Saturday 27 August 2011

“Khuyên một lời ư?

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 23 Thường niên năm A 04.09.2011

“Khuyên một lời ư?

Nhưng biết đâu, lời khuyên không chạm đến tim đau!”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mt 18: 15-20

Khuyên hay không khuyên, đâu là giải pháp của người đời, với vần thơ? Giải hay không giải, vẫn là quyết định của cộng đoàn đấng bậc khôn ngoan đầy kinh nghiệm, trong chung sống. Khuyên và giải, còn là ý tưởng chủ lực của trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là của thánh Mát-thêu được Phụng vụ Hội thánh rút tiả làm nền hầu khuyên giải thành viên nào đang có vấn đề tranh chấp. Trích đoạn, lấy từ chương 18 có những lời giải khuyên hãy nên sống như Đức Chúa, Đấng từng lân la sống với cộng đoàn đồ đệ thân thương, rất quí mến.

Cộng đoàn thánh Mátthêu xưa có các thành viên người gốc Do thái sống ở Antiôkia. Trước đó, cộng đoàn vẫn sống ở vùng phụ cận thành đô Giêrusalem, chốn đào tạo thành viên chuyên nghiệp, rất đạo hạnh. Khi người La Mã tìm đến bách hại, cộng đoàn này đã phải rời thôn làng mình làm dân lưu lạc ngay trong chốn phồn hoa thị thành mang tên Antiôkia, nơi hội ngộ của nền văn hoá giao lưu Âu Á, thời xưa cũ.

Bên trong khu nhà đầy cách biệt, là chốn tách bạch khỏi người Do thái tin vào Đức Giêsu. Vì sự tách bạch này, nên thường xảy đến nhiều cãi tranh, tị nạnh giữa kẻ tin Chúa và người chẳng biết tin vào điều gì. Vào ai. Khiến đôi đàng không thể hoà hợp, chung sống. Từ đó, vì có khó khăn, nên kẻ tin vào Chúa cũng bớt đi sinh hoạt đạo hạnh như trước. Và sự thể ấy dẫn đến tình huống rắc rối với cộng đoàn.

Đó là lý do khiến có nhiều người đến với thánh sử Mát-thêu để được tư vấn về các nguyên tắc chủ chốt khả dĩ giúp họ trở thành cộng đoàn lành thánh sống trong môi trường dù đổi mới. Đây, còn là nguồn hứng khởi khiến thánh sử viết lên chương sách mang nhiều ý nghĩa để rồi tóm kết bằng hai nguyên tắc chính cho cộng đoàn lấy đó mà sống. Nguyên tắc, là: trong cộng đồng dân Chúa không thể và không nên có một ai thấy mình bị lạc lõng. Và, nguyên tắc thứ hai, là: trong cộng đoàn tình thương làm con Chúa, không thể và không nên có thành phần nào bị bỏ rơi, quên lãng. Hoặc, hư mất.

Thánh sử còn quả quyết: giả như cộng đoàn quyết tâm tuân thủ hai nguyên tắc làm nền để sống chung, thì mọi sự cũng sẽ đâu vào đó. Bằng không, chẳng có gì chứng tỏ họ là cộng đoàn Kitô-hữu, đúng ý nghĩa cả. Đó là qui định tư riêng. Qui định đòi chúng dân phải sống, không như thể chế nguội lạnh, mà là gia đình ấm cúng, rất anh em. Đó, cũng là đề nghị được thánh Mát-thêu đặt ở Tin Mừng chương 18. Rủi thay, các đấng bậc chủ quản phụ trách chọn bài đọc cho Phụng vụ Chúa nhật, lại không mấy chú tâm đến ý nghĩa trọn vẹn trong chương này từng qui định.

Ở đầu chương này, đã thấy nổi lên một tham luận, có Chúa dự. Tham luận này xoay quanh câu mà các môn đệ cứ là hỏi nhau: “Ai là người lớn nhất ở Nước Trời, đây? “(Mt 18: 1) Nếu tưởng tượng, người đọc sẽ thấy đồ đệ Chúa quây tụ thành vòng tròn ngồi ở sân làng rồi kháo láo với nhau: “Rồi, Thầy sẽ cho ta biết ai là người lớn nhất. Và, đâu là tiêu chuẩn để định ra người lớn nhất Nước Trời? Chúa chẳng nói gì. Ngài chợt thấy một bé em đang nghịch đất, Ngài bảo bé đến ở giữa vòng tròn, rồi bảo:“Nếu anh em không như trẻ bé mọn, sẽ chẳng vào Nước Trời.” (Mt 18: 3). Và, thánh Mát-thêu triển khai thêm ý nghĩa “nên như trẻ bé mọn”.

“Trẻ bé mọn” đây, nên hiểu theo nghĩa biểu tượng. Bởi thời xưa, ”trẻ bé mọn” không khi nào mang ý nghĩa của những ngây thơ, trong trắng hoặc nét đẹp không hao mòn như ở Anh thời nữ hoàng Victoria. Với thế giới Híp-ri, thì “trẻ bé mọn” là biểu tượng của những kẻ không có quyền, dù quyền hành hay quyền lợi. “Trẻ bé mọn”, là những người nghèo hèn. Là, kẻ bị quên lãng, bỏ ngoài bên xã hội.

Với cộng đoàn Kitô hữu, những người ăn trên ngồi chốc, các bậc vị vọng, đạo hạnh, quyền thế, giàu có, chẳng bao giờ là “trẻ bé mọn” bị quên lãng, hoặc hư mất hết. Như Chúa nói: “Anh em chớ nên khinh thị một ai trong đám trẻ bé mọn này…Con Người đến để cứu cái gì hư mất.”(Mt 18: 10).

Thế nên, nguyên tắc làm “nền” cho cộng đoàn Nước Trời người tín hữu Đức Kitô, là: đón mừng” “trẻ bé mọn”. Nói vắn gọn, thì như thế cũng đủ. “Mừng đón” là câu nói đầu chỉ một hành xử đúng đắn. “Đón mừng”, phải là hành xử rất ban đầu và trước tiên của cộng đoàn. Chí ít, là cộng đoàn dân con của Chúa. Mừng-đón-trẻ-bé-mọn, không là đón mừng các đấng toàn năng, toàn thiện. Mà là, mừng và đón những kẻ sẽ chẳng-bao-giờ-trở-nên-toàn-thiện, tuyệt vời. Đây, là sinh hoạt vào lúc đầu của cộng đoàn dân con Đức Kitô. Cung cách ta mừng đón “trẻ bé mọn” phải khác cung cách đón mừng, rất chung chung. Tức, ta phải mừng đón những “trẻ bé mọn” không hoàn chỉnh, khi họ lạc lõng, hư mất. Đón và mừng những con người bị đồng hoá với “trẻ bé mọn” như thế, tức là không được phép để người ấy lạc lõng, bị bỏ rơi, hư mất.

Ai trong chúng ta thực sự, và trên thực tế, từng lạc lõng? Nói nôm na, thì thế này: sống trong cõi đời nhiều bon chen/tranh chấp, ta phải định ra chỗ đứng của mình. Phải biết mình đang ở đâu. Làm sao để người khác tìm ra mình hoặc mình tìm ra người khác đang lạc lõng, hư mất? Đó là kinh nghiệm ban đầu. Đó là cung cách sống để ta luôn tìm thấy những “trẻ bé mọn” sống dưới mức hưởng được may mắn với mọi quyền lợi. Thế nên, ta cũng hiểu được tại sao lại gọi những “trẻ bé mọn” ấy là kẻ lạc lõng, hư mất. Trong khi, họ là người lẽ ra không đáng bị ta quên lãng, coi thường. Họ phải được ta mừng đón và kiếm tìm một cách tích cực, để rồi ta đưa họ vào tận trung tâm điểm của cộng đoàn. Nếu không làm thế, thì không thể và không đáng gọi là thành viên cộng đoàn Kitô-hữu, tức cộng đoàn không có ai và không một ai bị lạc lõng, hư mất.

Đối chọi lại hành xử mừng đón trẻ bé mọn, là cản trở trẻ lạc lõng, hư mất. Cản trở, được coi như một hành động bỉ ổi. Rất tai tiếng. Cản trở tức trở thành sỏi cát lọt trong giầy của trẻ bé hèn mọn vậy. Những người là sỏi cát cản trở bước đi của bọn trẻ bé, lại chính là những người mắc lỗi nặng trong chung sống. Sống rất chung, đời cộng đoàn dân con của Chúa. Người cản trở trẻ bé mọn như thế, chỉ đáng cột cổ vào đá, quăng xuống biển, một hình phạt dành cho lỗi phạm, cũng khá nặng.

Bởi thế nên, thánh Mát-thêu mới tóm tắt giới lệnh căn bản, trong 10 giới lệnh yêu thương bằng câu: “Không được nên cớ vấp phạm cho người nào trong các “trẻ bé mọn” tin vào Ta” (Mt 18: 6-8). Và cả câu 14: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không hề có ý để ai trong những trẻ bé mọn này hư mất.”

Nguyên tắc thứ hai cho cộng đoàn chung sống cũng gần giống như nguyên tắc đầu. Tức, trong cộng đoàn Kitô-hữu ta chung sống, không ai được phép có hành xử với mọi thành viên khác như người hư mất, khó thứ tha. Một trong cung cách bị coi là lạc lõng, hư mất, tức là không thể tha thứ cho người ấy. Trong cộng đoàn Hội thánh, không thể có động thái giống như thế. Đó là ý tưởng mà thánh Mát-thêu còn viết nhiều ở các chương đoạn kế tiếp.

Tựu trung, ý tưởng mà thánh nhân muốn nhấn mạnh, là: hãy ra đi mà tìm kiếm những “trẻ bé mọn” đem họ về lại với cộng đoàn. Công tác này, không thể là động thái bốc thăm, may rủi, được. Nhưng, phải là mục tiêu hành động. Là, hành xử mang tính cách xuyên suốt, rất văn hoá. Là, mục tiêu phải đạt chứ không là động thái thích thì làm không thích thì thôi. Thời buổi hôm nay, còn rất nhiều “trẻ bé mọn” đang lạc lõng bằng cách này hay cách khác qua cách hành xử của ta và “trẻ bé mọn” dễ bị cuốn hút vào chốn “hư mất”, nếu ta không ngó ngàng gì đến họ. Và, vấn đề là hỏi: ta có bỏ công đi tìm những người như thế, mà đưa về “ràn chiên” Hội thánh không?

Tại thành đô Giêrusalem hôm nay, có khu tưởng niệm “những trẻ bé mọn” bị lạc lõng/hư mất trong lò thiêu sống. Bên trong khu này, là phòng tối có những đốm sao lấp lánh chiếu lên ảnh hình và tên tuổi của từng bé em bị lạc lõng, thân hư nát.Và, có cả tiếng giọng ở hậu trường gọi tên em bằng tiếng Aram tựa hồ tiếng của Cừu mẹ Rachel gọi cừu con đang bị lạc. Chính đó, là ý nghĩa của trích đoạn trình thuật mà thánh sử Mát-thêu, xưa nay muốn diễn tả.

Thánh Hội của ta hôm nay có đang cuồng điên gọi tìm “trẻ bé mọn” đang đi lạc, ở đâu không? Gọi và tìm, như ý tưởng của thánh sử Mát-thêu từng ghi chép? Có hay không, cũng nên tự hỏi: cho đến nay ta đã bao lần ;à hạ sỏi trong giầy của trẻ bé mọn? Ngày hôm nay, ta có cảm nghiệm sống thực hiện nguyên tắc/lý tưởng này trong thể chế có tổ chức thành cộng đoàn không? Nếu chưa, thì ta có ý định bắt đầu ngay chưa?

Là thành viên Hội thánh lớn/nhỏ, câu hỏi ấy đã trở thành vấn nạn gửi đến cho người. Cho mình.

Trong tâm tình tìm câu trả đáp cho thoả đáng, cũng nên tìm nguồn hứng khởi ở câu thơ, rằng:

“Lời khuyên không chạm đến tim đau.

Tim đau sẽ vọt ngàn tia máu.

Đọng lại muôn ngày vết hận sâu…”

(Nguyễn Bính – Cầu Nguyện)

Nhà thơ đời vẫn hỏi, như một lời nguyện cầu. Cầu mọi người. Nguyện ở mọi nơi. Cả những nơi có con tim không “vọt ngàn tia máu” xót thương. Tia máu yêu thương những là tìm đường mà mở rộng vòng tay đó những “trẻ bé rất mọn hèn”, còn lưu lạc ở nhiều nơi.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh - Mai Tá luợc dịch.

