Sunday 28 June 2009

“Không có anh, lấy ai cười trong mắt”

Ai ngồi nghe, em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay, mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu, run từng cành lộc biếc?

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Mc 6: 1-6

Than thở của nhà thơ, có là thở than nơi nhà Đạo? Nhà Đạo vẫn thở than, nhận định, qua nhân vật Giê-su, con của Bà Maria, như có nói ở trình thuật.

Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô ghi rõ một nhận định. Nhận định, của những người kéo nhau đi nghe Chúa giảng dạy. Giảng dạy hôm ấy, Chúa quay về với xứ sở quê làng, ở Nadarét. Ngài giảng dạy vào ngày Sabát, ở hội đường. Nghe Ngài giảng dạy, dân chúng trong làng, đều thích thú và ngạc nhiên. Thích thú, về sự giỏi dang nơi ngôn từ. Ngạc nhiên, về uy quyền lạ lùng họ nghe biết nơi Ngài.

Thích thú và cảm kích, vì họ biết rất rõ về Ngài. Về, bác thợ mộc con ông Giuse và Bà Maria. Biết rõ, cả bà con thân tộc của Ngài, nữa. Chính vì biết rõ, nên họ từ chối không chấp nhận Ngài. Từ chối, vì họ chỉ thấy được ngoại hình, chẳng để tai lắng nghe điều Ngài dạy, giảng. Bởi, họ có thành kiến về Ngài, đã từ lâu.

Xã hội hôm nay, nhiều người cũng có một số định kiến về Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng, những gì họ biết, là trọn vẹn con người của Đức Chúa. Nhưng thật ra, con người đích thật của Chúa, lại là điều họ từng chối bỏ. Chối và bỏ chính Đức Giêsu, của Tin Mừng. Vì chối bỏ, nên họ bóp méo hình ảnh xưa nay họ vẫn có, vẫn suy nghĩ về Ngài.

Nhiều người hôm nay cũng thế, không ai để tai nghe sứ điệp của Chúa, nơi Tin Mừng. Nhưng, cứ bị gò bó và mù loà, vì cứ tưởng mình biết nhiều về nhân vật do tình thân. Đôi khi, sự thân quen/biết rõ nhân vật, lại dễ đưa đến cảnh miệt thị, nhàm chán. Ngán ngẫm. Những thứ như thể “bụt nhà không thiêng”. Nên chẳng khâm phục.

Nhiều người hôm nay, đối xử nào khác dân thành Nadarét, khi xưa, có thể là chính chúng ta, vào mọi thời. Thế nhưng, Chúa vẫn nói với ta ngang qua những người ta quen biết, hoặc làm thân. Chúa nói với ta, ngang qua tình cảnh mình lại gặp mình. Tình cảnh, có tiếng nói hoặc sự điệp Ngài gửi đến. Chúa nói, qua người thân quen, người mà mình biết rất rõ, hoặc ngang qua nhân vật nào mình không thích. Thậm chí, qua người lạ. Qua khách nước ngoài.

Ta còn được bảo rằng, vì họ mù lòa, nên Chúa không thể làm nhiều điều lớn lao, ở nơi ấy. Trên quê hương đó. Hướng về bản thân, ta cũng thấy mình nhiều lần cũng như thế. Nhiều lần, ta vẫn “bế quan tỏa cảng”, không để cho tình yêu Ngài đạt đến, nơi ta. Nhiều lần, ta vẫn cấm cản mọi tác động chữa lành, từ nơi Chúa. Nhiều lần, ta chẳng nhận ra Ngài, nơi một người hoặc tình huống nào cả. Quả thật, Ngài vẫn muốn đến với ta, qua trung gian một người. Qua sự kiện, trong đời.

Để đến nỗi, Chúa kêu lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, cũng chỉ ở quê hương mình.” (Mc 6: 4). Đó là sự thật. Sự thật ở chỗ: dân chúng ở các nơi, đều ngả đầu tiếp đón Chúa. Và, tuân theo Lời Ngài. Chỉ riêng những người trên quê hương mình, trong gia đình mình, là chối bỏ thánh danh Ngài. Đối xử với Ngài, rất cay cú.

Đây cũng là kinh nghiệm từng trải, đang chờ đón các ngôn sứ. Ngôn sứ, là người dấn bước rao truyền sứ điệp của Đức Chúa. Sứ điệp, mời gọi mọi người biết chấp nhận Lời Ngài. Thôi thúc mình thay đổi nề nếp sống. Sống, dựa trên sự thật. Và, tình thương.

Truyền thống cho thấy, ngôn sứ thời Giao ước, và trong chuỗi ngày dài lịch sử Đạo, đều gặp nhiều đả kích/chống đối. Thậm chí, bị bạo hành. Chết tức tưởi. Bài đọc 1, ngôn sứ Edêkien đưa ra mẫu mực, khi Chúa kêu mời ông rao truyền sứ điệp, cho dân Ngài. Chúa không hứa hẹn,một dễ dãi. Chỉ nói rằng:“Ta sai ngươi đến với chúng,vốn nòi phản lọan, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Êz 2: 5)

Quả là chuyện lạ. Bởi, sứ điệp thôi thúc ta về sự thật. Tình thương yêu. Tự do. An bình và sự công chính, lại dấy lên nhiều chống đối, thù địch, cùng ghét ghen với bạo lực. Điều này, vẫn xảy đến vào mọi thời, mọi lúc. Ở nhiều nơi. Trên thế giới, các cụm từ, như : “sự thật”, ”tự do”, “công bình”, đã trở thành từ ngữ đầy nguy hiểm. Húy kỵ. Nhiều đe dọa. Lạ hơn nữa, là: nhiều người chẳng muốn nghe biết những từ ngữ ấy. Và cũng lạ, là: nhiều tín hữu Đạo Chúa đã phải chết cho niềm tin, ngay tại những nơi được coi là văn minh, hiện đại hơn bao giờ.

Những là, Martin Luther Kinh đã phải chết chỉ vì dám kêu gọi sự đồng đều, giữa sắc tộc. Mahatma Gandhi người Ấn giáo, đã phản chết chỉ vì dám làm thân với Hồi giáo. Giám Mục Oscar Romeo lại chết vì dám nói lên cảnh người ta đang bóc lột đám dân nghèo. Danh sách các vị chết cho sự thật, niềm tin, vẫn còn mãi. Không kết đọan.

Có nhiều điều, người Công giáo chúng ta cũng cần nhớ: là khi đã thanh tẩy, ta cũng được kêu mời trở thành ngôn sứ. Là Công giáo, ta cũng được mời gọi quảng bá sứ điệp của Tin Mừng nơi gia đình, chòm xóm. Sở làm. Quảng bá lan rộng tới bạn bè người thân, trong mọi chốn.

Dù gì đi nữa, ta cứ vẫn sẵn sàng quảng bá và bảo vệ cho sự thật, tình thương yêu đùm bọc. Cho tự do, phẩm giá và quyền lợi của mọi người. Có nhiều điều ta chẳng thể nào nhượng bộ, bất cứ ai. Có những lúc, ta cũng chẳng thể nào giữ mãi, sự im lặng.

Có những thời, có thể ta sợ hãi. Hoặc thấy không đủ tài năng, lẫn thẩm quyền. Trong trường hợp đó, hãy nghe theo lời khích lệ của thánh Phaolô, ở bài đọc. Thánh nhân từng cảm nghiệm thân phận bọt bèo, chẳng làm gì được cho ra hồn. Vẫn tự ti mặc cảm, khi được sai phái rao giảng Tin Mừng cho hiệu quả. Và, thánh nhân nguyện cầu Chúa cất đi, những nhược điểm.

Hồi đáp cho yêu cầu của thánh nhân, cũng rất lạ. Lạ ở chỗ, “sức mạnh của Chúa đã biểu lộ trọn vẹn trong yếu đuối”. Vì thế, thánh nhân đã chấp nhận những yếu đuối bản thân, để sức mạnh của Chúa ở mãi bên trong mình:“Tôi vui sướng khi mình yếu đuối. Bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Bởi, chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10) Đó là lời lẽ của ngôn sứ đích thật.

Cầu mong sao Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra rằng không nên chán nản, hoặc thất vọng vì những thấp hèn cùng yếu kém về thể xác lẫn tâm linh. Vì, dù bất tài hoặc vô dụng, Chúa vẫn muốn ta trở nên công cụ cho Ngài sử dụng. Ngài vẫn ở gần bên. Vẫn ban tặng những điều ta cần đến. Và khi Hội thánh và sứ điệp của Chúa được chấp nhận, cách rộng mở, khi ấy có thể ta sẽ lại nghi hoặc một chút về sự chân phương của sứ điệp, ta rao truyền.

Trong hân hoan chấp nhận sứ điệp rao truyền ấy, ta cất lên tiếng hát hăng say đầy phấn khởi:

“Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo

Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù

Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai”(Văn Phụng–Tôi đi giữa hoàng hôn)

Dù nắng mưa, sương khói, hay nghèo nàn. Dù, có kém tài, nghiệt ngã, vẫn cứ đi. Đi, như thánh Phaolô đã đi, hầu truyền rao Lời Chúa, đến muôn người. Đi, để niềm yêu thương hằn in mãi mãi. Không hề phai. Không phai, không mờ trong tâm can, của mọi người. Đến muôn đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


Sunday 21 June 2009

“Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng, “

Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương.
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng,
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương.

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mc 5: 21-43

Khạc hồn ra khỏi miệng”, là tâm trạng của nhà thơ, nay rất khổ. Nỗi xác đành câm tiếng, là tình huống người nhà Đạo, vẫn thương tâm. Chúa thương tâm cả nhà thơ lẫn người đời, như có nói ở trình thuật.

Trình thật thánh Mác-cô hôm nay, lại đã ghi về niềm thương tâm Chúa phú ban cho con ông trưởng hội đường và cho cả người đàn bà, bị băng huyết. Những 12 năm. Và thánh Mác-cô nói “bà đã bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản…mà tiền mất tật mang” (Mc 5: 21). Và, đã cả gan sờ vào gấu áo Ngài, và được khỏi.

Vào khi ấy, Đức Giêsu quay lại hỏi: “Ai đã sờ vào áo của tôi?” Hỏi như thế, Ngài biết uy lực thần thiêng vừa ra khỏi mình Ngài. Đây là điều, khiến môn đệ Chúa cứ thắc mắc với tranh luận. Ngay lúc ấy, người nữ phụ đã bước ra, mà nhận lỗi. Vì bà quá hoảng sợ. Chính ra, bà cũng không nên len lỏi vào chốn ấy, vì ô uế? Và đó là lý do mà bà chẳng dám đến, ngay phút đầu. Đây cũng là mối hoảng sợ của các bệnh nhân Siđa của thời đại. Một hoảng sợ, không tên tuổi. Chẳng lý do.

Từ lúc ấy, bí mật của bà bị lộ ra cho mọi người thấy. Điều này càng khiến bà hốt hoảng hơn nữa. Thế nhưng, bằng một cử chỉ khác thường, bà tiến về phía trước, phủ phục trước mặt Chúa, và nói hết sự thật với Ngài. Về phía Đức Giêsu, Ngài không mảy may nổi nóng hoặc giận dữ, nhưng nhẹ nhàng nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Hãy đi bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5: 34)

Bằng việc chữa lành, Đức Chúa của sự sống và sự sống lại, đã đưa bà về lại với sự vẹn toàn của cuộc sống. Bà không chỉ được chữa lành khỏi tật bệnh thể xác thôi; nhưng, còn trở về với tháp nhập cùng xã hội nơi bà sống. Bà đã kiện toàn con người mình, theo mọi ý nghĩa. Qua tư cách cá nhân lẫn cộng đoàn. Nhưng, chính niềm tin sâu sắc vào Chúa, qua cử chỉ “sờ gấu áo Ngài”, là yếu tố chính tạo sự chữa lành.

Với câu truyện đầu ở trình thuật, Đức Giêsu đích thật là Đấng chữa lành mọi tật/bệnh. Nhưng mọi người không kỳ vọng là Ngài sẽ cho người chết được hồi sinh. Nhưng, Ngài vẫn cứ nhấn mạnh đến những câu khiến mọi người cần ghi nhớ trong đời: “Đừng sợ!”, được nhắc đi nhắc lại, trong Kinh thánh, những 399 lần.

Ở trình thuật, Đức Giêsu chỉ cho phép có 3 tông đồ, thành phần cốt lõi là Phêrô, Giacôbê và Gioan, được đi theo. Chúa muốn các Ngài nhận thấy những gì xảy ra; nhưng Ngài chẳng muốn thoả mãn tính tò mò của đám người dễ bị kích động.

Khi mọi người kéo đến nhà bệnh nhân, lại nghe có tiếng ai oán, cùng khóc than. Ngài bèn bảo: “Sao lại náo động và than khóc đến như thế? Đứa bé có chết đâu, nó chỉ ngủ.” (Mc 5: 39) Thế là, họ cười nhạo Ngài. Nhạo và cười, vì chỉ cần nhìn thoáng, họ cũng biết ai chết, ai còn sống. Mọi người còn biết: nếu không có Chúa ở đó, cô kia chắc đã bị chôn.

Chúa vào nhà người lạ, chỉ có cha mẹ cô bé và 3 môn đồ thân cận. Ngài cầm tay có bé lên rồi nói: “Này cô bé. Thầy truyền cho con hãy trỗi dậy!” (Mc 5: 41) Đứa bé lập tức trỗi dậy và đi lại như người bình thường, không có gì xảy ra. Động từ “trỗi dậy” ở đây, gợi cho người nghe nhớ về tình huống sống lại. Tình huống, Đức Giêsu cũng đã “trỗi dậy”, từ cõi chết.

Đây là cách thức thánh sử Mác-cô diễn tả sự việc rõ ràng và dứt khoát hơn thánh Tin Mừng của Gio-an: “Ta là sự sống lại và là sự sống!” Dù bị hôn mê hay đã chết, cô bé vẫn được tái tạo vẹn toàn về với cuộc sống. Và Đức Giêsu được bộc lộ cho biết Ngài là Chúa của sự sống. Chính vì thế, những ai chứng kiến việc xẩy ra, đều đã “kinh ngạc sững sờ.”

Sững đến độ, Chúa phải nhắc họ cho cô bé ăn. Điều này nói lên chỉ một phần của con người Đức Chúa. Bởi, Ngài là Đấng chỉ biết lo cho người khác. Chăm nom đùm bọc người khác, mà thôi. Với người khác, có thể sẽ xảy ra chuyện: ngủ quên trên chiến thắng, những bái phục. Nhưng ở đây, Chúa tập trung lo cho nhu cầu của trẻ nhỏ, thôi. Cả hai truyện trong cùng một trình thuật, cho thấy Đức Giêsu là nguồn mạch sự sống và chữa lành.

Bài đọc 1, Sách Khôn ngoan nói rõ: “Thiên Chúa chẳng vui gì, khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1: 13). Và các đoạn khác còn nói tiếp: “Người đã sáng tạo muôn loài thọ tạo trên thế giời, đều hữu ích cho sinh linh.” (Kn 1: 14) Và điểm quan trọng khác, sách này cũng nói: ta được dựng nên theo hình ảnh bản tính của Thiên Chúa. Chính đây là mục tiêu của sự sống, trong chúng ta: là để hiểu biết, yêu thươgn và san sẻ cuộc sống với Ngài, mãi không ngưng.

Quả thật, bằng cách này cách khác, tất cả chúng ta đều cần được Chúa chữa lành. Chữa tật bệnh, cho lành mạnh, sự toàn vẹn, lành thánh bên tiếng Anh, là những cụm từ được đan kết, nối với nhau. Khi nguyện cầu, ta xin cho được lành mạnh. Để có sức khoẻ, trong mọi địa hạt của cuộc đời. Chứ không chỉ lành và mạnh, nơi thể xác.

Sự thể đem đến cho ta toàn vẹn sức khoẻ lành mạnh, là cốt trở thành con người vẹn toàn. Vẹn toàn, trong đó mỗi phần trong ta –từ tâm linh, trí tuệ, xã hội, tâm lý, cho chí thể xác—đều hoạt động theo chức năng của nó. Hoạt động trong hài hoà cả ở bên trong, với thế giới bên ngoài. Với cả môi trường chung quanh, người và vật.

Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng có nói đến sự toàn vẹn này, khi thánh nhân nhắc nhở giáo đoàn Côrinthô về Đức Giêsu: “Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo, vì anh em. Để anh em nên giàu có, từ cái nghèo của Ngài” (2Cr 8: 9) Chúa chịu mình trần trên thập giá, là để đổ tràn tình yêu xuống cho ta. Ngài ban sự sống của Ngài, để ta được sống. Và vì thế, Ngài sẽ sống mãn đời. Và nhờ đó, ta trở nên giàu sang phú quý.

Thánh Phaolô lấy đó làm mẫu mực, để giáo dân ở Côrinthô biết mà sẻ san bất cứ thứ gì làm được cho những người anh người chị nghèo khó hơn họ, trong Hội thánh. Có điều là, cả vào khi ta san sẻ cho người khác, không phải là được kỳ vọng cho đi những gì ta cần có cho chính mình, nhưng là những gì ta có dư. Và khi ta san sẻ của thặng dư cho người đang có nhu cầu nhiều hơn, ta sẽ hy vọng được đối xử cùng một cách như thế, những khi cần.

Xử sự theo cách này, cuộc sống sẽ quân bình hơn. Và, thánh Phaolô đã trích dẫn Kinh sách Cựu Ước nói rằng: ai tích tụ nhiều sẽ chẳng có được bao nhiêu, nhưng ai tích luỹ ít, cũng sẽ không thiếu hụt.

Đây chính là mẫu mực của cuộc sống cộng đoàn, trong xã hội. Xã hội Cộng sản đáng lý ra đã phải làm như thế. Nhưng ngày nay, chỉ còn mỗi cộng đoàn dòng tu mới đích thực biến phương cách sống ấy thành hiện thực. Phương cách ấy, là “làm theo khả năng, nhưng hưởng theo nhu cầu.”

Thành phần của việc chữa lành trong toàn bộ cộng đoàn ta sống, là sự toàn vẹn dựa trên sự thật, tình yêu, lòng xót thương và ý nghĩa công bằng đích thực cho mọi người. Và đây chính là sự thánh thiêng, bởi lẽ Thiên Chúa Đấng Thánh Thiêng là thành phần vẹn toàn của sự trọn vẹn. Ngài được biết với Danh hiệu Đấng tạo Dựng, Gìn Giữ và Cùng Đích của tất cả những gì ta phải là và có thể trở thành. Là, tất cả chúng ta đã, đang và sẽ trở thành, như thế.

Vào buổi tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao Đức Giêsu, Đức Chúa của sự sống giúp ta đạt đến mức độ ấy. Mức độ của sự lành mạnh, toàn vẹn và thánh thiêng, ta vẫn được mời gọi để đạt đến.

Trong nhận thức là như thế, ta sẽ cùng mọi người cất tiếng lên hân hoan, mà hát rằng:

“Lòng ta hân hoan trong tiếng hát say sưa nhịp nhàng vang

Bao em thơ vui múa khúc ca say theo điệu đàn

Lửa bập bùng rọi sáng mái đầu còn ấm hương đời

Vui lên đi!

Ca lên đi!

Reo lên đi!

Đời thêm tươi! (Văn Phụng – Vui Bên Ánh Lửa)

Trong yêu thương lành mạnh, vẹn toàn, ta sẽ không còn lo bi thương, “khạc hồn ra khỏi miệng”. Nhưng vẫn cứ reo vui, cho đời thêm tươi. Tươi vui, vì được Chúa chữa lành. Được lành mạnh. Lành thánh. Rất toàn vẹn.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh.

Mai Tá diễn dịch

Saturday 13 June 2009

“Cho tôi uống cùng em ly hạnh phúc”

rượu trăm năm cất bởi trái tim buồn
bởi máu ta, bởi lệ nữa, ân cần
đã chảy miết từ khi hồn thất lạc.”
(Dẫn từ thơ Du Tử Lê)

Mc 4: 35-41

Anh thấy không, nhà thơ nay mong uống cùng anh ly hạnh phúc. Về nhà Đạo, người người vẫn uống rượu trăm năm cất bởi trái tim. Tim không buồn, nhưng vẫn chảy. Chảy miết từ hồn vui phách lạc của Đức Chúa.

Trình thuật thánh Mác-cô nay lại đã ghi về Đức Chúa có con tim thôi thúc dân con Do Thái, theo chân để được chúc phúc. Theo chân Ngài, chúng dân nghe Lời Ngài dẫn dụ. Tuy thấy việc lạ Ngài làm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn về với Ngài.

Việc Ngài làm hôm ấy, ở hồ Galilê, sóng cồn bất chợt nổi cơn giông, khiến môn đồ thảy đều lo sợ. Sợ thuyền lật làm hỏng việc, nên gọi Thầy. Dù ở vào tình huống ấy, Đức Giêsu vẫn ngủ thiếp phía sau thuyền. Kịp đến lúc đồ đệ đánh thức, Ngài trỗi dậy quát bảo sóng gió: “Im đi! Câm đi!” Tức thì, gió liền tắt. Cả không gian vắng lặng như tờ. Và, đến lượt đồ đệ bị quở trách.

“Sao nhát thế! Làm sao anh em vẫn chưa có được lòng tin?” Đến lượt các ông, còn hoảng hơn thế nữa, bèn bảo nhau:“Thầy mình là ai, mà cả đến biển gió cũng phải tuân lệnh?´(Mc 4: 41). Biết rằng chỉ có Chúa mới chế ngự cả gió, cả biển và mọi thứ khác. Đó là chủ đề của sách Gióp.

Bài đọc 1, thuật lại những lời ghi trong sách Gióp: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại, khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?”. Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: “Người chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành.” (Jb 38: 8-11)

Với người xưa, nhìn sức mạnh của gió và biển là thấy đuợc uy lực của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng. Là, Chúa của biển: “Những kẻ xuống thuyền đi biển, chuyên nghề buôn bán giữa mênh mông, họ đã được thấy các việc của Giavê, và những kỳ công Người làm nơi chốn biển khơi.” (Tv 107: 23).

Với người có niềm tin, không thấy có khó khăn gì khi nhìn quyền uy của Đức Chúa nơi sức mạnh của sóng/gió. Điều này áp dụng rất đúng cho các đồ đệ ở trên thuyền. “Người là ai, mà đến gió/biển cũng tuân lệnh?” Và các thánh đã hiểu về Ngài, cách nhãn tiền.

Và người xưa từng hát những câu Thánh vịnh theo sau đó: “Người phán và cho bùng lên gió bão, làm cho ba đào rầm rầm dấy lên: Họ nhô lên trời, họ nhào vực thẳm, mạng họ rữa tan ra trong điêu đứng.” Nhưng, gió bão hôm ấy, có là chuyện ngẫu nhiên? Lặng yên, vì quyền uy của một Đấng Uy Hùng. Nhớ lời xưa, các thánh nay biết về quyền uy của Đức Chúa: “Người làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển lại yên tĩnh như tờ. Họ vui mừng vì sóng gió đã dịu, và người dẫn họ đến bến họ mong.” (Tv 107: 27-30)

Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô còn chuyển tải một bài học khác, nữa. Bài học đó, là dụ ngôn về Hội thánh thời tiên khởi. Và, cũng là Hội thánh, suốt mọi thời. Thuyền chòng chành, ở đây hay nơi nào đó trong Tin Mừng Nhất Lãm, vẫn luôn chỉ về Hội thánh Chúa, gặp phong ba vẫn chòng chành. Vẫn cứ phải đối đầu với nhiều vấn đề, rải rác dọc đường đi.

Trên thuyền có đồ đệ của Chúa, và chính Chúa. Sóng nước vây quanh, lại chính là thế gian bao bọc. Con thuyền Hội thánh, vẫn quá nhỏ, rất mong manh trước cơn sóng thù địch là thế gian. Đôi lúc sóng vỡ, đe doạ con thuyền Hội thánh. Bằng các bách hại. Bằng các phong trào khác nhau, nổi lên từ nhiều phía, manh tâm xoá bỏ Đạo của Ngài.

Trong tình huống lo âu, hỗn độn, nhiều cộng đoàn bé nhỏ, đôi lúc cũng chực tự hỏi: Thầy đâu rồi? Chúa ở đâu? Ngài như chừng vẫn xa cách? Tưởng rằng, Ngài vẫn ngủ say? Tưởng chừng Ngài không đoái hoài gì chuyện trông nom chăm sóc? Nhưng cuối cùng, cộng đoàn lớn/nhỏ của Chúa, rồi sẽ tồn tại.

Trong nguyện cầu, con dân vẫn nhận ra rằng Thầy vẫn ở với mình. Và, lúc ấy, mọi người mới trải nghiệm sự bình an ở bên trong. Mới nhận rằng, giông ba bão táp không ở biển cả chốn khơi nguồn. Nhưng, ở chính nơi nào có lo âu và hãi sợ.

Niềm vui an bình cũng thế, nay ở ngay trong tâm khảm. Bởi thế giới chung quanh luôn vẫn thế. Vẫn cứ rắp ranh rình rập, chực bách hại. Nhưng con dân của Chúa nay đổi mới. Đã tái tạo niềm tin tưởng phó thác cho bàn tay chăm sóc của Ngài.

Trong cuộc sống, hay trong xã hội ta đang sống, có thể là ta cũng đang trải nghiệm một vài khó khăn như lo âu và hãi sợ. Và, những phong ba, đe doạ có thể đang diễn ra nơi chân trời của ta đó. Nên, ta vẫn cần đến an bình của Đức Chúa.

Rất thường tình, ta không thể kiểm soát hoặc chế ngự các phát triển về xã hội và chính trị ở khu vực ta đang sống. Ta chẳng tài nào kiểm soát/chế ngự được những gì thiên hạ đang làm . Nhưng, bất cứ việc gì ta đang trải nghiệm, với sự phụ giúp của Đức Chúa, ta cũng sẽ tìm được niềm vui an bình, Chúa vẫn ban. Bởi, Ngài chỉ có thể trao ban sự an bình vui sống. Vui sống bình an, là điều không ai có thể lấy đi được, khỏi nơi ta.

Trong niềm tin vững chắc như thế, ta cùng nhau cất lên niềm vui say qua tiếng hát; hát rằng:

“Hồn linh thiêng tiền nhân ngàn năm tươi thắm

Nguyện noi gương hùng anh sử xanh thắp sáng

Quyết dấn thân cho đời

Hiến ấm no muôn người.” (Hành ca tuổi trẻ)

Cùng tiền nhân/các thánh, ta quyết dấn thân cho đời. Cho muôn người. Để cộng đoàn Nước Trời mãi mãi ấm no. Bình an. Thanh thản. Như biển lặng.

_______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

Saturday 6 June 2009

“Thôi quay về trú ngụ, với cô đơn”

ở một nơi, thiên đường tôi chết đuối
nỗi nhớ em, ướt nhòa trong bóng tối
ôi tình yêu, xa tít phía mặt trời

(dẫn từ thơ Phạm Ngọc)

Mc 14: 12-16, 22-26

Vẫn cô đơn, làm sao chết đuối ở thiên đường? Còn nỗi nhớ, ôi tình yêu xa tít, phía mặt trời! Xa tít chốn thiên đường, đâu nằm phía mặt trời, mà nhà thơ đòi trú ngụ. Mặt trời, thiên đường nay nhà Đạo tôn vinh. Tôn vinh Mình Máu Chúa, có trình thuật.

Trình thuật nay, thánh Mác-cô nhấn mạnh về Tiệc Mình Máu, một giao ước Chúa hằng ký kết. Giao ước Ngài ký, luôn ghi nhận tình thương giao hoà Ngài mang, suốt hành trình. Giao ước Ngài ký nhận, là nối kết hai truyền thống có Chúa. Có dân gian.

Giao ước, là khế ước Chúa long trọng ký kết với dân gian. Hết tâm tình. Lúc sớm. Và, Chúa mặc khải cho thấy: Ngài luôn vui lòng lập giao ước với con dân của Ngài. Tuy nhiên, Kinh thánh cho biết: dân con của Ngài đã bội ước với lời nguyền, sau giao kết. Chính vì thế, các lãnh tụ kêu cầu Chúa xót thương, kiên nhẫn chờ cho ngôn sứ ra tay khiển trách đàn dân bất trung. Lỗi hẹn.

Bài đọc 1, nêu rõ chi tiết được ký kết trong Giao ước, bằng sắc luật Chúa tỏ bày với Môsê, ở núi thánh Sinai, để rồi ông sẽ chuyển lại cho dân chúng. Khi ấy, tất cả đồng thanh cam kết: “Mọi lời Ngài phán, chúng tôi sẽ thi hành.” (Xh 24: 3) Lời hứa ấy, đã trải qua tu chính bằng nghi tiết long trọng. Nghi tiết, ở nơi bàn thờ do Môsê thiết dựng. Có của lễ. Có đá tảng vòng quanh. Bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa. Đá tảng, ảnh hình của 12 chi tộc, đất Israel.

Người trai hiên ngang dấn bước, tiến lên hy sinh làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. Phân nửa máu đào của loài thú còn lại, rắc đều lên bàn thờ. Và khi Môsê đọc toàn bộ sắc luật, tức Giao Ước, thì toàn dân cất lời cam kết chu toàn bổn phận, ghi trong đó.

Tiếp đến, Môsê dùng phân nửa số máu còn sót lại rưới lên người chúng dân, và nói: “Đây, Máu Giao ước, được thiết lập với anh em.” (Xh 24: 8). Đây, máu đào rưới lên bàn thờ. Và, lên người dân chúng. Nhưng, đừng lấy làm lạ nếu lời lẽ ta nghe, xem chừng đã quen.

Trình thuật hôm nay, cũng đưa ta về với Tiệc Tạ Từ, Chúa mở ra cho đồ đệ của Ngài. Hôm ấy, ngày đầu tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua. Lễ Phục Sinh được cử hành, kể từ đó. Đây, biến cố trọng đại nhất trong niên lịch của người Do Thái. Ngày, mọi người mừng kính cuộc giải thoát do Mosê lãnh đạo, nhằm cứu dân khỏi cảnh nô lệ, xứ Ai cập.

Đêm trước ngày người Do Thái rời Ai Cập, họ giết một chiên con và ăn thịt chiên ấy. Máu chiên được bôi phết lên cửa ra vào, mọi nhà. Làm thế, để mọi bé trai đầu lòng được cứu thoát khỏi bàn tay lạnh, của thần chết. Các cháu được cứu, bằng máu của chiên cừu.

Nay, Đức Giêsu và đồ đệ Ngài, chuẩn bị Lễ Vượt Qua, tức Phục Sinh, như ta đà biết. Với các thánh tông đồ, lễ kỷ niệm này không là nghi thức bình thường, rất Vượt qua. Nhưng, đã khai phá một kỷ nguyên mới. Một giao ước mới. Cho dân mới.

Khi mọi người tề tựu về ăn lễ, Đức Giêsu cầm lấy bánh không men –thời bấy giờ dùng bánh không men, vì men bánh là hình thức của ô uế, hỗn tạp- Ngài chúc lành theo truyền thống, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ đang hiện diện, rồi nói:“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy.” Thân mình Thầy, không là thân xác của Ngài thôi, mà là toàn bộ con người. Là, tất cả những gì Chúa muốn nói, ngang qua đời Ngài. Nói, bằng lời. Nói, bằng việc làm.

“Cầm lấy mà ăn”, Chúa xác định ta là người của Chúa, rất trọn vẹn. Trọn vẹn, theo sứ vụ Chúa giao phó. Trọn vẹn, theo thị kiến cuộc đời. Cầm lấy mà ăn, không chỉ tư cách cá nhân, nhưng với tư cách của tập thể, kết hợp. Kết hợp, tất cả cùng ăn chung tấm bánh. Hiền hoà. An bình.

Cũng một cách tương tự, Đức Giê-su cầm lấy chén, đọc lời cảm tạ lên chén (tiếng Hy Lạp gọi là: eucharistesas), rồi trao cho môn đệ, để tất cả uống chung một chén. Và, Ngài nói: “Này là Máu Thầy, Máu Giao Ước sẽ đổ ra vì nhiều người.” (Mt 26: 28)

“Máu của Thầy”, diễn tả toàn bộ con người Đức Giêsu. Máu, không còn là máu chiên, máu bò nữa. Nhưng, là Máu rất Thánh của Ngài. Trên bàn thánh thập giá. Máu, đổ ra cho mọi người chúng ta. Bằng vào nghi thức này, Đức Giêsu cử hành Giao Ước Mới, thiết lập bằng cái chết, của Ngài. Và Máu Ngài trao, rưới vẩy lên bàn thờ thập giá. Làm thế, Ngài vừa là Vị Thượng tế, vừa là Của Lễ Hy Sinh. Hy sinh, tặng chính Mình Ngài.

Bài đọc 2, thánh Phaolô viết và gửi giáo đoàn Do Thái bức thư, trong đó nói: “Đức Kitô đã vào thánh điện -duy chỉ một lần- không phải với máu dê máu bò, nhưng với Máu của chính mình Ngài, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn, cho chúng ta.” (Dt 9: 12).

Giả như, máu loài thú rưới vẩy lên những gì uế tạp mà còn thánh hoá được họ, thì “Máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần Chúa hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã thanh tẩy lương tâm ta khỏi mọi sự việc đưa đến chết chóc, mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9: 14)

Chính vì thế, thánh Phaolô quả quyết: “Đức Giêsu là trung gian của Giao ước mới, Ngài lấy cái chết để chuộc lỗi loài người đã phạm vào thời giao ước cũ.” (Dt 9: 15). Nhờ thế, khi cầm “chén Máu Chúa” mà uống, ta đồng hoá với Đức Giêsu. Đồng hóa, với tâm tình hy sinh của chính Ngài. Và ngang qua tẩy rửa, giao ước mới giữa Chúa với dân Ngài, được thiết lập. Làm thế, ta nhất quyết theo Chúa, qua Đức Giêsu. Đổi lại, Ngài tự hiến Mình để tất cả sẽ thành Đường, Sự thật và Sự Sống.

Ta làm thế, vào mọi Tiệc Thánh Thể, suốt cuộc đời. Lễ Vượt Qua khi xưa, tạo cho ta con đường dẫn đến Vượt Qua mới. Bánh không men xưa, tạo đường cho ta đi đến với Bánh hằng sống, tức Thân Mình Chúa. Chén rượu ta uống, tạo thành chén Máu cứu chuộc Ngài đổ ra vì tình thương ta. Và, ta làm việc ấy từ nay đến mãn đời. Ngõ hầu nhớ đến Ngài.

Nghi thức phụng vụ sẽ chẳng mang ý nghĩa gì đích thực, phi trừ diễn tả trọn vẹn những gì mà cộng đoàn ta đang trở thành. Và, muốn trở thành dân con của Giao ước mới. Ta quyết tâm thực hiện sứ vụ Chúa giao phó, nơi Đức Giêsu. Ngài giao phó, mỗi lần cộng đoàn tụ tập quanh tiệc phụng thờ.

Ở đây, hệt như người Do Thái đã từng làm dưới chân núi thánh Sinai, ta tụ tập để nghe Lời Chúa. Ở đây, ta tái lập Giao ước đã hứa, là theo chân Chúa, đến cùng. Tụ tập nơi đây, quanh bàn thờ này, ta cùng ăn và cùng san sẻ với nhau, một tấm bánh. Một chén cứu độ.

Qua kết hợp làm chứng cho Sự thật, và Tình Yêu đích thật được ban ra, qua phụng vụ và trong cuộc sống thường nhật, ta tuân thủ giao ước ấy. Là dân con của Chúa, ta kéo mọi người về với kinh nghiệm của giao ước ấy.

Chính vì thế, đối với ta, cử hành phụng vụ Chúa Nhật với lòng sốt mến. Có phẩm cách. Có niềm vui thông hiệp. Đó là việc làm quan trọng. Còn gì quý bằng cử hành Tiệc Thánh, trong cuộc đời. Có làm thế, ta mới thực sự phản ánh cuộc đời, ta đang sống. Và Tiệc thánh chỉ có ý nghĩa tốt đẹp, nếu toàn thể cộng đoàn cử hành trong hiệp nhất. Sốt mến. Hài hoà.

Trong nhận thức ý nghĩa quan trọng như thế, ta hăng say cất lên lời vui hát. Hát rằng:

“Vui lên, vui lên ca vang ngàn phương

Sao cho nơi nơi không mang sầu thương

Thanh niên chí kiêu hùng, gieo sức sống tưng bừng

Cùng hợp lực ta xây ngày mai sáng tươi.” (Phạm Đình Chương – Bài ca Tuổi Trẻ)

Bài ca tuổi trẻ, vẫn cứ vang. Vang trên đường đời ta theo Chúa. Vang, cả vào buổi tiệc, có Chúa cùng chia vui. Vui với cộng đoàn Nước Trời. Ở đây. Bây giờ.

______Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch