Saturday 26 September 2009

“Thưở ấy non sông thật thái bình,”

Trai hiền bạn với gái đồng trinh.
Đời say men rượu thơm hoa rụng,
Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình.
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mc 10: 2-16

Non sông thái bình, người vẫn biết. Và vẫn mơ. Mơ làm bạn, tràn ngập những thơ ngây. Cảm tình. Nhưng, tình cảm người đời, nay đã đổi thay. Thay áo. Thay vợ. Thay cả đạo đức/chức năng, bất chấp Lời của Chúa.

Lời Chúa, nay thánh Máccô ghi lại rất nhiều điều. Những điều người Công giáo, đều nhớ đến. Nhớ về cuộc sống có luân lý. Có đạo đức/chức năng, mọi trường hợp. Trường hợp ly dị vợ.

Ly dị vợ, với luật Do Thái, là chuyện được phép làm, ngay từ thời xưa. Luật thời xưa cho phéo bất cứ ai muốn ly thân/ly dị vợ, chỉ cần trưng tờ giấy cho biết mình có ý định rẫy bỏ vợ. Là được. Một khi đã quyết, hai bên có tự do tái tục chuyện gia đình. Thật sự, luật Do Thái xưa đã làm lợi cho người đàn ông, hơn phụ nữ. Bởi, phụ nữ một khi đã bị chồng bỏ, đều khó có cơ hội, mà tái tục.

Ngày xưa, ở Do Thái, muốn ly dị chẳng cần nêu lý do, mà chỉ việc đổ lỗi cho người đàn bà không biết uyển chuyển trong đời sống gia đình, là xong. Hoặc giả, người chồng chỉ làm mỗi việc là: cho biết mình không còn thích sống chung, hoặc đã có người đàn bà khác, hấp dẫn hơn. Trong khi đó, người phụ nữ dù có muốn thôi chồng, cũng không dễ dàng ly dị, vì họ tuỳ thuộc người chồng, như một thứ tài sản. Một thứ nô lệ thể xác, thế thôi.

Câu hỏi mà đám Pharisêu đặt ra với Chúa, là hỏi về tính cách hợp pháp của hôn nhân giữa vua Hêrôđê với Hêrôđias. Thánh Gioan Tẩy Giả đã lên án việc ấy là ngoại tình, nên ngài mới bị chém đều. Nay, họ muốn biết xem Chúa có đồng ý với quan điểm của thánh Gioan, không. Tuy nhiên, trình thuật hôm nay, Chúa muốn chuẩn bị cho môn đệ Ngài về sự và sự sống mới sắp xảy đến với Ngài. Ngài huấn giải cho các thánh biết muốn theo chân Ngài, phải làm gì.

Trái với nền văn hoá rất kỳ thị, Chúa chủ trương nam nữ đồng quyền. Ngài muốn: hôn nhân đích thực phải là tương quan bền đỗ. Kéo dài. Nên Ngài dạy:“cả hai sẽ thành một xương một thịt”; “sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10: 8-9) Điều này, nói lên tính chất đồng đều và tương quan hỗ tương trong việc cho đi chính mình. Đây, là lý tưởng và là một khẳng định.

Ý niệm “một xương thịt” được chứng thực rất rõ, khi một trong hai người phối ngẫu mất đi người bạn đời, vì quá vãng. Trường hợp ấy, người ở lại thấy tâm can mình như xé nát. Phải mất nhiều năm tháng, mới qua được cơn đau mất mát ấy. Có khi, mất mát quá lớn khiến người còn ở lại chẳng sống được bao lâu, vì thương tiếc. Tim can nát tan. Tâm thần, nay như chết.

Trường hợp ấy, ly dị là chuyện không thể hình dung được. Nói thế không có nghĩa, cuộc đời phủ đầy hoa, suốt dọc đường. Vẫn là thời gian của khổ đau. Thời, của xung khắc. Hoặc, bất trung. Cuối cùng, quyết tâm còn đó, vẫn ở lại. Có trường hợp, nhiều cặp phối ngẫu lấy nhau được nhiều năm nhưng vẫn tỏ bày tình cảm thân thương. Âu yếm. Thật dài lâu.

Đây là chuyện hiếm thấy, thời đại này. Rất thường tình, ta vẫn di chuyển chỗ ở. Vẫn thay đổi công ăn việc làm, dù đã quen. Hoặc có khi, thay người phối ngẫu, rất dễ dàng. Lý do của đổi thay, nhiều khi khá phức tạp. Không thể bàn luận chỉ đôi hàng. Một trong các điều thấy dễ nhất, là: hai người chỉ chuẩn bị cho tương quan cuộc sống, thật quá ngắn. Có trường hợp, tính chất chung thuỷ không hiển hiện ở một trong hai bên. Hoặc giả, một trong hai người nay chững chạc hơn về địa hạt khác, khiến người phối ngẫu không kịp đạt giai đoạn mà bạn đời mình, đạt không tới.

Một khi tương quan vơ chồng bị gẫy đổ; không hy vọng có thể hàn gắn được, thì Hội thánh công nhận hai bên đều có quyền sống ly thân. Riêng rẽ. Suốt cuộc đời. Có thể, họ tiến tới ly dị là để thực hiện biện pháp chia tài sản. Hoặc, hỗ trợ người phụ nữ. Giúp hai bên thăm nom con chung, vv. Hội thánh xưa, không để hai bên trở lại được phép chính thức làm đám cưới, một lần nữa. Ở nhà thờ. Bởi, bí tích hôn phối chỉ được cử hành duy nhất chỉ một lần, thôi.

Rõ ràng, chuyện người Công giáo tái tục chuyện vợ chồng thêm lần nữa, đã trở thành vấn đề nan giải. Hôm nay, chuyện hôn nhân đổ gãy giữa người Công giáo kết cục bằng ly thân/lydị, không thua kém/khác biệt, ở ngoài đời. Nhiều cặp thực hiện việc tái tục với đám khác, cho biết là họ có cái nhìn khác biệt theo hướng tích cực. Tích cực ở điểm, là họ có quyết tâm sống đời đi Đạo đã khá hơn. Khá, vì biết giáo dục con cái theo đường lễ giáo. Đạo đức.

Tuy nhiên, nhìn từ góc cạnh của con cái, cũng có điều khó coi. Ngược ngạo. Ở nhiều nơi, một số người Công giáo vẫn nhìn các vị nào tái tục hôn nhân theo nhãn quan tiêu cực. Nghĩa là, vẫn có cái mà họ gọi là “rối rắm”. Theo luật thường, có một số cặp hôn nhân tái tục vẫn đi nhà thờ, nhưng không dám rước lễ. Có cặp dám cũng quyết định sự việc cho riêng mình. Với tất cả công tâm. Thiện chí. Có cặp thấy khổ sở vì luật Đạo, khá cứng. Có cặp, đành lòng phải đổi đạo. Hoặc, chuyển đổi nhà thờ, để tìm nơi hỗ trợ. Hoặc, ra đi.

Sau ly dị, Chúa nói đến hoa quả của hôn nhân:“Hãy để trẻ em đến với Thầy.” Điều này có nghĩa: là cha mẹ, ta không thể đứng đó nhìn con cái tự tìm kiếm Chúa. Nhưng, phải chỉ đường để chúng đến với Chúa. Nhiều lần, ta cản ngăn không cho trẻ tìm đến với Chúa. Đơn giản, là như: không tìm cách cho con em học biết về Đạo. Không dạy cho các em biết cách nguyện cầu. Hoặc, cũng chẳng nhờ ai đào tạo con cái mình nên người Công giáo chân chính. Có khi dạy con một kiểu, nhưng cha mẹ lại sống kiểu khác.

Nói tóm lại, không phải cứ cho con rửa tội, rồi gửi chúng vào trường Đạo. Và, cho chúng đi nhà thờ học giáo lý, thế là hết bổn phận đâu. Con trẻ phải tìm gặp Chúa, ngay Ở nhà. QUA cha mẹ. Là bậc cha mẹ, ta chỉ có thể thực hiện chuyện này qua bằng tình thương yêu giữa cha mẹ. Bằng vào việc sống chứng tá cho sự thật. Cho trọn hảo. Cho yêu thương. Hết mọi người.

Tin Mừng hôm nay, không quan niệm hôn nhân theo cách sống riêng lẻ. Tách biệt. Nhưng, trong bối cảnh của cộng đoàn biết thương yêu. Đùm bọc. Bí tích hôn nhân được cử hành có bạn bè, người thân, cùng đến dự. Họ đến, không để làm chứng rằng hai người đã lấy nhau. Nhưng, để tôn trọng tương quan giữa hai người. Nay nên một. Họ đến, để giúp dưỡng nuôi. Bảo vệ. Giùm giúp. Điều đáng buồn, là: sự thể không phải lúc nào cũng xảy ra, đẹp như thế.

Ly dị, là kinh nghiệm sầu khổ, của đôi lứa. Hôm nay, vợ chồng có quyết tâm ăn đời ở kiếp với nhau, cũng không nhiều. Và, cũng không thiếu các cặp hôn nhân ở với nhau cốt để xem hôn nhân có là điều tốt nên thực hiện không. Rõ ràng, vào ngày cưới hỏi, chẳng ai muốn rằng chuyện đời mình sẽ ra như thế. Và, đối đầu với đe doạ chia tay, vẫn là kinh nghiệm chẳng ai muốn. Chẳng ai muốn cảnh tình thất bại, trong đau buồn. Sầu khổ. Sống riêng biệt.

Hậu quả, thường bao giờ cũng trút lên đầu con cái. Con cái, vẫn là nạn nhân vô tội. Chuyện như thế, xảy đến dẫy đầy nơi phố chợ. Toà án. Học đường. Ở đó, con trẻ là hiện thân của thất bại. Đau buồn. Của những núi băng, lờ lững tan. Hậu quả, ảnh hưởng đến nạn nhân sẽ còn kéo dài. Trong tương lai. Vậy nên, đâu là thuốc chữa hay nhất, cho ly dị? Thuốc hay, là tìm cách phòng ngừa. Phòng, bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngừa, bằng cách bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc mà giải quyết. Đám cưới kéo dài chừng dăm mươi phút đến cả tiếng. Nhưng, hôn nhân lại kéo dài suốt đời người. Bởi thế, cũng nên chuẩn bị cho kỹ lưỡng. Chuẩn bị cho đúng và cho đủ, vẫn là chuyện nên làm. Thời buổi này.

Tin Mừng nay trích dẫn ý tưởng “một xương một thịt”, từ sách Sáng Thế. Là, trở nên một, đòi hỏi nhiều hành động. Đòi, phải được hướng dẫn. Phải có các vị dầy dặn kinh nghiệm giúp cố vấn. Cũng cần có hỗ trợ của gia định/người thân, từng chung sống. Cần, cả cộng đoàn tình thương giùm giúp. Để rồi, khi gặp cơn giông bão, sẽ không thấy cơ đơn. Kinh nghiệm của cộng đoàn giáo xứ, mọi hỗ trợ cảm thông, đều rất quý. Giúp giảm bớt nguy cơ đổ vỡ, dễ xảy đến. Có thể, đây cũng là phương án rất thực tiễn. Cần thông đạt.

Nói cho cùng, hôn nhân không thể như phép mầu một sớm một chiều, đến với ta. Nó đòi đôi bên phải thực hiện rất nhiều việc, hầu đạt được kết quả khả quan. Nhà tâm lý Erich Fromm, người từng viết cuốn “Nghệ Thuật Yêu”, có đề nghị đôi bên nên triển khai kỹ năng thực hiện nghệ thuật gìn giữ tình yêu, mới có đạt được kết quả tốt đẹp. Bền bỉ. Muốn tạo sự bền đỗ trong hôn nhân, cần duy trì tình thương yêu trong mọi sinh hoạt. Sinh hoạt, trong đó sự thiết thân/cởi mở và “tương kính như tân”, là phương cách hữu hiệu nhất. Cần gìn giữ.

Trong cảm nhận điều đó, ta hãy hát lên cho tình yêu, lời ca tuyệt vời rằng:

“Ngày em như cung tơ, cho đời thẫn thờ, cho tôi dệt mơ
Đường khuya tay đan ngón tay,ước cho đời, ước mơ dài.”
(Trần Ngọc Sơn - Hạnh Phúc Lang Thang)

Yêu thương vợ chồng, không còn là chuyện ước mơ. Tuy dài lâu. Nhưng, sẽ là và phải là quyết tâm cần duy trì. Thực hiện. Luôn mãi.

______Lm Phan Đỗ thục Linh.
Mai Tá diễn dịch.
(Xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 20 September 2009

“Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều.”

Sân gạch tường hoa người quét lại,
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Vẽ cung trừ quỷ, vẫn là mẹ. Lo đủ trăm điều, là việc người đời cứ mưu toan. Trừ quỷ.
Trồng cây nêu. Tống khứ thần linh. Dọn mình đón Lời Chúa. Là, việc của nhà Đạo, bấy lâu nay.

Trình thuật thánh Máccô nay ghi lại Lời Chúa về việc tống khứ tà thần, không chỉ là quyền hành của con dân/môn đồ Chúa, nay được Thầy chỉnh đốn, hầu chuẩn bị lãnh nhận trọng trách Thày phó giao. Cả việc chữa lành người bệnh, lẫn tống khứ, dẹp tan quyền của quỷ.

Mỗi khi cùng Thầy làm việc, đồ đệ học thêm nhiều điều khác biệt giữa quyền bính, lẫn phục vụ. Nay, thấy người không cùng nhóm, vẫn lấy Danh Thày mà trừ quỷ. Nên, môn đệ mới chặn. Bởi thế, Chúa khẳng định:“Đừng ngăn chặn họ. Vì không ai lấy danh nghĩa Thày làm phép lạ, rồi sau đó lại có thể nói xấu Thày.”

Người mà Chúa nói, rõ ràng không dùng “Danh nghĩa Chúa”, mà vẫn thành công. Thành công trong trừ quỷ. Thành công để mọi người được tự do.

Từ đó, Chúa đề ra nguyên tắc đồ đệ phải tuân giữ: “Ai không chống ta là ủng hộ ta.” Điều này có nghĩa: Thiên Chúa có thể sử dụng bất cứ ai làm việc cho Ngài. Nghĩa là, Hội thánh không thể độc quyền về việc Chúa làm hoặc về sự thật Chúa là Tình thương. Quyền uy Ngài ban phát, là để chữa lành. Và hoà giải. Việc Nước Trời, không thể hạn chế cho mỗi tín hữu độc quyền. Chí ít, là công tác đặc biệt.

Bài đọc 1, rút từ sách Dân số, nói về cùng một tình huống. Giavê chuyện vãn cùng Môsê ở sa-mạc: Thần Khí gửi đến Môsê, cũng được ban cho 70 kỳ mục. Nhận Thần Khí, các ông bắt đầu phát ngôn, ở trong trại. Kịp đến khi, mọi chuyện được tâu lên Môsê, thì người trẻ Giô-suê mới thay Môsê dẫn dắt con dân Do Thái về miền đất hứa. Thấy bất xứng, người trẻ cũng có phản ứng tương tự như thánh Gio-an, mãi về sau:

“Thưa Thầy, xin cản họ.”

Và, Môsê có lời tương tự:“Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ. Vì Chúa ban Thần Khí Ngài trên họ.”

Hôm nay, nhiều đấng bậc của Chúa, cũng có những hành xử, rất tương tự. Thành thử, vấn đề đặt ra, không là: ai đang làm gì? Mà là: những gì người người đang làm, là do động lực nào? Từ đâu đến?

Ngoài Hội thánh, có cả ngàn người đang làm công việc của Chúa. Cho Chúa. Trong tinh thần hăng say. Thật thà. Quyết tâm. Có vị, không thuộc thẩm quyền nhà Đạo. Nhưng có ý hướng phụng vụ. Theo thánh kinh. Có vị là Phật tử, Ấn giáo, Do Thái giáo hoặc chỉ là nhân sĩ, phục vụ nhân quyền, không gì khác. Nhưng, hễ ai phục vụ vì Danh Chúa, và là cho Danh Cha toả sáng, ta đều hỗ trợ. Hợp tác.


Tin Mừng hôm nay, Chúa nói:“Nếu bất cứ ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Những việc đơn giản và lành mạnh, “bất cứ ai” thực hiện trong tinh thần thương yêu và thương xót đều là hành động giống Chúa làm. Cần được công nhận. Chắc chắn, Chúa sẽ chấp nhận.

Tiếp đến, là lời cảnh báo trước tiên là cho ta, kẻ đã thanh tẩy, dù được phép nói cho “bất cứ ai”, vẫn phải thấy: “Bất cứ ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”

Cụm từ “cớ vấp phạm” được sử dụng để hiểu như “hành động đáng hổ thẹn”, Chúa nói như việc bỉ ổi, đáng lánh xa. Xa Chúa. Xa Tin Mừng.

Đặc biệt, Chúa nói đến “kẻ bé mọn”. Bé mọn đây, không chỉ là các em bé, thôi. Dù bao gồm cả bé em. Nhưng, là những kẻ yếu đuối nhất, trong cộng đoàn. Yếu, do tuổi nhỏ. Yếu, do thiếu học. Yếu, có thể do vị trí của người ấy trong xã hội. Hoặc, chỉ hồi huống trở về, chưa chín chắn trong lối sống. Tức, những kẻ còn yếu về đạo đức. Yếu, niềm tin.

Cũng có thể, là những người mạnh mẽ trong đức tin nhưng lại xử sự cách nào đó khiến kẻ yếu kém trong cộng đoàn bị lép vế, không theo được Chúa. Bởi thế, thánh Phaolô tuyên bố:“Với kẻ yếu hèn, tôi là người hèn yếu.”

Và thánh nhân rất nhạy cảm với các vị hồi hướng trở về với nhà Đạo. Những người như thế, thánh nhân chẳng muốn làm điều gì khả dĩ khiến bị đánh động. Hoặc yếu kém.

Là người Công giáo, đôi khi ta xử thế cũng không khác gì mấy người ở ngoài Đạo. Như thể là: “hãy sống như lời tôi nói, chứ đừng ăn ở như tôi đã làm…” Điều này, thường xảy đến với gia đình. Giữa cha mẹ, con cái. Giữa thày cô học trò. Giữa linh mục và giáo dân? Cũng có lúc, ta xử tệ, vì đòi hỏi quá đáng. Vì, thành kiến. Vì quyết tâm không cao? Nhưng hậu quả làm nhiều người mất cả tự tin. Quyết đầu hàng.

Đoạn cuối Tin Mừng, Chúa khuyên hãy cẩn trọng về những gì mình sẽ mắc phải. Tức, làm cớ vấp phạm mình té ngã. Vấp phạm bằng tay chân/mắt mũi. Bằng vào ngôn từ dùng quá mức, Chúa khuyến dụ là: đừng sở hữu cơ phận ấy, nữa. Nếu sử dụng, ta sẽ đi trệch xa đường lối sống với Chúa. Thay vào đó, hảy hội nhập với cộng đoàn kẻ theo chân Chúa. Để rồi, cả tay/chân mắt/mũi của ta sẽ là nhân tố cho tình thương yêu, chữa lành. Sung mãn. Tất cả, đều phải đưa Tin Mừng về với thế giới bên ngoài.

Đó cũng là ý tưởng mà thánh Giacôbê bộc bạch, ở bài đọc. Về những hành xử quá đáng. Lạm dụng: “Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét. Chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người. Nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt của các người.”

Xử sự như thế, thật quá tệ. Còn tệ hơn, là khi do chính người tự cho mình là kẻ theo Chúa. Thư của thánh Giacôbê, dù đã viết hơn hai ngàn năm về trước. Hôm nay, có lặp lại, cũng rất đúng. Vẫn rất thật. Sự thật là, thế giới hôm nay vẫn còn có khác biệt hơn kém giữa các nước. Ngay trong một nước, vẫn còn chênh lệch giàu/nghèo. Chênh lệch mỗi ngày một cao. Đến báo động.

Có chênh lệch, là do các vị trực tiếp hay gián tiếp tự coi mình là người tốt lành. Đạo hạnh. Người của Chúa. Theo Chúa. Những người chẳng cần nghĩ đến ai. Chẳng muốn biết điều gì. Dù tốt lành. Đạo hạnh. Đây, đích thực là cớ vấp phạm. Là, trở ngại lớn cản ngăn con người thực hiện cuộc sống Nước Trời. Như thế, là đá tảng đang tròng vào cổ. Bởi, vẫn còn nhiều người chết lặng, trong nghèo hèn. Đói kém. Khổ đau, đến cùng cực.

Vậy, phải làm sao? Chỉ riêng mình, không ai tài nào giải quyết khó khăn ấy. Nhưng, dù chỉ một lần giúp đỡ người khác, là hết. Chấm dứt cảnh tình nghèo hèn, cũng là bước đầu. Rồi từ đó, ta cùng nhau đỡ nâng được nhiều người. Và, một lần nữa, hãy lấy trường hợp của Mẹ Têrêxa Calcutta, làm mẫu mực. Cũng như mẹ, ta thừa biết có hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói. Cơ cực. Bần hàn. Cần ta giúp. Đường lối mẹ Têrêxa Calcutta làm tuy chỉ mới bắt đầu với người nghèo đói, thôi. Cũng là gương sáng để ta biết làm theo như thế. Hăng say. Không ngừng nghỉ.

Trong hân hoan không ngừng hành thiện, ta hãy cứ cùng nhau vui hát. Hát rằng:

“Đời sống trôi hoài không nghỉ ngơi
Đời sống kéo dài, cõi trấn ai.
Con tim. Con tim gieo ngàn nơi.
Anh yêu. Anh yêu, cũng nhiều rồi…”
Phạm Duy-Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài

Đời sống trôi hoài, anh yêu đấy. Nhưng, mong anh mong chị, nếu yêu ta cũng không nên chỉ yêu, có một người. Mà là, mọi người như Thầy vẫn căn dặn. Chúng ta yêu. Yêu, như “mẹ lo liệu, đủ trăm điều”. Cho ta. Cho mọi người.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

xem thêm các bài khác, xin mời vào
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com
www.giadinhanphong.blogspot.com
www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 13 September 2009

“Người ngất ngư, chết trong muôn thế kỷ!”

Chạy điên rồ, đứng sựng giữa xương ma.
Người là ai? Người có phải là ta?
dẫn từ thơ Bích Khê)

Là ai, sao người vội giành. Giành ăn. Giành chỗ. Giành làm lớn đến điên rồ, có là thái độ của đồ đệ Chúa nói hôm nay?

Trình thuật thánh Máccô hôm nay ghi lại cung cách của đồ đệ từng xử thế, như thế. Những là, cãi với ganh đua, giành làm lớn. Giành được gần Chúa hơn. Dù, đã bao lần, Chúa công khai loan báo về cuộc sống thấp hèn và khổ nhục của Ngài đang đi dần vào đoạn cuối.

Nhiều lần, Chúa nói đến việc sẽ xảy đến, với Ngài. Lần báo hiệu đầu tiên, là lúc thánh Phêrô phản ứng rất khác thường. Vì chưa hiểu. Lần thứ nhì, là hôm nay, đồ đệ lại không tỏ. Nhưng chẳng dám hỏi. Cũng không dám bộc lộ điều mà các thánh không muốn thấy. Vào lúc ấy.

Trong khi đó, Chúa tỏ rõ điều mà Ngài vẫn cương quyết đả phá. Vẫn coi đó, là hành vi giả trá, giả hình của lãnh tụ tôn giáo, thời ấy. Điều Ngài lên án, là thái độ giải thích lề luật một cách tuỳ tiện. Quá đáng. Ngài đả phá, những cung cách mà lãnh tụ tôn giáo hiểu sai việc đạo, dân thường làm.

Chúa thực sự vào với nghịch thường của cuộc đời. Một đời, có ghét ghen đổ lên đầu người công chính như ý tưởng ở bài đọc:”Ta hãy gài bẫy ám hại người công chính”. Sao thế? “Bởi nó chỉ làm vướng chân ta. Chống việc ta làm. Trách ta vi phạm lề luật. Tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”

Chúa đả kích, lối sống của lãnh tụ tôn giáo chuyên đi ngược ý nghĩa truyền thống. Các lãnh tụ, chỉ sống bằng môi mép. Tim gan, thì xa Đấng mình thờ. Để đến khi Ngài bị treo trên khổ giá, dân con lại nhập bọn châu đầu vào mà chế riễu Chúa:“Nếu quả Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, để bọn tôi tin.”

Lời chế riễu, phù hợp với ý tưởng ở bài đọc:“Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó thế nào.” Không chỉ ngược ngạo thôi, họ còn làm nhều điều nữa, như xách nhiễu. Hành hình. Đóng đinh Ngài. Để xem Ngài tốt lành đến mức độ nào. Xem Thiên Chúa có ở với Ngài không:“Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để xem nó hiền hoà làm sao. Nhẫn nhục đến mức độ nào..”

Và tiếp đó, trình thuật kể thêm:“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Ngài hỏi họ.”Danh từ “nhà”, được thánh Máccô nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng. “Nhà”, phải chăng là nhà thánh Phêrô? Hoặc của ai khác? Cơ bản, thì "nhà” ở đây là nơi Chúa tập họp môn đồ Ngài. Những người, mà Ngài muốn gần gũi. “Nhà”, là biểu trưng về Hội thánh. Về, cộng đoàn lớn nhỏ, con dân Chúa. Vẫn ở đó. Vẫn thương yêu.
Rồi Chúa hỏi:“Dọc đường, anh em bàn tán, những điều gì?” Ở đây, ta có danh từ “đường”. Mỗi lần, hành trình với Chúa. Mỗi lần rong ruổi nơi quê “nhà”, các thánh đều “đang trên đường”, đi hoặc về. “Đường” ở đây, là bởi Chúa chính là Con Đường. Là, Sự Thật. Là, Sự Sống. Thế nên, các thánh trong Giáo Hội Chúa, thường được hỏi xem mình đang làm gì trên “Con Đưòng” ấy. Với “Con Đường” ấy.

“Các ông làm thinh”. Làm thinh là phải. Bởi, làm thinh không chỉ là “tình đã thuận”, mà còn vì các thánh đã biết xấu hổ. Xấu hổ, khi Chúa chưa loan tin Ngài sẽ ra đi. Nhưng đã giành. Xấu hổ, vì các thánh vẫn muốn làm lãnh tụ thay thế. Một khi rắn mất đầu. Xấu hổ, vì các ngài vẫn tranh giành vị thế, với ghế ngồi. Giành được thương yêu hơn. Xấu hổ và lúng túng, vì còn nhớ Ngài có nói: “Tôi tớ không hơn chủ mình”. Trong chịu đựng. Nhục nhã. Chết chóc.
Như thường lệ, Chúa biết rõ những gì xảy đến trong tâm tư. Của đồ đệ. Ngài ngồi xuống, gọi nhóm Mười Hai, tức các lãnh tụ tương lai của Hội thánh, lại mà nói:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, mà phục vụ người khác.” (Mc 9: 35). Một lần nữa, Ngài cho thấy điều nghịch lý/nghịch thường, trong mọi sự. Khác hẳn điều mà các thánh xưa nay, vẫn cứ tưởng.

Đời thường, làm người đứng đầu, là làm lãnh tụ chót vót ở trên cao. Đấng cầm cân nẩy mực, không chế dân con thấp cổ bé họng. Vẫn cứ sai khiến thần dân, không hết chỗ. Nghịch lý/nghịch thường ở đây, như Chúa nói: làm lãnh tụ, là phải làm người cuối hết. Tức tôi đòi, phục vụ hết mọi người. Lớn bé. Già trẻ. Gái cũng như trai.

Xét hành vi của mình, tín hữu Đạo Chúa đôi lúc thấy khó mà chấp nhận quan điểm này. Thử hỏi, trong gia đình, ai là người được coi là “đầu hết”? Người phục vụ toàn thể gia đình? Cha mẹ? Con cái? Hay người giúp việc? Khi nào thì cha mẹ được coi là đấng bậc tuyệt vời. Phải chăng là khi, các ngài chỉ nghĩ chuyện khuynh loát, trấn át? Hoặc, khi đối xử với con cái, trong thương yêu. Tôn trọng. Sâu lắng?

Ở trường lớp cũng thế. Ai, đầu hết? Ai cuối hết? Có phải là học trò? Hoặc, thày cô? Hiệu trưởng? Hay, người quét dọn? Ai, người phục vụ? Ai, lớn nhất trong họ? Lớn, theo cung cách nào? Ai đóng góp nhiều? Ai ít? Đây là câu hỏi có thể không có câu giải đáp, ngay trước mắt. Chỉ đặt nền tảng trên hành vi, cá nhân thôi. Trên tương quan ta có. Với nhau. Nơi nhà trường.

Ở Hội thánh, ai là đấng được coi là đầu hết? Đức Giáo Hoàng ư? Hay, các Giám mục? Linh mục? Tu sĩ nam nữ? Hoặc giáo dân? Đấng được gọi là Chủ Chăn cao chót vót, có là “đầy tớ của các tôi tớ Chúa”? Ta được dạy, là hãy biết khiêm hạ mà phục vụ. Phục vụ nhau. Cho nhau. Phải chăng, đó là điều ta đang làm? Ở giáo phận và giáo xứ hôm nay, ta nghĩ ai sẽ là người lớn nhất, trong Hội thánh? Dựa vào đâu để thẩm định, cho đúng nghĩa?

Với xã hội, cũng thế. Câu hỏi đặt ra, là: lớn nhỏ người người có mong rằng mình chỉ cung phụng mỗi một mình thôi, không? Cung phụng như kẻ cả. Người phục vụ có cung cấp cho dân con những gì họ ao ước? Hoặc, các phó thường dân vẫn cứ nai lưng ra mà phục vụ quan ông, đến chết xác? Sự thể ra sao? Thái độ của “đấng đầy tớ/công bộc, thế nào, trên thực tế?

Và lúc đó, Chúa gọi một em nhỏ đặt giữa các ông. Ngài ôm em bé và nói:“Ai đón tiếp đàn em nhỏ như bé này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày.”(Mc 9: 37) Em nhỏ đây, là đại diện cho người thấp cổ bé họng. Không quyền lực. Chẳng có tiếng nói. Cũng chẳng gây ảnh hưởng lên ai. Tức, những kẻ rất dễ bị không chế. Xách nhiễu. Bỏ bê, trong quên lãng. Không phản kháng.

Chúa nói: ai tiếp đón/chấp nhận các bé em như thế này, là nhận và đón Ngài. “Đón tiếp”, là động từ nói lên sự tôn kính. Phục vụ. Là, cung cách mà chủ nhà dùng để cư xử, tiếp khách quý. Dù chưa quen. Đón tiếp, là quan tâm đến sự an vui của người khác, Để ý đến họ. Hơn, chỉ lo cho mình. Hơn cả, việc đánh giá vị thế rất tưởng tượng của mình. Tin mừng nói đến phục vụ không có nghĩa bảo ta hạ mình ở dưới người khác. Nhưng, dùng tài năng và nghị lực để tạo niềm vui sống cho người khác.

Em bé đây, đại diện cho những người sống ở xã hội, không có quyền. Cũng chẳng có chức. Không có lực. Dễ bị khuynh loát. Trấn áp, Và, bỏ bê bên lề xã hội. Em bé đây, là kẻ hèn kém. Đói ăn. Già nua. Bệnh tật. Người sắc tộc. Nói tóm, là những phó thường dân, ở xã ấp. Quê nghèo.

Gương sáng hôm nay, cần ghi nhớ, phải là Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ là người, hiểu biết hơn ai hết Lời của Chúa. Mẹ sống trọn vẹn Lời Ngài. Nên khi chết, Mẹ được chính quyền của một đất nước mà hầu hết số dân là người ngoài Đạo, đã cho phép tổ chức quốc táng. Mẹ là bằng chứng bằng xương bằng thịt về sự thật Lời Chúa. Mẹ phục vụ kẻ thấp hèn. Mê say. Thương xót. Dù kiệt sức, vẫn không thôi.

Nếu mỗi người và mọi người chúng ta biết sống và làm như Mẹ Têrêxa đã thực hiện công tác của Mẹ suốt đời với tinh thần phục vụ như Chúa nói, thì thế giới đã đổi thay từ lâu. Và, Vương Quốc Nước Trời, đã gần kề. Nhưng, như thánh Giacôbê nói ở bài đọc 2, thế giới vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn, trong lối sống. Mâu thuẫn, làm cội nguồn cho mọi xung khắc. Ghét ghen. Tranh chấp. Mâu thuẫn, gây chiến tranh. Tranh giành. Đổ vỡ.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, với ánh sáng của các bài đọc, ta cầu mong sao có được tinh thần phục vụ, vứt bỏ mọi ham muốn tranh giành, chắc chắn sẽ đạt niềm vui sống khắp quanh ta.

Trong hy vọng tạo cho chính mình quyết tâm nghe Chúa, ta hân hoan cùng hát:
“Hãy vui lên bạn ơi!
Thời gian chẳng cho ta một giờ để cười
Yêu đương chẳng dư được một giây phút vui
Dù sao hãy cười bạn ơi.”(Lê Hựu Hà – Hãy Vui Lên Bạn Ơi)

Vâng. Cứ cười và cứ vui. Vui trong phục vụ. Vui, như Chúa nói. Như, Mẹ Têrêxa thực hiện. Trong đời. Cho mọi người. Những người được kêu là “em bé”, như Chúa gọi.
Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch

xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com
hoặc:www.giadinhanphong.blogspot.com/"

Saturday 5 September 2009

“Hồn là ai, là ai? tôi không biết”

Hồn là ai, là ai? tôi không biết”

Hồn theo tôi, như muốn cợt thôi chơi

Môi đầy hương, tôi không dám ngậm cười.

Hồn vội mớm cho tôi, bao ánh sáng.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mc 8: 27-35

Hồn, mà nhà thơ nói, có phải là Thầy Chí Ái? Đấng ban truyền, “bao ánh sáng”, cho môn đồ?

Trình thuật thánh Mác-cô hôm nay, không nói về hồn của nhà thơ họ Hàn, mà chỉ ghi lời Chúa hỏi han:“Người ta nói Thầy là ai, thế?” Theo thánh sử, danh tánh và sứ vụ mà Chúa mặc khải, là vài nghi nan/thắc mắc, môn đệ có trong đầu. Đây là lúc, Chúa mặc khải về thiên tính của Ngài.

Trả lời câu của Chúa, môn đệ thưa:“Kẻ thì bảo là Êlya, người lại cho là ngôn sứ nào đó.”(Mc 8: 28) Rồi, Chúa hỏi thẳng:“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8: 29) Thánh Phêrô đại diện nói thay, ngay lúc ấy:“Thầy là Đức Kitô.”

Cụm từ “Đức Kitô”, xuất xứ từ Hy Lạp, có nghĩa: “Đấng được xức dầu”. Tức, một cách nói để chỉ về Đấng Mêsia. Tiếng Do Thái mang cùng một ý nghĩa “Đấng xức dầu”. Đấng, được mọi người đợi chờ Ngài đến mau, để làm Vua Do Thái.

Rõ ràng, Tin Mừng hôm nay gợi lại lập trường của Hội thánh sơ khởi khi nói đến tương quan giữa Chúa và các đồ đệ. Tuy nhiên, trình thuật vẫn chưa nói hết các điểm mà hội thánh muốn nhấn mạnh. Các điều này, sẽ đề cập ở các đoạn trình thuật sau. Tiếp đến, dân con/đồ đệ được dặn: đừng phổ biến, nói về Ngài. Bởi, dân con mọi ngưòi chưa sẵn sàng nghe về Đấng Mêsia, chính là Thầy.

Trước phản ứng khá bất ngờ của môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu giải thích cho biết thế nào là Mêsia, Đấng được sai đến. Ngài được sai, như người chịu thống khổ, loại bỏ đi, và bị hành hạ/lên án như tội phạm. Và, Ngài sẽ chết đi. Rồi sống lại, sau ba ngày. Chính lời này, làm môn đệ chấn động. Chấn và động, vì đích thị Ngài không là Đấng, họ chờ mong.

Không chờ và cũng chẳng mong, là vì các thánh đâu nhớ đến lời sấm của ngôn sứ Isaya, ở bài đọc 1. Cứ nghĩ, lời sấm ấy chỉ áp dụng cho Đấng Mêsia mà thôi. Ai ngờ, Đấng ấy là Đức Chúa: “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đưa lưng cho người đánh. Giơ má cho người giựt râu. Tôi đã không che mặt khi bị phỉ nhổ. Mắng nhiếc.” (Is 50: 5-6)

Lúc ấy, thánh Phêrô bèn tiến về phía Thầy, mà nói: “Thưa Thầy, lẽ nào lại như thế.” Nghe vậy, Chúa quay về phía đồ đệ và nói cùng ông Phêrô:“Xatan! hãy lui sau Thầy! Vì ý tưởng của anh không phải là ý của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8: 35). Bằng vào lời này, thánh Phêrô lại trở nên một cám dỗ rất thực. Một loại hình chướng ngại, cản đường Chúa hành động, để phục vụ.

Đây là điểm then chốt. Một khúc ngoặt quan trọng trong Phúc Âm. Phần đầu, ta đã có lời đáp trả cho câu hỏi:“Đức Giêsu là ai?” Nay, mọi người đều biết rõ: Ngài là Đấng Mêsia, tức Đức Vua sẽ phải đến. Từ nay, tiếp theo sau, còn nhiều câu hỏi khác, như:“Ngài là Đấng Mêsia, theo kiểu nào?”

Và, toàn bộ phần cuối Tin Mừng, là lời đáp cho thắc mắc này. Lời đáp, được kết thúc bằng nhận định của người lính ngoài Đạo, dưới chân thập giá:“Chắc chắn ông này là Con Thiên Chúa.” Lời nhận định của người lính, vang vọng giòng chảy được xác chứng ở đầu Tin Mừng thánh Máccô viết:“Đây, khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” (Mc 1: 1)

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, là tiến trình thay đổi lối suy tư của đồ đệ. Tiến trình này, chỉ kết thúc sau ngày Chúa Phục Sinh. Tức, tiến trình mà mọi người đều phải ngang qua. Lời Chúa dạy, không chỉ nói về con đường ta đi ngang qua thống khổ và nỗi chết, ngõ hầu đạt được sự sống. Con đường này, bất kỳ ai muốn theo chân Chúa, đều làm thế.

Nhiều người trong ta, cũng đã tìm cách sống bằng đường mòn kép. Tức, theo phương thức chơi nước đôi. Một mặt, ta những muốn là người tốt, có lương tâm. Nhưng mặt khác, ta lại sống một cuộc sống giống như những người thường, ở xã hội. Nghĩa là, chỉ bon chen lo lắng những gì là vật chất, rất hưởng thụ. Những muốn thành công phát đạt về mọi mặt. Ngõ hầu, tạo điều kiện cho cháu con đạt thành quả qua nghề nghiệp/công việc, có giá trị cao, mà thôi.

Quả là, ta cũng bận rộn trong mưu cầu tạo cuộc sống an toàn. Cho riêng mình. Trong khi đó, Đức Giêsu lại khuyên ta hãy cứ ra ngoài mà phục vụ. Đừng níu bám điều gì. Bởi lẽ, mình luôn có tự do. Luôn là người tự trọng. Lời Ngài khuyên, vẫn cứ là: hãy cho đi, chứ đừng tiếp nhận. Hãy sẻ san, chứ đừng ham hố. Hãy cứ coi mọi người như người anh người chị, chứ không phải là kẻ đối đầu, giành giựt gì, với ta. Ta đang sống trong thế giới cần nhiều người đến với mình, hơn là cản ngăn.

Bài đọc 2, cũng tả rõ thế giới ta đang sống. Trong đó, có người tự hào cho rằng: mình vẫn có niềm tin. Chịu khó. Vẫn, chuyên chăm đêm ngày sống đạo hạnh, bằng câu kinh. Nhưng không minh chứng được bằng hành động. Bằng, hành xử thực tế. Hữu dụng. Sao gọi được là đạo hạnh, nếu cứ sống ru rú trong bóng tối. Chẳng chịu ra ngoài mà gặp gỡ. Giúp đỡ, những người đang cần đến mình.

Lời thánh tông đồ vẫn còn đó, nói rất rõ:“Giả như có người anh người chị không có áo che thân, và chẳng đủ ăn, mà lại có ai trong anh em đi nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm. Ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần. Nào ích lợi chi?” (Gc 2: 16)

Tin, mà không có tình. Không thương yêu. Không giùm giúp. Tin như thế, chỉ là niềm tin chết cứng. Tin, là phải biết cho đi chính con người mình. Biết sẻ san những gì mình đang có. San và sớt, không chỉ những đồ vật nổi trôi. Dư dật. Cho đi, không chỉ một dúm tiền được khấu trừ từ khoản thuế. Giúp từ thiện. Cho đi, để rồi mình sẽ nhận nhiều hơn số mình cho. Cho, phải là liên kết. Hỗ trợ. Cho, không phải là “bố thí”, chỉ một tí.

Suy cho kỹ, ta sẽ liên tưởng đến lời nguyện giáo dân, trong thánh lễ. Thật rất dễ, nếu ta chỉ lập lại lời kinh người khác đọc giùm. Rất lấy lệ. Dù, đó có là lời cầu cho hoà bình. Cho người tị nạn. Kẻ vừa mất việc. Hoặc, cầu cho giới nghèo hèn. Thất học. Thực tế, cầu như thế, đôi khi chỉ để tránh né một mặc cảm. Mặc cảm phạm lỗi. Những muốn, tránh né một món nợ. Thế thôi.

Quả thực, cầu nguyện phải là việc nhắc con dân của Chúa, hãy nhớ mà làm. Là thành phần của Thân Mình Chúa, lời cầu là lời được gửi đến với Đức Kitô. Ở trong ta. Ngang qua ta. Cần đáp trả. Nguyện cầu, là dấu hiệu cho thấy mình nên đặt ưu tiên việc nào trước. Việc nào sau.

Tín hữu, là đồ đệ Chúa không chỉ lo ưu tiên có mỗi việc “rỗi linh hồn”. Để được “lên thiên đàng”. Nhưng là, để đi vào giòng chảy chính đáng của cuộc sống. Đi vào, cùng với ưu tư đích thực của con người. Ưu tư, trở nên thành phần của giòng chảy ấy. Ưu tư, qua hành động yêu thương. Giùm giúp. Yêu, trong san sẻ. Thương, trong dựng xây cộng đoàn thương yêu. Với người khác. Và việc đó, không là chuyện riêng. Riêng cho mình. Mà, cho mỗi người. Tức, mình vì mọi người. Mọi người vì mình.

Trong cuộc sống rất ưu tư của đời thường, rất ít kẻ thắng. Nhưng, nhiều người thua. Nay, Chúa gửi đến mỗi người và mọi người, một đề nghị nhỏ nhằm tạo an toàn đích thực, là: nếu ra đi để sống cuộc sống vì người khác, cho người khác, mọi người sẽ được lưu tâm. Chăm sóc. Và, nếu ai cũng có cuộc sống như thế, xã hội ta rồi ra sẽ là chốn tuyệt vời. Nơi, gồm toàn người thắng. Không có kẻ thua. Đó là ý, mà Chúa nói với mọi người. Bằng Tin Mừng. Rất hôm nay.

Với quyết tâm nghe lời Chúa và đón nhận ý của Ngài, ta hãy cứ ngâm nga ca hát. Hát rằng:

“Lòng vẫn biết, nếu yêu rồi một ngày

là đến với đớn đau,

nhưng sao trong tim ta cứ vẫn yêu, vẫn nhớ

dầu sao, dầu sao nếu có một ngày

là ngày, ai reo tim ta

rằng tình yêu kia ly tan

và lòng vẫn thương, vẫn nhớ.

Tình đó khiến sui lòng ta đau,

rồi với bao ngày lặng lẽ sống.

Nỗi đau trong lòng người yêu, vẫn yêu hoài.”(Nguyễn Văn Khánh – Nỗi lòng)

Nỗi lòng đây, là nỗi rất đau của lòng người. Mới vừa yêu. Yêu một chiều. Không đối đáp. Giả như, người người nghe/biết Tình yêu đích thực như Chúa dạy, sẽ tìm được niềm vui chung. Muôn đời. Vui, có ánh sáng. Vui, với nụ cười. Niềm vui có Chúa. Có mọi người. Ở đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com