Friday 22 November 2019

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 34 thường niên năm C 24/11/2019




Lc 23: 35-43
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!" Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
Tình-thuật thánh Luca ghi hôm nay vẫn chứa đầy biểu-tượng xuất tự Hy Lạp và La Mã, trong đó có hành-trình một huyền-thoại kiểu Odyssey mà dưới tầm nhìn của thánh-sử, đó lại là lối sống rất mới ở đô-thị người Hy Lạp dựng nên. Với thánh-nhân, tất cả đều về với và xuất tự thành-đô. Đạo Chúa cũng mở rộng qua các thành-phố của người Ê-Giê. Và, khi những người có cùng một văn-hoá như thế, họ thiết lập bất cứ thành phố nào, cũng đều ăn mừng thành-tựu bằng lễ-hội có ăn có uống rất linh đình.

Bởi thế nên, thật cũng dễ để thấy được những song song/song hành mà thánh Luca đã ăn sâu trong đầu ông. Bởi, thánh-sử cứ muốn tỏ cho tín-hữu nào đọc Tin Mừng đều sẽ thấy biểu-trưng/biểu-tượng có từ nền văn-hoá Do-thái như lai-lịch để chuyển qua đặc-trưng chính của văn-hoá Hy-Lạp ngay nơi đó. Thánh-nhân sử-dụng các huyền-thoại được Đạo Chúa rút tự xuất-xứ hoặc đặt vào thế-giới huyền-nhiệm khác mà vẫn ở lại hoặc quen thuộc trong đời người dân. Và thánh-nhân cũng đã thành-công trong việc này.

Theo các nhà chú giải, thì thánh Luca ghi chép cuộc khổ nạn của Chúa vào thời gian viết sau các tác-giả Tin Mừng khác như thánh Máccô và Mátthêu. Thánh-sử Luca, không mấy thích thú làm người đầu tiên ghi chép trình thuật truyện kể giống như thế, do bởi thánh-nhân thường sử-dụng các yếu-tố nằm sẵn trong đầu tín-hữu thời tiên-khởi, rồi mới đưa vào Tin Mừng của mình thêm vào đó luồng sáng mới soi dọi mọi sự. Ngay như cuộc thống-khổ và cái chết của Chúa, thánh Luca cũng ít thích đặt nặng vấn đề như ưu-tư của ta ngày hôm nay.

Cả, việc Chúa Phục Sinh quang vinh xem ra cũng không là trọng-tâm ham thích của thánh Luca. Trọng-tâm ý-thức mà thánh-nhân đặt vào trình-thuật, là việc ăn uống chính Thân Mình Chúa mà ta vẫn gọi là Tiệc Tạ Từ, hôm đó. Tiệc đích-thực, được thánh-nhân ghi chú là Tiệc Thánh Thể kéo dài mãi trong đời người. Chính đó là Tiệc Tạ Ơn kéo dài cho tất cả mọi người mà ta từng thấy và sẽ còn thấy.

Tiệc Tạ Từ hôm ấy, có lúc đã bị đứt đoạn, khi Giuđa Iscariốt rời hiện-trường ra đi bội-phản Thày mình. Tuy nhiên, Tiệc Tạ Ơn hôm ấy, không đạt đến kết đoạn như dự trù. Bởi, Đức Giêsu đã bị bắt giữ quá nhanh như địch-thù, rồi Ngài đã bị dẫn đi và treo trên khổ giá. Và, Phục Sinh cũng hiện đến quá nhanh chóng, đến không ngờ. Việc ban đầu, được Chúa Phục Sinh làm trước nhất trên đoạn đường đi Emmaus, là sự kiện duy nhất ở trình-thuật thánh Luca ghi, là: Ngài ngồi vào bàn với môn đệ để, một lần nữa, lại ăn và uống, cũng như tạ ơn cách nhanh chóng, rất đứt đoạn.

Các môn-đệ nhận ra Thày mình qua việc Thày bẻ bánh có ăn/có uống trong bữa tối được tái-lập, sau ngày Ngài chết đi và Sống Lại. Thế nhưng, thánh Luca không kết thúc bằng chủ-đề ăn uống rất như thế mà sau thời gian ngắn, với các cuộc hiện ra với đồ đệ, Đức Giêsu Phục Sinh lại được thăng-hoa ra khỏi thế-trần này, để về chốn thiên-cung trong trạng-thái có Chúa Cha và Thánh Thần. Việc này dẫn đến cũng một dứt đoạn khác, dài hơn trong khi các bữa ăn uống Phục Sinh còn tiếp tục, rất không lâu. Bởi, mười ngày sau, Thánh Thần Chúa đến với các thánh tông đồ cũng từ và ngang qua Đức Giêsu, Đấng đã ra đi về chốn vinh thăng, hằng sống.

Nơi Thánh Thần Chúa, các thánh đến với nhau cùng mừng kính bằng buổi tiệc có ăn có uống vào bữa tối nhưng đã trỗi dậy qua giai đoạn mới. Nơi sách Công Vụ, ta có câu truyện về thánh Phêrô đã dùng bữa với người Do thái và cả người không phải là Do thái như Cornêliô. Ta cũng lại có truyện kể về thánh Phaolô, nhân vật chính trong Đạo với cộng đoàn của thánh-nhân tại các thành phố ở Hy Lạp. Nhưng không một ai, kể cả những vị kế-nhiệm cũng như chúng dân hỗ trợ, chẳng bao giờ thật sự kết thúc các bữa có ăn uống cả. Rồi, lại xảy đến các cuộc bách-hại đôi lúc đưa các thánh đi thật xa, ra khỏi cộng-đoàn mừng kính cũng có tiệc ăn uống thường xảy đến sự-kiện tử vì đạo, để rồi các vị bị bỏ rơi ở cộng-đoàn; và rồi cứ thế tiếp tục sử-liệu về Đức Giêsu cũng như sử hạnh về các Kitô-hữu cũng chỉ là các giai-đoạn của truyện kể về các bữa tiệc đứt khúc để cộng đoàn dân Chúa bẻ bánh tạ ơn chung vui với Chúa suốt chặng đường dài lịch-sử thánh.

Nhưng hỏi rằng, những chuyện như thế có đi đến kết thúc hay không? Thánh Luca cũng không rõ về chuyện đó. Thời sau này, ta lại có nhà cổ-sinh-vật-học người Pháp là Teilhard de Chardin trong một lần ở ngoài hiện trường nước Mông Cổ, ông cũng đã mơ về một “Thánh Lễ Toàn Cầu”. Ông dâng lên Chúa toàn bộ vũ-trụ, chứ không chỉ mỗi dấu chỉ về bánh và rượu mà là vạn vật có hình-thù và tiến-hoá nơi tầm kích vĩ mô của nó và cả nơi tính-chất thường xuyên không hoàn-tất mà lại không gián đoạn.

Học-giả Teilhard de Chardin xem như đã nhìn thấy nơi vũ trụ, một luồng hào quang rất thần thánh. Ông hiểu đó như việc kéo dài một Nhập Thể. Ông coi đó như loại hình lớn rộng về sự hoá-thể biến bánh rượu thành thân mình Chúa. Thánh lễ trong vũ-trụ là sự nới rộng, đầy đặn của “Thánh lễ trên bàn thờ”.

Cùng chung lại, đó là Tiệc Thánh Thể, cũng ra như thể ông nắm trong tay mình niềm khát-vọng của toàn thế giới với niềm vui to lớn đầy cảm kích để thế giới được gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng vĩ đại luôn tặng ban mọi sự mà chỉ mỗi Ngài mới có khả-năng làm thế. Ông nhìn thấy thân mình của Đức Kitô nơi thân hình của vũ trụ; ông thấy Máu Đức Kitô nơi cơm bánh của toàn thế giới; và ông thấy Đức Giêsu Phục Sinh đang tiến về phía trước có vũ trụ vạn vật.

Phải chăng thánh Phaolô lại đã không nói như thế trong thư Rôma đoạn 8:

“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8: 19-23)

Với Teilhard de Chardin, thì Đức Giêsu còn hơn nhân vật trong kịch-bản viết như thế. Ngài là sự tập trung và là trọng-tâm của tất cả mọi sự như thế. Trong ngày dài lịch-sử, Ngài sống ở trần-thế cũng đã diễn ra rất nhiều điều qua cung cách Đức Kitô-Vũ Trụ. Ngài là Đấng Ômêga rất Kitô của mọi sự. Triết-gia Teilhard de Chardin hiểu tính phức hợp ở đây chính là dấu hiệu đặc-trưng của tầm-kích mới về ý-thức và hiểu biết. “Hiện tượng Con người” còn hơn cả tính người; mà là “dẫn nhập” vào Niềm Vui có ý-thức về Đức Kitô-Sự Thể trong toàn thể Thực-tại.  

Còn lại, chỉ là chiêm ngưỡng/thờ phượng và hiệp thông. Nói như thế, có đi quá xa tư tưởng của thánh Luca không? Không hẳn thế. Có thể là, triết-gia Teilhard de Chardin đã viết ra nhiều chương đoạn chưa kết thúc về sách Công vụ nào đó. Phần chúng ta, phải chăng cũng có người quên mất Lễ Đức Kitô Vua? Không hẳn thế! Chắc có thể, chúng ta không coi Ngài là Vua theo cung cách bình thường ở đời, vì Vương quốc của Ngài không ở thế gian này. Nhưng ta có thể bảo rằng: Ngài là Thượng tế của vũ trụ và Vua vũ trụ. Dâng lên Lễ Tạ Ơn cho Niềm vui này. Của lễ dâng tiến đó là thức ăn sẽ không bao giờ bị gián đoạn hết. Và Ngài luôn nói lời ân huệ lên của ăn đó.
Lm Kevin O’Sheas biên soạn –
Mai Tá lược dịch

Tuesday 12 November 2019

“Đống gạch vụn chất trong lò ngôn ngữ,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 33 thường niên/Lễ các thánh tử-đạo Việt Nam 17/11/2019
Lc 21: 5-19

Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?"
Đức Giêsu đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ.9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

“Đống gạch vụn chất trong lò ngôn ngữ,”
(dẫn từ thơ Trầm Mặc Thiên Thu)


Trình thuật, nay thánh Luca lại đã mô tả cảnh Đền Giêrusalem trở thành gạch vụn, tưởng chừng như thơ. Thơ sầu hận, ngày nguyệt tận, không phải tả ngày thế tận mà về ngày tàn của đền thánh rất Giêrusalem. Với người Do thái, Đền thờ là chốn thánh rất tột bực ở địa cầu; là: chốn Chúa tiếp cận với dân con Ngài hằng trân trọng.   


Về Đền thánh, người Do thái có tất cả đến ba ngôi đền được xây xong rồi bị phá do những con người bất ưng, thù hận gây nên. Đền thờ ban đầu, do vua Salômôn xây, đã bị phá hủy vào năm 587 trước khi dân con lưu đày trở về từ Babylon. Đền thứ hai, lại được người Do thái xây sau ngày trở về, để nối kết mọi người đến mà thờ phượng Giavê, Đức Chúa. Đền thứ ba, do Hêrôđê xây tuy chưa hoàn tất vào thời Chúa sống nhưng vẫn lộng lẫy, dát vàng thật tráng lệ.     


Sống vào thời của Chúa, chẳng cần sắc sảo/tinh khôn cũng có thể đoán được rằng đền thờ này lại sẽ bị phá hủy cùng với thành Giêrusalem đi theo đó. Lúc ấy, người La Mã kiểm soát khắp mọi nơi chốn. Họ lại là người tàn bạo, dữ dằn nên sẽ không nương tay tàn phá những đền đài hoặc thành phố do họ chiếm, nếu chống đối. Giả như người Do thái lại tìm cách chống cự người La Mã, thì thế giới của dinh thự, hoặc đền đài cũng bị triệt tiêu.


Dân con của Chúa vốn dĩ luôn hy vọng/nguyện cầu sao cho triều đại đế quốc La Mã thống trị mọi người mau chấm dứt. Họ mơ ước ngày ấy cũng sẽ là ngày thế giới bị tận tuyệt. Và bỗng nhiên, ngôn sứ giả mạo như Theudas và 400 người đi theo đã nổi lên ở nhiều nơi khiến người La Mã đã phải ra tay tiêu diệt cho tận tuyệt. Tình trạng chính trị lại càng hỗn loạn. Thiên tai, động đất, mất mùa cứ thế xảy ra. Và, dân con cứ nguyện cầu Chúa ra tay can thiệp giúp người Do thái chiến thắng đám quân tham tàn, giống giòng La Mã.


Và, vào năm 70, đền thờ của người Do thái lại đã bị quân La Mã triệt hạ, không thương tiếc. 6000 dân con Do thái đã quanh quẩn khu vực đền thờ khi thành Giêrusalem bị đoàn quân của Titus trấn giữ, và toàn bộ người dân vô tội đã thiệt mạng. Và đền thờ từ ngày ấy đến nay như thế, chẳng bao giờ được xây dựng lại suốt 20 thế kỷ. Ngày nay, duy nhất chỉ một tường thành trơ trụi còn trơ lại để người Do thái và người đạo khác đến nguyện cầu Đấng Thiên Sai sẽ tái lâm, gầy dựng lại từ đầu.


Trình thuật hôm nay được viết vào năm 90 sau Công nguyên, phần lớn các sự kiện như thế đã xảy đến. Thánh sử Luca cũng đã viết về những lời tiên đoán đặt lên môi miệng của Chúa, vì thánh-nhân đã thấy toàn bộ sự việc tàn phá đã xảy ra như trước mắt. Và, thánh-nhân đã sử dụng văn phong phổ biến vào thời đó, vẫn được gọi là thể văn “cánh chung luận”, rất tận thế.


Cánh chung luận, là một thể loại văn chương nhằm tỏ lộ còn gọi là “mặc khải” những điều rất bí mật chưa từng được gửi đến cho ai hết. Cánh chung, là ý nghĩa chỉ về những ngày sau hết của thế giới gian trần, tức ngày “thế tận” của vũ trụ. Người Do thái vào thế kỷ đầu cứ nghĩ rằng thời hiện tại vẫn ở trong tay ác thần/sự dữ quyết đè nén, bách hại cộng đồng người công chính, chứ không chỉ mỗi người La Mã thôi.


Toàn bộ thế giới tạm bợ sẽ chấm dứt rất chóng trong một tai hoạ khủng khiếp hơn cả đám cháy khắp hoàn cầu. Dân con mọi người đều đã nguyện cầu cho ác thần sự dữ biến mất trong trận chiến cuối cùng, vào khi đó kẻ gian ác sẽ bị trừng phạt, giết chết đến triệt hạ. Và khi ấy, người công chính sẽ trỗi dậy vào cuộc sống vinh quang, không còn âu sầu, đau đớn bởi kỷ nguyên mới được Chúa cho khởi đầu từ lúc ấy. Dĩ nhiên, chuyện này đến nay vẫn chưa xảy đến, nhưng đó vẫn là niềm hy vọng trong sáng như lời tiên tri ta sẽ thấy vào ngày rất gần.


Sử dụng biểu tượng, người viết trình bày ngày tàn của thế giới đền đài cùng với hy vọng kết tận thế giới thống trị của người La Mã, thế giới của sự dữ và khởi đầu một thế giới mới được Chúa phú ban cho ta như một bí mật được mặc khải cho ta.


Rõ ràng là, tác giả trình thuật muốn mọi người đọc trình thuật này không nên hiểu theo nghĩa đen. Bởi ta thật chẳng biết trình thuật có ý nói về ngày cùng tận của vũ trụ vạn vật không. Cũng chẳng rõ, lịch sử diễn tiến thế nào, hoặc giả như người Do thái và Kitô-hữu cuối cùng có được sống an bình vào thời sau hết hay không. Bởi, nếu đọc và hiểu các đoạn trình thuật như thế hoàn toàn theo nghĩa đen, ta sẽ có vài ý tưởng rất ngộ nghĩa, lạ kỳ. Thành thử, chẳng nên coi đó như mục đích tác giả muốn viết theo nghĩa thực tế rất đen ngòm; nhưng, hãy tìm xem thông-điệp ở trình thuật nói gì về sự sống ở đây, và thời này. 


Điều mà thánh-sử Luca muốn nói đến, là: ta hãy có động thái đổi thay hướng về cuộc sống ngay lúc này. Thay đổi động-thái, là: hãy cứ hy vọng và kiên trì bền bỉ ở nơi đó và làm những gì có thể làm được. “Sự kiện chính” sẽ xảy ra không phải trong tương lai, trên “thiên quốc” mà ta sẽ có tất cả những gì mình cần đến ngay ở đây, nếu muốn và nếu mình thực sự làm điều gì cho sự kiện đó. Nếu ta sống như thế ngay ở đây, bây giờ, thì “tương lai” và “thiên quốc” cũng sẽ đến với ta.


Làm chút gì như thế, tức: hoạt động nhằm đổi thay xã hội mình sống. Thông điệp được thánh-sử gửi, là: cố sống hết mình hầu đổi thay xã hội, cho tốt đẹp. Chỉ bằng cách đó, ta mới có thể thay đổi được xã hội, dù rất ít. Ít, nhưng cũng đem lại cho thế giới một ý nghĩa về công bằng khiến xã hội được công bằng hơn để người sống thẳng thắn, có kết quả. Điều quan trọng là sống sao cho công bằng, biết tôn trọng luân thường đạo lý cho người nghèo và có ý thức trực tiếp về họ. Điều đó đòi mọi người biết cảm thông mà đi vào hành động, ngay lập tức.


Điều ta cần đổi thay thế giới này, bây giờ là đặc biệt những ai lâu nay sở hữu thế giới đã đổ vỡ. Hiện đang có những người, không chỉ nghèo về vật chất thôi, mà cả những người cảm thấy thế giới của họ đang tan tành, gẫy đổ. Họ mất nhà, mất cả tiền bạc cũng như bạn bè người thân, mất cả công ăn việc làm, niềm tự tin và lòng tự trọng nữa. Họ thấy mình bị bỏ rơi khỏi thế giới trong khi người khác lại cứ sống ăn trên ngồi chốc, nhờ vào mồ hôi nước mắt của người nghèo hèn. Chúa đến, mang đến cho họ niềm hy vọng thấy được đường lối sống tốt đẹp hơn, tức: sống cho mọi người, ngay ở đây, bây giờ để mọi người đến với nhau bằng tình yêu không hạn chế.


Trình thuật hôm nay cốt mang đến cho mọi người niềm hy vọng để sống. Sống có thay đổi và làm một chút gì đó cho mọi người. Quả là khi xưa Hội thánh ta lại quá nhấn mạnh đến mục tiêu và chú trọng mỗi chuyện làm gì để lên được thiên đàng thẳng cánh, chứ không làm nhiều cho cuộc sống dưới thế này. Nếu ta thương yêu giùm giúp lẫn nhau và giúp người khác sống cho ra sống, thì việc “lên thiên đàng thẳng cánh” sẽ là tự chăm lo cho ta và mọi người. Có như thế, ta mới sẵn sàng để sống ở nơi đó, cách thoải mái.


Lm Kevin O’Sheas biên soạn –
Mai Tá lược dịch

Monday 4 November 2019

“Ngày đó người chia sẻ cùng tôi,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 32 thường niên năm C 10/11/2019
Lc 20: 27-38


Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giêsu: 

"Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?"

Đức Giêsu đáp:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham,Thiên Chúa của tổ phụ Isaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."


“Ngày đó người chia sẻ cùng tôi,”
Lời ấm nồng khiến tôi trân quý sự sống.”
(Dẫn từ thơ Cát Biển)

Lời Chúa hôm nay người người nghe biết trân quý sự sống, là trình thuật ghi về một tranh luận giữa Đức Giêsu và bè Xađuxê. Họ là những người giàu có, quan liêu, rất bảo thủ. Là, những người được kính trọng ở chính trường vẫn hằng sẻ san quyền bính với người La Mã. Dưới trướng người La Mã, họ “tự tung tự tác”, một mình một chợ làm chủ nghị trường bất kể niềm tin vào Chúa Phục sinh, và cũng chẳng lý gì đến cuộc sống tương lai, mai ngày.   


Bè Xađuxê không nghĩ rằng Chúa có thể và sẽ làm được mọi thứ hầu biến đổi thế giới ta đang sống cho ra khác. Họ cứ tưởng, chỉ mình họ mới làm được thế, nên không muốn “chuyện đời sau” xảy ra với chính mình. Họ muốn thế giới ở yên như xưa vì nay họ đã có đủ mọi quyền “ăn trên ngồi chốc” hơn mọi người. Hôm nay, những người như bè Xađuxê thấy rất nhiều ở quanh ta.


Họ là những người muốn Chúa cứ ở trên cao, chốn thiên đường ấy và để mặc họ quản cai thế trần theo ý họ mà chẳng bị Chúa Mẹ quấy rầy. Họ muốn niềm tin của mọi người ra ngoài mà sống tự nhiên, riêng tư. Và, họ chỉ muốn quyền bính chính trị để khống chế cuộc sống của mọi người. Phục sinh, đối với họ, chỉ là biểu tượng sự việc phải có, có thể có và cần có theo cách khác. Họ chẳng muốn mua lấy ý tưởng của Chúa, làm gì cho bận tâm, để rồi lại gây tranh luận. 


Tranh luận với Chúa, họ vẫn tìm cách riễu cợt ý-tưởng về Phục sinh, cứ muốn coi đó như chuyện “ngồi lê đôi mách” chẳng có ý-nghĩa hoặc giá trị gì đối với họ. Họ nói nhiều, về luật lệ của Lêvi chuyên bảo rằng: Nữ-phụ nào đã lập gia đình mà lại không có con, đến khi chồng chết thì người em kế phải lấy chị dâu mình để sinh con mà nối dõi. 


Và đám người theo nhóm bè Xađuxê lại đã phác-hoạ một trường hợp tưởng tượng bảo rằng: nếu người chị dâu kia sau khi ở với 7 người mà vẫn không có con, rồi cũng chết. Vậy khi “sống lại”, thì ai là chồng chính thức của chị? Hỏi thế có nghĩa: nhóm người này tưởng rằng sự sống lại lúc đó cũng giống như hiện tại, thôi.          


Và Chúa cho biết: đời sống đã phục sinh lại sẽ khác hẳn cuộc sống hiện tại rất nhiều. Phục sinh, không phải là quay trở về với lối sống giống như ta đang có bây giờ. Đó là: ngang qua sự chết và những gì xảy đến ngay sau cái chết, ngang qua đó, để đi vào một hiện hữu nhập xác rất mới mà sự chết không tài nào sờ chạm được. Và như thế, lúc đó, việc có con là chuyện không thích đáng, và thể thức hôn nhân cũng chẳng thích hợp, tức không thể nào lại có chuyện ăn nằm xác thịt, hết.


Chúa nói: Ngài không tin rằng những người đã quá vãng mới chỉ “chết”: nhưng họ lại sống sót theo cung cách thực thụ, bởi khi ấy họ đã thực sự thuộc về Chúa, mà Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ sống, nên họ vẫn còn sống, đối với Chúa. Ở đây, ta có thể nói về trường hợp của Simôn con ông Giôna mà bảo: một khi anh đã chết, ta không gọi anh là Simôn con của Chúa, bởi vì anh có cuộc sống mới, trực tiếp có từ Thiên Chúa của kẻ sống. Và điều đó có nghĩa: mình vẫn thực sự còn sống. Thế nên, người Công giáo chúng ta không cầu nguyện cho người chết của họ mà là cầu cho, cầu với và cầu nguyện ngang qua người thân yêu của mình đang còn sống sót giống như thế.    


Nếu ta vẫn sống sót để đi đến Chúa, ở với Chúa và được Chúa chăm sóc cho mình sau khi chết, điều này có nghĩa: Chúa đang thiết-lập một thế giới mới và ban cho ta một hiện hữu theo kiểu mới nơi xác thể, ở thế giới này. Đây là thứ xác-thể có uy-lực của Thánh-Linh, chứ không chỉ là sự sống còn theo nghĩa tinh thần, đâu. Ta cũng không thể biết xác-thể mới này trông giống gì. Các câu hỏi như thế không thích-hợp. Câu hỏi thực sự không mang tính vũ trụ quan mà có tính cách chính-trị. Thế giới mới này sẽ khác hẳn và tốt đẹp hơn. 


Thế giới mới ấy sẽ là thế giới của tự do, công bằng, bình yên và thương yêu. Thế giới đó, sẽ là thế giới trong đó người nghèo khó, thấp hèn không còn khó nghèo và hèn kém nữa. Mà là, thế giới trong đó con người có uy-lực hiện thời sẽ không còn và không thể hiện hữu để rồi có thể làm hại một ai nữa. Đám người như nhóm bè Xađuxê và người La Mã sẽ không còn loanh quanh luẩn quẩn ở cạnh nữa, mà đây lại là một cuộc xuất hành mới, theo đó, một lần nữa Chúa lại nghe tiếng vãn than của dân con Ngài đang đau khổ và Ngài đến tiếp cứu. 


Đây là cuộc trở về mới từ nơi lưu lạc, theo đủ cách. Thiên Chúa là Chúa của tự do. Là, Đấng cứu độ và là Chúa của mọi cách mạng qua đó Ngài đối đầu sự chết với tin lành loan đi sẽ có thế giới mới trong đó sự chết không còn chỗ đứng. Thiên Chúa giáp mặt với mọi người có uy-lực để lãnh nhận sự sống tràn đầy từ người khác, cùng tin tức loan báo rằng mọi sự xấu sẽ đuợc chỉnh sửa để nên tốt. Mọi đớn đau được lành lặn và dân con mọi người sẽ ở đó. Thiên Chúa không là Chúa của bè nhóm Xađuxê, cũng không là Chúa của đế quốc La Mã. 


Chẳng thế mà, người Xađuxê và La Mã không thể ở vào địa vị của Chúa để nói về Phục sinh quang vinh. Họ vẫn muốn có uy quyền, để cai trị thế gian. Họ chẳng muốn mất đi thế lực mình vẫn có. Nên Chúa nói: họ sẽ mất tất cả, bởi loại hình thế giới của họ sẽ không bao giờ có nữa. Họ lại chọn loại hình sai trái về thế giới do mình tạo mà thực tế lại khác hẳn. Thế giới mà người nghèo khó lâu nay vẫn đợi chờ.


Phục sinh không có nghĩa như một miêu tả sự thể xảy đến cho mỗi người sau khi chết. Điều này không chỉ nói: Chúa đã sống lại, thế nên ta sẽ lên thiên đàng khi chết đi sẽ về với Chúa. Mà là Chúa mang đến thế giới mới này bằng việc lật ngược/thay đổi tận gốc rễ thế giới ta đang sống. Tin Mừng có ý nói: Chúa đã sống lại rồi, thế nên tạo vật mới đã bắt đầu. Ý Tin Mừng nói: Chúa đã sống lại thật, nên ta được ủy thác ra đi mà thiết lập thế giới mới đã khởi sự đến gần, ngay tại đây, bây giờ, và có trước cho mọi người. Ta có bổn phận để cho sự thật về sống lại biến ta trở thành những nhà cách mạng biết chối từ nhượng bộ những gì đã hiện hữu.


Mọi người, cả nam lẫn nữ, đã ở vào “cuộc chơi” cũng đủ để nói rằng: những gì là sai quấy trong thế giới của ta đã chết, và thế giới mới của Chúa đã khởi sự. Thế giới mới này không chỉ mang tính linh thiêng, nhưng là chính trị. Không phải xảy ra trong tương lai, mai ngày, mà đã có ngay lúc này rồi.


Thông điệp của Chúa về sự sống lại phải là niềm khích lệ và hy vọng to lớn đối với ta. Thông điệp ấy nói cho ta biết những gì đang xảy ra ở đâu, khi nào. Thông điệp còn nói cho ta biết rằng: cả cái chết lẫn mọi kỳ thị và rào cản không thể chặn đứng bước tiến của ta đi vào thế giới mới. Thông điệp còn cho ta biết là ta đang ngửi thấy mùi thơm của hoa hồng phát tiết từ thế giới mới này.


Quả là quà tặng tuyệt vời để ta tin vào điều này, trừ phi ta vẫn còn sống theo cung cách của nhóm bè Xađuxê, mà thôi. Hẳn là người Công giáo, ai cũng thấy tội nghiệp cho những người trong nhóm bè này từng đảo lộn ý-nghĩa của Phục sinh Chúa tỏ bày cho ta biết. 


Nhóm Xađuxê là những người vô gia cư trong thế giới mới Chúa thiệt-lập. Bởi, thế giới cũ xưa của họ không hiện hữu và họ cứ tưởng rằng mình đã lên đường về thế giới khác. Sự việc mà nhóm người Xađuxê cần làm là dấn bước lên đường về với thế-giới Chúa thiết-lập, rồi ra họ cũng sẽ cảm nhận được mọi điều tuyệt vời đã có đó.


Lm Kevin O’Sheas biên soạn – Mai Tá lược dịch