Tuesday 27 November 2018

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ,


Suy tư Tin Mừng đọc vào Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng năm C 

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ,"
 “Của hương hoa, trong trăng lờn lợt bảy?”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Lc 21: 25-28, 34-36

Trời thơ ở đời, nhà thơ nay đã hiểu. Thơ Trời của Đạo, người người rày cũng thấu. Hiểu và thấu Tin Mừng đầy những thơ, nay người đọc đà thấy rõ thánh Luca có nói về chất chính trị của mùa Vọng, ở trình thuật. Về, cả hứa hẹn đầy ngóng đợi Đấng Mêsia nay kịp đến.                                             
Hội thánh, nay chọn các bài Phụng vụ nói về thế giới phàm trần đang chết dần. Thế giới này, không của riêng ai. Và, cũng không riêng gì nhà Đạo. Bởi, Đạo Chúa đã và đang sản sinh nhiều điều rất mới. Sản sinh nguồn thơ sự sống, rất mới. Sinh sản cả ý nghĩa lời thơ nơi phụng vụ, hôm nay.

Ghi chép Lời Chúa, thánh Gioan là nhà thần bí, rất tuyệt vời. Trong khi các thánh Máccô và Mátthêu lại là thánh-sử chuyên kể chuyện. Chuyện dân gian Do thái. Chuyện Chúa mặc khải cho dân con Ngài, một sứ vụ. Riêng thánh Phaolô lại chẳng gồm tóm ý nghĩa của truyện kể lẫn nguồn thơ. Chỉ mỗi thánh Luca là đấng thánh có nguồn thơ lai láng, tràn ngập hai chương đầu trình thuật. 

Ở hai chương đầu, thánh Luca đưa ra dấu chỉ về thời ấu thơ của Chúa. Cả chuyện kiểm kê là dấu chỉ về những o ép/bách hại từ vua quan, ở đời. Kiểm kê, còn là dấu hiệu của một lăng nhục. Và, câu nói: “Không có chỗ cho Ngài tá túc ở nhà trọ”, lại là dấu chỉ những kẻ lang thang khắp đây đó. Máng cỏ Chúa nằm, là dấu hiệu của việc đói ăn/thiếu mặc ở cõi đời đầy ô trọc. Và, tã quấn Hài Nhi, là dấu chỉ về vải liệm và nỗi chết Chúa sẽ chịu. Nhưng, dấu chỉ đây còn tỏ cho thấy niềm vui, nơi mọi người. Vui, vì Hài Nhi sinh ra là sinh cho ta. Còn sự chết, cũng sẽ bị sự sống rất mới khuất phục để trỗi dậy, không sợ sệt.   

Thế giới, nay gồm đầy những chuyên gia binh bị, kinh tế và triết học. Về binh bị, có người lại biết cả cách thức áp đặt nền dân chủ/hoà bình lên người khác, dù người khác không cần. Về kinh tế, có vị còn nói mình sẽ chỉnh đốn mọi khủng hoảng tiền bạc do họ tạo. Với triết học, có vị nghĩ mình thông thái biết hết mọi sự và làm được mọi việc. Còn ở nơi ta, có nhà thơ chỉ muốn nguồn thơ mình thai nghén sẽ giáng hạ sinh biến đổi con người từ bên trong, để thấy trẻ thơ sinh hạ, đến với ta. Và mỗi lần ta nhận ra được Nguồn Thơ Trẻ, sẽ tin vào tương lai/mai ngày mà thế giới không thể trao tặng. Làm được thế, ta sẽ sống trong Nguồn Thơ rất Vọng.

Mùa Vọng, là trông ngóng Hồn Thơ ra đời như thế. Hồn Thơ, có các thánh ngóng chờ như bài đọc kể Abraham và Sarah mừng vui sau bao ngày đợi chờ, đã sinh con. Có, Ysaya và ngôn sứ đợi chờ đoàn-tụ sau bao ngày lưu lạc chốn quê người. Chờ, như Gioan Tẩy Giả chờ nơi hoang dã để lời tiên tri thành hiện thực. Chờ, như Mẹ chờ Chúa Giáng hạ nơi cung lòng trinh trong của Mẹ. Và Mẹ tiếp tục chờ Chúa quang lâm ở đồi cao thánh giá. Tất cả, đều chờ Nguồn Thơ như chờ Giáng hạ.

Đọc sách Ysaya, ta thấy giòng thơ dào dạt đầy chờ trông. Đặc biệt, là giòng thơ trấn an dân con mọi người hãy cố chờ cả vào sau thời lưu đày, nữa. Chờ đây, là chờ Giêrusalem được dựng lại từ đổ nát. Chờ, như ngôn sứ lâu nay vẫn chờ Nguồn Thơ là tâm điểm thế giới, có Chúa vực đỡ quần thần/dân nước tề tựu nơi đó, để có được thị kiến giống nhà thơ Đạo.

Thánh Phaolô còn đi xa hơn, khi nhắn nhủ: ơn rỗi Chúa mang đến, không chỉ cho một dân tộc, mà là muôn dân nước. Thơ Nguồn cứu-độ không lệ thuộc dân con nước nào, hết. Chỉ cần ta có quan hệ mật thiết với Chúa, là sẽ thành công. Và, Nguồn Thơ Cứu Độ đến với mọi người dù họ có thuộc nhóm hội hoặc sắc tộc nào cũng sẽ được Nguồn Thơ Giáng Hạ rất đồng đều, ở vạn vật.

Tại các nước như Úc Châu, Hoa Kỳ hoặc đâu đó, chúng nhân từ muôn nơi đổ về đây sinh sống. Họ thuộc đủ mọi thành phần giòng giống/sắc tộc, tôn giáo hoặc truyền thống văn hoá rất khác biệt, vẫn đến đây để mừng ngày Đức Chúa là Nguồn Giáng Hạ đến với họ. Với họ, Chúa Giáng hạ Ngài không chỉ đến với đất nước hoặc sắc tộc nào tư riêng, mà cho hết mọi giống nòi, giòng tộc. Chúa Giáng Hạ, Ngài không chỉ đến với ai riêng rẽ mà là tất cả mọi người, như Nguồn Thơ lênh láng. Và Nguồn Thơ ấy, nay đã mặc lấy xác phàm làm Trẻ rất Thơ.

Nguồn Thơ Giáng hạ, có xác thể/hình hài giống như ta, nhưng không giống Ông Già Tuyết. Cũng chẳng là truyện thần thoại đầy xảo thuật làm loé mắt dân con mọi người. Và, Vương quốc Nước Trời là Trời Thơ của Chúa nay mặc xác phàm ở với thế trần, sống với ta. Trời Thơ đến với ta, đã biến cải thế giới của ta thành thế giới của Nguồn Thơ có nguồn sống, giống như ta. Trời Thơ của Chúa, lại cũng chấp nhận cuộc sống như ta. Chấp nhận cho cả lịch sử và giao ước, cùng nhu-cầu chậm bước vẫn nhẫn nhục, giống hệt ta. Trời Thơ, cũng giàn giụa nước mắt than khóc nhiều như ta từng khóc than những lúc quyết kiếm tìm cho đúng ngôn từ, nên đôi lúc cũng lạc loài, biến dạng, bị từ khước. 

Mặc lấy xác phàm loài người, Đức Chúa cảm nghiệm nhiều điều giống Nguồn Thơ, từ: sự lạnh nhạt, yếu kém cho chí nỗi khước từ. Ngài cũng đã trải nghiệm vật vã, lưu lạc đến nỗi chết. Ngài cũng gặp cảnh huống ghen tuông, chối bỏ và trầm luân, lưu lạc sống khoảnh khắc thân xác lớn rất chậm. 
                      
Mặc lấy xác phàm để sống như con người bằng xương thịt, còn là đi vào với thế giới ngôn ngữ, diễn tả bằng ngôn từ của con người. Vào với thế giới của ngôn ngữ, Chúa cũng trải qua các giai đoạn tiến triển trong tạo dựng. Có trao đổi, hỏi han, có tham gia trở  thành tâm điểm để người khác theo đó mà tin. Có điểm đối chọi, để ta nhận ra động lực thúc đẩy mà sống vững chãi hầu đi vào quan hệ đặc biệt với người khác, biết mình và biết người. 

Chúa mặc xác phàm làm người, Ngài tạo dựng chính mình Ngài để trở thành Con Người như ta, ở trong ta. Và, giữa ta. Ngài viết lên Bài Thơ nơi da thịt, xác phàm làm người của chính ta. Không Tin Mừng nào lại trình bày sự việc Chúa Nhập Thể cách đột ngột cả. Chúa Nhập Thể đến với con người là Ngài có chuẩn bị, từng chi tiết, rất như Thơ. 

