏi giúp đỡ, vào ban đêm. Để rồi, phải nghe những lời thống thiết, thật khủng khiếp: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến.” (Lc 13: 25)

Thành thử, khi đối đáp câu hỏi từ ai đó, Đức Giêsu không xác định hoặc chối bỏ là “chỉ một số ít người được cứu rỗi mà thôi”, đâu. Điều Chúa nói, chính là: ơn cứu thoát không đảm bảo cho bất cứ một ai. Bởi, không thể cậy vào chuyện: “Chúng tôi từng được ăn uống trước mặt ngài”, là đủ. Hoặc, cậy vào sự quen biết hoặc tự hào mình thuộc nhóm hội đoàn thể, hoặc mang danh tánh với bằng cấp, chức năng do Giáo hội chuẩn thuận, là được cứu! Chẳng phải thế. Trước mặt Chúa.

Chúa cũng chẳng khẳng định: chỉ ít người, là “được cứu”. Toàn bộ Tin Mừng thánh Luca, minh xác một điều, là: Đức giêsu mang đến với thế giới phàm trần tình yêu thương tự do, cho con người. Ở mọi chốn. Mọi thành phần. Không kỳ thị. Chẳng phân chia. Không ai bị đẩy lùi khỏi tình thương cứu độ, của Đức Chúa. Nên, người Đạo Chúa không nên hợm hĩnh. Rắp ranh. Giành giựt.

Vai trò tiên quyết trước hết của cộng đoàn nhà Đạo vân luôn là và chỉ là: giảng rao Tin Vui an bình về tình thương của Đức Chúa. Với thế giới. Rao và giảng, để sẻ san thông điệp Chúa gửi, làm nền tảng cho cuộc sống, ở đời. Với người người. Với hy vọng rằng, người người sẽ ứng đáp thông điệp của sự sống ấy qua việc chuyển hướng đời mình, cho đúng cách. Dân con Đạo Chúa sẽ xử trái, nếu cứ tưởng rằng chỉ có người mình mới xứng đáng với ân huệ độc đáo Chúa phú ban.

Và, dặn dò Chúa nói hôm nay còn vang vọng, là: nếu ta chỉ giảng và rao mỗi giáo lý Kinh Sách thôi, vẫn không đủ. Mà, toàn bộ cuộc sống cá nhân hay cộng đoàn của nhà Đạo, phải là lời rao báo cho ai đang kiếm tìm Sự Thật. Tình yêu. Và, Công lý. Tìm, mà sẻ san cuốc sống có yêu thương. Giùm giúp. Đỡ đần. Tìm và kiếm, mà chiến đấu chống bất công. Chống bạo lực. Đó, mới là ảnh hình đích thực của Hội thánh Nước Trời, ta thuộc về.

Ai là người “được cứu thoát”, rất đúng nghĩa? “Được cứu thoát”, là người biết sống chết trong quan hệ mật thiết với Chúa. Với mọi người. Là, sẻ san thị kiến sống động, mà Chúa cống hiến cho ta. Chúa vẫn bảo:”Chính ở điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ của Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau.” (Yn 13: 35) Chỉ những người như thế, mới được cứu thoát. Mới được gọi là “người của Chúa”, tức môn đồ. Tức, những người sống có ý thức. Yêu thương. Và, trách nhiệm.

Khung cửa hẹp, Chúa nói ở trình thuật, Là, cửa ngõ dẫn vào cuộc đời tóm gọn bằng cụm “yêu thương. “Giùm giúp”. Yêu thương, là cụm từ mang nặng cả nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen. Là, động thái dẫn đưa người người vào với lựa chọn, không dễ thể hiện. Nhiều người, nhiều vị đã thấy khó, vội vứt bỏ. Có người, lại đi tìm con lộ tẻ ngắn nhất, cho rằng như thế mới “rất người”. Mới tự nhiên, như cỏ cây. Thế đó, là ý nghĩa của hờn giận. Ghét ghen. Trả đũa.

Điều Chúa nói rất hôm nay, là thế này: nhiều người vẫn cứ tự coi mình là người thuộc Đạo rất chung, như Công Giáo. Nhưng, vẫn thường đón cửa lại, khi có người kêu gọi mình giúp đỡ. Vẫn có người nói ở đâu đó: “Tôi chẳng biết Anh/chị là ai hết”. Cũng chẳng quen biết.” Rồi lại hỏi: Sao Chúa lại không nhận ra tôi, người con yêu thương được thanh tẩy làm con Chúa. Người đạo hạnh, vẫn đều đặn tham dự thánh lễ, ngày của Chúa. Rất đều đặn? Sao Chúa nói, không còn biết tôi đây là người rất siêng chăm việc đạo đức. Vẫn thực thi công quả, chẳng hề quên?

Thật ra thì, đạo đức siêng chăm đâu là căn cước để định dạng, người của Chúa. Bởi ngày nay, được mấy ai nhận biết Chúa nơi những người bị bỏ rơi. Lơi là. Ghét bỏ. Mấy ai tìm cách giúp đỡ kẻ đau khổ. Nghèo hèn. Tủi hổ. Hoặc, vẫn coi họ như con cái Chúa. Như chính Chúa. Ở trong ta?

Quả thật là, một mai khi giáp mặt Chúa rất trực diện, người người sẽ ngạc nhiên không ít khi thấy rằng chính những người bị coi là “ngoại Đạo”, hay ngoài luồng lại là những người kịp đến với Chúa, trước nhất. Những người vẫn bị ta coi là vô Đạo. Lạc Đạo. Cặn bã của xã hội, nhưng biết thực hiện Lời Chúa trong yêu thương, hơn ai hết. Sẽ là người “được cứu thoát”, hơn chính ta.

Chúa quả quyết:“Thiên hạ từ Đông sang đoài, từ Nam tới Bắc, sẽ tề tựu đến dự tiệc nơi bàn thánh Nước Trời.”(Lc 13: 29) Bởi, Nước Trời vẫn dành để cho ai biết thực thi Lời Chúa, trong yêu thương. Giùm giúp. Đỡ đần. Người “được cứu thoát” đâu có bị điều tra căn cước xem có là nguời Công giáo. Chính thống. Hay đạo Hồi. Hoặc, là ai.

Hiện diện nơi Vương Quốc Nước Trời, vẫn là người thực thi điều Chúa dạy bằng động thái yêu thương. Đùm bọc. Sẻ san. Sẻ và san, những chua cay ngọt bùi, của cuộc sống. San và sẻ, Lời Chúa với hết mọi người. Cả những người không được biết đến. Hoặc, trọng dụng. Ở đâu đó. rất phương xa. Và khi đó, “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu. Và, có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.” (lc 13: 30) Trong danh sách người “được cứu thoát”. Rất rõ ràng.

Trong nhận thức rõ ràng điều Chúa dạy, ta cứ hiên ngang cảm nhận mà ca hát. Hát rằng:

“Giờ đây một mình tôi trên đường vắng

Thầm mong người về vui duyên đằm thắm

Hai đứa mình lại bước song đôi

Như những chiều nào đã xa xôi

Ta có nhau khi hoàng hôn rơi.”

(Hoàng Trọng – Người Đi Chưa Về)

Có nhau khi hoàng hôn rơi. Có nhau, cả vào lúc người người “được cứu thoát”. Sẻ san nỗi vui mừng. Niềm hạnh phúc. Có Chúa. Có ta. Có cả mọi người. Ở Nước Trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)



Tuesday 10 August 2010

“Trời xanh cho mắt em trong”


Mây se lụa trắng hơn không áo này?

Đoá hoa trong chiếc khăn tay,

Giữ riêng một chút hương bay thì thầm.”

(thơ Đoàn Vị Thượng)

Lc 1: 39-56

Cho mắt em trong, để em đắm nhìn trời xanh, nghiêng bóng. Mây se lụa trắng, để ta thì thầm giữ chút hương bay. Hương bay cho mây thì thầm, nay đón Mẹ về, hồn xác đê mê trong huy hoàng. Ánh sáng. Có đoàn thần thánh dàn chào. Chúc tụng. Như trình thuật xưa rày vẫn biểu hiện.

Trình thuật, thánh Luca nay dọi chiếu tâm tình của triều thần thánh đón Mẹ về với Chúa, trong vinh quang. Đón Mẹ về, triều thần thánh đón chào theo cung cách rất khác biệt. Đón Mẹ về, là đón chào Mẹ của Thiên Chúa, Đấng hiến trọn đời mình cho ý định của Chúa được thực thi. Và, nhờ Mẹ biết nói lời “Xin Vâng” quyết tận hiến cuộc đời mình cho công trình của Chúa, Mẹ đã được cất nhắc về với triều thần thánh cao sang ngõ hầu sẻ san vinh quang Chúa. Con của Mẹ.

Đón chào Mẹ, Hội thánh đón chào và tôn vinh vai trò đặc biệt của Mẹ như đã minh định: “Bằng vào động thái gắn bó với ý định của Cha. Và, nhờ vào công trình đồng công cứu độ, mà Con của Mẹ đã thực hiện nối kết với Chúa Thánh Thần, khiến Mẹ trở nên mẫu mực cho Hội thánh, về niềm tin. Về lòng mến Chúa. Mẹ là thành viên duy nhất, rất cao cả, thể hiện vai trò mẫu mực ấy cho Hội thánh.” (GLHTCG #967)

Tin Mừng, nay ghi lại sự việc Mẹ ghé viếng người chị họ cùng chung tâm trạng chờ đón Đấng Thánh, mà Mẹ chấp nhận cưu mang. Trình thuật, còn hàm ngụ mọi yếu tố góp phần vào vị thế cao cả của Mẹ, trong Nước Trời.

“Maria vội vã lên đường”, cung cách hăng say ra đi đến với người khác, mà phục vụ. Người khác ở đây và lúc này, là người chị họ cũng nôn nóng đón chờ Mẹ, đón chờ thành viên Nước Trời lành thánh, đến viếng thăm. Nhất nhất, là bài học để đời, cho mọi người tuân theo. Cũng thế, dù còn trong lòng Mẹ, Bào Thai Giêsu đã thôi thúc Mẹ hiền ra đi phục vụ mọi người, hơn là để người khác đến với mình, mà phục vụ. Trước cảnh tình ấy, bào thai Gioan đã nhảy mừng cảm kích, hệt như thế.

“Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và Người Con mà em cưu mang cũng được chúc phúc”, lời của chị họ Êlisabét là do Thánh Thần Chúa thúc đẩy, rõ ràng nói lên một sự thật: Đức Maria đầy ơn phúc, là vị Nữ Lưu độc nhất vô nhị, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng cứu độ, vì tính ngoan hiền, rất đáng chúc phúc.

Cảm kích trước tấm thịnh tình của em họ, bà Êlisabét lại đã thốt lên, lời thần thánh:“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Đức Chúa đến với tôi, thế này!” (Lc 1: 43), đây là lời cảm kích của mọi thành viên Hội thánh, vào mọi lúc. Nhất là lúc dân con dự Tiệc biết hân hoan san sẻ Lời Chúa. San sẻ bẻ Bánh. San sẻ chén cứu độ trần gian, cùng với Ngài.

Nay, đến lượt Mẹ dâng lời chúc tụng qua lời kinh “Ngợi Khen” mà Hội thánh vẫn thực hiện vào các buổi kinh chiều mỗi ngày. Lời kinh, ngập tràn những suy tư về điều kỳ diệu Chúa làm cho Mẹ.

“Ngài đoái thương phận hèn tớ nữ của Ngài”, ca tụng điều đó, là bởi Mẹ biết mình chỉ là cô thôn nữ mọn hèn không tên tuổi, nhưng nhờ Thánh Thần Chúa biến đổi, Mẹ trở thành Đấng thánh cao cả hơn các thánh nam nữ, để nói lên điều Chúa muốn phán dạy: mọi kẻ mọn hèn được Chúa cất nhắc, đều không do tài cán của riêng mình, nhưng do Ngài lựa chọn. Ban ơn. Chúc phúc.

“Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”, lời Mẹ không là lời ngạo mạn, cao xa. Mà là, cảm tạ rất khiêm tốn. Lời ấy nay thành sự thật, kể từ lúc Mẹ lên tiếng. Sự thật là, kẻ hèn mọn tớ nữ là Mẹ, được Chúa cất nhắc chọn lựa làm Mẹ Đấng Cứu độ, rất Giêsu. Ơn cao dày, Chúa chỉ phú ban cho ai biết hạ mình làm kẻ mọn hèn, mà thôi.

Chúa chọn Mẹ là Đấng mọn hèn, điều này chứng tỏ Chúa vẫn đoái hoài nhìn đến những ai tầm thường. Yếu đuối. Nghèo khó. Những người bị đẩy lùi khỏi xã hội nhiễu nhương. Những kẻ bị khai thác/bóc lột ở thế giới gian trần. Hèn mọn là như họ, nhưng lại được lĩnh nhận tình yêu Chúa chăm sóc.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”, “ Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”, “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, Ngài đuổi về tay không”, những người như thế, nay rày ở đâu? Họ là ai? Có chức vụ gì trong Hội thánh Chúa? Đó là những câu hỏi đặt ra cho chúng ta, vào buổi này.

Mẹ là Mẹ Hiền cao cả, không chỉ vì Mẹ được chọn là Mẹ Thân Mẫu của Chúa, nhưng còn vì Mẹ dám chấp nhận mọi thử thách và trọng trách Chúa trao. Chấp nhận, trong tin yêu phó thác. Chấp nhận, cả những gì sẽ xảy đến tiếp theo sau. Trước khi chấp nhận ý định của Chúa, Mẹ chẳng lo sợ rủi ro, đau đớn có thể xẩy đến do vai trò Chúa đặt để.

Giống như Con Thân Yêu của mình, Mẹ biết từ bỏ tất cả để toàn bộ con người của Mẹ thành nơi trống rỗng ngõ hầu Thần Linh Chúa đến mà chiếm ngự. Mẹ tận hiến trọn đời mình, triệt để phục vụ thánh ý Chúa, mà thôi. Chính nhờ tính khiêm nhu hạ mình tột bực, Mẹ được cất nhắc lên bậc cao sang vị vọng, đối với thế giới phàm trần. Rày trông ngóng.

Điều cao cả nơi Mẹ, được thánh Phaolô tỏ bày ở bài đọc 2, qua thư gửi cho giáo đoàn Côrinthô, thánh Phaolô nói về sự sống lại của Chúa là điểm then chốt cho giá trị niềm tin, ta vẫn có. Tin vào Đức Kitô, Con Chí Ái của Mẹ, Đấng mặc lấy xác phàm loài người, và đã chết trên thập giá, đích thực là Đầu Hết giữa những kẻ được Chúa cho sống lại. Ngài, là Đấng được Chúa cất nhắc ngự bên phải Chúa Cha. Là, Hoa quả đầu mùa dành cho ai dám chết vì tình thương yêu, phục vụ.

Thánh Phaolô viết tiếp:“Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình.” (Cr 15: 22) Xem như thế, Đức Kitô là Đầu. Trên hết mọi sự. Kế đến, là Mẹ Ngài. Tức, Mẹ Thiên Chúa.

Hôm nay, dân con Đức Chúa đến với Mẹ để vui hưởng hạnh phúc Chúa phú ban. Đến, để rồi sẽ hướng về ngày cánh chung hôm ấy mọi người sẽ lại được sẻ san hạnh phúc triền miên, với Mẹ. Với Chúa. Từ nay đến đó, dân con Chúa sẽ kêu cầu Mẹ nhớ mọi người trong hành trình, ở trần thế. Kêu cầu Mẹ giùm giúp kết hiệp mọi người về cùng Con của Mẹ. Kêu cầu, để người người trở nên giống Mẹ biết lắng nghe lời gọi mời làm con Chúa. Kêu cầu, để nhận biết ý định của Chúa, mà tuân hành. Để rồi, sẽ bắt chước Mẹ nói lời “Xin Vâng” vô điều kiện. Xin Vâng, khi Chúa kêu mời mọi người ra tay hợp tác công trình cứu độ, Ngài khởi xướng.

Trong tư thế ứng đáp lời mời của Chúa, ta sẽ lại ca vang lời cung chúc, nhớ Mẹ mà hát:

“Mẹ ơi! mẹ hướng về đây

Là chốn đầy yêu thương

Là chốn con tìm nguồn sống

Ngoài kia trời đã mờ phai

Giờ phút này chắc ai

Ngồi lắng trông con ngày mai.”

(Hoàng Trọng – Chiều Nhớ Mẹ)

Mừng lễ Mẹ, đàn con vẫn mong Mẹ hướng về chốn yêu thương. Về, để con của Mẹ kiếm tìm nguồn sống có Chúa. Có Mẹ. Vì “ngoài kia trời đã phôi phai”. Nhạt mờ tình yêu, nhung nhớ. Nhớ Chúa. Yêu nhân loại. Ngoài kia, thiên hạ vẫn dửng dưng sống như không biết có Mẹ “ngồi lắng trông con ngày mai”. Vẫn đoái hoài, tình Mẫu tử. Rất Maria.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)


Wednesday 4 August 2010

“Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ”


Lũ chuồn chuồn giỡn nắng, đuổi nhau bay.

Nhưng thỉnh thoảng, tiếng nhạc đồng buồn tẻ,

Của vài người cưỡi ngựa, đến xua ngay.”

(trích thơ “Trưa Hè” của Anh Thơ)

Lc 12: 32-48

Trưa hè, trên đê thẳm. Không người đi. Vắng vẻ. Đến là buồn tẻ, chốn đời người. Trời trong, mây giợn trắng. Tiếng nhạc đồng. Người cưỡi ngựa. Những xua ngay, đến phát sợ. Sợ, như đàn chiên bé nhỏ, có Chúa trấn an vui ban Nuớc của Ngài, nay hạnh phúc.

Tin Mừng, nay có thánh sử giãi bày niềm vui say hạnh phúc không nằm ở những chốn có vật-chất chất-chồng nhiều lo lắng. Và, Chúa lại dạy thêm: hãy nai nịt thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng mà chờ đón tương lai mai ngày, rày sẽ đến. Tương lai đến, là đến với tình huống có Chúa ở cùng, chẳng cần tích lũy của cải/tiền bạc, đồ hư nát. Tương lai mai ngày, là ngày Thầy bất chợt đến vào buổi canh hai/canh ba, đã tỉnh thức.

Tin Mừng, nay Chúa dạy mọi người hãy thận trọng vì ta không thể biết trước được khi nào thì Thầy đến. Ngài đến trong tư thế rất bất chợt. Đột xuất, như kẻ trộm. Chẳng đoán trước. Khi biết được, thì sự việc cũng quá trễ. Nên lỡ dở.

Dụ ngôn Tin Mừng Chúa kể về tình thương yêu, phục vụ, còn hồi hộp, hoành tráng nhiều hơn thế. Hồi hộp, bởi bản chất của thương yêu phục vụ là ý niệm của giàu sang/cao quý hơn cửa nhà, tài sản mà mình tạo sẵn. Cao quý hơn, vì yêu thương - phục vụ bày tỏ chất lượng cuộc sống, cần chăm sóc. Thực tế ở đời, nhiều người chỉ biết lưu tâm chăm sóc mỗi đất đai/vườn tược, mình làm chủ. Làm chủ thứ tài sản tưởng chừng như quý giá. Nhưng thực tế, đâu dài lâu?

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói rõ: như Abraham nhận thức, cuộc sống của ta là như hành trình vào nơi không ai biết mình đi đâu, sẽ làm gì. Nên, cũng chẳng cần thận trọng hoặc mua bảo hiểm/bảo kê, cho vững bụng. Mà, là đức tin như thánh Phaolô nhận xét: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Và, ông đã ra đi mà không biết mình đi về đâu.” (Dt 11: 8)

Thật ra, ai cũng muốn tự mình kiểm soát cuộc sống của riêng mình. Ngõ hầu chuẩn bị cho tương lai, mai ngày. Nhưng thực tế, thì lại khác. Giống như Abraham, ta chẳng tài nào biết được hành trình cuộc sống sẽ đưa ta đi về đâu. Chẳng ai biết được điểm kết đoạn, chặng đường dài. Nhiều năm tháng. Điểm ấy, có thể là điểm kết cuộc, trong đau buồn. Có khóc than. Và, chỉ khi nào tới nơi. Ta mới biết. Nhưng, lúc ấy cũng quá trễ. Nên, hối tiếc nhiều. Tiếc, cho tháng ngày đã qua, không nghe Lời Chúa dạy. Tiếc cho mình. Tiếc cho người. Một tiếc nuối, như mọi nuối tiếc mà ta thường có.

Hành trình Chúa nói ở Tin Mừng, không là cuộc lữ hành theo nghĩa có vận động, di chuyển. Mà, là cung cách và chất lượng, cũng như ý hướng của cuộc sống. Ta đang mang. Hành trình ấy, gồm tất cả kinh nghiệm sống ta sẽ có. Cả những tình huống xảy đến với mỗi người, để ứng phó. Hành trình ấy, cũng là những người ta từng gặp. Chạm mặt. Dù, mình đã chọn hay không. Hoặc, chỉ những tình cờ kéo đến. Và, ta vẫn phải đáp ứng. Đối đầu. Tất cả, là điểm khởi đầu để ta dấn bước. Đạt thành công. Cũng có thể là ân huệ và cơ hội giúp ta đáp trả sự thật. Tình thương yêu phục vụ để Chúa đi dần vào đời mình.

Cuộc sống, giống một hành hương. Di hành về quê hương ta hằng yêu dấu. Vẫn luôn chuyển động. Chuyển động, để hướng về khung trời khác tốt đẹp hơn. Hệt như Abraham và gia đình vẫn sống trong lều tạm, nhưng “trông đợi một thành có nền móng do chính Chúa tạo mẫu. Dựng xây.” (Dt 11: 10)

Trong cuộc sống thiết thực, ai cũng được bảo đảm là cuộc sống an ninh/an toàn cho mình. Nhưng niềm tin nơi Chúa, lại đề xuất cho mọi ngưòi chương trình hoàn toàn khác. Chương trình để sống theo cung cách thấm nhuần tình thương yêu và phục vụ cho Vương Quốc của Chúa. Có Chúa. Cuộc sống ở chốn sáng có công lý và an bình, do Chúa tạo mẫu. Dựng xây.

Cuộc sống có Chúa, là sống đích thực những điều Chúa răn dạy. Để, ta có thể dung nạp của cải chân phương. Đích thực. Của cải không bằng vật chất. Tục lụy. Nhưng, gồm giá trị cao quý Chúa dành để cho ta. Để rồi, ta sẽ lại san sẻ cho người khác. Những người vẫn đồng hành với ta, trong Nước Trời.

Cuộc sống có giá trị san sẻ, sẽ thôi thúc ta vào mọi lúc. Thôi thúc ta ra đi gặp Chúa, Đấng Cứu Độ. Đức Chúa, nay không còn ngư nơi cao xa, khó đạt. Nhưng đã hiển hiện nơi những người anh/người chị đang thiết tha, mong chờ. Chờ, ta giùm giúp. Mong người người biết sẻ san, những gì cần thiết mà họ không bao giờ đạt. Gặp Chúa, qua những người anh/người chị như thế, ta sẽ thấy mình từng sống với Ngài mà không biết. Sống với Ngài, ngang qua những người cần được ta thương mến. Phục vụ. Thương mến, phục vụ trong suốt chuyến di hành về quê hương yêu dấu, vẫn gọi là hành hương.

Trong nhận thức quyết tâm về một hành hương đầy ắp giá trị của yêu thương - phục vụ, ta cứ ngẩng đầu hiên ngang, tiến vế phía trước. Tiến và bước, miệng ca vang lời tự hào, có lời ca mà rằng:

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời

Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.”

(Nguyễn Đức Quang – Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ)

Hùng cường đi lên, không chỉ di hành về với quê hương ngạo nghễ. Ở trời Nam. Nhưng, là hiên ngang bước vào Nước Trời có dân con Chúa, cùng chung sức. Sánh vai. Miệt mài, hầu thực hiện điều Chúa căn dặn. Trong yêu thương. Hiền hoà. Nhiều quyết tâm.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )