Suy niệm
Lời Ngài vào Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên Năm B 2.9.2012
“Em không nói, đã nghe từng giai
điệu,”
“Em chưa nhìn, mà đã rộng trời xanh.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Mc 7: 1-8, 14-15,
21-28
Trời xanh rộng, nhà Đạo chưa nhìn
cũng đã biết. Giai điệu buồn, nhà thơ chưa nghe rày cũng tỏ. Tỏ, về trời xanh
lộng lẫy tình thương yêu người người đều thấy để thực thi, suốt đời.
Trình thuật thánh Máccô hôm nay,
người đọc nắm bắt được phần cốt thiết là tình thương yêu, trong đời. Tình
thương, Chúa nhắc nhở mọi người hãy quan tâm thương yêu hơn là để ý đến luật lệ
ở đời thường, mà người đời lại cứ quên. Chúa chỉ trích tính chểnh mảng của nhiều
người trong thực thi thương yêu mà Ngài coi là “Giới lệnh của Chúa”, trong khi
người người chỉ chú trọng vào luật lệ, thôi.
Về Giới Lệnh, tác giả Tin Mừng không
sử dụng số nhiều để chỉ các điều lệ cần giữ, mà duy nhất chỉ một giới lệnh cần
cho người và cho mình: “Hãy yêu mến Thiên
Chúa là Chúa ngươi hết lòng hết trí khôn.” Chỉ mỗi thương yêu người đồng
loại mới là điều cần, để sống Đạo. Giới lệnh ấy, mọi người cần quan tâm hơn chứ
đừng để ý đến của ăn/thức uống, chẳng dính gì đến Chúa. Bởi, với Ngài, chỉ một
thứ duy nhất ta cần cho tâm can ta, là động thái xuất từ con tim sẽ lộ ra ngoài
bằng hành động.
Hành động ta xử sự, tự nó không
chuyên chở ý nghĩa nào về những điều xuất từ tim gan con người. Và, cũng chẳng
có gì là bẩn nhơ/ô uế xuất từ tâm can con người, hết. Trái lại, người người vẫn
có thể đo lường lề luật bằng chính tình thương yêu diễn lộ ra ngoài chứ không bằng
thứ gì khác.
Thánh Gioan Thánh Giá có lần nói: “Nhiều người không biết được là vào buổi xế
cuộc đời, con người chỉ nên tự kiểm xem chuỗi ngày dài cuộc đời, mình có thực thi
yêu thương hay không mà thôi; chứ đừng bôn ba lo chuyện viển vông khác.” Và,
tác giả Von Balthasar đà quả quyết: “Chỉ
mỗi tình thương yêu mới có giá trị muôn thuở.” Vì thế nên, ta hãy suy tư
thêm về giới lệnh thương yêu, Chúa dặn dò.
Thương yêu, phải chăng là chuyện đương
nhiên hiện rõ nơi cuộc sống con người? Yêu thương, có là chuyện thường tình mọi
người thực thi, thật rõ nét? Thế, sao ta cứ chờ Chúa nhủ khuyên rồi mới làm? Hy
vọng câu trả lời từ mọi người, sẽ là: không phải thế đâu. Cuộc đời đâu chỉ mỗi vậy.
Lại nữa, nếu người hỏi từng bôn ba sinh
sống ở nơi có nền văn hoá đặt nặng trên lề luật và cấm kỵ, tưởng cũng nên có
cái gì đó giúp người ấy trong cuộc lựa chọn thoả đáng ngõ hầu đưa thương yêu
vào vị trí ưu tiên cao nhất. Và, khi người người tìm đặt ưu tiên cao nhất, thiết
tưởng việc ấy sẽ là tình thương yêu, thôi. Bao lâu tình thương yêu tồn tại, thì
ánh sáng của những tháng ngày đẹp trời sẽ kéo dài mãi và khi đó mọi người sẽ về
lại nhà mình mà nghỉ ngơi, vui hưởng các thành quả hái gặt được.
Khi xưa, nhóm 138 học giả thuộc đạo
Hồi từ 43 nước trên thế giới có thư ngỏ gửi cộng đồng tín hữu Đức Kitô vốn đề
cập và đề nghị đưa tình thương yêu vào vị trí ưu tiên cao nhất cho hai Đạo. Và,
các vị đã đồng thuận ký thư trên để tỏ bày rằng tình thương yêu vẫn là và phải
là mẫu-số-chung cho sinh hoạt của hai Đạo. Mẫu-số-chung ấy, là nền tảng và mục
tiêu để hai đạo đặt ra cho mình thực hiện.
Mẫu-số-chung, là mẫu số rất chung về
lòng mến Chúa và yêu người đồng loại, cả hai gộp lại làm một. Một mục tiêu, một
điểm nhấn ngõ hầu ta phụng thờ chỉ một Chúa, thôi. Bởi, Ngài là Tình Yêu đích
thật để ta biến nó thành hiện thực, với mọi người. Chính đó, là lòng mến mà tỏ
ra với Chúa và với nhau để tôn vinh, kiến tạo cùng một chí hướng. Đức Chúa của
Tình Yêu luôn đi bước trước trong sáng tạo và trao ban Tình Yêu cho ta theo
cung cách cả hai Đạo đưa ra cho mọi người. Các học giả đạo Hồi ở trên lâu nay nới
rộng vòng tay thân thương/hợp tác để cùng với cộng đoàn tín-hữu Chúa Kitô, coi
đó như sáng kiến quả cảm, đặc biệt.
Để phúc đáp, nhóm đối tác bên Đạo
Chúa là các học giả từng đặt cơ sở ở đại học Yale, Hoa Kỳ cũng nới rộng vòng
tay yêu thương của Đạo mình, với người anh em bên đó. Nhưng, trước khi hồi đáp
bằng động thái thương yêu, các vị trong nhóm này đưa yêu cầu anh em bên đạo Hồi
“hãy thứ tha cho các động thái mà tiền nhân mình đã xử sự trong quá khứ. Các
đấng bậc nói trên cũng xin cộng đồng Hồi giáo và các vị trong tổ chức “Xót-Xa-Tình-Nên-Một”
hãy thứ tha các lầm lỡ mà anh em Đạo Chúa đã mắc phạm.
Điều mà tiền nhân khi xưa từng sơ
xuất, người thời đó gọi là “Thánh chiến”,
nay đổi lại bằng tên gọi rất mới và thời thượng là: “Chiến tranh chống khủng bố”, nhưng thực tế, chỉ nhắm vào người anh
em bên Hồi giáo, mà thôi. Bằng cử chỉ này, các học giả bên Đạo Chúa đã xưng thú
các lỗi lầm mình sai phạm với người anh em bên đạo Hồi và mong rằng những việc
như thế sẽ không còn tái diễn nữa.
Học giả Đạo Chúa công nhận rằng: ngay
từ đầu, xung đột giữa hai đạo dù được gán cho cái tên rất thánh thiêng đi nữa, vẫn
không mang tính đạo giáo và vẫn hàm ẩn một tầm kích chống phá thương yêu. Và, các
vị còn công nhận rằng: các vấn đề gây ưu tư/trăn trở nhiều thời, đã tạo ảnh
hưởng xấu lên phân nửa dân số thế giới. Và, các ngài còn khẳng định: sự việc
này ảnh hưởng không ít lên viễn tượng hoà bình và công chính, cho thế giới.
Từ đó, các học giả nói trên đã dùng mẫu-số-chung
“yêu thương” với lời lẽ và nền tảng cho mọi hành xử để các vị này không còn đặt
nặng tính cá biệt giữa hai đạo, mà chỉ tập trung lên điểm chung căn bản của đạo
giáo. Bởi, cuối cùng thì: trọng tâm của mọi nhóm vẫn nhắm vào tình thương yêu
trải dài đến mọi người. Thương yêu, là lòng mến Chúa, mến mộ Đạo và là sự cảm thông
với hết mọi người bằng mẫu-số-chung của hai đạo.
Thương yêu, là lòng sủng mộ ta có
với Chúa và với người thường, bất kể người đó là ai? Họ theo tôn giáo nào? Về
điềm này, hai nhóm đều cố lướt thắng hết mọi thứ, ngõ hầu đạt đến cùng đích là
cảm thông yêu thương xoá bỏ mọi khác biệt dễ gây hận thù. Nhóm anh em bên Hồi giáo
cũng nói đến tình thương yêu Đấng Thánh Vô Hạn luôn xót thương hết mọi người. Trong
khi Đạo Chúa, dưới tầm nhìn của người Do thái, cũng nói nhiều về Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu,
Đấng làm cho mặt trời toả sáng trên mọi thứ tốt/xấu. Ngài là Đấng làm cho mưa
rơi trên đầu người công chính cũng như với kẻ bất lương, hoặc phân rẽ. Mưa vẫn
rơi, cho cả thế giới đạo Hồi lẫn Đạo Chúa Kitô, suốt mọi thời.
Cả hai bên đã tôn trọng lẫn nhau qua
kinh nghiệm về Thiên-Chúa-Đầy-Yêu-Thương đã đi bước trước trong thương yêu loài
người dù người đó có là nam hay nữ, già/trẻ, Công giáo hoặc Hồi giáo. Ta không
thể nói được: mình tin Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu cho đến khi nào mình nhận ra rằng:
mọi người đều được kéo gần lại với nhau bằng tình thương Ngài ban tặng cho ta,
cùng một kiểu. Điều này sẽ cải biến ý tưởng về “người đồng loại”. Ta thương yêu
người đồng loại như Chúa dạy là tất cả phải trở nên một, gộp lại. Không thể nói
mình thật tình tin Chúa mà lại không thích những điều mà người đồng loại mình
từng mong ước hoặc không thực thi bằng hành động những gì mình muốn cho người
đồng loại sẽ có.
Ngày 4/11/2008, một nhóm gồm các lãnh đạo và thần-học-gia
đến từ các nước Hồi giáo để thăm thủ đô Rôma để đối thoại với thủ lãnh và thần-học-gia
Công giáo về “Giới Lệnh” Chúa ban bố. Mỗi nhóm 24 vị đã đích thân hội kiến Đức
đương kim Giáo Hoàng để tái lập mẫu-số-chung thương yêu từng lạc mất. Ngay ngày
đầu, các ngài đã trao đổi về nền tảng của Giới Lệnh thương yêu theo truyền
thống của hai bên. Các ngày sau đó, các đấng bậc cũng đã bàn về ý nghĩa phẩm cách
con người, về việc tôn trọng phẩm giá đã nẩy mầm từ nền tảng thương yêu Chúa tạo
cơ sở cho một hiệp nhất.
Ngày cuối cùng, mở ra cho mọi người,
cả chúng dân bên ngoài nhóm nữa. Tất cả như một, đều đã nguyện cầu để mọi người
trở nên một trong tình Yêu-thương Chúa đề xuất. Đây là bước ngoặc lịch sử sẽ
dẫn dắt cả hai đạo tiến xa và tiến mạnh đem hoà bình đến cho thế giới. Điều thú
vị, là các thần-học-gia Công giáo cũng nhấn mạnh đến sự quan ngại về hành xử của
tín đồ Đạo Chúa đối với người đồng loại, nói chung. Trong khi đó, các thần-học-gia
đạo Hồi khi ấy tập trung nhiều vào Tình thương yêu đối với Chúa.
Cách đây khoảng 150 năm, chức sắc nọ
trong chính quyền Hoa Kỳ đến gặp anh Joseph, lãnh tụ nhóm Da Đỏ có tên là “Lỗ Mũi
Xỏ” ở Hoa Kỳ. Chức sắc nói nhiều về lợi ích tặng cho người sắc tộc nếu họ chịu mở
trường tại khu họ sinh sống. Ngay lúc ấy, trưởng tộc Joseph nói: “Chúng tôi thật chẳng muốn có trường học nào
hết”. Khi được hỏi lý do tại sao như thế, thì trưởng tộc Joseph cho biết đơn
giản chỉ vì: “Nếu làm thế, người Mỹ sẽ chỉ
lo mỗi chuyện dạy dổ con em chúng tôi cách xây nhà thờ/nhà thánh, thôi.”
Chức sắc kia lại hỏi: “Vậy thì, các ông không muốn có nơi lo việc
phụng thờ sao?”Câu trả lời cũng dễ hiểu: “Không! Chúng tôi không muốn nhà thờ! Tại sao ư? Thì, có nó bọn tôi
cũng lại cãi nhau về Thượng Đế, mãi không dứt. Và chúng tôi chẳng muốn cãi vã về
Thượng Đế, vì chỉ rành tranh cãi về những gì thuộc con người, thôi. Chúng tôi
chẳng bao giờ muốn học biết các chuyện như thế hết!”
Những ai biết chút ít vi tính, hãy vào
“Google” đánh chữ “linh thiêng” sẽ đọc hơn chục trang mạng diễn tả từ ngữ này. Có
trang nói về tuồng vọng cổ do Hương Lan đóng. Có trang nói về tính linh thiêng cao
cả, của con người. Có trang lại đề cập đến cách sống mật thiết với Tình Yêu “thánh
thiêng” rất thực tế, nữa.
Thực tế thì, sống mật thiết với Chúa
gồm ba lãnh vực. Lãnh vực thứ nhất, về bản chất kinh nghiệm. Tức, bản chất của niềm
tin đích thực, nơi con người. Lãnh vực thứ hai, gợi nhớ kinh nghiệm của con
người về tôn giáo. Và thứ ba, diễn giải sự thể lâu nay ta gọi là triết lý, thần
học. Thật ra thì, khi nào con người tìm ra ngôn ngữ chung cho lãnh vực thứ nhất
rồi, sẽ không cần gì nhiều cho hai lãnh vực kia. Tóm lại, chỉ một lĩnh vực duy
nhất cần thiết cho mọi người và mọi đạo, là “yêu thương người đồng loại”, mà
thôi.
Nhằm đạt kết quả thương yêu người
đồng loại, cũng nên về với thi ca tình tứ mà ngâm thêm, rằng:
“Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết, Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì
đâu.
Nhưng sao đi, mà không bảo gì nhau, để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)
Thơ buồn như áo lụa, chỉ vì anh cứ
chợt đến rồi chợt đi, chẳng hiểu gì “tình thương yêu” người em muốn hiến trọn.
Trọn cuộc sống có thương yêu hết mọi người, như Chúa nói. Với mọi người.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá phỏng dịch
No comments:
Post a Comment