Thursday 18 March 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay Năm B

 

Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su."22 Ông Philípphê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giêsu trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."


27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! "29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là tiếng sấm! " Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! "30 Đức Giê-su đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi."33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
(Ga 12: 20-33)

 

Ấp úng không ra được nửa lời,”

“Tình thu bi thiết lắm thu ơi!”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Từ)Tình thơ hay tình Chúa, vẫn là tình mến mộ, rất khó nói. Càng khó hơn, khi Chúa đi dần vào đoạn cuối con đường thực thi ý định của Cha, như trình thuật nay diễn tả.

Trình thuật thánh Gioan nay diễn và tả bằng ngôn từ thân thương đích thực một sử thánh. Bằng tư tưởng xuyên suốt, lịch sử thánh do tác giả Tin Mừng là thánh Gioan viết đã về lại với khẳng định vẫn bảo rằng: “Hạt lúa gieo xuống đất nếu nó chết đi mới sai hoa lắm quả.(Ga 12: 24). Thật ra, cũng khó mà biết được lời lẽ và hình ảnh ở trên có do Chúa nói hoặc thánh sử ghi ra, hay không.

Ảnh hình và lời lẽ diễn tả như trên có tác dụng thật tích cực. Nhưng, về tiến trình cuộc sống có biến hoá tác giả lại dùng ví dụ lúa mì thì xem ra không ổn cho lắm. Bởi, lúa mì thuộc dạng cỏ mà người Cận Đông thời đó biết đến qua cụm từ “Lưỡi Liềm Phì Nhiêu”. Điều này, nói lên tính chất của lúa mì là đạm thực vật dùng để nuôi sống con người. Đây là thực phẩm chủ yếu giúp các sinh vật  sống và phát triển. Không lúa mì, tức không có sức khoẻ và cũng chẳng có cuộc sống văn minh, chính trị hoặc thể chế, dù Đạo hay đời.

Ảnh hình trên, nay là phương cách nói về vụ mùa sắp tới. Điều mà khoa học nay gọi là thời kỳ ngủ nghỉ trước khi cho vụ gặt mới. Tiến trình này là thời đâm chồi nảy lộc mới. Nói thế, là nói về thực vật đi ngủ chứ không chết. Và, khi hạt giống nảy lộc từ đợt lúa đang ngủ yên, nó sinh sôi nảy nở thành lúa mới. Thế nên, vấn đề là: tiến trình kinh qua thời kỳ ngủ nghỉ có là giai đoạn đi vào cõi chết không? Và, cụm từ “chết đi” có là động từ đúng nghĩa dành cho lúa mì? Tiến trình này, có tự mình tiến hoá và biến hoá thành người mới chăng? Đó, là điều để ta tra vấn.

Áp dụng vào Hội thánh, người người nay ắt biết thánh hội là hội của những người cùng chung niềm tin. Tin rằng, các giáo xứ ở khắp nơi nay cũng đang ở trong thời kỳ “ngủ nghỉ” hoặc “chết đi” để rồi đã, đang và sẽ biến thành Đạo của Chúa rất đích thật. Đạo luôn trên giòng chảy đầy biến đổi để rồi sẽ giúp ta thành người mới. Đạo mới.

Chúa chết ngày Thứ Sáu. Và, Ngài trỗi dậy ngày Chủ Nhật, tức thời gian “ngủ nghỉ” (hiểu theo nghĩa người đời) để rồi Ngài sẽ đổi mới rất không lâu. Nhưng, bảo rằng: Chúa chết đi và cùng ta “ngủ nghỉ trong lòng đất hoặc nơi nào đó, ta có nghĩ rằng như thế là Ngài-ở-trong ta và ta-ở-trong-Ngài nay trỗi dậy để diễn tả sự thể là ta-và-Chúa cùng nhau hiện hữu, không? Suy cho cùng, người người cũng đừng nhấn mạnh lên sự thống khổ và cái chết của Chúa ngày Thứ Sáu, cho bằng hãy trỗi dậy cùng Chúa-sống-trong ta, thì tốt hơn. Bởi, Đức Chúa Phục Sinh vẫn tiếp diễn hằng ngày trong đời người.

Sự thật là: thế giới ta sống, luôn có Phục sinh/trỗi dậy. Trỗi và dậy, bằng lực năng động có tế bào sống, có mô động vật và cơ phận xác phàm tạo sự sống, trong ta. Tất cả đều quay về với mầm “gien” hầu tác động cho chương trình này như một tổng thể. Chương trình, đặt nặng vào việc chuyển tải thông tin, mẫu mã và mọi sứ điệp. Thế nên, ở những nơi có cấu trúc nhuần nhuyễn như thế, mới có trật tự. Một trật tự phức hợp khả dĩ thôi thúc mọi người hiểu cho rõ để rồi sẽ hợp tác đóng góp vào với tiến trình phát triển, tiến hoá.

Và, mầm “gien” sẽ biến hoá, đổi thay qua tiến trình đổi mới/trỗi dậy giống như thế. Trỗi dậy, để rồi đem đến cho ta thành quả hợp tiêu chuẩn và có kết quả đúng đắn. Tiến trình đổi mới mầm sống luôn mang sứ điệp phổ biến khắp nơi để rồi sẽ biến thành qui luật, có sự hỗ trợ hợp tác của yếu tố môi trường lành mạnh. Tất cả những thứ đó, biến thành một tương tác hỗ trợ, mà cuộc đời ngắn ngủi của con người không thấy và cũng chẳng thưởng lãm trọn vẹn tiến trình ấy. Nói chung, thì tiến trình đổi mới/trỗi dậy là tiến trình lớn có Chúa tham dự, vẫn diễn ra hằng ngày.

Nhìn về Chúa, hẳn người người sẽ lại nhớ các vị anh hùng hiển thánh dù chưa được tấn phong. Các vị, từng sống tiến trình đổi mới/trỗi dậy như Chúa. Tức, cũng sống thực và chết đi theo kiểu “ngủ nghỉ” của mầm “gien” cho ta sống. Đếm kỹ, sẽ thấy có mặt trong đó là các đấng bậc Dòng Tên ở Nam Mỹ, những vị từng khước từ việc bỏ rơi người nghèo, quyết cùng sống và cùng chết với họ. Cả các vị tu sĩ phái khắc kỷ ở Angiêria từng sống ở vùng núi Atlas dám ra mặt đón chào người anh em thân thương sai quấy từng trừ khử nhiều vị sống như các ngài. Và cũng nên kể đến các nữ tu và nữ phụ từng giùm giúp/đỡ nâng người nghèo, dù bị chuốc độc hay trừ khử khỏi cộng đoàn.

Đó mới chỉ kể đến một số gương lành của các vị dám chết đi để cùng Chúa trỗi dậy. Các vị thánh chưa tấn phong mà Đức Gioan Phaolô II gọi là các bậc “tử Đạo vì lòng bác ái”. Các đấng tử Đạo này, đã cùng với dân nghèo tiến vào giai đoạn chung sống, có tiến hoá. Tiến hoá và tiến bộ, đến độ các vị ấy đã tiến vào với tình trạng biến đổi/trỗi dậy với niềm hy vọng mình sẽ không bao giờ chết .

Tiến trình đổi mới/trỗi dậy là dám đứng ra làm chứng cho cuộc sống, dù biết rằng mình không chỉ “ngủ nghỉ như chết thật” mà còn tái sinh thành thế hệ mới. Đổi mới/trỗi dậy, không cần đến phép lạ để chứng minh cho mọi người thấy đó là lập trường sống rất Đạo. Là, lời khuyên dặn của Chúa.

Các vị thánh-chưa-được-phong như Tgm Oscar Romero dám đón nhận cái chết đau đớn trong lúc ngài đang nâng chén thánh trong thánh lễ, để có thể đổi mới/trỗi dậy cùng Chúa và như Chúa. Máu ngài chan hoà với Máu Thánh Chúa trên bàn thờ. Máu ấy không đơn độc, và cũng không chết mãi trong bóng tối âm thầm. Nhưng máu của ngài cùng với Máu Thánh của Chúa đã đổ chung vào giòng suối Phục Sinh, rất trỗi dậy.

Noi theo gương sáng của con dân Chúa sống âm thầm nhưng anh hùng, có lẽ cũng đừng lạnh lùng chỉ muốn làm người tử tế sống sốt sắng đời đi Đạo thôi, trong khi các người anh người chị của mình trong thánh hội vẫn cứ bị hành hình bằng nhiều cách. Cũng thế, người Công giáo cũng chẳng nên chỉ biết sống lành thánh cho mỗi mình thôi để cốt được thánh Phêrô xét duyệt cho vào thế giới vĩnh hằng là xong. Nhưng, là con dân Đạo Chúa, ắt ta phải đổi mới/trỗi dậy để cùng với người anh người chị ấy tham gia tiến trình tạo mầm “gien” cho thế giới đang cựa quậy, tìm đưòng đổi mới như ta.

Chẳng thế mà, mọi người chúng ta đều lấy làm lạ khi thấy có người đã dám “lăn tấm đá che cửa mồ của Chúa ngày Phục Sinh, rồi ngồi đó” (Mt 27: 64) mà làm nhân chứng. Và chứng nhân Chúa “trỗi dậy” nay coi đá tảng lăn khỏi mồ, là bằng chứng cho sự việc Chúa biến đổi, rất đáng nhớ.

Áp dụng vào đời, những ai chỉ quyết duy trì sự sống của riêng mình, chỉ lo bảo vệ thân xác mình để khỏi chết, sẽ càng như người đã chết, dù đang sống. Bởi, có lập trường không sợ chết cho thân xác, ta mới có thể tách rời khỏi những gì chóng qua ở đời thường, và chấp nhận “chết cho tội lỗi”, cho những gì là tạm bợ ở đời. Người sợ chết, khác nào đã chết từ lâu dù họ đang sống cũng chỉ như thân xác động đậy mà không biến đổi, trỗi dậy. Nói cách khác, ai không ngại chết đi cho tội lỗi mới chứng tỏ mình đang sống mạnh. Sống bằng sự sống mới, rất khác biệt.

Trong cảm nghiệm về sự sống có trỗi dậy, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn vang vọng:

 

                        “Ấp úng không ra được nửa lời,                  

                        Tình thu tha thiết lắm thu ơi.

                        Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,

Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…”

(Hàn mặc Tử - Buồn Thu)

 

“Hơi may” mai ngày, là sự sống có biến đổi. Là, Tình Thu nay sống lại, rất tha thiết. Tình ấy với Thu này, vẫn ở mãi trong dân gian người đời mãi không thôi. Tình Thu hôm nay là sự sống vĩnh cửu, không sợ chết. Chí ít, là cái chết của đời tạm bợ, ơ hờ. Chóng qua.       

 

Lm Kevin O’Shea, DCCT biên soạn

Mai Tá lược dịch

Wednesday 10 March 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay Năm B

              “Khi ra khỏi Đền Thờ, Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.2 Các môn đệ hỏi Người: "Thưa                                        Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"3 Đức Giêsu trả lời: "Không phải anh ta,                                     cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ  hiện                          nơi anh.4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.5                              Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."

6 Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù,7 rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa" (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?"9 Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!"10 Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?"11 Anh ta trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy."12 Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."

Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu.14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát.15 Vậy, các người Pharisêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy."16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ.17 Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!"

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến.19 Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?"20 Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh.21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được."22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi."25 Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được! "26 Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào? "27 Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng? "28 Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Môsê.29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến."30 Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì."34 Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? " Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?"36 Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin? "37 Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây."38 Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giêsu nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và   kẻ xem thấy lại nên đui mù!"

40 Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?"41 Đức Giêsu bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!" (Ga 9 : 1-41)

“Anh lánh mùa xuân, nép cửa sầu,”

Đêm nằm ghe gió, lạnh canh thâu.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Cửa sầu anh nép, cơn gió anh nghe suốt canh thâu, kể thì cũng lạnh bởi anh cứ sống theo khuôn phép âu sầu kiểu cổ xưa. Nhà Đạo mình, nay chỉ cho anh cung cách giản đơn để anh vui, với trình thuật.

Trình thuật thánh sử nay ghi, là ghi về tin rất mừng Chúa Yêu Thương thế giới/thế gian, biết chừng nào. Chúa rất yêu trần thế, nhưng ta lại cứ hỏi: Chúa có chấp nhận lối sống thế trần của ta không? Và cung cách nguyện cầu kiểu người trần có làm Chúa bận tâm mà lắng nghe không? Đó chính là vấn đề mà Hội thánh nay cần đặt lại, chứ đừng noi theo cổ tục lập đi lập lại theo kiểu xưa cũ chẳng có gì đổi mới.

Đan viện phụ Armand Vielleux nước Bỉ có lần từng nhận định:“Nhờ Công Đồng Vatican II, mà Hội thánh không còn lên án thế giới đương đại nữa. Từ khi ấy, thánh hội nay đã biết mở rộng lòng mình, ít nhất là trên nguyên tắc, để đối thoại với thế gian ở ngoài đời. Từ bấy đến nay, lại thấy Hội thánh cứ xử sự khá tiêu cực với trần thế. Đấy là cung cách của thánh hội coi thế trần như một thất bại, hết đường chữa. Bởi thế nên, đôi lúc Hội thánh cũng trở lại tác tạo Đạo Chúa theo cách thúc đẩy mọi người lánh xa thế giới bên ngoài để rồi phủi tay với trách nhiệm về những ảnh hưởng liên luỵ với con dân của mình. Nhiều vị giống như tôi, vẫn tin rằng: Hội thánh được bảo ban/ủy thác làm men sống trong đống bột là cốt để khuấy động/vực dậy thế giới. Có như thế, mới tạo nên không chỉ một giáo hội có canh tân mà cả xã hội cũng được đổi mới nữa. Xã hội, là hội của nhóm người sống ở thiên niên kỷ thứ ba, cũng rất mới.”

Nhiều người cứ tưởng mình vẫn “kiếm tìm”Chúa bằng cách tạo lối sống lành-thánh thoát ảnh hưởng có từ thế giới trần tục, rất ở ngoài. Họ tưởng, có làm thế mới giúp cho thế giới đến gần Chúa hơn! Họ cũng tưởng, họ đã tìm Chúa, nhưng chưa gặp. Nên, cứ nghĩ rằng Chúa của “mình” đang ở đâu đó, cũng gần thôi. Nhưng lại không biết rằng, các đấng nhân-hiền thánh-thiện nay tỏ rõ: ta chẳng nên tìm Chúa theo kiểu cổ xưa. Bởi, chính Chúa đã gặp mọi người ngay trong đời mình mà người xưa vẫn gọi đó là thế giới gian trần.

“Chúa của mình” cũng có cảm nghiệm sống, giống như ta. Ngài không kiếm tìm Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn có chức năng Cha trao phó, ngõ hầu giúp Ngài thực hiện thành công sứ vụ cứu độ. Kinh nghiệm dân con Chúa, cũng thế. Các thánh-nhân hiền-lành đều rõ: kiếm tìm Chúa, không là việc phải lẽ/đúng đắn để tả cho Chúa biết nơi mình sống, và hành xử. Mà, chính Chúa tìm gặp hết mọi người qua đời sống hằng ngày của họ. Và, Chúa vẫn đổ tràn trên con người mọi ơn lành qua những sự thể bé nhỏ ở đời. Lúc nào Ngài cũng hiện diện với mọi người, mà con người không biết, đấy thôi.

Thời của Chúa, dân chúng sống theo cung cách mà người thời đó gọi là thế giới tốt lành, có nghi tiết phụng thờ,suy tôn, tế tự. Nhưng buồn thay, trọng tâm cuộc sống của người thời đó, chỉ quẩn quanh với sinh hoạt đọc kinh cầu nguyện, và tưởng thế là đủ. Với họ, cung cách phụng thờ Chúa qua tế lễ/cầu kinh quan trọng hơn lối sống đời thường, mà người người vẫn đang sống. Thực tế đời thường, người người không nhận ra là mình đang đi vào quan hệ mật thiết với Chúa. Cả người “ngoài luồng” hoặc sống bên ngoài Do thái, cũng thế. Tức: không khác người đi Đạo là mấy. Lâu nay ta không còn gọi họ là người “ngoại” hoặc “bên lương”/“ngoài luồng” nữa, nhưng coi họ như bạn đạo thân thương, vẫn nối kết.

Bằng cách này cách khác, người “ngoài luồng” cũng biết tế lễ/phụng thờ đấng tối cao của mình, dù với người Đạo Chúa, các vị chỉ là ngẫu thần, thôi. Với Đức Giêsu, trọng tậm cuộc sống không là lòng đạo thánh thiện hoặc sinh hoạt phụng vụ với lễ lạy, kinh kệ, kiệu rước, chầu lượt vv.. cũng không bằng hành xử đúng đắn với người đời, ở đời. Với Chúa, dù Ngài có đến đền thánh cũng đâu để cử hành việc phụng thờ, hoặc cúng kiếng! Làm thế, Ngài làm nhiều lắm cũng chỉ hơn một lần trong đời. Và, Ngài có nguyện cầu theo nghĩa lâm râm đọc kinh cũng không nhiều, nếu so với số đông nhóm người Pharisêu hoặc Galilê thời ấy.

Thời tiên khởi -ít là sau ngày đền thờ bị phá vào thập niên 70- tín hữu Đạo Chúa cũng giống Ngài, tức: hành xử khác lối sống đạo mà người La Mã thời ấy gọi là “vô thần”. Đức Giêsu thực sự khởi đầu cách mạng sống rất riêng, nhằm đưa dân con Ngài vào với cuộc sống rất Đạo. Sống riêng tư giữ Đạo, là sống rất mực với thế giới đời thường, vào mọi ngày. Chúa có thói quen tiếp cận Cha Ngài qua công việc bình thường, mỗi ngày. Và, Ngài yêu thích những chuyện như thế. Thánh Gioan nhận ra chuyện ấy, nên đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến độ ban Con Một Ngài, để ai tin vào Con của Ngài sẽ không chết, nhưng sống muôn đời.” (Ga 3: 16). Và Cha làm thế thật.

Chúa Cha, là Chúa của Đức Giêsu và của ta nữa. Ngài là Thiên-Chúa-Của-Niềm-Vui. Đây là danh xưng đích thật của Chúa. Danh xưng, khác mọi ngôn từ tán tụng ta vẫn nói. Chúa không toàn năng theo nghĩa con người hiểu. Ngài có thể làm mọi thứ, mọi sự. Đúng là Ngài làm mọi việc trong thương yêu, không vì ta là nguời tốt lành, xứng đáng. Ngài không ở nơi xa cách đến độ ta có gặp cũng phải chờ cho đến lúc chết, mới gặp được. Nhưng, Ngài đang ở đây. Nơi này. Cả sau vườn nhà của ta nữa. Ngài vui lòng ở với ta, cả vào tình huống ta tỏ ra bê tha, kỳ lạ mỗi ngày và mọi ngày, đến khi chết.

Đó là cách sống “xoáy vào lòng đời” mà mọi người nhận ra được trong sống Đạo. Đó, là cung cách để ta có thể dứt bỏ quan niệm xưa/cổ về sống đời mà phần đông người Công giáo vẫn lầm lẫn. Cung cách sống Đạo thực, là thử thách lối sống của con dân đi Đạo. Sống Đạo, là tìm xem thứ tự ưu tiên đặt nơi đâu, hành xử thế nào trong đời mình. Cung cách ấy, có thể phá bỏ mục tiêu ta vẫn nhắm.

Thông điệp Chúa gửi qua cách ấy, là:“hãy quẳng gánh lo đi!” mà vui sống đời thường, với mọi người. Cũng nên gọi đó là: niềm tin Nước Trời chụp được ta ngay từ ngoài và lấy đi mọi âu lo vẫn có nơi ta. Nơi mọi sự. Thật sự, Chúa hiện diện cả ở nơi sự việc không mang tính đạo hạnh. Bởi, niềm tin là lòng can đảm dám đồng thuận với những chuyện mà ta không cần biết việc ấy đòi ta phải có những gì. Làm gì.

Sống Đạo thực, là cung cách đưa ta vào tình huống ra khỏi bối cảnh mà người người gọi là “chốn thánh thiêng”, vẫn đóng khung nó rồi đặt lên bàn để thờ. Kỳ thực, sống Đạo thực là quà tặng, là sự kinh ngạc, khám phá đến độ sửng sốt. Bởi lâu nay, ta được thừa tự bầu khí lễ mễ với nghi thức phụng tự hoặc lòng sốt sắng có từ thời Thập Tự Chinh. Nay, cũng nên chuyển dời nó vào với cuộc sống thường nhật, sống giản đơn như mọi người. Có sống thực tình như thế, dân con ở đời mới có được ý nghĩa của “tự do con cái Chúa”. Và qua đó, mới đạt được ý nghĩa của sự ứng đáp thân thương trong thế giới rộng lớn.

Càng ngày ta càng nhận ra được rằng: hữu thể “người”, tự bản chất chứ không do lòng sốt sắng đọc kinh, nhưng là “đền thờ” Chúa Thánh Thần ngự. Bởi Chúa yêu thương người “thế gian” có cuộc sống bình dị thường nhật, nên Ngài muốn con dân Ngài sống giản đơn trong đời thường, giống mọi người.

Vậy, ta làm gì với nghi thức phụng tự và biểu tượng lâu nay ta vẫn có, trong Đạo?

Câu trả lời đúng nhất, là: cứ duy trì các sinh hoạt ấy, nhưng đừng đặt nặng ưu tiên hàng đầu, ở đời mình. Cứ giữ như thế, nhưng sống đời thường nhật cho thoải mái, vô tư chung vui hoà đồng với mọi người dù họ là người “ngoài Đạo”. Và, hãy để người đời biết là ta cũng sống giản đơn như họ, thôi.

Tuy nhiên, điều trớ trêu, là: nhiều người vẫn không thoải mái với chuyện này. Họ cứ nghĩ: chuyện sống ở đời như mọi người tự nó đã không tốt, nên Chúa Mẹ không thể nào cùng sống với ta. Có người lại nghĩ rằng: lối sống giản đơn, bình thường ở đời, là kết quả của thứ triết lý hiện sinh, tục phàm lâu nay vẫn loại trừ Chúa. Thế nên, họ đặt ra hai qui cách: một, là đả phá lối sống không “lòng Đạo” (hiểu theo nghĩa đọc kinh cho nhiều, đi lễ rất thường) tức: lên án người khác đạo, khác chính kiến, tập tục. Hai, là tìm cách tránh xa những người “bê trễ” như thế.

Không ai chối cãi sự thể là Chúa đang hiện hữu với mọi người. Cũng chẳng ai nghi ngờ Lời Chúa từng dạy đã và đang gây ảnh hưởng lên mọi sự, như ta thấy. Xác tín việc Chúa hiện diện trong đời, là chuyện bình thường đến độ chẳng ai cần lập lại chuyện đó, mới củng cố được niềm tin. Niềm tin của ta lâu nay vẫn hỗ trợ để cho tín hữu thấy được.  Sự thực, con người nhận thức Chúa hiện diện và cùng sống với ta, là chuyện thường ngày, ở đời. Ai cũng hiểu, con người hiện hữu như một thực thể có tâm-linh ngự trị trong thân xác. Chỉ khi chết, ta mới hiểu rõ hơn rằng:hữu thể là bản thể hiện diện trong nếp sống đơn giản, khả thi.

Đó không là lý tưởng, mà là sự thực hiện hữu. Vì, là lý tưởng nên chẳng có gì khó để đạt được chuyện đó. Nên, đừng nghĩ mình phải luyện tập ghê lắm mới đạt mục đích. Tốt hơn, đừng nên nghĩ mình có thể thực hiện được cả những việc không thể làm. Nhưng, cứ sống và cứ làm bất cứ gì “trong tầm tay” bằng tư thế xuôi theo giòng chảy mình có hoặc không có. Bởi, không phải lúc nào mình cũng suy nghĩ như bậc thánh hiền. Cố gắng lắm, cũng chỉ đi đến thất bại hoặc nghi ngờ mình có mắc lỗi, mới không làm nổi việc đạo, tức bị ám ảnh phải làm cho được chuyện không thể. Học giả Jean-Luc Marion có nói: “Hội thánh, nay thấm mệt nên không còn áp đặt lên xã hội ý niệm Thiên Chúa đang tồn tại, hiện hữu với mọi người ở đời.”

Xã hội, nay nhờ bản năng vốn có, đã hội tụ những người biết nhận thức và tin tưởng nhau để diễn bày xác tín chung của họ. Đó, là “đạo cởi mở” đi vào lòng người. Ít nhiều, ta vẫn cần lòng Đạo để thích nghi với cuộc sống. Đạo giáo, thật rất tốt cho ta. Nhưng, không thể bảo: Đạo là điều tốt cho người khác, bởi mọi người chúng ta đều khác biệt, trong nếp sống.

Trong cuộc sống, Thiên-Chúa-Của-Niềm-Vui đang tỏ lộ sự vui mừng nơi cuộc sống mọi người để nói cho ta biết: sống giản đơn mới cần thiết.

Cảm nhận điều này, tưởng cũng nên ngâm tiếp lời thơ vang còn để ngỏ:

                        “Gặp nhau, nắm chặt tay lần cuối,

                        Anh khép hàng mi, chẳng nguyện cầu.” (Đinh Hùng – Cặp Mắt Ngày Xưa)

Nắm chặt tay khi gặp gỡ, nhà thơ nay nắm rất chặt; rồi sẽ khép hàng mi mà thưởng thức. Tức, niềm yêu thương Chúa phú ban mà chẳng cần nguyện cầu, kinh kệ suốt năm canh mùa sám hối, rất chay tịnh.

Lm Kevin O’Shea, DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch ___________________________________________

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay Năm B

 


        Ga 2:13-25  Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong         Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà         xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và     lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến     nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo         việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

 18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như                 thế?"19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-            thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại                 được sao?"21       Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi         chết trỗi dậy, các         môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

 23 Trong lúc Đức Giêsu ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến         các dấu lạ Người làm.24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy,25 và không cần ai làm         chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

“Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn,”

                                                 “Hết tâm hồn và hết cả da xương.”   (dẫn từ thơ Bùi Giáng)

Yêu trần gian, hết tâm hồn cùng da xương chẳng kể gì chuyện xảy đến, hỏi rằng: đó có là tình yêu thực không? Chắc vẫn là tình yêu người ngoài Đạo? Trong khi đó, người Do thái lại đổ hết tình yêu thần thánh vào đền thờ Giêrusalem, tượng trưng cho lòng đạo mê say, khác biệt.

Trình thuật thánh Gioan nay kể về động thái Chúa “dọn sạch” đền thánh Giêrusalem nơi dành riêng cho việc phụng thờ Chúa suốt đêm ngày. Người Do thái coi Giêrusalem là nơi chốn họ bỏ “hết tâm hồn và cả da xương” vào đó, mà thờ Chúa. Với người Công giáo, đền đài Chúa ngự, không chỉ đơn thuần để mọi người đến đó mà dâng lễ vào ngày của Chúa thôi, nhưng còn là chốn tỏ bày tình thương yêu dự Tiệc nữa.

Hỏi rằng: nơi Chúa ngự, có cần Chúa đến dọn sạch nghi tiết phụng vụ mà Giáo hội bày ra, không?

Nghi tiết phụng vụ, trước hết, được coi như sự thể để Chúa ban ơn cho mọi người. Điều đó rất đúng, nhưng không chỉ mỗi thế. Nghi tiết phụng vụ, còn là diễn tả nhiều điều khác như cung cách Chúa sử dụng đền thờ để có tương quan mật thiết với mọi người. Đó là dấu chỉ. Là, biểu tượng và ảnh hình về ơn huệ Chúa ban cho mọi người, hầu tất cả sống lành mạnh, thánh thiện. Sống cung cách cộng đoàn trong tương quan hai chiều có Chúa ở cùng. Và, tham dự Tiệc Thánh, ta cảm kích được việc Chúa gặp mỗi người theo cách riêng tư, để từ đó mỗi người và mọi người lại sẽ gặp nhau trong Chúa, cùng Chúa.

Có người bảo: đây là cách linh thiêng, bí nhiệm giúp ta tiếp cận Chúa và cộng đoàn Nước Trời bằng bí tích thánh thiêng. Đó là cơ hội để ta có quan hệ yêu thương với mọi người, qua niềm tin. Đó cũng là cách Chúa thương yêu/tiếp cận mỗi người và mọi người, như ta. Thật ra, bằng vào tương quan gặp gỡ, ta tin và hiểu rằng: Chúa đang ở với ta, giúp ta nhận diện Cha bằng cách đi dần vào đời sống xã hội, rối bời. Tham dự Tiệc, là cử hành nghi tiết phụng vụ trong chính đời mình hầu giúp ta nhận ra việc ấy, đồng thời để ta dùng ơn huệ Chúa ban mà giúp mọi người nên lành thánh, tốt đẹp qua tư cách dân con Ngài yêu chuộng.        

Hỏi: ngày nay Chúa có “dọn sạch” đời sống bí tích của ta không? Thông thường, mọi người vẫn bảo: tôi đến nhà thờ để “đi” lễ hoặc “đi” xưng tội; nhưng thật ra, đó không là động thái chỉ rõ việc có “đi” hay “đứng” theo nghĩa cất bước ra đi hoặc đứng dừng lại, mà là chung phần dự Tiệc. Là, sẻ san bằng sự hiện diện của chính mình, hoặc “thực hiện” việc lành thánh với nghi tiết phụng vụ thánh thiêng, mà thôi. Nếu bảo: tôi “đi” nhà thờ là để được ơn lành Chúa ban rồi sống thánh thiện, thì đúng ra phải dự Tiệc san sẻ Mình Chúa hoặc lễ tế, là để diễn tả sự lành thánh/dễ thương Chúa tỏ bày trong quan hệ với mọi người. Bởi, dự Tiệc Thánh mà không tỏ bày tình thương với mọi người, thì chắc chắn Chúa sẽ “đi” nhà thờ để “dọn sạch” chốn phụng thờ mà người người đang cử hành nhiệm tích yêu thương/đỡ đần, ngay lập tức!

Thật ra, thực thi động tác cử hành nhiệm tích Thánh mà lại không nói lên cung cách Chúa tỏ bày tình thương yêu độ lượng của Ngài ngang qua mọi người, thì việc ấy không còn mang tính thánh thiêng/huyền nhiệm cách trọn vẹn nữa. Mà, đó chỉ là hành xử mang tính xảo thuật đầy kinh ngạc, thôi.

Vấn đề là, làm sao ta nhận ra cách Chúa tỏ bày tình Ngài thương ta, nơi nhiệm tích Thánh?

Việc này chỉ hiểu được khi ta tin và nhận rằng Chúa tỏ cho ta biết qua mặc khải và bằng tâm tình người dự đối xử với nhau. Nếu không, người dự Tiệc chỉ ngồi đó nghe/nhìn/ca hát cách biếng nhác/thụ động không là phụng vụ.

Thật ra, ta còn thực hiện việc “dọn sạch” cả trong đời của mình nữa. “Dọn sạch” cuộc sống ở nhà. Tại sở làm. Với bạn bè và cho bạn bè, như thế mới đúng. Nên, “dọn sạch” là việc trước nhất Chúa tỏ cho mọi người biết rõ đường lối Ngài đối xử với con người. Nếu nghĩ rằng: việc tiên quyết ta phải làm là: xây dựng đền thờ mà thôi, tức là ta đã lật ngược ưu tiên trên dưới, được sắp đặt. Chúa nhập thể làm người, Ngài đâu thực hiện ở chốn thánh thiêng/đền thờ hay hội đường. Nhưng, ở thôn làng nhỏ bé có căn phòng bé nhỏ để thú bầy nghỉ ngơi, thế thôi. Nên, “dọn sạch” cuộc sống huyền nhiệm qua nghi tiết phụng vụ, là bắt đầu từ nhà.

Làm chuyện lành thánh ở nhà và với người thân, là đã chứng tỏ tình thương yêu của Chúa. Làm như thế, tức cử hành nghi tiết phụng vụ rất huyền nhiệm! Ngôn ngữ đời thường cho thấy: thật ra không phải như thế hiểu theo cách trọn vẹn. Trên thực tế, ta không thể cử hành nghi tiết phụng vụ tại nhà của Chúa mà lại không thực hiện điều ấy, ngay nhà mình. Bí tích rửa tội sẽ không long trọng và đủ nghĩa nếu không có tiệc mừng sinh nhật ngay sau đó. 

Bí tích xá tội ở toà cáo giải, cũng sẽ không mang ý nghĩa thực thụ, nếu ta không được người thân thuộc nhà mình cảm thông yêu thương, ngay trước đó, khi sai phạm điều gì khó coi. Cũng thế, Tiệc Thánh sẽ không là chuyện thực tế nếu trước đó, ở nhà, ta chẳng có gì để ăn. Cũng thế, lễ cưới nhà thờ sẽ không đáng để đôi trẻ ký kết sống trăm năm cuộc đời, nếu hai người không thực sự yêu nhau và cưới nhau. Cả việc hai vợ chồng mới cưới ôm hôn hoà bình trước mặt mọi người, ở nhà thờ, sẽ không còn ý nghĩa nếu cả hai người không thực lòng yêu nhau, ngay tại nhà mình. Xức dầu kẻ liệt, sẽ là việc phiền toái rất vô nghĩa nếu không ai chịu ở lại để đỡ nâng người bệnh đang cần mọi người đến giúp.

Vậy, cử hành nghi tiết phụng vụ ở nhà thờ để làm gì? Có nghĩa gì?   

Dĩ nhiên, ta vẫn cần nghi thức như thế. Nhưng, có nhiều cách diễn tả tình thương của Chúa, mà cuộc sống ở nhà hoặc sinh hoạt nơi làm việc, hoặc nơi bạn bè vui chơi, đều giới hạn để ta có thể “cưu mang” tình nồng thắm rất yêu thương. Ta vẫn cần khung cảnh lớn rộng hoặc nơi thuận tiện để mọi người trong gia đình cùng đến với nhau mà tỏ bày tình thương yêu Chúa uỷ thác. Vẫn cần nơi rộng rãi để thực hiện việc ấy cho kết quả. Tuy nhiên, kết quả của nơi chốn lớn rộng như đền đài thánh thiêng vẫn tuỳ vào khung cảnh nhỏ bé, ở gia đình trước đã.

Phải chăng những thứ ấy làm ta dễ tỏ bày tình thương yêu với mọi người, và với nhau hơn? Làm thế có để cho động thái diễn tả tình thương yêu mật thiết hầu tỏ bày thực chất điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi người không? Nếu có, ắt ta sẽ chẳng cần ai đến “dọn sạch” chốn đền đài ta sinh hoạt? Bởi, Chúa vẫn cùng ta sinh hoạt trong cuộc sống, ở đời.

Chừng như thập niên qua, người Công giáo cũng đổi thay theo chiều hướng tốt. Nhất là chiều hướng hiểu rõ nhiệm tích thánh thiêng đối với mình. Có thể, họ không dùng ngôn từ chính xác để nói lên điều đó, nhưng thực sự hiểu biết hơn. Có thể, họ không cần ai giải thích để có cảm giác giống như thế, ngang qua các đổi thay trong phụng vụ. Có thể, các cấp lãnh đạo tôn giáo không mấy thích thú đón nhận họ khi họ làm thế. Tuy nhiên, nay mọi người Công giáo làm được việc ấy, mới là chuyện tài tình.

Ngày nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục “dọn sạch” đền đài Ngài ngự qua và bằng vào nghi tiết phụng vụ được “dọn sạch” theo cung cách giản đơn để người tín hữu theo chân Chúa hiểu rõ hơn. Có thể nói: toàn bộ cuộc sống rất hiện hữu của người Công giáo nay cũng đổi thay. Vẫn tiếp tục thay đổi như thế mãi, chứ không chấm dứt vào lúc thánh lễ vừa hoàn tất.

Cả ở Tiệc Thánh, người tham dự như đang nghe Ngài thầm nói: Này Ta đây, đang đến với con. Và con dân của Ngài cũng đang nói với nhau, những câu nói hệt như thế. Chứ không chỉ làm mỗi việc “dọn sạch” đền thờ Chúa ngự, thôi. Nói chung, người dự Tiệc Thánh đang làm những điều được Chúa đỡ nâng để hoàn tất, đúng ý Ngài.

Tựa như cử hành lễ cưới, người người đều nghĩ đến tiệc cưới mỗi ngày trong đời mình. Và mỗi khi hiểu lầm một ai, người con của Chúa vẫn nên tìm đến nhau mà sửa sai/xin lỗi để rồi thông cảm nhau, yêu thương nhau nhiều hơn trước. Đó là phụng vụ cuộc đời, có “dọn sạch”. Đó là đền thờ nơi Chúa ngự mọi ngày/mọi lúc trong đời.

Dự Tiệc ở đền thờ, còn để nhận lãnh phép lành từ Hội thánh. Ơn ấy, không chỉ hoá giải lỗi lầm ta vi phạm mà thôi, nhưng còn là tiến trình mang đến cho mình biểu hiện của tình thân thương mật thiết. Có điều là: để ý một chút, ta sẽ thấy Hội thánh nay cũng hơi khác Nước Trời cần phải có, như dạo trước. Hội thánh phải luôn là hội của các thánh biết sống đời lành mạnh, biết khám phá ra Đức Kitô và tin vào Ngài. Hội thánh phải nhận chân ra rằng: nhóm hội rất thánh của mình là chốn đền đài nơi đó mọi người sẽ sống khác xưa, vì niềm tin và tình thân thương lẫn nhau do niềm tin mang đến. Tin rằng: Chúa vẫn yêu ta và chờ đợi ta yêu Chúa đang hiện diện nơi mỗi người và mọi người.

Quả thật, hôm nay Hội thánh tưởng nhớ ngày Chúa “dọn sạch” đền đài của Ngài. Ơn thánh không phải là thành phần của công cuộc trị liệu cách tiểu tiết, bán lẻ. Thế nên, cũng đừng tìm cách mua bán/đổi chác mọi thứ để được ơn lành Chúa ban. Bởi, Chúa của ta đâu nào bán buôn. Nhưng, hãy tỏ bày niềm cảm kích biết ơn nhau nhiều hơn, vì Ngài độ lượng nên mới giới thiệu với ta tình Chúa Cha yêu thương hết mọi người. Dự Tiệc Thánh hôm nay, cũng nên biết rõ điều ấy, để ta không còn cần Chúa đến “dọn sạch” đền đài Ngài ngự, hầu dồn “hết tâm hồn và hết cả da xương” vào việc thực hiện Lời Chúa, qua yêu thương.

Trong tâm tình đó, cũng nên ngâm tiếp lời thơ yêu còn bỏ ngỏ ở đâu đó, rằng:

                        “Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi

                        Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn

                        Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

                        Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.”

                        (Bùi Giáng – Phụng Hiến)

“Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi”, là ý nghĩa của đời người mà nhà thơ nay khám phá. Thế đó, là niềm riêng con dân nhà Đạo nay cương quyết. Quyết thể hiện tình thân thương mật thiết để Chúa không đến “dọn sạch” đền đài Ngài ngự như Ngài đã làm với người Do thái ở Giêrusalem chốn nguy nga, hoành tráng rất thánh thiêng, là Đạo Chúa.

            Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn –Mai Tá lược dịch.