Saturday, 4 August 2012

“Trí đang no và khí Xuân đương khoẻ,”


Suy niệm Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên Năm B 12.8.2012

“Trí đang no và khí Xuân đương khoẻ,”
“Nhạc đương say và rượu hãy còn thơm.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ga 6: 41-51
             Chỉ đôi giòng, nhà thơ nay nói lời của Khí Xuân, đương no khoẻ. Bằng vào bẻ Bánh ở Tiệc Thánh, nhà Đạo mình diễn tả Tình Chúa với muôn người, như trình thuật đà ghi chép.
            Phụng vụ Tiệc Thánh, nay gồm việc bẻ Bánh Lời Chúa và bẻ Bánh rất Thánh Thể. Hai sự việc tuy khác biệt, nhưng cùng một thực tại mà Đức Chúa ủy thác cho dân con mọi người, nhớ mà thực hiện. Dân con thực hiện tập họp để nhớ đến Chúa hiện diện cách đậm sâu mật thiết nơi bàn Tiệc Thân Mình Ngài, nữa. Toàn bộ sự sống Chúa sẻ san trong Tiệc Thánh qua việc Ngài cho đi chính Mình Ngài để Vượt Qua mọi tình huống rất bức bách mà về với Cha.
            Dân con Chúa, được yêu cầu tham gia dự Tiệc, là để dấn thân hơn vào sự sống và công cuộc cứu rỗi của Chúa. Thế nên, phụng vụ Tiệc trở thành trọng tâm, nguồn cội và đỉnh cao bằng vào động thái hăng hái tham dự Tiệc. Chính ở đây, dân con Chúa hiệp thông hữu hiệu vào cuộc Vượt Qua Ngài thực hiện. Tham gia dự Tiệc, không chỉ lo mỗi đọc kinh, hát xướng hoặc “bỏ tiền” vào thùng/giỏ. Nhưng, là để ta trở thành một phần của Tiệc Cứu Rỗi to tát hơn.
            Phụng vụ Tiệc gồm 4 công đoạn rút từ Lời Chúa đã phán buổi Tiệc Ly hôm trước. Công đoạn đầu, “Ngài cầm bánh lên” và sửa soạn biến bánh thành Quà tặng. Ngài “cảm tạ” bằng Lời nguyện Thánh Thể. Tiếp đó, Ngài “phát quà” – tức phân bẻ Bánh thành nhiều mảnh và cuối cùng “trao cho các tông đồ” – một động thái của sự hiệp thông rất rộng. Từ đó, cùng Chúa ta thực hiện động tác quan yếu trong cuộc đời gồm các việc: Cầm lấy, Cảm tạ, Bẻ ra và Trao tặng.          
            Chuẩn bị “Quà” vào Tiệc Thánh là phần “Dâng tiến”, theo nguyên ngữ, mang ý nghĩa rất hiến tặng. “Hiến tặng” đích thực ở buổi Tiệc không là động tác bưng bánh rượu cho linh mục chủ tế, như vẫn thấy ở Tiệc/Lễ. Nhưng, chính đó là việc Chúa “hiến tặng” trọn Sự Sống cùng Thân Mình Ngài cho Cha, và cho ta.   
            Chuẩn bị Quà, không là cách nói đơn thuần dễ lầm với Nhiệm tích tận hiến cao cả, mà là tặng ban cho nhau cách thực tế qua sự thể đang diễn tiến qua việc sửa soạn bàn Tiệc kèm lời kinh. “Quà”, mà chủ tế nhận và nâng mang về phía trước, với mục đích mới mẻ có ý diễn tả: Quà đây không là vật dụng lấy từ thế giới phàm trần mà ta sở hữu, nhưng là từ khước quyền sở hữu chính đáng do thế giới mang đến cho ta. Khước từ, chính con người mình để “Cầm lấy” Quà mà “Cho đi” cùng “Cảm tạ” hết mọi người. Cảm tạ, ân huệ sinh động được sống rất hiện thực hầu biểu tỏ lòng cảm kích tặng vật nhận từ cuộc sống.
            Điều lý thú, là: lời nguyện thưa dâng lên Chúa khi sửa soạn trao tặng Quà lại hướng về Vị “Chúa Tể Càn Khôn”, tức Đức Chúa của vạn vật đang hiện đến. Sắc thái đặc biệt của việc tặng trao không chỉ mỗi nhấn mạnh đến ơn cứu độ Ngài tạo dựng mọi vật mà là một sáng thế mới. Sáng thế thể hiện nơi việc sử dụng bàn thánh khi xưa người Do Thái dùng để nguyện cầu. Cũng nên nhớ, bánh rượu dùng để cử hành việc “tặng trao” còn thể hiện cả nơi người xếp hàng nhận của ăn/thức uống nuôi sống chính họ nữa.
            Lời nguyện thưa, chủ tế dâng tiến Chúa chứa đựng cả một kế hoạch tái tạo vạn vật trong vũ trụ có Chúa Phục Sinh kéo toàn thể nhân loại vào với Ngài, trong cuốc sống, nỗi chết và sự sống lại. Nơi lời nguyện Thánh, buổi Vượt Qua nay đà hiện thực. Đây, là lời nguyện thưa đượm nét Tạ Ơn dâng lên Cha, và cũng là lời thưa nguyện đầy cảm tạ mà cộng đồng dân Chúa dâng lên Đức Chúa Phục Sinh và Cha Ngài. Nhiệm tích cao cả ở nơi Cha và Con Ngài lại là Một. Trở nên một.
            Cũng là điều hay đẹp, để thấy được: trọn vẹn cuộc hiến tặng và trọn cuộc sống theo nghĩa Quà Tặng, từ Thiên-Chúa-là-Cha và từ Đức Chúa, rày ban cho ta. Ta cảm tạ, vì Quà Ngài ban thật quý hiếm. Nên, trong cuộc sống, ta cũng sẽ trao ban và tặng quà như thế, cho mọi người. Và, lời cảm tạ của ta đơn giản chỉ để phụ vào Quà Chúa Tặng, nay đã vẹn toàn và hoàn tất, như thể chẳng cần gì lời tạ ơn của ta.
            Lời nguyện thưa đầy tính cảm tạ ở Tiệc Thánh, là sự thể rất quan yếu. Toàn bộ nhiệm tích Vượt Qua có tặng Quà Thân Mình Chúa cho đến chết và sống lại bao gồm toàn thể nhân loại –là Quà Tặng trọn vẹn- không thể không có lời nguyện thưa từ chúng ta. Nguyện thưa Lời Thánh Thể, không chỉ mô tả Quà Tặng thôi, nhưng còn thể hiện điều thưa gửi dâng lên Chúa. Và việc gửi thưa nay trở thành một hiện thực rất chính xác, bởi đó là Lời Tạ Ơn, rất Quà Tặng.
            Lời nguyện Thánh có tạ ơn, chứa đựng ý nghĩa của ân huệ có sẵn nơi Quà Vuợt Qua là nền tảng cho nền thần học Bí tích của Hội thánh. Hội thánh Chúa cho thấy rằng các Bí tích (đặc biệt là Bí tích Thánh Thể) đều có hiệu lực không chỉ nói về ân huệ, nhưng còn là thành phần của chính ân huệ nữa. Đây, là hình thức rất tóm gọn về lời cảm kích chất chứa tính nội tại của Quà bao gồm một Tạ Ơn.
            Lời nguyện thưa đây gồm hai vế xoay quanh ý nghĩa của lời Nguyện Thánh như phần diễn rộng hầu khẩn thiết mời Thần Khí Chúa đến chứng giám. Trước nhất, Lời nguyện thể hiện nơi động thái tặng và hiến Thân Mình Ngài. Sau đó, cộng đoàn dự Tiệc cùng dính dự vào việc tặng hiến toàn thân có lời cảm tạ của Đức Chúa. Chính đó, là sự thể đầy tính chất Thần Linh Thánh Ái, rất Chúa.
            Đến dự Tiệc, ta quen dần với sự kiện Thân Mình Thánh Hiến của Chúa hiện diện nơi Nhà Tạm khi Tiệc Thánh bắt đầu và cũng quen dần với việc nhận đón Mình Chúa vào lòng như Hội thánh vẫn khuyên dạy. Sự việc, không giống như thời Giáo hội tiên khởi. Khi ấy, không thấy cộng đoàn nào tham dự Tiệc Thánh hoặc tổ chức nghi thức phụng vụ có lớp lang như hiện nay. Mình Thánh Chúa được dùng trong hiệp thông tặng hiến đã được thánh hoá nơi Lời nguyện Thánh, ở Tiệc/Lễ. Bánh thánh được “bẻ ra” để phân phối trong hiệp thông rất thánh. Cụm từ “bẻ Bánh” là ngữ vựng thuộc thời cổ đại về Thánh Thể.
            Tin Mừng thánh Luca cũng đề cập ở đoạn 25 trong đó thánh sử kể về hai môn đệ rong ruổi đường về Emmaus đã nhận ra Đức Kitô Phục Sinh qua động thái Ngài “Bẻ Bánh”. Việc này tuy mang tính tượng trưng nhưng cũng nói lên cung cách cộng đoàn dân Chúa trở nên một, cùng với Đức Kitô Đấng tập họp mọi người thành một thực thể duy nhất, rất thánh thiện.
            Nhiều người quan niệm rất đúng khi bảo rằng: nhất cử nhất động ở Tiệc Thánh chỉ dẫn công cuộc hiệp thông rất thánh thiêng tuy có dùng hình thức bánh/rượu làm biểu tượng. Chính sự hiệp thông thánh thiêng này, nói lên một cách sống động ý nghĩa của Tiệc Thánh cho chúng ta và mọi người trong tương lai mai ngày. Tiệc Thánh Thể, xem như thế, là Tiệc “tưởng nhớ Chúa” như Ngài đã căn dặn trước lúc Ngài về với Cha. Tiếng Hy Lạp được Giáo hội tiên khởi sử dụng nói lên việc “tưởng nhớ Chúa”, là cụm từ “Anamnesis” bao gồm tiếp-đầu-ngữ “ana” và cụm từ “Mnesis”. Tiếp-đầu-ngữ “Ana” được dùng để chỉ về động tác nâng cao, hướng về trước. Còn, “Mnesis” là để chỉ mức độ sâu sắc trong ý nghĩa của ngôn từ. Xem thế thì, “Anamnesis” không chỉ là động thái “ghi tạc để nhớ” mà chúng ta thường hay quên.
            Cụm từ “tưởng nhớ Chúa” chuyên chở và đưa về phía trước những gì ta nhớ đến, trong hiện tại cũng như tương lai. Cụm từ này không chỉ có nghĩa: mỗi người chúng ta đã đi vào sự sống có hiệp thông với Chúa, rất từ lâu. Nói đúng hơn, Tiệc Thánh Thể còn có nghĩa: chính Đức Chúa hiến tặng trọn Thân Mình Ngài cùng động thái rất tạ ơn, đã chuyển động đến với ta và ở trong ta. Và như thế, quyết chuyển đổi cuộc sống hiện tại và tương lai của ta nữa. Đó, là sự thể thánh thiêng, chính đáng, đầy ý nghĩa.       
            Trong cảm nghiệm hiệp thông với Chúa, cũng nên ngâm thêm lời thơ tha thiết, vốn nói rằng:

            “Trí đang no và Khí Xuân đương khoẻ,
            Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm.
            Nên muôn cánh thuỷ tiên chưa dám hó hé,
            Trong phút giây trang trọng của linh hồn.”
            (Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)

            Nguồn thơm của rượu và nhạc/thơ vẫn khiến lòng người/lòng mình no đầy Khí Xuân, đương khoẻ. Để rồi, “trong phút giây trang trọng của linh hồn”, người người vẫn một lòng hiệp thông với Chúa, với mọi người, ở Tiệc Thánh. Suốt cuộc đời.
             
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh  
Mai Tá phỏng dịch

No comments: