Saturday 26 December 2015

“Đê mê hài hán bước triều-thiên,”



Suy Tư Tin Mừng tuần sau lễ Thánh Gia năm C 27/12/2015

Tin Mừng (Lc 2: 41-52)

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người:

"Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"

Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”


“Đê mê hài hán bước triều-thiên,”
Nhạc nữ, hoa thần, hay giáng-tiên?
Cong vút bàn tay ai mở nhịp:
Cánh thơ, Giàn nhạc, đêm Hoa-viên.”
(Dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Tin Mừng hôm nay diễn bày một bối cảnh rất thơ/nhạc nhiều thăm viếng, rất “Hoa-viên”. Trên bình diện nhân loại, đây là sự kiện diễn bày để ta thấy các vị nữ lưu, cùng cưu mang trẻ bé trong hoàn cảnh bất ngờ, qua gặp gỡ. Các thánh-nữ gặp gỡ, là để chúc mừng, nâng đỡ, hỗ trợ nhau trong công-trình Đức Chúa làm cho trần thế. Cục diện này, ai ai cũng đều thấy rõ, nên đã cảm kích trong nhận định đầy ghi tạc.
Với bối cảnh Tin Mừng của thánh Luca, sự kiện gặp gỡ giữa hai đấng thánh rất nữ lưu hôm nay, là sự kiện đặc-biệt ít khi thấy, ở Tin Mừng. Các đấng thánh nữ lưu gặp nhau ở miền núi, điạ điểm mà Chúa tỏ bày sự việc quan trọng cho dân con mọi người.
          Bà chị họ Êlisabét, đại diện cho Giao Ước cũ mà Chúa thiết lập với dân Israel. Bà cưu mang đấng thánh được chọn làm tiền hô cho Đức Mêsia. Trong khi đó, Đức Maria hiện thân cho Giao Ước mới, cuối cùng thành tựu nơi Đức Kitô. Bà  chị họ Êlisabét nhận ra được điều xảy đến với thế giới, nơi đây.
Còn, Đức Mẹ thì nhận lãnh tất cả mọi ơn lành Thiên Chúa trao ban cho thế giới. Mẹ sờ chạm được lời hứa hẹn của Thiên Chúa. Và nay, Mẹ chứng kiến lời hứa ấy thành hiện thực, nơi Con của Mẹ.
          Trên bình diện phàm trần, gặp gỡ tương tự có thể làm nổi lên lời phẩm bình/bàn tán, thường thấy có từ người ngoài cuộc, không muốn tham dự sự việc. Muốn am hiểu chuyện này, ta chỉ cần mường tượng ra chuyện tày trời như thế xảy ra hôm nay, tại bất cứ thị trấn lớn nhỏ, hoặc quận lỵ ở miền quê.
Sự kiện, là việc xảy đến với ta, để ta có thể cảm kích tính nhân bản trong bi kịch đời người. Bi kịch, từng được diễn tả tại Cộng Đoàn Iona, nơi nào đó có tuồng tích không viết bằng chữ, nhưng bằng sự kiện xảy đến giữa các nữ phụ mang tên Matthêu, chị Mác-cô, cô Luca… qua tuồng cổ có tên “Truyện bên lề làng xã”, với bối cảnh và tình tiết như sau:
          Người kể: tại bất cứ ngôi làng bé nhỏ nào cũng thế, tin tức lan truyền rất nhanh. Bởi thế, người người trông ngóng sẽ có đổi thay trong cuộc sống của Maria và Êlisabét, làm nền cho ý nghĩ, lẫn suy tư của mọi người.
Chị Mátthêu bảo: Này các chị, em không phải là người lắm lời/nhiều chuyện, nhưng nghe chuyện này  thì chắc ai cũng phải để tâm.
Chuyện, là chuyện của bà Êlisabét với ông chồng không nói gì với nhau đến 9 tháng, kể cũng khiếp. Chị Máccô: Ừ. Tôi có nghe. Nhưng tới đâu rồi?
Chị Mátthêu: Họ nói bà ấy sinh được cậu con trai. Chị Luca: Vào tuổi ấy, ư? Cũng 88 rồi còn gì! Chị Mátthêu: Vâng. Đó là chuyện tôi nghe được từ một nguồn đáng tin cậy.
Chị Luca: Có đúng là bà vụ đó không? Chị không lẫn lộn vời người em họ của bà chứ? Chị Máccô: Ai thế? Maria ấy à?
Chị Luca: thì còn ai đây nữa! Em cũng thế. Em cũng chẳng là người lắm lời. Nhưng các chị nghe tin xong, sẽ biết thôi. Cô ta cũng có bầu rồi đấy!
Chị Máccô: Không dám đâu! Sao chị biết?
Chị Luca: Các chị cứ vểnh tai ra mà nghe, rồi sẽ biết!
Chị Mátthêu: Đúng thế! Em nghe được chuyện này tại 1 cửa hàng, hồi tuần rồi. Cô ấy tìm áo khổ thật rộng mới mặc vừa.
Chị Luca: Đấy thấy chưa! Tha hồ mà đúc kết nhé. Nay thì em nghĩ là chuyện này không đi quá xa. Nhưng em nghe là cô ấy và người đàn ông đang tính đi nơi khác.
Chị Mátthêu: Ai là tác giả vậy? Chị Luca: Nghe đâu là bác phó Giuse. Chị Máccô: Không dám đâu!
Chị Luca: Không sao. Đó là điều người ta nói. Và, em đây chẳng là người lắm lời đâu đấy nhé.
Chị Máccô: Thế chị có nghe gì về chuyện sắp làm thống kê dân số, không?
Chị Mátthêu: Không. Kể nghe đi.
Chị Máccô: Thì, cũng chỉ là nghe phong phanh rằng người La Mã muốn lấy tên tuổi của mọi người, nên mời gửi giấy cho tất cả, để điền vào.
Chị Luca: Nhưng tại sao, họ lại phải làm thống kê cơ chứ?
Chị Máccô: Thì để “ra thuế mới” chứ có gì đâu.
Chị Mátthêu: Em nghe nói là họ muốn đáng thuế cộng đồng gì gì đó… Chị Máccô: Họ đặt cho cái tên là Hoa Hồng hay sao đó.
Chị Luca: Họ không có quyền làm như thế.
Chị Máccô: Em chỉ cảnh báo mấy chị. Này, nhắc lại là đây không là người lắm lời đâu đấy nhé.
Chị Luca: Em cũng thế. Chị Mátthêu: thì em cũng vậy.
         
