Wednesday 26 June 2019

“Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 13 thường niên năm C 30/6/2019
Lc 9: 51-62
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."

Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."

Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

“Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết,”
“Khi say sưa với lượn sóng triền miên.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mửa ra huyết, là bệnh tình của nhà thơ khi lượn sóng. Ói thần hồn, là tâm trạng người bệnh được diễn tả ở trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca diễn tả tình huống người trừ quỉ nọ không thuộc nhóm đồ đệ của Chúa, nên thành chuyện. Thành câu chuyện, là do đồ đệ Chúa nêu ra để ta suy tư, ngẫm nghĩ. Câu chuyện, rút từ sách Dân Số kể về nhân vật Elđađ và Mêđađ không được nhận là ngôn sứ vì không thuộc nhóm tiên tri dù hai ông đã được Thần Khí đến với mình khi nói “ở trong trại”. Và khi ấy, Môsê được yêu cầu không cho hai ông làm thế, nhưng Môsê không nghe lại cứ cầu khẩn Thần Khí đến với người Do thái cho họ nói về Đạo.

Từ đó, có người đặt vấn đề chức năng thừa-tác ở trong Đạo. Bởi, người trong Đạo luôn đặt vấn đề khuôn phép chính thống, khi có người không cùng phe/nhóm của mình lại cả gan thi thố tài năng, sẽ bị hỏi về tính ủy-nhiệm hoặc bài sai qua giấy giới thiệu, bằng cấp, học vị khiến có địa vị chính đáng. Nhà Đạo ta, coi đó như tiêu chuẩn để xác-chứng phẩm-chất và khả năng của vị ấy. 

Ở đời thường, chủ nghĩa bè/phái là động thái quyết bảo vệ quyền lợi của phe/nhóm mình. Sống trong xã hội đặt nặng chuyện tiêu-thụ, ta gặp chính mình nơi thị-trường người mua. Ta thấy tự tin hơn trong số những người công-khai hỗ-trợ mình, và nghi ngờ người ở ngoài phe/ngoài nhóm. Ta sống bằng lý-lẽ an-ninh/an-toàn và hệ-thống giai-cấp, rồi dùng đó làm rào-cản gây trở-ngại chống lại những gì thanh thoát, tự phát sinh. Chính Môsê khi xưa cũng từng kết án những người than vãn về hai ông Elđađ và Mêđađ vì ghen tuông. Và có lẽ, ông cũng than phiền cả chúng ta nữa.

Điều lạ là: chuyện như thế lại cũng thấy cả ở Tin Mừng nữa. Chính Đức Giêsu là người ngoài cuộc, Ngài không thuộc phe/phái nào và Ngài cũng chẳng xuất thân từ giai-cấp, trường lớp nào hết, cả đến trường/phái Sanhêdrin, cũng không. Mọi người đều biết Ngài đã sinh hạ trong chuồng bò và đã chết trên thập tự. Khi Phục sinh/trỗi dậy, Ngài đã hiện đến trước nhất với nữ phụ mang tên Maria Magđala, chứ đâu là Simôn Phêrô hoặc nhóm 12, đồ đệ Ngài. Ngay thánh Phêrô cũng được mời đến nhà người La Mã ngoài Đạo là ông Cornêliô chứ đâu là người Do thái, có thế lực. 

Và thánh-nhân lại là người khám phá ra ông Cornêliô được Thần Khí đáp xuống trên mình ông, nên đã chấp-nhận thanh tẩy cho ông, là người đầu tiên ngoài Do-thái. Thánh Phaolô là người được gặp Chúa trên đường đi Đamát, trong khi trước đó ông từng thuộc nhóm/bè chuyên “phá hoại” hoạt-động của Chúa, tức: có thể cũng trở thành kẻ sát-hại tín-hữu Chúa. Và sự thực, thì không có thánh Phaolô, ta cũng chẳng là người Công-giáo chính-hiệu. Dù, khi chọn người thay thế Giuđa Iscariốt nhóm đồ đệ của Chúa lại chọn Mátthias, là người chẳng ai biết. 

Tóm lại, Thần Khí của Đức Chúa cao cả và cởi mở, là ý tưởng mà thánh Luca muốn giới thiệu với người đọc Tin Mừng hôm nay.

Thế thì, có phải Ngài là Thần Khí hiện diện trong thể chế Giáo hội không? Vâng. Chính thế. Nhưng, như thế không có nghĩa: Giáo hội đầy thể-chế lại có quyền hướng-dẫn/trực-chỉ Thần Khí hoặc giới hạn Thần Khí chỉ được có mặt ở một số băng-tần hoạt-động vì lợi-ích của người khác, thôi. Giáo hội không thể kiểm-soát Thần Khí. Giáo hội có mặt là để nhận-thức và chứng-thực hoạt-động tự-do của Thần Khí mà tín-hữu vẫn làm chứng, có thế thôi.

Trình-thuật về sự kiện tương-tự, thánh-sử Máccô lại để Chúa gói gọn ý-nghĩa của truyện kể, khi Ngài nói: 

“Ai không chống ta, là ở cùng ta.”
Về lập trường này, có người lại lật ngược câu nói của Chúa, khi họ bảo:

“Ai không theo ta, tức chống lại ta.” 

Hai câu khác hẳn nhau. Câu Chúa nói, phản-ánh tính mở rộng con người mình, tức chứng-tỏ: Tín-hữu Đạo Chúa là người không chủ-trương biên-giới; trong khi đó, câu nói sau, là niềm hãi sợ, tức: tạo biên giới để không có quá nhiều tín hữu Chúa.

Trình-thuật, nay còn đưa thêm vấn đề mới, như: chuyện “thuộc về ai”. Khi xưa, có thời-kỳ ta cứ nghĩ: là người Công giáo, tức là ta thuộc về Hội thánh Công giáo, chỉ mỗi thế. Có lẽ, ngày nay, nhiều người Công giáo chuyên chăm đi nhà thờ lại sở-hữu thêm nhiều thứ rút từ đạo khác chứ không chỉ mỗi Đạo Chúa thôi, chí ít là cung-cách tâm-trí và linh-đạo.  Nói cách khác, ngày nay ta đi vào thời-đại gồm nhiều thứ “thuộc về ai”, chứ không chỉ duy nhất một loại hình nào đó thôi.

Hiểu như thế, sẽ nảy sinh thêm vấn đề bảo rằng: có thể, ta cũng thuộc về thế giới ngoài đời hệt như ta từng thuộc về truyền-thống thể-chế, tôn giáo hoặc đạo nào đó. Nói như thế, không có nghĩa bảo là: ta đang bỏ đạo của mình để ôm cầm tính trần-thế, rất như thế. Như thế, cũng chẳng để bảo rằng: hãy để Hội thánh kiểm xem ta mang tính trần-tục đến độ nào. Nhưng, chỉ muốn nói lên sự kiện là: ta đang sống mỗi ngày và mọi ngày ở trần-thế, có thế thôi. Trần-thế, mang ý-nghĩa bao quát, cởi mở. Cởi mở rồi, sẽ bao gộp mọi truyền-thống cũng như sinh-hoạt của đạo-giáo và thánh Hội. 

Như thế, là ta đang cùng một lúc “thuộc về” những thứ thường ngày và các đặc-trưng/đặc-thù, thấy rất rõ. Bởi, muốn nối-kết cho chính đáng, hẳn ta cần kết-nối với mọi nhóm-hội/đoàn-thể có đặc trưng, cũng khác biệt. Mang tính linh-đạo mà không nối-kết chuyện thường ngày, là ý nghĩ kỳ quặc. Chuyện thường ngày mà ta để mất một vài nối-kết linh-đạo là mất mát một số sự việc rất thực tiễn.

Trình thuật, nay lại dấy lên vấn-đề khác hỏi rằng: ta thấy mình thế nào? Ta bắt đầu ra sao khi hỏi mình “thuộc về ai”? Ta có thấy mình thuộc về “thực-tại trần-thế”, rất ở ngoài không? Và, ta có thấy những người thuộc nhóm-hội/đạo-giáo nay theo tinh-thần như thế ấy không? Ta có nghĩ mình là người “Công-giáo gốc/đạo ròng” với đặc-trưng là mình thuộc về thế-giới riêng-tư giống thế, không? Ta có là người của thế-kỷ thứ 21 cũng Công-giáo hoặc là người Công-giáo sống ở thế-kỷ 21 không?

Chừng như, nay vẫn còn thấy một số người Công giáo lại nghĩ về mình như Công giáo “chánh hiệu” nhưng đã tráo-đổi chốn-miền mình thuộc về phe/nhóm chính-yếu đang sống đặc-trưng thực-tiễn ở ngoài. Họ vẫn sống theo đường lối Chúa dạy. Nhưng, lại ít liên-hệ với giáo-hội công-khai, thuộc bên trong. Tên gọi của người đó, cũng vẫn là Elđađ và Mêđađ, như thuở trước. Gọi họ là nhóm người gì, cũng còn tùy; nhưng, họ vẫn được Thần Khí đáp xuống trên người mình, thế mới lạ!

Và bên dưới, lại thấy có vấn đề khác cùng nảy sinh, là tư-thế “bất bạo-động”. Phần đông trong ta, đều kình chống chiến tranh những chém và giết. Ta kình-chống cả động-thái hung-hăng trong quan-hệ mật-thiết với mọi người. 

Và chừng như, trong tâm can, ta vẫn muốn một học-thuyết về cuộc chiến “chính đáng”, để rồi ta rút về đó mỗi khi cần. Cuối cùng, cũng trở về với động-thái khá bạo-động dù có ý-định thường tình, xuất sắc. Lại có nhiều người trong ta chẳng bao giờ thấy được nhượng-bộ giữa lý-tưởng bất-bạo-động của Kitô-giáo với các giáo-hội đang nối-kết với đế-quốc và/hoặc đất nước chủ-trương bạo-động theo cách-thế nào đó.

Và khi đối đầu/đối xử với kẻ nghèo/người hèn hoặc thiếu thốn, đôi lúc ta lại có động-thái nào đó cũng bạo-động qua việc chối-từ chẳng giúp ai. Bạo-động nơi ta, không do tính hung-hăng xác-thể, cho bằng mau chóng tẩy-trừ người nghèo-hèn túng-thiếu ra khỏi khu-vực sống của nhóm mình. Hoặc, nếu có bỏ họ ở đó một ít lâu cũng để được coi là đã làm việc “bố thí” tinh-thần, như thế khác nào bạo-lực/bạo-động.

Cởi mở/bất-bạo-động đối với người nghèo, là chọn họ làm của riêng cho mình. Và, nhận ra diện-mạo của Đức Chúa Phục sinh, ở nơi họ. Chọn họ, như đền thờ Chúa ngự, có Chúa hiện diện một cách sinh-động, vào mọi lúc. Hiểu như thế, thì cụm từ “bất-bạo-động” xem ra vẫn còn thiếu sót. Sống bằng động-thái giống như thế, là giấc mộng kinh-thánh vẫn dành-để cho con dân mọi người, không chỉ mỗi người Công giáo, mà thôi. 

Bởi, giấc mộng ấy đã thành-hình nơi Đức Kitô và Nước Trời của Ngài. Bởi, chính Ngài cũng muốn sự thể như thế được thể-hiện ở nơi ta. Và, có như thế, kẻ nghèo/người hèn hoặc túng-thiếu sẽ không là người mà ta cho là nghèo/hèn lại do chính Chúa chọn ta để làm thế.

Làm như thế, phải chăng là nối-kết chính-đáng ở Đạo Chúa? Làm như thế, chỉ khi nào ta thấy Chúa nơi người nghèo/hèn ta chọn làm đấng bậc mang Chúa đến cho ta/với ta, mà thôi.


Cảm nghiệm lý lẽ thực tế ấy, ta hãy cùng hát lên lời thơ đau của nhà thơ nghèo, từng hát rằng:    
      

“Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết,”
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thân tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.”
(Hàn Mặc Tử - Biển Hồn Ta)

Niềm riêng, nay đâu còn “giọng hờn đau” chợt thấy trong “thân tâm cay nghiệt”. Mà, chỉ là tâm trạng say sưa lượn sóng triền miên, bất-bạo-động. Triền miên tìm kiếm Chúa nơi “Biển hồn” người  trong sáng, đà thấy Chúa nơi mọi người. Nhất thứ, là nơi kẻ nghèo/người hèn ở đây, lúc này.  

            Lm Kevin O’Shea, CSsR – Mai Tá lược dịch
______________________________________________________________________________________

Friday 21 June 2019

“Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện,”

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa năm C 23/6/2019
Lc 9: 11b-17
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng:

"Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng."

Đức Giêsu bảo:
"Chính anh em hãy cho họ ăn."

Các ông đáp:
"Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này."

Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ:
"Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một."

Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

“Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện,”
Trong lòng và đang tắm máu sông ta!”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Hiển hiện ở trong lòng, lại cứ níu kéo hồn ai cả một đời. Hiển hiện ở Mình Thánh, vẫn là tình Chúa được thánh Luca diễn tả ở trình thuật, hôm nay.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả lễ hội mừng kính Mình Máu Chúa, để mọi người suy tư việc Chúa hiển hiện nơi Thánh Thể. Thật ra, lễ Mình Máu Chúa được cử hành là để nhắc nhở con dân trong Đạo hãy nhìn vào sự việc xảy ra trong quá khứ ngõ hầu còn cảm kích, biết ơn.
Biết ơn, không là hành-xử đơn thuần chỉ nói mỗi lời “cảm ơn”, rồi quên sót. Biết ơn, là biết bỏ giờ ra mà cảm kích những gì mình nhận được là ân huệ Chúa ban. Biết ơn, là cảm nghiệm đầy uy lực đối với mỗi người và mọi người. Cảm nghiệm, đối nghịch với những bất ưng trường kỳ mà nhiều người gặp phải ở đâu đó. Biết ơn, là biết rõ tâm tình mình cảm kích vẫn khác với cách-thế ta biểu lộ, vào mọi ngày. Biểu lộ, vào tiệc thánh cuối năm phụng vụ qua đó Chúa sống lại là vì ta và cho ta nên hãy cảm kích, biết ơn.
Cảm kích biết ơn mầu nhiệm Chúa chết đi và sống lại vì con người, việc này không chỉ mỗi ta là biết làm và cần làm. Chính Chúa cũng làm thế với Cha Ngài, vào mọi lúc. Như Kinh sách có nói:“Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ” (Mt 26: 27), “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và tất cả đều uống chén này” (Mc 14: 23). Xem như thế, Chúa vẫn cảm kích/biết ơn Cha vì Cha kêu mời Ngài hy sinh mạng sống làm của ăn/thức uống, cho muôn người. Tóm lại, Chúa cảm kích/biết ơn Cha Ngài trong mọi việc, là vì ta.
Cảm kích/biết ơn, là động thái mà người Do thái phải hoàn tất trong mọi việc. Thánh vịnh 107 diễn tả những người trở về từ nơi lưu đày cũng hát vang câu: “Allêluia, họ cảm tạ Yavê, vì ơn Người tốt lành, vì Người miên man vạn đại.”(Tv 107: 1) Cả ngôn sứ Giêrêmia cũng đã nói: “Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại” (Gr 33: 11)
Đọc kỹ bài thương khó về nỗi thống khổ của Chúa, ta hiểu được toàn bộ nỗi nhục hình và cái chết của Chúa là động thái cảm tạ Cha là Đấng làm nên mọi sự được tốt đẹp. Và, việc Chúa trỗi dậy từ cõi chết, cũng là tiếp tục động thái cảm kích/biết ơn Cha đã tỏ bày thánh ý Ngài, qua sống lại.
Thế nên, mừng Lễ Mình Máu Chúa, là để ta hoà nhập với Chúa trong cảm kích/biết ơn Cha mà Ngài từng thực hiện suốt một đời. Tiếp như thế, khiến ta trở thành con người đổi mới, rất khác hẳn. Mọi việc trong đời, ta nhờ đó mà cảm kích Chúa đã biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Ngài, ở Tiệc Thánh. Nên, Lễ Mình Máu Chúa là lễ hội đặc trưng, độc đáo để ta có cơ hội mà cảm kích, biết ơn hoài.
Cảm kích/biết ơn cách đặc trưng/đặc thù ở Tiệc Thánh, ta cùng trở thành Thân Mình Chúa, hệt như ta đang thủ vai trò chủ yếu trong vở kịch những 4 màn:
Màn 1, lúc khởi đầu, khi Thần Khí Chúa là là trên mặt nước và thoạt đó có tiếng nói của Giavê Thiên Chúa vẫn cứ bảo: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất". (STK 1: 11)  Thần Khí luôn phong phú, hiệu nghiệm là hành động phối hợp giữa Lời và Thần Khí làm nên sự sống ở khắp nơi. Và đó là Lời theo cung cách vũ trụ dâng lời cảm tạ Tạo Hoá.
Màn 2, lúc thần sứ Chúa đến Truyền Tin cho Đức Maria, lại cũng là Thần Khí khi trước khoả lấp mặt nước đã đưa Mẹ đi vào khung trời thụ thai nẩy nở và Lời đã nhập thể làm người. Nơi cung lòng Mẹ, Thần Khí làm cho đất trời nổi lên một sự kiện: nhân loại là của Đức Giêsu Kitô. Bằng cách này, Đức Giêsu lại đã dâng lời cảm tạ Cha là Đấng làm nên tất cả, hết mọi sự.
Màn 3, là lễ hội hôm nay có động thái cảm kích/biết ơn cứ mãi tiếp tục. Vị chủ tế đặt tay lên bánh và rượu, tức thì dấu-hiệu Thần Khí bay là là trên trần thế và cả trên Mẹ để rồi tặng ban sự sống cho Chúa. Và khi ấy, vị chủ tế lập lại lời Chúa nói, khi trước: “Này Mình Ta, này Máu Ta!” Cùng lúc ấy, sự sống của Chúa đã trổi vụt lên phía trước; và bằng vào hình thức bánh/rượu, Đức Chúa Phục Sinh đã ở với con dân Ngài. Ngài ở giữa họ, như một hiện diện đích thực chứ không theo cung cách tượng trưng.
Chúa hiện diện nơi Bánh Thánh và Rượu Thánh, không là sự hiện-diện của ký ức ở trong đầu ai đó, mà là hiện diện đích thực của Chúa nơi Tiệc Thánh, dù ta có nghĩ hay không về Ngài. Ngài không hiện diện chỉ bằng vào hành động như điện thư do ai đó gửi cho chính mình; mà là một hiện diện thực tế có toàn-bộ thực thể Ngài. Lúc chủ tế đọc lời truyền phép biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa, ngay khi ấy đã có đổi thay. Thánh Tôma gọi sự đổi thay này, là phép là tuyệt-kỹ Chúa từng làm. Kinh nghiệm về đổi thay nơi ta, không có gì tương đương với thực thể là thế hết. Nhờ uy lực của Thần Khí và hiệu năng của Lời, thực thể bánh/rượu đã biến thành thực thể sâu thẳm là Đức Kitô. Nếu ai đó lại cứ hỏi: “Làm sao ra được thế?” thì câu trả lời rút từ câu của thần sứ nói với Đức Mẹ: “Với Chúa, không có gì Ngài là không thể!”
Thế nên, Lời Chúa là Lời sáng tạo, hiệu nghiệm. Lời Ngài mang tính-chất sản-sinh. Sinh sản mọi sự. Sản sinh ra Chúa là Đức Kitô. Lời Ngài, là Lời đỡ nâng/vực dậy khiến Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Lời Ngài, đã khiến cho điều Ngài nói ra trở thành thực tại rất thật, ngay bây giờ. Bởi thế nên, khi Chúa-là-Lời-mặc-lấy-xác-phàm từng tuyên bố: “Này là Mình Ta” thì đó là lúc Ngài đích thực hiện diện nơi Thánh Thể, vào Tiệc Thánh.          
Màn 4, là lúc hiệp thông/rước Chúa sau truyền phép. Khi chủ tế cầu Chúa sai ban Thần khí Ngài đến ngự giữa chúng ta là người tham dự Tiệc Thánh, chính đó là lúc hoa trái thánh thiêng nơi Ngài ở lại mãi, nơi ta. Thần Khí Chúa biến đổi bánh/rượu thành Thân Mình Đức Kitô đã đổi thay tâm can chai đá của ta thành con tim đích thực rất xác thịt. Và khi ấy, ta san sẻ cũng một bánh thánh để nên một trong yêu thương. Vâng. Chính lúc ta nhận lãnh Mình Chúa ở Tiệc Thánh, là lúc động thái hỗn hợp giữa Lời và Thần Khí biến đổi con người của ta thành Thân Mình Chúa. Có như thế, ta mới trở thành trời mới, đất mới, là Mình Chúa.
Xem thế thì, hiệp thông rước Chúa cứ nối dài, là sự việc cho thấy cuộc sống của Đức Chúa Phục Sinh đã tặng ban cho ta và cắm rễ sâu trong tâm can của ta. Sự việc này cứ thế tiếp diễn cho đến ngày Chúa ở trong ta, với ta và mọi người. Bằng động thái ban tặng ân huệ rất thanh thoát, tức sự việc ‘cảm kích, biết ơn”, biến thành Mình Thánh Chúa, mọi người mới có thể chúc tụng vinh danh Cha, rất cả sáng. Khi ấy, Mình Máu Chúa đã thật sự trở nên vĩnh cửu, suốt mọi thời.
Khi cử hành Tiệc Thánh, là ta thực hiện động thái cảm kích/biết ơn ở Nước Trời. Tiệc Thánh ta cử hành là động thái, là lời khởi đầu cho mọi động tác biến đổi thành Thân Mình Chúa. Và, phụng vụ ta cử hành là động thái ta nếm trước Thánh Thể. Và khi ta cử hành Tiệc Thánh như thế, là ta san sẻ sự hiệp thông rất thánh. Là, sờ chạm vào quà tặng yêu thương. Là, làm hết mình để cảm kích/biết ơn như thế mãi đến muôn đời.
Xem như thế, thì Tiệc Thánh không là sự việc của lý trí, rất thông minh. Bởi, với những người chỉ biết đến thông minh trí tuệ, thì đó là chuyện viển vông, vô nghĩa. Tiệc Thánh ta cử hành cũng không là chuyện thơ văn, nghệ thuật. Bởi, người làm nghệ thuật thường có giây phút thấy mình bối rối, khó chịu. Thế nên, nghệ nhân ai cũng chỉ mỗi thế, không mang đủ tính chất rất đẹp của chân-thiện-mỹ, dù là mỹ thuật hay mỹ-nghệ, cũng đều thế.
Tiệc Thánh không hẳn chỉ là chuyện đạo. Với người đạo hạnh, chỉ làm có mỗi thế cũng chưa đủ gọi là đạo hạnh, sốt mến. Vì thế nên, điều đó cho thấy: nếu chỉ trở thành người tu trì như thế thôi cũng chưa hẳn là tu trì, đạo đức. Tiệc Thánh không là ý niệm sáng rõ hoặc lối thờ-cúng ta ấp ủ. Việc này vẫn hơn cả chuyện thờ kính cũng rất nhiều, bởi đó chính là Tình yêu được ban phát, rất ở đây. Bây  giờ.
Tình yêu ta nhận lãnh, sẻ san và sống thực, chính là lòng cảm kích, rất biết ơn. Phải chăng đó là hành-xử đầy xa hoa, đắt giá? Có thể là như thế. Bởi lẽ, sống tu đức có thể là hành-xử đầy tính xa xỉ phẩm, nhưng đó là quà tặng Chúa ban cho ta theo cách cũng rộng lượng, đầy xa xỉ. Tuy là thế, quà tặng Ngài phú ban, không một ai thu lại được. Và ta đã quen thế rồi, nên vẫn có quyền được như thế. Và ta không thể sống mà lại không được nhận quà tặng ấy, kể cũng lạ.
Trong cảm nghiệm về những hành-xử đầy cảm kích/biết ơn, ta lại sẽ ngâm nga lời thơ hay rằng:

“Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện,
Trong lòng và đang tắm máu sông ta.”
(Hàn Mặc Tử - Biển Hồn Ta)

Tắm máu sông ta”, là lối nói của nhà thơ vẫn đắm mình trong Mình Máu Chúa, rất yêu dấu. Và, khi đã tắm bằng ân huệ Mình Máu Thánh rồi, ta cũng cảm kích/biết ơn Đấng tặng ban cho ta Thân Mình Ngài, rất như thế.    
Lm Kevin O’Shea, CSsR biên soạn - Mai Tá lược dịch
_________________________________________________________________________________________________________

Nhưng vũ trụ hư huyền tuy rộng mở


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm C 16/6/2019
Lc 9: 11b-17
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng:
"Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng."
Đức Giêsu bảo:
"Chính anh em hãy cho họ ăn."
Các ông đáp:
"Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này."
Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ:
"Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một."
Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

“Nhưng vũ trụ hư huyền, tuy rộng mở,”
Ta đê mê cảm được, chút gì đâu!”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Tình vũ trụ, mà nhà thơ còn thấy như “hư huyền”/rộng mở huống hồ tình Chúa Ba Ngôi lồng lộng khắp mọi nơi, làm sao dân con Đạo Chúa hiểu được cho cặn kẽ, dù trình thuật vẫn cứ kể?

Trình thuật, kể nhiều cho mọi người hiểu về tình Chúa Ba Ngôi, rất mừng và rất vui. Tình Chúa Ba Ngôi, không đơn giản và dễ hiểu như ta nghĩ, dù Hội thánh có giải thích bằng ngôn từ, hình ảnh hay sao đó, vẫn khó lòng. Thật ra, ta cảm nghiệm được tình Cha qua Kinh Sách của người Do thái, mà thôi. Và, tình Chúa-Con ta am hiểu chỉ một chút là nhờ giòng chảy tâm-tư cũng từ Do thái. Còn, tình Thánh Linh ta cũng hiểu rất ít, lại chính là tình “Cha-và-Con” được kể từ nhiều thế kỷ, chí ít là thế kỷ thứ tư, mãi về sau.

Kể từ đó, nhiệm-tích Chúa Ba Ngôi hiểu theo cung cách rất tình giữa Cha, Con và Thánh Linh được Hội thánh chấp nhận không do-dự bằng kinh-kệ và nghi lễ, bắt đầu bằng dấu thánh giá, làm bằng chứng. Nhưng, vấn đề là: làm sao ta hiểu được nhiệm-tích Chúa Ba Ngôi trong tổng thể, dù rất ít? May mắn thay, Hội thánh ở trời Tây cũng hiểu ít/nhiều nhiệm-tích này nhờ lập-luận trừu-tượng mà thánh Âu Tinh dùng tâm-lý để ví đời Chúa với đời ta và gọi đó là thần-học cao-siêu nhiệm-mầu, rất bí-tích. 

Điều này cũng dễ hiểu, vì cách ta suy nghĩ và yêu thương là gương phản-ánh cách Chúa nghĩ-suy và yêu người, tức cách sống tâm-lý của Đức Chúa. Còn ta, ta suy tưởng và thương yêu theo kiểu cách nào? Mỗi lần suy-tư nghĩ ngợi, ta thường hay nói chuyện với người khác, hoặc thốt lên “lời” rồi vận dụng ba tấc lưỡi để giải-thích những gì mình nghĩ suy. Còn, khi yêu thương, ta thường thở dài nhẹ nhõm, cũng có khi còn há miệng để bày tỏ cho thật rõ. Dùng hình ảnh này để diễn tả cách Chúa làm, ta chỉ hiểu được chút ít tình thương của Ngài, khi Ngài suy nghĩ và thương ta bằng hơi thở.

Dân con trong Đạo còn gọi “Lời” là “hơi thở” của Ngài, tức: Thần Khí hoặc Thánh Linh. Bởi Thần Khí, hiểu cho sát nghĩa, cũng là “Hơi”, là “Khí” rất thần của Đức Chúa. Thế nên, ta hiểu được Tình Chúa Ba Ngôi rất tuyệt vời, là nhờ kinh nghiệm của “Khí” và “Lời” ta hít thở qua tình người ta có với nhau. Vì thế nên, ta có thể xác minh về tình Chúa Ba Ngôi theo cách-thế rất như thế. Và, khi ta đưa xác-chứng này vào niềm tin ta có nhờ mạc-khải, ta sẽ hiểu thấu-đáo hơn, bằng cách so-sánh về tâm-lý hệt như thế.

Ta còn được mạc-khải về Chúa Ba Ngôi, qua “lời” của ngôn sứ, nữa. Thật ra, ngôn sứ không là đấng bậc dám tiên đoán thời-cuộc hoặc nói trước những việc Chúa làm, cho bằng các ngài chỉ nói năng cách mạnh bạo về những gì đã và đang xảy đến bên ngoài thân-phận trống vắng của chính ta. Thế nên, khi lĩnh nhận mạc khải về Ba Ngôi Đức Chúa từ ngôn sứ, ta tin Chúa vượt quá nhận thức của ta. Mạc khải về Chúa, là điều con người không thể kham nổi. Bởi, Thiên-Chúa-là-Cha, Con và Thánh Linh là ngôn-ngữ thánh-thiêng, ta chỉ chấp-nhận và lĩnh-hội cho riêng mình, chứ không bằng ngôn ngữ dễ hiểu. 

Còn, Thần Khí thì sao? Phải chăng nhiều người nay quên mất Thần Khí?
Không hẳn thế. Bởi, khi Hội thánh mời gọi ta chung lời nguyện cầu, ca tụng Chúa là Đấng cứu độ loài người, ta có được niềm an-vui rất lạ khiến ta tiếp cận Thiên-Chúa-là-Cha-và-Con để rồi sẽ vui hưởng nhan thánh Ngài, cách đích thực. Tên gọi thực của niềm an-vui lạ kỳ ấy lại là Thần Khí. Theo Kinh thánh, thì Niềm-An-Vui-Lạ-Kỳ-là-Thần-Khí là Đấng đem “Cha-và-Con” đến với ta, ngõ hầu ta gần gũi Ngài mãi mãi suốt đời ta. Ta không cần tìm Ngài ở đâu xa, vì đã thấy Ngài đến với ta, qua Thần Khí. Và, Thần Khí của Ngài còn giúp ta thôi không còn nghĩ Chúa cứ ở nơi xa xôi/cao vời, trên chốn ấy nữa. 

Và, Thần Khí Chúa giúp ta hiểu được ý nghĩa của cụm-từ “Cha-và-Con” mỗi khi ta dùng Lời để nói về Ngài. Ngài không là “Cha” theo ngôn-ngữ bình thường ở đời và Ngài cũng không mang ý-nghĩa toàn-năng/toàn-thiện thấy từ xa để ta tâm phục, khẩu phục. Nhưng, Ngài là “Cha-và-Con” được Thần Khí Chúa dẫn đến với ta để rồi Ngài vẫn sống như “Cha-và-Con” nhờ vào hướng dẫn này. Có lẽ, cụm từ “Cha-và-Con” đây, không đủ để diễn tả sao cho đúng nghĩa. Tuy nhiên, mọi người con bé nhỏ của Chúa đều cảm-nghiệm được việc này bằng tâm-can và lời cầu, ta vẫn sống. Ta sống đích thực cung cách “Cha-và-Con” là nhờ có như thế và được như thế. Và, tình Chúa Ba Ngôi còn là cung-cách để ta thấy được “niềm an-vui rất lạ” khi ta gần cận Ngài, cảm tạ Ngài từng làm thế, cho ta.

Mỗi người và mọi người đều tìm ra phương-thế giản dị và tế nhị hầu gần cận Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là Thần Khí Ngài bằng kinh nghiệm tư riêng của mỗi người. Điều này, xem ra hơi nghịch-ngạo nếu ta sánh ví những chuyện như thế với nền thần-học kinh-điển, thời buổi trước. Nhưng dù sao, ta vẫn làm lắng-dịu được tính hiển-nhiên thông-thường bằng kinh nghiệm sâu sắc ta vẫn có, về tình “Cha-và-Con” vẫn thấy trong gia đình bình thường, rất hạnh phúc. 

Chính bầu khí yêu thương gia đình có đủ chức-năng để làm công việc này, một cách thường tình, rất bẩm sinh. “Cha” ở đây, không là từ-vựng hoặc sự cách-biệt rất quyền-thế, mà là sự thân-thương, gần gũi với đàn con trong gia đình. “Con” ở đây, là cung-cách cảm-nghiệm về quan-hệ lệ-thuộc khác với quan-hệ cha-con ở đời đòi nhiều cảm kích, biết ơn. Và, giả như ta áp-dụng tính lắng dịu thật ý-nghĩa của sự việc này với Chúa, chắc chắn ta sẽ có được cái nhìn khác về “Cha-và-Con” nơi Ba Ngôi Đức Chúa.

Thần Khí, không là yếu tố dửng dưng được Hội thánh bổ túc thêm vào tình “Cha-và-Con” cho có chuyện; nhưng là tình thương yêu, là “bầu khí” trong đó Thiên-Chúa là “Cha-và-Con” đến với ta một cách gần gũi hơn ta suy-tưởng hoặc nói đến. Tình thương yêu, dạy cho ta biết: ta cần làm lắng dịu tính tuyệt-đối không xứng-hợp nơi người “Cha” và cả “Con” nữa. Chính động-lực lắng dịu này, vẫn được coi là Thần Khí Chúa, tức Thần và Khí của Tình Thương Yêu, Chúa diễn tả.

Thần Khi Chúa còn nhiều chức-năng khác nữa. Và, một trong các chức-năng đó, là công tác của Tình Thương yêu vẫn thể-hiện nơi mỗi người và mọi người. Có ở trong Thần Khí và nhờ vào Thần Khí, ta mới thông hiểu và cảm kích được ý niệm “Cha-và-Con” ở cấp độ cao cả, của Đức Chúa. Là người con thấp hèn, ta hay dựa vào người khác, đặc biệt là người gần gũi với mình, để đưa ra sự việc, ý tưởng hoặc động-thái không liên can gì đến người ấy. Nhiều ý-tưởng và sự việc hiển-nhiên do ta tưởng tượng ra, nhưng “người khác” kia vẫn chấp nhận những gì ta tạo ra cho họ, vì họ chỉ muốn được yên hàn với ta, mà thôi.

Với Thiên Chúa, đôi khi ta cũng hay làm thế. Nhưng thật sự, Chúa lại không mấy thích hợp với những gì kỳ-quái do ta tạo ra. Chúa là Đấng không chấp-nhận được ý-tưởng kỳ-quái do ta làm cho người khác, đặc biệt là những người gần gũi với mình. Ý tưởng đó, chỉ có thể xảy ra ở nơi Chúa đến mức độ sự lắng-dịu trọn-vẹn trong “Cha-và-Con” luôn có chỗ đứng thực sự. Và, chỉ khi Chúa có ở đó, thì Thần Khí của thực tại yêu thương tràn đầy mới vui hưởng được tình thương trọn-vẹn. Bởi thế nên, có lẽ Thiên-tính là chốn miền ở đó mọi sự đều do ta thổi phồng/phóng đại và mọi cố gắng để đạt đến tuyệt đối như tình “Cha-và-Con” như thế mới lắng dịu. Và Thần Khí trong Chúa mới thực sự là Đấng làm được việc đó cho “Cha-và-Con”.

Chính đó, là sự tự-do duy-nhất có trong Chúa. Tự-do, không dính dự vào bất cứ cảm-tưởng nào về tính tuyệt-đối nơi tình “Cha-Con-và-Thần-Khí”, mới đúng. Nhưng được phép tham gia vào sự tự-do đó, chính là ân-huệ Chúa ban cho ta, những người sẵn sàng dấn bước ra đi trên lối mòn lắng-dịu tính tuyệt-đối, và ra đi mừng vui tháp-nhập vào sự hiệp-thông giữa Chúa Ba Ngôi, cũng rất lạ.

Trong cảm-nghiệm tình Chúa Ba Ngôi rất thương yêu, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ rất lạ, mà rằng:

“Nhưng vũ trụ hư huyền, tuy rộng mở,
Ta đê mê cảm được chút gì đâu.
Hồn với xác, chỉ còn thoi thóp thở
Trong hai bàn tay sắt, bọc nhung nâu.”
(Vũ Hoàng Chương – Chết Nửa Vời)

Chết Nửa Vời”, chỉ là chết với xác-thân còn “thoi thóp thở”. “Ta đê mê”, cảm được tình Chúa Ba Ngôi hiển-hiện nơi con người. Tình “Cha-và-Con” có “Thần Khí” chan hoà, vẫn là tình thương ta cảm nghiệm suốt một đời. Với người đời.     
     
Lm Kevin O'Shea CSsR biên soạn
Mai Tá lược dịch 
____________________________________