Saturday 27 February 2010

“Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng”


Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời.

(thơ Vũ Hoàng Chương)

Lc 13: 1-9

Xuân bốn mùa/tình trong mắt, là tâm tình người xưa, xôn xao nói. Lào rào thu/trong tay nắm, là tình Chúa xót thương, nguyệt bốn trời. Xót thương – nhân từ, Ngài thường ban cho dân con trong/ngoài Đạo, nhiều tình tự. Tình tự ấy, thánh sử còn ghi ở trình thuật, bấy lâu nay.

Trình thuật hôm nay thánh Luca nhấn mạnh đến tình Chúa thương yêu, không xoá nhoà. Không phôi pha. Không thay đổi. Tình Ngài rày thể hiện, một chữ Yêu. Yêu, là bản chất cốt thiết của Đức Chúa. Là, căn tính của Ngài. Nên, không thể nào không yêu. Yêu, là hơi ấm mặt trời, Ngài thổi tới. Cho người lành/kẻ dữ. Xấu/tốt, Ngài đều yêu. Đều, gửi đến chúng ta lời gọi mời hãy bắt chước Ngài mà thương yêu. Giùm giúp. Không điều kiện.

Liên tưởng đến Chúa là Đấng thương yêu rất mực, ta cũng nên bỏ qua một bên, những ý nghĩ sai trái về một Đức Chúa, rất giận dữ. Chuyên trừng phạt thế giới nhân trần. Tội lỗi. Bằng tai ương. Sầu khổ. Chết chóc.

Hãy xác tín rằng: tình Chúa thương ta vẫn cứ thế. Tình Ngài chẳng đổi và cũng chẳng thay. Dù, con người có tệ bạc trong hành xử, cách mấy nữa. Hiểu như thế, không có nghĩa là ta cứ đâm đầu làm liều, cả điều tốt/xấu, hay/dở rồi nghĩ rằng làm gì thì làm, Chúa vẫn thương yêu. Tha thứ. Rộng lượng. Mà, phải nghĩ là có 3 sự việc xảy đến qua bài đọc hôm nay, để răn đời:

-Ta không thể đạt được ơn cứu độ trọn vẹn, mà không do Tình Chúa xót thương, Hộ phù.

-Chúa chẳng khi nào trừng phạt con người chỉ vì họ hành xử tệ bạc. Với Chúa. Với nhau.

-Chúa sẽ không ban ơn cứu độ, nếu việc ấy đi ngược ý của ta, hoặc ta không hợp tác, với Ngài.

Quả thế. Dù, ta có lỗi phạm, Chúa vẫn thương yêu. Vẫn làm thế. Với hết mọi người. Dù, người người có làm trái ý Ngài. Vẫn phạm lỗi, tức: không còn yêu thương Chúa. Và, sẽ bỏ Ngài. Ngài vẫn cứ yêu. Bởi, tình yêu là động thái đến từ hai phía. Có tích luỹ. Yêu, chỉ mang tính trọn vẹn, khi đó là động thái hỗ tương. Thành thử, tình Chúa đối với ta sẽ không đầy tràn/trọn vẹn, nếu ta không mở lòng ra mà đón nhận. Mà, yêu thương Ngài. Khi ta lỗi phạm, Chúa vẫn yêu. Có khác chăng, chỉ một điểm: do chính ta dừng lại. Đóng lòng mình. Không yêu Chúa. Và như thế, chính ta cũng đã phá bỏ quan hệ yêu thương. Với Chúa.

Trình thuật hôm nay, có người đến với Đức Giêsu kể cho Ngài nghe chuyện người dân thành Galilê bị lính La Mã giết chết. Kể như thế, có phải họ muốn kích động Chúa, vốn là người Galilê, để Ngài chống lại nhà cầm quyền La Mã, ư? Để trả lời, Chúa kể về một sự kiện khác, và hỏi họ: “Phải chăng những người ấy chết vì tội của họ? Phải chăng đây là cách Chúa phạt? Nếu ta không bị như thế, phải chăng ta vô tội?”

Thường trong đời, ta vẫn nghe những lời bình về án phạt của Chúa, tựa như thế. Nói rõ hơn, ta gặp nhiều người cứ hỏi: nghe nói Chúa yêu thương loài người, mà sao không ngăn chặn khổ ải khỏi phải xảy ra? Nói thể, há chẳng kết luận rằng Chúa là tay phù thuỷ giật giây con rối, mà thôi, sao?

Khi có máy bay bị đám khủng bố đặt bom cho nổ, có ai dám bảo lỗi là do hành khách đáng nhận cái chết thàm như thế? Khi cả ngàn người chết tức tưởi vì thiên tai/khổ ải, phải chăng do Chúa phạt? Dịch bệnh SIDA ở Châu Phi có là cách Chúa phạt dân thường về tội dâm dục? Nếu như thế, dân lành ở huyện nhận máu cứu cấp, và trẻ em bị lây SIDA từ cung lòng người mẹ, cũng có tội sao? Chúa nào lại tệ bạc đến như thế? Chúa bớt thương yêu loài người sao? Người sống, có về với Chúa hơn không?

Lời Chúa cảnh báo:“Nếu không sám hối, các ông cũng sẽ chết như vậy.”(Lc 13: 5) Sám hối -tiếng Hy Lạp là metanoia- không chỉ là niềm ân hận chuyện đã qua, nhưng còn là: hồi hướng trở về, để thay đổi toàn diện lối sống của mình. Sống đáp trả. Và, mở lòng đáp ứng với Tình yêu của Thiên Chúa.

Điều Chúa nói ở trình thuật hôm nay, mang ý nghĩa sau đây:

-Ta thành công vượt trội trong đời sống. Có tiền của dư dật. Có nghề nghiệp/địa vị vững chãi… chưa chắc chứng tỏ ta là người tốt. Không lỗi phạm. Hoặc, được Chúa thương hơn. Về việc này, Đức Giêsu đã nói rõ, ở Tin Mừng:

-Cuộc sống khổ đau, không có nghĩa: vì Chúa hết thương ta; hoặc, vì ta tội lỗi nhiều.

Quả thật, kinh nghiệm sống ta từng trải, là dấu hiệu cho thấy tình Chúa vẫn thương ta. Dấu hiệu, ta vẫn được chúc phúc. Chúc phúc nhiều, với đầy đủ tinh thần, cảm xúc, vật chất, cốt để ta san sẻ với người khác. Ngõ hầu, ta trở nên máng tình yêu Chúa đổ tràn cho mọi người. Thiên tai. Bệnh tật. Thất bại, hoặc sầu khổ, là thông điệp Chúa gửi, để qua đó, ta thấy được dấu hiệu tình thương Chúa hiện diện. Nói cho cùng, ta có gặp nghịch cảnh mới lớn lên. Mới gần gũi Chúa. Gần, anh em đồng loại.

Tật bệnh quái ác như SIDA/ung thư, tuy nghiệt ngã, nhưng đã lôi kéo bạn bè/người thân về với yêu thương. Ấp ủ. Chăm sóc. Giàu sang/khoẻ khoắn thường dẫn con người, về với ích kỷ. Với cá nhân chủ nghĩa. Để rồi, ta quên đi mọi người. Bởi, nơi nào có tình yêu, ở đó có Chúa. Nơi nào không có Chúa, người người khó kiếm tìm tình yêu đích thực.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói về sự kiện dân Do thái theo chân Môsê đi vào chốn hoang vu sa mạc:“Tất cả đều ở dưới cột mây (tức có Chúa). Tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Cùng chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo Môsê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng. Cùng uống một thức uống linh thiêng (do Môsê lấy từ đá là Thiên Chúa); nhưng, phần đông không làm đẹp lòng Chúa; bằng chứng là họ đã ngã qụy, ở sa mạc.” (1Cr 10: 1-5)

Cậy vào căn cước của người được rửa tội, không bảo đảm ta là người có ý thức/trách nhiệm. Nhận thanh tẩy. Xưng tội/rước lễ rất đầy đủ, chưa chắc đã đảm bảo là mình yêu Chúa. Là, mình thương yêu đồng loại. Bởi, rõ ràng là nhiều vị tham dự thánh lễ như cỗ máy, rất vô tình. Vẫn nhiều năm, mọi người đều đi lễ. Đều xưng tội đầy đủ “lễ nghi quân cách”, nhưng cuộc đời họ có dấu hiệu gì là tiến bộ. Có chứng tích gì là mình triển nở, có trách nhiệm. Bởi, lần nào cũng xưng bấy nhiêu tội. Đôi lúc không xưng, vì không còn gì để xưng. Khi ấy hãy xét xem, như có gì đang xảy ra trong đời đi Đạo, của mình.

Bài đọc hôm nay cũng yêu cầu ta nhìn về lại con người mình. Nhìn, để xem mình có là cây vả khô trái, nơi trình thuật? Tuy sống đấy. Nhưng không cho hoa. Cho quả. Chủ vườn phải xin thêm một năm nữa, để vun xới. Nhưng, nếu sau một năm mà nó vẫn không cho trái, cũng nên cắt bỏ.

Mùa Chay, vẫn là dịp thuận lợi để ta chăm bón cây vườn đời mình. Chăm, để xem nó có đậu quả. Có, sinh hoa kết trái không? Với nhiều người, đây có thể là năm cuối. Mùa Chay cuối. Để, họ có dịp chăm bón cây cuộc sống. Người Công giáo, được gọi mời không chỉ để sống như Công giáo. Sống, vẫn thế. Chẳng sinh sôi. Nẩy nở. Nhưng ngược lại, ai cũng đườc mời gọi trở nên con người đích thực. Biết yêu thương. Yêu Chúa. Thương hết mọi người đang chung sống. Với chính mình.

Ta cần ví dụ cụ thể, ư? Hãy tự hỏi lòng mình xem mình đã tạo được ảnh hưởng gì tốt đẹp, trong gia đình. Chòm xóm? Sở làm? Mình có thái độ thế nào với người dưng khách lạ, tức: những người không giúp ích điều gì, cho ta? Hãy hỏi xem, mình đã đóng góp được bao nhiêu. Cho thế giới? Đóng góp được gì, trong nỗ lực gầy dựng cộng đoàn lành mạnh, nơi ta sống. Nói cách khác, mình làm được những gì để dựng xây xã hội mình sống, cho tốt đẹp? Phải chăng, chỉ thoả mãn tham vọng riêng tư? Chỉ làm giàu/làm tốt cho gia đình, của riêng mình?

Cũng nên nhớ, tín hữu Đức Kitô cần chứng tỏ rằng: Chúa ở đâu và bao giờ cũng vẫn yêu ta. Tình yêu của Ngài chỉ hoàn tất, khi ta trở thành người biết thương yêu/giùm giúp hết mọi người. Thương đích thực. Yêu thật tình. Yêu thương, cả trong lời nói. Lẫn hành động.

Chẳng nên sợ Chúa, quá mức. Ngài đâu đã phạt, một ai. Ngài đâu đã trừng trị thế giới tội lỗi. Mỗi người trong ta, đều có quyền chọn lựa. Chọn, đến với Ngài. Chọn cuộc sống biết tỏ bày tình yêu của Ngài, đối với ta. Chọn, để mở lòng mình với Ngài. Chọn, nhưng không như người con đi hoang chọn đường xấu, cho riêng mình. Anh chọn xa Chúa. Xa Cha. Để rồi, tự đầm mình nơi vũng lầy cuộc đời, rất đáng thương. Ta chọn sao thì chọn. Chúa vẫn chờ. Ngài vẫn đợi ta quyết tâm. Trong âm thầm.

Trong đợi chờ một chọn lựa, ta hãy cùng hát lên lời quyết tâm chọn Chúa. Mọi ngày. Mà hát:

“Tôi, vẫn cứ tin luôn

tin rằng Ngài luôn thương tôi.

Tôi, vẫn cứ tin luôn

cho dù gặp bao gian nguy.” (Thành tâm – Nếu)

Gặp hay chưa gặp. Có gian nguy. Đói khổ. Sầu buồn. Hãy cứ: “tay trong tay nắm, tình trong mắt”. “Lòng bốn mùa xuân”, quyết vẫn tin. Tin, Ngài thương ta. Tin, ta thương Ngài. Mãi mãi. Khôn nguôi.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday 20 February 2010

“Người xưa cỡi hạc đi đâu tá”

Hoàng Hạc lâu nay vẫn còn đây.

Một phút hạc vàng thăm thẳm biệt,

Ngàn năm mây trắng lững lờ bay.”

(thơ Thôi Hiệu, bản dịch Trần Văn Ân)

Lc 9: 28-36

Cỡi hạc hay cỡi mây, vẫn là chuyện của người thi sĩ. Yêu người hay yêu Chúa, còn là chuyện của dân con. Con dân nhà Đạo hôm nay, lại được nghe bảo về yêu thương, nơi trình thuật.

Trình thuật thánh Luca diễn đạt, nay thêm ý. Ý, là ý tưởng về một nghịch thường nơi niềm tin, con dân Chúa. Tin rằng, mình có thể tìm gặp Chúa, ở thế gian. Qua thế gian. Tuy, thế gian không là quê đời, của mình. Mà, chỉ là hành trình tìm về nơi chốn có sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa của Sự thật. Tình thương. Đó là mục tiêu của sự thật. Cần duy trì.

Trên đường về, ta gặp nhiều điều rất cuốn hút. Cuốn và hút, như: nghề nghiệp. Tài chánh vững chãi. Giáo dục con cái. Nhà cửa ổn định. Nhất nhất, chỉ là bước đầu, của cuộc sống dài lâu. Ta không thể nào như vợ ông Lót, cứ quay nhìn về quá khứ. Nên, thành muối/đá. Đời người, như văn sĩ nọ, vấn so sánh tựa hồ một phim truyện, ở hí trường. Không thể yêu cầu phim dừng lại. Để, cứ sống với cảnh đẹp, mình ưng ý. Mà phải tiến tới. Tiến về phía/về nơi, mình cần đến.

Bài đọc 1 và Tin Mừng, đề cập: Chúa can thiệp vào cuộc sống. Của con người. Thánh sử Luca thì nói về sự kiện Chúa Biến hình. Cũng như thánh Mát-thêu và Mác-cô, ở Tin Mừng. Điều cần thiết, là biết rằng chuyện Biến hình này du nhập vào trình thuật, của thánh sử.

Trước lúc đó, thánh Phêrô nhân danh đồng Đạo và đồng môn, đã tuyên xưng Thầy Chí Ái là Đấng Mêsia. Là, Đức Kitô. Vua Cứu Thế, mọi người chờ. Đây là giây phút kinh thiên hoàng hà, để các thánh nhận ra rằng mình chỉ là dân nghèo thị thành, mà còn được vinh hạnh chọn lựa làm bạn đồng hành, với Đức Chúa. Hiểu như thế, các ngài mới bắt đầu có được thị kiến sống động về quyền uy. Vinh hạnh. Nằm trong quỹ đạo tương quan mật thiết. Tốt như thế.

Nhưng, cùng một lúc, các ngài lại về với thực tại của thế trần. Ngay lúc ấy, Thầy giảng giải ý nghĩa của đồng hành. Của quan hệ thân thương với Đức Mêsia. Không nơi nào, cao trọng hơn thế. Không cơ sở nào, uy tín đến như vậy. Ngược lại, cũng từ đó, có nhiều điều đã bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Đức Mêsia, Thầy Chí Thánh nay thành nhân vật bị người đời đeo đuổi. Ruồng bắt. Cứu Chúa của các ngài, sẽ bị bắt. Hành hạ. Và, xử lý.

Kịch bản ấy, nay không là bản kịch mà người đời đợi trông. Cũng chẳng ai mong sự việc sẽ xảy đến, với thế giới. Vì thế, các thánh thấy mình hụt hẫng. Không hiểu nổi. Không hiểu rằng, vì sao người đời lại xử tệ với Đức Mêsia Cứu Chúa của nhân loại? Chính đó là lúc, thánh Phêrô đã phát biểu thay cho đồng môn, đồng thuyền. Chính vì thế, thánh nhân đành lãnh nhận lời quở mắng, rất gay gắt: “Xa-tăng! Hãy cút xéo đi!” (Mt 4: 10) Kịch bản đây, còn là bối cảnh trình thuật. Rất hôm nay.

“Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê”. Với Kinh Thánh, “lên núi”, là lên đồi hoang/chốn vắng, có Chúa hiện diện. Lên núi, có thể là núi Ta-bo. Nhưng, địa danh núi thánh ở đây, không quan trọng. Quan trọng, là kinh nghiệm của ba vị thánh cả, đã chứng kiến sự kiện Biến Hình. Sự kiện, có một không hai, được Chúa chiếu sáng, nơi phận Ngài.

“Hai nhân vật đàm đạo với Người”, là nói về hai nhân vật cột trụ của Giao Ước. Các vị, hiện thân cho Tiên tri và Lề Luật. Tức là, thể hiện trọn vẹn truyền thống, của Do thái. Thánh Luca xem nơi đó, như kinh nghiệm một sự kiện xảy đến, với Giêrusalem. Nghĩa là, các nhân vật cột trụ trong Đạo nay nhận ra được rằng: điều xảy đến với Chúa, hoàn toàn phù hợp với truyền thống mà các ngài đại diện. Và, chấp nhận.

Môn đệ Chúa, tuy thế, vẫn không hiểu những điều đang xảy đến, với các ngài. Chính vì thế, các ngài vẫn như “ngủ thiếp” giống hệt thời điểm ở vườn Dầu, mãi về sau. Cũng may là, các thánh chợt tỉnh giấc. Và, đây là kinh nghiệm tổ phụ Abraham từng gặp, có đề cập đến, ở bài đọc 1.

“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật hay!” Đã rất hay, nay lại được thánh Luca thêm một lời bình: “Thánh Phêrô không biết mình đang nói”, tức là: thánh nhân những muốn nấn ná kéo dài tình trạng ấy. Bởi, thánh nhân không biết rằng thực tại đời rao giảng, đang đợi Thầy. Đợi, cả các thánh hiệp lòng mà tiếp tay. Và lúc ấy, thánh Phêrô chợt như thấy mình đang bị “đám mây bao phủ”, nên mới hãi. Mới sợ. Hãi sợ, vì Chúa đang hiện diện bằng xương bằng thịt, ngay cạnh mình. Hãi và sợ, vì được Đức Mêsia, nền tảng của mọi truyền thống, vẫn hỗ trợ. Vẫn có Chúa chứng thực.

“Hãy vâng nghe Lời người!” Nghe, là nghe những gì Chúa mặc khải. Nghe, là nhận thức rằng Đấng Mêsia sẽ bị loại trừ. Ngài sẽ chấp nhận khổ đau. Chấp nhận cái chết ô nhực. Có nghe và nhận Lời người, mới có thể hiểu và chấp nhận làm đồ đệ của Ngài.

“Tiếng phán vừa dứt, chỉ thấy một mình Đức Giêsu”, là Đấng mà các thánh lâu nay đồng hành. Vẫn sống cùng và sống với, trong tình thân. Nhưng, “các môn đệ vẫn làm thinh”, chẳng nói chẳng rằng. Làm thinh, là tình đã thuận. Thuận, để học hỏi và hiểu biết về Người. Về, Đường Lối Chúa chọn. Về, điều mà các ngài cần đến vào lúc ấy. Cần, đến niềm tin. Cần tin tưởng trọn vẹn vào với Thầy. Tin tưởng vào Đức Giêsu. Tức, tin vào Chúa. Vào Đấng Mêsia. Như Cha đã định.

Ở đây nữa, Tin Mừng còn qui chiếu kinh nghiệm Abraham từng gặp. Ông bị thử thách. Cũng kinh hoàng. Cũng có “Bóng tối dầy đặc ập xuống trên ông”. Nhưng, ông vẫn cứ bỏ quê nhà, và cất bước ra đi. Đi, về nơi xa lạ. Như thế, Abraham đã “vâng nghe Lời Người”. Và, việc “nghe theo Lời Người” của ông, nay vang vọng ở Tân Ước. Việc “nghe theo” như ông làm, là nhận biết Chúa. Là, tin tưởng vào Người. Vì thế nên, Chúa đã lập Giao Uớc với ông. Có như thế, ông mới đạt kết quả, là: dòng dõi ông, sẽ hằng hà sa số. Như trăng sao. Như sông biển, rất lớn rộng.

Bài đọc 2, là một kết nối qua đó thánh Phaolô minh xác về cuộc sống có Chúa. Sống đích thực kinh nghiệm “biến hình”. Và, biến đổi. Tức, biến hình đổi dạng, vì:“Quê hương ta ở trên trời”. Trời đây, không theo nghĩa địa hình. Địa thế. Mà, là đích điểm của cuộc đời, ta có Chúa. Sống với Chúa. “Ta nóng lòng mong Chúa từ trời, đến cứu ta”. Ta mong Ngài đến “dùng quyền năng Ngài biến đổi thân xác yếu hèn của ta, hầu trở nên giống thân xác vinh hiển của Ngài.” (Ph 3: 21).

Cuối cùng, làm thế nào để việc biến hình/biến đổi này, xảy đến với ta? Câu trả lời sẽ là: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Vâng nghe lời mời gọi, hãy sống và thực hiện điều Ngài dạy. Lời Ngài dạy, đã làm thánh Phêrô và đồ đệ kinh hoàng. Sửng sốt. Nhưng, vẫn tháp nhập kinh hoàng ấy vào với kinh nghiệm sống của chính mình. Kinh nghiệm, về một thị kiến năng động, của cuộc sống. Sống dấn bước theo Đường Ngài vạch sẵn. Sống dấn bước, trong tin tưởng. Có quyết tâm. Để rồi, Ngài đưa ta kết hợp hài hoà với Thiên Chúa là nguồn Cội của Sự Thật. Của, Tình Yêu. An Bình.

Với quyết tâm ấy, ta cứ vui lên mà cất tiếng hát mừng, ngày hạnh phúc. Hát rằng:

“Hôm nay ta yêu, yêu tình nước non ngập lòng

Hôm nay ta thương, thương khắp nhân loại trên đời.

Lời tha thiết, bài thơ khúc ca ân tình

Ta sẽ xây nguồn vui dựng một ngày mai.” (Xuân Lôi & Y Vân-Bài Hát Của Người Tự Do)

Hãy cứ yêu, hôm nay. Dù tình ấy, có là yêu tình đất nước. Hay, yêu thương tình người. Trong đời. Vẫn dựng xây ngày mai tươi sáng. Ngày, có biến hình. Đổi mới. Hân hoan, thơ thới. Rất một đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Friday 12 February 2010

“Tôi nhớ lời người đã bảo tôi”


Một mùa thu trước, rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu, thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên, cũ mất rồi”.

(thơ T.T.Kh)

Lc 4: 1-13

Lời người từng bảo, nhà thơ nhớ. Nhớ mùa thu trước, xa xôi nhiều. Mùa, có Lời Chúa dạy, lại đã quên. Quên, tình Chúa chứng tỏ. Quên rằng, Lời hằng ghi dấu vết, ở khắp nơi.

Trình thuật, nay thánh sử nhắc ta nhớ về một mùa rất Chay kiêng. Chay kiêng, không nhắm chuyện xót xa. Đền tội. Dù, rất cần. Chay kiêng, hướng về Phục Sinh, ngay lúc này. Chay và kiêng, không là khía cạnh tiêu cực, đầy nản chí. Mà, để suy tư về niềm vui, không vật chất. Có sức bật.

Quả thật, Chay kiêng là giai đoạn quan trọng trong niên lịch Phụng vụ, của Hội thánh. Chay và kiêng, là ý nghĩa của lời nguyện ngay đầu lễ: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu ý nghĩa của thống khổ, nỗi chết và sự Sống Lại mà Đức Giêsu Con Chúa trải qua. Để, tất cả phản ánh lên cuộc đời chúng con.” Đó là ý nghĩa cuộc sống ta gìn giữ, suốt mọi ngày. Gìn và giữ, ít là mùa Chay kiêng này.

Chay Mùa kiêng cữ, những 6 tuần, được thiết lập để giúp ta suy tư tụng niệm, cho đúng cách. Bởi, Hội thánh vẫn coi Chay kiêng là mùa để dân con nhà Đạo biết mà để giờ ra, mà tịnh niệm. Tịnh tâm suy niệm hầu đào sâu niềm tin, cho thật vững. Đào sâu, có suy tư đổi mới, tái khởi đầu. Hội thánh ta, xưa nay vẫn khích lệ con dân hãy tuân giữ mùa Chay kiêng tâm tịnh, bằng các lễ lạy hằng ngày. Sau Công Đồng, ta có phụng vụ mới. Có bài đọc, xếp từng bộ. Bộ Cựu Ước. Với Tân Ước. Mỗi ngày, ta suy tư. Mỗi tuần, cứ tịnh tâm lẫn nguyện cầu, Chúa thánh hoá.

Bài đọc 1, nay có đoạn Môsê nói với dân con người Do thái sau 40 năm lưu lạc, ở sa mạc. Tổ tiên Môsê xưa chuẩn bị cho dân mình có cuộc đời mới. Ở đất hứa. Đời sống rất ý nghĩa đến hôm nay. Bằng vào truyền thống, Tin Mừng ngày Chay kiêng đầu Mùa, bàn về một cám dỗ rất mực. Cám dỗ cả Đức Chúa. Ở chốn vắng, rất sa mạc. Thoạt kết thúc 40 ngày chuẩn bị tâm tư nơi hoang vu sa mạc, Chúa giáp mặt thử sức, ngay đầu đời rao giảng. Thánh Luca đặt để sự kiện này, vào sau ngày Chúa chịu thanh tẩy. Và, trước lúc Ngài ra đi truyền rao sứ vụ mới, cho mọi người. Ở Nadarét.

Với Hội thánh tiên khởi, Chay kiêng tâm tịnh để khởi đầu, mọi công việc. Khởi đầu, để hồi hướng. Khởi đầu, hầu chuẩn bị mà về với đời cộng đoàn. Có thanh tẩy. Trợ lực. Suốt thời gian mừng Chúa Phục Sinh, ngày lễ vọng. Với tân tòng, suốt 6 tuần lễ này, người người chuẩn bị lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Có cộng đoàn hiệp thông nguyện cầu, mau nối kết. Làm thân. Với mọi người.

Với người đã thanh tẩy, đây là khởi đầu mới. Một khởi đầu, để người người không còn “dậm chân tại chỗ” với thói tục xưa cũ, vốn quá quen. Khởi đầu, còn để ổn định với Đạo lý của Chúa, có thần hứng. Có hứng khởi. Đổi mới tận tâm can. Đổi và bỏ, mọi cặn bã đời sống, rất cũ xưa. Ù lì. Bất động.

Cơn cám dỗ Chúa gặp, được người người tóm gọn thành ba sự kiện xảy đến trong thời điểm khá cá biệt. Đúng hơn, cũng nên coi đây là ba điều căn bản Chúa vẫn gặp, trong quá trình thực hiện sứ vụ Cha giao phó. Suốt đời. Cám dỗ, không là hiện tượng thoáng phớt diễn tả giai đoạn nhất thời. Nhưng, cám dỗ đây là những trăn trở trong đời sống công khai của Chúa Cứu Thế. Ở mọi nơi. Mọi lúc.

Với thánh Mát-thêu và Mác-cô, cám dỗ vẫn rồi đến/rồi đi, theo từng chặp. Như có nói: “Người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su. Họ đòi Người tỏ dấu lạ từ trời, để thử thách.”(Mc 8: 11). “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi!”(Mt 27: 40). Thánh Gioan, nói rõ hơn: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm, thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến với thế gian! Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi tôn làm vua, nên Người lánh mặt, lên núi một mình.” (Ga 6: 14-15). Hôm nay đây, thử thách/cám dỗ đến với ta, theo nhiều cách. Rất khúc mắc.

Cám dỗ đầu, cốt biến sỏi đá thành cơm bánh. Cám dỗ cuối, lại muốn Chúa nhảy ùm khỏi nóc gia đền thờ, có ý thôi thúc Chúa từ bỏ nhiệm vụ làm Đấng Mêsia-Tôi Tớ. Chỉ muốn Ngài, thành “siêu sao” rất hấp dẫn. Hầu, đánh bóng con người Ngài. “Hãy theo tôi, vì tôi quan trọng nhất”, là cám dỗ thứ hai. Quyết muốn ta thờ phụng sự dữ/ác thần. Hầu, có được giàu sang, quyền bính. Rất uy lực.

Cám dỗ thứ hai, nhằm lôi kéo Chúa ra khỏi trục chính, do Cha uỷ thác. Trục đây, là ý hướng đến với con người. Bằng tình thương yêu. Phục vụ. Lôi và kéo, nhằm khuyến dụ Đấng sáng tạo mọi sự không còn dựng xây Vương quốc tình thương, phục vụ nữa. Ngược lại, ác thần/sự dữ chỉ muốn Ngài không chế cả một đế quốc. Có chư hầu phục dịch. Có người người đon đả, những đón chào.

“Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả”, điều này nhắc ta nhớ về sứ vụ của Môsê, ở sa mạc. Nhớ rằng, Môsê chấp nhận thông điệp Chúa gửi, mà truyên rao Lề Luật, Chúa ban phát. Với thánh Luca, trình thuật “cám dỗ” nối tiếp sự kiện Chúa ra đi thực hiện rao giảng, ngay ở hội đường thành Nadarét (Lc 4: 16-21).

Lời Chúa đối đáp thách thức của Ác thần/Sự Dữ rút từ Cựu Ước, Chúa mặc khải về Lề Luật. Thách thức đây, dọi lại lịch sử diễn ra với dân Chúa, ở sa mạc. Thách thức, là những kinh nghiệm sầu buồn, đói khổ suốt 40 năm. Hai thử thách, hai hậu luận. Một đằng: dân Do thái thất bại. Một đằng Đức Giêsu đã thành công. Bởi, Lời Ngài còn đó vẫn chứng minh:

-Lời người Do thái, vẫn càu nhàu chuyện chẳng đủ ăn. Đủ sống. Sao nuôi dân. Trong khi đó, Đức Giêsu vẫn nói: “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà thôi."(Lc 4: 4)

-Dân con mọi người cứ chạy theo ngẫu thần. Chỉ thờ bò. Sợ bụng đói. Trong khi đó, Chúa dạy: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng mình Người thôi."(Lc 4: 8)

-Dân con người Do thái lại cứ thách thức Chúa hết Massah, rồi Mêri-ba: “Ngài hãy thử cấp cho mọi người đủ nước uống đi”. Trong khi đó, Chúa đối xử hoàn toàn khác:“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."(Lc 4: 13).

Bằng vào chấp nhận một cám dỗ, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy Ngài luôn trung thành với Cha. Ngài đủ tư cách để minh chứng rằng Ngài là Đấng Mêsia, thiên hạ chờ. Cám dỗ đây, là để cho thấy vai trò cứu độ của Chúa, quá rõ ràng. Đức Mêsia được trông đợi mang của ăn từ trời xuống. Nuôi dân con. Trông đợi các vương quốc lân bang sẽ tuỳ phục đất nuớc Do thái bé nhỏ. Tóm lại, cám dỗ đây, để cho thấy rõ thiên tính của Ngài.

Nói cám dỗ, người người thường liên tưởng đến dục tình. Dối trá. Ghét ghen. Hờn giận. Là, nói về ngồi lê. Nói xấu người khác. Về, bực tức. Oán hờn. Hoặc, những việc tương tự. Rất người phàm. Cám dỗ đây, quả thật đáng sợ. Nó khiến ta thèm có khả năng chế biến mọi sự, thành cơm áo. Thành kẻ giàu có. Rất danh vọng. Địa vị. Thèm được để ý. Thèm quyền hành. Bởi, có quyền là có thể hành quyền trên người khác. Là, đạt được mục đích mình nhắm đến. Là, có quyền/có thế. Có vai vế. Danh vọng.

Cái đáng sợ của cám dỗ, là nó biến thế giới người người thành đồ vật. Chỉ biết làm giàu. Tạo quyền thế. Cá thể. Cho riêng mình. Đáng sợ, vì nó làm cho xã hội loài người chỉ mải ganh đua/tranh giành mọi thứ. Đáng sợ, vì chuyện tạo tham lam. Điên cuồng. Giành sống, Tham đến độ, cứ tưởng mình đoạt được mọi thứ. Làm chủ mọi sự. Kỳ thực, mình cũng chẳng làm chủ được ai. Chẳng được gì.

Vương Quốc Chúa dựng xây, mang giá trị khác. Giá trị cần nhắm đến, trong mùa này, là chay kiêng/tụng niệm, chứ không phải chạy theo những thần và tượng của giàu sang. Thế lực. Danh vọng. Vương Quốc Chúa dựng, là đường lối Chúa muốn ta ngang qua. Là, đường hướng Nước Trời. Là, Đường để ta hướng thành con người trọn vẹn. Con người sống vì người khác. Cho người khác.

Đó là ý nghĩa đích thực của trình thuật hôm nay. Thời điểm, để ta bỏ giờ ra mà suy nghĩ. Suy, về giá trị của việc chay kiêng/tụng niệm. Nghĩ, về cuộc sống, có định hướng. Bài đọc 2, cũng có nói: “Kẻ tin vào Người sẽ không thất vọng. Không có khác biệt giữa người Do thái và Hy Lạp. Tất cả, đều có cùng một Chúa, Đấng quảng đại với những ai kêu cầu Người. Ai kêu cầu Danh Chúa, sẽ đưọc cứu.” (Rm 10: 11-13). Tức, sẽ thành tội ác, nếu có ai tìm cách ngăn cản người anh, người chị mình không được phép tiếp cận của cải thiêng liêng, do Chúa lập. Ngăn cản họ đến với cuộc sống có ý nghĩa, Chúa vẫn muốn.

“Ác thần bỏ đi, chờ khi khác”, có nghĩa: cuộc chiến với ác thần/sự dữ, chưa kết thúc. Nó sẽ trở lại. Vào dịp khác. Trở lại, trong suốt cuộc đời của Chúa. Cả vào lúc Chúa gặp tình trạng thập tử nhất sinh, trên thánh giá. Ta cũng thế, cuộc chiến đấu chống ác thần/sự dữ đâu đã chấm hết. Đây này, tính tham lam. Vị kỷ. Đố kỵ. Ghen tương. Hờn giận. Cả những ước ao có được hơn người. Có, chứ không cho. Không san sẻ với bất cứ ai. Có, để khống chế, chứ không để phục vụ. Con dân Đạo Chúa vẫn đang chịu những cám dỗ tương tự như Chúa đã chịu, vào thời trước. Ta chẳng biết, đó thôi.

Mùa Chay kiêng, ta chỉ thành công, nếu biết dựng xây xã hội đặt nặng vào yêu thương. Công bình. Vào, thông điệp Chúa gửi. Về sự thật. Yêu thương. Giùm giúp. Sẻ san. An bình. Về, những gì ta cần làm, mùa Chay kiêng. Nếu “bỏ lỡ tình duyên” mùa Chay khác, thì Chay này, đừng để trễ. Hãy làm lại.

Trong tinh thần Chay kiêng lại, ta quyết vươn lên mà vui hát. Hát, điều mình vẫn quyết rằng:

“Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Nhân ái ban xuống đời.

Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Cho hiều hoà khắp nơi.” (Phạm Duy – Chúa Hoà Bình)

Nhân ái. Hiếu hoà. “Lời người bảo tôi”, mùa thu trước. Và thu này, Mùa Chay kiêng. Cũng nên tịnh tâm. Yêu thương. San sẻ. Với mọi người. Suốt cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch. (xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com; www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday 6 February 2010

“Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày”

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay
.

(thơ Huy Cận)

Lc 6: 17, 20-26

Hạnh phúc em đan, đầy tay đấy. Thần tiên đôi lứa, hồn mộng bay. Hạnh phúc Chúa ban, đâu như vậy. Thần tiên suốt ngày, nào chỉ cho mỗi đôi lứa. Thần tiên/hạnh phúc, Lời Chúa dạy, những phúc cùng hạnh, Chúa gửi đến hết muôn ngưòi. Gửi, như thánh Luca từng ghi chép và gửi gắm, nơi trình thuật.


Trình thuật hôm nay, rõ ràng thấy điều Chúa dạy về hạnh phúc. Hạnh phúc gắn liền với niềm tin, của mọi người. Rõ ràng, đã có niềm tin nơi giáo huấn Chúa gửi. Ngài gửi, không chỉ gửi cho các tông đồ Ngài chọn lựa, thôi. Nhưng cho cả dân con trong/ngoài Do thái. Tức, hết mọi người. Đây không là ơn gọi, mà là cung cách để ta có thể ngang qua đó mà sống cùng. Sống với, bất cứ ai.


Trình thuật giới thiệu bản văn thánh Luca bàn về “Hạnh Phúc”. Hiến chương cơ bản, khác với bản văn của thánh Mát-thêu. Với thánh Mát-thêu, là hiến chương 8 điều. Còn thánh Luca, lại những hai cặp 4 điều khoản, rất rõ ràng. Suy cho kỹ, ta sẽ cho rằng bản văn của thánh Luca gần gũi Lời dạy của Đức Giêsu hơn. Còn văn bản của thánh Mát-thêu, là suy tư của Hội thánh, thời tiên khởi.


Ở 4 điều khoản đầu hiến chương theo thánh Luca, hẳn sẽ có người hỏi: ai là người xét Lời Chúa như một việc nghiêm chỉnh? Với 4 điều khoản sau, có người sẽ nói: xã hội nay khuyến dụ mọi người chạy theo giàu sang/phú quý, để hưởng thụ. An hưởng - tiêu thụ, thú vui trần thế, dễ như chơi. Với người đời, tiền bạc, địa vị và quyền bính, là ba thứ quan trọng, dễ biến thành thần, thành tượng. Dễ lên ngôi. Được phụng thờ. Thờ như thế, có tạo hạnh phúc không? Là người Công Giáo, ta có thể vừa đạt thành quả, tức giàu sang, vừa là người lành thánh/siêng chăm, chăng?


Hiến chương Nước Trời, theo văn bản của thánh Luca gồm cả phúc/hoạ, là để gửi thẳng cho mọi người. Không trừ ai. Gửi, những người sống khó nghèo. Sầu buồn. Bụng rất đói. Họ gồm những người rất đông đảo, sống khắp nơi. Trên thế giới. Họ có mặt cả vào thời vi tính, thế kỷ này. Nói cho cùng, cục diện thế giới nay có gì khác lạ thời của Chúa, đâu. Mặc dù, thời nay ta có đủ phương tiện để giải quyết. Giải quyết cả chuyện tâm tư, lẫn tâm tình.


Chúa hướng về người nghèo/khổ. Những người chẳng bao giờ thấy mình sung sướng. Sống rất khổ. Chỉ vì họ quá nghèo. Quá đói. Phải chăng đây là một mâu thuẫn? Không! Hiến chương hạnh phúc Chúa nói đến, không là phần thưởng dành cho người không có khả năng, đạt đến. Hạnh phúc Chúa hứa ban, là tình Ngài yêu thương, rất mực. Dù, ta có khó khăn về vật chất. Dù, ta thiếu thốn rất nhiều điều. Chúa vẫn yêu.


Chúa yêu người nghèo, chẳng phải vì họ tốt lành hơn ai. Mà vì, họ mãi mãi vẫn cứ nghèo. Nghèo, về vật chất. Nghèo, cả tinh thần. Túng, cả những thứ cần thiết nhất, để sống cho ra người. Trong khi đó, người giàu có vẫn cứ phè phỡn. Ăn chơi. Phí phạm. Chẳng chú ý đến một ai. Chí ít, là người nghèo hèn. Người yếu kém. Đói ăn. Thiếu mặc.

Nghèo hèn, thường đính kèm theo sau, một tủi hổ. Sầu buồn. Dễ bực tức. Tuy thế, Chúa vẫn yêu. Ngài yêu hết mọi người. Yêu người nghèo, Ngài thương cả phần sâu thẳm sầu buồn, lẫn đói ăn. Thiếu thốn. Đây chính là thông điệp Ngài gửi đến, hết mọi người. Để người người, rồi sẽ nhớ. Nhớ, lắng tai mà nghe ra. Nhớ, để ưu tư/quan ngại đến người yếu nghèo. Sầu buồn. Đói kém.


Nghèo. Buồn. Thiếu điều kiện và thiếu phương tiện, không là dấu hiệu của một trừng phạt/bất ưng, do Chúa gửi. Ngược lại, là khác. Lời Chúa nói, không là hứa hẹn về một tương lai rực sáng. Cũng không là khích lệ, để mọi người đều làm thế. Mà là, sự kiện/lời lẽ, ta cần nghe. Cần biết. Bởi, ta vẫn được kêu mời làm chứng nhân cho Tình yêu Chúa ban tặng. Người khổ đau/nghèo hèn đều rất cần kinh nghiệm về tình Chúa yêu thương, nên mới để họ có được cảm nghiệm những chuyện như thế, ngang qua ta.


Nghèo. Đói. Thiếu mọi thứ trong đời, không là điều khiến ta trách cứ đặt điều cho Chúa. Nhưng, cho ta. Cho, những người thuộc nhóm/đoàn rủng rỉnh. Giàu sang. Ta không thể gọi mình là đồ đệ Chúa, trừ phi ta vẫn hăng say tranh đấu, chống lại cảnh nghèo và đói. Say và hăng, quyết cất bỏ đi mọi ưu tư/hãi sợ về những mối hoạ, còn tiếp diễn. Phi trừ ta lên án/giáng hoạ những ai đã giàu sang/mãn nguyện rồi, mà vẫn cứ khước từ giùm giúp người anh/người chị, đang còn thiếu. Xem thế, thì giàu sang chỉ là tai hoạ khi nó không được sẻ san cho những ai cần đến. Không phân biệt.


Không phân biệt, là bởi: Hội thánh là dấu chỉ của Vương Quốc Nước Trời. Ở nơi đó, người giàu/kẻ nghèo đều được chúc phúc. Mọi thiếu thốn, đều chấm dứt. Ở nơi đó, Vương quốc Nước Trời đã thực sự khởi đầu. Nếu có ai chưa nhận thấy, có lẽ cũng nên tìm lại lương tâm của mỗi một người, trong ta. Người giàu là những kẻ đáng ta lánh xa, chỉ khi họ không thực tâm san sẻ những gì mình dư dả, cho người người đang túng thiếu.


Vương Quốc Nước Trời Chúa định mẫu, sẽ không còn kẻ giàu/người nghèo nữa. Nhưng, của cải sẽ được phân phối đồng đều, cho mọi người. Đó là trọng tâm của Tông thư “Bước Tiến Muôn Dân” do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI soạn thảo. Biến điều đó thành hiện thực, chắc sẽ chuyện dài lâu. Bởi, bao lâu ranh giới giàu/nghèo vẫn còn đó nỗi buồn, thì ta vẫn không thể trách Chúa hoặc Thầy Chí Ái được nữa. Nhưng, có lẽ chính mình cũng nên cúi đầu, mà nhận tội. Vì mình vẫn không thực hiện được điều Chúa uỷ thác, từ ngàn năm.


Lời chúc phúc cuối Chúa dành để cho những người từng bị bức bách. Lời chúc này, có hơi khác với ba điều Ngài kể trước. Lời chúc này, là lời Ngài muốn gửi đến với đồ đệ, của Ngài. Các vị được gọi mời nhận lãnh vai trò của ngôn sứ. Nhận lãnh trách nhiệm hãy rao truyền thông điệp Ngài vẫn gửi cho những kẻ không hề tin vào Ngài. Hoặc, chưa biết đến. Phúc cho những người này, về cả 3 thời điểm: quá khứ, hiện tại, và tương lai.


Trước nhất, hạnh phúc sẽ đến như một phần thưởng. Phần thưởng, của Nước Trời. Thứ đến, người người được chúc phúc, là vì tất cả chúng ta sẽ cùng nhau san sẻ mọi sự. Sẻ và san, dù có đau thương. Sầu khổ. Hoặc, bị chối bỏ. Như Chúa từng có kinh nghiệm sống. Có sống sầu buồn khổ đau, ta mới thương cảm cho Chúa từng đau khổ, sầu buồn. Thứ ba, được chúc phúc là vì những gì ta làm đều rất xứng. Xứng đáng, với truyền thống ngôn sứ cao cả, nơi Giao Ước.


Thời hôm nay, có nhiều ngôn sứ từng cảm nghiệm khổ đau. Sầu buồn. Khích bác. Kinh nghiệm đến độ, dám chết cho sự thật. Cho công bình. Tự do. Các vị từng có kinh nghiệm khổ đau/sầu buồn như: Giám mục Oscar Romero ở El Salvador. Như, Martin Luther King, ở Hoa Kỳ. Như, Mahatma Gandhi, ở Ấn Độ. Và nhiều vị khác đã và đang sống hiện thực điều Chúa chúc phúc, ở nhiều nơi. Có những nơi, rõ ràng hiển hiện trạng huống trong đó Hội thánh vẫn bị bức bách. Hành hạ. Khổ sở. Đếm kỹ, ta sẽ thấy là: thế kỷ 20 vừa qua, rất nhiều vị đã dám chết cho niềm tin vào Chúa, nhiều hơn các thế kỷ trước.


Sầu buồn/khổ đau nơi ngôn sứ, là niềm tự hào hứng khởi cho thế hệ mai rày. Ở khắp nơi. Quả là, ngôn sứ ngày nay vẫn kinh qua nhiều cảm nghiệm về khổ đau/sầu buồn. Các ngài sẽ không còn nuối tiếc việc mình làm. Không tiếc nuối, để giữ lòng thủy chung với Tin Mừng, của Chúa. Có vị lại đã viết: “Chúa hứa ban cho đồ đệ mình những ba điều: không biết hãi sợ. Tuyệt đối hạnh phúc. Luôn bị rắc rối.” Phải chăng đó là nghịch lý/nghịch thường của Đạo Chúa? Của tình yêu?


Chứng minh cho một đáp trả, ta hãy hát lên lời ca hùng hồn, đầy nghiệm suy. Như sau:


“Đừng xôn xao, đừng khóc giấu,

Đừng oán trách phận bèo,

Vì sông xa vẫn trung thành theo.” (Phạm Duy - Đừng Xa Nhau)


Dù có là sông xa. Phận bèo. Cũng đừng oán trách. Khóc giấu với khóc thầm. Nhưng cứ trung thành, mà theo. Theo Chúa. Theo người anh người chị, trong cộng đoàn Nước Trời, từng đi trước.


Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)