Có chuyển tiếp dẫn đưa con người đến giai-đoạn tháp-nhập vào với Người để hiện diện với đời, chứ không chỉ mang tính thiêng liêng/linh đạo rất tri thức. Chẳng linh-đạo nào lại có thể hiện diện ở thế giới của con người bằng xương thịt, trừ Chúa ra. Nguồn Thơ Chúa Nhập thể, là Ngài mặc lấy xác phàm nhưng Ngài vẫn 100% là Thiên Chúa và 100% là con người, cùng một lúc.

Đồ đệ Chúa thời ban đầu, lại cũng là đồ đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, đấng thánh biết tự rút lui vào chốn hư không/trống vắng để Chúa toả sáng với những ai dõi bước theo Ngài. 
Thánh Gioan không tự nhận mình là tụ-điểm thu hút hết mọi người. Và, thánh nhân tuyên bố mình chỉ là cây đèn chứ không là ánh sáng chiếu dọi mọi người. Thánh nhân là tiếng nói chứ không là Lời của Trời Thơ.

Đồ đệ đến với Chúa như việc tự nguyện; tức: không o ép, bức bách hoặc bị dẫn dụ. Các thánh thấy Chúa nên đã đi theo như đã từng đi theo thánh Gioan Tẩy Giả vào nơi hoang dã. Và, Chúa nhìn đoàn môn đệ rồi cảm kích; và cứ thế, Thày trò nhìn nhau lại đã khám phá ra điều tuyệt vời ở nơi Cha, Đấng gửi Thày đến với mình. Và, với mọi người như Ngài từng gửi Nguồn Thơ Lời Ngài đến với trần thế. Cảm kích hơn, là khi đồ đệ thấy Thày mình là Nhà Thơ Tuyệt Cú. Để rồi, cả Thày lẫn trò là bầu bạn của Nguồn Thơ, vẫn tìm Nguồn Hứng nơi Cha, là Tất Cả. Và, Thày trò cứ thế ra đi tìm về Nguồn Hứng của Thi Ca, cũng là Nguồn Mạch mọi sự ở thế trần.

Thánh Âu Tinh từng kêu lên:  
“Lạy Cha, chính Cha đã làm nên chúng con để Cha vừa lòng, và tâm can chúng con sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi nào chúng con được nghỉ ngơi, nơi Cha”. 

 Chính vì thế, chúng ta vẫn kiếm tìm Chúa nhưng không biết mình đang làm gì, và chẳng biết Ngài là ai. Rất thiếu hụt, nếu không có Ngài thì tất cả chẳng là gì cả. Và, mọi sự sẽ đi từ thất bại đến tuyệt vọng hoặc từ rối rắm này đến ngõ bí khác. Chúng ta đến, vì lý do chính đáng. Ta ở lại, cũng vì lý do nào khác…

Phải chăng, đó là lý do để ta hiên ngang trông mong Chúa lại đến? Phải chăng Hội thánh Chúa sẽ dỗ dạy con dân mình Lời Thơ sự sống, dù Thơ Trời nay đã đến và ở với ta? Và đó, có lẽ là ý nghĩa đích đáng của mùa Vọng, rất chờ mong. Mong ai? Mong gì? Mỗi người và mọi người sẽ tự tìm ra câu giải đáp, rất thoả đáng.
Trong mong đợi Nguồn Thơ sâu sắc đến, cũng nên ngâm thêm lời thơ đời đầy ý nghĩa, rằng:

            “Hiểu gì không, ý nghĩa của Trời Thơ?
            Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy?
Của lời câm, muôn vì sao áy náy?
            Hiểu gì không? Em hỡi! Hiểu gì không?”
            (Hàn Mặc Tử - Trường Tương Tư)

Nhà thơ xưa cứ tương tư, dù đã hiểu. Hiểu “Lời Câm” hương hoa, vẫn kiếm tìm. Hiểu, “muôn vì sao áy náy”, “trăng lờn lợt bảy”. Hiểu cả Trời Thơ, nay đến ở với ta và với người, suốt cõi đời nhiều kiếp, rất ý nghĩa.   

Lm Kevin O’Shea CSsR biên soạn
Mai Tá lược dịch  

“Đôi mắt sáng, là Hành tinh lóng lánh,”

Suy Tư Chúa nhật thứ 34 thường niên B Lễ Kitô Vua 25/11/2018

“Đôi mắt sáng, là Hành tinh lóng lánh,”
 “lúc sương mù, ai thở để sương tan.”
(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Ga 18: 33-37

Mắt rực sáng, là ánh nhìn của Đức Chúa, Vua vũ trụ. Vua, là tước hiệu mà thánh sử đã gọi Chúa, như trình thuật hôm nay còn dẫn chứng.

Trình thuật hôm nay, kể về Vua Vũ trụ, một danh xưng bị người đời phản bác, khó chấp nhận. Thời của Chúa cũng thế, danh xưng này cũng bị mọi người nghịch chống, cũng không kém. Bởi, chính Đức Kitô cũng chưa đạt thành tựu với danh xưng này. Ngài tuy đã chữa lành rất nhiều người, nhưng những người được Ngài chữa, sau này cũng lại ốm đau, âu sầu đến nỗi chết.

Ngài vực cho Lazarô trỗi dậy từ cõi chết, nhưng sau đó, chính ông cũng chết và được an táng. Xác phàm của ông cũng rữa tan, như mọi người. Đức Kitô nuôi sống hằng hà sa số những người đi theo Ngài, bằng những cá và bánh. Nhưng, ăn no rồi, chúng dân sau đó lại cũng đói, chẳng còn cá và bánh hoặc thứ gì để hôm sau còn ăn. Chúa xua đuổi người buôn tiền khỏi đền thờ, nhưng sau đó, họ cũng trở về chứng nào vẫn tật nấy.

Dù sao đi nữa, Chúa đã có cơ hội thực hiện kế hoạch cứu độ Cha giao, ngày Lễ Lá. Cưỡi lừa vào thành thánh của vua quan người phàm, Ngài được quần chúng tuyên dương chúc tụng như Vua cha để biến đổi trần thế. Lễ Vượt Qua hôm ấy, ra như có cuộc nổi dậy đòi dân chủ, rất lớn lao. Ngài đạt số lượng người theo chân sủng ái. Đạt, cả tính chất thực thi uy quyền do Ngài tạo. Lịch sử Ngài làm, cũng sáng rực mười phương nếu Ngài chấp nhận quyền uy phàm trần, do con người đề xuất để trị vì Giêrusalem, Giuđêa và Galilê nữa. Nếu chấp nhận, Ngài sẽ được coi như Vua Do thái.

Tuy thế, Ngài vẫn khước từ mọi thứ do người phàm đề nghị; để rồi, thần dân Do thái lại trở mặt bắt giữ, kết tội rồi còn ra án, hành hình và đóng đinh Ngài vào thập giá như tội phạm. Tổng trấn Philatô là người có tiếng nói cuối cùng để tha tội hoặc ra lệnh đóng đinh Ngài vào thập tự. Chính Chúa đã cam kết với đám quân binh rằng: Ngài là kẻ mà họ kiếm tìm để đưa ra toà. Và, trước mặt Thượng tế cùng chúng dân, Ngài chẳng hề run sợ, cũng chẳng giấu diếm hành tung Ngài xử sự như khi trước. Không chống tội. Chẳng biện bạch. Ngài giáp mặt quyền lực trong tư thế đồng đều, và  hơn cả vua quan lãnh chúa ở trần gian nữa.

Nhìn kỷ lục Ngài đạt về mọi địa hạt, thì Vua vũ trụ còn hơn vua quan lãnh chúa cũng rất nhiều.
Về sức khoẻ, Ngài cổ võ chế độ ăn kiêng có qui củ. Khuyến khích mọi người luyện tập đều đặn bằng động thái quân bình, rất đúng cách. Ngài thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân hiểm nghèo và khuyên mọi người trị thuốc, ăn kiêng chứ đừng chờ phép lạ.

Về sự sống, Ngài hứa hẹn một cuộc sống không đớn đau, nhưng sẽ vui sống suốt đời. Và tuổi thọ của người biết lắng nghe và giữ Lời Ngài, không kéo dài như người đời vẫn tự hào, nhưng tuyệt đối không thua kém chất lượng hoặc phải ngồi xe lăn, để sự chết đem đến nhiều doạ dẫm.

Về sự thật, Ngài minh định mọi sự sẽ được đưa lên mái nhà, để mọi người còn biết. Thành ra, các dữ kiện, nhu cầu cùng tranh luận có bằng chứng và xác suất để thắng mọi cuộc tranh tụng trước toà mà chẳng ngại ngần sợ gì nhóm đối lập vẫn cãi tranh. Nhưng ngày nay, người người vẫn cần ý kiến lẫn lời tư vấn từ những người mệnh danh là cố vấn mọi sự mà chẳng có gì bảo đảm mình có thể thắng kiện.

Thành thử, trong mọi chuyện vẫn luôn cần sự thật, và lặng thinh vẫn không hẳn là tình đã thuận. Về công bằng, Ngài vẫn muốn mọi người được san sẻ đồng đều dù không chắc. Không chắc rằng mình có thể tiến về phiá trước hoặc sẽ tụt lại phía đằng sau. Hoặc, cả những người vận động tiền bạc hoặc tìm cách sắp xếp để được phục vụ. Nhưng Chúa lại vẫn khác. Ngài chủ trương công bằng chính trực theo nghĩa: cứ cho hết những gì mình có, dù kết cuộc có thể dẫn mình về chốn nghèo nàn/tồi tệ, trong khi người khôn lanh lại cứ trổi vượt để giành phần nổi bật và dìm người xấu số xuống vực sâu.

Về lịch sử, Ngài thay đổi cả lịch sử, như ta biết. Lịch sử Ngài đem đến, là biết xây dựng công lý, tự do và an bình cho mọi người, dù phải hy sinh. Dù, người khác vẫn hưởng lợi ngay trước mũi. Dù, thấy mình thất bại hoặc trở thành nạn nhân với đôi chân trần, bẩn nhơ, bại trận. 

Về quyền lực, Ngài không mấy thích thú với quyền bính thế trần có quyền sinh quyền sát quyết cho ai ở tù, ai tự do. Người no đủ, người ốm o, thiếu thốn. Ai bị hành quyết, ai được tuyên dương. Ngài vẫn chủ trương yêu thương, chữa lành mà không quyền bính thế trần nào dám đem đến cho mọi người, để tất cả lại ra sẽ đi trong tự do ngõ hầu sinh sống có phúc hạnh, mừng vui, êm ấm.

Về tư cách của vua quan/lãnh chúa, Đức Kitô Vua vẫn muốn mọi người vui hưởng sức khoẻ, tự do, có công lý và sự thật, rất lịch sử. Có quyền bính tư riêng để mình có thể tự định đoạt cho cuộc đời của mình theo cung cách Chúa từng dạy. Vua Vũ trụ, nay chủ trương khác với vua quan ở đời về mọi sự.

Chủ trương của Ngài, luôn đặt nặng phần san sẻ tình thương-yêu, giùm giúp hết mọi người, chứ không chỉ vun xới quyền bính thu về chỉ một người, dù người ấy có tài ba/lỗi lạc cũng thế thôi. Rõ ràng là, chính trị cũng như ý-thức hệ của Ngài, khác những gì vua quan ở đời chủ trương. Ý thức hệ và chính trị của Vua Vũ trụ lại chỉ đặt nặng vào thực tại cuộc sống đích thực, như Ngài vẫn thực hành.

Sự thực mà Vua Vũ trụ tặng cho mọi người lại là chính Ngài. Vua Cha đích thực chẳng cần vương trượng, hoặc triều thiên vàng ánh những kim cương. Sự thực mà Vua Cha đặt nơi Ngài, chỉ gồm mỗi triều thiên gai, gậy gỗ, long bào cũng chỉ mỗi áo thụng sắc mầu tím ngắt/sầu buồn, nhiều bách hại. Chứ nào mũ áo, long bào lóng lánh vàng bạc hoặc trân châu đắt giá.

Đọc tiểu sử của Chúa, người người thấy Ngài chẳng giống vua quan lãnh chúa ở đời. Vẫn lạ thường, nghịch lý, nhưng lại theo cung cách rất mới mẻ. Cung cách của bậc vua cha cả trời đất rất vũ trụ chỉ đem lại lối sống rất mới mẻ, mà thôi. Ngài là Vua Cha theo cung cách rất mới. Cung cách của các đấng cam chịu khổ ải, bức bách, chứ không đòi tên tuổi, danh xưng, lẫn tiếng tăm.

Danh xưng làm Vua Do thái, như người La Mã đã ban cho Hêrôđê, vào thời đó. Trong khi đó, vua quan phàm trần như Hêrôđê lại chỉ biết xây đền đài hầu thờ bái thần linh rất phàm trần. Đền thờ của vua quan trần thế, là chốn đông lạnh nhằm chôn cất đấng bậc trên cao rồi tôn làm hoàng đế, để rồi sẽ đưa lên bàn thờ mà sùng bái. Chốn bái thờ lạnh tanh ấy, là câu lạc bộ đủ mọi thú vui để hưởng lạc có vườn rộng, đồi cao. Có cả sân khấu để vui chơi, cộng với sảnh đường nghênh tiếp bậc vĩ nhân, hoặc đấng bậc vị vọng chốn quan quyền.

Đức Giêsu Kitô là Vua Cha, lại rất khác. Ngài cũng ở chốn cao sang, nhưng là đồi Calvary giống hệt hộp sọ, được thuê từ kẻ vô danh tiểu tốt, chốn hành hình. Núi “Sọ” Ngài trị vì khi sống đã chẳng rềnh rang, lúc chết lại cũng âm thầm, thật bạc bẽo. Vua quan ngoài đời khi chết còn có quan tài dát vàng chạm trổ đặt ở trên bệ để mọi người xì sụp cúng kiến. Vua Cha Vũ trụ chẳng có đến áo quan, vẫn trơ trụi treo mình trên thập giá, ở rất xa đền đài vua quan, nhiều khoảng cách.

Tuy là thế, duy nhất chỉ một vị vua mới có khả năng trỗi dậy từ cõi chết. Vị vua đó, không là vua quan chốn phàm trần, hoặc ai đó. Chỉ mỗi Vua Cha cả vũ trụ, tuyệt đối không giống vua quan phàm trần, ở điểm: khi sống, Ngài không có chốn gối đầu; và lúc chết, Ngài cũng chẳng có quan tài tử tế để chôn cất. Nhưng Ngài ngự trị cùng khắp vũ trụ và ở lòng người. Vũ trụ của Đức Kitô Vua, nay ngự trị mãi chốn vĩnh hằng, chẳng ai sánh tày, ganh đua, giành giựt.            

Hiểu rõ tình của Vua Cha là như thế rồi, ta lại sẽ hát lên lời ca vang còn đó rất thi tứ:

            “Đôi mắt sáng, là hành tinh lóng lánh.
            Lúc sương mù, ai thở để sương tan.
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em,
Ai thở nhẹ, cho mây vào trong tóc.”
            (Nguyên Sa – Cần Thiết)

Cần thiết, quyết rất cần để hành tinh lóng lánh đôi mắt sáng. Sáng cả vào lúc sương mù, khi người người ngợi ca Vua vũ trụ. Vua, của hồn người ta “cầm tay nhau cho đó má hồng”, rồi “thở nhẹ cho mây luồn vào trong tóc, chốn tâm can của mọi người. Trong đời.
Lm Kevin OShea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch.
 _______________________________

Tuesday 13 November 2018

“Nhìn nhau đi em, để thấy những giòng xanh,”


Suy Tư Chúa nhật thứ 33 thường niên năm B 18/11/2018
(Mc 13: 24-32)
 
Hôm ấy, Đức Giêsu nói cùng môn đệ rằng: “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”

“Nhìn nhau đi em, để thấy những giòng xanh,”
“Hạnh phúc trần gian đang lăn từ khoé mắt.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Giòng xanh ấy, hôm nay đang tàn phá chốn dân gian, vẫn ngủ vùi. Đó, là lời thánh Máccô nay nhắn nhủ ở trình thuật về cảnh tình trời đất rất nhũng loạn. Bởi, vẫn cứ tranh giành tiền bạc cùng quyền lực, nên thiên hạ hành hạ nhau, tàn phá/chém giết nhau rồi cùng nhau đi đến chỗ tự diệt. Dân con ở đời, người người đang ở vào tình huống có cuộc sống vỡ đổ về văn hoá cả Đạo lẫn đời muốn cất bỏ mọi hỗn loạn khỏi đời mình. Là con dân Chúa, ta có thể và có bổn phận nói lên tiếng nói của mình để sửa sai thoát cơn tệ hại ngày thế tận. Nhưng, không kiểm soát được hỗn loạn ở chốn phồn hoa bát nháo, do hệ thống văn hoá, xã hội và chính trị mạnh hơn mình.

Tin Mừng chương 13, thánh Máccô không tạo cảnh hỗn loạn sánh tày vào ngày tận thế. Thánh sử chỉ trích dẫn những gì người xưa tưởng tượng hoặc nắm chắc, thôi. Thánh nhân còn muốn nhắn nhủ dân con người đọc hãy để tâm vào lời dạy của Chúa, rồi nghe tiếp câu nói ở đoạn sau: Chớ ưu tư/muộn phiền nhưng đề cao/cảnh giác quyết sống thực lời Chúa, vì người người chẳng rõ tương lai mai ngày, mình ra sao. Hãy sống hiện tại, thế cũng đủ.

Thánh Máccô không là nhà thần học cánh chung, mà chỉ là đấng thánh khôn ngoan, biết sống thực tế ở đất phàm, mà thôi. Thế nên, thay vì lập đi lập lại cảnh thế tận, có lẽ ta nên để tâm nhiều đến môi trường địa cầu, để thấy rằng: càng ngày ta càng thấy rối rắm, trục trặc xảy đến nhiều hơn mình suy đoán. Vì vậy, hãy nhất quyết làm điều gì đó, cho cánh chung. Chứ không chỉ sống đời hiện sinh thực tiễn. Đây, là lập trường nhằm cập-nhật-hoá chuyện cánh chung lẫn tư tưởng được thánh sử nói từ trước.

Cập-nhật-hoá tư-tưởng, có 9 sự việc cần bảo nhau, là: tính đa dạng sinh thái, hay thay đổi khí hậu, ngập tràn chất nitrôgen, cách sử dụng đất, cạn nguồn nước uống, độc chất uế tạp, dùng bình phun xịt không hạn chế, axít đổ vào biển vô trách nhiệm, tầng ô-zôn bị khuyết/thủng, vv…

Tính đa dạng của sinh thái, vẫn thấy dẫy đầy nơi đất trời. Một số loài, nay trên đường tuyệt chủng. So với tình hình vào độ 40 năm trước, thì nay có đến một phần ba loài thú đã biến mất. Một phần tư động-vật có vú và một phần ba động-vật lưỡng-cư cũng như một phần tư tôm cá nước ngọt cùng 15% chim muông trên trời đang bị hoạ tuyệt chủng, cũng rất chóng. 65 triệu năm nay, đây là thời điểm nguy hiểm nhất trong đó nhiều loài đang bị đe doạ biến mất dạng, rất khủng khiếp. Thời đại trước cách mạng kỹ nghệ, mỗi năm chỉ thấy có một phần triệu thú loài bị hoạ tuyệt chủng. Nay, thì con số ấy gia tăng gấp bội lên đến trăm lần. Và, theo sự tính toán của các chuyên gia, có đến cả nghìn thú loài như thế đang biến mất, mỗi một năm. Sinh thái địa cầu nay lại bị đe doạ rất trầm trọng.

Khí hậu đổi thay nay thấy rõ. Không chỉ loài người mà tất cả mọi loài lâu nay chung sống đề huề/an vui trong bầu khí quyển có khí trong lành cùng thở, nhưng nay: sức khoẻ của mọi loài cũng như chất lượng của sự sống, nay được cân đo đong đếm tính bằng số lượng thành phần trên cả triệu các-bon điôxýt bốc lên trời. Vào khi bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ, tỷ số thán khí ở bầu khí quyển là 280 phần trên một triệu các-bon điốxýt, nay đếm thấy nó lên 390 thành phần trong một triệu chất các-bpn điôxít. Hậu quả tiếp theo sau, là lớp băng tảng ở Bắc Cực đã nhanh chóng vữa chảy khiến nước biển cứ thế dâng cao. Khắp địa cầu, nay lại thấy nhiệt độ hâm nóng quả đất rất gia tăng. Lượng tuyết rơi ngày một ít, trong khi đó mực độ mưa dầm lại đã ở mức trầm kha, rất báo động.

Tệ hại hơn nữa, lại là tình trạng đất trồng trọt nay nứt nẻ/khô đanh, sông ngòi đà cạn nước, rừng xanh nay khô héo, nạn cháy rừng lại cứ bốc đồng tự phát. Các dấu hiệu của tình trạng hiểm nghèo rày tăng nhanh vượt mọi ước đoán, so sánh. Nếu đà này tiếp tục, e rằng chẳng mấy chốc các tảng băng Bắc Cực cũng sẽ tan vữa; và mưa nguồn nhiệt đới cũng bị vạ lây.

Trong khi đó, chất nitrôgen từ phân-bón hoá-học lại đã xâm nhập sông ngòi, ao hồ và biển cả, đã khoanh vùng chết chóc dành để cho sinh vật chịu đựng đến tận tuyệt.

Sử dụng đất miền đặc trưng đáng lẽ không được phép tùy tiện cho mục đích nào khác ngoài ý hướng phù hợp với thiên nhiên, đất trời. Chốn miền tạm dung cũng như mưa mùa nhiệt đới tạo thực phẩm nuôi sống mọi loài, nay bị con người khai thác gỗ để kinh doanh khiến cây xanh đành chịu cảnh nhà giàu bức tử, chẳng cần nghĩ đến ai.

Nguồn nước trong xanh ờ sông ngòi, ao hồ, miền đất ướt vốn từng là nguồn sống cho phần tư động vật có xương sống hiện diện khắp thế giới, cũng bị cạn. Xưa nay, lằn ranh giới hạn sử dụng nước được chú trọng rất cẩn thận, nay thì hầu như con người chẳng còn biết quan tâm đến cảnh báo là mình sắp sửa vượt lằn ranh khẩn trương ấy.

Chất độc phế thải tựa như thuốc DDT, bao ny lông, nhựa dẻo, vv. nay tràn lan đây đó khiến tôm cá cùng chim muông nuốt vào rồi đi dần đến cõi chết, hết thấy thiên đường. Cả đến thú đàn ở dưới đất cùng loài chim trên trời cũng bị đủ mọi loại hoá chất giết chết dần mòn, hết chữa chạy.

Bình xịt phun đựng khí CFC cùng khói đen thải từ các lò kỹ nghệ dơ bẩn ở nước nghèo thuộc thế giới thứ ba kéo về xâm nhập đá băng Bắc Cực khiến tuyết trắng khi xưa nay trở thành xam xám đen bẩn chẳng còn kỹ năng phản ánh nắng ấm về nơi tăm tối, cần tia ánh hạnh phúc.

Nay thì, 85% biển sâu hầu như bị axít-hoá nhiễm đầy chất thải từ các nhà máy, vẫn cứ dồn về biển xanh, nay hết xanh. Kết cuộc, biển cả mênh mông chuyên hấp thụ dưỡng khí nay đã nghẹn thở ngày một trầm trọng, khiến biển không còn khả năng nuôi dưỡng mọi sinh vật ở vùng biển, nữa. Thay vào đó, là chế độ axít-hoá đậm đặc ngày một gia tăng đến 30% so với dạo trước. Điều đó, cứ đe doạ mãi vùng biển san hô và mọi loài cá, tôm, điệp, mực từng là nguồn thực phẩm nuôi dưỡng mọi loài chim chóc cùng loài người này cạn biến. Cuối cùng, bầu khí quyển chứa đựng ôxy cho mọi loài hít thở lại cũng dần dà đặc sậm những là thán khí.

Lớp khí CFC đã và đang chọc thủng tầng ô-dôn cần thiết cho con người lại để cho tia cực tím tự tiện xâm nhập vùng hít thở của mọi loài khiến tình trạng sống của sinh vật trở nên tồi tệ đến mức báo động. Thế đó, là cảnh báo không khác lời thánh sử nhắc ở Tin Mừng. Thế đó, còn có vấn đề: chúng dân nay có để tai nghe lời thánh hiền đề cao cảnh giác, nữa hay không? Và như thế, sự tàn tạ ngày cánh chung, một lần nữa, lại cũng sắp đến?

Cuối cùng, sử gia nhà Đạo mình có nên viết lại chương 13 Tin Mừng thay cho thánh sử Máccô thời đại chăng? Và, người người có nên tự chế việc sử dụng hoá chất độc hại mà thực hiện cuộc sống khắc kỷ/khổ hạnh thêm lần nữa? Có nên mở cuộc tranh luận so sánh nhu cầu của môi trường và kinh tế không? Phải chăng, kinh tế thế giới rồi ra sẽ thắng cuộc? Và, người người có cần giáp mặt/đụng trận với các dấu chỉ thời đại để làm chậm bớt tiến trình hủ hoá vũ trụ, rất đáng sợ?

Hỏi thế rồi, lại cũng nên trở về với thực tại thi ca hầu ngâm lên câu thơ thực tế, vẫn còn đó:

            “Nhìn nhau đi em, để thấy những giòng xanh,
            Hạnh phúc trần gian đang lăn từ khoé mắt…
            Tình đã đến trong những ngày độc dược,
            trong những ngày rữa nát mọi tinh hoa,
            trong những ngày sự sống diễn ra,
            bằng điên dại dẫm bừa lên sự sống!

Nhìn nhau đi em, để thấy tình nhu thuận,
Bản năng sinh tồn sát ranh giới tử, sinh..”
(Nguyễn Tất Nhiên – Nước Trở Về Lành Lặn)

Ranh giới tử sinh, nay gần kề. Chỉ chờ anh và chờ em, ta quyết định trở về với Nước. Nước lành lặn, cũng là Nước của mọi người cần sống có Chúa, có mọi người cùng tồn tại, rất vinh quang.

Lm Kevin OShea DCCT biên soạn –
Mai Tá lược dịch.