Saturday 31 May 2014

“Trầm lan nhẹ ngấm chốn không gian,”



Suy tư Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A 08-6-2014

“Trầm lan nhẹ ngấm chốn không gian,”
Giây phút buồn lây đền mộng vàng.
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá,
Dám ôm hồn cúc ở trong sương.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 28: 16-20

Diễn tả chốn không gian an-bình, thi ca ngoài đời thường diễn tả, chỉ như thế. Trình-bày/thuật lại bình an ở nhà Đạo, thánh-sử Mát-thêu nay lại diễn bày một trình thuật nhiều ý-nghĩa hơn thế. Hơn thế, ra như thể một trình-thuật rất an bình đầy Lời Chúa ban cho ta hôm nay.
Trình-thuật Lời Chúa hôm nay, thánh Mátthêu diễn tả cho con người, vẫn đơn giản chỉ một câu: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Đây là lời diễn-bày nghe quen, không hề thiếu trong buổi Tiệc Thánh Thể, an bình đầy tình thương rất thực tế. Nhưng, thực tế hôm nay, ta lại thấy lời chúc lành ở đây như vẫn xa vời tầm tay với, của mọi người.
Hôm nay đây, khi ta nghe ai đó những là chào/hỏi: “Anh/chị khỏe không?”, hẳn là câu trả lời nhiều lúc cũng không mấy thông suốt. Người thì bảo: “lu bu lắm!”, kẻ lại nói: “Có lúc nào rảnh đâu! Làm chết bỏ, không có giờ nghỉ!.... toàn những việc không tên, ở đâu ấy.”
            Nhiều lần, tôi tự hỏi: có bao giờ ta trả lời bạn bè người thân bằng những câu: “Đang nghỉ xả hơi đây”! hoặc:“cũng chỉ mới ngơi tay một chút!” hoặc “Tôi đang đi đang thăm hoa, vãn cảnh đây! Có gì không thế?” Tôi nghĩ câu trả lời như thế cũng rất hiếm. Có người còn cứ bảo: “Có đẻ bọc điều mới được hưởng những giờ phút như thế, còn thì lúc nào tôi cũng như người không mở mắt lên nổi, đấy thôi!”
            Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng mải miết thi nhau mà bận với rộn. Đành rằng, cứ phải sống và dấn thân với thế giới bên ngoài, cũng là quà tặng nhận được từ Trên. Nhưng, cũng nên xét lại tình trạng bận rộn của mỗi người. Bởi, có thứ bận mà không rộn cho lắm. Và, bận chưa hẳn là điều tốt. Có thể, nó mang ý nghĩa của một chối từ hoặc né tránh. Chí ít, là để tỉnh thức với bạn bè người thân, cùng một nhóm.
            Tin Mừng hôm nay, thánh Yoan cho biết Thánh Thần Chúa hiện đến với môn đệ Đức Kitô, là quà tặng đầu Chúa ban cho con người. Quà tặng, là sự bình an. Thoạt nhìn, mọi chuyện xem ra không được ổn. Và cũng hơi lạ.  Thực tế ai cũng biết, và điều này dễ hiểu thôi. Nhưng, khi đã chấp nhận bận rộn làm ăn rồi, sao cứ than. Than và ước, đại để như: Tôi vẫn muốn bình an trong tâm hồn, muốn có đôi phút thinh lặng để nghỉ ngơi, nhưng khổ nỗi làm sao được cả hai. Họat động có hiệu-năng và công việc dồn dập là hai thứ đối nghịch với an bình.
            Nhiều lúc ta cứ tưởng, an bình-lặng thinh luôn ở tư thế của bông sen trong căn buồng tăm tối. Không phải thế. Quà bình an Đức Kitô ban tặng còn hơn thế. Bình an là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống đời thường. Nó là trạng huống tâm linh. Một thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Quả thật, có người cùng lúc làm rất nhiều việc mà vẫn thản nhiên, an bình. Với họ, Bình an là vấn đề tâm linh, trí tuệ. Là, phương cách để sống. Sống cuộc đời người.
