Monday 28 April 2008

“Những con sóng của đại dương thơ nhạc”

Những nhịp sống, những cung đời nhạc trổi

Đưa hồn tôi vượt tầm mức tự nhiên

Đưa tôi đi, nhìn thấy được muôn miền

Của vũ trụ, của không gian, cảm giác.

(thơ Nguyên Đỗ)

(Mt 28: 16-20)

Những con sóng của vũ trụ, của không gian, cảm giác. Phải chăng, đó là tâm tình của đồ đệ dân con, ngày Chúa về với Cha. Ngày Chúa ra đi về với Cha, có “cung đời nhạc trổi”. Có cả, “cơn sóng của đại dương thơ nhạc”, đưa ta “nhìn thấy được muôn miền”. Muôn miền hạnh phúc, như trình thuật quảng diễn, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, vẫn thánh Mát-thêu diễn lại buổi Thăng Thiên về Trời, có Đức Chúa, có đồ đệ thân thương, nhiều tưởng nhớ.

Tưởng và nhớ, là trạng thái tâm tình của các thánh, ngày Chúa về trời. Chúa ra về, nhiều người chỉ hiểu nghĩa đen, theo sử ký lẫn địa dư. Vì hiểu theo địa dư, nên họ những tưởng Chúa được nâng nhấc về chốn không gian quê trời, nhiều tầng mây. Chốn trời cao trên ấy, vượt quá thành Giê-ru-sa-lem, thẳng tắp.

“Về trời” ở đây, không nên hiểu theo điạ danh nơi chốn. Nhưng, theo tương quan mà mọi người vẫn có với Chúa. Với dân gian. Có hiểu thế, ta mới thấy Đức Kitô chẳng cần “đi tận đâu đâu”, mới về được cùng Cha. Về quê trời, là thành phần của Nhiệm tích Chúa Vượt Qua, gồm 4 chặng đời: thống khổ và nỗi chết, sống lại, về trời và cuối cùng: Chúa gửi Thần Khí Ngài đến với dân con, đồ đệ. Cả 4 chặng đường đời, đều chung một thực tại. Cùng một ý nghĩa. Ý và nghĩa, chính là công trình cứu độ, Ngài đem đến.

Công trình cứu độ, được Hội thánh Chúa diễn tả bằng nhiều cách thức. Qua nhiều bản văn khác nhau, nơi Tân Ước. Đặc biệt, là các bài Sách thánh đọc vào buổi Tiệc Lòng Mến, như hôm nay.

Bài đọc hai, thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô ghi: “quyền lực lớn lao Người đã thi thố cho ta –các tín hữu- là sức mạnh toàn năng hiệu lực, mà Người biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi để cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người, trên trời. Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, mọi tước vị có thể có, không những trong thế giới hiện tại, mà cả thế giới tương lai.” (Ep 1: 19-20).

Đây là giải thích xác thực chuyện “Chúa về trời”. Về trời, Đức Kitô, Đấng Thiên Sai và Đức Vua toàn thắng, đã và đang vinh quang ngự trị trên hết mọi loài. Ngài ngự trị, chứ không ở tại một nơi, một chốn nào hết. Thánh Phao-lô chẳng nói gì đến cách thức Chúa ngự trị, nào khác.

Bài đọc thứ nhất, sách Công vụ diễn tả cho tín hữu thời tiên khởi hiểu thế nào là triều đại và Vương Quốc của Chúa. Diển tả để tín hữu hiểu rành rẽ rằng Thầy đã Phục Sinh và ở lại 40 ngày. Đó là lúc các thánh thời tiên khởi vẫn tự hỏi: làm sao Thầy tái tạo Vương quốc cho dân mình được. Chính vì tự hỏi như thế, các thánh mới hiểu sai sứ vụ Thầy quyết thực hiện. Sai cả ý nghĩa lẫn mục tiêu công cuộc tông đồ, Thầy giao phó. Khi hiểu rồi, các thánh đã hăng say thiết lập “quê trời” cho mọi người. Ở trần gian.

Trần gian ấy, khi các thánh ngước mắt nhìn Thầy “được cất nhắc” về trời, có “đám mây quyện lấy Người Thầy”. “Được cất nhắc”, hiểu theo nghĩa tinh thần như thánh Gio-an từng đề cập nhiều lần ở nhiều nơi trong Tân Ước, như: “khi Tôi được cất nhắc khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người về với Tôi” (Ga 12: 32). Điều này ý nói: Ngài được cất nhắc về với Cha. “Có đám mây quyện vào người”, đây là lối nói thường thấy nơi Tân Ước của người Do Thái, như khi Đức Chúa biến hình trên núi. Tức, tình huống mỗi khi Ngài tỏ bày cho mọi người biết và thấy về công trình cứu độ Ngài thực hiện. Tình huống quan trọng, là khi Chúa hiển hiện hoặc biến đi.

Tình huống hôm nay, có Đức Chúa vinh thăng về trời. Thầy về trời, nhưng Thầy vẫn sẽ gặp lại dân con đồ đệ, không ở non cao chốn núi như trước, mà ở Giê-ru-sa-lem, nơi quê miền ở bên dưới. Ở đây, dân con đồ đệ sẽ được tràn đầy Thánh Thần Chúa. Tràn đầy sinh lực của người Thầy đã Sống Lại đã Vinh-thăng-về-với-Cha. Và, Chúa cũng dặn: “anh em sẽ nhận được sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Linh khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri đến tận cùng trái đất.” (Cv 1: 8)

Giống như trình thuật Lời Chúa vào tuần trước, dân con đồ đệ được bảo là Thầy buộc lòng phải ra đi. Bởi, cho đến nay, Thầy chỉ hiện diện trong thân mình nhỏ bé, ở một góc trời. Chỉ đến được với một số ít người, vào thời đại lịch sử rất chóng vánh. Nay, có về cùng Cha, Thầy mới đạt tới được toàn thế giới, nhân loại. Mới đến với mọi người, thuộc mọi lứa tuổi.

Tình huống hôm nay, nơi quê Trời Thầy về, sẽ có đủ “tình yêu, niềm vui, sự an bình, lòng kiên nhẫn, và tử tế. Có cả tình thân thương chung thuỷ, nữa. Bởi, bất cứ nơi nào có sự thật, tình yêu, lòng xót thương; có chân lý, tự do, có chân thiện mỹ, nơi ấy Thánh Thần Chúa sẽ đến ngự trị.

Tin Mừng hôm nay, cũng mang một tín thư tương tự. Với thánh Luca, công vụ mà các thánh thực hiện đã diễn ra ở Giê-ru-sa-lem, trọng tâm của thế giới. Trong khi đó, thánh Mát-thêu lại mô tả các thánh kẻ tin nay quay về với quê mẹ, ở Ga-li-lê. Bởi lẽ, với thánh Mát-thêu, tình nhà thân quen là nơi ta gặp lại Đức Kitô. Chứ không ở trời cao xanh thẳm, nơi chốn ấy. Và sở dĩ, các thánh thường tụ tập trên núi, vì nơi đây là chốn vắng Thầy tỏ mình cho đồ đệ, ngày biến hình. Và cũng tại nơi đây, Thầy đã đánh động rất nhiều người.

Tin Mừng hôm nay, không nhấn mạnh đến chuyện Đức Kitô xuất thần hiển hiện, mà về điều Ngài phải nói cho môn đệ biết. Ngài nói qua ba trạng thái: quá khứ, hiện tại và lai thời.

Điều Ngài muốn mặc khải, trước nhất về: quyền Cha ban, là ban cho Ngài. Thành thử, ta có hiến trọn thân mình cho Đức Kitô là hiến trọn cho Đức Chúa. Thứ đến, Đức Kitô ban hiệu lệnh “tuyển dụng đồ đệ”, là tuyển từ mọi người. Ở khắp nơi. Và quyền bính Ngài ban hôm nay, là ban cho dân con đồ đệ. Để đến lễ Ngũ Tuần, mới là ngày Ngài chính thức xác nhận việc trao ban quyền bính ấy.

Hiệu lệnh hôm nay, đồ đệ Chúa nhận làm công việc Ngài đã làm. Với hiệu lệnh này, các thánh có quyền hoá giải những ai lạc đường lầm lỡ, về với Chúa. Về với cộng đoàn. Đồ đệ Chúa có thể xác định là ai chưa sẵn sàng để được hoá giải. Ai đã dấn thân về với đời sống cộng đoàn. Một cộng đoàn có trọng trách gìn giữ quyền năng ấy, ngõ hầu sống chứng tá cho Đức Chúa. Cho Lời vàng Phúc Âm.

Sống chứng tá bằng việc giảng dạy, chữa lành, phá bỏ mọi tính chia rẽ đố kỵ gây phân lìa, người khỏi người. Tất cả đều trở thành đồ đệ, anh em. Để từ đó, các thánh sẽ làm phép rửa nhân Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh, đặc trưng cho sự hiệp nhất, làm thành phần của Thân Mình Đức Kitô. Làm đồ đệ của Đức Chúa, quyết từ nay.

Cuối hết, Đức Kitô Phục Sinh Vinh Thăng, vẫn không ở nơi nào xa xôi, biệt xứ. Nhưng trái lại, Ngài vẫn hiện diện nơi người bước đi theo Ngài. Và, “Ngài sẽ ở với họ, mọi ngày cho đến năm cùng tháng tận”. Đây, là một nhắc nhở về lời Ngài từng hứa hẹn ngay ở giòng đầu Tin Mừng, khi thánh Mát-thêu ghi chép rằng Mẹ đã hạ sinh Đức Chúa: “Này, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một người con, mọi người sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-ta." (Mt 1: 23).

Và ở một đoạn khác: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, có Thầy ở đấy, chính giữa họ." (Mt 18: 20). Dù ở đây, thánh sử không nói đến quà tặng là Thánh Linh, nhưng rõ ràng thánh Mát-thêu vẫn hàm ngụ lời hứa Chúa ban: hiện diện của Ngài với dân con. Với cộng đoàn.

Cử hành Tiệc thánh, hôm nay ta mừng kính Đức Kitô vinh thăng sau ngày Ngài trải qua cơn thống khổ và nỗi chết, Mừng kính, còn để sẻ san niềm hy vọng. Và cũng mừng kính cử hành việc Đức Kitô Phục Sinh hiện diện, ở với ta. Cử hành tiệc thánh, ta sẽ mời mỗi người và mọi người hãy sống chứng tá cho sự hiện diện của Ngài nơi của cộng đoàn mình. Và làm thế, cho đến năm cùng tháng tận, của trời đất.

Trong hân hoan cử hành việc Ngài hiện diện nơi ta, hãy cứ vui lên mà ca hát. Hát rằng:

“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây đứng hát trên sông nước này

Chở lòng người trở về quê hương

Chở hồn người vào dòng suối mát

Chở thật thà vào lòng dối trá

Và nhạc hoa xin tạ chút ơn

Hạnh phúc khi đã gặp nhau.” (Trần Quang Lộc – Về đây nghe em)

Về đây nghe em. Nghe anh. Về mà “chở hồn người vào dòng suối mát”. Để rồi, “nhạc hoa xin tạ chút ơn”. Ơn trời, ơn được gặp nhau. Gặp Chúa. Đức Chúa Phục Sinh, Vinh thăng về trời, rất hôm nay.

________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Sunday 20 April 2008

“Em gọi tên Người, gọi yêu thương”


Em gọi tên Ngưòi, gọi khàn hơi,

Dư âm dội, tâm nhói rã rời!

Khuya đã tàn dần, bình minh đến,

Hồn nhiên lại hẹn, chẳng giữ lời.

(dẫn nhập từ thơ Niệm Nhiên)

(Ga 14: 15-21)

Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, không thấy có tiếng “em gọi tên Người, gọi khàn hơi”. Nhưng vẫn thấy tiếng của Thầy Chí Thánh, luôn mời và vẫn gọi dân con đồ đệ “hãy tuân giữ lời Thầy”. Lời răn hay lời Thầy, vẫn là lời “gọi tên người, gọi yêu thương”. Yêu thương, Thầy gọi suốt canh trường, nơi Kinh Sách. Rất Phúc Âm.

Phúc Âm hôm nay, một lần nữa, lại được lồng trong bối cảnh của tiệc Tạ Từ. Ở Tiệc này, Đức Kitô sửa soạn cho môn đệ mình biết chấp nhận thống khổ và nỗi chết, Ngài sắp chịu. Thống khổ Ngài chịu, là để các thánh nhận ra được: Phục Sinh, Ngài sẽ về với Cha.

Anh em sẽ giữ lời răn của Thầy (Ga 14: 15), dặn dò ở đây nhấn mạnh nhiều đến cụm từ “của Thầy”, thật trong sáng. Qua cụm từ này, Đức Kitô không qui chiếu 10 điều giới lệnh, theo truyền thống. Truyền thống, thấy rõ trong Tân Ước của người Do Thái. Đành rằng, các giới lệnh mà người Do Thái chủ trương vẫn hiệu lực. Nhưng, Đức Kitô muốn đi xa hơn thế, nữa. Đi xa hơn, như Ngài từng nhấn mạnh nơi Hiến chương Nước Trời, rằng: Ngài không bãi bỏ luật Do Thái, hoặc lời ngôn sứ dẫn giải. Nhưng, Ngài hoàn tất tiềm lực bên trong vẫn có nơi Ngài. Đó chính là nội dung lời dặn, ta vẫn nghe: “Anh em vẫn nghe người xưa nói rằng… còn Tôi, Tôi nói thế này”…

Tôi nói thế này… là “lời răn của Thầy”, thuộc một bình diện khác. Lời răn ấy, là điều người người cần tuân giữ. Một điều Ngài răn dạy, để mọi người biết mà yêu mến. Yêu Chúa hết lòng trí lẫn tâm can. Mến thương mọi người, trọn vẹn như yêu chính mình. Mến và yêu mọi người, như Đức Kitô vẫn yêu và mến, hết chúng ta. Yêu, các tội nhân. Mến, hết kẻ thù.

Có yêu và mến như Chúa răn dạy, là để ta biết mà tìm gặp Chúa nơi mọi người. Nơi kẻ đói khát, nghèo khổ, cho chí người tật bệnh. Cả, những người bị gạt bỏ ra ngoài xã hội, và phạm nhân. Lời Thầy, gồm tóm giới răn chăm nom giùm giúp lẫn cho nhau. Giùm giúp, và đến với nhau để hàn gắn lỗi lầm. Hàn gắn, trong yêu thương phục vụ.

Trình thuật hôm nay, Đức Giê-su còn khẳng định Ngài không bỏ đàn con môn đệ, như vẫn nói: “Thầy sẽ xin Cha. Và, Người sẽ ban cho anh em Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em mãi. Đấng ấy, chính là Thần Khí Sự Thật.” (Ga 14: 16-17). “Đấng Bảo Trợ”, cụm từ dùng ở đây xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “parakletos”, mang nhiều ý nghĩa khó dịch. Nói chung, “parakletos” được dùng để chỉ định người nào đó sẽ đến bên ta. Gìn giữ bảo vệ và đem cho ta mọi hỗ trợ. Là, người đem cho ta lòng quả cảm để ta giáp mặt với khó khăn. Người vẫn uỷ lạo ủi an, khi ta ở vào tình cảnh lo lắng, khó chịu.

Những đặc trưng trên đây, có thể áp dụng cho Đấng Thánh của Sự Thật mà Đức Kitô hứa gửi đến đồ đệ. Với Hội thánh. Là Đấng Thánh của Sự Thật, không theo nghĩa hạn hẹp. Mà, theo nghĩa chuyển tải thị kiến về sự sống hài hoà với Chúa. Với Đức Kitô. Đấng Thánh của Sự Thật, hôm nay và mãi mãi không chỉ chuyển đạt cho ta biết, mà còn hướng dẫn rọi soi cho ta, trong mọi quyết định hành động, những tương quan.

Thần Khí Sự Thật, là Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Bởi, “thế gian” (dịch từ “Kosmos” bên tiếng Hy Lạp) vẫn cứ mù mờ như không hiểu được Sự Thật. Và, cũng chẳng nhận biết Ngài. Chính vì thế, Chúa nói thêm: “Nhưng anh em vẫn biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 17). Và, chỉ những ai có được thị kiến lẫn niềm tin ban cho, mới nhận rõ Đức Chúa của Sự Thật đang hiện diện quanh ta. Và, với ta.

Niềm tin là quà tặng huyền bí Chúa ban. Quà tặng rất đặc biệt. Nhưng, cũng đòi hỏi một trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm được gồm tóm trong vui sống. Sống phù hợp với Lời khuyên răn của Đức Chúa, nói ở trên.

Không thể hiểu điều Chúa nói, vì đồ đệ Ngài đang trong tình cảnh lo lắng, rất ưu tư. Nhưng, cứ để Thầy ra đi về với Cha. Có đi như thế, Thầy mới hiện diện ở nhiều nơi, không bằng thân xác. Hiện diện theo phương cách khác. Rất mới. Ngài hiện diện ngang qua Thân Mình mới mẻ, nơi Hội Thánh. Nơi cộng đoàn đồ đệ, các kẻ tin. Bằng vào hình hài đổi mới, Ngài sẽ có thể hiện diện cùng lúc, ở nhiều nơi. Tựa như, đang ở với chúng ta, trong ta ngay bây giờ. Vào lúc này.

Bằng tình yêu và lòng thương xót, Ngài vẫn hiện diện với mọi dân con, đồ đệ đang cần đến. Tức, cộng đồng nhân loại được Ngài yêu thương và phục vụ, không bỏ sót. Bằng vào sự hiện diện như thế, Ngài chính là Đức Kitô của Kosmos thế gian, như được bảo: “bởi nơi Ngài, vạn vật được tạo thành, chốn trời cao nơi dương thế - mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài”. (Col 1: 16).

Đó là điều, mà Đức Kitô khẳng định nơi trình thuật hôm nay: “Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.(Ga 14: 20). Và, Ngài chỉ ở trong dân con đồ đệ, khi mọi người: “có và giữ điều răn của Thầy.”(Ga 14: 21). Có và giữ điều răn, không còn là chuyện đáng chán, chẳng thiết tha. Nhưng, đó chính là nguồn cội của những an vui, sung mãn và giải phóng.

Đồ đệ dân con, nay đều hiểu: tuân giữ Lời Thầy khuyên răn, không là trọng trách khô khan, gò bó; mà là tình trạng giải thoát mọi lỡ lầm dễ phạm, và cố gắng ở lại với thể trạng “đầy ân sủng”, Chúa vẫn ban.

Và khi, dân con đồ đệ trở thành người thân với bạn bè lẫn địch thù, với giòng họ người dưng, ta sẽ nhận ra Đấng Thánh Sự Thật đang sống trong ta và biến đổi con người của ta. Vào lúc đó, như Lời Thầy quyết đoán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14: 21) chính là lới hứa làm nền. Là, nguyên do để ta được thấy. Nguyên do và cũng là lý lẽ, để ta thực sự sống còn. Sống mãi mãi. Còn ở lại trong tình yêu của Đức Chúa.

Trong hân hoan đón nhận quả quyết này, ta sẽ ca vang lời hát hôm xưa, rằng:

“Tôi yêu tiếng ngang trời

Những câu hò giận hờn không nguôi

Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi

Vững tin vào mộng đẹp ngày mai” (Phạm Duy – Tình ca)

Vâng. Khi đã nghe theo lời dạy của Đức Chúa, ta sẽ nhất mực vững tin vào mộng đẹp ngày mai. Mộng đẹp có mảnh tình xa xôi. Không còn giận hờn. Và cũng chẳng cần “gọi tên Người, gọi yêu thương”. Vì Người vẫn có đó. Rất gần bên.

_____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá từ Úc diễn dịch.

Monday 14 April 2008

“Tôi sẽ hát về những thiên thần, cạnh bên tôi”

Ôi những thiên thần luôn ở cạnh bên tôi.

không ở trên trời cũng không có cánh.

những thiên thần cận kề bên tôi lắm,

chia môi cười, chia cả những ưu tư.

(Dẫn nhập từ thơ Tiếu Thảo)

(Ga 14: 1-12)

Hát về những thiên thần cận kề bên tôi, ai chẳng thích hát. Nhưng, sao lại cứ hát về những thiên thần “không ở trên trời”, cũng “không có cánh”. Thần thiên cận kề không cánh, nhưng vẫn sẻ chia. Chia nụ cười. Chia cả ưu tư, ảnh hình những xuất hiện nơi trình thuật Tình Chúa, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, ghi rõ tương quan nồng thắm giữa Đức Chúa và Cha. Trình thuật nhấn mạnh cả đến tương quan ta có với Chúa. Với công trình Ngài rao giảng. Trình thuật còn là kết đoạn lời Chúa nhắn nhủ vào buổi tạ từ, lúc Ngài đi. Ngài ra đi, đem tâm tình xao xuyến quạnh hiu, nơi đồ đệ.

Anh em đừng xao xuyến, lời Chúa gửi đến các thánh, là những dặn dò và khuyến khích: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Đây, chính là lời truyền gọi dân con đồ đệ hãy trở về với niềm tin trọn vẹn, có Đức Chúa. Niềm Tin trọn vẹn, còn có nghĩa: hãy tin tưởng cả vào người khác. Ở cuối trình thuật, Chúa kêu gọi đồ đệ dân con chứng tỏ điều họ vẫn nghe và thấy Ngài làm: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy; nhược bằng không, hãy tin vào việc Thầy làm. “ (Ga 14: 11)

Thầy đi đâu, anh em hẳn đã biết đường, điều này còn chứng tỏ: đồ đệ Chúa vẫn nghe và chấp nhận Con Đường Ngài chỉ dẫn. Nghe và chấp nhận, nhưng đồ đệ của Thầy vẫn cứ hiểu nghĩa đen, theo địa thế. Do vậy, thánh Tô-ma mới vấn nạn: “Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?” (Ga 14: 2). May thay, cũng nhờ vào vấn nạn này ta mới có được xác quyết để đời, từ Chúa: “Thầy là Đường, là Sự Thật và Sự Sống. Không ai đến được với Cha, mà không qua Thầy.” (Ga 14: 6)

Đến được với Cha qua Thầy, là tương quan nối kết Thầy về với Cha. Với cả những người theo Thầy. Theo Đường Chúa đi. Đường Thầy đi, trải dầy khổ ải, đau thương và nỗi chết. Đường Thầy đeo đuổi, sẽ kết thúc ở cuộc sống dồi dào, rất mới. Dồi dào và mới, ở sự sống Ngài đem đến, với mọi người.

Theo Đường của Chúa, không là ra đi đến bất cứ nơi nào, chẳng hề định hướng. Mà, là trở thành người đặc biệt để nhận chân ra Sự Thật và Sự Sống, Chúa tỏ bày. Theo Đường của Chúa, là tháp nhập vào thị kiến - giá trị của Chúa. Tháp nhập, để trở thành người của Sự Thật, và Sự Sống. Ở đây nữa, tháp nhập không chỉ theo nghĩa của một nhận thức, trí tri. Bởi Sự Thật Chúa tỏ bày, không là nhận thức trí tri, nhưng là những hài hòa toàn vẹn diễn bày nơi sự sống và ở nơi bản chất thánh thiêng, của chính Thầy. Sự Thật về Chúa, là cảm xúc. Là, ý nghĩ hành động, lẫn tương quan. Là, tất cả nhân vị ở trong hay ở ngoài, Thầy vẫn có. Với mọi người, sống Sự Thật là sống năng động, biết đáp ứng với sự sống an lành, Chúa ban.

Đến với Cha qua Thầy-là-Đường, còn có nghĩa: đến với Cha qua Sự Thật và Sự Sống-của-Thầy. Bởi, nơi Thầy vẫn gồm tóm Sự Sống của Cha, rất đích thực. Thành thử, tháp nhập vào Sự Sống của Cha, Thầy là mẫu mực cho ta tăng trưởng, giống Cha Thầy. Giống Cha Thầy, để rồi ta sẽ có kinh nghiệm sống tình yêu thương viên mãn, ở nơi ta.

Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người (Ga 14: 7). Bằng vào khẳng định này, ta hiểu lời Thầy theo nghĩa: là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã trở nên một với Cha, trong mọi sự. Khi Ngài nói, tức Chúa Cha nói. Khi Ngài cứu chữa, là chính Cha-làm-một-với-Ngài đã chữa lành. Nhưng, khi Ngài chết đi, Cha vẫn không chết. Duy chỉ tính cách phàm trần của Người Con mới chết, thôi. Và, nỗi chết của Đức Giê-su nơi thân phận làm người, là chứng cứ làm bằng cho Tình Yêu Thương cao cả nơi Thiên Chúa Hằng Sống.

Chúa Hằng Sống nơi bản vị Đức Giê-su, phản chiếu Sự Thật và Lành Thánh Toàn Năng, rất vô song. Thấy Ngài, là thấy Cha. Nhưng không thấy được trọn vẹn những gì thuộc thiên tính của Cha. Chính vì thế, Đức Giê-su mới xác nhận Ngài là Đường. Điều này còn có nghĩa: qua Ngài, dân con đồ đệ mới đạt trọn Sự Thật, của Đức Chúa. Trọn Sự Thật, mà chỉ các nhà thần bí mới cảm nhận đôi chút ánh sáng của nhận thức, mà thôi. Còn lại, tất cả chỉ biết đến Sự Thật trọn vẹn, khi lìa bỏ cõi trần. Tựa như thánh Phi-líp-phê, những tưởng rằng các thánh hễ có hân hạnh được gần gũi Thầy tự khắc đã biết Thầy. Không hẳn thế. Nếu không nhận Thầy là Đường, mà chỉ là Đoạn Kết cuộc đời của Đức Chúa, ta sẽ thấy tương quan kết hợp ta vào với Chúa, sụt giảm rất nhiều.

Vấn đề của người thời đại, là: không thấy được Cha nơi bản vị Đức Kitô. Và như thế, cũng sẽ không nhận ra được Cha-qua-Thầy vẫn có mặt trong thế giới hiện tại. Không nhận ra Cha, cả nơi người anh người chị sống quanh ta nữa.

Ngay từ đầu, Đức Giê-su đã quả quyết: “Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (Ga 14: 2). Thoạt nghe, người người vẫn cứ tưởng điều Thầy nói chính là Thiên đàng, chỉ một chốn. Dĩ nhiên là thế. Nhưng, “nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, còn phải hiểu đây chính là Hội thánh Chúa. Bởi, cộng đoàn kẻ tin vào Đức Kitô, tức Hội thánh, vẫn là “nhà Cha Thầy”. Nhà của Chúa. Đằng khác, là đồ đệ theo chân Chúa, ta đã là Đền thờ Chúa ngự. Nhất mực không sai.

Cuối cùng, lời Thầy quả quyết: “Ai tin Thầy, người ấy sẽ làm được việc Thầy làm. Và, còn làm được việc lớn lao hơn. Vì, Thầy đến cùng Cha.” (Ga 14: 12). Đó mới là việc lớn, mà Hội thánh Chúa hôm nay và mọi thành viên trong cộng đoàn Hội thánh vẫn tiếp tục thực hiện. Tiếp tục công cuộc tông đồ mục mà Thầy truyền dạy, lâu nay. Về với Cha, Đức Kitô đã ủy thác công việc lớn lao ấy, để mọi người nhớ mà thực hiện.

Về với Cha, Đức Kitô cũng để lại cho đàn con yêu dấu, các kẻ tin, tất cả năng lượng và sự sống, như Ngài hứa. Có về với Cha, Đức Kitô mới khởi phát Con Đường của Sự Thật và Sự Sống. Mới đưa tất cả vào hoạt động. Có về với Cha, Ngài mới thông chuyển tín thư sống động của Ngài đến với thế giới nhân trần. Mới biến tín thư ấy thành hiện thực, được.

Với thế giới đương đại đầy phương tiện truyền thông, tín thư ấy được gửi đến hết mọi người. Cả những chưa từng nghe và biết đến. Đức Giáo Hoàng và các lãnh tụ tôn giáo, hôm nay, đã có thế dùng hệ thống truyền thông đại chúng, để chuyển đạt thông điệp Chúa gửi đạt đến hàng triệu người, khắp mọi nơi. Đó là điều, mà ở vào thời tiên khởi Hội thánh Chúa chưa đủ phương tiện để thực hiện, như hôm nay.

Là người hợp tác viên rao truyền Lời Chúa, công cuộc thừa sai mục vụ của ta cũng tương tự như thế. Ta cũng đến với mọi người, hầu giúp họ chọn Con Đường của Chúa, mà đi. Chính đó là Con Đường của Sự Thật. Và Sự Sống. Cộng tác với nhau trong công việc mục vụ, ta sẽ làm được nhiều hơn nữa. Nói đúng hơn, Đức Kitô sẽ làm việc ấy, qua chúng ta. Như mọi thời mọi lúc, Ngài vẫn cần nhiều người thiện nguyện để ta rao truyền Lời Ngài, trong hăng say. Nhiều quả cảm. Có chất lượng.

Là bạn và là người đồng hành với Chúa, mỗi người và mọi người được kêu mời ra đi lên đường rao truyền Lời của Chúa. Rao truyền, trong tư thế thực tiễn. Rao và truyền, để đem Bánh Sự Sống và Sự Thật đến với muôn dân. Cho muôn người. Ở mọi nơi. Như Ngài bảo: “Không có Thầy, các con chẳng làm được gì.” Ngày nay, với phương tiện truyền thông cải tiến, ta có thể nói ngược lại: không có ta, Chúa cũng sẽ làm được, rất ít.

Trong trông chờ người người ra tay làm việc với Chúa, ta hãy cùng người xưa, phấn khởi hát:

“Này hồn ơi vươn cao, vươn cao

đem ánh sáng hân hoan trên trời

rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương.

Nụ cười tươi trên môi em thơ

Là tiếng hát hân hoan cho đời

Và về đây cho nhau nụ cười tương lai ” (Trần Quang Lộc – Về đây nghe em)

Vâng. Về đây nghe em. Về đây nghe anh. Về, mà đem ánh sáng hân hoan trên trời rọi vào đời được Chúa yêu thương. Về, để ta sẽ hát về những thiên thần, về những người anh người chị bên ta, đang cùng nhau chia sẻ cả môi cười, lẫn ưu tư. Về, để lập nên tinh cầu yêu thương, đầy tình Chúa. Về đây em nhé. Ta hãy về!

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch

_______________________________(xem thêm bài cũ, mời vào “www.suyniemloingai.blogspot.com”)

Monday 7 April 2008

“Mưa đã chờ tôi, mưa đã mưa”

Mai kia sống với vầng trăng ấy

Người có còn thương một bóng cây

Góc phố còn treo đôi mắt bão

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

(dẫn nhập từ thơ Du Tử Lê)

(Ga 10: 1-10)

Ngàn năm một ngón tay, tôi nhớ lời Thầy chỉ dẫn. Thầy vẫn chỉ và vẫn dẫn, bằng ngón tay yêu thương nơi tình Chúa Chiên Lành, ở trình thuật. Vẫn hôm nay.

Trình thuật hôm nay, gồm hình ảnh về “Lời kêu gọi”, Chúa đợi chờ. Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Hiền chăn dắt đàn chiên, là lịch sử dân Chúa trải dài nhiều tháng năm. Và, hình ảnh Chúa Chiên Lành, là ảnh hình sắc nét từng xuất hiện rất nhiều, nơi Tân Ước. Bởi thế, khi nhắc nhở ảnh và hình của chiên con được Chúa dẫn dắt, người Do Thái hiểu ngay điều Chúa muốn nói.

Ở các nơi, như đất miền có không khí dịu mát, ảnh hình về người chăn dắt chiên con là chuyện ít thấy. Có nhiều nơi, bà con chưa từng biết chiên lẫn cừu. Biết hay chăng, cũng chỉ thấy trên phim ảnh - truyền hình, nhiều quảng cáo. Càng hiếm hơn, là ảnh hình của kẻ chăn luôn ôm gọn chiên con hiền vào vòng tay trìu mến, rất thường thấy ở đất miền Trung Đông, dân dã ấy.

Nơi Kinh Sách miền Trung Đông bừng cháy, tương quan ta có giữa vị mục tử nhân hiền với chiên con nhỏ bé, là chuyện thường ngày xảy ra. Ở nơi đây, kẻ chăn dắt chiên đàn vẫn cứ ngày ngày tìm đến đồng cỏ xanh mầu mỡ, mà an vui. Và kẻ chăn, vẫn ở lại với chiên suốt ngày dài đến nắng quá chiều hôm. Chiều hôm đến, kẻ chăn hiền lại cất giữ bảo vệ chiên nhỏ như ưu ái đàn con dại, trước mọi hiểm nguy đang chực chờ từ sói dữ. Ở đất miền Trung Đông, người mục tử luôn đi trước ới gọi, và chiên đàn cất bước men theo, nghe rõ tiếng gọi người chủ chăn hiền.

Nơi Tin Mừng nhất lãm, các qui chiếu về chiên con và mục tử được nhắc đi nhắc lại, nhiều lần. Ở Tin Mừng thánh Mác-cô, Chúa chạnh lòng thương thấy đám đông “như chiên bầy không chăn dắt” (Mc 6: 34). Và, thánh sử hàm ngụ: Đức Chúa là Mục Tử Nhân hiền chăn dắt chiên đàn như vị từ mẫu, rất thân thương. Với thánh Gio-an, Đức Chúa đáp lại lời công kích/khích bác của nhóm Pharisêu/Biệt Phái vẫn trách cứ Ngài đã lân la gần gũi đám tội nhân, nhơ bẩn. Riêng thánh Luca ghi rõ, Đức Chúa dám bỏ chiên đàn 99 con ở lại, để tìm kiếm mỗi chiên lành, nay lạc mất (Lc 15: 3-7).

Còn đối với thánh Mát-thêu, tín hữu Đức Kitô vẫn cảnh báo về đám tiên tri giả lân la quanh họ. Tiên tri giả ấy, kỳ thực chỉ là lang sói đội lốt chiên con rất hiền từ. Và thánh sử lại ghi: ở thời sau hết, “muôn dân thiên hạ tập hợp trước mặt Người, và Người tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên - dê” (Mt 25: 32).

Tin Mừng thánh hôm nay, thánh Gio-an ghi lại 10 câu gọn ngắn, rất xác thực. Cả 10 câu, bao gồm hai dụ ngôn, rất tách biệt. Dụ ngôn đầu, là để cảnh cáo người đến để bắt chiên. Và ở truyện sau, Chúa nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa chiên hiền với kẻ chăn. Nhưng, ảnh hình làm trọng tâm cho Tin Mừng hôm nay, nói Chúa Chiên Lành chính là cửa ngõ. Và sau đó, Ngài lại công khai bày tỏ: “Tôi LÀ cửa cho chiên ra vào… Tôi đến, để chiên con được sống và sống dồi dào (Ga 10: 10). “Cửa cho chiên ra vào” nói ở đây, hàm ngụ ý nghĩa Ngài lĩnh đạo cộng đoàn có trọng trách chăm sóc chiên, không chểnh mảng.

Trong quá trình chăm nom chăn dắt, chiên nghe biết tiếng gọi của kẻ chăn. Và, kẻ chăn biết rõ tánh chiên. Cả đôi bên, vẫn có tương quan mật thiết. Vẫn liên kết phục vụ, thật ăn ý. Đó là tương quan thường tình. Là quan hệ hiểu biết, rất trân trọng. Trân trọng tự do của đôi bên. Chiên con ra vào cửa chuồng thoải mái, không bị ràng buộc bằng nội qui, những luật và luật. Nhưng, bằng tình thân trân trọng, có tự do. Nên, khi đi xuống đồng cỏ xanh tươi, chiên lẳng lặng tuân thủ “vì đã quen tiếng gọi, người chủ chăn”. Trong khi đó, các chiên lạ thuộc ràn khác, chỉ đứng đằng sau. Những ngỡ ngàng và ngơ ngác.

Ở sách tiên tri Ê-dê-ki-en, có đoạn tuyệt tác nói: các kẻ chăn người Israel bị lên án về tội bỏ trốn trách nhiệm Chúa trao gửi. Khiến, Ngài hơn một lần xác định: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng. Ta ở với chúng, còn chúng, nhà Ít-ra-en, chúng là dân của Ta. Phần các ngươi, hỡi các chiên của Ta, các ngươi là đàn chiên trong đồng cỏ của Ta. Các ngươi là phàm nhân, còn Ta là Thiên Chúa các ngươi.” - sấm ngôn của Đức Chúa, là Chúa Thượng. (X. Êd 34: 30-31)

Sấm ngôn Chúa Thượng là như thế. Dụ ngôn Chúa kể là như vậy. Thế mà, tông đồ Chúa vẫn chưa hiểu. Đây là trường hợp thường thấy trong Tin Mừng nhất lãm. Thánh Mác-cô viết rất: “Phần anh em, mầu nhiệm Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người ở ngoài, phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kéo họ trở lại và được ơn tha thứ."(Mc 4: 10-12).

Ở đây nữa, khi viết “người ở trong” và “người ngoại cuộc”, Đức Giê-su nói rất rõ điều Ngài muốn nói. Ngài cho thấy Ngài là “Cửa ngõ” cho chiên con ra vào. Và, người vào từ cửa khác, đều không đáng tin cậy. Là “Kẻ trộm, họ chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Và, ai “qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10: 8). Và trình thuật hôm nay kết cấu bằng một tin vui rất an bình: “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10: 9).

Sống dồi dào, chính đó là quả quyết của Đức Chúa Phục Sinh. Theo chân Chúa mà bước đi, người người sẽ có được cuộc sống đầy đặn, rất dồi dào. Chính đó là phần thưởng, ngay đời này, dành để cho những người dấn thân theo bước chân mềm phục vụ của Đức Chúa. Như nhà văn nọ từng cảm kích bằng nhận định: “Tin Vui An Bình, là quả quyết chắc nịch về cuộc sống. Sống một đời người”.

Theo Chúa sống đời kẻ chăn, là đáp ứng lời “ới gọi” từ Thầy Chí Ái, rất hôm nay. Hiền thê của Thầy là Giáo hội Chúa, đang cần đến kẻ chăn tình nguyện theo Chúa, hầu rao truyền Lời Ngài. Cần, “người mở cửa” cho chiên ra vào. Cần người thiện nguyện đáp ứng lời gọi khẩn thiết của Thầy. Lời gọi còn đó, nhưng có người hiểu sai vai trò thiện nguyện phục vụ của kẻ chăn. Hoặc, theo nghĩa hạn hẹp. Hạn hẹp và gói gọn, trong khuôn khổ đời sống linh mục/tu sĩ xa vời cuộc sống bình thường, của chiên con.

Lời Thầy gọi kiếm kẻ chăn hôm nay, được gửi đến với tất cả chúng ta. Gửi, để ta có thể thực hiện công việc “mở cửa cho chiên” qua vai trò riêng rẽ trong cộng đoàn rộng lớn, của kẻ tin. Trừ phi ta quan niệm nhu cầu đáp ứng lời “ới gọi” của Thầy theo ý nghĩa khác, lời Thầy khẩn thiết vẫn được gửi đến mỗi người, hầu đáp ứng phù hợp nhu cầu phục vụ trong cộng đoàn dân Chúa. Nhu cầu đóng góp dựng xây cho cộng đoàn mình tăng trưởng, là trọng trách của mỗi người. Và mọi người.

Trừ phi thành viên cộng đoàn thấy được: ân sủng đáp lời “ới gọi” của Thầy được gửi là để ta đáp ứng, bằng không cũng sẽ chỉ là tiếng kêu nơi sa mạc hoang vắng, rất âm u. Chính vì thế, có nhiều người lo ngại rồi ra cộng đoàn dân Chúa ứng xử theo não trạng của “siêu thị bán buôn”, trong đó người dân đi Đạo tựa như “đi chợ”. Ở nơi đó, Giáo hội Chúa chỉ cung cấp món hàng tinh thần hoặc linh đạo, khi ta cần thôi. Nhưng mối nguy của siêu thị như thế, là: rồi ra không còn hàng linh đạo để rao bán. Và, cũng không có người phân phối phục vụ, khi khách hàng có nhu cầu.

Cộng đoàn tín hữu Đức Kitô chỉ có thể gia tăng và phát triển nếu thành viên biết đóng góp phần tốt đẹp của mình vào sự sống còn của cộng đoàn như một tổng thể, mà thôi. Và, khi mọi thành viên đều đóng góp phần tốt đẹp của mình như thế, cả cộng đoàn sẽ lĩnh hội trong sung mãn. Và sự sung mãn ấy, là điều Đức Giê-su nói đến trong trình thuật, rất hôm nay.

Hôm nay, là ngày Giáo hội đề nghị mọi con dân hãy nguyện cầu cho ơn “mời gọi” kẻ chăn dắt đàn chiên. Ắt hẳn ai cũng sốt sắng hưởng ứng lời đề nghị ấy. Nhưng, có điều nguy hiểm là: ta vẫn chỉ nguyện cầu để có được đáp ứng từ người khác, chứ không từ chính mình. Để có thể nói lên ý nguyện này với sự trung thực của người đồ đệ Thầy Chí Thánh, cũng nên tự hỏi: Chúa có mời gọi tôi đóng góp phần riêng của chính mình cho việc dựng xây cộng đoàn tình thương. Cộng đoàn giáo xứ chăng?

Thực tế, chắc hẳn mọi người trong cộng đoàn đều cảm kích trước sự việc có nhiều thành viên đang đóng góp rất tích cực, bằng cách này hay cách khác, để đời sống cộng đoàn được phát triển. Chủ Nhật “Ơn Gọi” hôm nay, thách thức mỗi người chúng ta hãy suy tư đáp ứng lời mời của Đức Giê-su, gửi đến tất cả mọi người. Và mỗi người. Là thành viên cộng đoàn, ta sẽ đáp ứng với nhận thức rằng: tất cả đang cần nhiều người, để duy trì và phát triển cộng đoàn ta đang sống.

Trong suy tư chuẩn bị đáp ứng, ta sẽ cùng với người nghệ sĩ khi xưa hát lên lời ca hứng khởi:

Tay vươn vươn lên, như bờ núi cao cao vời

Chân khoan khoan thai, như bước theo nhịp oai hùng

Bài thơ mới, và câu hát vui yêu đời

Vui với bao niềm tin đời là bài ca (Xuân Lôi – Y Vân Bài hát của người tự do)

Vâng. Hãy ra đi khoan thai vui hát. Tin đời là bài ca. Bài của người tự do, có đóng góp. Đi đi mà vui hát, vì “mưa đã chờ ta, mưa đã mưa”. Và, Đức Chúa cơn mưa những mời và gọi, vẫn cứ chờ.

_________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.