Câu chuyện về nhị vị nữ lưu thăm nhau, cứ thế lan truyền. Và, cũng giống thế, nghe chuyện ta có thể hình dung ra được sự thể. Bởi thế nên, ta mới biết được làm sao Chúa có thể đi vào cuộc sống của ta. Của thế giới. Ngài làm những chuyện mà không ai trong chúng ta có thể mường tượng. Và, hay nhất là cứ coi như lời đồn đoán này là sự thật.
          Trong chờ đợi/trông ngóng ngày Chúa Giáng Trần thêm một lần nữa, ta cứ hãy mở rộng lòng ra để Chúa đến mà lật ngược mọi ngóng trông theo cung cách mới mẻ. Và, những chuyện bên lề, đồn đại, cứ thế mà kéo dài. Cùng khắp. Khắp nơi. Khắp chốn. Khắp mọi người.           
Trong tâm tình thân thương họ hàng ngày Chúa Giáng Trần, ta cứ ngâm tiếp lời thơ, rằng:

“Xứ Thái mây chìm khoá bến mơ,
Vàng son thăm thẳm bụi tung mờ.
Còn hương vương giả thơm giàn nhạc,
Hay cũng tàn theo đêm Hội-Thơ.

Hội thơ, hay hội ngộ trùng phùng giữa bà con họ hàng, vẫn là lễ-hội cũng rất thơ. Hội đầy thơ, nay cùng với thánh-hội, người người lại sẽ vui vầy thưởng ngoạn cuộc đời đầy thơ và nhạc, rất nên thơ.  

Lm Richard Leonard sj biên soạn
Mai Tá lược dịch.

Friday 18 December 2015

“Ôi phép lạ, ôi nhiệm màu,”



Suy Tư Tin Mừng Lễ Giáng Sinh năm C 25/12/2015

Tin Mừng (Lc 2: 1-14)
Thời ấy, hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinô làm tổng trấn xứ Syria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ:

"Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."

Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."

“Ôi phép lạ, ôi nhiệm màu,”
Vườn tiên sáng láng như lòng người thương.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Có người bạn, thuộc nhóm Hiện Xuống kể cho tôi nghe câu chuyện của anh Minh Duy, một giáo dân hiền từ đến nhà thờ dự lễ Giáng Sinh Ban Ngày. Biết là anh rất bận. Bận làm ăn. Bận sinh sống. Nên, đến được nhà thờ dự lễ như thế đã là quý lắm rồi. Bởi thế nên, cha xứ vẫn để nguyên bộ áo lễ, tiến đến bên anh, bắt tay chào hỏi rất thân tình, kèm theo đó là nụ cười khả ái ngày Chúa Giáng Trần.
Mào đầu câu chuyện, cha xứ hỏi han vài câu xã giao: “Này bác, tôi thấy bác nên gia nhập đoàn quân thiện nguyện của Đức Kitô, mới phải!” Giáo dân hiền từ nghe thế, bèn đáp: “Dạ thưa, con chiên đây vẫn có mặt ở nơi đó, đã từ lâu!” Vị chủ chăn sửng sốt, lại nói tiếp: “Ủa, nếu bác có gia nhập, thì sao vị chỉ huy trưởng này chẳng bao giờ thấy bác tình diện cả vậy?”  “Dạ thưa, vì chiên con gia nhập đội người nhái, lúc lặn lúc nhô, chứ đâu dám lặn luôn, bị chửi chết!”
Trong cuộc đời, nếu ta hành xử giống người giáo dân hiền từ ở trên, đã thấy mình gia-nhập đạo quân thiện-nguyện rồi, thì hôm nay ta đang tháp tùng Đức Kitô trong công-tác “nhô mình lên”, mà vào đời. Câu chuyện Chúa Giáng Trần/vào đời được người đầu-tiên biết đến, không do môi miệng người đi nhà thờ truyền lại. Mà, từ đám chăn chiên ở Palestin vào thế kỷ đầu, luôn có nhiệm vụ phải trông chừng đàn thú hiền suốt ngày đêm. Chúng vẫn sợ đám cướp cạn và đàn sói rình rập, chực cướp mồi.
Công việc của kẻ chăn tuy chậm nhẹ, nhưng không cho phép kẻ chăn có thì giờ ghé đền thờ, mà dự lễ. Kẻ chăn chiên buồn, chỉ biết nguyện cầu tại chỗ suốt đồng hoang cỏ dại. Nhờ có thế, mà lũ đám mọn hèn mới hiện diện đúng thời đúng buổi. Có hiện-diện ở hiện trường như thế, mới nhận ra được thông điệp Giáng Sinh, đầu thế kỷ.
Nhiều lúc, tín hữu Đạo Chúa có cảm nhận là họ biết được chương trình hành động của Chúa rất rõ, hơn cả Ngài nữa. Đây chính là bẫy cạm ta phải cẩn thận mà xa lánh. Và, Giáng Sinh hôm nay, là dịp thuận để ta có thể làm được việc ấy.
Nhìn vào quá trình lịch sử, quả là xưa nay chẳng ai tiên đoán được phương cách Chúa gửi Đấng Cứu Độ toàn năng đến với con người. Cũng chẳng ai biết rõ vào ngày “N” và giờ “G” nào, Chúa thân hành giáp mặt trần gian. Chẳng ai đoán biết trước sự việc Nhập thể, mà Chúa đã bày tỏ cho đám kẻ chăn, không nhà cửa. Nhóm người trẻ này chuyên sống bụi sống bờ, không xứng đáng.
Và, cũng chẳng ai mường tượng được nhân chứng đầu của sự kiện Nhập Thể, lại là đám trẻ vô học, rất “bụi đời”. Dân thường ở huyện, cũng đã chực chầu những mong được đón chào Vị Thiên Sai từ nơi cao đến lật đổ đám cường quyền La Mã. Giới trung lưu quyền thế, biết nhẫn nhục hơn, đã cố đợi chờ ngày kiệu rước vua quan từ trời cao ngự đến.
Nghịch lý hơn, tình Thương yêu Chúa lại đã chấp nhận mặc lấy xương thịt người phàm, là xương thịt của chính ta. Và, Ngài đã đến với ta như kẻ nghèo hèn, bé mọn. Ngài đến, chỉ như Hài Nhi bé bỏng, không có gì để tự vệ.
Nhưng, chính Hài Nhi ấy là Chúa chúng ta. Ngài xuất hiện, không như mọi người tưởng. Không như quan niệm của người phàm. Ngài thực hiện lời hứa đã thiết lập với tiền nhân, theo phương cách đầy kinh ngạc.
Và, Lễ Giáng Sinh đem đến cho ta ảnh hình êm ả, dịu hiền của Đức Chúa thân thương, bé nhỏ của Hài Nhi Chúa cần bú mớm, dưỡng dục, được ôm chặt vào lòng.  
Áp-dụng ảnh hình Chúa Giáng Trần vào với niềm tin người đi Đạo, cũng không sai. Nếu Giáng Sinh với ta, mang ý nghĩa cụ thể, thì đây không là lễ hội uy nghi, nhộn nhịp chỉ để vui.
Giáng Sinh cũng không là cơ hội để ta lấp đầy khoảng trống thời gian được nghỉ lễ, mà là cơ-hội để ta ăn mừng, mỗi khi làm điều hợp lý, yêu thương, rất an lành.
Lễ Giáng Sinh còn là lý do để ta tụ tập ở đây, mỗi tuần. Tề-tựu chung vui Tiệc Thánh Thể. Tụ họp như thế, ta sẽ được Chúa dưỡng dục, cách sinh động. Có bú mớm thức ăn. Có ôm chặt vào lòng. Ôm ta, để đem ta vào với cung lòng thương yêu của Đức Chúa. Dù ngắn ngủi, sự việc này cũng giúp ta thêm lòng quả cảm, thêm sức mạnh mà giáp mặt với loài sói dữ, với đám cướp cạn đang chực rình vồ, vào ngày tháng quan trọng chính cuộc đời của ta.
Nay, ta hãy ra đi mà đón chào. Đón và chào mừng, ngõ hầu ta tới đúng chỗ, đúng thời đúng buổi để Chúa có thể nhìn ra ta, mà đón nhận. Và, đem ta vào cung lòng Ngài. 
Trong tâm tình đó, nay mời mọi người ngâm lại lời thơ trên, mà rằng:

“Ôi phép lạ, ôi nhiệm màu,”
Vườn tiên sáng láng như lòng người thương.”‘

Bởi lẽ, dù có là phép lạ nhiệm mầu đi nữa, tất cả sẽ là và vẫn là “sáng láng như lòng người thương”, mà thôi.

Lm Richard Leonard sj biên soạn
Mai Tá lược dịch.

    

Saturday 12 December 2015

“Anh có ngờ đâu trong những đêm”



Suy Tư Tin Mừng tuần thứ tư Mùa Vọng năm C 20/12/2015

Tin Mừng (Lc 1: 39-45)
Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:

"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

“Anh có ngờ đâu trong những đêm”
Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm.
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
            Những đêm trời tối giống đêm nay, lại cũng có một người thơ thẩn không ở hồ êm, mà lại thẩn thơ chốn chợ đời, nhiều truyện kể.
              Tin Mừng hôm nay, lại cũng kể về một sự kiện rất hệ trọng, là: Đức Chúa nay quyết đến ở cùng và ở mãi với chúng ta, vốn dĩ chỉ là người phàm, khó chung sống.
Kể truyện Chúa-ở-cùng-loài-người vào nghi-thức phụng-vụ tuần cuối Mùa Vọng, người kể hôm nay lại nhớ về câu chuyện na ná vẫn xảy đến với nhiều người, chí ít là với chú bé tên David ở đâu đó, giống Úc Châu, như sau:

“Tôi chạy vội ra cửa hàng doanh-thương định mua vét vài món quà Giáng sinh cho con cho cháu. Nhìn quanh, xem người người tấp nập đổ xô mua mua bán bán. Và, trong một thoáng rất nhanh, tơi tự trách mình sao không nhanh chân lẹ tay để giờ này cứ phải đứng đây chờ với đợi, sốt ruột quá.

Cuối cùng, tôi đến khu bán đồ chơi và lẩm bẩm một mình không biết bọn trẻ nhà mình chúng có ưa các món tôi mua cho chúng không.

Bất chợt mắt tôi quay về phía chú bé kia đang ôm chặt con búp bê. Ra chiều ưng ý lắm. Một tay cầm búp bê, tay kia chú bé mon men vuốt nhẹ lên tóc đồ chơi. Sau, tôi thấy chú bé quay người, hỏi: “Dì ơi, Dì có chắc là mình không còn tiền để mua búp bê nữa không?”

Người đàn bà khẽ trả lời: “David à, Emily không có chơi búp bê nữa đâu, con”. Tôi thấy người phụ nữ lảng qua phía khác, lựa đồ đạc cần thiết hơn. Cậu bé cứ lẽo đẽo đi theo. Tay vẫn ghì chặt lấy búp bê chưa trả tiền.

Thấy David đứng thờ thẫn, tôi đến gần hỏi xem hai dì cháu định mua búp bê cho ai vậy. Cậu bé trả lời:
-Mỗi lần đến Giáng Sinh, là chị của cháu đều thích mua búp bê.
Tôi bảo:
-Cứ từ từ cháu ạ, rồi thì Ông Già Noel cũng đem búp bê đến cho chị của cháu thôi.
Bé nói:
-Không có đâu, Ông Noel không sao đến được chỗ của chị cháu đâu. Cháu phải đem búp bê cho Mẹ để Mẹ đi đến chỗ đó mà đưa cho Emily. Chỉ có cách ấy thôi.
Tôi hỏi:
-Thế chị cháu ở mãi đâu mà ông Noel không đến được, chắc là xa lắm hay sao, hả cháu?”
David rơm rớm nước mắt:
-Chị cháu đi về chỗ Chúa Giêsu đang ở đó, Bác ạ. Ba cháu nói Mẹ cũng sắp đi đến chỗ Emily và Chúa Giêsu hôm này thôi.”

Nghe xong, tim tôi chừng như ngừng đập. David tiếp:
-Cháu có nói với Ba là làm thế nào thì làm để Mẹ đừng có vội đi, phải chờ cháu mua được búp bê cho Emily đã. Cháu vẫn muốn Mẹ mang búp bê tới cho Emily của cháu cơ.”
            Thấy cậu bé không để ý nhìn, tơi vội đưa tay vào ví, lấy một ít tiền và bảo:
-David, cháu có biết đếm không?”
Mắt bé sáng rực một niềm phấn khởi. Và nói:
-Đấy, cháu biết thế nào Chúa Giêsu cũng cho tiền để mua búp bê cho Emily mà, chắc chắn là như thế.
Tôi dúi tiền vào tay bé rồi cả hai cùng đếm. Đếm xong, David lại nói:
-Đúng là Chúa Giêsu cho cháu đủ tiền để mua búp bê mà.”
Vài phút sau, Dì của David quay trở lại. Thấy vậy, tôi vội đẩy xe chở đồ đi nơi khác, tránh thắc mắc của hai người. Trong bụng, tơi không khỏi suy nghĩ về bé David và thấy rằng hôm nay mình kết thúc chuyến mua sắm trong tình huống khác hẳn lúc ban đầu.
           
Về đến nhà, nhớ lại câu chuyện được đăng trên báo mấy hôm trước đó về trường hợp một người uống rượu phóng xe đụng phải xe khác làm chết một bé gái và mẹ của em đang thoi thóp trên giường bệnh phải dùng ống dưỡng khí, trợ thở.
Hai ngày trước Lễ, theo dõi báo/đài tôi thấy gia đình người đàn bà đang trong cơn hôn mê ấy quyết định tắt máy trợ thở. Và hôm trước ngày Chúa Giáng trần, báo chí có đề cập đến tang lễ của Julia Norris cùng con gái bà, là Emily, được cử hành vào ngày lễ phó tế Stêphanô, tử vì đạo. Tên người chồng và cha của hai mẹ con người đàn bà bạc mệnh là Michael và tên người con nhỏ đồng thời em trai của Emily, là David.
            Vào đêm Lễ, gia đình tôi tụ tập nơi bàn tiệc mà không ai trong chúng tôi ăn hết được các món trên bàn. Tay cầm món quà đắt giá mà chẳng người nào cần thiết. Và, bia rượu thì uống quá mức nhu cầu. Suy cho kỹ, tôi thấy “chúng ta vô tình để mất đi ý nghĩa nòng cốt của ngày Chúa Giáng hạ làm người”.
Sự kiện Đức Chúa-cùng-ở-với-chúng-ta xảy đến rất giản đơn. Cũng chỉ như hài nhi đang cần tình thương yêu đùm bọc. Thế mà, nhân danh ngày Lễ hội, chúng ta lại phung phí bạc tiền quá sức tưởng tượng. Ăn uống thì cũng vượt quá mức độ cần thiết. Lại còn say sưa chè chén một cách lố bịch.
            Tôi buồn bã rời bàn tiệc để về phòng riêng, viết vội tấm thiệp chúc Tết gửi cho mọi thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi kể cho mọi người biết sẽ chẳng khi nào tôi có thể nói: “Tôi muốn gia đình biết cho rằng tôi vẫn thương yêu hết mọi người.”
Đọc thiệp tôi viết, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng tôi bị chứng mát thần kinh nặng. Tuy vậy, qua hình ảnh chú bé David và búp bê kia, Đức Chúa đã ghé thăm hồn tôi vào tuần lễ cuối của Mùa Vọng. Và, Giáng sinh mai ngày sẽ chẳng bao giờ giống như Giáng sinh năm ấy.
Nghe kể truyện bé Đavít và thiệp vui ngày lễ, hẳn ta lại nhớ câu thơ còn ngâm giở rằng:

“Độ ấy xuân về em lớn lên,
Thấy anh, em đã biết làm duyên.
Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng.”
(Hàn Mặc Tử - Âm Thầm)

Nhà thơ âm thầm nghĩ về những đêm “trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm”, nhưng nhà Đạo lại nghĩ về những bạn trẻ nhỏ vẫn âm thầm hướng về người mẹ hiền đã khuất không còn nhìn thấy bé. Chí ít là thấy Chúa Hài Đồng ở mọi chốn, rất riêng tây.

Lm Richard Leonard sj biên soạn
Mai Tá lược dịch.