            Ở thế kỷ thứ hai, triết gia Seneca đã thắc mắc sao bạn bè/người thân của ông vẫn để mất sự an bình họ cần đến. Chính vì thắc mắc này, mà ông đã ngồi xuống viết nguyên cuốn sách nói về sự nổi giận và phương cách đối phó. Ông nhấn mạnh sự kiện, là: bạn bè càng giàu sang càng dễ nổi nóng, tức giận.
            Và từ đó, để luột mất đi sự an bình quý hiếm. Cuối cùng, ông dẫn chứng bằng niềm tin tưởng sắt đá rằng: lý do làm ta nổi nóng, là vì ta luôn nghĩ đến điều ta trông đợi và cầu mong, dù điều đó chẳng hợp tình hợp lý. Vẫn muốn làm sao cho tháng ngày đời mình, cứ êm đềm trôi chảy. Chảy chầm chậm. Trôi thanh thoát. Người giàu sang lại nghĩ rằng: họ có thể dùng tiền tài, của cải/vật chất mà mình có để mua cho mình cuộc sống sảng khoái, dễ chịu.
            Ở đâu cũng thế. Lúc nào cũng vậy. Khi không đạt mộng ước thật bình thường, thì chuyện “nổi cơn thịnh nộ” là việc đương nhiên xảy ra. Thành thử, triết gia Seneca có lý khi ông nói: muốn an bình-lặng thinh, ta phải có đầu óc thực tế biết chấp nhận rằng: mọi sự trên đời đều có thể xảy đến, trái nghịch điều mình hằng mong ước.
     Sự khôn ngoan mà hiền triết Seneca đề nghị, là: ta nên tỉnh táo biết rõ sự yếu mềm và mỏng dòn của mình. Và, của mọi người. Nếu biết rằng, cuộc sống cũng dòn mỏng như bản chất con người, ta sẽ đỡ vất vả hơn, khi chiến đấu với nó. Và như thế, ta mới đạt tình huống qua đó ta cần tha thứ cho người khác; cũng như, đón nhận sự thứ tha từ nơi họ.
            Tha thứ là món quà thứ hai Đức Kitô tặng ban cho các môn đệ, trong ngày Thánh Thần Chúa hiện đến. Nếu quả tình, ta thực lòng muốn vun trồng sự an bình-lặng thinh để sống cuộc đời bình thường, bắt buộc ta phải chấp nhận đương đầu với những gì, ta không muốn thấy. Những gì ta mong né tránh, khước từ.
            Nhưng oái oăm thay, những chuyện như thế thường hay đính kèm sự việc hằng xảy ra, trong quá khứ. Và, điều này gây tổn thương người khác, cách này hay cách khác. Đó, có thể là kinh nghiệm buồn đau mà người khác vẫn mang đến cho ta. Trừ phi ta biết tự tha thứ; hoặc thứ tha những người đã làm mình phiền. Bằng không, thì tình trạng bận và rộn có những xôn xao/ồn ào, hoặc bon chen sẽ để lại dấu ấn khó quên, nơi ký ức miên trường của mỗi người.
            Điều không may, là: những xáo trộn như thế thường đi đôi với tình trạng rất bận và rất rộn. Chính vì thế, ta cứ phải đối đầu với những lầm lỗi mình từng mắc phải, trong thời gian qua. Đó còn là tình huống khiến cho sự an bình lặng-thinh cứ cao xa vời vợi, rời bỏ vòng tay mong chờ của chúng ta.
            Tham dự Tiệc thánh hôm nay, dù ta ở vào tình huống có lầm lỡ/sơ xuất, hãy cứ cầu và mong Thánh Thần Chúa giúp ta nhận món quà đầu Chúa ban trong Lễ Ngũ Tuần có Thánh Thần Chúa hiện đến. Có như thế, ta mới mong rằng mình có thể tha thứ thật nhiều cho những ai đang tìm cách đóng đinh ta vào thập giá.
            Và, tựa như Đức Chúa tỏ bày tình Ngài yêu thương cho mọi người, ta cũng hãy mừng vui hơn lên vì Thánh Thần Chúa đã thổi đến nơi ta, món quà cao quý ấy.  Quà là quà an bình-lặng thinh ta hằng mong ước.
            Trong cảm-nghiệm một lời chúc bính-an đầy thương mến như thế, tưởng cũng nên trở về với thơ đời còn văng vẳng những lời rằng:

“Hãy tưới lên hoa giọt lệ nồng,
Đếm từng cánh một, mấy lần thương.
Hãy chôn những mảnh xuân tàn tạ,
Và hãy chôn sâu tận đáy lòng.”
            (Hàn Mặc Tử - Mơ Hoa)

            Giọt lệ nồng tưới lên hoa như thế, e rằng chẳng đếm được “mấy lần thương”. Lại cứ cho đi những mảnh xuân tàn-tạ”, tận đáy lòng, để rồi người người rồi sẽ nghe biết Thánh Thần Chúa vẫn cứ tặng bình an cho mọi loài, nên vẫn thương. Thương mãi thương hoài ngàn năm, rất vấn vương. Tận đáy lòng, của mọi người.

            Lm Richard Leonard sj,
            Mai Tá lược dịch
           

Monday 26 May 2014

“Ta trơ trọi như một người lữ thữ,”



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên năm A 01-6-2014

“Ta trơ trọi như một người lữ thữ,”
“quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.”
(Dẫn từ thơ Tế Hanh)
Mt 28: 16-20
Như người lữ-thứ, cứ trơ trọi một mình. Trơ trọi, còn là tâm-trạng của nhà thơ, nhạc sĩ, cả ngài Hillary lừng danh tên tuổi một thời, từng leo núi. Nhưng trơ trọi, chẳng bao giờ là tâm-trạng của người nhà Chúa vẫn hân-hoan với mọi người, trong kinh-nghiệm sống, rất yêu-thương. 
Kinh nghiệm sống, lại cũng có trường-hợp những thăng quan tiến chức; hoặc, những tháng ngày dù có xuống cấp, tủi nhục, người từng trải vẫn có thể ngồi cạnh bên để kể cho nhau rất nhiều chuyện suốt hàng giờ, không biết mệt. Nhưng, kinh nghiệm kề cận giới thần linh siêu thoát thì số người như trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như truyện kể về ngài Edmund Hillary nước Tân Tây Lan, ở bên dưới:
            Hồi còn là chú học trò nhỏ mài đũng quần nơi ghế nhà trường, tôi đã được vinh dự cùng trường với lớp đón tiếp ngài Hillary đến ghé thăm để kể cho nhau nghe kinh nghiệm đời ông.
            Tôi còn nhớ, bầu khí hôm ấy thật huyên náo vì chuyến viếng thăm độc nhất vô nhị này. Đây là buổi nói chuyện thân mật của người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, chốn non cao vời vợi ấy. Ngày nay, người ta có cả một trường dạy leo núi gồm các lực sĩ nổi tiếng như Tenzin Norgay của Tây Tạng, từng đè bẹp kỷ lục nhỏ của vị quán quân người Tân Tây Lan, từ lâu rồi. Nhưng hào quang sùng bái kia, vẫn chưa rời thoát khỏi người anh hùng trên “đỉnh mùa đông” ấy.
            Một số giáo sư nghiêm khắc của tôi khi trước, vẫn hết lòng bái phục ngài Edmund Hillary. Vì, lúc bấy giờ dân chúng có thói quen tôn sùng các vị anh hùng nhỏ như thế. Có điều kỳ lạ, là: trong chuyến ghé thăm trường làng, ngài Edmund tuyệt nhiên không đả động gì đến các cuộc leo núi ngọan mục.
            Ngược lại, ông chỉ chú ý đến những gì chúng tôi đang làm ở chốn đồng bằng miền xuôi này. Hôm ấy, quả là ông nói nhiều đến công lý, hòa bình và nhân phẩm con người, hơn là các kỷ lục thần thánh. Tôi nhớ rất rõ, vào phút cuối buổi chuyện trò hôm ấy, ngài quý tộc đã gửi đến chúng tôi lời khuyên nhủ, là: ta nên tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người, ở mọi nơi trên chốn trần gian này.
            Vào giây phút giải đáp thắc mắc sau đó, có người hỏi ngài Edmund rằng: “Khi leo lên đến chóp đỉnh của địa cầu trần thế, ông có cảm giác gì như gần gũi Đức Chúa không?” Rõ ràng, tôi nghe tiếng ông trả lời là: “Có chứ!” Tuy câu trả lời là như thế; nhưng, ông vẫn nhấn mạnh đến khoảnh khắc cuộc đời đầy những thăng trầm/đổi thay, lúc lên cao, khi xuống thấp.
            Ông nói: Ông có cảm giác rất thực, về sự sống năng động và về cái chết gần kề, vào những lúc leo lên/trèo xuống chốn non cao, nơi ấy. Chính đó, là lúc ông thấy rõ, có sự hiện diện của Đức Chúa. Và, Ngài đồng hành với ông vào những lúc thăng trầm, trên núi cũng như suốt đời mình.
            Chuyến ghé thăm của ngài Hillary thật ra không xa cách là bao, đối với những gì xảy đến với môn đệ của Đức Chúa trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.
            Thánh sử Matthêu, hôm nay kể rằng: mười một người con thân yêu lâu nay sùng kính Đức Kitô, đã được Thầy Chí Thánh sai phái ra đi đến với thế giới nhân trần. Và, Thầy hứa: Thầy sẽ lưu lại với con Thầy mọi ngày cho đến thế tận. Và, Thầy vẫn giữ lời hứa ấy.
            Tôn thờsùng bái, là cụm từ ít được người Công giáo ta sử dụng, hằng ngày. Trong khi các tôn giáo khác, mô tả nghi tiết tế tự của họ, như một “tôn thờ và sùng bái”, thì ta lại có khuynh hướng chỉ sử dụng cụm từ này theo cách thế phàm trần như tôn sùng các anh hùng/thần tượng siêu sao thể dục/phim ảnh. Tuyệt nhiên, không ở trên bàn thờ, nơi đó có nghi lễ sùng bái, có tế tự.
            Tuy thế, ý niệm nằm phía sau ngôn từ, là một ý niệm hệ trọng. Tôn kính và phượng thờ Đức Chúa, có nghĩa là: ta công nhận ta chẳng là thần linh - Chúa tể, của riêng ai. Ta chỉ là tạo vật, nên việc phụng thờ sùng bái được hướng đến Tạo Hoá, Đấng dựng nên ta. Đấng Cứu Độ muôn người. Và, cũng là Đấng Bảo vệ ta, luôn mãi.
            Dù có công nhận hay không, ta vẫn được sai đi đến với thế giới nhân trần vào mỗi lần kết thúc nghi thức phượng thờ: “Anh chị em ra đi bình an để phụng sự Chúa”. Khẩu lệnh này, làm đổi thay việc ta tôn sùng, và phượng thờ. Nghĩa là: tham dự Tiệc Thánh, không phải để ta đạt được điều gì đó, có lợi cho chính mình.
            Cụm từ “Tiệc Thánh Thể” ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa của khẩu lệnh “được sai đi”, rồi. Điều này chứng tỏ, rằng: nghi lễ phụng vụ của ta cốt là để mừng kính những điều mà Đức Giê-su đã làm cho thế giới nhân trần. Ngài vẫn ở trong ta. Và, ngang qua ta, vẫn đến với người khác, nữa. Đây là một chuẩn bị mà Đức Chúa vẫn muốn kiện toàn.
            Cuối cùng, ta vẫn tiếp tục có được kinh nghiệm cuộc đời, về sự hiện hữu của Đức Giêsu trong cuộc sống hiện thực. Bằng không, sẽ chẳng có lý do gì chánh đáng, để ta tụ tập nhau đây. Nơi bàn tiệc này. Đức Chúa, qua mạc khải nơi Đức Kitô, không bao giờ cách xa cuộc sống đời thường, của chúng ta. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra thản nhiên/lãnh đạm, trước nhu cầu của mỗi người, rất riêng lẻ. Chúng ta tin vào Chúa, Đấng luôn đồng hành với ta, trong mọi khoảnh khắc, giữa cuộc đời. Ngài không ngưng tháp tùng ta. Và, mong ta kề cận bên Ngài. Và, Ngài cũng mong ta luôn có nhu cầu được Ngài cận kề.
            Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã để cho sự việc diễn tiến ở chốn non cao, miền đồi núi ấy. Ở nơi đây, có Đức Giêsu tiến thẳng về với Cha. Sự kiện này xảy ra, là để nâng ta lên khỏi cuộc sống đời thường. Khi ta mừng kính sự kiện này, là để chứng tỏ ta chính là tạo vật, chứ không phải kẻ tạo dựng ra mọi vật.
            Bởi thế, hãy lắng tai nghe cho kỹ, lời Đức Kitô mời gọi, là lời khích lệ mỗi người hãy rời quán xá/trần tục những vênh vang, tự mãn. Hãy ra đi, đến với Hội thánh trong cố gắng thay đổi toàn bộ thế giới này.
            Hãy cứ vui và hy vọng, vì có Đức Kitô hiện diện ở bên ta. Ngài luôn trung thành cận kề, trước sau như một. Ngài luôn ở trên ta. Và, trong ta. Ngài luôn sống cùng và sống với ta. Ngài vẫn hiện diện nơi ta, bây giờ và mãi mãi, suốt đời sau. Vui và hy vọng, vì Ngài đã hứa và Ngài giữ lời. Lời Ngài hứa, là lời thề sẽ ở mãi với ta và với mọi người. Cả những người đã để luột mất sự thủy chung dịu dàng.
            Trong tinh thần an vui, hy vọng ta lại hướng về lời thơ/ý nhạc, vẫn ngâm rằng:

            “Ta trơ trọi như một người lữ thứ,
            Quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.
            Ta thơ thẩn, như một cô trinh-nữ,
            Lở mộng đầu, rã rượi khóc tình thương.”
            (Tế Hanh – Trăng Tàn)

            Trơ trọi như người lữ thứ, hay thơ thẩn như cô trinh-nữ, cũng chỉ vì “rã rượi khóc tình thương”. Xem như thế, thì tình thương mới là tất cả, cho con người. Dù người đó, hay tôi đây là con dân nhà Đạo hay chỉ là người thường ở ngoài đời, rất tình đời. 
           
            Lm Richard Leonard sj          
            Mai Tá lược dịch

Monday 19 May 2014

“Rằng thiếu tình yêu thì vô nghiã”

Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ sáu Phục Sinh năm A 25-5-2014

“Rằng thiếu tình yêu thì vô nghiã”
“cuộc đời sẽ chỉ là một nhánh sông khô.”
(Dẫn từ thơ của Cát Biển)

Ga 17: 1-11

            Nhánh sông khô, đâu còn gọi là sông nữa. Mà, chỉ làm đám đất khô cằn, chẳng người tới lui. Đời nhà Đạo rày cũng thế, thiếu tình yêu tức đời vô nghĩa, chỉ là xác thể rất không hồn.
            Trình-thuật thánh Gioan hôm nay cũng ghi về một ý-tưởng giống như thế. Phúc âm hôm nay làm nổi bật hai ý tưởng chủ chốt: Tình yêu và giới lệnh. Bằng vài lời ngắn gọn, Đức Kitô diễn đạt tương quan sẵn có giữa hai ý tưởng mang tính nghịch thường, tức: lý và tình. Thoạt nghe, người thính tai lắm cũng thấy có điều gì như không ổn khiến mọi người băn khoăn không ngớt. Băn khoăn, vì đã là người thì từ nhỏ đến lớn, ai mà chẳng có lúc nghĩ rằng: lề luật bao giờ cũng là kẻ thù không đội trời chung, với tình yêu. Nhiều người cứ tưởng: chỉ tự do và vui thú xác thịt mới là hoa quả đầu mùa của tình yêu vốn đâm hoa kết trái, suốt mọi mùa.
            Tuy nhiên, trong một thoáng rất nhanh, liên tưởng đến người thân thương hoặc các dự án hấp dẫn mà ta bỏ công sức cũng như thời gian để cống hiến, mới thấy rằng: con người chẳng cần đến luật lệ mới có được cử chỉ hy sinh rộng lượng với người/việc mình yêu thích. Có đáp lại yêu cầu của lề luật bằng những tư thế “vượt không gian và thời gian” như nhiều người từng làm, chẳng vì luật lệ buộc ta phải làm thế, nhưng đúng hơn, vì đó là do tình yêu thúc đẩy.
            Hôm nay, Đức Giêsu khuyên ta: hãy biết chấp hành giới lệnh của Ngài. Có như thế, ta mới chứng tỏ được mình đang có tương quan mật thiết với Ngài. Chấp hành, là cụm từ tiếng Việt dùng để diễn nghĩa động từ “oboedire” tiếng La tinh nhằm mô tả trạng thái “lắng nghe cho kỹ” để rồi chấp nhận và hành động như lời Ngài dạy. Đây, là cung cách nhẹ nhàng/hòa nhã nhất vốn dĩ giúp ta hiểu được lời mời gọi thiết tha của Đức Chúa. Càng nhẹ nhàng/hoà nhã chấp hành giới lệnh của Đức Chúa, ta càng ở vào tư thế sẵn sàng “lắng nghe cho kỹ” lời mời của Thánh Thần Chúa, ở đời thường.
            Có điều là, giới lệnh nào là lệnh ta cần “lắng nghe” hơn cả? Quả thật, Chúa vẫn nói: “Toàn bộ giới lệnh và các ngôn sứ Thầy ban, có thể tóm tắt vào điều này: Hãy yêu thương Đức Chúa và người đồng loại như thương yêu chính mình”... Nếu người người thấy giới lệnh này mang tính cách “chung chung” chẳng diễn tả được bao nhiêu ý nghĩa của lời mời gọi, thì lời diễn giải của thánh Phaolô sẽ làm rõ nghĩa hơn. Giống như Đức Kitô, thánh Phaolô cũng từng diễn giải: giới lệnh của tình yêu, trước tiên, sẽ không thể hiện ở điều ta nói hay có cảm xúc này nọ, mà:bằng vào hành động ta làm. Với tín hữu Đức Kitô, tình yêu nhất định phải là chuyện có thực. Mỗi khi ta hiền hoà/nhẫn nại, đối xử tử tế và nhẹ nhàng hòa nhã với người khác, hoặc với nhau, là ta đã chấp hành giới lệnh của tình yêu rồi. Cũng vậy, khi ta biết thứ tha và tôn trọng sự thật, thì dù ở vào tình huống nào đi nữa, ta vẫn một lòng chung thủy với người khác, và với nhau. Và, chính đó là lúc ta chú ý “lắng nghe cho kỹ” giới lệnh của Đức Chúa, rồi.
            Thánh Phaolô còn quả quyết: hoa trái đầu mùa, thành quả của tình yêu đích thực nơi tín hữu Đức Kitô, còn là: biết tự kềm chế chính mình. Hy sinh tự kềm chế, là giới lệnh của tình yêu đi vào hiện thực. Thế giới hôm nay, tiếp tục rao truyền huyền thoại rất không-tưởng, nhất là khi nhiều người lại bảo: cách duy nhất để đạt hạnh phúc dài lâu, là biết tỏ bày và phô trương cái hay/cái đẹp của con người. Phần đông chúng ta đều cho rằng: lập trường này không mấy thích hợp. Bởi, nếu mọi người đều bộc lộ cảm xúc hoặc phô trương xác thịt, kèm theo lòng dục hoặc những ham muốn được tâng bốc đến mức tối đa, thì thế giới này sẽ không còn đất sống cho loài người dung thân.
            Thực tế ở đời, lắm lúc khiến ta nghĩ: điều hay/điều tốt không là thực hiện được những chuyện như thế. Thử lấy ví dụ: nếu tỏ ra bất mãn/nóng giận với bạn bè, chòm xóm hoặc nếu ta cứ dùng lời lẽ xấu xa để khích bác hoặc dùng vũ lực để khống chế người khác, thì rồi ra kết cuộc chẳng đi đến đâu. Chẳng giúp ích được ai. Cụ thể hơn, nếu người người cứ hành xử sai trái như lôi cuốn, dẫn dụ vợ/chồng người khác hòng để lợi dụng dục vọng, thì rồi ra cũng sẽ đi đến kết cuộc đau thương, sầu hận. Chém giết.
            Tích cực hơn, ta nên đề cao cảnh giác/cảm thông với tình trạng nghèo/hèn trên thế giới, mà nhiều người đang buộc lòng phải hứng chịu. Nếu biết rằng, người nghèo đói bệnh tật đã hy sinh rất nhiều mới sống lây lất đôi ngày, đó chẳng phải vì họ không tài cán như ta, hoặc đã tước đoạt điều gì từ nơi ta, cả.
            Tự kềm chế, là bạn đồng hành với tình yêu. Nó giúp ta có thời gian thích hợp để hành động cho hợp lý, hợp tình. Đường cong ngõ hẹp, thường dẫn đến hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc thật chỉ có được, nếu con người biết tự kềm chế. Nhưng vấn đề, là: ta không dễ gì làm được việc này nếu không khổ công luyện tập. Luyện và tập có bài bản và thường xuyên, có thế mới mong đạt diễm phúc lướt thắng mọi đấu tranh nội tại. Có lướt thắng chính mình, mới khuất phục được người khác. Biết luyện tập kềm chế, chắc chắn rồi ra chính ta sẽ đảm trách cuộc sống, thay vì để cuộc sống đảm trách và kềm chế mình.  
Cầu mong Tiệc thánh hôm nay, dấy lên một đổi thay, nơi ta. Cầu và mong, ta biết hy sinh nhiều. Biết tự lướt thắng chế ngự mọi ham muốn lớn/nhỏ. Có thế, ta mới thông đạt cánh cửa mở rộng đang trông chờ ta thực hiện giới lệnh của tình yêu mà Đức Kitô Phục sinh mời gọi.
Trong nguyện-cầu được như thế, cũng nên liên-tưởng đến lời thơ trên vẫn ngâm rằng:

“Ngày đó người nói với riêng tôi,
Rằng thiếu tình-yêu thì vô-nghĩa,
Cuộc đời sẽ chỉ là một nhánh sông khô.
Những bước chân lữ-hành tuyệt-vọng.
Và, đời khao-khát nụ hoa tình đẹp nhất.
(Cát Biển – Ngày Đó Người Trao Tôi)

Trao tôi hay trao người, những lời nói thầm riêng, ra như thế. Cũng là lời rất thật tình như trình-thuật thánh-sử vẫn còn ghi. Lời để ghi vào tâm-khảm của con người, sống ở đời, luôn cần đến tình-yêu để không còn trở thành nhánh sông khô, cạn nước, rất vô-dụng.

Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá lược dịch

Friday 9 May 2014

“Em ơi thế nghĩa là sao?

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ Năm Phục Sinh Năm A 18-5-2014

Em ơi thế nghĩa là sao?
“Trăng đang nằm trên sóng cỏ,
Cỏ đùa trăng đến bên ao.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 10: 1-10
Nhà thơ vẫn ví những trăng và cỏ, vẫn cứ đùa nằm bên ao, đắm mình xuống nước. Nhà Đạo chẳng so sánh tình Chúa có trăng hay có cỏ, những vẫn nói rõ mối tương quan nồng thắm giữa Chúa và Cha Ngài.
Trình thuật hôm nay, thánh Gioan còn nhấn mạnh cả tương quan ta có với Chúa, với công trình Ngài giảng rao suốt đời Ngài. Trình thuật lời Chúa buổi tạ từ lại đem đến cho đồ đệ tâm tình xao xuyến, trước chia ly.
            “Anh em đừng xao xuyến”, vẫn là lời Chúa nhắn được gửi đến các thánh tông đồ, một dặn dò nhiều khuyến khích:“Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Đây, là lời mời gọi dân con Đạo Chúa hãy trở về với niềm tin-yêu trọn vẹn vào Đức Chúa. Tin và yêu cách trọn vẹn, còn có nghĩa: hãy tin tưởng cả người khác nữa. Cuối trình thuật, Chúa cũng lại kêu gọi dân con đồ-đệ của Ngài hãy chứng tỏ điều họ nghe biết để rồi sẽ biến thành hiện-thực, như Ngài bảo: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy; bằng không, hãy tin vào việc Thầy làm” (Ga 14: 11).
            “Thầy đi đâu, anh em hẳn đã biết đường”, điều này còn chứng tỏ, rằng: đồ đệ Chúa vẫn nghe biết và chấp nhận con đường Ngài chỉ dẫn. Lắng nghe và chấp nhận, nhưng đồ đệ của Thầy vẫn cứ hiểu nghĩa đen, về địa thế. Do vậy, thánh Tôma mới vấn nạn: “Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường mà theo?” (Ga 14: 2). May thay, nhờ có vấn nạn này, ta mới có được xác quyết để đời từ Lời Chúa:“Thầy là Đường, là Sự Thật và Sự Sống. Không ai đến được với Cha, mà không qua Thầy.” (Ga 14: 6)
            Đến được với Cha ngang qua Thầy, là tương-quan nối kết Thầy với Cha. Cả với những người vẫn thường dõi theo con đường Chúa đã đi. Đường Chúa đi, có thể trải đầy những khổ ải, đau thương, có nỗi chết. Đường Thầy vẫn đi, lại sẽ kết thúc ở cuộc sống dồi dào, rất mới nơi sự sống Ngài đem đến, với mọi người.
            Theo Đường Chúa đi, không là ra đi đến bất cứ nơi nào, thiếu định hướng. Mà là, trở thành người đặc-biệt để ta nhận chân ra được Sự Thật và Sự Sống, Chúa tỏ bày. Theo Đường Chúa đi, là tháp-nhập vào với thị-kiến Chúa phú-ban. Tháp nhập, để trở thành người của Sự Thật và Sự Sống. Và, tháp-nhập không chỉ theo nghĩa nhận-thức nhờ trí tri, trải-nghiệm nhiều xúc-cảm. Bởi, Sự Thật Chúa tỏ bày, không là nhận-thức rất tư-riêng, nhưng là sự hài-hòa vẹn-toàn vẫn diễn bày nơi sự sống và bản chất thánh thiêng của Thầy. Sự Thật về Chúa, là cảm xúc và ý nghĩ, hành động cùng tương-quan. Là, nhân-vị cả ở trong lẫn bên ngoài, Thầy hằng có. Với mọi người, sống Sự Thật về Chúa, là sống năng-động, ứng-đáp với sự sống an lành, nhờ Chúa ban.
            Đến với Cha ngang qua Thầy, là: đến với Ngài ngang qua Sự Thật và Sự Sống-của-Thầy. Bởi, nơi Thầy vẫn gồm tóm Sự Sống của Cha, rất đích thực. Thành thử, tháp-nhập vào với Sự Sống của Cha, Thầy vẫn là mẫu-mực để ta tăng-trưởng giống Cha Thầy. Để rồi, ta sẽ trải-nghiệm sự sống có tình thương-yêu viên mãn, ở nơi ta.
            “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14: 7). Bằng khẳng định này, ta hiểu được Lời Thầy theo nghĩa: là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã nên một với Cha, trong mọi sự. Khi Ngài nói, tức: chính Cha đã nói. Khi Ngài chữa lành, tức: chính Cha-làm-một-với-Ngài đã chữa lành. Nhưng, khi Ngài chết đi, Cha vẫn không chết. Chỉ mỗi tính phàm-trần của Người-Con mới chết, mà thôi. Và, nỗi chết của Đức Giêsu nơi thân-phận “con người”, là chứng-cứ làm bằng cho Tình Thương-Yêu cao cả nơi Thiên Chúa Hằng Sống, rất ở đời.
            Thiên-Chúa-Hằng-Sống nơi bản vị Đức Giêsu, đã và đang phản-chiếu Sự Thật và sự Lành Thánh Toàn Năng, Vô Song. Ta thấy được Ngài, là thấy được Thiên-Chúa-là-Cha. Nhưng không thấy trọn-vẹn những gì thuộc thiên-tính của Thiên-Chúa-Cha. Chính vì thế, Đức Giêsu mới xác-nhận Ngài là Con Đường và là Sự Sống. Điều này còn có nghĩa: ngang qua Ngài, dân con đồ đệ mới đạt trọn vẹn Sự Thật, của Đức Chúa. Thứ Sự Thật, mà chỉ các nhà thần-bí mới cảm-nhận đôi chút ánh-sáng của nhận-thức, mà thôi.
Còn lại, tất cả chỉ hiểu/biết Sự Thật trọn vẹn, khi ta lìa bỏ cõi trần. Tựa như thánh Philípphê, từng tin-tưởng rằng các thánh có hân-hạnh được gần gũi Thầy, tự khắc đã biết Thầy. Không hẳn thế. Nếu không nhận ra Thầy-là-Đường, mà chỉ biết Đoạn Kết cuộc đời của Chúa thôi, ta sẽ thấy tương-quan kết-hợp ta với Chúa, sụt giảm cũng rất nhiều.
            Vấn đề của người thời đại, hôm nay, là: không thấy được Cha nơi bản-vị Đức Kitô. Và như thế, cũng sẽ không nhận ra Thiên-Chúa-là-Cha ngang qua sự việc Thầy có mặt trong thế-giới đương-thời hiện-tại, nên cũng không nhận ra Thiên-Chúa-là-Cha, cả nơi người anh/người chị sống quanh ta nữa. Thành thử, ngay từ đầu, Đức Giêsu lại đã quả-quyết:“Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. (Ga 14: 2). Thoạt nghe, người người cứ tưởng điều Thầy nói là muốn chỉ về chốn Thiên đường, như một điạ-danh, hoặc nơi chốn. Có thể là như thế. Nhưng ở đây, “Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, phải hiểu là Hội thánh Chúa. Bởi, cộng-đoàn kẻ tin vào Đức Kitô, tức Hội thánh, vẫn là “Nhà Cha Thầy”. Nhà của Thiên-Chúa-là-Cha, rất khó nhận. Thêm vào đó, là đồ-đệ hằng dõi bước theo chân Chúa, ta đã là Đền-thờ có Chúa ngự ở đó rồi.
            Cuối cùng thì, lời Thầy quả-quyết: “Ai tin Thầy, người ấy sẽ làm được việc Thầy làm. Và, còn làm được việc lớn lao hơn nữa. Vì, Thầy đến cùng Cha” (Ga 14: 12). Đây mới là việc cao cả, rất lớn-lao mà Hội thánh nay vẫn tiếp tục biến thành hiện-thực. Là, tiếp tục công cuộc mục vụ mà Thầy truyền dạy, bấy lâu nay. Về với Cha Thầy, Đức Kitô lại đã ủy-thác công việc ấy, để mọi người nhớ mà thực-hiện ngay trong đời.                     
            Về với Cha Thầy, Đức Kitô lại cũng bỏ lại nơi đàn con yêu dấu, là các kẻ tin vào Ngài, tất cả mọi năng lượng của sự sống, như Ngài từng hứa hẹn. Có “về với Cha Thầy”, Đức Kitô mới khởi-phát lên Con Đường của Sự Thật và Sự Sống, và Ngài sẽ đưa tất cả cùng đi vào hoạt-động với Ngài. Có “về với Cha Thầy”, Ngài mới thông-chuyển tín-thư sống-động của Ngài đến với thế giới gian-trần. Mới biến tín-thư ấy thành hiện-thực cho trần-gian. Với thế giới đương đại đầy phương tiện truyền thông, tín-thư ấy, nay được gửi đến hết mọi người. Cả những người chưa từng nghe và biết đến Ngài.
Đức Giáo Hoàng và các lãnh-tụ tôn-giáo, hôm nay, cũng đã dùng hệ-thống truyền-thông đại-chúng, để chuyển thông-điệp Chúa gửi cho triệu triệu người, ở khắp nơi. Đó là điều, mà vào thời tiên-khởi, Hội-thánh Chúa chưa đủ phương-tiện để thực hiện, như hôm nay, chốn miền cụ-thể này.
            Là cộng-tác-viên rao-truyền Tin Mừng Lời Chúa, công-cuộc thừa-sai/mục-vụ của ta cũng tựa hồ ra như thế. Ta cũng đến với mọi người, giúp họ chọn Con Đường Chúa đã từng đi. Là, Đường của Sự Thật và Sự Sống. Chọn-lựa cùng nhau hợp-tác trong thừa-sai/mục vụ, ta sẽ còn làm được nhiều thứ hơn nữa. Nói đúng hơn, Đức Kitô sẽ làm công-việc ấy, qua chúng ta.
Như mọi thời, Ngài vẫn cần nhiều thiện-nguyện-viên để rao-truyền Lời Ngài, trong hăng say, quả cảm. Là bạn đồng-hành với Chúa, mỗi người và mọi người được kêu mời ra đi rao-truyền Lời Chúa. Rao, trong thực tiễn. Truyền, để đem Bánh Sự Sống và Sự Thật đến với muôn dân nước. Ngày hôm nay, với phương-tiện truyền-thông cải-tiến, ta có thể nói ngược lại điều này, là: không có ta, chắc Chúa cũng khó mà làm được gì, dù rất ít
Trong cảm-nghiệm những điều như thế, tưởng cũng nên ngâm lại câu thơ vẫn ở trên, rằng:

Em ơi thế nghĩa là sao?
“Trăng đang nằm trên sóng cỏ,
Cỏ đùa trăng đến bên ao.
Trăng lại đẫm mình xuống nước,
Trăng nước đều lặng nhìn nhau.
Đôi ta bắt chước thì sao?”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Trăng và nước, vẫn lặng nhìn nhau để bắt chước. Nhìn nhau và bắt chước, để rồi sẽ không còn rời nhau nữa như bạn hiền được Chúa nói đến ở Tin Mừng. Vẫn cứ lo lắng và xao xuyến mãi. Xao xuyến đến độ chẳng biết rằng: Thầy ở đâu, thì anh em cũng ở đó mà không biết rằng Thầy và anh em sẽ như Trăng và Nước mãi gần nhau, bên nhau suốt nhiều đời.

Lm Richard Leonard, sj
Mai Tá lược dịch.