Saturday 25 August 2012

“Em không nói, đã nghe từng giai điệu,”


Suy niệm Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên Năm B 2.9.2012
“Em không nói, đã nghe từng giai điệu,”
“Em chưa nhìn, mà đã rộng trời xanh.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Mc 7: 1-8, 14-15, 21-28
Trời xanh rộng, nhà Đạo chưa nhìn cũng đã biết. Giai điệu buồn, nhà thơ chưa nghe rày cũng tỏ. Tỏ, về trời xanh lộng lẫy tình thương yêu người người đều thấy để thực thi, suốt đời.
Trình thuật thánh Máccô hôm nay, người đọc nắm bắt được phần cốt thiết là tình thương yêu, trong đời. Tình thương, Chúa nhắc nhở mọi người hãy quan tâm thương yêu hơn là để ý đến luật lệ ở đời thường, mà người đời lại cứ quên. Chúa chỉ trích tính chểnh mảng của nhiều người trong thực thi thương yêu mà Ngài coi là “Giới lệnh của Chúa”, trong khi người người chỉ chú trọng vào luật lệ, thôi.
Về Giới Lệnh, tác giả Tin Mừng không sử dụng số nhiều để chỉ các điều lệ cần giữ, mà duy nhất chỉ một giới lệnh cần cho người và cho mình: “Hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết lòng hết trí khôn.” Chỉ mỗi thương yêu người đồng loại mới là điều cần, để sống Đạo. Giới lệnh ấy, mọi người cần quan tâm hơn chứ đừng để ý đến của ăn/thức uống, chẳng dính gì đến Chúa. Bởi, với Ngài, chỉ một thứ duy nhất ta cần cho tâm can ta, là động thái xuất từ con tim sẽ lộ ra ngoài bằng hành động.
Hành động ta xử sự, tự nó không chuyên chở ý nghĩa nào về những điều xuất từ tim gan con người. Và, cũng chẳng có gì là bẩn nhơ/ô uế xuất từ tâm can con người, hết. Trái lại, người người vẫn có thể đo lường lề luật bằng chính tình thương yêu diễn lộ ra ngoài chứ không bằng thứ gì khác.
Thánh Gioan Thánh Giá có lần nói: “Nhiều người không biết được là vào buổi xế cuộc đời, con người chỉ nên tự kiểm xem chuỗi ngày dài cuộc đời, mình có thực thi yêu thương hay không mà thôi; chứ đừng bôn ba lo chuyện viển vông khác.” Và, tác giả Von Balthasar đà quả quyết: “Chỉ mỗi tình thương yêu mới có giá trị muôn thuở.” Vì thế nên, ta hãy suy tư thêm về giới lệnh thương yêu, Chúa dặn dò.  
Thương yêu, phải chăng là chuyện đương nhiên hiện rõ nơi cuộc sống con người? Yêu thương, có là chuyện thường tình mọi người thực thi, thật rõ nét? Thế, sao ta cứ chờ Chúa nhủ khuyên rồi mới làm? Hy vọng câu trả lời từ mọi người, sẽ là: không phải thế đâu. Cuộc đời đâu chỉ mỗi vậy.
Lại nữa, nếu người hỏi từng bôn ba sinh sống ở nơi có nền văn hoá đặt nặng trên lề luật và cấm kỵ, tưởng cũng nên có cái gì đó giúp người ấy trong cuộc lựa chọn thoả đáng ngõ hầu đưa thương yêu vào vị trí ưu tiên cao nhất. Và, khi người người tìm đặt ưu tiên cao nhất, thiết tưởng việc ấy sẽ là tình thương yêu, thôi. Bao lâu tình thương yêu tồn tại, thì ánh sáng của những tháng ngày đẹp trời sẽ kéo dài mãi và khi đó mọi người sẽ về lại nhà mình mà nghỉ ngơi, vui hưởng các thành quả hái gặt được.         
Khi xưa, nhóm 138 học giả thuộc đạo Hồi từ 43 nước trên thế giới có thư ngỏ gửi cộng đồng tín hữu Đức Kitô vốn đề cập và đề nghị đưa tình thương yêu vào vị trí ưu tiên cao nhất cho hai Đạo. Và, các vị đã đồng thuận ký thư trên để tỏ bày rằng tình thương yêu vẫn là và phải là mẫu-số-chung cho sinh hoạt của hai Đạo. Mẫu-số-chung ấy, là nền tảng và mục tiêu để hai đạo đặt ra cho mình thực hiện.
Mẫu-số-chung, là mẫu số rất chung về lòng mến Chúa và yêu người đồng loại, cả hai gộp lại làm một. Một mục tiêu, một điểm nhấn ngõ hầu ta phụng thờ chỉ một Chúa, thôi. Bởi, Ngài là Tình Yêu đích thật để ta biến nó thành hiện thực, với mọi người. Chính đó, là lòng mến mà tỏ ra với Chúa và với nhau để tôn vinh, kiến tạo cùng một chí hướng. Đức Chúa của Tình Yêu luôn đi bước trước trong sáng tạo và trao ban Tình Yêu cho ta theo cung cách cả hai Đạo đưa ra cho mọi người. Các học giả đạo Hồi ở trên lâu nay nới rộng vòng tay thân thương/hợp tác để cùng với cộng đoàn tín-hữu Chúa Kitô, coi đó như sáng kiến quả cảm, đặc biệt.
Để phúc đáp, nhóm đối tác bên Đạo Chúa là các học giả từng đặt cơ sở ở đại học Yale, Hoa Kỳ cũng nới rộng vòng tay yêu thương của Đạo mình, với người anh em bên đó. Nhưng, trước khi hồi đáp bằng động thái thương yêu, các vị trong nhóm này đưa yêu cầu anh em bên đạo Hồi “hãy thứ tha cho các động thái mà tiền nhân mình đã xử sự trong quá khứ. Các đấng bậc nói trên cũng xin cộng đồng Hồi giáo và các vị trong tổ chức “Xót-Xa-Tình-Nên-Một” hãy thứ tha các lầm lỡ mà anh em Đạo Chúa đã mắc phạm.
Điều mà tiền nhân khi xưa từng sơ xuất, người thời đó gọi là “Thánh chiến”, nay đổi lại bằng tên gọi rất mới và thời thượng là: “Chiến tranh chống khủng bố”, nhưng thực tế, chỉ nhắm vào người anh em bên Hồi giáo, mà thôi. Bằng cử chỉ này, các học giả bên Đạo Chúa đã xưng thú các lỗi lầm mình sai phạm với người anh em bên đạo Hồi và mong rằng những việc như thế sẽ không còn tái diễn nữa.
Học giả Đạo Chúa công nhận rằng: ngay từ đầu, xung đột giữa hai đạo dù được gán cho cái tên rất thánh thiêng đi nữa, vẫn không mang tính đạo giáo và vẫn hàm ẩn một tầm kích chống phá thương yêu. Và, các vị còn công nhận rằng: các vấn đề gây ưu tư/trăn trở nhiều thời, đã tạo ảnh hưởng xấu lên phân nửa dân số thế giới. Và, các ngài còn khẳng định: sự việc này ảnh hưởng không ít lên viễn tượng hoà bình và công chính, cho thế giới.
Từ đó, các học giả nói trên đã dùng mẫu-số-chung “yêu thương” với lời lẽ và nền tảng cho mọi hành xử để các vị này không còn đặt nặng tính cá biệt giữa hai đạo, mà chỉ tập trung lên điểm chung căn bản của đạo giáo. Bởi, cuối cùng thì: trọng tâm của mọi nhóm vẫn nhắm vào tình thương yêu trải dài đến mọi người. Thương yêu, là lòng mến Chúa, mến mộ Đạo và là sự cảm thông với hết mọi người bằng mẫu-số-chung của hai đạo.
Thương yêu, là lòng sủng mộ ta có với Chúa và với người thường, bất kể người đó là ai? Họ theo tôn giáo nào? Về điềm này, hai nhóm đều cố lướt thắng hết mọi thứ, ngõ hầu đạt đến cùng đích là cảm thông yêu thương xoá bỏ mọi khác biệt dễ gây hận thù. Nhóm anh em bên Hồi giáo cũng nói đến tình thương yêu Đấng Thánh Vô Hạn luôn xót thương hết mọi người. Trong khi Đạo Chúa, dưới tầm nhìn của người Do thái, cũng nói nhiều về Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Đấng làm cho mặt trời toả sáng trên mọi thứ tốt/xấu. Ngài là Đấng làm cho mưa rơi trên đầu người công chính cũng như với kẻ bất lương, hoặc phân rẽ. Mưa vẫn rơi, cho cả thế giới đạo Hồi lẫn Đạo Chúa Kitô, suốt mọi thời.
Cả hai bên đã tôn trọng lẫn nhau qua kinh nghiệm về Thiên-Chúa-Đầy-Yêu-Thương đã đi bước trước trong thương yêu loài người dù người đó có là nam hay nữ, già/trẻ, Công giáo hoặc Hồi giáo. Ta không thể nói được: mình tin Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu cho đến khi nào mình nhận ra rằng: mọi người đều được kéo gần lại với nhau bằng tình thương Ngài ban tặng cho ta, cùng một kiểu. Điều này sẽ cải biến ý tưởng về “người đồng loại”. Ta thương yêu người đồng loại như Chúa dạy là tất cả phải trở nên một, gộp lại. Không thể nói mình thật tình tin Chúa mà lại không thích những điều mà người đồng loại mình từng mong ước hoặc không thực thi bằng hành động những gì mình muốn cho người đồng loại sẽ có.
Ngày 4/11/2008, một nhóm gồm các lãnh đạo và thần-học-gia đến từ các nước Hồi giáo để thăm thủ đô Rôma để đối thoại với thủ lãnh và thần-học-gia Công giáo về “Giới Lệnh” Chúa ban bố. Mỗi nhóm 24 vị đã đích thân hội kiến Đức đương kim Giáo Hoàng để tái lập mẫu-số-chung thương yêu từng lạc mất. Ngay ngày đầu, các ngài đã trao đổi về nền tảng của Giới Lệnh thương yêu theo truyền thống của hai bên. Các ngày sau đó, các đấng bậc cũng đã bàn về ý nghĩa phẩm cách con người, về việc tôn trọng phẩm giá đã nẩy mầm từ nền tảng thương yêu Chúa tạo cơ sở cho một hiệp nhất.
Ngày cuối cùng, mở ra cho mọi người, cả chúng dân bên ngoài nhóm nữa. Tất cả như một, đều đã nguyện cầu để mọi người trở nên một trong tình Yêu-thương Chúa đề xuất. Đây là bước ngoặc lịch sử sẽ dẫn dắt cả hai đạo tiến xa và tiến mạnh đem hoà bình đến cho thế giới. Điều thú vị, là các thần-học-gia Công giáo cũng nhấn mạnh đến sự quan ngại về hành xử của tín đồ Đạo Chúa đối với người đồng loại, nói chung. Trong khi đó, các thần-học-gia đạo Hồi khi ấy tập trung nhiều vào Tình thương yêu đối với Chúa.
Cách đây khoảng 150 năm, chức sắc nọ trong chính quyền Hoa Kỳ đến gặp anh Joseph, lãnh tụ nhóm Da Đỏ có tên là “Lỗ Mũi Xỏ” ở Hoa Kỳ. Chức sắc nói nhiều về lợi ích tặng cho người sắc tộc nếu họ chịu mở trường tại khu họ sinh sống. Ngay lúc ấy, trưởng tộc Joseph nói: “Chúng tôi thật chẳng muốn có trường học nào hết”. Khi được hỏi lý do tại sao như thế, thì trưởng tộc Joseph cho biết đơn giản chỉ vì: “Nếu làm thế, người Mỹ sẽ chỉ lo mỗi chuyện dạy dổ con em chúng tôi cách xây nhà thờ/nhà thánh, thôi.”
Chức sắc kia lại hỏi: “Vậy thì, các ông không muốn có nơi lo việc phụng thờ sao?”Câu trả lời cũng dễ hiểu: “Không! Chúng tôi không muốn nhà thờ! Tại sao ư? Thì, có nó bọn tôi cũng lại cãi nhau về Thượng Đế, mãi không dứt. Và chúng tôi chẳng muốn cãi vã về Thượng Đế, vì chỉ rành tranh cãi về những gì thuộc con người, thôi. Chúng tôi chẳng bao giờ muốn học biết các chuyện như thế hết!”
Những ai biết chút ít vi tính, hãy vào “Google” đánh chữ “linh thiêng” sẽ đọc hơn chục trang mạng diễn tả từ ngữ này. Có trang nói về tuồng vọng cổ do Hương Lan đóng. Có trang nói về tính linh thiêng cao cả, của con người. Có trang lại đề cập đến cách sống mật thiết với Tình Yêu “thánh thiêng” rất thực tế, nữa.
Thực tế thì, sống mật thiết với Chúa gồm ba lãnh vực. Lãnh vực thứ nhất, về bản chất kinh nghiệm. Tức, bản chất của niềm tin đích thực, nơi con người. Lãnh vực thứ hai, gợi nhớ kinh nghiệm của con người về tôn giáo. Và thứ ba, diễn giải sự thể lâu nay ta gọi là triết lý, thần học. Thật ra thì, khi nào con người tìm ra ngôn ngữ chung cho lãnh vực thứ nhất rồi, sẽ không cần gì nhiều cho hai lãnh vực kia. Tóm lại, chỉ một lĩnh vực duy nhất cần thiết cho mọi người và mọi đạo, là “yêu thương người đồng loại”, mà thôi.
Nhằm đạt kết quả thương yêu người đồng loại, cũng nên về với thi ca tình tứ mà ngâm thêm, rằng:   

“Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết, Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu.
Nhưng sao đi, mà không bảo gì nhau, để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)

Thơ buồn như áo lụa, chỉ vì anh cứ chợt đến rồi chợt đi, chẳng hiểu gì “tình thương yêu” người em muốn hiến trọn. Trọn cuộc sống có thương yêu hết mọi người, như Chúa nói. Với mọi người.                          
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh 
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 18 August 2012

“Em đi rồi, sám hối chạy trên môi,”


Suy niệm Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 21 Thường Niên Năm B 26.8.2012

“Em đi rồi, sám hối chạy trên môi,”
“Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng...”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Ga 6: 60-69
Nhà thơ buồn, vì người em rày đã đi. Em đi rồi, nhà thơ thấy sám hối chạy trên môi, nên tháng ngày vật vã cứ chĩu nặng trên vai buồn. Nhà Đạo lại rất vui mà ra về khi Tiệc Thánh đến hồi chấm dứt, lòng những mang theo bài sai Chúa nhắn nhủ, và gọi mời.
Trình thuật thánh Gioan nay kết thúc với lời cuối Tin Mừng ở chương 6 Chúa nói về “Bánh Hằng Sống” khiến người nghe thấy chướng tai, bèn bỏ Ngài lại một mình. Và khi đó, Ngài hỏi đồ đệ xem các thánh nhận xét ra sao về chúng dân, đồ đệ bèn quả quyết: ai bỏ Chúa thì cứ bỏ, nhưng các thánh không bỏ Thày và cũng chẳng đi đến nơi nào không có Thầy ở đó.  
Cuối buổi Tiệc, dân con Chúa những tưởng Tiệc Thánh đã chấm dứt khi chủ tế giơ tay ban phép lành kèm lời nhắn: “Anh chị em hãy ra đi bình an.” Kỳ thực, lời chúc “ra đi” hay “ra về” bình an, đều hàm ẩn một thôi thúc dân con dự Tiệc hãy về với thế trần mang theo sứ vụ Chúa trao phó, cho mọi người. Nhưng, bài sai đây là sứ vụ gì? Thực hiện sứ vụ này ra làm sao? Kết quả dẫn đến sẽ thế nào?
Ở đây, dân con dự Tiệc vào phút cuối sẽ khám phá ra một hiện diện khác từ Tiệc Thánh. Đó là, sự hiện diện mặt-đối-mặt của các sự vật có tính cách chỉ như vật thể. Dự Tiệc, không là hiện diện bằng thân xác mà dân con/cộng đoàn từng trải nghiệm theo cung cách chủ quan, hạn chế. Nhưng, hiện diện đây là qui cách hiện hữu mà chỉ mình Chúa mới có. Chính đó là Hiện Diện theo nghĩa của việc tặng ban/cho đi. Cho một cách nhưng-không chẳng màng gì lợi danh, đổi chác hoặc đáp trả hiếu theo nghĩa “có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Đức Chúa không tặng ban cho ta chỉ một hiện hữu có ích, Ngài cũng chẳng trông chờ ta cảm kích biết ơn để rồi tạo thành ràng buộc khiến ta mất tự do, chẳng thoải mái. Ngài cũng không muốn lấy đi giây phút hiện tại ta đang sống trong nhà Chúa như một sự thể chính đáng. Và, Ngài cũng không đánh giá quá thấp chuỗi ngày dài đầy những quá khứ hoặc tương lai đang trờ đến.
Ta tưởng đó như một hiện tại kéo dài để rồi thiết lập nên những mẩu chuyện nhỏ cho một tổng thể lớn. Tổng thể, là đường lối hoàn toàn khác cho thấy người đời vẫn đặt nặng đến hơn hiện tại. Nhất là, hiện tại xảy ra ở cuối buổi Tiệc Thánh, vào lúc ta được bảo: hãy “ra đi” mà trở thành kẻ tản bộ trong ước mơ tuy chậm nhưng rất chắc, ở thế trần. Ra đi, vì bài sai Chúa gửi đến thế trần không do ta chọn và thiết lập, mà chỉ tuân thủ và thực thi.
Và, Hội thánh hôm nay cho thấy thái độ “đóng kín” không am tường bản chất của mình, nên đã không phản ánh cái đẹp của trần thế bằng việc thể hiện động thái của mình. Và, cũng vì không am tường bản chất của chính mình nên cũng không tạo ảnh hưởng nào lên trần thế hết.
Thành thử, khi nhận bài sai ra đi về với thế trần làm chứng nhân rao giảng Lời Chúa và sống cho Chúa, nhiều dân con đi Đạo cảm thấy khó mà sống thực niềm tin giữa lòng dân tộc, thời hiện đại. Bởi thế nên, nền văn hoá thời đại chẳng dám đón nhận sứ điệp của Đạo Chúa, nữa. Thế trần thời hiện đại, là chốn miền khiến ta khó mà sống niềm tin rất đích thực. Bởi, ngày nay người người vẫn dễ dàng sống theo lề thói rất vật chất, tự do vui hưởng lợi lộc do chủ thuyết tiêu thụ dọn sẵn ý hướng chệch choạc.
Ở đây cũng thế, không dễ gì có thể định hướng được tính khí của nhân loại để người người có thể ra đi mở rộng Nước Chúa, sống cho Chúa. Bởi lẽ, cơ chế xây dựng nên Hội thánh hôm nay ngày càng ít trở nên gương mẫu cho đời thường, ở trần thế. Và vì thế, Hội thánh càng xa rời đời sống của chúng dân. Vì, nơi thế trần hôm nay cũng vậy, ngày càng thấy ít đi các Tiệc thánh hiến tế hoặc Tiệc Lòng mến thân thương đông người dự. Số lượng linh mục phục vụ Tiệc ngày càng ít, kéo theo sự thể là sứ vụ rao giảng Lời Chúa ngày càng chất chồng lên đôi vai trần của một vài vị còn ở lại với thánh hội. Từ đó, có mục tử cùng lúc phải coi ngó nhiều giáo xứ. Có vị phải bỏ nhiều giờ để tới vùng sâu vùng xa mà “rao giảng”.
Thế nên, hôm nay, nhu cầu đòi dân con dự Tiệc nhận bài sai “ra đi rao giảng Nước Trời” trở thành chuyện sống thực ở đời. Sống thực, là sống đúng ý nghĩa của Tiệc Lòng Mến biến cải thế giới thành chốn miền đặc biệt để sống và lao động. Hôm nay, hơn năm mươi năm trôi qua kể từ ngày Công Đồng Vatican II ban hành nghị định thư về sự sống còn của dân con nhận bài sai rao giảng, cho thấy đó là quan điểm cách mạng chứng thực vai trò giáo dân đã đến hồi nở rộ, đẹp đẽ. Tốt lành.
Vấn đề của giáo dân hôm nay, không nhằm khuếch trương Hội thánh theo số lượng tăng nhanh bao gồm sự việc và phong trào do Hội thánh chủ trương. Cũng chẳng là phải làm gì hoặc làm thế nào để số người đến nhà thờ ngày một đông, có thêm người đọc kinh, hát xướng. Mà là, sống thực cuộc sống có hiệp thông ta học được từ Tiệc Thánh xảy đến ngay trong trần thế rất khí thế.
Trở thành giáo dân đúng nghĩa, là ơn gọi nhận bài sai ra đi rao giảng Lời, chứ không phải chức vụ mình nhận để thực thi. Ơn gọi giáo dân đây, là ân lộc gọi mời mọi người trở nên dân con của Chúa bằng cuộc sống hiệp thông, rất thương yêu. Gọi mời mọi người trở thành dân con sống thực Lời Chúa trong một thế giới chỉ chú trọng vật chất. Sống thực Lời Chúa, là sống hiệp thông thương yêu trong khuôn khổ của trần thế.               
Sống thực ở đây không là kinh nghiệm hiệp thông rước lễ rút từ Tiệc Thánh rồi phổ biến cho thế giới cũng làm như thế. Làm thế, khác nào biến thế giới bên ngoài thành chi nhánh của Hội thánh ở bên trong. Làm thế, tức như thể dân con mình không còn tôn trọng tính đặc biệt của thế giới bên ngoài và lại chỉ muốn tân trang đổi mới mặt ngoài của thế giới, thế thôi.
Sống thực Lời của Chúa, là cởi mở với tính chất rất trần thế nơi cuộc sống đời thường vẫn như thế; để rồi, từ đó khám phá ra sự thể của cuộc sống có hiệp thông, thương yêu rút từ Tiệc Thánh đang thăng tiến với thế trần. Mãi đến nay, Hội thánh vẫn chưa đạt thành tích về chuyện này. Hội thánh lâu nay vẫn hãi sợ “thế gian” rất phàm tục. Thế gian, là cụm từ Hội thánh ít muốn nghe đến. Thế gian, là từ ngữ về hệ thống giá trị mang tính phàm tục đối nghịch hệ cấp giá trị của thánh hội. Và Hội thánh vẫn cứ sợ cả những giáo dân bên trong thánh hội của mình một ngày nào đó sẽ qua mặt cả hệ cấp rất thánh nữa.
Nay, đã thấy một vài đổi thay trong thái độ của thế gian. Nhiều vị sống ở thế giới gian trần này, nay đã biết được rằng: song song với các vận động đề cao nhân quyền của dân thường và các vận động bênh vực những người thuộc sắc tộc thiểu số cùng nghèo hèn, Hội thánh nay cũng tích cực đề bạt và bàn bạc với trần thế để đi đến hành động chính đáng. Nhiều vị trong Hội thánh, nay đã biết dân con mình dù sống trong trần thế, với “thế gian” vẫn nhận lãnh nhiều ân lộc từ Đức Chúa.
Vậy thì, việc đó nói lên điều gì? Và có từ đâu? Phải chăng từ bài sai “ra đi” mà hiệp thông, thương yêu. Hiệp thông thương yêu, là kết hiệp và cảm thông với những người khác mình, trong quan hệ thường nhật. Bởi thế nên, thông điệp ở đây hôm nay, là: nếu ta học được điều hay từ hiệp thông thương yêu trong thánh hội, thì hãy sống thực điều đó bên ngoài hội thánh. Sống được thế, sẽ mang đến cho ta một khí thế, rất sống động. Hiệp thông yêu thương, là biết tôn trọng mọi người để rồi cùng họ đem tình thương đến với người khác, dù theo cung cách rất đời thường, hoặc “thế gian”.
Giáo dân ta, nay là người có cơ may nhiều hơn triều thần giáo sĩ và tu sĩ do việc họ vẫn sống và làm việc ngay trong cơ cấu trần thế. Việc của giáo dân, nay là lập quan hệ với những người sống trong trần thế, theo cung cách rất thế trần. Như thế, và như thể chính giáo dân mới là người đóng đúng vai trò thừa sai có từ bài sai “hãy ra đi mở mang Nước Trời, ở trần gian”.
Vào lúc kết thúc buổi Tiệc Thánh, giáo dân dự Tiệc là những người vẫn được giáo triều sai bảo “hãy ra đi mà về với thế gian” để triển khai công tác tốt đẹp được Chúa ủy thác. “Hãy ra đi”, bởi nay quý vị được ủy thác công tác ra mà đi, vì đã có phép lành từ Đức Chúa của hiệp thông/thương yêu ở với mình. Ra mà đi, vì ngay tại nơi mình đến đã thấy rõ dấu hiệu của sự sống lại, rất trổi trang.
Ra mà đi, nhưng không hãi sợ trần thế rất “thế gian” khi xưa được gọi là kẻ thù thứ ba rất đáng sợ. Bởi, thế gian là ta và cũng là người, chứ đâu là quỉ. “Ra mà đi”, hầu nhận lãnh sứ vụ gửi đến con người và cho con người có đính kèm phúc lành, chứ không phải lời chúc dữ dành cho “kẻ thù” là quỉ sứ, đáng hãi sợ. Hãy hiên ngang mà ra đi, vì Đức Chúa vẫn ở với mình và với người, là thế gian Ngài thương mến.
Trong tinh thần phấn chấn mà ra đi, cũng nên ngâm tiếp lời thơ vừa ngâm dở, ở trên, rằng:

            “Em đi rồi, sám hố chạy trên môi,
            Những tháng ngàytrên vai buồn bỗng nặng.
            Em ở đâu, hỡi mùa thú tóc ngắn,
            Giữ hộ anh, màu áo lụa Hà Đông.
            Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng,
            Giữ hộ anh, bài thơ tình lụa trắng.”
            (Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)

Thơ tình hay áo lụa, vẫn cứ là lời nhắn nhủ của thế trần hôm nay không còn là “kẻ thù” rất dữ tợn. Nhưng đã là mục tiêu của thánh hội được Chúa ủy thác một bài sai, bấy lâu nay.                         
               
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 11 August 2012

“Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt,”


Suy niệm Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên Năm B 19.8.2012
“Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt,”
“Đường thơ bay sáng láng như sao sa...”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 6: 51-58
            Nhà thơ há miệng, nguồn thơ trào. Nhà đạo mở miệng, đón chào Mình Chúa lúc hiệp thông.
            Trình thuật thánh Gioan, nay tiếp tục bàn về Tiệc Thánh trập trung vào việc nối kết hiệp thông với thánh Hội.  Toàn bộ Tiệc, nay đưa dẫn người dự đi vào giây phút thánh thiêng, trầm lắng. Đa phần người đến dự đều hân hoan dự Tiệc để hiệp thông.
            Trước khi đi vào giây phút trầm lắng, phụng vụ Hội thánh cất lời xưng tụng “ngợi ca cao cả”, cuối lời nguyện. “Lời nguyện Thánh Thể”, chủ trương chúc tụng ngợi ca thật cao cả, tóm lược toàn bộ tinh thần nguyện cầu để vinh danh và cảm tạ Thiên-Chúa-là-Cha qua Thần Khí, nhân danh Chúa. Đây là việc cao cả để Hội thánh nói lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Quả là, hiệp thông rước Chúa nói lên hành xử hàm ngụ lời “ngợi ca rất cao cả” này.
              Tuy nhiên, người dự Tiệc có thể chưa cảm kích đủ về Lời Ngợi Ca này. Cũng có lẽ, những người như thế chưa trải nghiệm đủ toàn văn của Lời Nguyện, cũng không chừng. Thật ra thì, phần lớn là do truyền thống Giáo hội ở phương Tây quá đặt nặng vào việc giáo dục dân con rằng Lời Nguyện Thánh Thể mang ý nghĩa của động thái hiến tế. Có vị lại nghĩ: Đức Giêsu chỉ thực sự hiện diện khi chủ tế đọc lời truyền phép, thôi. Và, khi chủ tế truyền phép bánh rượu thành Mình Máu Chúa, Chúa có mặt ngay khi ấy. Và, Chúa chỉ đợi chờ giây phút này để đến với ta, vào trong ta, qua hiệp thông rước lễ rất thánh-hoá.
            Truyền thống Giáo hội Đông phương lại quan niệm Lời Nguyện Thánh Thể có hơi khác. Dân con Hội thánh ở bên đó được dạy rằng: toàn bộ Lời Nguyện Thánh Thể là để Chúa hiện diện ở buổi Lễ cách hiện thực. Khác với phương Tây có thói quen gọi đó là “Lời Nguyện Hiến Tế”. Giáo hội phương Đông đánh giá Lời Nguyện Thánh Thể nhiều hơn người phương Tây được dạy. Thế nên, phần cuối Lời Nguyện, tức Lời Ngợi Ca Cao Cả, khiến người dự Tiệc thấy như đã xong phần lớn của kinh nguyện hiến tế, nên đã dáp lại bằng lời thưa “Amen” thật lớn tiếng.
            Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của phụng vụ hiệp thông, có lẽ cũng nên suy niệm thêm về ý nghĩa của sự hiệp thông đích thực hơn chỉ nói mỗi ý nghĩa việc rước Chúa vào lòng, thôi. Hiệp thông, theo nghĩa chữ là: “đến với” -ở đây là: đến với Chúa Ba Ngôi rất thánh, với Chúa Phục Sinh, với lời nguyện cảm tạ của Ngài, và với cộng đoàn tham dự cùng với lời tập trung lên tiếng diễn tả lòng cảm kích rất biết ơn. Hiệp thông, theo nghĩa thông thường, là thành phần cao cả của tập họp cảm thông, nhưng không là tất cả sự việc chỉ tập trung mỗi tế hiến. Hiệp thông, theo nghĩa cao cả vẫn tiếp diễn không dừng, còn nghi thức phụng vụ thì lại không thế.
            Nói cách khác, hiệp thông theo đúng nghĩa, là cùng đi với ta theo về nhà, cả khi ta ra ngoài mà lao động hoặc vui chơi lành mạnh. Tinh thần hiệp thông luôn theo ta từng bước và từng bước; vẫn ở với ta và cùng ta hiện diện khắp chốn để về với sống lại nữa.
            Tiệc Thánh Thể, có nhiều nghi thức mang ý nghĩa “hiệp thông” như thế nữa. Thứ nhất, là: hiệp thông trong nguyện cầu, cùng hợp lòng một ý để dâng lên. Nhất thứ là khi ta trỗi dậy để đọc kinh “Lạy Cha” mà lời kinh được Chúa hướng dẫn ta hướng về Chúa Cha, đã thật sự mang ý nghĩa mới khi kinh này nói lên những điều cần nói và cần thưa, để rồi kết thúc bằng cụm từ “Amen” thật tuyệt vời.
Lời kinh dâng lên Cha được Chúa hướng dẫn, vẫn ước nguyện để: Danh Cha được cả sáng (cụm từ “cả sáng” đây đượm ý nghĩa tuyên dương, cảm tạ; và, nguyện cầu cho: “Nước của Cha”, tức Đường Lối Chúa hằng đeo đuổi, được ngự đến rất sớm hiểu như sự kiện xảy ra trong hiện tại. Cầu cho Thánh ý của Cha -là Tình yêu thông hiệp toàn thể vũ trụ- được thể hiện ở nơi đây, tức trái đất này, cũng như thiên cung vũ trụ vạn vật, vẫn rất rộng.
Lời cầu Chúa hướng dẫn, còn để người người có cơm bánh hằng ngày -không chỉ mỗi Bánh Thánh ở phụng vụ Tiệc mà thôi, nhưng còn là cơm/bánh mỗi ngày cần để sống. Cầu như thế, không chỉ đơn thuần dành cho cộng đoàn đang dự Tiệc thôi, nhưng ở mọi nơi, khắp chốn. Chí ít, là chốn miền có nhiều người đang cần đến, hầu tồn tại. Bằng vào lời cầu Ngài dẫn dắt con dân Ngài, Chúa muốn dân con Ngài được ơn tha thứ, những hai chiều. Từ hành xử tích cực cho đến tâm can thụ động, tức vừa thứ tha vừa đón nhận ơn tha thứ vào Tiệc Thánh ngày hôm ấy tại nguyện đường ở khắp nơi, hết mọi thời. Và, nguyện cầu gửi đến Chúa là Cha, còn là thành phần của tiến trình tha thứ, không dừng lại.              
Thứ đến, hiệp thông có tha thứ vẫn trải dài khắp mọi nơi còn mang ý nghĩa lan rộng vào cuộc sống rất thực tế. Điều này diễn tả qua sự kiện cộng đoàn dân Chúa chúc bình an hôn chào lẫn nhau. Được thế rồi, lại tiếp tục nhiệm tích hiệp thông suốt cuộc đời ở trần thế. Động thái chào chúc bình an cho nhau, là để mọi người tồn tại và phấn đấu trong cuộc sống đời thường, rất cần. Cần, sự bình an khởi từ Tiệc hiệp thông cũng rất lành và rất thánh.
Thứ ba, là sự kiện hiệp thông đan kết với nhau và vào nhau được diễn tả một cách tượng trưng ở buổi Tiệc rất Thánh Thể, là tiệc Bẻ Bánh đích thực. Nhưng, động thái này còn bẻ bánh cho vỡ vụn để hòa trộn vào với nhau qua việc chủ tế bẻ Bánh Thánh ra từng mảnh đem phân phát cho mọi người. Thêm nữa, sự việc này lại được chủ tế bẻ Bánh Thánh nhỏ bỏ chung vào với Rượu Thánh để rồi, cả Mình Máu Chúa sẽ chan hoà cho mọi người. Từ sự việc này, mọi người sẽ trở nên một, tức đã hiệp thông rất lành thánh.
Có chuyên gia phụng vụ lại đã viết: cả hai động thái truyền phép, một qua việc bánh thánh trở thành Thân Mình Chúa và rượu thánh trở thánh Máu Châu Báu của Ngài, tức biểu trưng sự chết của Đức Chúa khi Mình Máu Ngài tách lìa làm hai. Và, tác giả hiểu việc kết hiệp bánh với rượu nay trở thành biểu trưng cho sự kiện Phục sinh quang vinh. Ý tưởng này tuy rõ nét, nhưng là giải thích cũng khá mới. Ngày nay, mọi người coi phụng vụ hiệp lễ theo nghĩa của sự hiệp thông với Chúa Phục sinh rất chính đáng.
Điểm thứ tư, là: hiệp thông trong vui ca, hát xướng. Toàn thể người dự Tiệc sẽ cùng nhau hát bài “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc trần gian” không như động thái “điền vào chỗ trống” khi vị chủ tế phân phát Mình Chúa cho thừa-tác-viên, nhưng như một hiệp thông vào một cung giọng của các thánh đang dự Tiệc. Ở kinh Tiền Tụng, phụng vụ cũng đã tuyên dương quyền uy của Chúa đã chấp nhận sự thuần phục của thụ tạo, để tất cả ca tụng Hội thánh Chúa ở trần gian cũng như các vị đang ở chốn thiên cung.
Thụ tạo của Chúa đều ngợi ca tôn vinh Thiên Chúa bằng việc tuân thủ luật vũ trụ. Và tất cả vẫn làm công việc này một cách vô thức. Chúng ta đây, là Hội thánh ở thế trần vẫn hiểu rõ việc mình làm là là để tuyên dương ngợi ca Chúa Tể Càn Khôn mà toàn thể vũ trụ đang mắc nợ Ngài sự hiện hữu. Thế nên, bằng lời ngợi ca cao cả ở Tiệc Thánh, ta cũng hát lên cho vũ trụ thấy được lời ca tung hô chúc tụng, được làm trước. Đó là phần kết bản hợp ca đầy cảm tạ vẫn tinh khiết. Chừng như ta vẫn có khả năng lắng nghe lời Chúa Phục Sinh đang cảm tạ Cha Ngài thay cho ta, bằng bài hát Phục sinh quang vinh của Ngài.           
Bản chất rất hiệp thông của mọi thụ tạo trong trời đất, đều hàm ngụ trong lời ngợi ca cao cả đó. Bản chất ấy, nay đặc biệt nối kết với Thần Khí được Cha ban cho ta. Thần Khí Ngài đang hiển thị ở việc hiệp thông bền chặt. Và, Hội thánh làm thế với Thần Khí và qua Thần Khí; nên, hiệp thông nối kết, tự bản chất, mang tính kết hiệp thể hiện nơi dân con đang xếp hàng nhận đón Chúa; và sẽ xếp hàng về với cộng đoàn đang tụ tập trong thinh lặng, nguyện cầu rất sốt mến.
Không phải Hội thánh yêu cầu Chúa đến với ta bằng việc Ngài hiện diện ở Tiệc Thánh. Nhưng, chính Ngài đòi hỏi dân con mọi người phải làm chứng nhân cho Ngài hầu tuân theo đòi hỏi của đời sống đạo đức, có hiệp thông ở Tiệc Thánh. Giải thích điều này, có tác giả trình bày sự việc theo dạng thơ văn kịch nghệ như sau:
“Có một thời, mọi người nhận được kịch bản sống động đặt nền tảng trên nhiệm tích thánh thiêng. Kịch bản này, buộc người nhận phải đưa nó ra ánh sáng, để mọi người được thấy. Nay, người người lại được tặng ban nhiều kịch bản hơn để khi nhận, sẽ phải chọn cho mình ít nhất một điều được ghi trong đó. Nếu không, phận mình chỉ được thủ mỗi vai trò phụ diễn có quan hệ tạm ngõ hầu sống nốt cuộc đời chẳng đầu đuôi, không mạch lạc. Với chúng ta, là những người đến hiệp thông trong Tiệc Thánh, tức những người vẫn tiếp tục tin vào nhiệm tích Vượt Qua trong thế giới đầy nghi kỵ. Ta được kéo vào nhiệm tích ấy đến mức có thể vượt trên mọi dự trù hoặc cảm thông mỗi khi đón nhận hiệp thông rước Mình Chúa.” 

Cảm nghiệm về hiệp thông là như nhà thơ trên dám thốt lên lời thơ đầy ý nghĩa, để hát rằng:

            “Ta há miệng cho nguồn thơ trào vọt:
            Đường thơ bay sáng láng như sao sa…
            Trên lụa trắng, mười hai hàng chữ ngọc,
            Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.”
(Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)

Tinh hoa rồng phượng, nay hiệp thông sáng láng như sao sa, trào vọt. Thơ tuôn trào, để người người sẽ cùng Chúa kết hiệp với Chúa Cha trong tình thương yêu ngào ngạt, buổi Tiệc Thánh.            

            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh   
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 4 August 2012

“Trí đang no và khí Xuân đương khoẻ,”


Suy niệm Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên Năm B 12.8.2012

“Trí đang no và khí Xuân đương khoẻ,”
“Nhạc đương say và rượu hãy còn thơm.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 6: 41-51
             Chỉ đôi giòng, nhà thơ nay nói lời của Khí Xuân, đương no khoẻ. Bằng vào bẻ Bánh ở Tiệc Thánh, nhà Đạo mình diễn tả Tình Chúa với muôn người, như trình thuật đà ghi chép.
            Phụng vụ Tiệc Thánh, nay gồm việc bẻ Bánh Lời Chúa và bẻ Bánh rất Thánh Thể. Hai sự việc tuy khác biệt, nhưng cùng một thực tại mà Đức Chúa ủy thác cho dân con mọi người, nhớ mà thực hiện. Dân con thực hiện tập họp để nhớ đến Chúa hiện diện cách đậm sâu mật thiết nơi bàn Tiệc Thân Mình Ngài, nữa. Toàn bộ sự sống Chúa sẻ san trong Tiệc Thánh qua việc Ngài cho đi chính Mình Ngài để Vượt Qua mọi tình huống rất bức bách mà về với Cha.
            Dân con Chúa, được yêu cầu tham gia dự Tiệc, là để dấn thân hơn vào sự sống và công cuộc cứu rỗi của Chúa. Thế nên, phụng vụ Tiệc trở thành trọng tâm, nguồn cội và đỉnh cao bằng vào động thái hăng hái tham dự Tiệc. Chính ở đây, dân con Chúa hiệp thông hữu hiệu vào cuộc Vượt Qua Ngài thực hiện. Tham gia dự Tiệc, không chỉ lo mỗi đọc kinh, hát xướng hoặc “bỏ tiền” vào thùng/giỏ. Nhưng, là để ta trở thành một phần của Tiệc Cứu Rỗi to tát hơn.
            Phụng vụ Tiệc gồm 4 công đoạn rút từ Lời Chúa đã phán buổi Tiệc Ly hôm trước. Công đoạn đầu, “Ngài cầm bánh lên” và sửa soạn biến bánh thành Quà tặng. Ngài “cảm tạ” bằng Lời nguyện Thánh Thể. Tiếp đó, Ngài “phát quà” – tức phân bẻ Bánh thành nhiều mảnh và cuối cùng “trao cho các tông đồ” – một động thái của sự hiệp thông rất rộng. Từ đó, cùng Chúa ta thực hiện động tác quan yếu trong cuộc đời gồm các việc: Cầm lấy, Cảm tạ, Bẻ ra và Trao tặng.          
            Chuẩn bị “Quà” vào Tiệc Thánh là phần “Dâng tiến”, theo nguyên ngữ, mang ý nghĩa rất hiến tặng. “Hiến tặng” đích thực ở buổi Tiệc không là động tác bưng bánh rượu cho linh mục chủ tế, như vẫn thấy ở Tiệc/Lễ. Nhưng, chính đó là việc Chúa “hiến tặng” trọn Sự Sống cùng Thân Mình Ngài cho Cha, và cho ta.   
            Chuẩn bị Quà, không là cách nói đơn thuần dễ lầm với Nhiệm tích tận hiến cao cả, mà là tặng ban cho nhau cách thực tế qua sự thể đang diễn tiến qua việc sửa soạn bàn Tiệc kèm lời kinh. “Quà”, mà chủ tế nhận và nâng mang về phía trước, với mục đích mới mẻ có ý diễn tả: Quà đây không là vật dụng lấy từ thế giới phàm trần mà ta sở hữu, nhưng là từ khước quyền sở hữu chính đáng do thế giới mang đến cho ta. Khước từ, chính con người mình để “Cầm lấy” Quà mà “Cho đi” cùng “Cảm tạ” hết mọi người. Cảm tạ, ân huệ sinh động được sống rất hiện thực hầu biểu tỏ lòng cảm kích tặng vật nhận từ cuộc sống.
            Điều lý thú, là: lời nguyện thưa dâng lên Chúa khi sửa soạn trao tặng Quà lại hướng về Vị “Chúa Tể Càn Khôn”, tức Đức Chúa của vạn vật đang hiện đến. Sắc thái đặc biệt của việc tặng trao không chỉ mỗi nhấn mạnh đến ơn cứu độ Ngài tạo dựng mọi vật mà là một sáng thế mới. Sáng thế thể hiện nơi việc sử dụng bàn thánh khi xưa người Do Thái dùng để nguyện cầu. Cũng nên nhớ, bánh rượu dùng để cử hành việc “tặng trao” còn thể hiện cả nơi người xếp hàng nhận của ăn/thức uống nuôi sống chính họ nữa.
            Lời nguyện thưa, chủ tế dâng tiến Chúa chứa đựng cả một kế hoạch tái tạo vạn vật trong vũ trụ có Chúa Phục Sinh kéo toàn thể nhân loại vào với Ngài, trong cuốc sống, nỗi chết và sự sống lại. Nơi lời nguyện Thánh, buổi Vượt Qua nay đà hiện thực. Đây, là lời nguyện thưa đượm nét Tạ Ơn dâng lên Cha, và cũng là lời thưa nguyện đầy cảm tạ mà cộng đồng dân Chúa dâng lên Đức Chúa Phục Sinh và Cha Ngài. Nhiệm tích cao cả ở nơi Cha và Con Ngài lại là Một. Trở nên một.
            Cũng là điều hay đẹp, để thấy được: trọn vẹn cuộc hiến tặng và trọn cuộc sống theo nghĩa Quà Tặng, từ Thiên-Chúa-là-Cha và từ Đức Chúa, rày ban cho ta. Ta cảm tạ, vì Quà Ngài ban thật quý hiếm. Nên, trong cuộc sống, ta cũng sẽ trao ban và tặng quà như thế, cho mọi người. Và, lời cảm tạ của ta đơn giản chỉ để phụ vào Quà Chúa Tặng, nay đã vẹn toàn và hoàn tất, như thể chẳng cần gì lời tạ ơn của ta.
            Lời nguyện thưa đầy tính cảm tạ ở Tiệc Thánh, là sự thể rất quan yếu. Toàn bộ nhiệm tích Vượt Qua có tặng Quà Thân Mình Chúa cho đến chết và sống lại bao gồm toàn thể nhân loại –là Quà Tặng trọn vẹn- không thể không có lời nguyện thưa từ chúng ta. Nguyện thưa Lời Thánh Thể, không chỉ mô tả Quà Tặng thôi, nhưng còn thể hiện điều thưa gửi dâng lên Chúa. Và việc gửi thưa nay trở thành một hiện thực rất chính xác, bởi đó là Lời Tạ Ơn, rất Quà Tặng.
            Lời nguyện Thánh có tạ ơn, chứa đựng ý nghĩa của ân huệ có sẵn nơi Quà Vuợt Qua là nền tảng cho nền thần học Bí tích của Hội thánh. Hội thánh Chúa cho thấy rằng các Bí tích (đặc biệt là Bí tích Thánh Thể) đều có hiệu lực không chỉ nói về ân huệ, nhưng còn là thành phần của chính ân huệ nữa. Đây, là hình thức rất tóm gọn về lời cảm kích chất chứa tính nội tại của Quà bao gồm một Tạ Ơn.
            Lời nguyện thưa đây gồm hai vế xoay quanh ý nghĩa của lời Nguyện Thánh như phần diễn rộng hầu khẩn thiết mời Thần Khí Chúa đến chứng giám. Trước nhất, Lời nguyện thể hiện nơi động thái tặng và hiến Thân Mình Ngài. Sau đó, cộng đoàn dự Tiệc cùng dính dự vào việc tặng hiến toàn thân có lời cảm tạ của Đức Chúa. Chính đó, là sự thể đầy tính chất Thần Linh Thánh Ái, rất Chúa.
            Đến dự Tiệc, ta quen dần với sự kiện Thân Mình Thánh Hiến của Chúa hiện diện nơi Nhà Tạm khi Tiệc Thánh bắt đầu và cũng quen dần với việc nhận đón Mình Chúa vào lòng như Hội thánh vẫn khuyên dạy. Sự việc, không giống như thời Giáo hội tiên khởi. Khi ấy, không thấy cộng đoàn nào tham dự Tiệc Thánh hoặc tổ chức nghi thức phụng vụ có lớp lang như hiện nay. Mình Thánh Chúa được dùng trong hiệp thông tặng hiến đã được thánh hoá nơi Lời nguyện Thánh, ở Tiệc/Lễ. Bánh thánh được “bẻ ra” để phân phối trong hiệp thông rất thánh. Cụm từ “bẻ Bánh” là ngữ vựng thuộc thời cổ đại về Thánh Thể.
            Tin Mừng thánh Luca cũng đề cập ở đoạn 25 trong đó thánh sử kể về hai môn đệ rong ruổi đường về Emmaus đã nhận ra Đức Kitô Phục Sinh qua động thái Ngài “Bẻ Bánh”. Việc này tuy mang tính tượng trưng nhưng cũng nói lên cung cách cộng đoàn dân Chúa trở nên một, cùng với Đức Kitô Đấng tập họp mọi người thành một thực thể duy nhất, rất thánh thiện.
            Nhiều người quan niệm rất đúng khi bảo rằng: nhất cử nhất động ở Tiệc Thánh chỉ dẫn công cuộc hiệp thông rất thánh thiêng tuy có dùng hình thức bánh/rượu làm biểu tượng. Chính sự hiệp thông thánh thiêng này, nói lên một cách sống động ý nghĩa của Tiệc Thánh cho chúng ta và mọi người trong tương lai mai ngày. Tiệc Thánh Thể, xem như thế, là Tiệc “tưởng nhớ Chúa” như Ngài đã căn dặn trước lúc Ngài về với Cha. Tiếng Hy Lạp được Giáo hội tiên khởi sử dụng nói lên việc “tưởng nhớ Chúa”, là cụm từ “Anamnesis” bao gồm tiếp-đầu-ngữ “ana” và cụm từ “Mnesis”. Tiếp-đầu-ngữ “Ana” được dùng để chỉ về động tác nâng cao, hướng về trước. Còn, “Mnesis” là để chỉ mức độ sâu sắc trong ý nghĩa của ngôn từ. Xem thế thì, “Anamnesis” không chỉ là động thái “ghi tạc để nhớ” mà chúng ta thường hay quên.
            Cụm từ “tưởng nhớ Chúa” chuyên chở và đưa về phía trước những gì ta nhớ đến, trong hiện tại cũng như tương lai. Cụm từ này không chỉ có nghĩa: mỗi người chúng ta đã đi vào sự sống có hiệp thông với Chúa, rất từ lâu. Nói đúng hơn, Tiệc Thánh Thể còn có nghĩa: chính Đức Chúa hiến tặng trọn Thân Mình Ngài cùng động thái rất tạ ơn, đã chuyển động đến với ta và ở trong ta. Và như thế, quyết chuyển đổi cuộc sống hiện tại và tương lai của ta nữa. Đó, là sự thể thánh thiêng, chính đáng, đầy ý nghĩa.       
            Trong cảm nghiệm hiệp thông với Chúa, cũng nên ngâm thêm lời thơ tha thiết, vốn nói rằng:

            “Trí đang no và Khí Xuân đương khoẻ,
            Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm.
            Nên muôn cánh thuỷ tiên chưa dám hó hé,
            Trong phút giây trang trọng của linh hồn.”
            (Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)

            Nguồn thơm của rượu và nhạc/thơ vẫn khiến lòng người/lòng mình no đầy Khí Xuân, đương khoẻ. Để rồi, “trong phút giây trang trọng của linh hồn”, người người vẫn một lòng hiệp thông với Chúa, với mọi người, ở Tiệc Thánh. Suốt cuộc đời.
             
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh  
Mai Tá phỏng dịch