Saturday 20 August 2011

“Hôm nay cây quế trong rừng,

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 22 Thường niên năm A 28.08.2011

“Hôm nay cây quế trong rừng,

“bỗng nhủ cùng làn suối bạc,”

“xuân này tôi khopác áo nhung”

“mà bác vang lừng tiếng nhạc.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 16: 21-27

Có là cây quế trong rừng, cũng chỉ vang lừng tiếng nhạc với suối bạc, thôi. Nếu là cây quế trong Đạo, lại sẽ vang lừng cả tiếng thơm hay tiếng hát về vị thánh cả ở trình thuật hôm nay. Trình thuật, nay nêu rõ câu chuyện và công việc của thánh cả Phêrô để người người suy tư, bàn bạc.

Suy và bàn, tập trung vào đấng thánh có chỗ đứng quan yếu trong Giáo Hội là Phêrô thánh nhân, rất tông đồ. Thế đó, là vị thánh xuất thân từ ngành nghề có lưới có chài, và cá mắm. Đấng thánh sống ở Caphanaum xứ biển hồ, rất Galilê. Với ánh nhìn của thánh sử Luca, thì thánh Phêrô thuộc loại “chậm lụt” về văn chương, văn hoá với văn nghệ. Chậm và lụt, về khoa ăn nói, thưa gửi lẫn trần tình.

Thánh Mát-thêu nay cho thấy thánh cả Phêrô là lãnh tụ khá bình thường của nhóm hội đồ đệ theo Chúa giảng rao về Nước Trời. Nói khác đi, ngài là người giản dị. Cứng cỏi. Lại chậm hiểu.

Đức Giêsu từng nói với thánh nhân và đồ đệ đồng hành về kế hoạch do Cha đưa ra mà Chúa phải thực hiện cho bằng được ngang qua sầu buồn. Khổ đau. Và, nỗi chết trên thập tự. Trong khi đó, thánh cả nhà Đạo vẫn nghĩ Thầy mình là Đấng Mêsia Thiên Sai tựa hồ Đavít xưa, tức: ứng viên siêu phàm cho chính trường Do thái. Để rồi, rất thất vọng khi Thầy Chí Ái bộc lộ kế hoạch Chúa Cha đề ra. Tức, Ngài sẽ bị thảm sát chết nhục, vốn vượt quá sức tưởng tượng của đồ đệ bình dân, chân chất.

Và rồi, thánh cả Phêrô lại cứ nghĩ rằng Thầy mình chỉ gặp ngày xui tháng hạn, nên mới sử dụng chức năng do Thầy tặng ban cho riêng mình. Đó là lúc thánh nhân tỏ ý phiền hà, và khuyến cáo Thầy. Sai lầm của thánh nhân là ở chỗ: không nhận chân được vị trí của mình. Tức, thay vì chỉ biết theo chân Thầy như các đồ đệ khác, nhưng lại “lanh chanh” “qua mặt” làm “kỳ đà cản mũi” Chúa.

Rất nhiều lần, Tin Mừng cho thấy chân tướng đích thật của thánh cả nhà mình là đấng thánh không ổn định về quan điểm/lập trường vốn chống đối những gì mình không hiểu hoặc không muốn xảy đến. Thánh nhân từng lẫn lộn nhiều thứ, như: việc đi trên nước. Việc xây 3 lều tạm để Chúa ở, khi thấy Thầy mình biến hình. Rồi, còn chối bỏ Thầy và anh em những ba lần. Sau này, còn để thánh Phaolô phải tái lập trật tự vì thánh cả nhà mình từ chối ngồi cùng bàn với dân ngoại.

Nay, thấy Thầy mình dùng ngôn từ gắt gao và dữ dằn mà quở mắng, thánh nhân không ngờ sao mình lại dám khuyến dụ Thầy bỏ ý định nghe lời Chúa Cha mà chấp nhận thất bại dẫn đến nỗi chết trên thập tự. Thật sự, thì thánh cả Phêrô chỉ muốn Thầy chọn con đường hoạn lộ, thênh thang mở, thay vì con đường nhỏ chỉ gồm mỗi con lộ tẻ hạn hẹp, là sự chết.

Nghĩ chuyện của thánh cả Phêrô trong vai trò lãnh đạo Hội thánh khiến ta suy về cung cách hành xử của thánh hội, trong quá khứ và hôm nay, không khác gì lối xử sự rất kẻ cả, kiểu “Đá Tảng” rất Phêrô. Hội thánh lâu nay quản cai dân con mình bằng cung cách phàm trần, như: quảng cáo rầm rộ, quyên góp tối đa, nặng phần trình diễn, theo sát bài bản ngành tâm lý chiến, đặt nặng công tác tiếp cận thị trường, thay vì chấp nhận thập giá đau thương, trầm lặng.

Trên thực tế, Hội thánh ngày nay chỉ muốn thiết dựng loại hình thừa tác rất bán buôn, thay cho công việc thừa tác đặt nặng lên cung cách phục vụ. Vẫn cứ chọn kiểu “mì ăn liền” nhanh gọn kiểu hưởng thụ. Trong khi đó, vẫn đặt gánh nặng trên lưng kẻ khác, thay vì chấp nhận thương đau cho chính mình. Hội thánh những muốn phô trương một giáo hội sùng mộ chuyện hình thức, không đích thực. Những muốn sống thoải mái, ăn trên ngồi chốc, được người người kính trọng, hầu hạ mà thôi.

Nhìn vào lịch sử, thì thánh cả Phêrô đã muốn thuyết phục Thầy hành xử theo kiểu người phàm, và tưởng rằng với vai trò Thầy trao ban, mình có thể khuyến dụ Thầy mình. Khuyên dụ Thầy bỏ rơi kế hoạch do Cha trao phó. Là, đừng làm nhiều. Chỉ cần làm “dân thường” nhà Đạo, mọi việc rồi cũng xong. Và, thánh cả vẫn muốn khuyên Thầy sống thực tế, để mọi việc rồi cũng qua đi. Cũng đạt kết quả, thôi.

Nhưng, Đức Giêsu không đồng quan điểm với thánh cả Phêrô. Ngài tỏ bày cho thánh nhân bằng lời chân tình thời đại, rằng: “Nếu anh chọn quan điểm của các nhà chính trị chuyên lo cho người nghèo luôn bị áp bức, thì các người ở trên chỉ tạm thời theo anh, rồi họ sẽ dùng anh làm quân cờ để giảm hạ phẩm cách của anh và rồi sẽ vắt chanh bỏ vỏ, thôi. Nhưng, nếu anh thực tình lo cho người nghèo, anh không thể phản bội những người ấy, mà phải trung tín với họ. Giới cầm quyền ở trên có ghét bỏ hoặc xoá tên anh. Hãy để mặc Chúa lo, chỉ cần sống trung thực với chính mình và với họ, anh sẽ thành công.

Thánh Phêrô không nắm bắt được quan điểm của Chúa. Vậy, ai lĩnh hội được đây?

Đức Giêsu rất kiên trì. Ngài như đang nói với thánh Phêrô một điều tuy không lạ, nhưng vẫn quen: “Anh chưa là đá tảng, nhưng nếu trên đá đó có ai giống hệt như anh, thì cuối cùng ra Ta cũng sẽ và cũng có thể dựng xây thánh hội, do Ta muốn.”

Cuối cùng ra”, là ngôn từ mang trọn ý nghĩa này, là: khi ta học chấp nhận hậu quả do mình quyết tâm thi hành, thì như thế. Ta có thích làm thế hay không, chẳng vì thập giá là điều tốt hoặc đáng nể sợ. Nhưng, vì tình thương và sự quyết tâm luôn là những điều tốt đẹp nên làm cho kẻ mình thương yêu, muốn giúp. Thế nên, thánh cả phải xử sự theo đúng ý định của Chúa ngõ hầu mới trở thành đá tảng để mọi người dựa dẫm ngang qua con đường cam go của mình.

Có thể là, các “đá tảng” thánh hội lớn/nhỏ trong Hội thánh vẫn chưa đối xử với người hèn kém trong đời và với những người quyết tâm dấn bước theo mình, như thánh cả là vì chính mình chưa giáp mặt thực trạng thống khổ mà Chúa lĩnh chịu. Các thánh cả trong thánh hội lớn/nhỏ hôm nay đã và đang trở nên như cát vụn hơn là đá tảng cho mọi người dựa dẫm. Thứ cát vụn không thích hợp để làm nền cho bất cứ ai. Bất cứ thứ gì. Khi xưa, đấng-thánh-là-đá-tảng đã tham dự cuộc thống khổ đầy cứu độ của Chúa, đã khóc hết nước mắt cho nhân loại thế nào, thì các “đá tảng” của thánh hội lớn/nhỏ hôm nay, cũng phải làm như thế mới tiếp tay rải tràn ơn ấy đến với người ở dưới được.

Thánh cả Phêrô đã thực sự học được điều ấy, thấy rất rõ. Sách Công vụ kể rằng thánh nhân rời Giêrusalem vào niên biểu 43, tức 13 năm sau ngày Thầy mình chịu khổ hạnh trên đồi Calvary. Và, sau khi thoát khỏi ngục tù và rồi lưu lạc qua Antiôkia, thánh cả đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm trách các vụ việc mang tính chính trị của người theo Đạo vào thời đó. Cuối cùng ra, thánh nhân cũng về lại Rôma, mà sinh hoạt. Và, truyền thống Hội thánh công nhận rằng thánh Phêrô hiểu rõ ý định của Thầy nên đã chấp nhận tử đạo vào thập niên 60, ở La Mã. Chính ở nơi đây, các sử gia trong Hội thánh đã tìm ra địa điểm thánh cả chịu hành hình, và yên nghỉ. Khi ấy, là thời bạo chúa Nêrô hoành hành, bách hại.

Kịp đến thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantin mới ra lệnh xây một thánh đường trang trọng để tưởng nhớ thánh cả, ngay tại địa điểm ấy. Đó là Đền thánh Phêrô hiện tại, được xây ngay bên trên mộ phần của thánh nhân. Trong lịch sử, nhiều thánh tích của thánh cả Phêrô từng được cất giấu nơi mộ phần ngài cũng được bốc lên đặt bên trong bức tường của đền thờ. Ngay như bàn thờ kính thánh nhân cũng được đặt phía bên trên mộ phần của ngài. Và ở phía cao bên trên nóc, vẫn còn hàng chữ ghi rõ: “Này Phêrô, con là Đá tảng, trên Đá này Ta sẽ dựng xây thánh hội của Ta”.

Thánh Phêrô thực sự hiểu được ý nghĩa của lời Thầy phán bảo. Và, thánh hội vẫn đứng vững trên đá tảng của sự học hỏi, hiểu biết như thế. Thế nhưng, giống như thánh cả Phêrô, hội thánh còn phải làm nhiều việc hơn nữa mới đạt được điều mình học hỏi. Thánh hội, cần tìm ra những gì mà tình thương yêu người nghèo đòi mình phải làm. Nhất thứ, đừng bao giờ bỏ qua hoặc đặt nhẹ lập trường/quan điểm về những đòi hỏi dù gắt gao hơn thế nữa.

Trong tinh thần học hỏi này, cũng nên ngâm thêm lời thơ mang đầy tính những học và hỏi, như:

“Hôm nay gió bảo cùng mây:

Rời xa những miền tuyết trắng,

Tôi từ biển vắng về đây

Mừng hội Xuân này đẹp nắng.”

(Đinh Hùng – Âm Hưởng)

Âm hưởng, mà nhà thơ đời học được từ con người, sẽ là và vẫn là điều mà nhà Đạo cần ghi nhớ, để rồi sẽ không quên. Không quên lời dặn hãy rời xa “miền tuyết trắng” thoải mái, sướng vui. Bệ rạc, ngõ hầu sống thực ý định Cha mang đến. Bởi đó không chỉ là quyền tháo cởi, cột buộc mà là thực trạng “mừng hội Xuân này đẹp nắng”, rất Phêrô.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

Saturday 13 August 2011

“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 21 thường niên năm A 21/8/2011

“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,”

tình người muôn thuở vẫn còn vương.”

(dẫn từ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)

Mt 16: 13-20

Nước chảy hoa trôi, chuyện ở đời. Vui ngày gặp lại, chuyện đời ta. Chuyện của đời ta hay của dân con nhà Đạo, vẫn là trình thuật mà thánh sử Mát-thêu nay đã ghi.

Trình thuật thánh Mát-thêu, nay ghi một chuyện đời có lai lịch tự sự, về Hội thánh mà người người đều đã nghe nhiều lần, rất tường tận về vai trò, chức vụ và quyền uy của thánh Phêrô, đấng đầy-tớ-Chúa trong Hội thánh.

“Anh là Phê-rô, nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, vẫn là lời vàng ghi trên cao nơi bàn thờ ở Vương Cung Thánh Đường ở La Mã. Lời vàng, nay mang ý nghĩa gì?

Dĩ nhiên, đây không là tuyên bố chính thức, một thứ “luật bất thành văn” như nhiều người nghĩ tưởng hoặc cho như thế. Đây chỉ là tên gọi riêng, thông thường được tặng gán cho thánh Phêrô, vào thời đó. Tên của thánh nhân là Shi-môn (hoặc: Si-môn, bên tiếng Do thái). Tên tục, mà Chúa vẫn gọi bằng tiếng AramKêpha. Tiếng Hy Lạp, là: Petros. Tiếng Anh, là: Đá Tảng, nên ta luôn hiểu thánh nhân là như thế. Tên như thế, là hiểu theo biểu tượng và ý nghĩa “Đá tảng” mà Chúa dùng để nói về thánh nhân, thôi.

Ta lại bảo: Chúa đã làm cho thánh nhân trở thành “tảng đá”, hoặc nền tảng rất cứng như đá trên đó Ngài dựng xây cộng đoàn mới mẻ, là Hội thánh của Ngài. Ảnh hình về đá tảng có cạnh góc làm nền cho dinh thự/nhà cửa là điều được người Do thái vẫn thừa biết. Do thái, là nước được xây trên đá tảng rất nền tảng của Sion, tức: đền thánh Giêrusalem, mọi người đều biết, đặc biệt người Hồi giáo nay còn sùng kính “Đá Tảng Vòm Cung”, trên đó nữa.

Người xưa nghĩ: vũ trụ này chắc cũng được xây trên đá tảng nào đó, giống như thế. Ngày nay, khi nói về nền tài chánh, có người còn hình-tượng-hoá hệ thống kinh - tài của nhiều nước như đá tảng vững chắc. Đá tảng, còn là tên mà người Do thái dâng lên Giavê Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Bình An. Là, Nền Tảng của mọi sự. Ý tưởng này, thấy nhiều ở Thánh vịnh lời ca trong Cựu Ước vẫn coi “đá tảng”, là nơi an toàn ta tìm đến mà trú ẩn, không sợ hãi. Cũng thế, ta quan niệm thánh Phêrô là biểu tượng của an toàn trong Hội thánh. Từ nền tảng an toàn này, nhiều Đức Giáo Tông cũng nghĩ về vai trò của mình, y như thế.

Không rõ đó có là ý tưởng của thánh Mát-thêu khi viết trình thuật này, không? Có thể, khi viết thế, thánh sử liên tưởng đến truyện về Môsê được kể ở sách Dân số (x. Ds 20: 11). Với thánh Mát-thêu, Đức Giêsu chính là Môsê Mới. Bởi thế nên, khi ông được Giavê dạy bảo: “Hãy lấy gậy mà đập vào đá tảng, nước sẽ chảy ra cho dân con uống”. Lúc đầu, Môsê còn do dự. Gõ mãi, chẳng thấy gì. Gõ lần nhì, tức thì nước từ đá tảng chảy ra. Chảy, đến độ nhiều người coi đó như “đá nhỏ lệ”, hoặc: “lệ đá xanh”. Có điều ai cũng rõ, đó là: mọi người đều cần đến nước. Nước, là sự sống phát xuất từ đá tảng từng chảy nước mắt/khóc ròng có nguồn gốc là thế. Và, khóc là động thái mang lại sự sống cho kẻ khác. Cho người khác như trẻ bé lúc chào đời, cũng giống thế.

Trình thuật, nay cho thấy: Đức Giêsu nghĩ về “đá tảng” xưa khi Ngài tỏ bày với ông Simôn, như đã nói: “Ông là đá tảng chảy nước mắt giữa dân con Thầy” (x. Mt 16: 18a). Tức, ông sẽ chảy nước mắt, khóc ròng với lòng xót thương mọi người. Và, đó là chức năng chính mà Chúa muốn thánh Phêrô thực hiện trong Hội thánh. Đó, cũng là cung cách mà thánh nhân cùng các lãnh đạo Hội thánh được ủy thác để rồi chính mình lại ban thứ “nước” sống động ấy cho mọi quan viên trong thánh Hội. Thật khó mà tưởng tượng chuyện các thánh có địa vị như Phêrô đem “nước sống động” ấy cho Hội thánh, mà lại không khóc ròng vì thánh Hội, vào mọi lúc.

Đây, còn là ý tưởng chủ lực về vai trò/quyền uy của Đức Giáo Tông và đấng bậc vị vọng trong hội thánh, ở mọi cấp. Bởi, đã là thành viên Hội thánh, thì cả các đấng bậc lẫn Đức Giáo Tông, đều phải vững như đá, đến độ: không gì có thể mua chuộc hoặc làm suy xuyển lòng dạ sắt đá của các ngài. Và, câu hỏi đặt ra, là: ai trong hàng ngũ các ngài, lại có thể chảy nước mắt cho Hội thánh? Với Hội thánh, không? Ai có thể làm cho mọi tình huống trong thánh hội bớt gay go và tạo được khả năng thực hiện những gì ta nghĩ là không thể hiện thực được?

Câu trả lời, sẽ là: nếu Đức Giáo Tông và các bậc vị vọng trong hội thánh trả lời được câu hỏi ở trên, thì chỉ khi ấy các ngài mới thấy được “nước sự sống”, rất đích thực, Chúa dành cho mọi người. Chỉ khi ấy mọi người mới hưởng được ơn huệ sống động từ đá tảng “Hội thánh” chảy ra cho mình. Mới thấy phát sinh sự sống thực có được, từ nỗi chết. Có thế, ta mới đạt một loại hình rất khác biệt về bí nhiệm “Vượt Qua”.

Bằng vào ý tưởng trên, thánh Phêrô là biểu tượng của lòng đại độ/xót thương đối với các bản vị trong Hội thánh. Với các vị đang chân thành đến với Hội thánh. Hoặc, đang quan hệ với thánh Hội. Bởi, Hội thánh thực sự không chỉ -và không là- biểu tượng của an ninh/an toàn, cho một tổ chức nào hoặc một nhóm nào đó, mà cho tất cả mọi người. Và cho tất cả mọi nhóm hội/đoàn thể. Chỉ khi ấy, thánh Phêrô-là-Vị-Đầy-Tớ-Chúa mới không bị tách biệt khỏi thánh hội.

Bởi, thánh nhân được gìn giữ khỏi mọi tai ương, bất lợi. Bởi, thánh nhân ở trên và ở ngoài mọi bi hài kịch đời người, là thánh hội. Ngài là “đá tảng” từng chảy nước mắt/khóc ròng vì dân con của mình. Thánh nhân chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện để cho thành viên của mình ở bên trong đá tảng. Ở giữa những cam go, khó khăn. Gay gắt. Ngài là đấng bậc biết cảm thông với mọi thành viện trong thánh hội, mọi hoàn cảnh. Đó là vai trò của Simôn, rất Phêrô.

Chính vì thế, nên Chúa mới nói: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi ông.” (Mt 16: 18b). Nghe câu này, lâu nay ta cứ tưởng như hiện có hai thứ quyền lực đối chọi nhau. Tranh chấp nhau. Và, chỉ một quyền lực chính đáng là Hội thánh khả dĩ chiến thắng được quyền bính tà vạy, là “thế gian”. Nghĩ thế, tức đã chấp nhận chiến tranh. Đối chọi. Và, tranh chấp rồi.

Về ý tưởng đá tảng chảy nước mắt/khóc ròng, ở đây nữa, Hội thánh không thể “chiến thắng” quyền uy đối chọi và đối lập bằng cách đứng trụ như đá tảng mà không đầu hàng, không nhân nhượng. Hội thánh cũng không thể thắng quyền lực đối chọi bằng quyền uy dũng mãnh đơn độc của mình được. Mà, Thánh hội, phải vượt trên và vượt qua mọi giai tầng quyền uy, sức mạnh. Dù, tốt đẹp.

Hội thánh không thể chiến đấu chống quyền uy thế trần bằng cách tự tăng cho mình thêm nhiều quyền. Mọi quyền uy vững chắc như “đá tảng”, cùng thế lực ở-môi-miệng sẽ không thể thắng quyền lực “tử thần” được. Bởi nếu không, Hội thánh cũng sẽ phải sống cuộc sống rất tử thần. Rất ngục thất. Và “quyền môn âm phủ” sẽ chẳng bao giờ lướt thắng được bí nhiệm của hiện tượng “chảy nước mắt/khóc ròng” ngang qua đớn đau của ai khác. Hoặc, nỗi thống khổ của đối phương. Đó, là điều Chúa muốn nói khi Ngài hứa với thánh Phêrô, là: thánh nhân sẽ khóc ròng, bất kể chuyện gì sẽ xảy đến.

Sau đó, Chúa còn thêm: “Thầy trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16: 19a), tức Lời Chúa hứa đây, tức: những gì ông ràng buộc hoặc tháo gỡ ở Hội thánh, sẽ được cột hoặc tháo ở Nước Trời. Cột buộc, là đặt dưới quyền uy sức mạnh nào trói cột mình với những gì ma quái, không thoát được. Tháo gỡ/cởi bỏ, là tháo và cởi khỏi sức mạnh nào đó đang dính cứng vào vai trò của ông. Nói rõ hơn, thánh Phêrô sẽ đứng vững và không ai tháo gỡ nổi uy quyền dũng mãnh của mình dù là ma vương quỷ quái. Và, chỉ mỗi việc “chảy nước mắt/khóc ròng”, mới thật sự là “chiến thắng” lạ kỳ đối với những gì được coi như “không thể chuyển đổi” được. Chảy nước mắt/khóc ròng, còn là giải thoát, cởi bỏ để con người đến với tự do.

Đọc kỹ trình thuật, ta sẽ hiểu được tâm trạng của thánh Phêrô đến mức độ nào còn tuỳ thuộc ta có hiểu được điều Chúa nói hay không, thôi. Rõ ràng là, thánh Phêrô đang học cách “khóc ròng” cho Hội thánh. Vì thánh hội. Thế nên, ta nghĩ và thực hiện Lời Chúa thế nào cũng sẽ tuỳ vào cung cách thánh Phêrô và các vị kế tục, tức các lãnh đạo tôn giáo trong Hội thánh đang hành xử quyền uy vậy.

Thánh Phêrô đã phải mất một thời gian dài mới học được cách trở nên “đá tảng” biết khóc ròng, xót thương mọi người. Biết, vượt trên quyền uy các cấp. Để chứng minh, cuộc thương khó của Đức Giêsu là bài học quý giá đầu tiên của thánh Phêrô, rất “đá tảng”. Thánh nhân đã có lúc muốn chối bỏ sự việc đang xảy đến với chính mình. Và, thánh nhân từng tách rời khỏi Thầy mình, cho đến lúc Chúa quay lại nhìn, thánh nhân mới ra đi “chảy nước mắt”. Và, “khóc ròng”. Khi ấy, thánh nhân đã học được cung cách khóc cho hội thánh. Và, chính vào giờ phút đó, ông mới đích thực là “Đá Tảng” của Giáo hội rất thánh.

Các đấng bậc kế tục thánh nhân, trong vai trò “chảy nước mắt”/“khóc ròng” giống thánh Phêrô, hiển nhiên cũng sẽ như thế. Và, các đấng bậc vị vọng từ Giám mục chủ quản cho chí linh mục, tức những vị có vai trò lãnh đạo Hội thánh, cũng nên học cung cách ấy. Cung cách “khóc ròng” vì mọi người. Và, chỉ có thế, thì các ngài mới có thể truyền đạt tự do, cho con Chúa. Và chỉ có thế, thì: tự do con cái Chúa sẽ không chỉ là danh từ bâng quơ nhưng sẽ là tên gọi đích thực của Vương Quốc Nước Trời?

Trong tinh thần hiểu biết rất như thế, tưởng cũng nên ngâm tiếp câu thơ hát ở trên, rằng:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,

chuyện đời như nước chảy hoa trôi,

Lợi danh như bóng mây chìm nổi,

chỉ có tình thương để lại đời.”

(Tôn Nữ Hỷ Khương – Còn Gặp Nhau)

Nước chảy hoa trôi, là tình đời. Gặp nhau hãy vui với tình người. Tình, của những người từng chảy nước mắt/khóc ròng, giống “lệ đá xanh”, rất Phêrô. Mọi thời. Ở mọi nơi. Ngay đây.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh - Mai Tá lược dịch.

Saturday 6 August 2011

“Đàn rơi phiếm rũ, sầu mưa gió,”

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 20 thường niên Năm A 14-08-2011

“Đàn rơi phiếm rũ, sầu mưa gió,”

“Nguyệt khuất mây mờ, lạnh khói sương”

(dẫn từ thơ Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân)

Mt 15: 21-28

Sầu mưa gió. Lạnh khói sương. Có thể, đó là cảnh tình của người đời. Đàn rơi phiếm rũ. Nguyệt khuất mây mờ. Nhjưng, cũng chưa hẳn là tình tự của người trong Đạo, bấy lâu nay.

Tình tự nhà Đạo, nay thánh Mát-thêu kể về nữ phụ xứ Canaan gặp Chúa, rất cảm kích mới có lời xin. Xứ Canaan, có thủ phủ Ty-a và Si-đôn là đất miền cận duyên, bên bờ Địa Trung Hải. Hai thị trấn cách đất liền đến 80 cây số, phía Nam Phênixia. Hôm nay, thánh sử kể về các sinh hoạt khác thường của Chúa, ngoài đất nước Do thái, ở xứ Canaan.

Về sinh hoạt Chúa làm, ngoài xứ miền Do thái, thánh sử kể cũng khá nhiều. Nhưng, không nói lý do tại sao Chúa đi xa như thế. Có thể, Chúa đã mệt vì đường xa, xứ lạ. Thế mà, khi nữ phụ xa lạ lại đón Chúa vào thôn làng. Cũng có thể, luận cứ ở truyện kể còn quan yếu hơn chi tiết địa dư, khoảng cách.

Trình thuật nay là truyện kể nữ phụ “ngoài luồng” và con gái bà lâm bệnh. Đúng ra là, mẹ con sinh sống ở xứ miền Phênixia. Với người Trung Đông, Canaan là một trong những địa danh có tên rất xấu, gồm toàn những người lạ kỳ, về nhiều thứ ít thấy trong Thánh Kinh.

Nói gì thì nói, nữ phụ Canaan đây, thuộc lớp người ngoài Đạo, là người dưng khách lạ mà lại được Chúa đón nhận như người trong cuộc. Bởi thế nên, luận điểm đề cập nơi trình thuật hôm nay là để nhấn mạnh lối hành xử rất nhân lành hầu đón nhận người ngoài vào với cộng đoàn Hội thánh mình.

Trình thuật, nay nhấn mạnh khuynh hướng gọi họ bằng những tên rất xấu, để loại bỏ. Loại và bỏ, như người thời nay khi nói đến dân con Ả Rập/Hồi giáo, người người có thói quen chụp lên người họ bằng những mũ chụp thiếu thanh tao/lịch sự, như: dân Rệp hoặc đám Hồi giáo khủng bố. Và, trình thuật nay cũng nói đến cung cách Chúa dung nạp những người mang tai tiếng, xấu đến như thế.

Mặt khác, nữ phụ này lại có người con vướng mắc một thứ tật bệnh mà người thời ấy gọi là “quỷ tha ma bắt” khiến bà phải gào thét đến cuồng điên, cốt để Đức Chúa Nhân Hiền nghe biết đến với bà, để chữa trị cho con gái bà. Ngài có chữa kẻ ngoài luồng mắc chứng dơ bẩn hay không, đó mới là vấn đề. Và, dân thường thời bấy giờ vẫn còn thắc mắc.

Kể ra, thì nữ phụ Canaan dù ngoài Đạo, nhưng đã tin Đức Kitô, nên bà gọi Ngài là “Con Vua Đavít“. Với thánh Mát-thêu, bà là người đầu tiên trong kinh thánh, dám tuyên xưng Ngài là Chúa, bằng miệng lưỡi. Chính bà là người dùng lời khẩn cầu phụng vụ và thánh vịnh của các đấng bậc từng tuyên tín vào Đức Kitô, như lời kinh phụng vụ lâu nay vẫn nhắc: “Xin Chúa thương xót chúng tôi.”, một lời kinh bằng tiếng Hy Lạp, rất “Kyrie eleison”, trong thánh lễ. Bà còn bái gối lạy quỳ trước mặt Ngài, một động thái khẩn nài ít thấy nơi người Do thái, khi nhắc nhớ điều gì với Giavê Thiên Chúa.

Nói rõ hơn, nữ phụ ngoài Đạo đã van xin Chúa một ân huệ, rất khó thực hiện: là, xin Ngài vượt lằn ranh thói tục luôn chê bai kẻ hạ cấp/thấp hèn như mẹ/con bà, những kẻ bị đào thải khỏi mọi chọn lựa trở nên dân riêng của Giavê. Bà xin Ngài thực hiện điều mà Giavê Đức Chúa không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa toàn thể mọi người về với tình thương. Cả khi đồ đệ Ngài bày tỏ:”Hãy bảo bà ấy đi đi, đừng đến mà làm phiền Thày.”

Nơi trình thuật, chừng như Đức Giêsu đã thách thức lời kêu cầu của nữ phụ bằng lời từ chối. Đây là việc ít thấy ở Tin Mừng, mà các thánh vẫn ghi. Bởi lẽ, kinh nghiệm cho thấy, hễ ai kêu cầu Chúa điều gì, Ngài vẫn đáp ứng bằng đáp ứng trọn vẹn cho người ấy. Trường hợp ở đây, không giống thế. Ngài không ứng đáp lời kêu cầu của nữ nhân ngoại luồng, là bởi vì Chúa Cha gửi Ngài đến với dân con được chọn, thôi. Sứ vụ Ngài thực viện, chỉ dành cho dân con người Do thái, rất đích thực. Chính vì thế, mà người đọc mới nghe thấy những câu so sánh cũng khá lạ:“Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con (ở ngoài)." (Mt 15: 26). Bằng vào lời này, ta thấy người Do thái xưa vẫn coi dân “ngoài luồng”, rất thấp hèn. Thách thức ở đây, còn có nghĩa: Chúa phản ứng như người Do thái bình thường sống theo luật, không để lời nài van từ ngoài, áp lực Ngài hành xử ngoài ý định của Cha.

Nhưng, nữ phụ Canaan vẫn thưa:”Đúng thế, thưa Ngài, nhưng lũ chó con cũng được hưởng vụn bánh trên bàn chủ, rơi xuống." (Mt 15: 27) Điều mà bà goá xứ Canaan muốn nói đến, là: loài chó nuôi trong nhà, tuy chạy rong ngoài đường, nhưng cũng được hưởng ơn lành như thú đã thuần hoá. Tức, phải được hưởng công bằng cần thiết. Bên tiếng Hy Lạp, mỗi khi nói đến loài chó nuôi, là nói đến gia súc sống gần gũi với chủ, do đó ít nhiều cũng được đối xử như người nhà, gần chủ nhà. Tức, cũng có chỗ đứng/ngồi gần bàn tiệc, dù dưới gầm. Và đây là trọng điểm mà vấn đề trình thuật đặt ra.

Ngay đó, Chúa thay đổi cung cách Ngài đối thoại bằng ngợi khen niềm tin của người đàn bà. Trình thuật không nói rõ đó có là niềm tin vào Ngài, vào Chúa hay không. Nhưng, nữ phụ Canaan lại đã chứng tỏ rằng bà vẫn là bản vị hiện hữu cần được đối xử như người trong cuộc. Xem thế thì, qua việc khen ngợi niềm tin của bà goá, Chúa muốn bảo cho mọi người biết: nữ phụ “ngoài luồng” này, nay đã là người trong cuộc. Tức, đã có trọng trách khiến cho người dưng khách lạ thấy được sự công bằng cần có, khi đối xử với người trong cuộc. Trong Đạo. Tức, cần dân con trong Đạo yêu thương, đón nhận họ để họ trở nên thành viên Hội thánh, như mọi bản vị biết thương yêu. Nhân hiền.Cởi mở.

Cũng có thể, thánh Mát-thêu đã ghi lại tâm tình của Chúa muốn nói đến các chủ thể lâu nay vẫn bị coi rẻ như loài chó, cốt để thử thách niềm tin, thôi. Kịp khi nữ phụ Canaan sẵn sàng chấp nhận thân phận thấp hèn lâu nay của mình, bị đối xử tồi tệ như loài thú, nhưng vẫn muốn được yêu thương/trọng đãi như người nhà. Bởi, loài chó lâu nay vẫn được coi là gia súc rất trung thành với chủ mình. Vậy thì, loài gia súc đã thuần hoá, có thuỷ chung với người trong nhà, hay không? Nữ giới trong cuộc, có được đối xử đồng đều như nam nhân không? Có được yêu thương kính trọng không thua kém nam nhân không?

Đó là qui cách mà nữ phụ Canaan dùng đến, cốt để thuyết phục Chúa. Chính bà là người dám bộc lộ với Chúa tâm trạng của người “ngoài luồng”. Và, kêu cầu của bà, chính ra là để mọi người trong cuộc nên coi lại mà đối xử bà ngang bằng như người trong cuộc, một khi dân con của Chúa tin vào tình thương và sự lương thiện. Đây còn nói lên một đặc trưng yêu thương là không bao hàm yếu tố “lằn ranh/biên giới”, trong với ngoài!

Ngay đến ý định của Chúa Cha khi chọn lựa con dân trong hoặc ngoài luồng để cứu rỗi, giống như thế. Chúa có tự do thực hiện việc chữa lành cho bất cứ ai, kể cả những người trong hay ngoài luồng. Họ vẫn là những hữu thể, cũng tử tế, ngang bằng nhau. Và, họ cởi mở, ăn ở phải phép hệt như nhau. Lời nài van của nữ phụ, tuy không nói rõ, nhưng đã chứng minh được điều đó. Và, kết quả là: Chúa đã ban cho bà những gì bà khẩn nài. Con gái bà được chữa lành. Vậy, ý của trình thuật thánh sử muốn nhấn mạnh, là: hãy coi khách lạ người dưng, như người nhà vậy.

Điều khác nữa, là: thông thường thì, loài thú ít được nhắc đến ở Tin Mừng. Nhưng, khi đã được nhắc nhở, chúng đều có tên. Ta biết được tên loài thú vào hôm kiệu lá, lễ Vượt Qua, là: chú lừa. Và, loài thú được nói đến, khi thánh Phêrô chối bỏ Thầy mình, là gà trống. Ngoài ra, còn có: chiên lạc. Dê hiền. Đàn heo sạch vv...

Có vị giáo lý viên nọ người Pháp, vẫn quen thói đặt tên cho một số loài thú được nhắc đến ở Tin Mừng, như: chú lừa vào lễ Vượt Qua gọi là: lừa Placiđô. Gà trống hôm thánh Phêrô chối Chúa, là gà “Archibald”, vv… Còn chó nuôi trong nhà, ở trình thuật hôm nay, nên đặt tên gì đây?

Còn một điều cần kể thêm, là: ở trình thuật các thánh ghi, bất cứ ai được Chúa chữa lành, đều đã trở thành đồ đệ đắc lực, quyết theo chân Ngài, mà rao giảng. Con gái nữ phụ xứ Canaan đây, có làm những việc như thế không?

Tựu trung thì, bài học mà thánh Mát-thêu để lại nơi người đọc hôm nay, là: khi nghe ai đó gọi người Ả Rập bằng những tên rất xấu, như “dân Rệp”, hoặc “bọn Hồi giáo chuyên khủng bố”, vv… thiết tưởng người nghe/đọc Tin Mừng cũng nên liên tưởng đến chú chó vẫn nằm chực dưới gầm bần của chủ, để được hưởng ơn mưa móc của người trong nhà. Suy cho cùng, thì: loài chó nuôi trong/ngoài nhà, vẫn là gia súc được yêu thương, nể trọng. Không phải vì chúng sở hữu đặc tính trung thành với chủ. Mà, vì chúng được coi như thành viên như người nhà. Không là người dưng nước lã, nữa.

Sở dĩ Đức Giêsu là Đấng chữa lành mọi người, trong ngoài nhà Israel, vì Ngài là Đấng Nhân Hiền trong cuộc. Rất cao cả. Học được bài học quý giá rút tỉa từ trình thuật hôm nay, hẳn người nghe/đọc, sẽ quyết tâm noi gương lành của Chúa mà xử thế. Xử giống như Ngài vẫn dạy.

Với tâm tình đó, cũng nên ngâm nga lời ca mà người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, từng bộc bạch:

“Gương hờn tủi phận, vùi son phấn,

Lược trách buồn duyên, lỡ đá vàng!

Hương sắc đắm chìm, thân mệnh bạc,

Thương lòng xót liễu, rụng đài trang!”

(Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân – Thương Tiếc)

Thương và tiếc, không chỉ “xót liễu, rụng đài trang” thôi, mà còn “trách buồn duyên, lỡ đá vàng”. Trách và thương, những ai vẫn cứ coi dân “ngoài luồng” như chú chó chạy ngoài đường, không thương tiếc. Mà quên rằng, Chúa vẫn tiếc và thương hết mọi người. Mọi loài. Vào mọi thời.

Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch