Saturday 24 June 2017

“Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ hết”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần thứ 13 thường niên năm A 02/7/201

Tin Mừng (Mt 10: 37-42)
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy (Mc 9,41)
"Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
"Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
"Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."


“Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ hết”
Ôm khối hận gia đình, trĩu nặng
Tôi căm hờn, thù ghét hôn nhân
Lang thang sống, giữa vùng im lặng
Chuỗi ngày tan tác, mảnh phù vân.
(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)
Ghét hôn nhân - Hận gia đình. Lang thang. Căm hờn. Thù ghét. Có là, tình tự khiến nhà thơ thấy lòng trĩu nặng, tan tác mảnh phù vân? Im lặng - tan tác, có là tình cảnh xảy đến nếu không bắt chước Phêrô tuyên xưng Đức Chúa, trong trình thuật?

Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa mặc khải rằng sở dĩ thánh Phêrô nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là nhờ Chúa Cha. Chúa mặc khải, đúng vào lúc Giáo hội vẫn ngờ ngợ về vai trò của đấng chủ quản Hội thánh, lúc ấy.

Là chủ quản, thánh Phêrô còn là ảnh hình của sự ổn định trong Giáo Hội. Hơn nữa, thánh nhân cũng duy trì được truyền thống của cộng đoàn dân Chúa, ngay từ đầu. Truyền thống hiệp nhất. Truyền  thống không lung lạc. Hiệp nhất không lung lạc, nay lan rộng tới dân gian, ở nhiều nước. Cả các nước có bản sắc văn hoá đa dạng. Rất đặc thù. Riêng lẻ. Ở nhiều nơi. Và hôm nay, Đức Giáo Hoàng hiện thân như thánh Phêrô, là đấng bậc quản cai duy trì sự hiệp nhất dài lâu ấy, trong Giáo hội.

Hôm nay, các giáo hội cùng tin vào Chúa, dù không mang sắc mầu hiệp nhất như giáo hội Công giáo La Mã, cũng đã và đang hiệp thông với ta, để rồi sẽ trở thành Hội thánh duy nhất. Một cộng đoàn đa năng, quyết thực hiện hiệp nhất đại kết Chúa đã khuyên vào bữa tiệc Tạ Từ, chiều hôm ấy.

Từ buổi ấy, Hội thánh đã và đang hoạt động đến cùng mút sức lực của mình, hầu đẩy lùi làn ranh biên thuỳ đến mọi nơi. Ranh biên, không theo địa dư nhiều hạn chế, nhưng theo ưu tư kiếm tìm vùng bị bỏ rơi trong quên lãng. Hội thánh nay đạt đến phương trời dồi dào ân đức bằng phương tiện truyền thông, rất mới.

Chính vì thế, Hội thánh nay cũng canh tân chuyển biến. Rất liên hồi. Rất đổi mới. Canh tân, tiếp cận thế giới đang đổi thay đến chóng mặt. Đổi thay tận gốc rễ. Đổi thay, không chỉ mặt kỹ thuật tân kỳ, mà cả về nhận thức lẫn tâm tưởng để sẽ trỗi dậy, trong tinh mơ. Rộng khắp. Cùng với thế giới đã đổi và có thay, Giáo hội nay mời gọi dân con nhà Đạo cũng hãy thay đổi theo phương hướng thích hợp. Tân kỳ

Một thần học gia Châu Á nọ có nói: “Thế giới hôm nay đang lập nghị trình mới để Giáo hội thực thi, mà thay đổi”. Nói thế, ông không có ý bảo: Giáo hội phải đi theo hướng của thế giới đã đổi mới, mà thích nghi. Nhưng, nên hiểu là: việc rao truyền Lời Chúa hôm nay cần làm sao cho tương xứng với đường hướng sống động của thế giới, đã biến đổi. Rủi thay, nhiều vị trong Hội thánh vẫn mang lối sống chẳng buồn đổi thay. Chẳng tha thiết nhận ra bản chất của thế giới mình đang sống. Để từ đó, cần có những bước cải tiến, trong:
*cách chuyển tải thông điệp;
*tái cấu trúc cơ chế;
*có phong thái biết tiếp cận thông điệp một cách chính xác; và,
*thực hiện đối thoại một cách thực tiễn với thế giới đương đại.

Rất có thể, thế giới hôm nay không còn muốn nghe những gì Hội thánh nói, nhưng vẫn hiểu Hội thánh đang nói gì. Từ đó, mới nắm bắt điều Hội thánh đề nghị; ngõ hầu sống hứng khởi. Hạnh phúc.   

Thế giới đã biến đổi, nay kéo theo sau nhiều thách thức mới. Thách thức, trong nhận định về những gì sai - đúng. Thách thức, về quyết tâm cần đổi thay. Bởi, có thay đổi mới nắm bắt được các vấn đề mới. Các yếu tố mới, nơi xã hội đang trở mình. Yếu tố mới ấy, sẽ đậm nét hơn khi ta nhìn vào cảnh nghèo khó, trong xã hội. Về những bất công, kỳ thị. Về hành vi bóc lột. Thiếu tự do. Về cách sống Đạo và cả những lo toan cho một nền hoà bình thế giới, rất chung. Có như thế, Hội thánh mới tạo phong cách đã biến đổi trong rao truyền Lời Chúa. Hầu, làm chứng cho yêu thương, công bằng. Tự do. Và an bình.

Muốn được thế, Hội thánh cần mặc lấy cho mình vai trò của ngôn sứ. Biết lo toan dựng xây trên nền tảng truyền thống, nhất quán. Biết loại bỏ phong thái tiêu cực như vùi đầu trong cát, né tránh sự thật. Cùng là phong thái lơ là chểnh mảng trong duy trì truyền thống. Hoặc, chỉ khoác lên mình những biến thái tưởng như mới mẻ, nhưng chẳng dựa trên nền tảng nào hết. Gia dĩ, có vị còn bày tỏ nhiều phản chống, không quan tâm. Hoặc, vẫn trùm mền, lặng thinh. Hành xử này, chẳng giải quyết được gì. Dù nó có xuất phát từ chính Hội thánh. Hay, chỉ là vấn đề của thời đại. Mà thôi.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh nhiều đến sự hiện diện của Đức Chúa nơi Giáo hội. Bằng vào hiện diện này, Hội thánh tin và nhận rằng Đức Kitô là nền tảng vẫn giúp đỡ Hội thánh sống vững mạnh. Sống, duy trì truyền thống thương yêu, không ngơi nghỉ. Đức Kitô vẫn đỡ nâng Hội thánh, trong mọi tình huống. Trong nâng đỡ, Ngài tặng trao “chìa khoá Nước Trời”, uy lực quyền bính Ngài nhận từ Cha.

Trải qua nhiều thế kỷ, Hội thánh vẫn ngủ vùi trong lãng quên. Cũng may, Hội thánh vẫn có được ân sủng lãnh nhận từ Chúa, từng hứa ban. Hội thánh vẫn tăng trưởng và lớn rộng về con số. Vẫn trung thành với nguyên tắc nhận từ Thầy Chí Ái. Và, có được bản chất Thiên Chúa, xứng hợp với niềm khao khát sâu xa nơi bản chất người. Thế nên, Hội thánh không bao giờ ngã quỵ. Sự Thật và Tình Thương vẫn  không hề mai một.

Ở bài đọc 1, sự thật và tình thương được thể hiện qua việc thánh Phêrô bị nằm tù vì đã giảng rao thông điệp của Chúa và Nước trời. Cả Phaolô nữa, thánh nhân cũng cùng chung số phận tù đày, không thua kém. Phận tù đày, là để Lời Chúa được vinh quang, trải rộng. Khi thoát cảnh tù đày, thánh Phêrô đã trở về lại với cuộc sống giảng rao. Về người Thầy. Việc này mang ý nghĩa: Chúa vẫn duy trì bảo vệ Hội thánh như Ngài hứa. Nơi Phúc Âm.

Bài đọc 2, thánh Phaolô một lần nữa nói về cuộc sống rất phục tùng: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy hết chặng đường; đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4: 7). Và, thánh nhân còn nói về việc Chúa đã bảo vệ ngài ngang qua thử thách, tố khổ, và bách hại: “Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, và cho mọi dân tộc được nghe biết.” (2Tm 4: 17). Thánh Phaolô cũng nói: Chúa tiếp tục bảo vệ thánh nhân, rất nhiều năm.

Hân hoan mừng lễ các vị tông đồ rường cột của Hội thánh, có lẽ không gì bằng ta tập trung nguyện cầu để mọi thành viên biết thuỷ chung với truyền thống Giáo hội. Một Giáo hội, đã trải qua ngàn năm khốn khó. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận canh tân biến đổi. Để rồi, cuộc sống mỗi người sẽ thích hợp với thông điệp Chúa gửi đến. Nguyện cầu, cho ta còn biết khao khát tình thương và sự thật. Cầu cho những người chưa đổi thay, nhiều thế kỷ.

Vào Tiệc thánh có nguyện cầu, ta cùng với Giáo hội cử hành phụng vụ trong hân hoan chứng tỏ quyết tâm ra đi thi hành sứ vụ giảng rao. Rao giảng rằng, Chúa uỷ thác cho ta qua Đức Kitô, một cộng đoàn hiệp nhất. Tề tựu nơi đây. Quanh bàn thánh này. Để, ta sẽ làm chứng cho Chúa. Để, cộng đồng ta đang sống viết lên nghị trình hoạt động hăng say, đầy truyền thống cho giáo hội địa phương. Giáo hội sở tại.

Điều cần là, ta cử hành phụng vụ ngày của Chúa, có lòng thành và phẩm chất cao. Có niềm vui hiệp nhất. Mang ý nghĩa thực sự phản ánh cuộc đời hứng khởi ta đang sống. Sống trung thực. Sống yêu thương, như Chúa kêu mời ta uỷ thác. Rất canh tân. Thật đổi mới.

Lm Frank Doyle sj biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

Saturday 17 June 2017

“Nhưng Chúa hiểu tại sao con yêu người lắm”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần thứ 12 thường niên năm A 25/6/201

Tin Mừng (Mt 10: 26-33)

Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 

"Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

“Nhưng Chúa hiểu tại sao con yêu người lắm”
“Con nguyện cầu tình con luôn đằm thắm
Chia nụ cười , an ủi lúc khổ đau
Giúp chúng con luôn nâng đỡ lẫn nhau
Và xin Cháu bảo tồn tình con nhé.” (dẫn từ thơ SC)

Trong nguyện cầu, nhà thơ mong tình yêu luôn đằm thắm. Thắm tình người, thắm cả vào lúc khổ đau. Tình người hôm nay, Chúa có nói: “đừng sợ! Chớ lo! Kẻo mất tình thân thương, cộng đoàn. Không sợ và chẳng lo nhưng vẫn giữ tình dân con, là tâm tình Chúa nhắn nhủ, ở Phúc âm.

Phúc âm hôm nay, ghi rõ lời Ngài: “ Anh em đừng sợ!” Sợ ở đây, là: sợ cho sự an toàn của cải. Sợ, cả khi mọi chuyện đang yên ổn. Với cộng đoàn tình thương, an toàn của cải không là vấn đề chính, để ta lo. Mà, chỉ nên lo lắng cho nhau; san sẻ những gì mình có, chuyển cho người thiếu thốn, đang cần.

Bài đọc hôm nay, đặt trọng tâm vào việc thiết yếu: những chuyện có thể xảy đến với ta trong khi ta sống và thực hiện Lời Chúa, một  cách nghiêm chỉnh.  Như đã biết, bước theo chân Chúa nên hiểu cho đúng, (chứ không chỉ là chuyện lo đi nhà thờ/đọc kinh), mà là gieo rắc và truyền giao thông điệp thương yêu, công bình và an lạc bằng lời nói và hành động. Thông điệp này, đã và đang bị nhiều người coi như một mối đe doạ, cần phản bác.

Điều ảo tưởng lâu nay ta vẫn có, là: người theo Chúa cách trọn vẹn, chắc chắn là những người luôn được mọi kẻ yêu thương – thán phục. Nhưng, không phải thế. Người theo Chúa, thường hay bị ghen ghét, vì Danh Ngài. Thật ra, là Kitô hữu đích thực, không hẳn là kẻ được mọi người yêu thương tìm đến, thán phục. Nhưng, chính là người, bằng vào lời nói và gương sáng, biết rao truyền thị kiến sống trọn vẹn, điều Chúa khuyên.

Dù luôn được Chúa nhủ khuyên, nhưng Kitô hữu chúng ta lại hay mâu thuẫn khi so sánh cuộc đời mình với cuộc sống nhởn nhơ ngoài đời. Sống điều Chúa khuyên, dù rằng hiền lành, tử tế, yên hàn,bất bạo động, chẳng đụng chạm đến ai. Thế mà, vẫn bị người đời coi khinh, ghét bỏ,  thậm chí, có vị còn bị đe doạ/ trù dập nguy đến tính mạng, nữa. Trường hợp điển hình như thế, vẫn dẫy đầy nơi lịch sử nhà Đạo.

Dễ thấy nhất, là trường hợp Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bị giết đang khi dâng lễ, ở El Salvador. Sau cái chết của ngài, sáu linh mục đồng hành cũng bị vạ lây và bị giết, lúc nửa đêm. Công việc các ngài làm, chỉ là kêu gọi phải công bình trong đối xử với giới nghèo hèn/bất lực trong xã hội. Điều tệ hại, là: sự dữ cứ xảy ra không chỉ tai Nam Mỹ, mà còn ở nơi khác nữa. Ở nhiều nơi, dân con Đạo Chúa chỉ muốn sống đời Phúc Âm thôi, cũng bị bách hại.

Phúc Âm hôm nay, gợi nhớ Lời Ngài dạy: 

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”  (Mt 10:32)

Sống Lời Chúa, ta sẽ được Ngài bảo vệ và giúp đỡ. Được Chúa giúp, ta không còn nguy cơ để luột mất sự sống của chính mình. Bởi, trên thực tế, nhiều người vẫn cứ nhượng bộ chấp nhận sự xấu để được sống thoải mái dễ chịu. Chính vì thế, Ngài đã bảo:

Anh em đừng sợ những kẻ giết được xác, nhưng không giết được hồn; hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác, trong hoả ngục”. (Mt 10:28).

Quả thật, lo sợ lớn đối với mọi người không là sự chết, nhưng sợ bị lôi cuốn mà phản lại các đặc trưng / đặc điểm lâu nay ta vẫn có, trong cộng đoàn. Sống có đặc trưng/đặc điểm nơi cộng đoàn, là sống biết truyền rao thông điệp của Chúa. Đó là cuộc sống của tiên tri/ngôn sứ. Sống tiên tri, không có nghĩa sống theo kiểu cách của nhà phù thuỷ, biết trước sự việc xảy đến. Sống tiên tri, là đọc được “dấu chỉ thời đại”. Là, biết hướng đi xấu của xã hội đang trên đà đi xuống. Sống tiên tri, là như Winston Churchill thập niên ‘30’, đã dám tự mình chống lại chính sách nhượng bộ, muốn quay sang với Hitler.

Sống tiên tri, là sống vai trò đã diễn tả ở bài đọc một, trong đó ông Giêrêmia lúc ban đầu chẳng muốn làm ngôn sứ. Ông nghĩ, mình không đủ tài năng và tư cách làm theo lời Chúa, cho đến khi Chúa quyết định chọn ông. Và khi ấy, ông chợt nhận ra: vai trò truyền rao thông điệp của Chúa, đã làm, đã làm mất đi nhiều bè bạn, nên ông nói:

“Hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!
Tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.”
( Ge 20:10).
           
“Tố cáo và rình xem con vấp ngã”, là cách thức con người ngày nay đã đối xử với Gandhi, Martin Luther King, và nhiều ngôn sứ khác. Tố cáo và rình rập, vẫn dễ làm hơn là chịu nghe theo lời khuyên. Và ngôn sứ đã đã chịu nghe vì biết có Thiên Chúa, có Đấng –Là- Sự- Thật luôn chống đỡ:

“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con,
như dũng tướng vạn năng;
bởi thế, những kẻ bách hại con trượt nhào không sao thắng nỗi.”
(Ge 20:11)

Hội thánh hôm nay, cũng có hai nhóm ngôn sứ. Nhóm đầu, coi như theo đúng ’hiến  pháp’ gồm giám mục, linh mục, các nhà thần học và thủ lĩnh tôn giáo, nam lẫn nữ. Vai trò của các vị này là giúp ta sống niềm tin theo đúng tinh thần Phúc Âm, ở đời thuờng. Nhóm thứ hai, là các tiên tri có “đặc sủng “ theo đúng nghĩa của thế giới gian trần. Là những Martin Luther King,những Giám mục Romero thời đại, ta vẫn thấy. Nói chung, ngôn sứ là những vị biết trao tặng đời mình cho những gì mình tin tưởng.

Cùng một chiều hướng, có thể nói không sai rằng: Mẹ Têresa Calcutta đã là ngôn sứ. Mẹ là ngôn sứ không theo nghĩa những gì mẹ nói. Nhưng là theo những gì mẹ làm. Nhất thứ, điều mẹ làm đã nhắc ta nhớ đến kẻ nghèo nhất trong số người nghèo hèn. Và, nhận ra diện mạo Đức Chúa nơi người hèn yếu. Cũng nên biết rằng, tên và tuổi chúng ta đã và đang được sắp vào danh sách các ngôn sứ Đạo Chúa ngay ngày hôm nay. Trong cộng đoàn thân thương của chính mình.

Với Tân Ước, ngôn sứ là quà tặng của Chúa Thánh Linh. Và theo ý nghĩa đích thực của danh xưng, đây chính là “ ơn gọi” rất đặc thù. Tuy nhiên, một số loại hình của vai trò ngôn sứ đã có sẵn nơi mỗi một người chúng ta. Bởi, khi thanh tẩy, ta đã đã được  mời gọi làm nhân chứng cho giá trị của Lời Chúa. Nhân chứng, bằng lời nói và bằng gương sáng trước các nghịch cảnh xảy ra ở gia đình, nơi sở làm, ngoài phố chợ và đường đời.

Giả như, ta thấy sống đời con Chúa không khác gì như đời sống của người dưng ở đời thường. Hoặc giả như cộng đoàn ta sinh hoạt chẳng để lại dấu ấn nào với xã hội quanh ta thì lúc ấy ta cũng nên tự kiểm, coi xem lối sống của ta có phản ánh điều Phúc Âm vẫn đòi hỏi không. Bởi, chúng ta tề tựu quanh nhau mỗi tuần để dâng tiến nguyện cầu thôi, chưa đủ. Cuộc sống của ta phải làm chứng cho sự công bình, phẩm cách, chính trực, tinh thần phục vụ, san sẻ nguồn lợi tức, bảo vệ kẻ hèn yếu, bị bỏ rơi, mới đúng nghĩa.

Sống làm chứng, có thể gây nhiều phản đối/chống trả từ phía bạn bè/người quen. Sống, với chủ trương ‘lương thiện’ hơn bon chen, ‘phục vụ’ hơn thao túng, ‘công minh’ hơn ngạo mạn. ‘Bảo bọc, giùm giúp’ khách lạ người dưng hơn cứng ngắc với luật lệ, vẫn là, những việc khó làm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, sống chính trực với Đức Kitô, vẫn hơn là o bế mị dân để lôi kéo kẻ yếu về phe ta. Và, trong mọi trường hợp, vẫn cần tin tưởng nơi Chúa và nơi chính mình. Và trên hết, cần thâm tín rằng: phương cách duy nhất làm lợi cho mọi người là Đường Chúa dẫn đi.

Trong tin tưởng vào Đường Chúa dẫn đi, ta chung vui góp giọng cùng lời ca hôm trước:

            “ Cho tôi được một lần
            Nhìn quê hương đợi sáng
            Một lần nhân nghĩa sống lên ngôi
            Người người cùng chung vui một lối
            Đời thôi không lừa dối
            Vì đã yêu thương rồi”
(Bảo Thu- Cho Tôi Được Một Lần)

Đúng thế. Khi, người người cùng chung một lối- lối sống, lối nhìn sự việc – thì đời người sẽ “thôi không lừa dối”, mà là yêu thương. Yêu, như Chúa vẫn dạy. Yêu, khi “chia nhau nụ cười”, và “ an ủi lúc khổ đau”. Yêu, bằng tình đằm thắm. Rất thân thương.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.

Saturday 10 June 2017

“Linh hồn em vội vã, vẽ chân dung”



Suy Tư Tin Mừng sau lễ Mình Chúa ngày 18/6/201

Tin Mừng (Ga 6: 51-58)
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói:
"Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"
Đức Giêsu nói với họ:
"Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

“bay vội vã, vào trong hồn mở cửa.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Vội hay không, thì anh và em nào vẽ được những chân dung, của hồn mình. Chí ít, là khi vẽ xong, em cũng vội bay vào trong hồn mở cửa. Phải chăng, đó là tâm trạng của người đời? Còn nhà Đạo, nay vẽ gì khi mừng kính Mình Máu Chúa, rất Kitô?

Trình thuật hôm nay thánh Gioan cũng có ghi nhưng không vẽ. Thánh nhân ghi, là ghi về Thánh Thể, để kể về cuộc đời Chúa có tình yêu, sự sống, rất văn chương.

Cứ sự thường, người người bảo: ở văn chương thi tứ, bốn thể loại thấy rất rõ để diễn tả đời người và người đời, là: kịch tính, mỉa mai, hài hước, lãng mạn. Tình tiết này, ăn khớp với bốn mùa: thu, đông, xuân, hạ, rất nghe quen.

Xét về kịch tính của cuộc đời, người người sẽ thấy thời khắc/tháng năm luôn thăng trầm, khó lẩn tránh. Chỉ có tình yêu, mới kiên định được nổi khó khăn, cần hy sinh. Tính mai mỉa ở người đời, ai cũng thấy mặt ngoài có vẻ dễ chịu, nhưng bản chất thật khó chịu. Trường hợp này, tình yêu là những ngày dài đầy khổ đau. Nhưng, với các vị tử đạo dù bị bức bách, vẫn không chịu đầu hàng.

Tính hài hước của cuộc đời, người người kỳ vọng sẽ thấy ngạc nhiên xảy đến, dù rất khó. Nhưng khi đó, tình yêu sẽ là những tháng ngày hoà lẫn giữa thích thú và chán buồn. Chỉ mong có được kết hậu, để vui hơn. Tính lãng mạn của cuộc đời, người người sẽ quên mất thực tại, chỉ giữ lại những mộng mơ, vào ngày cuối. Và khi ấy, tình yêu là thế giới tư riêng, không như ý. Xem như thế, đời người vẫn trải nghiệm những phấn đấu, xúc cảm, rồi buồn bã, và thức tỉnh.

Xét văn chương, ta thường bảo mọi chuyện đời đều chất chứa tính “cổ điển”. Và, một trong các đặc trưng của “cổ điển”, là sự chan hoà giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Từ đó, người người sẽ hiểu: đời mình là sự hoà tan rất nhiều thứ, cũng giống như tình yêu vốn đượm nhiều sắc thái nên vẫn khiến người từng trải rày sẽ bảo: đời là thế. Nào có khác tình yêu đâu! Đến đây, ta sẽ bảo: chuyện tình đời gia đình mình cũng mang tính cách cổ điển, hệt như thế.

Phúc âm ta đọc từ mùa Phục Sinh cho đến Lễ Ngũ Tuần, cũng đều mang tính cách “cổ điển”, như cuộc đời. Tức, cũng hoà trộn một cách nhuần nhuyễn giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Chương 11-12 Tin Mừng thánh Gioan là một ví dụ cụ thể về kịch tính, từ cái chết của Ladarô, đến các phản ứng Đức Kitô cho đến sự việc Ngài lên đường đi Giêrusalem, cũng thế.

Chương 5-10, là thể loại trào phúng, rất mai mỉa. Trong đó, thánh sử ghi rõ Chúa là Vị Thẩm Phán rất đích thực. Ngài là Bánh Hằng Sống. Là Nước. Là, Ánh Sáng. Là, Đấng Chữa Lành và là Vị Mục Tử Chân Chính, rất đích thực. Chương 2, hiện rõ văn phong lãng mạn, trữ tình. Có, thánh Gioan Tẩy Giả nói đến niềm vui của lang quân. Có truyện Đức Giêsu đối thoại với nữ phụ người Samari. Nói tóm lại, với Tin Mừng thánh Gioan, cuộc đời Chúa là sự chan hoà giữa bản chất đích thực của tình yêu và sự sống.

Cách đây ít năm, ở Úc, có trình chiếu bộ phim mang tên “Người vẫn cứ đi”. Phim, do tác giả người Nhật từng viết “Chẳng ai biết rõ” nay xây dựng trên kịch bản làm nền cho phim, để bàn về quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trước nhất, là nhân vật chính thủ vai mẹ già rất truyền thống sống trong nhà. Cụ Bà luôn chuẩn bị của ăn thức uống, phụ giúp con gái ruột của mình, tức nhân vật thứ hai trong cốt truyện.

Ở đoạn khác trong phim, lại có thêm nhân vật thứ ba, là gia chủ đang năn nỉ vợ (tức nhân vật thứ tư) nên về xin lỗi mẹ già, để rồi cùng hẹn sẽ đến thăm cụ dù chỉ trong thoáng chốc. Trên đường về, ông mải bận tâm lo lắng về chuyện họp mặt gia đình để bắt vợ mình phải đeo mang quà cáp, đồ đạc cũng rất nặng. Và rồi, cả hai cũng gặp mẹ. Hôm đó, có mặt cả người cha (tức nhân vật thứ 5), một bác sĩ về hưu, tai hơi lãng.

Nhân vật thứ sáu là người chị cả, cũng đã đến. Đi theo sau, là ông anh rể vui tính (nhân vật thứ 7) cùng với hai con. Thoạt xem phim, khán giả thấy đó như cuộc liên hoan đoàn tụ, của gia đình. Nhưng vẫn thiếu một thành viên nữa, tức nhân vật số 8, là người anh lớn đã tử nạn, cách đó đến 15 năm. Và, mẹ già hôm ấy lại vẫn muốn mời một người trong làng mà cụ cho là thủ phạm lỡ gây ra cái chết của con cụ (nhân vật số 9). Cụ nghĩ thế, nên anh ấy cũng chẳng thể nào quên được chuyện đau buồn từng xảy ra. Và cuối cùng, người con út còn nhỏ tuổi cũng đã đến. Tổng cộng, là 10 người. Mỗi người mỗi vẻ, làm nên tính chất rất đặc thù của đời người.

Chuyện đời người nói ở đây, cũng “bình thường”. Nhưng, khá phức tạp và tế nhị. Tế nhị nhất, là đoạn nói về năm tháng vẫn trôi qua, không ngần ngại/do dự. Có im lặng là vàng. Có một chút đắng cay. Một chút hy vọng sẽ không bị kềm toả, bởi vật chất. Có cảm xúc rất bất chợt. Có người vắng mặt. Cũng có tình yêu tuy biểu lộ không nhiều. Có, niềm vui chung tuy gượng ép. Nhưng, tất cả đều đã chói sáng bằng lớp vỏ bọc ngoài. Và, sáng hơn cả vỏ bọc nữa. Đó chính để tỏ lòng hiếu đễ với bậc tổ tiên, cao niên.

Bối cảnh của phim trông tựa như khu vườn còn khép kín. Có, cửa đóng then cài. Có, cuộc sống nghịch thường. Có, đủ mọi tình tự lẫn đặc thù tưởng chừng như giả vờ làm thân cho đẹp lòng người mẹ rất cao niên. Nhưng bên dưới lớp vỏ bọc lịch sự/lễ phép ở bên ngoài, vẫn là những tâm tính chua cay, hận thù. Khuất tất.

Nhân vật chính, là cụ bà cao niên ra như vẫn hằn in tâm trạng độc đoán. Cứng ngắc. Bởi, thực tế cuộc đời, là người ai mà chẳng độc đoán. Khó tính khó nết. Cái tính rất khó của cụ bà trong phim, là sự độc đoán/khó chịu ngày một gia tăng. Và, vẫn cứ bộc phát vào ngày con cháu tụ họp hằng năm, Để đến nỗi, người con út vốn tính thẳng thắn, bộc trực vẫn không chịu tham dự.

Tất cả mọi nhân vật trong phim đều như đang đối đầu với một chuyện. Đó là, sự thiếu vắng. Như hồn ma cứ ám ảnh người nhà. Tức, mọi người vẫn cứ phải sống mà không được phép lựa chọn hoặc trắng hoặc đen, chỉ một mầu. Hoặc ngọt ngào hoặc cay đắng, một cuộc đời.

Tuy nhiên, tựa đề của phim truyện vẫn còn ghi dấu “Người vẫn cứ đi”. Đi mãi không ngừng. Phải chăng là đi về với hòa giải, hoà hợp. Chừng như có thứ gì đó không thể lẩn tránh. Thứ gì đó, rất bi ai.

Hôm nay, Hội thánh mừng kính Lễ Mình Máu Chúa Kitô, rất Thánh Thể. Lễ hội này, các gia đình đều đến nhà thờ để tham dự, và rước Mình Thánh Chúa. Cuộc sống hài hoà của các thành viên Hội thánh hoà lẫn với sự sống tràn đầy của Đức Kitô. Cuộc sống Ngài nuôi dưỡng thành viên, như gia đình. Có thăng, có trầm. Có hy vọng, có hạn chế. Nhưng Ngài vẫn trao ban quà tặng như mọi người trông ngóng trong quá khứ. Và, tương lai. Có, thứ gì đó đánh động mọi người, từ bên ngoài. Chính đó là ơn huệ. Để, ta cảm tạ.

Đón rước Mình Thánh Chúa vào buổi Tiệc Thánh Thể cũng là một chữa lành. Trên thế gian, không phải gia đình nào cũng rách nát như phim truyện. Nhưng, mỗi người vẫn duy trì những bí ẩn của đời mình, không thể hàn gắn. Không thể chữa lành. Thế nên, hôm nay, mọi thành viên Hội thánh cùng với gia đình khác mình không quen cũng đến dự Tiệc Thánh để được chữa lành, từ Thánh Thể. Thánh Thể, chuyển biến tất cả thành người phàm có quan hệ mật thiết, với nhau. Có, hạnh phúc từ những phúc hạnh mà chính mình không tạo được cho mình. Hoặc, cho người nhà mình.

Tất cả đều trở về nhà mình và “vẫn cứ đi”, nhưng không biết. Biết rằng, chính mình là thành phần của Thân Mình rất Thánh, Đức Kitô.

Trong hân hoan cảm nhận, cũng nên về với lời thơ còn để ngỏ, ở bên trên, mà ngâm rằng:
“Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa.
Gặp hai hôm, thành nhị hỷ của tâm hồn.
Thơ học trò, anh chất lại thành non,
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)

Chất rượu nơi “đôi mắt ngất ngây”, vẫn là thần linh của Thân Mình rất Thánh, nay mừng Chúa. Vẫn mong rằng, chất rượu ấy sẽ luôn thành “nhị hỷ” của tâm hồn người anh, người chị trong Hội thánh. Hôm nay. Và mãi mãi.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.